Thủy Tiên Đã Cưỡi Cá Chép Vàng Đi

Chương 4




Quan hệ giữa Quỳnh và Mạn luôn lạnh nhạt. Trong nhà, Mạn là người xa cách với Quỳnh nhất. Từ khi Quỳnh bắt đầu hiểu biết, cô đã thấy Mạn không ưa mình. Hễ Quỳnh khóc là Mạn lại cáu kỉnh, và đánh cô. Cho nên từ rất bé, Quỳnh đã biết phải "giữ gìn trật tự". Nhưng như thế cũng chưa đủ làm Mạn hài lòng. Chỉ cần nhìn Quỳnh, Mạn đã muốn nổi đoá. Cô ta thấy Quỳnh thật xấu xí, và chỉ gây phiền hà. Bà nội nói, đó là vì Mạn phải trả giá quá đắt cho việc sinh ra và nuôi dưỡng Quỳnh. Cho dù cái giá đó đối với phần nhiều phụ nữ khác chẳng là gì cả.

Nhưng đối với Mạn đã là quá giới hạn chịu đựng. Quỳnh là đứa con ngoài dự tính của Mạn. Khi định đi nạo bỏ, Quỳnh đã lặng lẽ lớn lên tự lúc nào, tựa như một con vật kí sinh ngoan cố, bám chặt trong cơ thể của Mạn. Cuối cùng, Mạn cũng phải chấp nhận sự thật, kết thúc mọi sự chống phá, chuyên tâm chờ đợi ngày chào đời của đứa trẻ.

Đó có thể nói là ngày Mạn cảm thấy sợ hãi nhất trong đời. Cơ thể của cô bắt đầu thay đổi. Đó là điều không thể chấp nhận được đối với Mạn. Có nghĩa là cô đã trở nên béo mập, xấu xí. Cô đang bị cướp mất sắc đẹp. Còn gì trên cõi đời này có thể khiến cô sợ hãi và căm hận hơn việc lấy mất sắc đẹp của cô? Bà nội lo lắng chu đáo mỗi ngày ba bữa ăn, bồi bổ cho Mạn. Những thứ đắt đỏ hằng ngày không dám mua đã làm cho Mạn ăn uống rất ngon miệng, nhưng ăn xong Mạn lại giận ghê gớm, trách móc bà nội của Quỳnh. Trong mắt cô, bà làm như vậy là có dụng tâm, muốn cô ngày càng béo, muốn cô bị cột chặt trong nhà. Mỗi lần ăn xong lại một lần Mạn nổi cơn, ném vỡ đồ đạc, gào thét trước mặt bà. Bà Quỳnh chẳng hề đáp lại, chỉ cần đợi được đến lúc Quỳnh ra đời là bà mãn nguyện. Đập phá được mấy tháng, Mạn vẫn càng ăn càng ngon miệng, thân hình quả nhiên ngày một tròn trịa đẫy đà. Cái sự đẫy đà đó cuối cùng đã tiết lộ ra việc Mạn có bầu, điều mà cô dấu kín lâu nay trong đoàn ca múa nhạc. Cô bị thay thế khỏi vị trí múa sô-lô. Đói là đòn giáng quá nặng đối với cô. Đó là vị trí mà Mạn phải cố gắng liên tục bao lâu nay mới có. Ngay từ khi còn bé, lần đầu đến đoàn, cô đã ước mơ được múa sô-lô. Cô thề sẽ thực hiện bằng được điều đó, và đa từng bước phấn đấu không ngừng. Kể cả việc lấy ba Quỳnh làm chồng, cũng là một trong những cố gắng của Mạn. Thế mà bây giờ, chỉ vì có bầu, thoắt một cái đã bị thay chân. Cô chỉ biết trút nỗi niềm này khi về nhà, trút lên đồ ăn và ăn uống quá độ. Có bầu được sáu tháng, cô đã to hơn trước gần gấp đôi. Mọi việc nhà ca múa nhạc đều tạm ngưng, suốt ngày nhàn rỗi đến cực điểm. Hằng ngày, cô ưỡn bụng oán thán, ăn những thứ ngon lành với tâm trạng mâu thuẫn, rồi lại nổi cáu với bà nội của Quỳnh, nguyền rủa đứa con đang trong bụng. Mạn bắt đầu hận Quỳnh từ lúc đó.

Quỳnh ra đời vào cuối hạ, đầu thu. Sự ra đời của cô lại là một tai nạn khác của Mạn. Mạn xương nhỏ, khó đẻ. Để cứu sống hai mẹ con, bác sĩ quyết định cho mổ. Nghe thấy thế, Mạn tựa hồ ngất đi. Cô gào thét, giẫy giụa, khóc lóc. Tôi là diễn viên múa, các ông không được rạch bụng tôi... Nghĩ đến sau này không còn được ngẩng đầu kiêu hãnh trên sân khấu trong bộ y phục thiên nga hở bụng, Mạn cảm thấy thật bất hạnh. Cô quá kích động tới mức suýt rơi từ trên giường xuống đất. Cô bắt đầu tự đập vào bụng mình. Cô chỉ muốn khối thịt trong người mình nát tan ra cùng với máu và tuỷ. Mười phút sau thì Quỳnh ra đời. Sự sống nho nhỏ ấy đang núp phía dưới tử cung, nhắm mắt lắng nghe những âm thanh của thế giới mà nó chuẩn bị bước vào, nó thật hồi hộp. Nhưng chào đón nó không phải là những vui mừng và xúc động, ngược lại, là những cú đánh và âm mưu ám sát. Mẹ của nó muốn bóp nó nát vụn.

