1
Bác sĩ khó khăn lắm mới đặt được chiếc hòm gỗ long não nặng trịch trong tay xuống đất, rồi dựa vào tường thở dốc: "Cái hòm cuối cùng rồi chứ? Chết mất, cái lưng tôi...".
Gã chủ tiệm liếc anh bác sĩ đang kêu giời kêu đất, nói bình thản: "Tự cậu xung phong tới giúp đấy nhé".
"Phải phải, là tôi tự rước việc vào người". Bác sĩ cười nhăn nhó, thế nào gọi là làm ơn mắc oán? Chính là thế này đây. Hôm nay đúng ngày nghỉ trực, anh đến Á Xá giết thời gian, đúng lúc gã chủ tiệm kêu là hôm nay mùng sáu tháng sáu Âm lịch, cần phơi sách, hỏi anh có giúp được không? Chẳng lẽ lại đứng một bên nhìn gã chủ tiệm làm?
Bác sĩ nhìn dáng vẻ mảnh khảnh của chủ tiệm, cảm thấy mình giúp một tay mới yên tâm được.
Nhưng kêu ca thì cứ kêu ca, sau khi bác sĩ lấy lại hơi, thì một lần nữa lại hối hận vì không mang khẩu trang. Anh lấy giẻ lau lau sạch lớp bụi đóng dày trên hòm gỗ, một tay che mũi, một tay mở khóa nắp hòm.
Trong đám bụi mù, không ngờ lại kèm theo mùi thơm đậm của giấy mực.
Bác sĩ ngửi thấy mùi mực liền phấn chấn hẳn lên, không còn quan tâm lắm tới chút bụi bặm nữa. Hương mực thơm này không giống loại mực bình thường có mùi hơi khó chịu, mà mới ngửi thì rất thơm, nhưng không quá nồng, ngửi kỹ hơn thì vương vấn nhẹ nhàng, mà không biết được có bao nhiêu mùi hương trong đó nữa. Bác sĩ liền cúi đầu ngó vào trong, lần mò tìm nguồn gốc hương mực: "Vì sao cái hòm này lại khác những cái khác? Có phải bên trong đặt một thỏi mực không?".
"Không phải, trong hòm đó đa số là bản thảo viết tay, chứ không có sách đã đóng chỉ". Gã chủ tiệm bỏ cuốn sách trên tay xuống, đi tới lấy ra mấy tập bản thảo trong chiếc hòm gỗ long não, rồi tỉ mẩn giở ra, phơi dưới ánh nắng.
"Chỗ anh có cả bản thảo cơ à?". Bác sĩ thích thú ghé vào nhìn, những thứ tinh tế này anh không dám tự tiện động vào, lần trước anh không cẩn thận làm gãy cả bản "Sơn Hải Kinh" rồi, tuy là do vô ý, nhưng từ đó anh cũng không dám tự tiện sờ vào sách nữa. Bê vác rương hòm cũng không sao, anh chỉ sợ lỡ tay làm rách tờ giấy nào, rồi nó lại nhảy ra một con thần thú thì mệt. Nhưng, bác sĩ ngó xung quanh, lần đầu tiên anh biết trong phòng trong ở Á Xá lại có một cái giếng trời nho nhỏ. Thỉnh thoảng lại có một hai con sâu bò trên nền đá xanh vuông vức, gã chủ tiệm không bắt chúng đi, mà đặt sách tránh đường chúng bò. Lúc này là giữa trưa, ánh nắng rọi thẳng xuống đó, rất thích hợp với việc phơi sách. Nhưng anh không ngờ là, trong Á Xá không có nhiều sách lắm, cộng thêm cả hòm bản thảo anh vừa bê ra, số sách đem phơi cũng không bày hết được cái giếng trời.
"Chủ tiệm này, chỉ có từng này sách cần phơi thôi à?". Bác sĩ không tin, hỏi lại. Dù nhiều sách đến mấy anh cũng không thấy lạ, lạ là vì ít quá! Dù gì thì gã chủ tiệm cũng là người đã sống mấy ngàn năm, vì sao chỉ sưu tập có một tẹo sách với bản thảo này?
Gã chủ tiệm thổi bụi bám trên tập bản thảo, vừa cẩn thận kiểm tra vừa bình thản nói: "Sách vở vốn là khó bảo tồn, bây giờ sách đóng chỉ của thời Tống Nguyên cũng đã khó kiếm trên thị trường rồi. Sách trong tay tôi đại đa số đều đã cất kín ở nơi an toàn, để rút chân không thì ổn hơn. Còn sách mang theo người... chỉ có ngần đó".
Này này! Cái đoạn ngập ngừng khả nghi kia là thế nào?
Tuy bác sĩ đứng ngay dưới nắng, nhưng cũng cảm thấy bỗng nhiên lạnh toát người. Theo những gì anh hiểu về chủ tiệm, chỉ có những món đồ cổ mà gã không an tâm thì mới đem theo người. Thế có nghĩa là, số sách này rất có vấn đề?
Bác sĩ lập tức cứng tay cứng chân, không dám động đậy gì nữa. Nhưng anh nghĩ lại, chẳng phải đồ cổ trong Á Xá đều có vấn đề hết sao? Anh vẫn thường xuyên qua lại chỗ này đó thôi? Sợ cái gì chứ!
Trong lúc đang nghĩ thì gã chủ tiệm lấy ra một tập bản thảo trong hòm, mùi hương mực thơm đậm ban nãy anh ngửi thấy, bây giờ lại bay ra, khiến bác sĩ phải sán lại gần: "Thơm quá... Vì sao lại thơm thế?".
Trên gương mặt thanh tú của gã chủ tiệm hiện ra một nụ cười mỉm: "Cậu muốn biết?".
Bác sĩ sung sướng gật đầu: "Sắp kể chuyện nữa rồi hả? Tôi thích nghe chuyện đấy".
Gã chủ tiệm lại nhìn xuống tấm đá xanh nền nhà, nhìn con sâu đang rất cố gắng bò về phía trước, một lúc lâu sau mới cất lời chậm rãi: "Cậu có biết con sâu qua sông thế nào không?".
"Hả?".
2
Năm Thuận Trị thứ ba đời Thanh.
"... Chuẩn bị làm lễ đầy năm cho tiểu thiếu gia rồi, mọi thứ có đủ cả chưa?".
Tiếng gì thế? Ồn quá... Hề Mặc lơ mơ mở mắt ra, hình như cô đã ngủ rất rất lâu, lần này là mấy năm? Hay là mấy chục năm?
"Còn thiếu văn phòng tứ bảo đấy! Lão gia bảo tôi đến nhà kho tìm một bộ. Phải rồi, tốt nhất là tìm bộ nào be bé xinh xinh, loại mà trẻ con cầm trên tay được ấy".
