Thương Hải

Chương 59: Phong huyệt




Đứng trước kỳ quan Phong Huyệt, Lục Tiệm hết sức tò mò, gã chăm chú quan sát, thấy nơi cửa hang có ai đó đã dùng một loại mũi nhọn gì đấy khắc vào đá mấy chữ rắm rối mang nét phiêu dật, dường như muốn phá vách đá ra để bay bổng lên. Gã gật gù, lần mò từng nét, rồi lẩm nhẩm:

- Chữ viết hay!

Tiếng khen còn chưa dứt, bên tai đã có ai đó cười hì hì, vặn lại:

- Ngươi mà cũng thấy là hay đấy ư? Có nhận ra được chữ nào là chữ nào không vậy?

Đúng là giọng nói của Diêu Tình.

Nguyên Lục Tiệm muốn Diêu Tình ở nghỉ ngơi nơi biệt viện,nhưng vị đại tiểu thư này trời sinh không thể nằm yên một chỗ cho lâu được, khi nghe tin có Ninh Ngưng đi kèm theo, nàng lại càng không thể không làm ầm ĩ, nằng nặc đòi đi theo.

Lục Tiệm hết cách, phải nhờ Cốc Chẩn kiếm cho gã một cái áo choàng lót da cáo lông đỏ, rồi gã bọc nàng vào áo, địu trên lưng. Kiểu nửa địu, nửa cõng đó làm mọi người trông thấy đều phì cười châm chọc, lời đuà giỡn của Cốc Chẩn mới là cay chua làm sao: "Đúng là Trư Bát Giới đang cõng lão bà!" (lão bà = tiếng đùa cợt gọi người vợ). Lục Tiệm mắc cở đến mặt mày đỏ au, nhưng Diêu Tình được đi theo thì khoái chí, nàng cười nụ, mắng lại gã:

- Xú hồ li, nếu người bịnh là má má của ngươi, ngươi có chịu cõng má má ngươi hay không?

Cốc Chẩn đáp không được, mà không đáp trả cũng không xong, mặt mày gã sượng sùng.

Diêu Tình tinh thần yếu ớt, nàng uống không biết bao nhiêu sâm thang cũng không sao khoẻ hơn lên được, cái áo choàng đó, ngày trước vốn được đặc biệt may cho Cốc Bình Nhi dùng trị chứng ớn lạnh, mặc vào người vừa nhẹ vừa ấm êm. Đi được một quãng, nàng đã chìm vào một giấc ngủ vùi, khi mọi người phá giải ra bí ẩn câu đố trên tấm bia, nàng cũng chưa tỉnh giấc. Đến khi nghe cuồng phong gào thét nơi cửa Phong Huyệt, nàng mới tỉnh lại, vừa lúc nghe Lục Tiệm khen mấy chữ viết thảo đó hay, lòng nàng vui vui, cố ý hỏi để làm khó gã.

Lục Tiệm cảm thấy da mặt nóng bừng bừng, gã lẩm nhẩm:

- Chúng... Môn....

Diêu Tình cười, bảo:

- "Chúng Phong Chi Môn"! Ngươi nè... không biết mà cứ giả vờ!

Lục Tiệm nghĩ bụng: "Hèn chi Cốc Chẩn và Thi cô nương vừa chợt thấy câu đố nói "Chúng phong chi môn" là họ buột miệng kêu ra "Phong Huyệt" liền, hoá ra nơi đây đã có khắc sẵn cái tên đó rồi?

Gã đáp qua quít:

- Mấy chữ này viết lạo thảo khó nhận mặt chữ quá, không sao đọc cho ra!

Diêu Tình bảo:

- Còn cãi chầy cãi cối nữa! Vậy mà đã là lạo thảo nỗi gì? Cái "Suất Ý thiếp" của Trương Húc kia mói đích thực là lạo thảo! Hừm... Ngươi đã không nhận ra mặt chữ, cớ sao khen hay?

Lục Tiệm đáp:

- Tôi đâu có nói chữ viết đẹp! Chỉ vì mấy nét khắc đó thiệt lăng lệ, ẩn chưá một kiếm ý cực kỳ cao siêu!

Diêu Tình nghe gã nói, nàng chăm chú xem xét, quả nhiên thấy đúng vậy, trong lòng nàng cũng khá ngạc nhiên.

Lục Tiệm lại bảo:

- Hai bên vách cửa hang, cũng đều có khảm chữ nữa kia. Dường như đều do một người tạo nên.

Diêu Tình ngoảnh trông, nàng lẩm nhẩm đọc:

Trang sinh thiên lại địa,

Hy Di vi diệu âm...

Dưới lại có lạc khoản: "Đông Ngô Công Dương Vũ... ngày ấy, tháng ấy, năm ấy... đã đề trong lúc say mèm"

Lục Tiệm chẳng nhịn được thắc mắc:

- Câu đó ý nói gì vậy? Công Dương Vũ rút cục là ai?

Diêu Tình đáp:

- Hai câu trước ta có biết, "Trang sinh thiên tại" là trích từ Nam Hoa kinh, phần "Vật luận", "Nhân Lại" là tiếng "ti trúc"(đàn sáo), "Địa Lại" là "Chúng Khiếu" (Người nghe trầm trồ), còn "Thiên Lại" là "Thiên Phong" (Gió trời). Hy Di nguồn gốc ở "Đạo Đức kinh", là "Thị chi bất kiến danh viết di, thính chi bất văn danh viết hy" (Trông mà không nhận biết thì gọi là DI, Lọt vào tai mà không nghe thì gọi là HY). Lời này khá mơ hồ, thuộc cảnh giới của huyền vi áo diệu. Còn ông Đông Ngô Công Dương Vũ kia, ta thiệt không biết, có khi là một tiền bối của Đông Đảo không chừng!

Tiếng nàng chưa dứt, đã nghe Tiên Bích tiếp lời:

- Công Dương tiên sinh là một đại kiếm khách thời xa xưa, bối phận cực cao! Tây Côn Lôn tổ sư gặp người, còn phải xưng gọi người bằng sư tổ!

