Xe lửa nặng nhọc chuyển bánh, tiếng bánh xe lăn trên đường ra gây ra âm thanh sắc nhọn đâm vào tai, cứ đi một lát lại dừng một lát. Trên xe lửa có người ăn uống, có người lải nhải nhắc đi nhắc lại việc nhà, đủ các loại tiếng địa phương tràn ngập bên tai, nàng chỉ ngây ngốc nhìn qua ngoài cửa sổ thấy này là đồng ruộng, này là núi non, hết làng xóm này đến thôn xóm khác nối tiếp nhau, chiếm toàn bộ tầm nhìn của nàng.
Lâu lắm rồi nàng không đi tàu, thật sự là rất lâu. Trong trí nhớ chỉ còn sót lại lần cuối ngồi tàu là lần sau đám tang của ba nàng quay về Thượng Hải, suốt ba mươi mấy giờ hành trình, nước mắt nàng rơi đủ 2065km. Bác gái ngồi toa bên cạnh tưởng nàng bị lừa bán đi mới đến gần, có lòng tốt hỏi thăm: “Cháu bị lạc đường phảu không? Không biết đường về nhà sao?” Nàng gượng cười, nước mắt vẫn tuôn rơi. Đúng vậy, là nàng bị lạc đường, không có nhà, Dương Miễn đi rồi, ba cũng đi rồi, tất cả những gì nàng có đều trong nháy mắt bị cướp đi. Sau nghĩ lại lại thấy buồn cười, nàng vốn chẳng có gì cả, làm sao lại bị cướp mất được. Kinh Phật có câu “Cuộc đời vốn là hư không, tất cả rồi lại trở về với cát bụi...”
Tàu chạy cả ngày, tối mới đến N thị, ánh sáng ở N thị mờ ảo, buôn bán ồn ào, so với Thượng Hải còn có phần xa hoa truỵ lạc về đêm. Nàng không muốn nghỉ lại nơi người đó sinh ra lớn lên, xuống tàu liền vội vã đi mua vé chuyến cuối cùng về nhà.
Xe khách chạy đêm, ở thị trấn nhỏ này xe trên đường đã thưa thớt, tiếng đài phát thanh trong xe truyền đến đoạn quảng cáo khó nghe, lái xe để tiết kiệm chi phí nên tắt hết điều hoà, mở toàn bộ cửa kính, từng đợt không khí tràn vào mát lạnh.
Trước cửa căn nhà nhỏ trên con phố nhỏ ở phía Nam, dượng đứng ở trước cửa bến xe điện ngầm đón lấy balô trên tay nàng, cười tươi lộ hàm răng khấp khểnh, lại ục ịch buồn bã, vừa nhìn đã biết là người nhân hậu thành thật. “Nha đầu, đêm khuya rồi sao không ở lại N thị một đêm đã? Hiện tại bên ngoài rối loạn, về sau đừng đi xe đêm, thân gái một mình có chuyện gì thì biết làm sao?”
Nàng cũng cười, “Không sao đâu dượng, trước kia con còn đi bộ đến trường hàng ngày mà. Đúng rồi, bác gái đã ngủ chưa hả dượng?”
“Dạo này công việc bận rộn, đi về nấu cơm ăn xong là ngủ luôn, còn nhắc ta chú ý thời gian, đợi con về rồi hâm nóng cơm lên ăn.” Dứt lời liền đẩy cửa sắt, “Người nhà cả mà còn đứng ngoài nói chuyện à? Nhanh vào đi, đi xe cả ngày chắc đói bụng lắm rồi. Con ăn cơm trước đi, ta lên phòng Mỹ Mỹ dọn dép một chút, đêm nay ở tạm phòng của nó nhé, mai ta dọn dẹp phòng khách sau.”
Nàng buông ba lô cắt ngang, “Dượng đừng dọn làm gì mất công, mai con về trong thôn rồi.”
“Bao năm không về, giờ đến một chút đã vội đi sao? Trước đây mỗi lần con đến nhà ta chơi đều vui mừng thế, lớn rồi sao như người ngoài vậy?”
“Không phải là con khách khí, vì ở công ty chỉ xin nghỉ có 4 ngày, mai về trong thôn đã mất 1 ngày rồi, ngày kia là phải về thôi.”
“Công ty gì mà lại như vậy? Cho nghỉ phép cũng keo kiệt vậy sao? Đúng là nhà tư bản hà khắc có khác.” Khi còn trẻ ông làm trong nhà xưởng của nhà nước, giờ lại tự mình kinh doanh nên cũng hiểu không nên quá mức hà khắc, cho tới giờ mỗi lần nhân viên xin nghỉ có việc đều cho nghỉ phép thật thoải mái.
