- Bạn bè như con c**.
Tụi bây ỷ tửu lượng cao rồi hùa nhau gạt bọn tao.
Đ* má, sao bữa đó mấy ông giao thông không hốt tụi bây về đồn một bữa đi.
- Mặt mày đã xấu mà còn bày đặt nhăn, nhìn không khác gì Tôn Ngộ Không lúc bị Hồng Hài Nhi châm lửa đốt.
- Bàn chân thúi của mày đặt ở đâu vậy hả? Mày sảy chân đạp một cái là nhà tao tuyệt tự hết.
- Dậy, dậy.
Tao với thằng Ngạn có mua bánh mì heo quay ngon lắm nè.
Tao còn đặc biệt mua cho mày một phần lòng gà, trứng non với xá xíu nướng.
Ê, hết giận tao đi mày...!Ê...!
Lê Đức Hoàng làu bàu chửi đổng thêm ít câu nữa, mới chịu đi đánh răng rửa mặt rồi ra ăn sáng với đám bạn.
Thằng Công tánh nết hiền khô nên chẳng hờn giận nhiều, nó chỉ trách hai đứa bạn sao liều lĩnh quá, gần tới ngày hẹn mà còn đi gây chuyện, ngộ nhỡ có gì bất trắc thì biết tính sao đây?
"King coong...!King coong..."
- Trời, đứa nào mà thuê cặp này đi đòi nợ bảo đảm lấy được tiền liền.
Hẹn giờ nào tới đúng giờ nấy.
Không sai một li...!- Đang bình phẩm ngon trớn, Nguyễn Chí Công chợt chưng hửng.
- Ủa mà nói vậy thì tụi mình trễ hẹn với người ta rồi?
- Ăn lẹ lên đi mấy con rùa! Nhất là cái con rùa miệng móm sọm đang uống cà-phê đó.
Năn nỉ mày mất cả tiếng đồng hồ.
- Sao mày hổng nói câu đó với con ghệ mày đi thằng quỷ sống.
- Lê Đức Hoàng dằn ly cà-phê đá xuống mặt bàn.
- Ê! - Tống Ngạn níu tay Lê Đức Hoàng.
- Gì nữa đây?
- Cái đầu tao nè.
Mày dọng xuống luôn đi.
"Cạch."
- Lâu lắc quá...!- Phùng Bác Văn vừa càu nhàu, vừa tung hứng chùm chìa khóa vạn năng.
Gã trai Nhật Bản đương bưng khay đồ uống mua từ Starbucks, tay còn lại xách một túi nylon đựng mấy hộp thức ăn thơm phức.
Hình như họ vẫn chưa ăn sáng.
Phùng Bác Văn tự nhiên kéo ghế cho mình và người yêu ngồi xuống.
Họ mở mấy hộp thức ăn ra, rồi soạn đũa, muỗng để ăn sáng.
Hai người chọn sushi làm món điểm tâm; có lẽ là sợ bị đau bụng nên họ mua toàn là sushi "chín".
- Tôi biết các người sẽ bê trễ, nên tới đây chờ luôn cho tiện.
- Vừa pha nước chấm, gã đàn ông điển trai ấy vừa nheo mắt nhìn họ.
Bên cạnh anh ta, Shito cũng đang pha nước chấm.
Cả nhóm ăn uống tới gần chín giờ mới xong.
Tính ra trễ hơn giờ hẹn những một tiếng đồng hồ, nhưng nhờ thế mà bọn họ có thêm thời gian để hàn huyên.
Phùng Bác Văn đưa bọn họ đến Tổng Y Viện Đinh Tiên Hoàng để nhận lại trái tim của Thường Khán Cảnh.
Hôm nay là Chủ nhật, một ngày đẹp trời nhiều nắng đầy mây, gió thổi mát rượi.
Họ trông thấy một người sĩ quan Quân Cảnh ngồi dưới gốc cây phượng vỹ nở hoa đỏ rực.
Anh ta đang đọc sổ sách chi đó mà có vẻ chú tâm lắm, nên đôi lông mày cau lại thật chặt.
- Các anh tới rồi à?
Phùng Bác Văn giơ tay chào theo kiểu quân đội với anh ta.
Người sĩ quan cũng chào đáp lễ, rồi mỉm miệng cười đợi y lên tiếng.
- Đây là giấy ủy thác của thiếu tướng Phạm.
Đôi mắt người sĩ quan ấy hơi thoáng qua vẻ nghi ngại.
Hai chữ "Ủy thác" không hề phù hợp với nhiệm vụ mà tướng Vân giao cho anh ta thi hành.
Tại sao lại phải nói dối?
- ...!Thôi, mời các anh đi theo tôi.
- Viên sĩ quan trẻ tuổi ái ngại tiếp nhận công văn ủy thác.
Nhà xác của Tổng Y Viện có hơn một chục cái xác, chủ yếu toàn của tử tù, ấy thế mà vẫn còn trống tới năm giường.
- Tới chiều là sẽ kín giường.
- Viên sĩ quan nói bằng giọng buồn hiu.
- Độ rày sao nhiều người nông nổi quá!
Thường Khán Bình vụt miệng hỏi:
- Còn tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc thì ở đâu?
- Không phải ở đây.
Nhưng ở đâu thì chúng tôi không được phép tiết lộ.
Xin lỗi anh.
Thường Khán Bình cười lấy lệ.
Thấy không ai bày tỏ ý kiến nữa, viên sĩ quan mới dẫn họ sang gian phòng kế bên.
Cảnh tượng trong phòng không khác chi phim kinh dị.
Tuy đã được phủ khăn trắng, nhưng mắt họ vẫn nhìn ra được từng tư thế của những cái xác không nguyên vẹn.
Cá biệt có thi thể bị chết cháy, xác nằm co quắp lại và nghiêng hẳn qua một bên như người ngủ quên không đắp mền bị lạnh run, lớp khăn phủ làm hằn rõ dáng người, thậm chí họ còn nghe ra cả tiếng rên "Hừ", "Hừ" vì bị rét của người đó nữa.
- Trời ơi, mày ác với tao lắm.
Mày cho tao ăn heo quay, rồi giờ mày đưa tao đi coi "người quay"...!
Nhìn thằng bạn miệng móm mếu máo kể lể mà Thường Khán Bình vừa cảm thấy thương, vừa cảm thấy mắc cười.
Song hiểu ra hoàn cảnh lúc này không có gì đáng vui, nên ráng nhịn cười.
- Họ là những con nghiện ma túy bị lên cơn ghiền không khống chế được bản thân, nên đã tự kết liễu chính mình và sát hại người xung quanh một cách hết sức dã man.
Để bảo đảm được tính công chính trong công cuộc khám nghiệm tử thi, chúng tôi phải che giấu những tử thi này trước khi có kết quả chính thức.
- Trái tim của Thường - Khán - Cảnh ở đâu? - Thường Khán Bình đi thẳng vào vấn đề nhằm tiết kiệm thì giờ cho đôi bên.
- Trước tiên phải thử ADN.
- Phùng Bác Văn nở nụ cười cáo lỗi với hắn.
- Tại sao phải thử ADN?
- Công chính.
Hết.
Thường Khán Bình siết tay thành hình nắm đấm, môi mím chặt, đôi mắt anh ta hướng về phía điều tra viên họ Phùng, ra vẻ vô cùng hờn trách vì đã khiến mình mừng hụt.
Rời khỏi nhà xác, đám nhà báo và cặp Shivan lên lầu Bốn gặp gỡ người phụ trách cuộc thử ADN.
Viên Quân cảnh hãy còn ở lại nhà xác để kiểm tra số liệu đã ghi trong sổ sách.
Thường Khán Huyền đương thảo luận với Bạch Lãng trong phòng xét nghiệm.
Cung cách của cả hai vô cùng nghiêm chỉnh và thận trọng.
Cúi đầu thưa cha mình xong, Thường Khán Bình tiến tới bắt tay với viên pháp y đã quá ngũ tuần.
Rồi đứng khép nép đợi ông ấy lên tiếng.
Nhưng Bạch Lãng chưa kịp mở miệng thì ông Huyền đã cất giọng nói:
- Vợ chồng tôi muốn tổ chức một bữa tiệc để bày tỏ lòng cảm ơn với thịnh tình mà quý vị đã dành cho thằng Cả.
Có thể tới khi vợ chồng tôi nhắm mắt xuôi tay, thằng Cả vẫn bị oan khuất, nhưng...!
Thấy cha mình rơm rớm nước mắt, Thường Khán Bình vội bước tới dỗ dành ông.
Rồi khẩn khoản nài van mời Bạch Lãng, cặp Shivan và nhóm điều tra viên dưới trướng thiếu tướng Phạm đến nhà chơi.
Phạm Đình Vân nghe vợ già gọi, bèn cắt đặt công việc cho sắp nhỏ lo liệu, rồi vào nhà vệ sinh chải chuốt đầu tóc và chỉnh trang lại quần áo.
Ông thường lái xe Jeep nhà binh mỗi bận đi làm, đi họp và đi khám nghiệm hiện trường.
Còn khi đi du ngoạn, ông thích lái những chiếc xe hơi thuộc dòng thể thao, cũ hay mới không quan trọng, miễn rằng nó còn lăn bánh là được rồi.
Bà Thường biết nay nhà mình có đông người tới, nên ra chợ mua rất nhiều món ăn ngon về chế biến để đãi đằng khách khứa.
Bà đã nấu món bò la-gu, gỏi rau tiến vua, súp cua, cá tai tượng chiên xù cuốn bánh tráng; không những thế, bà còn đặt ngoài hàng vài món ăn cầu kỳ khác như chả tôm, gà nướng lu, cơm chiên Dương Châu và nem lụi.
- Mời quý vị vô nhà tôi chơi.
- Nguyễn Kiều Trinh niềm nở tiếp đón.
Vóc dáng bà rất mực sang trọng và quý phái, khuôn mặt tròn trịa phúc hậu.
Tuy tuổi đã hơn sáu mươi, nhưng những đường nét trên gương mặt bà hãy còn rất hài hòa, đẹp đẽ.
Ắt hẳn thời trẻ bà từng là một hoa khôi rạng rỡ.
Thật chẳng bù với Khán Bình, khuôn mặt tầm thường quá đỗi, bao nhiêu vẻ xinh tươi của mẹ hắn không thừa hưởng được một miếng.
- Vui lên coi mày?
- Tao...!Tao nhìn con gà nướng lu mà nhớ lại cái xác hồi nãy...!
- Khét đen.
Con gà người ta nướng vàng ươm ngon vậy mà mày nỡ lòng nào đem ra so sánh với...!
- Bởi hồi đó tía má biểu tao vô ngành Y, tao hổng có chịu vô là đúng "ồi".
Tao mới gặp qua một lần mà nhớ mãi không quên.
Gặp ngày nào cũng thấy chắc tao lên chùa xuống tóc đi tu luôn quá!
- Mày ăn chay được một tuần, tao cùi! Bớt nói dóc nghen con?
Shito xin phép vào nhà vệ sinh.