Diêu Tình khẽ chau mày, nhiếc:

- Ai khiến ngươi lắm mồm|

Tiên Bích chỉ cười, không trả lời.

Lục Tiệm lại ra tuồng khoan khoái, gã nói:

- Hèn chi mấy nét viết đó thật phiêu hốt, rõ ràng làm người ta liên tưởng đến tàng chứa kiếm thuật cao siêu.

Tiên Bích bảo:

- Không những có tàng chứa kiếm thuật, chữ khắc đó vốn đã do kiếm khí từ nơi đầu mũi trường kiếm vạch lên.

Vào lúc ấy, bỗng Tả Phi Khanh nói:

- Gió ở đây thực kỳ quái, để ta vào xem qua một bận trước đã.

Tiên Bích nghe vậy, thất kinh, nàng buột miệng can:

- Ngươi thương thế chưa lành, sao lại đòi đi vào đấy!

Tả Phi Khanh tủm tỉm, nói:

- Không sao đâu! Ta chỉ vào dòm sơ sơ, không xuống sâu đâu. Chưa kể là, ngoài ta ra, hừm... có ai khác biết thuật ngự phong?

Gã phất tay áo rộng một cái, tung mình bay vào cửa hang, phất pha phất phới, như một đoá mây nhỏ, gã chầm chậm đáp xuống dưới lỗ huyệt.

Những luồng quái phong từ lỗ huyệt, nhẹ thì làm cát bay đá chạy, nặng thời có thể thổi cuốn bay người và gia súc. Bay ngược chiều gió, khó thật là khó, nhưng nhìn Tả Phi Khanh trực diện nhào xuống, như người đi dạo trên đại lộ, không thấy có trở ngại gì. Mọi người đều lấy làm lạ.

Không quá tuần nhang,một bóng trắng vụt hiện lên, Tả Phi Khanh đã cưỡi gió bay về, đúng ra phải nói là bị gió thổi bay ngược mạnh về. Té lăn trước mặt mọi người, sắc mặt gã tái mét, môi miệng thâm xì, lông mi lông mày bám một làn sương trắng mỏng. Mọi người còn đang ngơ ngác, đã thấy sắc mặt gã chuyển sang trắng bệch, rồi từ trắng thành đỏ ửng, bỗng miệng gã khạc ra một vựng máu.

Tiên Bích quá hoảng kinh, nàng liền chạy ào đến, từ bình thuốc cầm trong tay, nàng trút một hoàn đan dược vào mồm gã. Ngu Chiếu cũng nhanh nhẹn đến sau lưng gã, vận Chu Lưu điện kình, dùng thủ pháp Phong Lôi chuyển sinh nhắm trị nội thương cho gã.

Tả Phi Khanh chậm chạp thở ra một hơi dài, nói:

- Nếu nói về thế gió, thì không đáng sợ, nhưng trong gió tàng chứa lẫn lộn một cỗ hàn khí, dường như thẳng từ nơi chín tầng địa ngục thổi ào ào lên! Cái rét đó nhập vào xương tuỷ, đích thực lợi hại ghê gớm. Ta xuống đến lưng chừng huyệt, đã bị hàn khí đó kích trúng, lãnh nội thương.

Ngu Chiếu thắc mắc:

- Nếu lợi hại dường ấy, sao hồi đó Tư Cầm tổ sư đã xuống đến tận đáy được?

Tả Phi Khanh đáp:

- Tổ sư chắc cũng đã dùng thủ pháp ngự phong ấy thôi, có điều nội công của người cao hơn ta rất nhiều lần, đến độ băng hỏa bất xâm, người xuống đó nhất định không gặp khó khăn gì!

Mọi người đưa mắt nhìn lỗ huyệt động đen ngòm, đều nghĩ bụng, đi ngược chiều gió đã khó rồi, lại còn thêm cỗ hàn khí cổ quái đó, xâm nhập đáy huyệt xem ra chẳng dễ. Còn đang nghĩ ngợi, thấy Cốc Chẩn nói:

- Để ta đi xem thử!

Tả Phi Khanh nhìn vào gã, gật gật đầu, bảo:

- Ngươi đích xác luyện thành công "Chu Lưu lục hư công", thể nào cũng đủ sức đi xem thử, hãy ghé tai vào đây, ta dặn nhỏ một điều!

Cốc Chẩn cúi xuống gần, ghé tai nghe Tả Phi Khanh dặn dò.

Cốc Chẩn gật đầu lia lịa. Sau một chặp, Tả Phi Khanh hỏi:

- Nghe hiểu rõ cả rồi chứ?

Cốc Chẩn đáp:

- Đại khái cũng tạm hiểu, ý là phải tránh chỗ đầu gió mạnh, phải chen vào chỗ yếu của nó, phải né những đỉnh cao của đợt gió.

Tả Phi Khanh bảo:

- Đúng thế. Vạn vật dưới trời này, thảy đều có nhược điểm, cuồng phong cũng không ngoại lệ!

Cốc Chẩn nhắm mắt suy nghĩ, một lúc sau, tóc trên đỉnh đầu vụt dựng đứng lên, gã phất tay áo rộng, nhanh như chớp, gã bay vèo vào Phong Huyệt. Mọi người trông thấy, đều kinh hoảng. Gương mặt lộ vẻ kỳ dị, Tiên Bích lẩm bẩm:

- Ta nghe nói, khi luyện thành "Chu Lưu lục hư công", bát bộ thần thông giúp cho người ta muốn làm gì thì làm, hôm nay, được tận mắt chứng kiến, mới thấy quả nhiên không sai!

Tả Phi Khanh gật đầu, nói:

- Nói là nói vậy, chứ người này ngộ tính cực cao, là ngộ tính lần đầu Tả mỗ được thấy tận mắt. Còn may gã không thuộc diện người như Vạn Quy Tàng, nếu không, sẽ rất vô cùng khó khăn khi phải đối phó!