(Bốn bảo bối trong phòng của văn nhân, gồm giấy, bút, mực, nghiên)
"Tôi nhớ là có một thỏi mực... À, đây rồi".
Hề Mặc thấy chiếc hộp giam cầm mình bấy lâu được mở ra, lâu lắm mới có ánh nắng chiếu vào. Cô nheo mắt lại, vì thấy hơi chói.
"Xấu thế! Lấy thỏi xấu thế này à?"
"Nhưng mà thỏi này nó bé! Với cả tôi nghe người tặng nói, thỏi mực này là mực Đình Khuê do Lý Đình Khuê nước Nam Đường thời Ngũ Đại Thập Quốc làm ra! Ngàn vàng cũng khó kiếm đấy! Mỗi tội là bên trên không có hoa văn điêu khắc gì, nghe đâu là Lý Đình Khuê làm hồi còn trẻ. Cũng may là làm từ hồi đó, nếu không thì không còn đến ngày nay đâu!".
"Thôi được rồi, kệ thỏi mực này có lai lịch ra sao đi! Dù sao cũng là một thỏi mực, mau thu dọn đi...". Chiếc hộp lại được đóng lại, Hề Mặc thấy mình bị va đập lung tung trong hộp, tuy không đau nhưng cũng khiến cô bắt đầu thấy bực.
Xấu? Cô xấu lắm à? Cô là thỏi mực Đình Khuê đầu tiên trên đời mà! Thôi được, mặc dù hồi đó khi chủ nhân làm ra cô, còn không có khuôn mực thật tốt, khiến cô không được vuông vức hoặc đẹp đẽ như những thỏi mực khác, mà trở thành một thỏi mực bất quy tắc; nhưng mà nói thẳng toẹt ra như thế trước mặt phụ nữ có hay không hả?
Hề Mặc không bực tức được lâu, ngay sau đó cô lại được ánh nắng chiếu vào, mà lần này cô phát hiện ra xung quanh còn được bày rất nhiều đồ, nào là ấn chương, kinh thư, bút, giấy, nghiên, bàn tính, tiền xu, sổ sách, đồ trang sức, hoa, phấn son, đồ ăn, đồ chơi..., bày đầy một cái giường, nhiều đến hoa mắt. Hơn nữa từ những đồ dùng thư phòng xung quanh cô có thể thấy nhà này thuộc loại giàu có, không phải ai cũng dùng được giấy Tuyên, nghiên Đoan Châu và bút Gia Cát, còn thêm thỏi mực Đình Khuê là cô nữa, thì đúng là bộ văn phòng tứ bảo quý giá trên đời rồi.
Nhưng trong bao nhiêu món đồ đó, cũng chỉ có cô là tu thành tinh phách, các đồ khác tuy vô cùng quý giá, nhưng cũng chỉ là đồ vật. Còn cô là thỏi mực đầu tiên mà chủ nhân chế tác, khi đó chủ nhân đem than và phụ liệu trộn với nhau, cho vào cối sắt nghiền ba vạn lần, mỗi lần nghiền đều gửi vào rất nhiều kì vọng, nên ngay khi cô được luyện thành, liền có một chút ý thức.
Hề Mặc được sinh ra như thế, cho dù ngay từ đầu cô đã bị chủ nhân vứt qua một bên.
Bị bỏ rơi cũng không quan trọng, Hề Mặc rất thản nhiên, bởi như thế thì cô sẽ không bị đem đi tặng, hoặc đem bán, hoặc đem dùng. Trong mười mấy năm sau đó, cô ở một góc đầy bụi bặm, nhìn chủ nhân trẻ tuổi đi theo cha của chàng, chế nên mực Thiệp Châu nổi danh thiên hạ, nhìn chủ nhân và cha đều được Lý Hậu Chủ ban cho quốc tính, sau này đổi tên là Lý Đình Khuê. Người trong thiên hạ đều biết "vàng bạc dễ kiếm, mực Lý khó tìm", cuối cùng chỉ có mực từ thời chủ nhân cô còn mang họ Hề là được giữ lại, nên cô tự đặt tên cho mình là Hề Mặc.
Sau này, danh tiếng của chủ nhân vượt qua cả người cha, mực Lý nổi danh thiên hạ dần dần cũng biến thành mực Đình Khuê.
Sau đó nữa, chủ nhân qua đời.
Hề Mặc vẫn không quen lắm với sinh mệnh quá dài của mình, nhưng cô cũng biết mình là thứ khác biệt với những thứ đồ khác. Trong mấy trăm năm, cô được trao đổi vài lần, dù bộ dạng xấu xí, nhưng chất mực thì cực tốt, khi đã được xác định là mực Đĩnh Khuê, giá cả của cô đã là ngàn vàng. Cô nhớ lần trước nhìn thấy ánh mặt trời, hình như là được người ta gửi tới Hồng gia làm quà? Gia chủ đời đó của Hồng gia không thích cô, đem cô cất vào trong kho.
Sống kiếp bị giam cầm trong hộp gấm, không ngủ thì cô còn biết làm gì? Cô chẳng thà bị vứt vào một góc như ngày xưa.
Có điều, có phải cô đã ngủ rất lâu rồi không? Vì sao quần áo con người khác xưa nhiều thế? Phụ nữ còn không thay đổi mấy, chứ nam giới sao lại cạo tóc nửa đầu? Lại còn buộc đuôi sam dài đằng sau nữa?
Hề Mặc ngạc nhiên nhìn những người ăn mặc sang trọng, bế một đứa bé trai được đeo vòng đánh phấn tới. À phải rồi, sắp làm lễ đầy năm, để đứa bé một tuổi nhặt thứ nó thích, sau đó dự đoán tiền đồ và tính tình của nó.
Đứa bé một tuổi thì biết cái gì? Hề Mặc nhìn đứa trẻ được bế lên giường mà rất không đồng ý.
"Thăng con, con thích gì thì lấy cái đó nhé". Một phụ nữ đẹp vừa cười vừa nói, nàng ta buộc tóc gọn gàng, mắt sáng, răng trắng, trên đầu cài đủ thứ ngọc ngà, chắc là mẹ của đứa bé.
Đứa bé trai được mẹ cổ vũ, bắt đầu chọn lựa trong đám đồ nhiều vô kể, Hề Mặc được đôi mắt to đen như hai quả nho mọng nước nhìn tới, liền cũng bắt đầu chờ đợi.
Nhân chi sơ, tính bản thiện. Trẻ con càng ít tuổi, thì càng có khả năng cảm nhận những điều huyền diệu mà người lớn không thể cảm nhận được. Hề Mặc thấy bé Thăng chỉ nhìn một lượt, rồi dứt khoát dùng cả chân cả tay để nhặt cô lên, Hề Mặc còn chưa kịp chuẩn bị gì, thì đã nhận ra mình được một đôi tay nhỏ nhắn mập mạp nhấc lên.