“Dượng à, ở công ty bên ngoài kiếm tiền đều dùng từng giây từng phút để tính toán, không bỏ qua cơ hội để bóc lột nhân viên đâu. Cho nên xí nghiệp của dượng thật là nơi tốt nhất Trung Quốc, lẽ ra phải khen thưởng mới được a.” Nàng vừa uống canh vừa lên tiếng nịnh nọt.
Từ cầu thang hẹp chợt vang lên một giọng nói, “Nha đầu kia lại khua môi múa mép rồi, đang ăn cơm còn không quên nịnh nọt dượng hả? Xem ra ngươi phải đem dượng khen từ đầu đến chân mới được nha!”
“Con đánh thức bác sao?” Nàng buông bát, có phần ngượng ngùng, nhìn đồng hồ trên tường đã chỉ 12h hơn.
“Không, ăn cơm xong ta đã đi ngủ rồi, người già có ngủ được nhiều đâu.” Bác vừa nói vừa thuận tay cuốn tóc lên.
“Hai người nói chuyện đi, tôi còn phải lên tính toán sổ sách hôm nay đã.” Dượng tủm tỉm cười rồi biến mất ở cầu thang.
“Sao con không ở lại vài ngày? Dù sao nhà bác cũng nhiều phòng trống mà, Mỹ Mỹ ở Bắc Kinh cả năm mới về 1 lần, con vừa đến mai đã lại đi rồi.” Bác có vẻ phiền muộn, con gái mình ở ngoài cách xa ngàn dặm, ở nhà chỉ còn 2 ông bà già, thật là buồn chán.
“Haha, con bận công tác thật mà. Lần này trở về cũng muốn qua thăm 2 bác, còn thăm ba nữa.” Nàng dọn bát, nhắc tới ba bắt đầu trở nên trầm mặc đứng lên. Lại bỗng nhiên nhớ tới cái gì, cầm balô lấy ra một phong bì lớn đưa cho bác.
Bác sửng sốt một chút, nhìn phong bì căng phồng, thở dài nói: “Cô bé ngốc, ta có giục con trả luôn đâu, con ở bên ngoài cần chi tiêu nhiều…” Bà đẩy phong bì về trước mặt Dung Ý.
Dung Ý cười cười dùng cả 2 tay đặt vào lòng bác, “Con một mình ở ngoài thật ra không chi tiêu mấy, chỉ mất thời gian ban đâu thôi, chứ sau rồi mua cái gì cũng không cần tiết kiệm lắm, vẫn chi tiêu thoải mái mà bác.” Em họ ở Bắc Kinh học nghệ thuật, ở một khu nhà dân, trường học cũng không phải nổi tiếng mà chi phí cao gấp mấy lần các trường cao đẳng tốt nhất. Vài lần nó còn gọi cho nàng kêu ca không đủ tiền tiêu, nàng còn lén đưa thêm cho nó nữa.
“Nếu Mỹ Mỹ được bằng một nửa của con, ta cũng yên lòng.” Ánh mắt của bà đã bắt đầu ướt át, con gái bà thành tích không tốt, vốn không mong chờ nó có thể vào đại học danh tiếng. Nhưng nó lại cố ý muốn học thiết kế, còn muốn đến Bắc Kinh xa xôi. Ban đầu 2 vợ chồng bà phản đối, nhưng sau suy đi tính lại, cũng chỉ có một đứa con, nếu nó muốn học thì cứ cho nó học thôi. Năm đầu tiên còn có thể chu toàn, nhưng từ năm sau buôn bán càng ngày càng kém, hàng hoá không tiêu thụ được, mà tiền tiêu càng ngày càng nhiều, dần dần cảm thấy không cố nổi.
“Khi nào nó trưởng thành sẽ hiểu thôi bác ạ.” Nàng an ủi bác, chính mình ngày xưa không phải cũng như vậy sao? Không trải qua những ngày tháng tuổi trẻ lông bông, không mang đầy vết thương, làm sao có thể hết mang ánh mắt thơ ngây cùng suy nghĩ đơn thuần được? Làm sao có thể học hỏi kiến thức, đối nhân xử thế cùng đạo lý làm người được? Trên đời này, phải trả giá rồi mới có thu hoạch. Dù hầu hết mọi việc, không phải lúc nào trả giá cũng đi cùng với thu hoạch đâu.