Hắn chưa dứt lời, bỗng nghe Lục Tiệm bảo:

- Tôi cũng đi nữa!

Diêu Tình nghe nói, nàng thất kinh, hỏi ngay:

- Ngươi đi làm gì?

Lục Tiệm đáp:

- Tôi không thể để Cốc Chẩn một thân một mình đi mạo hiểm.

Diêu Tình trong lòng hết sức bất mãn, nàng chu miệng, hỏi:

- Ngươi đi rồi, ai lo cho ta đây?

Lục Tiệm bảo:

- Đành phiền Thi cô nương chiếu cố cho một lúc!

Tiên Bích vui vẻ hỏi:

- Sao đệ còn cứ gọi "Thi cô nương"?

Lục Tiệm ngẩn người, cười, trả lời:

- Quen miệng rồi! Vậy để tôi gọi bằng đệ muội.

Thi Diệu Diệu mặt mày đỏ ửng, như một quả táo chín. Dù không muốn, Diêu Tình trông ánh mắt Lục Tiệm loang loáng, nàng biết gã đã quyết tâm, không thể lay chuyển, không thể ngăn cản gã được, lòng nàng nóng như lửa đốt, chẳng những bực tức, mà còn có phần lo âu, thất chí.

Thi Diệu Diệu đỡ nàng ra đứng kế bên bờ huyệt động, nhẹ nhàng khuyên:

- Tỉ tỉ đừng lo, huynh ấy sóng to gió cả đều đã từng trải qua, chuyến đi này không xảy ra chuyện gì đâu!

Diêu Tình buồn bực đáp:

- Ta thiệt không lo đâu, ngược lại, ta chỉ thấy hắn dường như không rành cách cưỡi gió, làm sao hắn xuống đấy được?

Nói xong, nàng đăm đăm nhìn gã, chỉ thấy Lục Tiệm mường tượng không nghe không thấy gì hết! Gã đứng trầm ngâm trước Phong Huyệt một hồi lâu, bỗng gã vặn eo lưng, chuyển thân, đưa đôi tay vào giữa luồng gió thăm dò, rồi một nhoáng chuyển động thân mình, đã không còn thấy gã đâu nữa.

Diêu Tình kêu "ủa" một tiếng, trong lòng cảm thấy cực kỳ quái lạ.

Tiên Bích nhìn dáng vẻ nàng ngẩn ngơ, bèn giải thích: "Lục Tiệm luyện thành "Bổ Thiên kiếp thủ", có thể dùng đôi tay cảm giác được chỗ nào gió mạnh, yếu, lại còn được "Đại Kim Cương thần lực" hộ thể, ngăn gió, chống lạnh, gã đi xuống đấy dễ như bỡn!

Diêu Tình nghe giải thích, trong tâm cũng có được đôi chút yên lòng, nàng khịt mũi nhỏ một tiếng, không trả lời.

Tiên Bích hiểu là mối hờn giận trong lòng Diêu Tình chưa tan, nàng bất giác thầm thở dài!

Lục Tiệm càng xuống sâu, sức gió càng mạnh, tựa hồ nằm mộng có trăm ngàn cánh tay to lớn đang muốn tóm lấy gã, ném gã ra ngoài lỗ huyệt. Tiếng gió gào hú hệt như thiên quân vạn mã đang ào ào xung trận, khiến người nghe hồn viá bủn rủn, hễ kém đảm lượng một chút, đã quay đầu bỏ chạy rồi!

"Bổ Thiên kiếp thủ" hết sức thần diệu từ chốn thiên đỉnh cao ngất kia đến tận cùng đáy hoàng tuyền, ngày trước, gã đã từng xử dụng để phá giải các luồng gió mãnh liệt của thuật "Thanh Phong toả" do Tả Phi Khanh huy động. Lúc này, dù sức gió dưới huyệt mạnh gấp trăm ngàn lần, cái nguyên lý bên trong vẫn cùng loại với "Thanh Phong tỏa:". Dựa vào kiếp lực, Lục Tiệm tránh đương đầu chỗ gió mạnh, gã dùng nhiều biến tướng khác nhau nhắm những chỗ yếu nhất của gió mà tiến, đồng thời vận "Đại Kim Cương thần lực" đưa chân khí chuyển động mạnh trong châu thân, giá rét không xâm nhập được.

Đi không bao lâu, thế gió chợt biến chuyển, khi thì xoáy thẳng vào mặt, khi thì như con trốt quấn lấy gã mà văng mà đập không ngớt. Vách huyệt động bị gió bào mòn bao nhiêu năm nay, trở thành nhẵn nhụi lạ thường. Đôi lúc Lục Tiệm ngẫu nhiên chạm vào đấy, gã cảm giác như hàn khí nhập vào tận xương, làm đông đặc máu huyết, bởi các mặt vách hoàn toàn phủ kín những lớp băng dày cộm.

Trong lòng Lục Tiệm chợt máy động, gã bỗng cảm giác thấy phía trước có vật gì đang vùn vụt bay đập thẳng vào mặt. Lúc ấy, chung quanh tối như hũ nút, đưa bàn tay ra trước mắt không thấy các ngón, gã toàn trông vào tâm thần để liệu định. Lục Tiệm khẽ né sang một bên, tả thủ chộp vào vật đó, có cảm giác mềm mại của da thịt con người, cho dù trong bóng tối dày đặc, Lục Tiệm song thủ vừa ôm lấy vật đó, liền đoán ra ngay là ai, gã lạc giọng kêu lên:

- Cốc Chẩn, phải ngươi đây không?