Thường Khán Bình bèn dẫn anh ta đi.
Phùng Bác Văn thì theo chân mọi người vào phòng ăn nhập tiệc.
- Hoàng.
- Dạ?.
ngôn tình tổng tài
Bà Thường gắp cái cánh gà nướng thơm phức cho Lê Đức Hoàng ăn.
Bà thấy thằng bạn của con trai mình ăn ít hơn mọi bữa thì sốt ruột hỏi:
- Con nói cho mạ biết, bữa ni con bị chi mà răng ăn ít thế?
Thường Khán Bình đằng hắng.
Lê Đức Hoàng rụt vai lại, đoạn đáp nhỏ xíu:
- Thưa mạ, chắc con bị say xe.
- Mình không làm chuyện ác thì chẳng sợ chi con ạ.
Có người chết nhẹ nhàng, nằm xuống trút hơi thở cuối cùng là xong.
Có người lại chết đau chết đớn, chết bơ vơ, chết tủi hờn.
Âu cũng là duyên nghiệp, phần số của mỗi người.
"Cạch." Thường Khán Bình dằn mạnh đôi đũa xuống bàn.
- Mạ, con không tin đâu.
Kể từ sau cái chết của anh Cả, con không còn tin vào Nhân Quả - Báo Ứng nữa.
Dường như không nghe thấy giọng nói hằn học của con trai, nên bà gắp cho nó một thanh chả tôm, rồi dịu giọng nói:
- Con còn quá trẻ, Ba à.
Vợ chồng Bạch Lãng đưa mắt nhìn nhau, rồi mím miệng và cười buồn.
Trước lúc chết, mẹ con Hàn Triệt và Cảnh Hòa đã có dấu hiệu lên cơn hoang tưởng; loại thuốc này có khả năng gây ám thị lên người mắc phải, khiến họ bị tin vào những chuyện chưa từng xảy ra trong quá khứ và không hề có thật ở thời điểm hiện tại.
Theo bản giám định cho thấy, hung thủ đã đầu độc họ bằng loại thuốc này hằng ngày, nên tới khi cơ thể không còn đủ khả năng chống trả nữa, nó đã chiếm quyền điều khiển não bộ của họ, gây ra chứng rối loạn nhận thức và hành vi.
Chợt ngoài cổng có giọng nói eo éo vọng vào:
- Thưa thầy, thưa mạ con mới về.
Bà Thường mừng rỡ đi ra mở cổng cho đứa con trai Út.
- Nó là quân thiếu sinh của trường thiếu sinh quân Quang Trung.
Năm nay được mười bốn tuổi rồi.
Hai vợ chồng rôm rả kể lại những thành tích mà cậu thiếu niên tên Yên đạt được trong suốt các năm học vừa qua.
Ba anh em ghép tên lại sẽ thành "Cảnh - Bình - Yên".
Đó là mong ước của vợ chồng họ, nhưng mãi vẫn chưa được toại nguyện.
- Sau này con muốn vào quân chủng nào? Hải, Lục hay Không quân?
- Dạ, thưa thiếu tướng, con muốn vào Không quân.
- Ừ, "Nhảy dù cố gắng".
- Vụ án oan của Khán Cảnh bắt đầu từ năm nào? - Bạch Lãng nhắc khéo mọi người nhớ tới lý do tại sao có mặt ở đây.
- Năm Khán Cảnh hai mươi ba tuổi, Khán Bình mười tuổi, Khán Yên chưa ra đời.
Sau bốn năm giam giữ để điều tra lại các tình tiết không hợp lý, đột nhiên gia đình tôi nhận được tin tức thằng Cả treo cổ tự vẫn trong tù.
"Sống phải thấy người, chết phải thấy xác", vì câu nói ấy mà gia đình tôi nhất quyết đi đòi thi thể của nó tới cùng, song đám chó đẻ đó cứ khất lần khất lữa, rồi kéo dài tới tận hai mươi mốt năm nay mà vẫn không thấy trao trả một mẩu xương, cọng tóc nào của thằng Cả.
- Khoan.
Khoan.
Trong tờ khai, Francis Châu ghi nhận mình chỉ có hai mươi ba tuổi, trong khi đó tuổi thật của anh đã tròn ba mươi.
Có phải anh ta ghi nhận theo sự mách bảo của Khán Cảnh không? Vì anh ta ghép tim của Khán Cảnh vào năm tám tuổi rưỡi, tính đến nay đã được hai mươi mốt năm có lẻ.
- Bạch Lãng thảng thốt kêu lên.
- Giọng nói mà tôi nghe thấy lúc ở phòng hỏi cung là tiếng của một người đàn ông miền Trung đã ngoài tứ tuần.
- Tào Việt Bân nguýt môi, ánh mắt ngó lung.
Mạnh Cường vỗ vai trấn an cậu bạn Đại Hàn, rồi gắp cho cậu ta một viên nem lụi.
- Thành thật xin lỗi, nhưng "Cảnh - Bình - Yên" hình như chênh lệch tuổi với nhau hơi "chinh"? - Phạm Đình Vân góp lời.
- Phải, do áp lực từ chỗ làm nên hai vợ chồng tôi cố lắm mới "mót" được từng đứa.
Đứa nào đứa nấy cách nhau xa lắc xa lơ như trẻ dị bào.
Chúng tôi kết hôn hồi năm vợ tôi mười tám, tôi mới hai mươi mốt, tới nay là gần được năm mươi năm rồi.
Gắn bó với xưởng cơ khí cũng đã được hai mươi mấy năm, chợ búa thì bốn mươi mấy năm.
Rồi đùng một cái, bao nhiêu tài sản mà vợ chồng tôi dành dụm được đổ sông đổ biển vì chạy tiền đi lo kiện tụng cho thằng Cả.
Bạch Lãng nhìn ông chồng già mà nở nụ cười nhuộm màu hoài niệm.
- Để củng cố "bằng chứng" thằng Cả giết người, họ thuê diễn viên dựng hiện trường lại rồi chỉnh sửa mốc thời gian cho ăn khớp với hoàn cảnh thật.
Vì người bị giết là thiếu phụ quyền quý, nên khắp nhà đều được lắp đặt camera an ninh.
Thật mỉa mai khi cuốn băng gốc bị "thất lạc", còn cuốn băng ngụy tạo lại được đưa ra tòa làm bằng chứng.
- Sao anh lại nhận ra được?
- Thưa ông, số là đứa em họ tôi lấy nghề cầm đồ làm kế sinh nhai.
Nó chuyên sưu tầm những món đồ cũ để trưng chơi.
Một bữa nó mua được cái camera cùng hãng với cái mà nhà bà thiếu phụ xài, nên lắp đặt thử xem nó có chạy không.
Tôi tình cờ có mặt ở đó, nên mới biết được cách trình bày và bố cục màn hình hiển thị của camera.
Nhờ thế mà tôi mới biết họ đã giở trò khai gian.
Không để đám điều tra viên hỏi mình, Thường Khán Huyền đã vội giải thích thêm:
- Sợ rằng chúng vu cáo tôi bịa chuyện, trước khi công bố chuyện này và thông báo với luật sư, tôi đã đi khắp nơi tìm kiếm tài liệu về dòng máy camera này suốt nửa năm ròng, và đã thu được một kết quả đồng nhất.
Do đó, tôi liền cậy luật sư gửi đơn ra tòa xin kháng cáo tiếp.
Cũng may là chúng ỷ y, nên tôi mới có thể vạch mặt chúng ngay giữa tòa.
Một phần là nhờ chủ tọa và bồi thẩm đoàn còn có lương tri, nên đã hủy tội danh và mức án phạt đã tuyên ở phiên tòa trước...!
Thường Khán Huyền che mặt khóc nức nở.
Bầu không khí chợt trở nên nặng nề khôn cùng.
Không ai còn nhai nuốt nổi nữa.
Tất cả đều đưa mắt nhìn nhau đợi người cha khốn khổ ấy cất tiếng nói.
Con thằn lằn bám ở trên trần nhà như cũng đương tò mò tợn, nên tặc lưỡi vài tiếng thật lớn thúc giục ông.
- Nhưng thật không ngờ, cũng bởi tại thế mà chúng đã thủ tiêu luôn con trai của tôi.
Rồi nhờ đám bồi bút biên bài rằng, "Ăn năn trước tội ác của mình, hung thủ ra tay sát hại bà X đã chọn cách treo cổ tự vẫn".
- Hoang đường! Không bao giờ được phép tùy tiện gọi nghi phạm là hung thủ khi chưa có kết luận chính thức và chắc chắn.
Như thế là ép cung rồi...!- Phạm Đình Vân trân trối nhìn người đàn ông lớn hơn mình vài tuổi, và khổ não hơn mình gấp bội phần.
Thường Khán Huyền khui thêm lon bia, uống hết veo trong một lần.
Rồi từ giây phút đó, ông như thể hóa thành pho tượng đá, chẳng nói chẳng rằng, cũng chẳng ăn chẳng uống, cứ đưa đôi mắt ngó vách tủ thờ thật lung, thật buồn.
Nguyễn Kiều Trinh chợt hát một đoạn trong bài "Buồn, Vui đời người" mà bà đã từng nghe qua giọng ca của nữ ca sĩ Khánh Ly:
"Một người điên, điên suốt hai mươi năm liền
Buồn khóc như một trẻ thơ
Cười vui như loài khỉ già
Một người đi, đi mấy mươi năm qua liền
Vầng trán in nhiều vết nhăn
Thì ra nay mình đã già
Tôi muốn quên những chuyện đau thương ngày ấy
Muốn quên lại càng nhớ thêm
Nhớ thêm lại càng muốn quên..."
- Rồi, hát chơi một đoạn nha mọi người.
- Không muốn thấy mọi người mang khuôn mặt sầu não và ái ngại nữa, nên Thường Khán Bình đành vô lễ đề nghị thay thầy mạ mình.
Tống Ngạn hiểu ý, bèn trích tiểu sử và hoàn cảnh sáng tác của một người nhạc sĩ Mỹ Tho để vào đề luôn:
- Anh Việt Thu có một người bạn thi sĩ tên là Anh Phương.
Họ khắn khít với nhau đến nỗi thấu hiểu tâm tư và niềm đau của đối phương.
Bởi vì thế mà họ đã cho rằng mình và vị tri kỷ kia là hai vì sao lạc xuống nhân gian và vô tình được tương phùng.
Để kỷ niệm tình bạn nồng thắm của hai người, ông Anh Việt Thu đã sáng tác nên ca khúc "Hai vì sao lạc", trong nhạc phẩm này ông dùng ngôi xưng là "Người".
Điểm chung của "Hai vì sao" ấy là họ đã về Trời khi tuổi đời còn hồng thắm xuân xanh.
Lê Đức Hoàng cao hứng hát:
"...!Người là vì sao nhỏ bé
Ta mãi ước cho lòng làm bầu trời xanh xanh
Người về lòng ta thương nhớ
Ta khẽ hỏi đưa người hay người thầm đưa ta..."