Trong tình cảnh này, có lẽ mối thù hận giữa hai người đã được định sẵn.

Bác sĩ tiêm thuốc mê cho người phụ nữ lên cơn. Khuôn mặt vẫn in đậm oán hận trong khi cơ thể đã không nhúc nhích được nữa, Mạn mê man dần đi. Nhưng cô sẽ vĩnh viễn căm ghét cái sinh mạng nhỏ bé đang cứ từng bước dấn tới. Nỗi căm ghét đến với Quỳnh từ phút đầu tiên lọt lòng.

Sinh hạ Quỳnh xong, Mạn không thèm để mắt tới. Y tá bảo: Con gái! Mạn cũng chẳng hé mắt nhìn, khoé miệng thoáng vẻ khinh thường và chán ghét, dường như đứa bé là một vật thừa, từ cơ thể của cô rơi ra. Mạn thò tay xoa bụng mình, trên đó đang được quấn băng. Cô dùng tay ấn xuống, cảm thấy tê dại, không giống là bụng của mình. Chỗ đó để lại vĩnh viễn một vệt sẹo, trông như một con rết to lớn, cong queo, khảm lên làn da của cô. Trời định rằng Quỳnh vĩnh viễn liên quan đến vết sẹo xấu xa đó. Mạn mỗi lần nhìn thấy vết sẹo thì lại nghĩ đến Quỳnh. Mối hận đã vì sự tồn tại của vết sẹo mà vĩnh viễn tồn tại.

Nhưng dẫu sao, cuối cùng Mạn cũng thoát khỏi hình dạng to lớn nặng nề. Cô nghĩ kiếp nạn thế là đã qua, giờ chỉ mong nhanh chóng phục hồi hình dáng xinh đẹp nhất của mình. Cô chật vật xuống khỏi giường, vào nhà vệ sinh, áp trước tấm gương lớn, quan sát mình thật kĩ lưỡng. Đôi mắt thâm quầng, khuôn mặt tái nhợt đầy vết nám, lông mày lâu ngày không tỉa, rối loạn. Cô đau xót ôm lấy khuôn mặt phù, khuôn mặt đang mất đi tính đàn hồi và sự sáng sủa, trông như quả bóng bất chợt bì xì hơi. Mạn đau buồn đến bật khóc, chẳng biết tại sao mình phải chịu đựng nhiều khổ sở đến thế, tại sao phải chịu đựng sự xấu xí và nỗi đau đớn. Tại sao lại phải đem một phần đẹp đẽ nhất trong đời mình dành cho cái thứ đáng ghét vô dụng kia. Mạn cảm thấy cốt tuỷ của cuộc đời mình đều bị đứa trẻ kia lấy đi, còn mình chỉ là cái xác của quá trình chuyển hoá.

Mỗi một người đều có lá bài sau cùng, đều có giới hạn để duy trì sự sống. Đối với những phụ nữ như Mạn, sắc đẹp chính là giới hạn cuối cùng. Cho dù bản thân cô cũng có sự thông minh, sắc sảo, nhưng đó chỉ đáng coi là những điểm xuyết thêm vào sau khi đã có sắc đẹp. Chính vì thế, Mạn hận Quỳnh, mặc dù giữa họ là mối quan hệ máu thịt. Điều đó lúc nhỏ Quỳnh làm sao hiểu được. Cô chỉ biết rằng mẹ mình chẳng giống các người mẹ khác. Đi tìm tình yêu từ mẹ với cô là điều vô vọng. Đến khi lớn lên Quỳnh mới bắt đầu hiểu ra đôi chút. Nói cách khác, trong con người Quỳnh cũng ẩn chứa yếu tố "bất kham" như Mạn. Lẽ dĩ nhiên, chỉ cần lớn lên Quỳnh sẽ tự nhiên có thể hiểu Mạn hơn.

Quỳnh hiểu Mạn, nhưng không hề muốn tha thứ. Quỳnh luôn nghĩ rằng, tha thứ chỉ thích hợp với những người có trí nhớ kém cỏi. Đối với cô - người có thể nhớ ra bất kì một ký ức nào vào bất cứ lúc nào, rồi cứ thế khư khư tóm chặt - tha thứ là một từ ngữ không hề tồn tại.