Hề Mặc nhìn chằm chằm vào đứa trẻ chỉ cách cô có gang tấc, mũm mĩm trắng trẻo, trông như một hình nộm sứ dễ vỡ. Cô gần như ngây ra nhìn đứa bé đang cười rất tươi với mình.
Chưa từng có ai nở nụ cười trong sáng đến thế với cô.
Chủ nhân chê cô không được hoàn hảo, rất nhiều người không thích vẻ ngoài xấu xí của cô, cũng có người cho rằng cô là món đồ đắt giá, chỉ có đứa trẻ này, cười ngây ngô với cô.
Sự cảm động của Hề Mặc không kéo dài được bao lâu, những người xung quanh cũng chưa kịp nói ra một tràng những lời chúc tốt lành gì, mọi người đều không kịp đề phòng, nhìn đứa bé vội vã bỏ Hề Mặc vào miệng.
"Oa oa...!". Tiếng khóc kinh thiên động địa ầm lên bên tai, Hề Mặc người dính đầy nước bọt, bị lẳng lặng vứt trở vào giường.
Cô biết ngay mà, không thể ôm quá nhiều hy vọng với một đứa bé một tuổi!
Hề Mặc biết mình có vị ôi thiu đặc trưng của thỏi mực, cho dù bé Thăng có cảm nhận được linh tính đặc biệt của cô so với những đồ khác, thì cũng không thể chịu được vị thiu đó.
Biết thì biết vậy, nhưng khi thấy bé Thăng vừa coi mình như châu báu, đã cầm một hộp phấn lên chơi không rời tay, Hề Mặc vẫn cảm thấy bực bội.
Hừ! Thằng ranh này mới một tuổi đã biết phấn son rồi! Lớn lên rồi thì thế nào? Xem nó làm ông bố tức chưa kìa...
Mười lăm năm sau.
"Thăng biểu ca, thỏi mực này chính là thỏi mực trong truyền thuyết đó sao?". Một cô gái cao cao tò mò hỏi.
"Phải, chính là thỏi mực trong truyền thuyết". Người dang nói là một công tử tuấn tú, vừa nói vừa tỏ vẻ vô vọng.
Chàng có gương mặt hơi dài, cặp mày dài, dáng vẻ nho nhã cử chỉ đứng ngồi đều tỏ ra là công tử con nhà danh gia vọng tộc, nhìn vào mà muốn tan chảy trái tim. Còn cô gái bên cạnh chàng, tướng mạo có phần hơi giống chàng, kiều diễm như ngọc, mặc chiếc váy nguyệt hoa màu xanh lam, nàng đã đến tuổi cập kê, trên đầu cài hai chiếc trâm ngọc có vân hình hoa mai, khiến gương mặt đẹp như hoa lại càng thêm diễm lệ.
Vị công tử tuấn tú kia là đại thiếu gia Hồng Thăng của Hồng gia, còn cô gái đứng cạnh chàng là Hoàng Huệ, em họ ngoại của chàng, hai người họ xấp xỉ tuổi nhau, Hoàng Huệ chỉ kém Hồng Thăng một ngày, nên từ nhỏ đã là bạn thanh mai trúc mã rất gắn bó. Hôm nay Hoàng Huệ vô tình nghe người ta nhắc đến buổi lễ đầy năm hồi Hồng Thăng còn nhỏ, nên mới đòi xem thỏi mực Đình Khuê nổi tiếng đó.
Hề Mặc nằm yên trên bàn viết, từ sau buổi lễ đầy năm mười lăm năm trước, cô đã kết thúc cuộc đời trong hộp, được đưa tới chỗ của Hồng Thăng. Tất nhiên, đó cũng là vì ông bố nghiêm khắc của Hồng Thăng không chấp nhận được việc con trai ông vớ lấy hộp phấn, bắt con mình phải học hành thi cử đỗ đạt rạng danh gia tộc.
Thực ra suy nghĩ đó rất không thỏa đáng. Hề Mặc quan sát Hồng Thăng mười lăm năm trời, lặng lẽ thở dài. Trong mười lăm năm nay, cô vẫn luôn được đặt trên bàn viết của Hồng Thăng, nhìn chàng học Tam Tự Kinh, Đệ Tử Quy, lên cao hơn thì đọc Tứ Thư Ngũ Kinh. Cô biết rõ chàng hơn bất cứ ai trên đời, vị đại thiếu gia của Hồng gia này hoàn toàn không có năng khiếu thi cử! Bảo chàng ta đi thi văn bát cổ, chẳng khác nào lấy mạng chàng ta!
Hồng Thăng thích thú nhất là chơi cùng các chị em của chàng, trong Hồng viên ở Tây Khê, Hàng Châu ngâm thơ, vẽ tranh, hát đối, tự tại vô cùng. Mấy cô con gái còn thành lập một cái "Tiêu Viên thi xã", mùa xuân vinh liễu, mùa hạ tả sen, mùa thu ngắm hải đường, mùa đông thưởng hoa mai. Con gái nhà lành mà tụ tập chơi bời, đó là chuyện Hề Mặc không thể tưởng tượng nổi, những cô khuê nữ nhà đại gia trong ấn tượng của cô, thì có nàng nào mà chẳng ở lì trong nhà? Có người trước khi lấy chồng thậm chí còn chẳng đến xưởng thêu bao giờ, cô dám chắc rằng cái thi xã con gái này là cái đầu tiên trong lịch sử.
(Nghĩa là hội thơ vườn chuối)
Đám chị em khuê nữ mấy nhà đó rất thích Hồng Thăng, bốn đại gia tộc Hồng, Hoàng, Tiền, Ông là những danh gia vọng tộc có tiếng ở dải sông Tiền Đường, vì thế nam nữ thanh niên mấy nhà chơi với nhau cũng không có nhiều quy củ cứng nhắc. Hồng gia đời đời là môn đệ thư hương, vọng tộc trăm năm, cụ Hồng là một viên quan thất phẩm. Còn Hoàng Cơ, ông ngoại của Hồng Thăng thì còn làm tới thượng thư bộ Hình, bây giờ đang ở chức Đại học sĩ của điện Văn Hoa, kiêm thượng thư bộ Lại, có thể tính là trọng thần. Hồng Thăng cũng biết nếu mình mà được công danh nhờ khoa cử, thì cũng đã góp phần duy trì gia tộc, có thêm một sự đảm bảo, nhưng quả thực chàng không có hứng thú với Tứ Thư Ngũ Kinh, dù ép bản thân học thế nào cũng học không vào nổi.