- Tao nghe Tuấn Vũ hát thấy mê, tới mày hát thấy ghê.
- Thường Khán Bình nhéo đùi để ra hiệu cho con vịt đực ấy im miệng.
- Quê mày?
Bất giác Mạnh Cường và Tào Việt Bân quay sang nhìn nhau cười.
"Hai vì sao lạc" đã cùng nhau "Đi về phía Mặt trời" huy hoàng, để lại cho nhân gian một nỗi niềm tiếc thương vì "Xa dấu ngựa hồng".
- Anh Hứa Văn Cường hát chơi một bài nghen anh?
- "Đi về phía Mặt trời", bài hát được nhạc sĩ Anh Việt Thu sáng tác trong lúc nằm thoi thóp trên giường bệnh vì chứng suy thận.
Một bài hát trối trăn về những dự tính cho tương lai của những người thân yêu khi ông ấy qua đời.
Tôi ca không hay bằng bác Duy Khánh đâu, quý vị thông cảm nha.
- Bởi có tài thiệt sự, thì dẫu sắp chết, vẫn kịp để lại kiệt tác cho đời.
- Lê Đức Hoàng bùi ngùi nói.
Rồi đột nhiên cất giọng bất bình.
- Nhiều kẻ thời nay thiệt ngộ, thích tâng bốc và sùng bái bọn ăn nói tục tĩu và thô lỗ, thậm chí còn khen ngợi đám đó "cá tính" nữa.
- "Cá tính" đúng người thì chỉ có vợ chồng Lê Uyên - Phương, nhạc sĩ Trường Kỳ, The Dreamers, Phượng Hoàng band, The Uptight,...!Lời ca của họ sắc sảo và mạnh mẽ, ngôn từ cứng rắn mà vẫn giàu chất thơ và triết lý.
Ở nhà bị ba mẹ chửi thì làm mình làm mẩy, mặt nhăn hơn con khỉ ăn ớt, ấy thế mà lại chịu bỏ thì giờ đi nghe người dưng nước lã chửi lộn trên mạng.
- Nguyễn Chí Công lắc đầu chán chường.
- Mày nói câu đó chắc khối kẻ "thương" mày lắm.
- Ối, hơi đâu bận tâm.
Tao để dành sức lực đi làm kiếm tiền nuôi xấp em với tía má dưới quê tốt hơn nhiều.
Mày thấy tánh tao ba lơn như vậy, chớ khó lắm nghen con.
Hổng phải là tao nói liền, chớ hổng phải sợ mích lòng mà bải buôi, "tình quờ" đâu.
Mà mày thấy vụ hồi sáng hôn? Tao chửi tục có mấy câu mà lỗ tai mày lùng bùng như bị chọc màng nhĩ...!
- Tao hiểu rồi.
Stop nghen? - Thường Khán Bình làm động tác méo mặt.
- Ờ.
- Lê Đức Hoàng hơi nhếch môi.
- Thằng Ngạn chơi guitar hay lắm.
Để nó đàn, còn thằng...!
- Thôi, tao hổng hát đâu.
- Nguyễn Chí Công lắc đầu nguầy nguậy.
- Để em hát cho, anh Ba.
- Thường Khán Yên nhanh nhảu xen vào.
Cái miệng vẫn còn nhai thức ăn nhóp nhép.
- Mày muốn hát bài gì?
- Dạ, "Khi người lính trẻ trở về Quê Hương" của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.
Hôm qua em nghe bác Nhật Trường hát bài này trên xe lam hay lắm.
- Mày nhập ngũ hồi nào mà hát bài này?
- Thì tương lai sau này.
- Thôi để em Út nó hát đi con.
- Bà phì cười.
Song đôi mắt đã ngân ngấn lệ.
Tống Ngạn nhắm nghiền mắt một đỗi, những ngón tay lướt nhanh trên dây đàn và phím bấm, rồi mới bắt đầu gảy đàn.
Trong lúc ấy, Thường Khán Yên húng hắng vài tiếng để luyện giọng.
- Hát đi chú lính sữa.
- Tống Ngạn bông đùa.
Thường Khán Yên hớn hở hát vang như lúc tham gia sinh hoạt cắm trại ở trường, mặc cho bản thân đương bị vỡ giọng:
"...!A! Chân lơn tơn qua sình qua đá qua lạch qua sông qua đồng qua mương qua rừng qua núi
"A! Khi đi đò máy, lúc chạy xe lô, khi đi thổ mộ, lúc leo xe đò
Ôi lắc lư, lắc lư
Ôi ngất ngây, ngất ngây
Đi mất mấy ngày..."
- Sao hổng hát nữa?
- Hết hơi.
- Thường Khán Yên thở hồng hộc, mặt mày đỏ gay như trái gấc.
Nguyên nhà vỗ tay cười rần.
- Chưa tới nhà mà, hát nữa đi em.
- Tống Ngạn vỗ vai khuyến khích.
- Ổng là một trong "Tứ trụ Nhạc Vàng" đó con.
Mày nghĩ sao lại chọn bài "ruột" của ổng mà hát hả?
Dù rằng rất muốn cự lại ông anh Ba, nhưng "sức cùng lực kiệt" rồi, nên Út Yên chỉ còn biết giương mắt nhìn anh trân trân.
- Ngạn, hát đi mày.
- Thường Khán Bình lại đề nghị.
Tống Ngạn so dây, chỉnh lại các phím bấm, rồi trầm giọng giới thiệu tên của ca khúc sẽ trình bày:
- Tôi sẽ hát một tình khúc của chàng lính biển Mặc Thế Nhân và nhạc sĩ Nhật Ngân, rất nổi tiếng qua giọng hát của Tuấn Vũ và Tuấn Ngọc, vâng, bài hát ấy có nhan đề là "Cho vừa lòng em".
- Ê, mày móc họng tao hay gì?
- Ừ, "Cho vừa lòng mày".
Tao không muốn hát mà mày cứ nài hoài.
- Tống Ngạn nói đoạn, uống nốt chỗ bia trong ly cối đầy đá viên lành lạnh.
Rồi mới chịu hát.
Tiếng ca của anh ta trong vắt, thoảng hơi lạnh, có thể ví giọng hát ấy với những cơn mưa đầu mùa nặng hạt, vừa trầm mặc sắc trời xám xịt, vừa toát lên đôi nét hy vọng về mùa màng tốt tươi sau cơn mưa dầm dề, lê thê.
Lâu rồi mới có người mời mình đến nhà dự tiệc, nên viên pháp y già rất vui.
Ông ăn uống hết sức tự nhiên, trò chuyện xôm tụ với sắp nhỏ, cũng như săn sóc ông chồng đã lót tót theo mình hơn nửa đời.
Tính chất nghề nghiệp đã biến ông thành một cái "xác sống" đúng nghĩa, bởi vì thế mà không ai muốn mời ông tham dự tiệc tùng, giỗ quải, nhất là ăn tân gia và thôi nôi, do họ sợ mùi tử khí trên người ông sẽ mang tới xúi quẩy.
Thấy vợ vui, Phạm Đình Vân cũng vui lây.
Ông hết gắp món này tới món kia vào trong chén của bạn đời.
Thỉnh thoảng thì thầm hỏi cục cưng ăn có ngon miệng không.
Thường Khán Huyền vào nhà vệ sinh đã hơn nửa tiếng.
Ngoài này mọi người đã dẹp chương trình âm nhạc "cây nhà lá vườn" để tiếp tục thảo luận về vụ án oan của Hai Cảnh.
Khi trở ra, ông chủ nhà đã thay sang bộ đồ khác.
Có vẻ như ông đã khóc sướt mướt nên đôi mắt sưng húp, tấy đỏ.
Vừa thấy mặt ông, Phạm Đình Vân liền hỏi:
- Nếu kết quả không trùng khớp thì sao hả anh?
- Thì thôi.
Đã quá nhiều người mất mạng và phát điên vì chuyện này, nhất là cậu pháp y Cảnh, bởi muốn giúp chúng tôi lật lại vụ án mà đã bị tra tấn man rợ như thời Trung Cổ.
Chúng tôi nợ ơn cậu ấy quá nhiều rồi.
Chúng tôi không muốn gây thêm một khổ nạn nào cho cậu ấy nữa.
- Hình như tên của cậu ấy là Chiêu chứ không phải Cảnh.
- Cậu ấy thích gọi bằng cái tên lót hơn là cái tên chính thức.
- À...!- Bạch Lãng gật gù.
Cặp Shivan giữ im lặng trong suốt bữa tiệc thịnh soạn.
Cũng may Kha Ngạn và Viên Thùy không có mặt ở đây, nếu không thì lôi thôi to.
Bởi họ sẽ truy vấn Phùng Bác Văn đến cùng về chuyện giả chết suốt mấy tháng qua.
...!
Tảng sáng hôm sau, cả bọn lại lên đường tới Bạc Liêu.
Chiếc Mitsubishi đã thay bốn cái vỏ mới cắt chỉ, khắp trong và ngoài chiếc xe đã được lau rửa sạch sẽ, bình xăng cũng đã đổ đầy nhóc.
Một bộ dáng trông chờ họ leo lên xe để nó đưa đi khắp nơi.
Vẫn như mọi khi, họ ghé vào một quán ăn để ăn lót dạ.
Lần này thì Lê Đức Hoàng đề nghị dùng món bún nước lèo Sóc Trăng, còn đứa nào kỵ mùi mắm muối thì gọi món bún khác.
"...!Dân gian ca rằng: Bạc Liêu là xứ cơ cầu
Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu
Nghe danh công tử Bạc Liêu đốt tiền nấu trứng, tỏ ra mình giàu..."
Bản nhạc "Bạc Liêu hoài cổ" do ca sĩ Phi Nhung trình bày phát ra từ chiếc máy cát-xét bên nhà hàng xóm vọng sang nhà viên pháp y họ Trần.
Bữa nay thứ Hai, nhưng Trần Cảnh Chiêu không đi làm.
Anh ở nhà pha trà, dọn bàn đón nhóm nhà báo phiền phức.
Bà nội của anh vốn mến khách nên đã đi chợ từ lúc trời vừa hừng đông để kịp mua bánh trái ngon về tiếp đãi bạn bè anh; chắc bà cũng sắp sửa về rồi.
Trần Cảnh Chiêu rảnh tay ra quét tước sân trước trong lúc đợi nhóm nhà báo U30.
Những cánh phượng hồng nằm vương trên một góc sân, trông như thể một đàn bướm cánh mỏng thơ ngây và vô ưu.
Sẵn tiện, anh lấy gáo dừa múc nước tưới cho khóm hoa đồng nội trồng bên cạnh giậu mồng tơi; cái lu bằng đất nung tráng men bóng loáng, mỗi độ miền Nam vào mùa mưa gia đình anh thường dùng nó để hứng nước mưa nhằm giảm bớt tiền nước tưới tiêu cho cây trồng.
Kiễng chân lên một chút, anh đã hái được mấy trái xoài Cát ngon tuyệt làm quà tặng khách phương xa.
"Tin!"
