Tiệm Cơm Nhỏ Thành Trường An

Chương 3: Vị Lâm thiếu doãn này




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Cuối xuân, trời càng lúc càng mau sáng. Phía đông lóe lên mấy tia sáng đầu tiên, người vào triều, kẻ bán dạo, người ra bên ngoài làm việc, tất cả đều tụ tập bên cửa phường chờ giải lệnh cấm.

Cách cửa phường không xa có mấy cái sạp nhỏ bán đồ ăn nóng sốt, chuyên bán cho mấy người ra ngoài từ sớm như thế này.

3

Triệu Bát bán hoành thánh, Khâu Đại cắp giỏ bánh nướng, Lô Tam Nương bán quẩy chiên đều là những khuôn mặt cũ ngày ngày đều gặp, nhưng hôm nay lại xuất hiện thêm một khuôn mặt mới, hơn nữa còn là một cô nương trẻ tuổi mặt mày xinh xắn – mắt hạnh da trắng vóc người cao gầy, nếu đẫy đà thêm một chút nữa thì hẳn có thể xưng là mỹ nhân.

Trước mặt nàng bày một cái lò than, bên trên đặt một cái chảo gang, bên cạnh chảo có một cái giá bằng trúc, bên trên bày mấy cái tô và đĩa sứ màu trắng chứa tương dầu và các loại gia vị.

Người ta chỉ nhìn thấy cô nương kia dùng bàn chải quét một tầng dầu lên mặt chảo, sau đó múc ra một muôi bột nước đổ vào trong chảo, lắc đều một cái, bột nước trải đều khắp mặt chảo, nàng lại đập một quả trứng lên trên, chỉ chốc lát đã thành một cái bánh.

Lật mặt bánh, phết nước chấm, rải hành lá và rau thơm, gập mép bánh lại, ở giữa chứa trọn tất cả nguyên liệu, thế là coi như hoàn thành xong xuôi cái bánh này.

Cô nương lại không dùng tay để cầm mà dùng một cái xẻng nhỏ xúc vào túi giấy đã chuẩn bị sẵn trong giỏ trúc. Giấy, chính là một thứ đồ quý giá, nàng lại dùng để gói bánh, đúng là khiến người ta chú ý.

Lập tức có người đi lên hỏi giá, mười văn tiền, mặc dù không rẻ, nhưng với hình thức đẹp đẽ gây chú ý như vậy thì cũng không tính là đắt.

Người này mở túi giấy ra nếm thử một ngụm, chà, vỏ bánh vừa mềm vừa thơm, không giống như các loại bánh rán vẫn thường ăn, có lẽ là vì có cho thêm trứng, phần được bao bọc bên trong lại xốp giòn, có mùi tương cay thơm lừng trộn lẫn với mùi hành lá và rau thơm, đúng là mỹ vị.

Thấy hắn ăn ngon miệng như vậy, những người khác cũng tới mua, có đôi người cưỡi ngựa hoặc ngồi xe còn sai nô bộc tới, dần dần trước sạp chen chúc một đống người.

Thiếu doãn phủ Kinh Triệu Lâm Yến vén rèm che cửa sổ lên, liếc mắt nhìn “đám đông nhốn nháo” ở cách đó không xa, trang phục người Hồ, mắt hạnh mày lá liễu, khóe miệng mỉm cười… Chẳng phải chính là cung nhân mới được thả ra mấy hôm trước sao?

Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến*, bay ở nơi đầu đường thế này lại rất vui vẻ…

* Trích bài thơ “Ô Y hạng” (ngõ Ô Y) của Lưu Vũ Tích: “Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến, phi nhập tầm thường bách tính gia”, nghĩa là: Chim én nơi lâu đài họ Vương, họ Tạ ngày trước, Nay bay vào những nhà dân chúng bình thường.

Một người nô bộc đi tới trước cửa sổ thấp giọng hỏi: “Hôm nay a lang còn chưa ăn sáng, hay để nô tài đi mua chút điểm tâm?” Thật ra cũng chỉ hỏi một câu như vậy, từ trước tới giờ a lang vốn không thích ăn mấy thứ đồ nặc mùi bán ngoài đường.

“… Cũng được.” Lâm Yến gật đầu, buông rèm che xuống: “Mua thêm mấy cái.”