"Thăng biểu ca, huynh nói thỏi mực này có đúng là mực Đình Khuê không?". Hoàng Huệ cúi đầu nhìn Hề Mặc, vẻ mặt rất tò mò. Nàng vẫn biết ông anh họ mình luôn để một thỏi mực trên bàn, trước đây đã từng thấy, nhưng vì nó không bắt mắt nên cũng không chú ý. Hôm nay trong lúc tiệc, chuyện được kể làm chuyện cười, nàng mới biết thỏi mực ấy chính là thỏi mà anh họ nàng hồi đó cầm lên lúc đầy năm, rồi lại quẳng sang bên. Việc này hay như thế, mà trước giờ không ai nói đến, chắc tại cụ Hồng quá nghiêm khắc, mỗi khi nhắc tới chuyện này là sẽ nổi trận lôi đình, lâu nay trong Hồng Viên không ai dám nhắc.
Hồng Thăng thì chẳng thấy việc mình nhặt hộp phấn là có gì xấu hổ, nhưng chàng cũng không dám động chạm tới ông bố, nên thường cũng không nhắc tới chuyện này. Bây giờ thấy em họ mình tò mò, mới tiện tay vớ lấy Hề Mặc, cười và giới thiệu với nàng: "Thải, mặt phải của thỏi mực này có hai chữ "Hề Nãi", mặt sau thì có hai chữ "Canh Thân", đó là đánh dấu tác phẩm của Lý Đình Khuê. Mực Đình Khuê rắn như ngọc, và có vân hình vảy, thỏi mực dày chắc, sáng bóng như đánh sơn, có đặc tính cầm thì nhẹ, mài thì thanh, hương thì thơm, rắn như ngọc, mài lên nghiên không có tiếng, chấm một chấm đậm như sơn, giữ được muôn năm không hỏng. Thỏi mực này tương truyền là được Lý Đình Khuê làm đầu tiên, tuy hình dáng không đẹp mắt, nhưng chất lượng đã hơn hẳn mực phổ thông rồi".
Hoàng Huệ thấy có vẻ chàng hứng thú, nên cười nhẹ nhàng nói: "Thỏi mực này đúng là có mấy đặc tính cầm thì nhẹ, hương thì thơm, rắn như ngọc, nhưng không biết có thật là mài thì thanh, mài lên nghiên không có tiếng, chấm một chấm đậm như sơn không!".
Hồng Thăng nghe tiếng đàn hiểu nhã ý, biết biểu muội muốn mài mực dùng thử. Yêu cầu này không quá đáng, nhưng dù chàng là đồ tiêu tiền như nước, cũng phải do dự đôi chút. Thỏi mực này chàng có từ nhỏ, tuy không thấy nó đẹp đẽ gì, nhưng cũng là thứ đồ để bên chàng mười lăm năm trời, chàng chưa từng có ý định mang ra dùng. Nhưng khi thấy ánh mắt mong chờ của biểu muội, Hồng Thăng bèn bất chấp hết, gật đầu.
Tuy là thỏi mực Đình Khuê giá trị liên thành, nhưng chỉ mài ra chút xíu cho cô em gái vui một chút chắc không vấn đề gì!
Hoàng Huệ nghe xong vui mừng khôn xiết, đi rửa tay sạch, tự mình múc nước sạch tới, đổ* một chút vào chiếc nghiên vuông Đoan Châu, lấy Hề Mặc từ trong tay Hồng Thăng, một tay vén tay áo, rồi chậm rãi mài mực.
Bàn tay ngọc đang cầm Hề Mặc trắng nõn nà, mười ngón búp măng, đáng ra phải là cái cảnh "Vạt đỏ thêm hương cùng đọc sách, áo xanh đưa mực giục đề thơ", nhưng Hồng Thăng lại có một cảm giác bức bí khó hiểu. Rốt cuộc thì vấn đề ở đâu?
Hoàng Huệ mài một lúc lâu, đến tận lúc Hồng Thăng cũng bắt đầu cảm thấy xót ruột, thì bỗng ngẩng đầu, cất giọng kỳ quái: "Nghe truyền rằng mực Đình Khuê ngâm nước ba năm cũng không hỏng, thì ra là vậy thật".
Hồng Thăng ngạc nhiên, tiến tới nhìn, thì phát hiện ra trong chiếc nghiên Đoan Châu vẫn chỉ là nước lã.
Hoàng Huệ thấy chàng tiến tới, nghĩ chàng muốn tự mình mài mực, liền đưa trả Hề Mặc cho chàng.
Hồng Thăng vừa cầm lấy Hề Mặc thì bỗng lặng người, một thứ tâm tình rất khó tả đang xâm nhập vào trong lòng chàng. Khi chàng định thần trở lại, nhìn thấy Hoàng Huệ đang nhìn mình một cách tò mò, bèn cười: "Thỏi mực này rất có linh tính, nếu chỉ là thơ văn bình thường, nó không coi ra gì đâu!".
Hoàng Huệ cho là Hồng Thăng nói đùa, cũng lấy tay che miệng cười: "Thế thì sau này biểu ca hãy làm một tác phẩm tuyệt thế, mới xứng với thỏi mực này được!".
Nhìn Hồng viên trùng trùng hoa ảnh, Hề Mặc bĩu môi. Bao nhiêu năm qua cô vẫn giữ được nguyên vẹn, tất nhiên là vì tu được vài chiêu. Một chiêu trong đó là nếu cô không đồng ý, thì không thể bị nước ăn mòn.
Muốn cô cam tâm tình nguyện hòa thành mực nước để viết tác phẩm để đời? Cho dù là thế, cô cũng tuyệt nhiên không tin Hồng Thăng có thể viết nổi.
3
Năm Khang Hy thứ mười hai, đời Thanh.
Hề Mặc nằm lặng lẽ trên quầy một tiệm đồ cổ, nhìn Hồng Tháng sắp sửa bán cô đi.
Cô đã ở hai mươi tám năm bên chàng, đã thấy chàng bộc lộ tài hoa tuyệt trần từ thời niên thiếu, mười lăm tuổi đã có tiếng ở văn đàn, hai mươi tuổi đã sáng tác rất nhiều thơ văn từ khúc, bao nhiêu người truyền nhau hát xướng ở một dải Giang Nam, phong quang rực rỡ.
Cô cũng chứng kiến chàng và biểu muội Hoàng Huệ kết duyên để thân lại càng thân, thấy họ vợ chồng hòa hợp kính trọng lẫn nhau, cũng nhìn chàng lên Quốc Tử Giám trên kinh thành để học, nhưng không thi được quan chức, phải bôn ba khắp nơi vì miếng cơm manh áo. Thậm chí vì từ bỏ khoa cử, cha mẹ không tha thứ, bị đuổi khỏi gia tộc, nghèo khổ đến miếng ăn cũng thành vấn đề.
Cô biết những món trang sức đắt tiền và áo quần hoa lệ của Hoàng Huệ đều lần lượt phải đem đi cầm cố, cho dù phải mặc áo quần vải gai cũng không một lời than thở, nhưng bây giờ họ vẫn không lo nổi ăn mặc. Nên Hề Mặc không trách Hồng Thăng đem cô bán đi.