- Ra liền!!! - Trần Cảnh Chiêu ném cái gáo dừa vào lu nước, rồi ba chân bốn cẳng chạy tới mở cổng.
Chiếc xe Mitsubishi đậu dưới tán cây xoài sum sê mọc gần hàng rào bên phía cánh phải.
Ba người kia xuống xe trước, còn Thường Khán Bình ở lại vì hắn mắc bận gọi điện hỏi thăm cha mẹ mình về kết quả xét nghiệm ADN; dẫu rằng hai ngày nữa mới có, nhưng hắn vẫn muốn hỏi thăm để trong lòng vơi bớt nỗi âu lo.
- Xuống đi mậy.
- Nguyễn Chí Công ghé mặt vào sát ô cửa sổ nhắc nhở.
- Nghe rồi.
- Thường Khán Bình thuận thế véo lỗ tai của thằng bạn răng khểnh ưa ngủ dai.
Rồi mở cửa xe bước xuống.
- Thứ lỗi cho tôi hỏi khí không, nhưng anh theo đạo nào? - Tống Ngạn vừa cột lại dây giày, vừa bắt chuyện với pháp y Chiêu.
- Bên mẹ tôi theo Chúa, bên ba tôi theo Phật.
Tôi cũng theo Chúa như mẹ tôi.
- Trần Cảnh Chiêu dẫn họ ghé thăm một chái nhà ngoài vườn, nơi ấy là nơi thờ tự Thiên Chúa của anh và mẹ.
Trần Cảnh Chiêu giới thiệu thêm, chái nhà thờ tự Thiên Chúa ấy là do chính tay ba anh và các cậu, các bác bên nội xây cất và trang trí, để tỏ rõ tấm lòng tôn trọng tôn giáo mà nhà dâu tin kính.
Việc ấy đã góp phần xóa nhòa đi ác cảm bên ngoại anh.
- Ba tôi gửi cho mẹ tôi ca khúc "Tình người ngoại đạo" do ca sĩ Anh Khoa trình bày.
Mẹ tôi nghe xong, bèn bất chấp tất cả mà đến với ba tôi, nhưng với một điều kiện: Không được phép bắt bà cải đạo.
Nội tôi thì rất dễ, chỉ cần mẹ tôi chịu làm lễ gia tiên là xong.
Nhưng bên ngoại lại không chấp nhận chàng rể ngoại đạo, nên hai người phải tranh đấu suốt bảy năm ròng, mới có thể tiến tới hôn nhân với nhau.
Ba mẹ tôi cử hành tới hai cái lễ: Một lễ theo nghi thức bên Công giáo và một lễ gia tiên như truyền thống nhà nội.
Chái nhà rộng khoảng một trăm mét vuông.
Sàn nhà lát gạch men nguyên khối màu đen sương sáo, trước lối vào có đặt một kệ tủ cao khoảng mét rưỡi để các bạn giáo dân cất giày, dép.
Bên trong bày trí đầy đủ hình thức thờ tự của người Công Giáo.
Ngoài ra, nơi đây còn được trang hoàng vô số vòng hoa tuyệt đẹp và những chậu hoa vải tươi tắn như thật.
Trên bức tường phía bên phải, có treo một tấm lịch in hình Đức Giáo Hoàng.
Một bộ bàn ghế đủ chỗ cho hai mươi người ngồi được đặt dưới chiếc đèn chùm pha lê sang quý và khá lớn; họ sẽ ngồi ở đây nói chuyện với nhau.
- Cây thánh giá ấy do đích thân ba tôi đẽo cho mẹ.
- Trần Cảnh Chiêu khẽ khàng bộc bạch.
- Anh hát lại một đoạn của ca khúc "Tình người ngoại đạo" được không? - Lê Đức Hoàng nhìn anh ta đầy "cầu khẩn".
Trần Cảnh Chiêu quỳ dưới tượng Chúa Jesus, hai tay chắp lại cầu nguyện một lúc, rồi cất giọng hát nho nhỏ:
"Lạy Chúa con thương nàng đã lâu rồi
Thương thật nhiều nhưng con chưa dám nói
Con thương nàng đã lâu rồi
Mà chưa dám hé môi
Ngại ngùng không cùng tôn giáo thôi..."
Ngoài sân, gà mẹ đang dẫn đàn gà con đi tìm giun đất.
Mặt trời mùa Hạ chứa chan xiết bao màu thời gian.
Ve sầu nấp mình trong những tán cây ăn trái xanh tốt mà hát ca inh ỏi.
"...!Con xin được sống bên nàng
Người con gái đoan trang
Kính mến tôn thờ Chúa...!Amen..."
Trần Cảnh Chiêu hát xong, liền đứng dậy, rồi mời họ ngồi vào bàn.
- Tôi chúa ghét bất cứ ai ép người khác phải tin vào tín ngưỡng mình đương mang.
Tôn giáo là một cơ duyên, ai có duyên với Chúa thì theo Chúa, ai có duyên với Phật thì theo Phật.
Chứ đừng có đặt điều, bôi nhọ hay hạ bệ tôn giáo của người khác để đề cao tôn giáo của mình.
- Anh nói đâu xa, Công Giáo và Tin Lành, tuy đều là Kito Hữu, nhưng hình thức sinh hoạt tôn giáo và các giáo lý hoàn toàn khác nhau.
Nếu như anh là người ngoại đạo, anh sẽ không bao giờ hiểu nổi đâu...!Nhưng mà, anh theo Nam Tông hay Bắc Tông?
- Tôi không theo bên nào hết.
Tôi chỉ tin Phật Giáo nguyên thủy thời Đấng Thế Tôn hãy còn tại thế, nhất là thường xuyên đọc Kinh Pháp Cú để sửa lỗi bản thân.
Đức Phật Thích Ca không chia hệ phái, tại sao chúng ta phải chia?
- Câu hỏi của anh rất dễ đụng chạm đến vô số người...!
Tống Ngạn mỉm miệng cười, không trả lời trả vốn chi cả.
- Nhạc sĩ Vũ Thành An là một thầy Phó Tế vĩnh viễn.
Facebook của cụ là Deacon Vũ Thành An.
Cụ rất nổi tiếng với những bài hát mang tựa đề "Không tên" có đánh số.
- Trần Cảnh Chiêu nói lảng sang chuyện khác.
Tôn giáo và Chính trị luôn là hai trong những đề tài dễ biến bạn thành thù nhất.
- Anh thích bài không tên nào? - Lê Đức Hoàng mở gói đậu phộng rang ra mời mọi người.
- "Bài không tên số Bảy", "Bài không tên số Bảy trở lại", "Bài không tên trở lại cuối cùng".
- Anh có biết điều gì đáng sợ nhất không? - Đôi mắt của Tống Ngạn bỗng man mác buồn.
Lần này Trần Cảnh Chiêu không trả lời.
- Đó là Sự Thật.
Một khi anh thấy được Sự Thật, con người anh tự khắc thay đổi so với trước đây hoàn toàn.
Cố nhạc sĩ Trúc Phương không chỉ thấy được nó, mà còn tự mình nếm trải qua nó, nên lời ca của cụ luôn triết lý khôn cùng.
Thảo luận tới hơn mười một giờ, nhóm nhà báo mới đánh tiếng ra về.
Nhưng chưa kịp lên xe rời đi, bà nội của pháp y Chiêu đã giữ rịt nhóm nhà báo ở lại dùng cơm trưa với con cháu và mình.
Vì coi bà như bà của mình, mà nhóm nhà báo đều đồng ý ở lại ăn cơm.
Bà mừng lắm, nên vội giục các bạn của cháu trai xuống nhà sau kẻo đồ ăn nguội lạnh thì mất ngon.
Cháu dâu bà bữa nay nấu món hủ tíu bò kho cay ăn với xá bấu tự tay muối khô rất ngon.
Không những thế, cháu dâu còn cất công nấu một nồi nước sâm bông cúc nhãn nhục uống giải nhiệt.
Trong bữa ăn trưa ngon tuyệt ấy, Tống Ngạn nhắc đến công cuộc xây cất trường dòng do một anh Nam Mỹ bỏ vốn, và ngỏ ý muốn viếng thăm.
Nghe vậy, Trần Cảnh Chiêu bèn trả lời rằng có thể đưa anh ta và các bạn tới đó chơi.
Bà nội anh dặn dò cháu trai nhớ bỏ chút tiền quyên góp đặng đỡ đần chi phí sinh hoạt cho các bà phước và các bé thiếu nhi không nơi nương tựa ở đấy.
- Nè, mấy đứa.
Đem theo mấy chai nước sâm uống cho khỏe người.
Giờ ngoài đường nó bỏ ba cái giống gì đâu không nên uống vào dễ bị chột bụng lắm.
Ngang qua một góc trường Tiểu Học, bản nhạc "Học sinh hành khúc" do nhạc sĩ Lê Thương sáng tác vọng đến tai bọn họ.
- Anh có nghe rõ câu hát ấy không?
- Câu nào?
Tống Ngạn đội lại cái nón lưỡi trai, rồi thủng thẳng đáp:
- "Theo các thanh niên sống vì giống nòi.
Liều thân vì Nước, vì dân mà thôi."
- Phải, không có chữ nào nhắc rằng phải vì một cái đảng nào hết.
- Trần Cảnh Chiêu vỡ lẽ.
Tống Ngạn mỉm miệng cười.
Ngôi nhà này là do Cha xứ tìm giúp Judas, giá thuê mỗi tháng là bảy trăm đồng, gồm một trệt, một gác lửng, có sân thượng và sân vườn, diện tích ước khoảng ba trăm mét vuông.
Quanh nhà cây cối mọc um tùm, bên ngoài nhìn vào trông chẳng khác nào một khu rừng mưa nhiệt đới xanh mát.
Hai cây nhãn da bò đặc sản xứ Bạc Liêu tỏa hương thơm bát ngát, như muốn chiêu dụ khách phương xa vào nhà nói chuyện phiếm với chủ nhân.
Những khóm hoa sao nháy chen nhau khoe sắc dưới chân hai cây cột nơi hàng rào, những cánh hoa mỏng mảnh tựa cánh bướm vườn Xuân.
Bản nhạc "Ave Maria" do danh ca Thái Thanh đón chào họ trước tiên.
Ấn chuông mãi đến hồi thứ ba, người đàn ông Nam Mỹ ấy mới ra mở cổng rước họ vào nhà.
Chắc có lẽ do ảnh hưởng của công việc luật sư, nên tuy đương ở nhà, nhưng anh ta vẫn ăn bận rất chỉnh tề và lịch sự.
Judas mỉm một nụ cười vô cùng khuôn sáo.
Vừa mở khóa cổng rào, vừa niềm nở hỏi han từng người.
- Anh có nghe danh linh mục Manuel Ngô Kỳ Anh không? - Tống Ngạn vuốt ve phiến lá cọ to bản.