Nội công Lục Tiệm cực kỳ thâm hậu, hiếm thấy trên đời, cứ xung lên như sóng triều. Cốc Chẩn tuy có được tâm pháp tuyệt thế, nhưng nội lực gã kém xa Lục Tiệm, lúc mới xuống huyệt, chân khí còn sung túc, còn có thể ngự được cuồng phong, hàn lưu, nhưng lúc xuống quá sâu, tinh lực giảm dần, Chu Lưu bát kình dẫu tự động bổ sung, nhưng đã làm hao tổn không ít nội lực, mà thế gió lại biến hoá muôn ngàn cách khác nhau, khi táp thẳng, khi xoáy chéo, gã vừa bị một con lốc quấn vào, lập tức chân khí trong người gã toán loạn, gã đã bị đẩy ngược lên trên. Vừa rồi, nếu không được Lục Tiệm níu lại, gã nhẹ thì đông đặc máu huyết trong người, nặng thì cuồng phong quấn và đập vào vách đá, tan xương nát thịt.

Lục Tiệm cảm giác chân khí nội thể Cốc Chẩn đang loạn, gã lập tức ám vận huyền công, rót một cỗ kình khí qua. Cốc Chẩn nhận được chân khí đó, đã hít thở lại được, vì sức gió mạnh táp thẳng vào mặt, không sao mở miệng được, gã bèn rán dùng ngón tay viết vào gan bàn tay Lục Tiệm:

- Hãy hợp sức lại!

Lục Tiệm hiểu ngay, cả hai lập tức giương tay ra trước, đồng lúc thi triển thần thông. Lục Tiệm dùng kiếp thuật dò tìm các chỗ gió yếu, Cốc Chẩn dùng phép ngự gió, dựa vào sức gió mà tiến. Lúc ban đầu, còn chưa quen, sự phối hợp còn chưa thuần thục, nhưng tâm linh cả hai vốn đã từng có tương thông hồi trước, dần dà họ đã có thể hiệp sức tốt hơn, thế gió tuy mỗi lúc một lớn, cả hai tựa hồ cá vào nước, di chuyển thấy đã nhanh hơn.

Phong Huyệt uốn khúc quanh co, sâu lạ thường. Cốc Chẩn nhẩm tính, hai người di chuyển như vậy, đi cũng được ngoài hai mươi dặm, phía trước vẫn trống không, không thấy tận cùng, băng giá đóng hai bên mỗi lúc một dày, thông đạo càng ngày càng hẹp lại, càng tập trung tăng mạnh sức gió hơn lên, thế gió càng trở nên lăng lệ. Tiếng gió chạm vào vách phát âm thanh quái dị, nghe ong óng như đồng lúc hàng trăm quả đại hồng chung cùng rộ tiếng lên một lần, muốn làm sôi sục máu huyết ngườii ta, muốn làm nổ tung bộ óc. Có những mẩu băng bị gió đánh gãy, tua tủa nhọn như gươm dáo, bay chạm vào mình, dù được thần công hộ thể, da thịt bị va vảo tươm máu, nhưng máu đó đã lập tức đông đặc lại, hàn kín miệng vết thương, làm hai người cảm giác toàn thân đóng băng, tê buốt, lấp mất cảm giác đau nhức.

Thông đạo mỗi lúc một thu hẹp lại, muốn cựa quậy để di chuyển thấy thật khó khăn. Cốc Chẩn tinh thần bắt đầu suy sụp, nếu không có Lục Tiệm liên tục rót chân khí, gã đã quỵ ngã từ lâu. Cầy cục một lúc nữa, phía trước thông đạo không đủ chỗ cho hai người cùng đi ngang hàng. Lục Tiệm ý nghĩ xoay chuyển, lớn tiếng bảo:

- Đi sát vào đàng sau ta!

Cốc Chẩn nghe nói, lập tức hiểu ý định của gã, bèn thò tay viết vào bàn tay gã:

- Không xong! Mình đành quay trở về đi thôi!

Lục Tiệm mở to đôi mắt, gằn giọng quát nhỏ:

- Lúc này đây, ta là huynh trường, ngươi phải nghe lời ta!

Lục Tiệm hiếm khi nao nổi giận, nhưng lúc gã động nộ, gã toát ra một uy vũ bức nhân.

Cốc Chẩn lẳng lặng hít vào một hơi dài, không nói năng gì nữa, gã chuyển mình ra sau lưng Lục Tiệm.

Lục Tiệm lấy giấy lưng buộc hai người dính vào nhau, cõng Cốc Chẩn trên lưng. Gã quát nhỏ một tiếng, vận Đại Lực kim cương lên đến tuyệt đỉnh, dùng cả tay lẫn chân bám vào vách, rồi từng phân, từng tấc. gã cố gắng tiến tới.

Lúc này, thế gió hung bạo đến mức không tưởng tượng nổi, đối chọi với gió đã khó, còn bị những mảnh băng vụn dài cả tấc bắn vùn vụt vào mình.

Thời điểm đó, nơi chốn đó, cơ trí coi như vô dụng, chỉ còn biết đem hết sức bình sinh ra chống chọi với gió. Mỗi bước đi ra phía trước, Lục Tiệm đều phải đem hết sức lực trong người ra dùng, cơ bắp trên mình gã hầu như bị gió xé ra từng mảnh nhỏ, cảm giác buốt cóng thấm dần vào xương tuỷ. từ tứ chi thâm nhập vào trái tim. Lục Tiệm bất chợt mở miệng thét to, nỗ lực kích thích đấu chí trong đầu. Tiếng gã thét to tựa sấm sét, vang vọng trong động, so ra chẳng kém âm lượng tiếng gió hú là bao.

Đi được chừng trăm bước, Lục Tiệm cảm tưởng như đã đi hàng vạn dặm đường, lối đi dài hun hút, ý niệm mỏi mệt ào ạt ùa tới, thân mình bị các mảnh băng oanh tạc liên miên khắp nơi, lúc ban sơ đau đớn vô hạn, nhưng theo thời gian trôi qua, dần dần cái rét buốt nhập vào làm gã khốn khổ. Mắt gã hoa lên như thấy sao trời loa loá, lồng ngực chẳng còn chút cảm giác khí huyết vận chuyển, gã mường tượng sắp ngất đến nơi.