Lại còn mua thêm mấy cái… Người nô bộc áo xanh hơi giật mình, nhìn chủ nhân qua lớp rèm che bên cửa sổ, lại quay đầu nhìn cô nương bán bánh kia, đột nhiên bừng tỉnh, ném dây cương vào tay người bên cạnh, chạy chậm tới trước sạp bánh.

Bên trong xe, Lâm Yến dùng ngón tay xoa xoa khóe mày. Mấy ngày nay nghỉ ngơi không đủ, mắt hơi đau nhức.

Hôm nay hoàng thượng muốn đi Hoàn Khâu tế trời để cầu mưa. Hoàng thượng xuất hành là chuyện lớn, mặc dù phụ trách bảo vệ hoàng thượng chủ yếu là cấm quân, nhưng mà dẹp đường lại là chuyện của phủ Kinh Triệu. Thống lĩnh cấm quân Tần Tường từng là nội thị bên cạnh hoàng thượng, hơi kiêu căng, vừa nghĩ tới tên hoạn quan kia, Lâm Yến đã thấy huyệt thái dương nhói lên.

Lâm Yến lại nghĩ tới chuyện trị an trong kinh thành. Gần đây giá cả trong kinh thành không có biến đổi gì lớn, mỗi đấu gạo chỉ tăng chừng mười văn tiền, chừng nào việc vận chuyển bằng đường thủy còn chưa bị chặt đứt, lại có thương nhân có dự trữ sẵn chịu mở kho thì chắc hẳn dân chúng trong kinh thành và vùng lân cận còn chưa gặp phải vấn đề gì lớn về lương thực. Chỉ là bởi vì khô hạn, lòng người có chút bất an, dẫn đến mấy lời đồn kiểu “đá sông hiện, trời nhắm mắt” gì đó…

Tới lúc trống canh buổi sáng vang lên, cửa phường mở ra, người nô bộc áo xanh mới cầm mấy cái bánh rán quay lại: “A lang mau ăn nhân lúc còn nóng.”

“Các ngươi chia nhau ăn đi.” Lâm Yến gõ gõ vào thành xe, ý bảo xe đi về phía trước.

Người nô bộc áo xanh ngẩn ra, nhìn bức rèm che lay động, lại nhìn cô nương bán bánh vẫn còn đang bận rộn đằng kia, chẳng lẽ là mình nghĩ sai rồi?

Đám người ra ngoài sớm đều đã đi cả, mặt trời cũng lên cao, lại bán một mẻ bánh nữa cho mấy người dậy muộn ra đường muộn, Thẩm Thiều Quang và chủ mấy sạp hàng khác đều lần lượt dập tắt lò than.

Thẩm Thiều Quang tự định vị cho món bánh rán của mình thuộc nhóm điểm tâm “hạng cao cấp”: Đây là khu vực dân cư phồn hoa, sức mua của dân chúng khá cao, trong bánh vừa có trứng vừa có tương, cho dù đắt hơn bánh nướng mấy văn tiền thì vẫn sẽ có người chịu chi; dùng giấy để gói, mặc dù phí tổn gia tăng, nhưng thứ nhất là sạch sẽ, đề phòng mấy người ngại bẩn tay hoặc là sợ bị tương dầu rơi ra vạt áo hay ống tay áo gây mất lịch sự, thứ hai là thuận tiện, bất kể là người đi bộ hay cưỡi ngựa, chỉ cần dùng một tay để cầm, vừa đi vừa ăn cũng được.

Hôm nay thử một hôm, xem ra cách định vị thế này cũng khá hợp lý.

Thẩm Thiều Quang áng chừng số tiền trong túi, thử tính toán sơ qua, trừ đi phí tổn thì cũng lời được tám, chín mươi văn tiền, như vậy một tháng có thể kiếm được hơn hai ngàn văn, một vị tiến sĩ đỗ đạt cũng chỉ kiếm được hơn một vạn văn tiền một tháng, tính ra từng này cũng đủ cho một cô nhi như nàng tiêu xài rồi. Nhưng nếu muốn dựa vào hơn hai ngàn văn này để mua nhà ở Trường An thì đúng là mơ ước viển vông, đồng chí vẫn còn phải nỗ lực nhiều lắm.

Thẩm Thiều Quang kéo xe đẩy trở về am ni cô, tình cờ gặp Tịnh Từ đang đứng ngoài cửa am.