Con đường dẫn vào cửa chính được lát đá vuông, hai bên đường trồng rất nhiều hoa dừa cạn, hoa mồng gà, hoa móng tay, hoa cúc vàng,...!rất dễ làm khách ghé thăm cảm tưởng mình đương bước trên một thảm hoa lộng lẫy và dài ngút tầm mắt.
- Mục sư Manuel Ngô Kỳ Anh không được Hội Thánh Tin Lành nhận xét tốt.
Bởi tác phong của anh ta không hợp cách đối với chức sắc đang mang.
Rất nhiều lần các Mục sư lớn tuổi đã khiển trách anh ta về việc hát những bài ca diễm tình trong Thánh đường...!
Trần Cảnh Chiêu bỗng đề nghị đi gặp Mục sư Manuel Ngô.
Anh ta chợt cảm thấy có hứng thú dò xét người tu sĩ không ngoan đạo ấy.
Rất nhiều lần, anh đã từng đọc qua những câu chuyện về quá khứ bất hảo của một số tu sĩ và tăng sĩ, họ quen biết với giới giang hồ rất rộng rãi, nên có thể cung cấp rất nhiều tài liệu cho phía cơ quan điều tra.
Judas hơi phật lòng vì thái độ vô duyên của viên pháp y trẻ tuổi.
Song gã đã kịp thời khống chế cơn nóng giận muốn bùng phát, mà ráng nhoẻn miệng cười và ngỏ lời dẫn đường cho họ.
Gã toan xoay lưng đi về phía garage để lấy xe đi, thì Thường Khán Bình đã ngăn lại, anh ta trỏ vào chiếc xe Mitsubishi bảy chỗ đậu sát vỉa hè, đoạn bảo: "Dư sức qua cầu."
Đây là lần đầu tiên Trần Cảnh Chiêu viếng thăm nhà thờ Tin Lành.
Mấy mươi năm nay, anh chỉ lui tới mỗi nhà thờ Công Giáo.
Kiến trúc của nhà thờ Tin Lành không có gì khác biệt đến nỗi bắt buộc anh phải lưu tâm sâu sắc.
Nhà thờ Tin Lành ấy mang tên Thánh Paul, nằm khiêm nhượng trong một khu cư xá trung lưu nề nếp.
Vẫn như mọi khi, Manuel Ngô vừa ca hát theo giọng của Duy Trác trong bài "Mắt biếc", vừa cắt tỉa cây cảnh:
"Nhớ tới năm xưa bên nhau
Bước trong chiều mưa, phím ru nhẹ đưa
Bến cũ đam mê say sưa, lá thu còn đưa..."
Ca khúc này được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên viết cho vợ mình là bà Đoàn Thanh Vân.
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, đôi mắt của bà không phải là cặp mắt nai vàng hay bồ câu hiền hòa, mà là dạng mắt một mí, mỗi khi cười rộ lên là nhắm tịt lại, trông vô cùng hồn nhiên và đáng yêu.
Ngoài nhạc phẩm này, cụ còn viết thêm bài "Em còn nhớ mùa Xuân" để dành tặng người tình muôn thuở của mình sau quãng thời gian cách trở, chia ly.
Kể cũng lạ, do thời cuộc biến động mà cả cụ ông và cụ bà đều lưu lạc đến Canada, và tại đây, như một phép nhiệm mầu, họ gặp lại nhau trong sự vui sướng khôn xiết và kinh ngạc tới độ không dám tin đây là sự thật.
Không hẹn mà gặp, họ trông thấy cặp Shivan đang ngồi tựa đầu vào nhau dưới tán cây cát đằng vàng nắng; hai người đàn ông ấy hình như đang tổ chức một buổi tiệc dã ngoại nho nhỏ, trên tấm bạt kẻ ca-rô có bày một giỏ mây đựng bánh trái, một cái bình thủy và hai cái tách trà men sứ không hoa văn.
Trong đầu họ chợt nhớ tới một đoạn nhạc của tình khúc "A time for us" do danh ca Andy Williams trình bày: "Thời đại mà chúng ta có thể công khai mối tình cấm kỵ hằng giấu giếm và che đậy này."
- Nagakawa? - Manuel Ngô vừa nói, vừa ngăn cản Viên Thùy bước vào khuôn viên nhà thờ.
- Không, anh chàng ốm nhom như cây sậy ấy là Nakawara.
- Viên Thùy lạnh giọng đính chính.
- A...!Tôi lộn hoài...!- Manuel Ngô chống cằm cười.
Viên Thùy chưa kịp nói nữa, thì bản nhạc chuông vang lên, nên đành trở vào trong xe nghe điện thoại.
Rồi đi luôn không quay trở lại.
- "Nỗi lòng người đi" do ca sĩ Anh Khoa hát à? - Manuel Ngô vuốt cằm, lẩm bẩm.
- À, bài này Sĩ Phú, Tuấn Ngọc và Lâm Nhật Tiến hát cũng rất hay và hợp giọng.
- Trần Cảnh Chiêu bất thình lình trả lời câu hỏi của vị Mục sư mắt bồ câu.
Anh ta và nhóm nhà báo đã đứng đợi Viên Thùy đi khuất mới tiến đến bắt chuyện.
Judas thì vào nhà thờ nhờ một Mục sư lớn tuổi giải đáp thắc mắc về những giáo lý trong đức tin của mình.
- Thực sự, tôi không hợp với vị trí Mục sư.
- Manuel Ngô ngước đôi mắt thật hiền lên nhìn vòm trời xanh biếc, lác đác vài cụm mây xốp trắng.
Rồi nhìn lên cây thánh giá dựng trên nóc nhà thờ.
Giọng nói lạnh băng như tuyết sương của Trần Cảnh Chiêu khiến Manuel Ngô thoáng ngạc nhiên.
Người này không xem anh ta là một Mục sư, mà là một kẻ bao che cho tội ác tày trời.
- Anh biết người này không?
Tấm hình chữ nhật, chụp đứng, về một người đàn ông mặc quần áo tuềnh toàng một tay cầm cần câu, một tay giơ con cá béo ú mới bắt được.
Dưới chân anh ta là một xô nhựa đựng đầy cá tươi, bọt nước do lũ cá quẫy đuôi bắn tung tóe lên.
Anh ta áng chừng không tới ba mươi lăm.
- Kẻ song trùng...!- Manuel Ngô miết những ngón tay lên tấm hình ố mòn.
Ánh mắt hiền từ phảng phất nét bùi ngùi.
- Tôi biết được anh không hề có người em trai nào.
- Trần Cảnh Chiêu tiếp tục sấn thêm.
- Theo tôi.
- Manuel Ngô ngoắt tay, ra hiệu cho Trần Cảnh Chiêu đi theo mình.
Địa điểm mà người tu sĩ trẻ tuổi ấy chọn là nghĩa trang sau nhà thờ.
Một nơi yên nghỉ của những Cơ Đốc nhân yêu kính và tôn thờ Đức Chúa Trời.
Tới trước một ngôi mộ đắp đất không tên, Manuel Ngô quỳ xuống, rồi dùng tay bới lấy bới để.
Dáng điệu vô cùng gấp rút.
Trần Cảnh Chiêu cũng quỳ xuống, bới đất phụ anh ta một tay.
Không hề cho rằng việc này kỳ khôi hay quái gở.
- Đây rồi.
- Manuel Ngô khe khẽ reo mừng.
Một cái túi vải sờn rách nhanh chóng lộ ra sau lớp đất cát bụi bặm, cùng một cái tiểu bằng sành rẻ tiền.
Manuel Ngô nhếch môi cười buồn:
- Đây là tro cốt của một người tên là Thường Khán Cảnh.
Người hỏa táng tro cốt của chú ấy đã bị giết chết để bịt đầu mối.
Do tôi là trẻ con nên đám sát thủ đó không lường được việc này.
- Đó là cha ruột của anh phải không? Vì sự an nguy của con trai mà đã đẩy nó vào trường dòng của Hội Thánh Tin Lành khi mới vừa tròn tám tuổi.
Có phải, họ đã bảo quản cái xác để tìm được người mua trả giá cao nhứt không?
- Tôi không biết.
Anh nghĩ một đứa trẻ vừa mới lên tám thì biết cái giống gì ngoài ăn và ngủ hả?
- Vậy tại sao anh vẫn còn nhớ năm đó mình vừa mới lên tám?
- Bởi vì sự việc ấy xảy ra sau tiệc sinh nhật của tôi chưa tới một tháng.
Ba của tôi đã hứa, tháng Tư sẽ đưa tôi đi thăm thủy cung Nha Trang...!
Chợt Manuel Ngô ngưng bặt.
Y nhếch môi cười đầy buồn bã, rồi xoay người lại, đối diện với khuôn mặt bàng hoàng của em trai người quá cố.
Ngọn gió báo mưa làm rung rinh vạt áo dòng đen nhung y đang mặc và vài sợi tóc mai trước trán y.
- Tống Ngạn! Mày ra đây cho tao! Mày ra đây ngay cho tao...!
Tống Ngạn đút hai bàn tay vào túi quần.
Gã trai Sài Gòn mang vẻ mặt "Linh hồn tượng đá" mà bước đến gần người bạn đã kết nghĩa kim bằng với mình gần hai mươi mốt năm.
Không nói năng chi cả.
Gã để mặt cho những cơn gió dữ xoáy sạch những ngôn từ đương mấp mé nơi đầu môi chót lưỡi.
- Từ đầu đến cuối, mày là người đã dẫn dắt tao tháo gỡ hết nút thắt này đến nút thắt khác.
Tao muốn biết mày thực sự là ai và tại sao mày lại...!
- Bọn tao cũng muốn biết.
Mặc dù bọn tao chẳng liên quan cái cóc khô gì...!- Lê Đức Hoàng nhăn mặt phát biểu.
- Tao là con trai của một trong những hình cảnh phụ trách nhóm bảo vệ nhân chứng.
Trong số những người được cha tao bảo vệ có tên của cha con Mục sư Manuel Ngô và gia đình thầy mạ mày.
Hung thủ thực sự của vụ án sát hại người thiếu phụ quyền quý đó là con trai của cựu Bộ trưởng Y Tế Mã Khắc Lập, hiện gia đình ông ta đã "dông" qua Úc Đại Lợi định cư để chạy tội và thay đổi tính danh cho thằng nghiệt tử.
"Lách tách...!Lách tách..."
"Rào..."
- Mưa rồi.
Chúng ta lên gác chuông nói chuyện đi.
- Manuel Ngô đề nghị.
Rồi Trần Cảnh Chiêu ôm cái túi vải nhàu nát, Thường Khán Bình ôm cái tiểu đựng tro cốt của anh Cả, ba người còn lại phụ nhau dựng lại hiện trạng ngôi mộ trước khi lên gác chuông trú mưa.
Đôi tình nhân kia đã biến mất tăm sau tràng thét gào đến khản cả cổ của Thường Khán Bình, họ dường như không mấy để tâm tới thế giới thực đầy phiền lụy và u sầu mà bản thân đang đương đầu.
