Thương Tâm

Chương 12




Việc thương tâm nhất của đời người là gì?

Có lẽ là ngay cả khả năng để bản thân sa đọa cũng chẳng có.

Tôi không nhớ rõ làm sao mình trở về phòng ngủ.

Tên Trương Hàn đó rõ ràng bị điên!

Sau khi nghe được câu nói đầy gợi tình của tôi, anh ta kéo tôi đi xem đá bóng cùng. Và tuyệt nhiên không nói gì về mối quan hệ phức tạp giữa chúng tôi nữa. Tôi thì chẳng hiểu gì cả, càng không biết việc hai mươi mấy con người cùng giành giật nhau một trái bóng có gì đáng để xem. Thế là mặc anh ta ra sức giải thích và bình luận, tôi chỉ gật đầu qua loa, ngáp ngắn ngáp dài, rồi dưới dư âm của cơn bạo bệnh mấy ngày trước, tôi ngủ thiếp lúc nào không hay.

Lúc tôi tỉnh dậy đã là 12h trưa ngày hôm sau. Căn phòng quen thuộc, quần áo trên người vẫn chỉnh tề và đầy đủ. Cơn sốt đã hết triệt để, chỉ là một số vị trí trên người vẫn còn nhức mỏi. Tôi nhanh nhẹn thay quần áo, đi xuống lầu.

Cả căn nhà trống trơn, chỉ có tiếng xì xì ngoài sân do người làm tưới cây bằng vòi xịt. Có lẽ Dương Tẫn Phong đã dẫn An Hoa đi đâu đó nói chuyện thân mật rồi. Còn Trương Hàn, cũng không thể ở mãi nhà Dương Tẫn Phong. Ngẫm nghĩ một chút, tôi bỗng dưng không muốn ở lại trong nhà vào lúc này, nghĩ thì chậm mà làm rất nhanh. Cho tay vào túi xác định thẻ atm vẫn nằm đấy, tôi vội vội vàng vàng ra khỏi nhà.

Lúc lên taxi rồi, tôi cũng chẳng biết sẽ đi đâu, hay nói đúng hơn, tôi vốn chẳng còn nơi nào khác để đi, thế giới này không phải thế giới của tôi, ở nơi này đừng nói là bạn bè, ngay cả tìm một quán ăn tôi cũng chẳng biết quán nào ngon quán nào dở. Nghĩ vẩn vơ thế nào, tôi nói với bác tài đến quảng trường trung tâm.

Quảng trường trung tâm là một trong những địa điểm tôi tốn công sức miêu tả nhất trong cả câu chuyện. Đó là một quảng trường mặt bằng hình tròn, bố trí hệ thống cầu thang xoắn ốc vô cùng tráng lệ dẫn xuống trung tâm thụt sâu xuống lòng đất như một thung lũng - cũng là vị trí đặc biệt dành cho bảo tàng thành phố.

Quảng trường này luôn luôn đông nghịt người, đặc biệt là những cặp tình nhân mới yêu, nguyên nhân không chỉ vì kiến trúc đặc biệt mang tính biểu tượng của quảng trường mà còn nằm ở lời đồn vô cùng nổi tiếng, rằng: Nếu có thể cùng người mình yêu đi hết cầu thang vòng xoắn ốc của quảng trường, cả hai sẽ trọn đời không rời xa.

Tôi lang thang một mình đi hết 999 bậc cầu thang xoắn ốc, tốn mất gần một tiếng đồng hồ. Chỉ cảm thấy thật nực cười. Thế giới này do chính tôi xây dựng lên, câu chuyện phét về cái gọi là tình yêu vĩnh cửu cũng do tôi tùy tiện viết. Vậy mà ở trong thế giới này, câu chuyện khoác lác đó lại như một thứ tôn giáo người người tin tưởng.

Tôi chợt nghĩ, nếu như cuộc đời lúc trước của mình cũng nằm trong một quyển truyện do ai đó viết ra thì thật bi ai làm sao!

Cả hai quyển truyện đời trước và đời sau tôi đều không đủ vinh dự được vào vai nhân vật chính.

Tôi đứng trước cửa vào bảo tàng, ngước mắt nhìn bức tường được chạm khắc tinh tế, bỗng dưng trí nhớ nhắc nhở tôi một chi tiết mà tôi đã lỡ bỏ qua, Thương Tâm trong câu chuyện này đã tốt nghiệp ngành điêu khắc, lại còn có một tác phẩm được chọn trưng bày trong bảo tàng thành phố.