Tịnh Từ liếc đôi mắt tam giác quan sát từ trên người Thẩm Thiều Quang đến cái lò rồi cái giá trên xe đẩy, miệng cười nhưng bụng không cười, cất tiếng hỏi: “Mới sớm thế mà Thẩm cô nương đã rất bận rộn nhỉ?”

Thẩm Thiều Quang híp mắt cười đáp lại: “Đúng vậy, đi ra ngoài dạo dạo một lát.”

Lại còn dạo dạo, rõ ràng là đi ra ngoài làm con buôn thì có! Bên môi Tịnh Từ lộ ra nụ cười châm chọc. Nếu nói một cách công bằng, Tịnh Từ không có ý kiến gì đối với thương nhân, nhất là những thương nhân có gia quyến thường tới dâng hương, dù sao thương nhân cũng là người mà, nhưng chút khoan dung này tuyệt đối không đủ để lan tràn tới cả mấy người mở sạp bán hàng bên đường. Tịnh Từ cảm thấy, hành vi của Thẩm Thiều Quang đúng là làm dơ bẩn cửa am, không thể tha thứ được!

Thẩm Thiều Quang kéo xe đi ngang qua người nàng ta, Tịnh Từ quay người đi vào trong tìm Tịnh Thanh.

“Thẩm cô nương kia lại có thể đi bán bánh ngoài đường, đúng là chả ra thể thống gì, sư tỷ thưa với trụ trì, đuổi nàng ta ra ngoài đi.”

Tịnh Thanh hơi khó xử, khẽ ho một tiếng: “Ngươi quên là người ta đã trả tiền thuê phòng rồi sao…”

“Vậy thì thế nào chứ? Trả tiền lại cho nàng ta là được.” Tịnh Từ làm người tiếp đón khách khứa, phụ trách tiền nong đã quen, đúng là coi thường chút tiền thuê nhà của Thẩm Thiều Quang.

“Không thể nói như vậy được.” Tịnh Thanh tận tình khuyên nhủ: “Chuyện này mà để cho người ta biết thì sẽ nói là chúng ta không giữ chữ tín, khó tránh khỏi ảnh hưởng tới danh tiếng của am chúng ta.”

Nghe Tịnh Thanh nhắc tới hai chữ “danh tiếng”, cuối cùng Tịnh Từ cũng tỉnh táo hơn một chút, trầm ngâm một lúc: “Vậy thì thôi, để nàng ta ở lại đủ ba tháng đi.”

Tịnh Thanh hồi tưởng lại cảnh tượng hai hôm trước Thẩm thí chủ đưa bánh rán tới cho trụ trì.

Sư phụ ăn bánh rán, nghe Thẩm thí chủ nói gì mà “Phú nhi khả cầu dã, tuy chấp tiên chi sĩ, ngô diệc vi chi*”. Lúc đó sư phụ trả lời thế nào? “Thẩm cô nương thật đúng là thực hành lời dạy của bậc phu tử, khiến người ta kính phục!”

* Trích lời Khổng Tử, nghĩa là “Giàu mà có thể tìm được, dù làm kẻ cầm roi (đánh ngựa) ta cũng làm”.

Thử nghe mà xem, ra đường bán bánh là thực hành lời dạy của Khổng Tử đấy! Trước mặt mỹ thực, đúng là sư phụ chẳng còn chút tiết tháo nào cả. Thời hạn ba tháng gì chứ, chưa biết chừng hôm nào đó sư phụ sẽ đồng ý cho Thẩm cô nương mở quán ăn trong am luôn đấy.

Nhưng lời này không thể nói với đám đệ tử khác được, dù sao cũng phải chừa lại mặt mũi cho sư phụ.

Tịnh Từ vẫn còn lải nhải: “Sư tỷ nói xem, tại sao một nữ tử xuất thân danh gia vọng tộc mà lại có thể ra ngoài làm cái nghề này? Chắc không phải là gia tộc giả mạo đấy chứ?”

Nếu Thẩm Thiều Quang mà ở chỗ này thì chắc chắn sẽ khịt mũi coi thường, đừng nói là cung nữ xuất thân danh gia vọng tộc mà đến cả hoàng đế cũng phải đi bán diêm nữa đấy! Hoàng đế Phổ Nghi đấy có muốn tìm hiểu một chút không?