Chúa vẫn luôn nhân từ với loài người
Dù ngoài kia con phạm lỗi bao nhiêu
Chúa vẫn luôn sẵn lòng tha thứ tất
Chỉ cần con biết hối lỗi, ăn năn
Và thành khẩn dưới Ngôi cao xán lạn
Amen!
Cầu thang dẫn lên tháp chuông bằng sắt, tay vịn được uốn kiểu thật đẹp, tuy thế vì cầu thang đã "già nua" nên mỗi lần bước lên một nấc là âm thanh "rên xiết" lại vang lên ồn ã, gây nên sự bất an không đáng có cho người sử dụng.
- Sao không xây cái khác hả anh? - Trần Cảnh Chiêu thắc mắc.
- Có ai sử dụng nó ngoài tôi đâu.
Các Mục sư và Cơ Đốc nhân thường đi thang máy tân tiến lên gác chuông.
- Trời ơi, vậy mà Mục sư lại đưa bọn tôi đi lên gác chuông bằng lối này! - Lê Đức Hoàng phát biểu cảm tưởng bằng khuôn mặt méo xẹo như con mèo bị ướt lông.
Manuel Ngô cười chúm chím.
Gác chuông, hay phải gọi là tổ chim cúc cu, có diện tích tương đối rộng lớn, phòng ngủ của Manuel Ngô nằm ở hướng Đông, một gian phòng đơn giản và hết sức ngăn nắp, tươm tất.
"Cạch."
- Mời vào.
- Chà...!Cũng rộng quá ha? - Nguyễn Chí Công trầm trồ.
Gian phòng ngủ có nhà tắm riêng, một cái giường đơn kê sát vách tường, một cái ghế đu đưa, một bộ bàn ghế uống trà bốn chỗ ngồi riêng rẽ, một cái kệ sách cao đụng trần, một cái tủ quần áo âm tường, một bộ bàn viết đặt dưới khung cửa sổ hình tròn, vài chậu cây ưa bóng râm xanh rì, một cái tủ lạnh nho nhỏ màu trắng, và một cặp tủ đầu giường đóng bằng ván ép.
Bốn bức tường sơn màu trắng.
Trần nhà đóng la-phông xanh da trời.
Còn sàn nhà thì lát ván nhựa giả gỗ.
- Thấy còn dư nhiều, nên các Thầy biểu tôi xây nới ra thêm một chút.
- Manuel Ngô vừa nói, vừa bật bản nhạc "Trong tay Thánh Nữ có đời tôi" do ca sĩ Khánh Ly trình bày, người phổ nhạc cho bài thơ của thi sĩ Du Tử Lê là nhạc sĩ Trần Duy Đức:
"Hãy hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
Tôi buồn như phố cũ như tay
Bàn chân từng ngón ngưng không thở
Lạc mất đường đi tận dấu bày..."
Manuel Ngô phân phó Thường Khán Bình, Trần Cảnh Chiêu và Tống Ngạn ngồi đối diện mình, còn hai nhân vật không can hệ kia thì y để mặc họ ngồi đâu tùy ý.
Hai người thừa thãi đó bèn rủ nhau lại chỗ bộ bàn ghế bốn chỗ ngồi.
Còn hắn thì ngồi trên ghế đẩu nơi bàn viết, và gã thì ngồi xuống bệ cửa sổ kế bên bàn viết.
Về phần viên pháp y họ Trần, anh ta ngồi bệt xuống sàn nhà.
- Vì theo đuổi vụ này mà tôi đã bị đánh tét đầu...!
- Đáng.
- Tống Ngạn nhếch miệng cười.
- Mắc mệt với mấy thằng cha ảo tưởng mình là thám tử tài ba như trong các series trinh thám dài kỳ.
- Cha của anh còn sống không? - Trần Cảnh Chiêu toét miệng cười.
- Không.
- Kể rõ nguyên nhân hình thành mối quen biết giữa các anh đi.
- Manuel Ngô dập tắt "chiến sự" giữa hai người.
- Bọn tôi ở cùng một khu cư xá bình dân năm tầng.
Hết.
- Thường Khán Bình đáp cộc lộc.
- À, quen nhau từ nhỏ do ở cùng một xóm.
- Manuel Ngô nhoẻn miệng cười thật hiền.
Rồi ngả lưng trên chiếc ghế đu đưa, hướng mắt lên nhìn trần nhà đăm đăm.
- Ba anh làm việc tại nhà quàn của nhà thờ Thánh Paul phải không? - Trần Cảnh Chiêu chắp tay thành hình chữ thập.
Dáng điệu bắt chước Sherlock Holmes khi suy luận của anh ta làm mọi người bật cười khúc khích.
- Phải, một kẻ dọn xác bần cùng, sống vất vưởng như loài chuột cống không nơi nương tựa.
Đã thế còn mang theo đứa con ốm yếu, khát sữa và bệnh tật do côn trùng cắn đốt vì nơi ở không sạch sẽ.
- Gửi anh vào trường dòng là quyết định hết sức sáng suốt của ông ấy.
- Mà cũng bởi vì thế, Mục sư là một tu sĩ không ngoan đạo.
- Nguyễn Chí Công dè dặt phát biểu cảm nghĩ.
- "Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi..." - Manuel Ngô hát một câu trong nhạc phẩm bất hủ "Chiều mưa biên giới" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
- Trời, Mục sư hát không thua gì "Quái kiệt" Trần Văn Trạch và nghệ sĩ Hùng Cường nghen? - Lê Đức Hoàng vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt.
- Bài này tôi khoái nghe giọng nữ của cô Hà Thanh, cô Giao Linh và cô Hương Lan.
- Mày vô nhà thờ mà cứ kêu Trời, kêu Phật suốt...!- Nguyễn Chí Công vừa cười, vừa vỗ đầu thằng bạn.
Manuel Ngô che miệng cười.
Chuông nhà thờ ngân nga giai điệu báo bốn giờ, bản nhạc nghe tựa như bài "Kìa con bướm vàng".
- Cái túi ấy chứa đựng cuốn nhật ký của cha tôi, và lá thư của chú Cảnh, chú ấy nhắn rằng, "Con không bao giờ tự tử.
Nếu con bị giết, con sẽ biến lời khai của chúng thành sự thật."
- Và anh tôi đã mượn xác của Francis Châu để thực hiện lời nguyền rủa ấy...!
- Phải.
- Cha của Mục sư chết như thế nào?
- "Sơ ý" té lầu chết.
- Ở đâu?
- Ở tầng Ba nhà quàn.
- Manuel Ngô nhìn Thường Khán Bình không chớp mắt.
- Tôi lại phải đi thử ADN nữa à?
- Đúng vậy.
- Trần Cảnh Chiêu hấp háy mắt.
Cái tiểu vẫn nằm ngoan trên đùi Thường Khán Bình, như thể đương giương mắt ngóng đợi bão tố nổi lên.
Cây rẻ quạt rung mình trong cơn dông lốc dữ dội.
Những cánh hoa vàng tả tơi, nằm phơi xác hương trên thảm cỏ nhếch nhác bùn lầy.
Từng đợt ánh chớp lóe lên làm sáng rực bầu trời đầy mây mù ảm đạm.
Bầy chim cúc cu nhốn nháo tìm chỗ trú mưa vì cái tổ bị dột nước.
Trong phòng, mỗi người đang im lặng lắng nghe những dòng suy tưởng của bản thân dâng trào trong từng huyết quản.
oOo
Cấp Trên đọc quyển "Kafka bên bờ biển" của nhà văn Murakami Haruki trong lúc đợi gã văn sĩ điên.
Vừa xem sách, gã vừa lắng nghe bản nhạc "Give it to you" do ca sĩ Robin Thicke, rapper Kendrick Lamar và 2Chainz trình bày; một trong những bài hát có nội dung "trái cấm" mà anh ta đặc biệt yêu thích, mặc dù phần lời vô cùng tục tĩu và khó nghe.
Bé cưng nhiều tuổi của gã đã sang Tân Gia Ba thăm gia đình và chăm sóc cậu con trai duy nhất của mình, để lại gã buồn tênh và trống vắng khôn nguôi, vì thiếu người chửi rủa và nhiếc móc cay nghiệt.
Theo như tin tình báo gã thu thập được, thì sắp tới sàn chứng khoán sẽ biến động dữ dội vì tai tiếng của một ông viên chức chính phủ đã về hưu nào đó.
Gã dự tính sẽ thâu gom những mã cổ phiếu "ngon nghẻ" với giá "nhẹ nhàng", để sau này bán ra kiếm lời.
Đặng Xương Tuyết uống nốt cốc trà lúa mạch, mới thong thả khóa chốt cửa nẻo, rồi đi xuống chiếc cầu thang mộc mạc mà leo lên xe ngồi.
Chiếc xe Volkswagen mui trần có kiểu dáng cổ điển, lớp sơn màu đồng mang đến một nét đẹp là lạ cho nó.
Anh định ngồi ở băng sau, nhưng Cấp Trên đã nhỏm dậy nắm áo kéo anh vòng trở lên và bắt ngồi ở vị trí phó lái, cũng tức là ở bên cạnh anh ta.
- Tự dưng khi không mời tôi đi dạo phố với anh...!
- Thuê một tư vấn viên tâm lý tốn nhiều tiền hơn là thuê anh.
- Cấp Trên châm một điếu xì-gà, rồi đưa nó cho Đặng Xương Tuyết.
Rồi mới mồi cho mình một điếu.
Đặng Xương Tuyết mỉm môi cười.
Ánh mắt ngó lung lên hàng cây bình bát hết mùa, như thể muốn tìm kiếm hình bóng một cánh chim thân thuộc.
- Chửi tôi khốn nạn, điếm chó được.
Nhưng không được dùng chữ "chó đẻ" hay "mất dạy" với tôi, bởi vì câu chửi ấy đã gián tiếp chửi thẳng mặt ba mẹ quá cố của tôi rồi.
Có gì thì cứ lôi đầu tôi ra chửi, nhưng không được phép đụng tới ba mẹ hay dòng họ của tôi.
- Anh biết không, một khi có kẻ nào đó ghét anh đến nỗi chỉ có thể câm lặng trút giận vào những thứ anh thích hòng khiến anh phiền lòng hay đau khổ, là khi đó anh đã trở thành con người có giá trị.
- Đặng Xương Tuyết lau lại tròng kính cáu bẩn.
- Viết văn cũng vậy, anh sáng tạo ra một nhân vật khiến người khác nhìn vào phải hổ thẹn, tự vấn bản thân hay yêu mến, xót xa hoặc ngưỡng mộ, chiêm bái, là anh đã thành công một phần trên con đường này.
- Thế chắc toàn thân tôi toàn nạm vàng, dát kim cương rồi...!Trên đầu còn đính mã não với cẩm thạch nữa...!- Cấp Trên cứ cách một câu lại rít một hơi thuốc lá.
Đặng Xương Tuyết hãy còn nhớ như in ông chủ quán cà-phê "Sóng Nhạc" đã từng thổ lộ với mình rằng:
"Tôi đâu bao giờ ép người khác phải thích nghe ca sĩ mà tôi mến mộ.