Đúng lúc đó, gã cảm giác gót chân nhẹ hẫng, chân trái gã bước hụt vào khoảng không, rồi cả hai người rơi nhanh vùn vụt xuống bên dưới.

Biến cố nhanh và bất ngờ, khí lực Lục Tiệm hầu cạn kiệt, gã không có cách đối phó. Cốc Chẩn bị buộc dính sau lưng gã, cũng rũ rượi tay chân. Hai người cùng một ý nghĩ:

- Thế là hết!

Ý đó còn đang lẩn quất trong đầu, đôi chân Lục Tiệm bỗng cảm giác lạnh ướt, nghe ùm một tiếng, hiển nhiên họ đã rơi tòm xuống nước.

Nước đó lạnh buốt như cắt, những vết thương trên mình hai người vào nước, vẩy miệng vết thương tróc ra, làm đau, xót không sao chịu nổi.

Nhưng đau xót làm thần tình hai người tỉnh ra! Vũng nước đó trên mặt tĩnh lặng, dưới đáy lại có dòng chảy ngầm, họ còn chưa kịp hoàn hồn, đáy nước chợt có xao động. Lục Tiệm còn đang tìm cách đề tụ chân khí, gã nghe có động, giọng tắt tiếng, gã nói:

- Cốc Chẩn hãy cẩn thận, có vật gì động đậy mé dưới.

Cảm thấy phấn khích lên một chút, gã vừa định trổ "Thần Ngư tướng", chợt thấy thân thể nhẹ hẫng, nội lực không sao ngưng tụ được, trong lòng gã mới kịp la thầm "Nguy rồi", gã đã được Cốc Chẩn cấp tốc kéo đi. Cốc Chẩn dang tay xuất một đạo "Chu Lưu thủy kình", đẩy vẹt nước xung quanh ra, đồng thời bay vọt người lên phiá trên.

Nguyên Cốc Chẩn bị ràng sau lưng Lục Tiệm, không phải chạm mặt với quái phong, gã đã thừa dịp đó vận chuyển bát kình, khôi phục tinh lực, đến khi hai người chìm xuống nước, nội lực gã đã phục hồi được sáu thành, lúc gã nghe Lục Tiệm báo động, gã đã vận dụng "Ngự Thủy pháp", vẹt nước, kéo Lục Tiệm, cùng tránh né. Lục Tiệm mỏi mệt đến kiệt lực, đành cứ để mặc cho kéo đi, gã một ngón tay giờ cũng không đưa lên nổi.

Chấn động trong nước bỗng tăng lên, truyền thẳng vào tai, từ tứ phía, cứ từng chập, từng chập ùa tới. Bỗng cảm giác có một vật gì to lớn đang tiếp cận sau lưng, Cốc Chẩn vụt thấy tay gã bị kéo rịt xuống. Lục Tiệm đột nhiên bị cái vật đó chụp trúng, kéo mạnh gã chìm xuống nước sâu.

Cốc Chẩn vừa hoảng, vừa tức bực, tay trái gã kềm chắc, không buông Lục Tiệm, tay phải xuất ra một đạo Điện kình, rẽ nước nhằm kích vào quái vật. Nghe "tạch" một tiếng to, lửa xanh loè lên trong màn đêm tối hắc ám. Tay gã được buông lỏng ra, gã mừng rỡ, lập tức giật mạnh, kéo Lục Tiệm về. Đúng lúc đó, gã bỗng cảm giác bị hai cái vòi dài đang sờ chạm vào thân mình từ eo lưng trở xuống, rồi một lực đạo mãnh liệt đã lôì gã xuống đáy nước. Trong khẩn cấp, Cốc Chẩn nạt một tiếng, Chu Lưu điện kình phóng nhanh ra, nghe soạt soạt hai tiếng, hai cái vòi lại thả hắn ra.

Cốc Chẩn đang chầm chậm hít vào một khẩu chân khí, bỗng nghe tiếng Lục Tiệm nói yếu ớt:

- Mé trái... Mé trái hình như có bờ!

Cốc Chẩn vội ôm chặt Lục Tiệm, rẽ nước bơi đi, trút hết sức lực toàn thân, tiến tới được chừng vài trượng, cảm giác phía trước mực nước nông cạn dần, cuối cùng chân gã đạp trúng vào nền đá bên dưới.

Cốc Chẩn loạng choạng bước, kéo Lục Tiệm lên trên một gành đá, toàn thân èo uột, gã té nhào xuống. Rồi nghe từ trong nước có tiếng động lớn, sau đó bốn bề tĩnh lặng, bên tai chỉ còn tiếng gió thổi vi vu, rì rầm trên mặt nước.

Cốc Chẩn tim đập thình thịch, chung quanh tối mịt mùng, không cảm giác được gì, gã không hiểu còn nguy hiểm nào rình rập nưã hay không. Gã chợt nghe Lục Tiệm hỏi:

- Con vật gì đó đã bỏ đi chưa?

Cốc Chẩn thoáng giật mình, gã hỏi lại:

- Huynh không sao chứ?

Lục Tiệm ậm ự một tiếng, bảo:

- Ta an toàn! Ngươi đã có bị vật đó quấn rịt vào người không?

Cốc Chẩn đáp:

- Có đấy, chỗ này là ở đâu vậy, sao lại có cái con vật quái quỷ đó vậy?

Lục Tiệm nói:

- Ngươi coi chừng, con vật đó có thể có độc!