Đương nhiên, Quỳnh vẫn nhớ hồi còn hai tuổi, ngủ trên giường, Mạn bỏ mặc Quỳnh để đi khiêu vũ. Quỳnh lăn từ trên giường xuống, đầu sưng vù một cục. Quỳnh vẫn nhớ, năm bốn tuổi bị ốm, Mạn bỏ mặc cô bị sốt cao, mãi sau bị bà nội đốc thúc mới cho Quỳnh uống thuốc, nhưng thay vì cho cô uống si rô ho, lại đổ nhầm vào mồm cô mấy thìa thuốc khử mùi chân. Miệng Quỳnh phút chốc đã bỏng rộp. Quỳnh nhớ, năm sáu tuổi Mạn đem cô đi tắm ở nhà tắm công cộng. Mạn vẫn như mọi lúc, kiêu hãnh đi ở phía trước, Quỳnh sải bước chạy theo sau cho kịp. Mạn đẩy cánh cửa chính đóng mở hai chiều có gắn lò xo, cánh cửa bị đẩy vào xong bật ngược trở ra, quên mất Quỳnh đang bước vào ngay phía sau. Quả nắm trên cánh cửa vừa vặn đập vào đầu Quỳnh, mắt Quỳnh nảy đom đóm, ngất tại chỗ. Còn Mạn, lại chửi mắng Quỳnh tại sao đi dứng không chịu để ý. Các bà các chị đứng đấy đều bảo rằng may mà Quỳnh còn nhỏ, nếu lớn cao thêm chút nữa, quả nắm cửa kia có thể đập thẳng vào thái dương, chắc cô khó lòng sống nổi. Quỳnh vẫn nhớ, năm bảy tuổi bắt đầu học tiểu học, ba mẹ cứ đùn đẩy nhau, không ai chịu đi họp phụ huynh. Về sau thầy giáo phải đến thăm tận nhà, mẹ lạnh nhạt bảo với thầy rằng Quỳnh sinh ra đã lắm tật hư, không thể nào dạy được. Thầy giáo ngạc nhiên vô cùng, từng gọi Quỳnh lên văn phòng để hỏi xem b à ấy có phải là mẹ kế của Quỳnh không... Quỳnh không sao quên được, năm chín tuổi, Quỳnh rất thích thứ nước hoa màu xanh đựng trong chiếc lọ thuỷ tinh màu bạc nhỏ xíu, bèn xịt ra một tẹo lên cườm tay, kết quả bị Mạn ngửi thấy, đánh cho một đòn chí mạng, hằn một vệt đỏ trên cánh tay Quỳnh... Người mẹ này chưa từng nấu cho Quỳnh được một bữa cơm, chưa từng khen Quỳnh hay động viên cô bé. Trong suốt quá trình lớn khôn của Quỳnh, Mạn lúc nào cũng chỉ bận rộn với việc làm sao cho sắc đẹp trở lại và củng cố sắc đẹp đó, chỉ quan tâm làm sao tóm được trái tim của đàn ông và giữ chặt không buông... Ban ngày, Mạn đi tập thể dục nhịp điệu, nhảy sabin, buổi tối khi khiêu vũ. Hễ có tiền là đi mát xa và thẩm mỹ. Cô còn biết ăn mặc sang trọng để đánh bài với các mệnh phụ, nhưng cô thực chất không tha thiết với loại hoạt động này. Điều cô cần là sự chú ý, ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người. Đứng trước những phụ nữ quần là áo lượt, thái độ kiêu sa khinh ngạo, cô vĩnh viễn thuộc về tầng lớp thấp kém hơn. Điều đó làm cô không chịu nổi.

Mạn quả thực là một phụ nữ kiên trì. Cô không ngừng gắng sức, sau khi bị đánh bại bởi việc có bầu Quỳnh, cô vẫn hừng hực sự "bất kham" và ngạo khí ngút trời từ trong cốt tuỷ để tiếp tục gượng dậy, biến mình thành người phụ nữ xinh đẹp, cao nhã. Năm Quỳnh mười tuổi, Mạn đi qua ngõ, những người phụ nữ xung quanh đều nhìn cô với ánh mắt ngưỡng mộ khôn tả. Các bạn học của Quỳnh trên đường về đều nhìn thấy Mạn, mọi người xuýt xoa ngắm bộ váy lụa hở tay của Mạn, cô còn đội chiếc mũ sa trắng tinh, như con chim di cư quý hiếm bỗng chợt quyết định thăm viếng miền đất này. Cô ngẩng cao đầu, ngực vươn thẳng, dáng điệu khiến loài công cũng phải e thẹn. Quỳnh lí nhí bảo người phụ nữ đó chính là mẹ mình, bọn con gái không đứa nào chịu tin. Tụi nó cười Quỳnh, bảo Quỳnh thèm làm con gái nhà giàu nên chắc hơi bị mát mát.

Sự thật không thể thay đổi, Mạn chính là mẹ của Quỳnh. Vì sinh Quỳnh ra, Mạn đã từng phải chảy máu, phải trả giá bằng một vệt mổ dài. Bởi vậy trời định Quỳnh phải nợ Mạn. Món nợ đó có ngay từ khi Quỳnh chào đời, dúi thẳng vào tay Quỳnh. Vì thế, Quỳnh buộc phải rơi vào thế bị động.