Họ ác cảm với người mà tôi mến mộ thì đó là việc của họ.
Họ mến mộ người mà tôi thích thì đó cũng là việc của họ.
Tôi chẳng bận tâm.
Thay vì bỏ thì giờ đi phân bua, tranh cãi về sự bất đồng quan điểm ấy, tôi muốn dành thời gian rảnh ít ỏi của mình vào việc tìm nghe những ca khúc khác do người ca sĩ mà mình mến mộ trình diễn." Đặng Thừa Tân vừa nói, vừa lau chùi đĩa hát.
- Muốn sử dụng radio thì cứ thoải mái.
Cấp Trên phải mất mười lăm phút hướng dẫn, anh mới (hơi hơi) biết cách sử dụng radio "xe nhà giàu".
Bản nhạc mà anh chọn là "Bài không tên số Một" do ca sĩ Duy Quang trình bày.
Cấp Trên nhịp ngón trỏ trên vô-lăng.
Đôi mắt gã chợt trở nên xa xăm vô ngần, như thể đang hồi tưởng lại quãng đời đã qua của mình.
- Hay quá! Buồn quá! Đau lòng quá!
- Nhạc sĩ Vũ Thành An sáng tác ra tình khúc này để dành tặng người tình dĩ vãng do thời cuộc mà phải chia ly mỗi đứa một ngả.
Cụ có xuất bản một tập sách kể về hoàn cảnh sáng tác từng bài hát của mình.
Tôi cũng có mua một quyển.
- Tên gì?
- "Tình khúc Vũ Thành An".
- Yêu đương làm chi chớ...!Sau này về già, nằm trên chiếc giường đôi gặm nhấm quá khứ một mình, nghe tiếng thời gian rạn vỡ trong tim, khóc òa vì tuổi thanh xuân đã qua; gia đình, bạn bè, người thân, kẻ thù chẳng còn ai nữa...!
Cấp Trên đạp ga.
Chiếc xe sang quý chạy như bay trên xa lộ vắng hoe.
Bảng điện tử báo tốc độ ven đường liên tục nhấp nháy cảnh báo gã giảm tốc độ.
Nhưng gã phớt lờ đi.
Hình như Đặng Xương Tuyết nghe loáng thoáng tiếng rơi của một mảnh tim đơn côi xuống đáy vực mang tên Bất Cần Đời.
"Két..."
Chiếc xe thắng gấp ở một trạm tiếp liệu ven ngã rẽ đi Chu Văn An.
Cấp Trên bảo Đặng Xương Tuyết xuống xe mua thức ăn nhanh, rồi ngoắt nhân viên cây xăng lại, đưa cho anh ta một trăm đồng, dặn phải đổ đầy bình xăng, còn dư bao nhiêu thì cứ tự nhiên bỏ túi.
- Ăn chi cưng?
Đặng Xương Tuyết khịt mũi, nhếch miệng cười.
Rồi vừa đọc bảng thực đơn điện tử, vừa nói:
- Tôi muốn ăn gà viên, khoai tây chiên và hamburger bò bằm.
Cấp Trên chê ít, rồi đẩy nhẹ gã văn sĩ điên qua một bên, đoạn đặt hàng chục món ăn, và dặn nếu có khuyến mãi đồ uống thì khỏi cần lấy.
Gã cà thẻ tính tiền một cách bình thản, chẳng hề bận tâm đến phí tổn là bao nhiêu.
Tới nội thành, Cấp Trên giảm tốc độ của chiếc xe, để không bị đám giao thông vịn vai bất thình lình.
Rồi cũng như ban nãy, gã dừng xe một cách bất ngờ, sau đó kêu Đặng Xương Tuyết cùng mình vào mua đồ uống ở một quán cà-phê bình dân.
Gã uống chanh muối, còn anh uống hồng trà sủi bọt.
Hai người kêu cỡ lớn nhất để uống cho đã khát.
Sau đó, cả hai ngồi bệt trên vỉa hè ăn uống như hai thằng khùng trốn trại.
Thôi thì điên có đôi, có cặp cho vui.
Tưng tửng một mình lẻ loi lắm!
- Anh nghĩ ai giỏi tiếng Việt nhất?
- Là cụ Bùi Giáng, cụ Phạm Duy, cụ Lê Thương, ông Lê Hựu Hà, ông Trường Kỳ, và một số nhạc sĩ chuyên viết lời Việt cho nhạc ngoại sinh trước năm 75.
- Nói cụ thể đi.
- Để tôi nói cho anh nghe một ví dụ nhé? Trong bài "Love story", câu mở đầu là "Where do I begin to tell the story of how a great love can be", cụ Phạm Duy đã viết lại: "Biết dùng lời rất khó để mà nói rõ, ôi biết nói gì cuộc tình lớn quá." Chứ không phải dịch suồng sã theo kiểu "Word by word" như tay "gà mờ" giống tôi: "Tôi phải bắt đầu từ đâu để có thể kể lại mối tình trở nên vĩ đại của mình." Cụ hiểu ý nên viết sang lời Việt mà không cần phải "ôm sát" theo từng chữ của ông nhạc sĩ ngoại quốc, song vẫn bảo đảm được đầy đủ ý nghĩa và giữ nguyên vẹn cấu trúc khổ nhạc.
Anh nghe sẽ thấy rõ ý tứ câu dịch của tôi phô trương và không rõ nghĩa bằng cụ, cũng như tệ hơn rất nhiều lần.
- Thay vì dùng chữ "Vĩ đại", nhạc sĩ Phạm Duy đã sửa thành "Lớn quá", ý của anh là như vậy phải không?
- Phải.
- Tôi thường chêm tiếng Anh vào văn nói của nhân vật, cốt để nhấn mạnh một vài đặc điểm của người đó.
Nếu người đó dùng sai, thì điều đấy thể hiện nhân vật ấy là người dốt mà hay nói chữ.
Nếu người đó dùng quá lố, đâu đâu cũng ráng nhét một chữ tiếng Anh, thì đó là một nhân vật "trưởng giả học làm sang", cố phô trương mình là kẻ hay chữ, giỏi ngoại ngữ.
Còn trong văn viết thì tôi luôn cố gắng hạn chế dùng.
Cấp Trên vừa nhai gà chiên bột, vừa lắng tai nghe gã trai ấy tâm tình:
- Tôi không hiểu sao, nhiều người cứ hay vin vào cớ "từ mượn" rồi dịch ra rất luôn tuồng mà lại quá cứng nhắc.
Anh cũng biết hoàn cảnh trước năm 75 mà, nhưng các nhạc sĩ và dịch giả trong giai đoạn đó vẫn thừa sức viết văn, viết nhạc từ lời ngoại sang lời Việt mà không bị lấn cấn hay lợn cợn.
Vậy thì tại vì nguyên nhân gì, chúng ta lại không thể dịch thuật giỏi như các cụ đời trước, trong khi hoàn cảnh sống của chúng ta yên ổn hơn các cụ.
Điển hình như chữ "Câu view" chẳng hạn, có một cụ lớn tuổi đã góp ý rằng nên sửa thành "Câu khách" hoặc "Câu độc giả", hay là "Thu hút người xem".
Cũng như nhóm chữ "Fan hâm mộ", đã "Fan" mà còn "Hâm mộ" nữa, tại sao không đổi luôn thành "Người hâm mộ" chứ?
- Ha...!Họ đã không muốn nghe anh góp ý, thì anh có kêu gào khản cổ cũng chẳng có ai nghe đâu.
- Cấp Trên chợt đứng dậy, rồi bước vào trong quán cà-phê ế khách thuê cái cát-xét của họ để mở nhạc nghe chơi.
Bỏ một trăm đồng bạc chỉ để thuê một cái máy cát-xét cũ xì.
Trong lúc chờ Cấp Trên trở ra, Đặng Xương Tuyết ngồi ăn hết món này đến món khác.
Nhiều ông bà đi ngang qua chắt lưỡi than, "Tội nghiệp.
Trẻ vậy mà bị tâm thần."
- Nghe bài gì nà?
- Anh gom hết mấy cuộn băng trong quán ra à?
- Ờ...!Tại tôi không rành nhạc Vàng.
Muốn lựa mấy bài vui vui nghe chơi.
Mà tôi nghe nói dòng nhạc bolero ấy toàn bài thảm sầu thôi phải không?
- Thứ nhứt, nhạc Vàng, không phải Bolero.
Bolero chỉ là một giai điệu trong hằng hà sa số giai điệu khác của nhạc Vàng.
Thứ hai, thứ cho tôi nói thẳng được không?
- Okay.
- Ai biểu nhạc Vàng toàn là mấy bài nhạc sến sẩm, ảo não thì kẻ đó chẳng biết cóc khô gì về nhạc Vàng.
Nhạc Vàng gồm có thể loại "Kích động nhạc", "Nhạc khiêu vũ", "Nhạc trẻ" theo hơi hướm Pop - Rock như của Phượng Hoàng band, "Nhạc thiền" đậm chất triết lý như của Du Tử Lê, Trịnh Công Sơn, Trần Trịnh, Trầm Tử Thiêng,...!"Nhạc lính" như của Trần Thiện Thanh, Y Vân - Y Vũ,...!"Nhạc trữ tình", mà đa số thường phổ theo làn điệu Bolero và Slow Rock thì tiêu biểu có Lam Phương, Trúc Phương, Hoài Linh,...!"Nhạc ngoại lời Việt" thì có Phạm Duy, Trường Kỳ, Nhật Ngân, Khúc Lan, Ngọc Bích,...!Chưa kể tới là dòng "Nhạc dân ca", "Nhạc duyệt binh", "Nhạc thiếu nhi", "Nhạc kể Sử", "Nhạc trào phúng", "Nhạc phản chiến", "Nhạc tôn giáo",...!
Cấp Trên gật gù, ra chiều đã hiểu.
- Anh muốn "Kích động" không? Tôi cho anh một list nhạc Vàng của Hùng Cường - Mai Lệ Huyền, Thanh Vũ, Hồng Phúc, Phượng Bằng,
- Trước tiên cho tôi nghe Tango đi.
Đặng Xương Tuyết bèn bật bài "Dừng bước giang hồ" do ca sĩ Kiều Nga trình bày.
- Đây là một trong những ca khúc nổi tiếng của nhạc sư Hoàng Trọng.
Nó thuộc dòng "Nhạc tiền chiến", không phải "Nhạc Vàng".
Cấp Trên him mắt.
Anh ta dường như có thể trông thấy khung cảnh buổi xế chiều tịch mịch ấy.
Với tiếng chuông đìu hiu vẳng xa dưới vòm trời lộng gió.
Mảnh trăng mới nhú nằm vắt vẻo trên những tán cây xanh già cỗi.
Quán tranh vắng khách, nằm buồn tênh nơi sườn đồi.
Và gã là người lữ khách về thăm cố hương đó, gã đã quyết sẽ "Dừng bước giang hồ" sau bao năm lăn lộn ở đất khách quê người.
- Có bài nào chỉ trích về việc lấy chồng ngoại quốc không?
- Có.