Năm xưa khi họ bị đuổi khỏi Hồng gia, Hồng Thăng ngạo mạn chẳng đem theo bao nhiêu bạc, đến đồ vàng bạc, đồ cổ, tranh chữ trong phòng cũng chẳng đem đi cái gì, chỉ đem theo mỗi thỏi mực là cô trên bàn.
Cô khi đó rất vui mừng vì chàng không vứt bỏ mình. Còn bây giờ, Hề Mặc cũng vui mừng vì cô giúp được cho chàng.
Chàng đã cho cô nhìn thế giới này hai mươi tám năm, không phải sống lủi thủi một mình trong hộp, cô thấy thế là đủ rồi.
Hề Mặc nhìn Hồng Thăng, gương mặt đã dạn dày sương gió, chàng mặc chiếc áo vải, không còn thấy phong thái vị quý công tử năm xưa nữa, cuộc sống tàn khốc đã mài nhẵn những góc cạnh của chàng, gương mặt tuấn tú đã võ vàng. Lúc này đôi mắt chàng đang lộ vẻ tiếc nuối, cầm Hề Mặc trên tay lau đi lau lại, bỏ xuống, rồi lại do dự cầm lên.
Thực ra đem bán cô đi lấy tiền cũng không sao, Hề Mặc nhìn quanh tiệm đồ cổ, tuy tiệm rất nhỏ, nhưng trước cửa thắp đôi đèn cung Trường Tín thời Hán, chiếc lư Bác Sơn trên mặt quầy thì được đốt hương Kỳ Nam, loại hương Kỳ Nam một miếng đáng vạn lượng vàng ấy, trước đây Nam Đường Hậu Chủ từng tặng chủ nhân một miếng, chủ nhân vô cùng quý trọng, một miếng nhỏ cũng phải chia ra đốt mấy lần. Thế mà tiệm này lại đốt thoải mái đến thế, đúng là vung tay quá trời! Lại nhìn lên các món đồ cổ trên Bách Bảo Các, Hề Mặc càng được mở rộng tầm mắt. Trong tiệm đồ cổ xa hoa mà trầm mặc này, chắc cô sẽ sống tốt.
Có điều, có điều nằm trên tay Hồng Thăng, cảm nhận được đôi tay chàng nâng niu quý trọng, sâu thẳm trong cô dâng lên một thứ tình cảm muốn giằng xé linh hồn, tại sao lại như vậy?
"Chào mừng đến với Á Xá, khách quan muốn bán đồ sao?". Một tiếng nói thanh thanh cất lên, từ đằng sau tấm bình phong ngọc bước ra một chàng trai trẻ. Da trắng môi nhạt, tướng mạo tuấn tú, nhưng lại mặc một bộ cổ phục thời Tần Hán, tấm áo thâm vạt chéo bó sát có tay rộng làm nổi rõ thân hình mảnh khảnh của gã, vạt áo đen rủ xuống chân rất tao nhã, toát lên một vẻ quý phái. Hồng Thăng tình mắt, nhìn thấy trong khi gã đi lại có thấp thoáng trong tay áo thêu một con rồng đỏ rực sống động.
Hồng Thăng giật mí mắt, ngoài con em hoàng tộc ra, ai còn có thể mặc áo thêu rồng? Thoáng chốc chàng bắt đầu thấy nghi ngờ người bạn giới thiệu mình đến tiệm đồ cổ này, anh ta giúp chàng hay là hại chàng?
Gã kia có vẻ như biết suy nghĩ của chàng, tại nhấc tay áo lên cho chàng xem thoải mái, cười nói: "Đây là đồ diễn kịch".
Hồng Thăng sững người, lúc này mới nhận ra gã không hề cạo đầu, mà vẫn để mái tóc dài.
Sau khi người Mãn vào quan nội đã ban nghiêm lệnh, ai để tóc thì không còn đầu, chỉ trừ người xuất gia, những người khác buộc phải tuân theo. Con hát có thể mặc triều phục, có một số con hát thậm chí được để tóc diễn kịch, đó là những kẽ hở để lách luật, quan trên cũng mắt nhắm mắt mở cho qua, không cấm nghiêm ngặt. Đào kép là thứ nghề hạ đẳng hơn cả, nhưng Hồng Thăng không hề có ý coi thường đối phương. Dù chàng không cho rằng tiệm đồ cổ này một con hát có thể mở được, nhưng chàng vẫn cung kính đưa Hề Mặc trong tay ra: "Tiểu sinh muốn bán thỏi mực này".
Gã kia không lấy Hề Mặc đi, mà chỉ nhìn rồi nhếch môi cười: "Mực Đình Khuê hả? Không ngờ giữ được đến giờ, đúng là hiếm có. Ta khuyên cậu tốt nhất hãy giữ bên mình"
Hồng Thăng hơi giật mình, gã này chỉ cần nhìn qua là nói ra ngay lai lịch của Hề Mặc, có thể thấy con mắt gã tinh tường thế nào. Nhưng, chàng liếm liếm đôi môi khô khốc, cười nhăn nhó: "Thực không dám giấu, tiểu sinh cũng không muốn bán, nhưng cuộc sống bức bách, quả thật không còn cách nào khác".
Gã nhìn vết chai trên ngón tay phải do cầm bút lâu năm của chàng, hơi trầm giọng nói: "Cho dù cậu bán được, thì cũng đỡ được trong bao lâu? Một năm? Hai năm?".
Hồng Thăng biết đây chẳng qua cũng là tạm thời lúc cấp bách, cho dù mực Đình Khuê giá trị ngàn vàng, nhưng ở nơi ăn uống tiêu dùng cái gì cũng đắt đỏ như kinh thành, thì sớm muộn gì chàng cũng quay lại tình cảnh hiện tại mà thôi. Nhưng... Chàng nhớ tới Hoàng Huệ ngày một tiều tụy vẫn cố ra vẻ vui cười, chỉ cười khổ, mà không kêu than. Chàng đường đường là nam tử hán đại trượng phu, mà không thể lo cho vợ, lại bắt nàng phải chịu khổ theo mình, việc như vậy, dù nghĩ đến thôi cũng đã là xấu hổ, đâu thể nói cho người ngoài nghe được.
Hôm nay là sinh nhật của Hoàng Huệ, chàng nghĩ, ít ra cũng phải đưa nàng tới Thiên Nhiên Cư, ăn được một bữa cơm quê nhà.
Trong lúc Hồng Thăng đang tự trách mình, thì lại nghe gã đó nói: "Tiên sinh có biết viết kịch không?".
"Tất nhiên là biết". Sau khi hơi ngạc nhiên thì Hồng Thăng vội đáp lời, nhiều năm trước, khi chàng còn nhàn nhã ở Hồng gia, vẫn thường viết kịch cho gánh hát nuôi trong nhà diễn, không ít lần bị cha mắng là không lo chuyện học hành. Nhưng, gã hỏi cái này làm gì?