Nghe Lục Tiệm nói, Cốc Chẩn cảm giác những chỗ bị vòi con vật chạm vào có chút ngứa ngáy, ran rát... Gã lập tức huy động thần thông, hóa giải độc tố. "Chu Lưu lục hư công" khi luyện xong, bát kình luân chuyển, có thể giải trừ bách độc. Năm xưa, Lương Tư Cầm đối mặt Minh Thái tổ, dù đã liên tiếp uống trọn hơn mười hồ độc tửu, vẫn nói cười như không. Hồi ở trên Ma Long hạm, gã uống phải "Ái Thần chi lệ", cuối cùng đã giữ được một chút thần hồn, không bị độc đó nhận chìm. Độc tố của con quái vật này dẫu có lạ. cũng không làm khó được "Chu Lưu bát kình". Cốc Chẩn chuyển vận bát kình vài vòng, cái rát, ngứa đó cũng giảm đi nhiều. Gã băn khoăn:

- Lục Tiệm, huynh cũng bị nó quấn vào mà?

Lục Tiệm thản nhiên nói:

- Chẳng có gì phải lo! Độc đó đâu làm khó được ta!

Cốc Chẩn hít vào một hơi, vui vẻ nói:

- Gì đi chăng nữa, cái Phong Huyệt dẫu hiểm. nhưng bọn mình rồi cũng đã chiến thắng nó!

Lục Tiệm cười gượng:

- Xem ra thắng thảm thì có! Bây giờ, xương cốt toàn thân ta rã rời ráo trọi!

Cốc Chẩn đáp:

- Khổ tận cam lai, càng chiến đấu khổ cực, thành quả càng to!

Lục Tiệm hỏi:

- Cái con quái vật dưới nước đó, không biết tự đâu ra! Có khi là con rồng không chừng?

Cốc Chẩn đáp:

- Ta chưa từng thấy rồng, nhưng nếu muốn đả thương người ta, dùng mấy cái vòi đó không, chưa đủ!. Ngẫm cho kỹ, có khi là một thứ bạch tuộc, nhưng bạch tuộc thì cũng đâu có độc, chưa kể là bạch tuộc thì vòi của nó thô nhám! Cái con quái vật này, thứ mà nó quấn vào người người ta, xem ra vừa mảnh, vừa dài, có phần giống sợi roi da! Còn may, nó sợ Chu Lưu điện kình của ta, nếu không, tụi mình chắc hổng khoẻ được như bây giờ.

Lục Tiệm nói:

- Chỗ bị nó quấn vào, chất nước tiết ra ngửi thấy tanh hôi dễ sợ!

Cốc Chẩn vui vẻ nói:

- Huynh khoan hãy chê nó tanh hôi! Tệ lắm, khi mình không thoát khỏi đây, có thể lấy nó làm lương thực sống qua ngày!

Lục Tiệm hoảng hồn:

- Ngươi định bắt nó hả?

Cốc Chẩn đáp:

- Ừa! Huynh làm mồi, ta làm ngư ông, huynh xuống nước dụ nó đến, ta sẽ ở trên bờ bắn cho nó một phát ngon lành cho biết!

Lục Tiệm trong lòng không mấy vui vẻ cái tư vị đó,

- Sao lại đem ta làm mồi! Trong quá khứ, đã chẳng phải là vai trò của ngươi đấy hay sao?

Cốc Chẩn cười hì hì:

- Đến hoàng đế còn phải thay nhau mà làm, mồi câu cá cũng phải thay đổi người chớ!

Lục Tiệm hai tay khoát lia lịa,

- Không được! Không chơi! Ta thà chết đói, còn hơn đi ăn cái giống đó!

Cốc Chẩn cười ầm.

Lục Tiệm đặt tay lên nền đất, vận kiếp lực, thăm dò một hồi, rồi nói:

- Cốc Chẩn, bên trên vách đá có một lỗ huyệt động!

Cốc Chẩn hỏi"

- Cao trên chừng bao xa?

Lục Tiệm đáp:

- Cỡ ngoài mười trượng.

Cốc Chẩn lại hỏi:

- Lớn cỡ chừng nào?

Lục Tiệm đáp:

- Có thể một người đi lọt.

Cốc Chẩn hân hoan nói:

- Tuyệt! Mau đi lên đó đi!

Hai người bám vách đá leo lên, càng lên cao, thấy sức gió càng mạnh, tựa hồ bên trên vách đá có một cái miệng khổng lồ đang nhắm vào hai người thổi mạnh tới, thân mình hai người đang ướt, bị gió táp vào, toàn thân giá lạnh.

- Đến rồi - Lục Tiệm dò tìm cửa hang, rồi bước vào, đưa tay kéo Cốc Chẩn vô theo.

Cốc Chẩn bị té ra sau, gã bực bội, hùng hổ càu nhàu:

- Cái thứ gió chết tiệt này làm lão tử ta đây muốn trúng bịnh phong thấp, tay chân lập cập hết trơn!

Lục Tiệm nghe gã càu nhàu, không nhịn được cười. Gã nhất tâm hộ vệ Cốc Chẩn, luôn luôn đi trước, lỡ gặp hiểm nguy, còn có thể ra tay đối phó, Cốc Chẩn ở tuốt phía sau, đâu dễ bị trúng phong thấp.

Lục Tiệm đưa tay lần mò, đụng vào một cánh cửa đá, gã vận thần lực, hô to:

- Đi.

Cánh cửa cọt kẹt, rồi mở rộng ra. Một luồng gió lạnh từ trong tấp ra, Lục Tiệm trấn tĩnh, hít vào một chân khẩu khí dài, rảo bước đi lên. Cốc Chẩn bám sát theo sau, hai người lần lượt đi tới, được chừng trăm bước, phia trước chợt thấy có ánh sáng, phút chốc, thông đạo đột ngột mở rộng ra và sáng sủa. Nhìn sơ qua, hai người thấy đó là một gian phòng vuông vức độ vài trượng mỗi bề, ở ngay giữa có một cỗ quan tài đá.

Cốc Chẩn tiến lại gần quan sát mấy hạt minh châu, rồi hết sức ngạc nhiên, gã kêu lên:

- Cái này là Trường minh châu đây mà!

Lục Tiệm hỏi:

- Trường minh châu là gì vậy?