Bác ách xì 1 cái, “Ai, không nói chuyện với con nữa. Ăn xong mang bát vào bếp rửa rồi đi ngủ đi, ngày may nếu có có gián bò vao, ta sẽ xử lý con đấy.!” Bà lười biếng xoay người đi lên gác.
Nàng nhìn theo ánh đèn cầu thang vàng vọt, mượt mà chiếu thẳng vào lòng nàng, chính là cảm thấy ấm áp.
Ánh mặt trời rơi xuống từng ô ruộng xanh mượt, đồi núi trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau phía xa, hít sâu một ngụm không khí tinh khiết ở nơi thôn dã có lẫn mùi đất bùn thoảng qua, giống như được gột rửa tâm hồn.
Trước đây từ trong thôn đi đến thị trấn phải mất mấy giờ đồng hồ, nay đường xá đã được sửa chữa, làm đường vào tận trong thôn, nhưng vẫn cách xa nhà nàng. Từ cửa thôn đến nhà nàng đi mất gần 1 tiếng, đều là đường núi quanh co khúc khuỷu, núi nọ nối tiếp núi kia không ngừng. Kỳ thật núi ở đây cũng không cao, chỉ có điều hẹp không xoay được người, nhìn qua thấy cũng đơn giản, thực tế đi mất rất nhiều thời gian. Lâu lắm rồi nàng không trở lại, Dung Ý nàng vốn từ nhỏ đã chạy nhảy khắp vùng sơn dã này mà đi được nửa đường cũng đã có chút mệt mỏi. May mắn nàng vốn ở lầu 7 không có thang máy nên cũng quen, vừa đi vừa hát vang rốt cục cũng về tới nhà.
Trong thôn nhà cửa thưa thớt đơn sơ, nhà nàng ở ngay chân núi, từ trên xuống dưới là hàng ruộng bậc thang ngoằn ngoèo. Ở 1 tiểu viện cách nhà nàng không xa có một đầm sen, trước đây nàng vẫn thường theo sau cha lội xuống bùn lấy củ sen đến bán ở chợ thị trấn bên cạnh.
Có đôi khi bán nhanh lại đúng lúc tâm tình ba đang tốt, ba sẽ thưởng cho nàng 1 đồng xu. Nàng tiết kiệm từng đồng đến khi đủ một đồng liền đến quầy bán quà vặt cạnh trường tiểu học mua socola bọc đường. Đó là loại đồ ăn vặt quen thuộc khi nàng học tiểu học, đủ mọi màu sắc hình dáng không sao kể hết. Màu cam, vàng chanh, màu đỏ, màu hồng, màu tím, màu xanh… Ăn xong lớp vỏ bọc đường bên ngoài, bên trong chính là hương vị ngọt ngào của socola. Ngày xưa, Xuân Trữ là bạn cùng bàn hồi tiểu học của nàng có lần mang đến lớn 1 hộp, mẹ bạn ấy là công nhân viên chức ở đơn vị ba nàng làm việc, coi bạn ấy giống như hòn ngọc quý. Nàng vốn tham lam, mỗi ngày nhìn cái hộp nhỏ bên cạnh, đến nằm mơ cũng chỉ mong mình có được 1 hộp như thế.
Đến khi đi làm, nàng đã đi khắp các siêu thị tìm kiếm hương vị ngọt ngào của socola thuở ấy, mỗi lần thử là thêm một lần mất mát, hương vị ngọt ngào trong quá khứ đã bị xoá nhoà, rốt cuộc không thể tìm về.
Về đến nhà, mở cánh cửa sổ phủ đầy bụi, đem chăn gối ra sân phơi nắng, hì hụi quét dọn từ trên xuống dưới, quét tới bụi bay mù mịt, nhìn vẫn thấy không thể xoá bỏ dấu vết tàn tạ. Bùn đất vàng trát trên tường đã trải biết bao mưa nắng , cạnh giường ngủ trong nhà còn có một vũng nước, chắc là do lâu ngày không tu sửa nên nóc nhà bị dột. Năm nay nàng mới quay về đây lần đầu, năm trước chỉ về vào ngày sinh nhật của ba. Bình thường ba nàng không uống rượu, chỉ đến ngày sinh nhật là luôn mang bình rượu nhà mình đến nhà Cửu thúc bên cạnh uống tới khi mặt đỏ bừng bừng mới về. Đối với rượu của mình ông đặc biệt tự hào, mỗi khi gặp người quen đều gửi biếu, tính cách hào sảng đặc trưng của người vùng núi biểu hiện thật rõ ở trên người ông.