"Ta giới thiệu cho cậu một người, viết vài bộ kịch cho ông ta, số tiền này coi như tiền công trả trước". Gã như vẻ vừa làm xong một việc rất cỏn con, lấy từ trong quầy ra mấy tờ ngân phiếu.
Hồng Thăng ngó qua, phát hiện ra dù là tờ giá trị thấp nhất cũng phải khiến tim chàng đập mạnh: "Cái này..."
"Hãy giữ gìn thỏi mực Đình Khuê này cẩn thận, nó sẽ đem cảm hứng tới cho cậu". Gã hơi mỉm cười, đôi mắt phượng nheo lại, thâm ý khó lường.
Năm Khang Hy thứ ba mươi mốt, đời Thanh.
Hề Mặc nằm dưới cây nến, lặng lẽ quan sát Hồng Thăng đang viết say sưa.
Thời gian vụt qua, cô đã theo chàng bốn mươi bảy năm, nhìn chàng mỗi ngày một già đi, nhìn gương mặt vốn trẻ tuổi tuấn tú của chàng, dần dần ghi hằn dấu ấn của tuế nguyệt, lại càng trở nên minh trí sâu sắc.
Hồng Thăng quả là đã viết xong vở "Trường Sinh Điện" nổi tiếng đương thời, thậm chí khi vở kịch vừa mới diễn, hàng vạn người đã kéo tới xem, phố ngõ vắng tanh. Trong nội điện hoàng cung cũng từng diễn vở này, các gánh hát Tụ Hòa, Nội Tụ... ở kinh thành cũng nhờ diễn vở này mà nức tiếng gần xa. Các vị quan lớn và hoàng tộc đều rất tự hào nếu mời được gánh nào diễn được "Trường Sinh Điện", phút chốc Hồng Thăng đã nổi tiếng khắp kinh thành. Trong thời gian đó, chàng trở thành đối tượng được cao quan quý tộc tranh nhau tiếp đón. Chàng đã làm được điều chàng muốn, những thứ vàng bạc trang sức của Hoàng Huệ năm xưa chẳng cần nàng phải đi chuộc lại, đã có người tự động trả về. Tuy Hồng Thăng không tham gia khoa cử đề tên bảng vàng, nhưng còn nổi tiếng hơn cả người đỗ trạng nguyên.
Chỉ có điều sinh nghề tử nghiệp, chẳng mấy chốc Hồng Thăng bị cuốn vào vòng danh lợi, trở thành vật hy sinh cho cuộc đấu đá giữa các vị a ca hoàng tử, vì diễn vở "Trường Sinh Điện" trong ngày giỗ của hoàng hậu Hiếu Ý, mà Hồng Thăng chỉ nổi tiếng được hai năm đã bị gièm pha bỏ ngục, may mà hoàng đế Khang Hy không truy cứu trách nhiệm của chàng, chỉ tước danh hiệu thái học sinh, bắt phải rời kinh thành, trở về cố hương Tiền Đường.
"Biểu ca, đêm khuya sương lạnh, đi nghỉ sớm đi". Hoàng Huệ bưng một bát canh, đi vào thư phòng. Sau khi trở về cố hương Tiền Đường, nàng lại gỡ bỏ châu ngọc trên đầu, chỉ gài một cây trâm gỗ đàn, ăn mặc giản dị. Tuy cùng tuổi với Hồng Thăng nhưng nàng trông trẻ hơn khá nhiều, bất kể là lúc nghèo khổ nhất, hay là lúc sung túc nhất, nàng cũng không một lời oán thán hay có chút kiêu ngạo nào, trên gương mặt luôn là một nụ cười nhẹ nhàng. Lần này dù họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn, nhưng Hoàng Huệ chưa từng kêu ca một lời, sau khi bán nhà trên kinh thành, lập tức đi theo Hồng Thăng về Tiền Đường.
Hề Mặc không kìm được, nhìn về phía nàng.
Có lẽ Hề Mặc đố kỵ với nàng. Dù ở bên Hồng Thăng từ ngày xưa là cô, nhưng vợ chàng mới là người thủy chung như nhất, lúc nào cũng ủng hộ chàng. Nhưng một người phụ nữ hoàn hảo như thế, cô không thể không thừa nhận rằng Hồng Thăng lấy được nàng là phúc của chàng, hai người từ nhỏ thanh mai trúc mã, lớn lên nghĩa trọng tình thâm...
Hề Mặc nhìn Hồng Thăng đỡ lấy bát canh, vừa uống canh một cách vui vẻ, vừa thì thầm nhỏ nhẹ với Hoàng Huệ, cảnh tượng ấm áp đó giống như một bức tranh minh họa trong sách.
Có người ở bên mình, cho dù gian nan khốn khó đến đâu chắc cũng vẫn ngọt ngào... Hề Mặc bỗng cảm thấy sinh mệnh của mình tuy lâu dài, nhưng đa số thời gian đều chìm trong cô độc và tối tăm.
Hoàng Huệ cầm bát canh đã cạn sạch, dặn dò chồng đừng thức khuya quá, rồi lui khỏi thư phòng. Còn Hồng Thăng cầm một cây bút Hồ Châu, treo tay trên tờ giấy trắng, chìm vào suy nghĩ.
Hề Mặc đã quen với những lúc thẫn thờ như vậy của Hồng Thăng, cô cũng thả lỏng đầu óc theo chàng, không nghĩ gì cả. Thực ra trong vô số lần chỉ có người và mực lặng lẽ nhìn nhau, Hề Mặc luôn cảm thấy Hồng Thăng như nhận ra sự tồn tại của mình.
"Hề Mặc... Từ kinh thành trở về, hình như cô có tâm sự...". Sau một hồi lâu im lặng, Hồng Thăng bỗng đặt bút xuống, lắc lắc cổ tay tê cứng, ngẩng đầu nhìn Hề Mặc trên bàn cười. Bao nhiêu năm nay, chàng có thói quen nhìn Hề Mặc rồi tự nói. Hoàng Huệ mấy lần phát hiện ra, mắng chàng là đồ ngốc. Nhưng chàng cũng cần có đối tượng để giãi bày, cho dù là một thỏi mực không thể đáp lời.
Hề Mặc lặng người, thực ra cô cũng đã quen với việc Hồng Thăng hay thích lẩm bẩm những lời khó hiểu với cô. Nhưng lần này... hình như chàng không nói linh tinh...
"Tiếc vì ta bị đuổi về quê chăng? Thực tình như vậy cũng tốt, Hề Mặc, ta ngốc quá, ở lì ở cái nơi ăn thịt người đó, sớm muộn gì cũng bị người ta nuốt thôi". Hồng Thăng cười, phồn hoa nơi kinh thành khiến chàng mờ mắt, thành công do "Trường Sinh Điện mang tới khiến chàng gần như đình trệ việc sáng tác.