Cốc Chẩn đáp:

- Trường minh châu là loại ngọc phát quang ban đêm, là thứ trân phẩm cực quý, theo truyền thuyết thì đó là hạt châu đính nơi đỉnh đầu Thâm Hải ngư long, trị giá liên thành! Ta đi khắp thiên hạ chỉ được thấy có một viên, ở đây có những mười hai viên, chẳng hiểu người táng trong quan tài là nhân vật như thế nào?

Lục Tiệm đến trước cỗ quan tài, phủi sạch bụi, cảm giác dưới ngón tay, mặt quan tài thô ráp, có khắc những văn tự, gã bất giác lẩm nhẩm đọc: "Đệ Hoa Kính Viên... mộ của tỉ Phong Liên...."

Giọng gã tắt nghẹn ngang đấy, hai người bốn mắt nhìn nhau, gian phòng đá chợt tĩnh lặng.

Một hồi sau, Cốc Chẩn thở một hơi dài, gượng cười, nói:

- Thì ra Kính Thiên và Phong Hậu cùng chung một mồ chôn! Lúc sống họ không đồng sàng, chết lại được cùng vào một chỗ, thảm thay, thương thay!

Giọng nói không khỏi có phần vô vàn cảm khái.

Lục Tiệm giật thót, hỏi:

- Kính Thiên, Phong Hậu? Hắc Thiên thư là do họ cùng trước tác?

Cốc Chẩn trầm lặng, gật đầu.

Lục Tiệm hỏi:

- Rốt cục, giữa họ, ai là chủ, ai là nô?

Cốc Chẩn chau mày đáp:

- Có trời mới biết!

Lục Tiệm lại sờ vào mặt quan tài, bỗng lên tiếng:

- Chỗ này hãy còn có chữ đây!

Rồi gã đọc: "Ta may được gặp tỉ thưở ấu thơ, rồi do nghiệp số, vận mệnh hai người xoắn xuýt vào nhau, tính ra hơn ba mươi năm. Nhờ tỉ đặc biệt giúp sức, cùng nghiên cứu ẩn mạch, ta đã mở ra một cảnh giới mới trong võ học, tạo nên một kỳ công lưu danh cùng thiên cổ. Tuyệt diệu thì tuyệt diệu đấy, nhưng lại có hối hận! Phương pháp đó cho phép luyện thần theo đường tắt, giúp người ta dễ luyện thần thành công! Nhưng, cái ngày cáo thành, cũng là cái ngày đại hoạ đổ xuống. Hai chúng ta khổ công tìm tòi nhiều năm, không sao tìm được cách thức phá giải. Tỉ buồn, hận, đau khổ, và hối hận, đến thành sầu thảm, tình cảm ta không còn được đáp lại, làm ta tâm ý nguội lạnh, mấy năm sau này ẩn thân dưới Phong Huyệt, buông bỏ tất cả chuyện thế gian! Dần dà ta cũng ngộ hiểu được. Người luyện kiếp thần, khi quán thông hai loại mạch ẩn và hiện, luyện đến thần, trí hư, nếu luyện theo đạo lớn của trời đất, kiếp vận Hắc Thiên có thể giải sạch. Nhưng cái đạo đó khá gian nguy, vì chỗ diệu của hiển và ẩn ta lại không tự mình trải nghiệm, ta đành chỉ biết cố gắng hết mực, rồi vì tiếc cho cái công trình, cái tâm huyết ta đã bỏ ra vì tính mạng của tỉ, ta không đành lòng để nó bị thất tung! Ta đã cố gắng viết ra pho sách "Hắc thiên thư", lưu truyền hậu thế, ngõ hầu người đời sau nào đó có tài, sẽ có thể phá giải được kỳ ảo của nó, cũng là giúp làm tiêu tan bớt di hận của ta!"

- "Cái diệu cuả hiển, ẩn, tự ta không được trải nghiệm", Cốc Chẩn bảo: " Dựa theo câu đó, hiển nhiên Phong Hậu làm nô, Kính Thiên làm chủ."

Lục Tiệm đầy vẻ thất vọng, nói:

- Vậy là Doanh Vạn Thành nguyên lai đã nói đúng sự thật, cái pho sách "Hắc Thiên thư" đó đâu? Để ta huỷ nó đi, hết còn tác hại người đời nữa!

Gã nói xong, khom mình xuống, tìm kiếm.

Nhưng Cốc Chẩn đã lắc đầu, bảo:

- Sợ là "Hắc Thiên thư" không còn ở đây nữa!

Lục Tiệm chợt nghĩ ra, nói:

- Ý ngươi bảo, lúc Tư Cầm tiên sinh xuống đây, đã lấy pho sách "Hắc thiên thư" đó đi rồi?

Cốc Chẩn đáp:

- Đúng vậy! Chỉ có như thế, mới giải thích được tại sao "Hắc Thiên thư" vốn của Đông Đảo, lại lọt về Tây Thành, để rồi từ đó truyền bá ra.

Lục Tiệm trợn trừng lông mày:

- Cái đó có vẻ kỳ quái! Tư Cầm tiên sinh đã đốt cháy biết bao nhiêu là sách vở, sao không thiêu huỷ "Hắc Thiên thư" đi?

Cốc Chẩn đáp:

- Đó là cái phiền não của những kẻ thông minh! Ông ta đốt những sách vở mà ông xem qua, thông hiểu rồi thấy chúng đáng đốt, duy có cái bộ "Hắc Thiên thư" này, lão nhân gia đã không hiểu nổi! Chưa kể Kính Viên tổ sư cùng Tư Cầm tiên sinh có quan hệ huyết mạch rất sâu, Tư Cầm tiên sinh thấy tổ sư khốn khổ vì tình, tiên sinh cũng đau lòng, mà giải trừ cái kiếp vận "Hắc Thiên" này theo di nguyện của tổ sư, Tư Cầm tiên sinh cũng chịu thua, thành ra tiên sinh mới lưu nó lại như một câu đố cho đời sau. Ta cho là chính tổ sư cũng đã nhận biết cái nguy hại của nó, nên đã giấu kín nó đi, chẳng ngờ trăm năm sau có đệ tử Tây Thành tìm ra, mà tiếc thay, kẻ hậu nhân đó bất tiếu, đã không tìm cách giải trừ đi thì chớ, lại đem sách đó ra dùng luyện nên kiếp chủ, kiếp nô, gây ra biết bao nhiêu trường gió tanh, mưa máu!