"Vì sao em lấy người ngoài" do nghệ sĩ Hùng Cường hát.
- Oa!
- Chỉ có một xã hội thực sự dân chủ và tự do, thì văn - nghệ sĩ mới có thể tha hồ tung hoành sáng tác theo tâm tư, tình cảm của mình mà không sợ bị bắt bớ, tù đày; hay bị bắt đi "học tập tư tưởng".
Chỉ cần đọc một tựa nhạc ngày xưa, và đem ra so sánh với bất kỳ tựa nhạc ngày nay, anh sẽ hiểu tại sao tôi lại suốt ngày nghe thể loại nhạc của một thời dĩ vãng đã qua.
Ở thời kỳ đó, nhạc sĩ cũng bị đe dọa nếu bài hát mang tư tưởng phản chiến, nhưng số người sửa lời chỉ chiếm trên đầu ngón tay, còn số bất tuân mệnh lệnh thì nhiều như sao trên trời, bởi họ tôn trọng "đứa con tinh thần" của mình nên dám đương đầu chống trả với bất cứ ai đòi "phẫu thuật" nó.
Còn thời nay, mới đằng hắng một tiếng mà đã cun cút sửa lời.
- Và anh muốn sống như vậy phải không?
- Phải.
Cấp Trên hướng đôi mắt ra góc bùng binh Hoa Sứ, có một anh cảnh sát đương đứng trực ở đó, tay huơ cây gậy lên xuống để điều khiển giao thông.
- Họ gọi những người như anh là "Phản động".
- Cụ Hồ Biểu Chánh còn khuyến khích "Phản động" nữa mà.
Nếu không tin, hãy tìm đọc quyển "Mẹ ghẻ, Con ghẻ", Chương Năm, thì sẽ thấy cái nghĩa "Phản động" mang hàm ý tốt chứ không phải là xấu như hiện nay.
Cấp Trên cặp điếu xì-gà bằng hai ngón tay, rồi bưng ly chanh muối lên nhấp một ngụm.
- "...!Người trí, ý yếu mềm, hễ gặp nghịch cảnh thì khổ tâm, nản chí, rồi xuội lơ, không biết phản động, cứ than thở buồn rầu..." - Đặng Xương Tuyết mở sách điện tử ra đọc đúng đoạn đó cho Cấp Trên nghe.
Cấp Trên rít xì-gà.
- Nhiều người viện cớ "thời bình" nên không có thi hứng sáng tác, tôi thấy đó là cái lý lẽ biện minh dở tệ.
Chẳng qua họ sợ bị trù dập nếu tác phẩm viết ra "đụng chạm" với ai đó nên cúi đầu bẻ cong ngòi bút thôi.
Cá biệt có kẻ viết xong còn phải sửa lời vì sợ bị "nhắc nhở" nữa chứ.
- Bài "Người ngoài phố" này có chuyện gì đáng nghe không cưng? - Không muốn nhìn thấy nỗi lo đau đáu về tương lai của nền Văn hóa - Nghệ thuật nước nhà trong đôi mắt người bạn giải buồn, gã bèn lảng sang chủ đề khác.
- Ông Anh Việt Thu sáng tác nhạc phẩm "Người ngoài phố" trong hoàn cảnh vợ con bị chủ khách sạn "giữ làm con tin" do thiếu nợ tiền phòng, tình nhân thì nheo nhéo mượn tiền.
Ông thân sơ thất sở ra quán Bạch Tuyết ngồi suy nghĩ ra ca khúc mới để bán lấy tiền; xin nói thêm, bà chủ quán này thương thầm ông nên mới cho ăn chịu.
Rồi trong lúc rối trí, ông bắt đầu viết thành những dòng chữ "Người đi đi ngoài phố, chiều nắng tắt bên song...", do mắt trông thấy dòng người đi qua đi lại trên vỉa hè, còn mình thì ngồi đây vắt óc suy nghĩ cách kiếm tiền để trả nợ đời, nợ tình.
Người đặt tên cho ca khúc này là anh vợ ông, một thi sĩ kém nổi tiếng.
Ngụ ý của ông thi sĩ khi chọn cái tựa này là hòng trách cứ nhạc sĩ là một thằng lang bang, chắc là do quá xót xa trước gia cảnh của mẹ con cô em gái nên mới nói nặng lời như vậy.
Ngồi chơi nghe nhạc khoảng độ một tiếng rưỡi, hai người trả cát-xét và băng nhạc cho chủ quán, rồi lững thững đi dạo phố cho khuây lãng tâm trí.
Đến một ngã tư, họ trông thấy một cậu sinh viên chắc mới học năm Nhất đương hát vang ca khúc "Bài hát cho người tuổi trẻ" theo giọng của Elvis Phương.
"...!Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên
Ca ngợi Quê Hương của chúng ta
Bằng niềm tin chứa chan trong tim người thanh niên..."
- Họ biểu tình vì chuyện gì thế?
- Họ muốn chất vấn Bộ trưởng Bộ giáo dục về việc các suất học bổng lại "vô tình lọt vào tay" đám con viên chức chính phủ giàu nứt đố đổ vách.
- Được không?
- Sáng mai bà ấy sẽ đăng đàn đối chất với từng người ở đây, và tuyên bố không đem theo cảnh sát.
- Chà...!
- Bên Hoa Kỳ có tới sáu đảng: Peace and Freedom, Green, American Independent, Republican, Democratic, Libertarian.
Trong đó, Dân Chủ và Cộng Hòa là hai đảng chính.
Có đa đảng mới có tam quyền phân lập.
Đảng này theo dõi đảng kia thì hoạt động trong bộ máy chính trị mới minh bạch được.
- Bên anh có mấy đảng?
- Bốn đảng, gọi là "Tứ linh": Dân Chủ, Cộng Hòa, Việt Long, Thái Bình Thạnh Trị.
- Bà Bộ trưởng này theo đảng nào?
- Thái Bình Thạnh Trị.
Hai người đứng xem nhóm sinh viên đứng đối thoại với viên cảnh sát trưởng.
Tình hình không căng thẳng lắm.
Viên cảnh sát trao súng và cây côn lại cho cấp dưới giữ giùm, rồi cùng cậu trưởng đoàn biểu tình xếp bằng ngồi nói chuyện.
Thấy Đặng Xương Tuyết chợt bật cười, đôi mắt chim loan rất sắc sảo tô điểm nét điển trai cho anh ta.
- Sao cưng cười?
- Tôi nhớ có một người biểu tôi lậm QT, hỏi rằng "Dùng chữ "Đặc biệt" không hay, phải thay bằng "Rất"".
Ở đầu hẻm tôi, có một ông bán bánh mì sữa đặc, ngày nào cũng rao "Bánh mì sữa đặc biệt thơm ngon, hai xu một ổ." Chắc ổng cũng bị lậm QT quá! - Đặng Xương Tuyết lách người qua một gánh hàng rong của một bà thím mặc bộ đồ bà ba trắng.
- Chưa kể tới ngoài dùng chữ "Đặc biệt" và "Phi thường", cụ Hồ Biểu Chánh còn dùng chữ "Sắc diện", "Hoạn dưỡng", "Bất quá",...!Và đương nhiên, cụ dùng mấy chữ này rất hợp tình hợp cảnh, chứ không phải bừa bãi hay thừa thãi.
- Đọc nhiều sách cổ vào sẽ thấy vô vàn điều đáng ngạc nhiên nhỉ?
- Phải.
Tôi tìm thấy cái gì hay lạ, tôi sẽ cố gắng chia sẻ ngay cùng bạn đọc, với hy vọng có thể đưa một chút góc nhìn mới tới họ.
oOo
Người chuẩn úy cầm micro lên hát...!nhép.
Bản nhạc mà chú chọn mang tên "Chuyện kỳ lạ" do ca sĩ Thanh Vũ trình bày:
"Kỳ lạ trước tiên là em quen anh
Có bao giờ anh tin vào số mệnh
Tình ta có khi mà lại nên duyên
Và được gặp em chăm nom
An lòng người đang cô đơn
Đâu hoài nào thắm trái tim ưu phiền..."
"Mày ngon mày đánh đồng bào mày nữa đi.
Nó cùng một nòi Tiên Rồng, nó cùng một giống Lạc Hồng, nó cùng màu máu đỏ da vàng với mày, nó là anh em của mày, nó là đồng bào của mày.
Thế thì sao mày nỡ đánh nó ra nông nỗi này hả con? Nó bướng, nó sai, nó lì, thì mày phạt nó lao động thôi, mắc thằng bố gì mà mày phải đè đầu nó ra mà đánh hả?"
Nhờ ông tướng "Mác-Tăng-Xít" ấy làm một tăng, mà quân khu không còn cái nạn "Ma cũ ăn hiếp Ma mới" nữa.
Sau lần chú gặp nạn què giò phải giải ngũ, tuy được thăng lên chức chuẩn úy nhưng tâm trạng rất tệ, ngày nào cũng nhậu nhẹt say xỉn, chửi bới om sòm.
Cho tới khi chú gặp được vợ mình, một cô gái sống bằng nghề lao công trong nhà thương.
Với tình yêu và sự hy sinh vô bờ bến của bạn đời, chú đã lần lần gượng dậy được.
Và hiện nay, chú đã có thể tự bước đi một mình mà không cần dìu dắt hay nạng chống; đó là điều phi thường trong con mắt của những người hành nghề Y Khoa, bởi hôm cấp cứu, họ đã không tìm thấy một tia hy vọng nào về sự bình phục ở đôi chân của chú.
Bữa nay chuẩn tướng mời hai vợ chồng chú đi hát karaoke và ăn tiệc ở nhà hàng, nên nhân dịp này, chú chọn một bài hát thật hay để bày tỏ tình cảm với vợ hiền.
Chị khóc sướt mướt, lắp bắp mãi mà không hé được nửa lời.
- Khóc cái gì mà khóc? Xuyến mau lên hát tặng nó một bài lại đi.
- Ông chuẩn tướng tuy buông lời cộc cằn, nhưng đôi mắt thì đỏ hoe.
- Ờ, cô Xuyến hát góp vui đi cô Xuyến.
- Đám bạn nhà binh của viên chuẩn úy Không Quân nhao nhao.
- Dạ, Xuyến tuy hát hổng có hay, nhưng cũng xin góp vui bằng ca khúc "Một chuyến bay đêm", rất nổi tiếng qua giọng ca của cô Thanh Thúy.
Hai vợ chồng đúng là hát dở có đôi, cũng may họ biết thân biết phận nên chỉ dám hát bè theo danh ca nổi tiếng.
"Cộc...!Cộc...!Cộc..."
- Ai đó? - Viên chuẩn tướng già càu nhàu, rồi lệnh cho hai thằng lính ngồi gần cửa ra vào nhất đi mở cửa.
Bốn người cảnh sát hình sự chào lần lượt từng người trong phòng, rồi mới cất giọng thông báo:
- Chúng tôi nhận lệnh đến đây để đưa cô Từ Mỹ Xuyến về đồn vì có việc khẩn..