"Ta đã hứa với cô, phải viết được một tác phẩm để đời". Hồng Thăng đưa tay lau Hề Mặc, những năm qua được cầm trên tay, Hề Mạc đã sáng bóng mịn màng như ngọc, khiến chàng không nỡ rời tay.
"Ta chẳng được nghề gì, nửa đời phiêu dạt, buồn vui tan hợp, thói đời nóng lạnh dã trải qua hết. Các chị em năm xưa đều đã hương tàn phấn tạ. Ngay cả biểu muội, mất mẹ từ nhỏ, dù đã được gả cho ta, nhưng nhạc phụ không lâu sau cũng đã quy tiên, theo ta chịu cảnh sống khổ sở..." Hồng Thăng lẩm bẩm, trong lời nói có sự hối hận trách cứ bản thân. Hồng gia vốn là một gia đình danh vọng, thời Nam Tống đã từng có lúc cha con công hầu, nhà ba tể tướng, ba học sĩ họ Hồng danh tiếng khắp thiên hạ xưa nay. Nhưng đến đời chàng vì liên lụy bởi cuộc loạn tam phiên, gia tộc bị quan phủ bắt bớ, cha mẹ bị đày vào trong quân đội, các chị em vì uất hận mà lần lượt qua đời, dù chàng có về quê cũ, thì cũng là đứng trước một Hồng viên đã hoang tàn.
(Chỉ cuộc bạo loạn đầu thời Thanh do ba phiên trấn vương khởixướng, gồm Ngô Tam Quế, Thượng Khả Hỉ và Cảnh Tinh Trung)
"Cuối cùng là một màu trắng xóa, thật sạch sẽ...". Hồng Thăng thở dài buồn bã.
Hề Mặc thấy chàng lại cầm bút, chậm rãi viết: "Nay gió bụi mịt mờ, chưa thành việc gì, chợt nhớ chị em năm xưa, so sánh với từng người, thấy cử chỉ học thức, tất thảy đều hơn tôi. Tôi đường đường đấng mày râu, lẽ nào lại kém những chị em đó sao? Thực hối hận cũng thừa, hối cũng vô ích đâu thể làm gì. Đương khi ấy, tôi được cậy nhờ ơn trời đức tổ, những lúc áo gấm xênh xang, những ngày ăn ngon uống ngọt, nhận ơn giáo dục của cha anh, chịu đức dạy bảo của thầy bạn, vậy mà đến nay không nên trò trống gì, nửa đời long đong, mới viết thành sách, để nói với người thiên hạ..."
Hề Mặc có linh tính của mực, nên những sách vở được viết bằng mực, cô đều cảm nhận được, bao năm nay cô cũng đọc hết vô số thư tịch, nhưng bộ tiểu thuyết Hồng Thăng đang viết, lại khiến cô hứng thú hơn cả.
Nhân vật chính trong tiểu thuyết khi mới ra đời đã ngậm viên ngọc, tức là thành chữ "quốc". Trên viên ngọc khắc tám chữ, giống với ngọc tỉ truyền quốc làm bằng ngọc Hòa, ngụ ý là thiên hạ nhà Hán. Năm Thuận Trị thứ hai, kinh thành có một "thái tử" không rõ thật giả thế nào, bị chém đầu. Hề Mặc còn nhớ, Hồng Thăng vừa khéo sinh vào năm Thuận Trị thứ hai. Ô, hồi làm lễ đầy tuổi lại cầm hộp phấn? Chẳng phải là chàng tự nói về chàng sao?
Chẳng lẽ chàng vẫn còn lòng muốn phản Thanh phục Minh? Trong sách chàng nói về tứ vương ở Đông, Nam, Tây, Bắc, rõ ràng là chỉ bốn vị vương khác họ thời đầu Thanh, Bắc Tĩnh Vương trong sách chính là Tĩnh Nam Vương tương lai, Cảnh Tinh Trung, người duy nhất được tập phong vương tước trong số bốn vị vương khác họ. Cô vẫn nhớ Cảnh Tinh Trung còn là bạn tri giao của Hồng Thăng, năm Khang Hy thứ tám, hai người vẫn còn uống rượu nói chuyện vui vẻ ở kinh thành, cô cũng gặp mặt mấy lần. Bắc Tĩnh Vương trong sách còn chưa đến hai mươi tuổi, tướng mạo tuấn tú, tính tình khiêm hòa, rõ ràng là hình ảnh của Cảnh Tinh Trung.
Chà, sách nói đến Thám Xuân được gả đi làm vương phi ở xa, chắc là em của Hồng Thăng, đúng là được gả cho Cảnh Tinh Trung, cưỡi thuyền đi ba ngàn dặm đến Phúc Kiến làm vương phi.
Ấy, trong sách có Đại Ngọc và Bảo Thoa đều là biểu muội của Bảo Ngọc, vậy ai là Hoàng Huệ? Chắc là Đại Ngọc? Hoàng Huệ cũng mất mẹ từ nhỏ, cha làm quan cao mà mất sớm...
Hề Mặc lặng lẽ ở bên Hồng Thăng, nhìn chàng viết cuộc đời của chính mình, đem huyết lệ đưa vào từng lời châu ngọc gấm thêu, mà tâm trạng của cô cũng thăng trầm theo.
Năm Khang Hy thứ bốn mươi ba, đời Thanh.
Hề Mặc cảm thấy có chút bất an, chức tạo Giang Ninh là Tào Dần tập hợp những người nổi tiếng khắp Nam Bắc, để riêng Hồng Thăng ngồi chiếu trên, diễn hết vở "Trường Sinh Điện", nghe nói phải diễn ba ngày ba đêm. Nhưng tính ngày ra thì Hồng Thăng đã từ Giang Ninh về lâu rồi mới phải.
(Là chức quan chuyên lo việc chế tác đồ vải lụa cho cung đình thời Minh Thanh, đặt chuyên cục tại Giang Ninh, Tô Châu và Hàng Châu)
Cuộc nói chuyện của Hồng Thăng và Hoàng Huệ trước lúc đi, cô đều nghe hết, lần này Hồng Thăng đem theo bản thảo cuốn "Thạch đầu ký". Tào Dần là bạn thân của chàng, từng giúp các văn nhân nghèo ở Giang Nam in sách, chàng muốn gửi Tào Dần đem in bộ "Thạch đầu ký" này.
(Tức "Hồng lâu mộng")
Quả đúng là một tác phẩm để đời, chỉ tiếc là chưa viết xong.
Hề Mặc cảm thấy bất an vì mấy ngày nay không hề thấy đoạn truyện từ hồi tám mươi về sau.