Như tỉnh lại từ giấc mộng, tôi nhấc váy chạy thật nhanh vào bảo tàng. Hôm nay không phải cuối tuần, bảo tàng không đông lắm, nhưng cũng không phải vắng người. Tôi len lỏi trong dòng người tìm tìm kiếm kiếm, cuối cùng ở một góc trên tầng hai của bảo tàng, tôi tìm thấy “nó“.

Ánh sáng ảo dịu từ ngọn đèn bên trên như phủ thêm một lớp màn lung linh cho chiếc bình. Tỉ lệ hoàn hảo, bề mặt gốm sứ nhẵn mịn, từ dưới đáy bình một nhánh hoa pensee đắp nổi từ tốn vươn lên ôm lấy thân bình rồi nở một đóa hoa đẹp như sinh ra từ tiên giới trên đường cong nơi cổ bình.

Tôi đứng thừ người trước chiếc tủ kính, mắt không thể rời khỏi dáng hình tinh mỹ kia.

Tôi cũng từng học làm gốm, đó là một câu chuyện rất lâu trước đây mà tôi chẳng còn muốn nhớ lại. Lúc đó, thầy giáo nói với tôi rằng tôi sẽ mãi chẳng thể làm được một thứ gì hoàn hảo đâu, vì trái tim tôi cằn cỗi quá, mà một tác phẩm chỉ thật sự hoàn hảo khi nó mang theo cả cảm tình và một phần trái tim người làm gốm.

Tôi không tin. Tôi miệt mài học, miệt mài làm, làm đến khi trong lớp học đó chẳng một ai có thể nắn ra một dáng bình tròn như tôi, chẳng ai có thể khắc một đóa hoa tinh xảo như tôi, càng đừng nói đến ai có thể vẽ ám họa xuất sắc hơn tôi.

Thế nhưng tôi vẫn thua. Tôi thua một người đàn ông lớn hơn tôi chục tuổi trong lớp học, tay chân ông ta vụng về, nung gốm đôi khi còn để lại không ít bọt khí. Thế nhưng, những cái bình, cái chén do ông ta làm ra lại mang trên mình một vẻ đẹp khó diễn tả thành lời. Đó là một loại cảm giác chỉ có thể cảm nhận bằng cách chạm vào và thưởng thức.

Đó là lần đầu tiên tôi hiểu được ý nghĩa của “cảm tình và một phần trái tim người làm gốm” mà thầy từng đề cập.

Vậy mà hôm nay, ở một thế giới xa lạ, sau một thời gian rất dài, trái tim tôi lại một lần nữa hẫng đi một nhịp vì một chiếc bình mang theo “cảm tình và một phần trái tim người làm gốm“.

Tôi bỗng dưng cảm thấy mình không xứng đáng đóng tiếp vai diễn của Thương Tâm nữa, vì trái tim của cô ấy đẹp đẽ đến nhường nào. Chỉ có một trái tim đẹp và luôn thổn thức với cuộc sống mới có khả năng làm ra một tác phẩm rung động chừng này. Chỉ có một trái tim biết yêu thương và sáng tỏ mới đủ vẽ ra những đường nét tinh tế mà ngọt ngào đến thế!

Vậy mà...

Tôi không biết mình đã đứng bao lâu ở đó, cứ trơ mắt ra bao vây lấy chiếc bình, như thể tôi có thể khảm nó vào mắt bằng cách nhìn thật lâu và thật chặt. Người xung quanh di chuyển liên tục, không ít ánh mắt kỳ thị và khó hiểu phóng về phía tôi, nhưng tôi lại chẳng quan tâm đến chúng.

Cứ 2 giờ một lần, hệ thống bàn xoay của bảo tàng sẽ được khởi động, khi hệ thống khởi động, các tác phẩm điêu khắc như tượng, hoặc gốm sứ như bình, chén, tách sẽ tự động xoay tròn với tốc độ thật chậm.

Đóa hoa pensee rung nhẹ, chậm chạp xoay tròn đến khi khuất khỏi khoảng nhìn của tôi, rồi lại từ tốn quay trở lại. Không biết có phải vì đứng quá lâu và tập trung quá lâu mà tôi sinh ra ảo giác, ngay khoảnh khắc chiếc bình chầm chậm xoay đó, tôi như nhìn thấy một luồng ánh sáng tỏa ra soi rọi tâm hồn mình.

Nước mắt tôi chẳng hiểu sao lẳng lặng chảy, tôi thậm chí còn không hay biết cho đến khi có vài giọt khẽ rơi xuống đôi bàn tay đang siết chặt lấy nhau trước ngực. Nước mắt cứ ùa ra như suối chảy, không tiếng động nhưng chẳng thể ngừng. Tôi cũng không buồn đưa tay lên gạt lấy. Cho đến khi một âm thanh quen thuộc rót vào tai tôi:

- Tại sao em lại khóc?