Ngồi ở ngoài nhìn chiếc bàn nhỏ trong nhà, nàng như nhớ tới ngọn đèn năm xưa, cứ tối đến lại mờ đi vì khói thuốc, người đàn ông trung niên ngồi thẳng băng trên ghế bên cạnh chiếc bàn đen, không nói lời nào, chỉ im lặng hút thuốc. Có khi nàng làm xong bài tập nhìn thấy ba ngồi ngẩn người bên cửa, nàng vẫn thắc mắc thuốc lá hôi rình có gì hay mà ba cứ hút, lại còn ngày nào đêm nào cũng hút nữa. Lúc đó nàng không hiểu, đến giờ nhớ đến, nếu lúc đó có thể khuyên ba bớt hút thuốc đi thì liệu ba có bị bệnh không, có phải sẽ giữ lại một người ở bên cạnh được không?
Trong lúc suy nghĩ miên mang, nàng cầm ghế gỗ ngồi ở cửa lúc nào không biếtm không ngờ Cửu thúc từ đâu đi về, có lẽ là mới đi chợ về, nhìn thấy nàng từ xa đã gọi: “A Ý sao? Thật sự là A Ý sao? Haha…” Vừa mở miệng, vừa cười khoe hàm răng lấp lánh sáng dưới ánh mặt trời, “Nào, cuối cùng thì cháu cũng về, haha, nha đầu, đi thành phố lớn đã quên ta rồi sao?”
“Cửu thúc, lâu quá không gặp…” Hàng xóm láng giềng trong thôn tình cảm rất thân thiết, khi nào rảnh rỗi đều cùng nhau đến dưới gốc cây hạt to ở cổng thôn tán gẫu, đủ thứ chuyện từ việc nhà đến nông vụ… Trong mắt họ, đây mới là cuộc sống thật sự.
“Haha, đúng là thật lâu rồi không gặp, từ khi lão Dung đi rồi, nơi này lạnh lùng đi rất nhiều.” Con cái của ông cũng ra ngoài làm việc, chỉ còn lại ông cùng hai ba ông bạn già, giờ thấy có người trở về, đương nhiên sẽ vô cùng vui vẻ.
“Cửu thẩm có khoẻ không ạ?”
“Vẫn là bệnh cũ, xương cốt đau, haha, bệnh của người già ấy mà, không có việc gì lớn cả.” Ông cười tủm tỉm trả lời, mồ hôi chảy xuống môi, bỗng nhiên nhớ tới điều gì, “Đúng rồi, vừa rồi ở cổng thôn, dưới gốc cây thừa lương, có một anh chàng còn hỏi đường đến nhà cháu, thật là lạ đó nha, còn có bạn tìm đến tận nhà.”
“Dạ?” Dung Ý kinh ngạc há hốc miệng không nói nên lời. Phản ứng đầu tiên nghĩ đến là Dương Miễn, nhưng không có lý do gì lại là anh ta, hồi học cấp 3 mỗi tối anh đều đưa nàng về, còn hay trêu đùa nàng rằng ba bốn chục năm sau vẫn có thể nhớ rõ đường về nhà nàng đi như thế nào, bằng không làm sao có thể lấy nàng về nhà được. Trong lòng đột nhiên có dự cảm chẳng lành, “Là người như thế nào ạ?”
“Cao cao gầy gầy, rất nhã nhặn, còn có một chân tập tễnh. Ta nhìn bộ dáng của cậu ấy chắc đi đến đây sẽ rất vất vả đấy. Ta còn tốt bụng hỏi cậu ấy có cần ta tìm giúp một cái xe chở đến đây không. Cậu ấy rất lễ phép cảm ơn ta, nói rằng không cần rồi đi tiếp. Ta lại thôi, đang nghĩ…” Cửu thúc vẫn tiếp tục lẩm bẩm.
Dung Ý không còn để ý đến ông, chạy như bay ra ngoài, đảo mắt đã chạy qua hồ sen. Thái dương phập phồng nóng rát trên mặt nàng, mồ hôi chảy thẳng xuống cằm. Người này có chuyện gì không biết? Sao lúc nào cũng làm nàng “kinh hỉ” như vậy? Sao không để cho nàng sống yên ổn được một lúc chứ? Nàng vừa chạy vừa nghĩ nơi này núi non hoang dã, hi vọng anh ta không phải là đi dạo vào chốn dân cư thưa thớt này a. Càng nghĩ càng nóng ruột, ngửa mặt lên trời thở dài, rốt cuộc là thế nào đây?