Đáng ghét thật, chàng không biết là vẫn chưa viết xong phần văn của tháng này hay sao? Lại còn chạy đi khắp nơi, không mang cô theo! Không thể trễ nải việc viết bản thảo thế được!
Nhưng thời gian thấm thoắt, cứ ngỡ mới hôm qua chàng còn là một công tử hào hoa, mà chớp mắt đã thành ông già gần sáu mươi rồi.
Sinh mệnh con người, hình như rất ngắn ngủi...
Hề Mặc đang lặng lẽ suy nghĩ, bỗng nhiên nghe thấy tiếc khóc như xé lòng của Hoàng Huệ.
"Hề Mặc ơi... biểu ca... trên đường ông ấy về, đi qua Ô Trấn... uống rượu rồi lên thuyền... ngã xuống nước chết rồi...". Hoàng Huệ rối bời, bà biết Hồng Thăng vẫn thích lẩm bẩm với Hề Mặc, lúc này bà không còn nơi nương tựa, cũng tự nhiên làm như vậy.
Hoàng Huệ nước mắt như mưa, không thể đón nhận nổi tin dữ ấy. Bà và biểu ca ở bên nhau đã quá lâu, lâu đến mức bà nghĩ không thể nào chia ly được.
Trên trời nguyện làm chim liền cánh, dưới đất nguyện cây liền cành nhau. Mười năm trước bà thậm chí đã chuẩn bị cả ngôi mộ chung cho hai người, nhưng không ngờ rằng ngày đó lại đến nhanh như vậy.
Hề Mặc lặng lẽ một bên nhìn, sinh mệnh đời người đúng là rất ngắn ngủi, khác đâu pháo hoa rực rỡ cô thấy mỗi khi xuân về, chỉ trong chớp mắt, đã biến mất mãi mãi.
Vì sao, cô thấy buồn trong lòng vậy? Có việc gì cô có thể làm cho ông ấy được đây? Chẳng nhẽ cô lại tiếp tục sống những năm tháng cô đơn dài đằng đẵng sao?
"Không, ta không thể để ông ấy đi như thế được. Bản thảo duy nhất đã bị biểu ca mang đi rồi, trong nhà vẫn còn bản nháp của ông ấy, ta phải giúp ông ấy viết...". Sau phút đau khổ ngắn ngủi, Hoàng Huệ kiên quyết gạt hết nước mắt. Bà vẫn luôn là người phụ nữ như thế, nghèo khó không thể làm bà cúi đầu, vất vả không thể làm bà khom lưng. Dù qua bao nhiêu năm tháng vẫn không thay đổi.
Định thần lại, bà nhận ra trong tay mình không biết từ lúc nào đang cầm một thỏi mực bất quy tắc, bề ngoài không xuất chúng, thậm chí có phần xấu xí.
Hoàng Huệ học theo thói quen của Hồng Thăng, dùng tay cẩn thận lau những đường vân trên thỏi mực, chậm rãi nói: "Hề Mặc, ta còn nhớ lời nói đùa của biểu ca năm xưa, nay chàng đã viết được tác phẩm tuyệt thế rồi, ngươi vẫn tiếp tục theo chàng chứ?".
Có chứ. Đó là lời hẹn ước của bọn họ.
Hề Mặc nhẹ nhàng mỉm cười.
4
"Đây... đây chính là bản thảo dùng thỏi mực Đình Khuê để viết?". Bác sĩ cúi đầu nhìn tập giấy trên tay chủ tiệm, nét mực trên đó đen thẫm như sơn, thậm chí vẫn tỏa ra thứ hương thơm làm say lòng người: "Nhưng mà đó không phải vấn đề chính nhỉ? Tôi nhớ tác giả của Hồng Lâu Mộng là Tào Tuyết Cần mà? Có liên quan gì đến ông Hồng Thăng kia đâu?".
"Trước khi chết Hồng Thăng tới nhà họ Tào. Bản thảo được để lại chỗ Tào Dần. Sau này nhà họ Tào cũng xảy ra rất nhiều chuyện, Tào Dần không có thời gian đem in cuốn sách đó. Về sau có lẽ Tào Tuyết Cần tìm được tập bản thảo trong số di vật của tổ phụ, rất giống với thân thế của ông ấy, liền "đọc mười năm, sửa năm lần" chứ không phải là viết trong mười năm. Nhưng, có lẽ bốn mươi hồi sau đều do ông ấy viết ra. Vì vụ "Trường Sinh Điện" mà Hồng Thăng không đề tên thật lên bản thảo, đời sau kể lại cho nhau rồi cho rằng Tào Tuyết Cần là tác giả thật sự". Gã chủ tiệm chia bản thảo ra từng tờ phơi trên nền đá xanh, dưới giếng trời tràn ngập hương mực.
"Không đúng... Không thể thế được..." Rõ ràng là bác sĩ không chấp nhận.
"Trong sách có bao nhiêu là sự vật ở Giang Nam, Tào Tuyết Cần sinh ra ở kinh thành thì nhìn thấy ở đâu được? Hơn nữa hai mươi tuổi mà ông ta đã viết được một bộ sách tuyệt thế đó? Hai mươi tuổi mà nói mình "nửa đời long đong"? Ông ta là con một của Tào gia, đâu ra lắm chị em thế? Thời Ung Chính bắt đầu có các vụ án văn tự, ông ta sao dám viết những chuyện phản Thanh phục Minh như vậy?". Từng câu hỏi của gã chủ tiệm khiến bác sĩ vốn chẳng giỏi lịch sử gì lắm phải cứng họng.
"Nhưng vì sao không có ai đứng ra đính chính? Chẳng phải anh biết đấy sao? Vì sao...". Nhìn thấy nụ cười như có như không trên mặt chủ tiệm, bác sĩ ngừng lời. Sao anh lại quên nhỉ, trong lịch sử đến Tần Thủy Hoàng còn có thể là bạo chúa, thì chuyện nhận nhầm tác giả một cuốn tiểu thuyết tại sao lại không xảy ra được?
Bác sĩ đủ thông minh để không hỏi tiếp nữa, nhưng khi anh cúi đầu xuống lại thấy con sâu đang chầm chậm bò trên mặt đất, nhớ ra câu hỏi lúc đầu gã chủ tiệm đề ra.
"Phải rồi, con sâu làm sao vượt sông được?".
Gã chủ tiệm nhìn tập bản thảo trên tay, nét mực như mới, mỉm cười trả lời: "Biến thành bươm bướm".
(Chú: Chương này dựa trên quan điểm Hồng học của Thổ Mặc Nhiệt, chỉ là tiểu thuyết hư cấu).
(Thổ Mặc Nhiệt là một nhà Hồng học (nghiên cứu "Hồng lâu mộng"), đề xuất giả thiết tác giả "Hồng lâu mộng" không phải Tào Tuyết Cần, mà là Hồng Thăng)