Nói đến đấy, Cốc Chẩn không khỏi sụt sùi, gã bảo:

- Huynh hãy dò tìm kỹ trong quan tài đá xem có thấy được cuốn kinh thư nào làm đầu mối không?

Lục Tiệm hơi bất ngờ:

- Đã không còn sách vở gì... mò tìm làm chi?

Tuy nói vậy, gã cũng đưa tay mò mẫm, bỗng gã la lên:

- Ở chỗ đó đó... ngay tại góc bên trái của quan tài...

Cốc Chẩn cúi mình, dò dẫm nơi góc trái một hồi, rồi nói:

- Có đây!

Lục Tiệm cũng khom xuống quan sát, chỉ thấy Cốc Chẩn ấn tay vào một chỗ nào đó, nghe cọt kẹt, rồi một phiến đá tụt ra, gã thò tay sâu vào bên trong lôi ra một cái hộp vuông vức.

Cốc Chẩn vui vẻ nói:

- Đúng là ở đây thật!

Lục Tiệm thắc mắc:

- Là cái gì thế?

Cốc Chẩn đáp:

- Tư Cầm tiên sinh lấy đi mất pho "Hắc Thiên thư", vậy sau đó tiên sinh để lại đây cái gì?

Lục Tiệm sáng mắt, buột miệng:

- Đầu mối?

Cốc Chẩn cười tủm tỉm đang định mở hộp, bỗng một trận cuồng phong nổi lên ào ào. Hai người bị bất ngờ, lực đạo quá mãnh liệt, họ tránh sang một bên, lập tức khi đó, tay Cốc Chẩn bỗng trống không, cái hộp đã bị kẻ vừa đến đoạt mất. Bên tai Cốc Chẩn chỉ còn nghe tiếng hò hét của Lục Tiệm, gã đang giao đấu cùng người lạ, khắp gian phòng, kình khí bay tưng bừng dồn dập, Cốc Chẩn tựa hồ không sao mở nổi mắt.

Hai người giao phong cực nhanh, trong chớp mắt, kình khí tản mác hết, rồi nghe tiếng Vạn Quy Tàng cười hô hố, nói "Đa tạ". Cốc Chẩn định thần nhìn kỹ, tháy một bóng áo xanh đang chạy vụt ra khỏi cưả động, biến mất tích.

Lục Tiệm quát to một tiếng, phóng mình đuổi theo. Cốc Chẩn vừa giận, vừa hoảng hốt, cũng chạy theo sau. Khi hai người ra đến chỗ cửa hang, đàng trước tối hù, Vạn Quy Tàng sớm đã biến đi đâu mất.

Lục Tiệm hết sức ảo não, giậm chân:

- Làm sao ngờ được! Cái này đúng là bọ ngựa rình ve sầu, bị ngay chim sẻ rình đàng sau, thó mất!

Cốc Chẩn bỗng la lên:

- Chờ một chút!

Rồi gã xoay mình chạy vù vù trở vào gian phòng.

Lục Tiệm thấy gã trở gót như vậy, còn chưa hiểu ất giáp gì, cũng theo vào, đến nơi, Cốc Chẩn đang dùng một thanh truỷ thủ cạo lấy một viên ngọc Trường minh châu xuống.

Lục Tiệm ngạc nhiên, hỏi:

- Lấy làm gì thế?

Cốc Chẩn đáp:

- Để soi đường.

Tiếng chưa dứt, đã nghe sè sè, rồi cái quan tài đá hốt nhiên chìm xuống.

Cốc Chẩn la lớn:

- Nguy rồi!

Rồi gã túm áo Lục Tiệm, kéo nhau bỏ chạy thật nhanh ra phía cửa hang!

Trong thông đạo, đá vụn đổ ầm ầm như mưa rào, song chưởng Lục Tiệm hươi loạn xạ, đánh vẹt tất cả đá ra xa, chân không ngừng nghỉ, cả hai trổ hết khinh công một đời ra gấp rút chạy! Họ vừa đến cửa hang, nghe đánh sầm một tiếng như sấm sét, mộ huyệt sụp đổ, nhiều đá tảng cỡ hàng mấy ngàn cân đã lấp kín lối vào gian phòng sau lưng họ.

Lục Tiệm hãi hùng, hỏi:

- Chuyện gì xảy ra vậy?

Cốc Chẩn đưa tay gạt những mồ hôi to như hạt đậu trên trán, vừa thở gấp, vừa nói:

- Lỗi ở ta đã nảy ý niệm sai lầm, thấy chung quanh tối mịt, ta liền nghĩ có thể dùng Trường minh châu soi sáng đường đi. Đâu dè, ta quên mất Kính Viên tổ sư xuất thân từ Thiên Cơ cung, rành rẽ chuyện sắp đặt cơ quan, nếu vào mộ chỉ để lấy "Hắc Thiên thư" thì không sao, còn muốn cạy gỡ minh châu dùng vào chuyện soi rọi quan tài, sẽ gây khởi động cơ quan, mộ huyệt sụp đổ, giam giữ kẻ đó trong đống đá vụn.

Nói xong, gã đưa mắt nhìn hòn ngọc trong tay, đang tỏa ánh sáng trắng mờ nhạt, nếu để sát vào mặt, có thể soi thấy rõ được râu, tóc.

Lục Tiệm trầm ngâm một hồi, rồi bảo:

- Cốc Chẩn, bọn mình chỉ nên tìm kiếm Tiềm Long thôi, đừng sa đà vào các chuyện lặt vặt khác!

Cốc Chẩn gượng cười, đáp:

- Chắc tại ta làm thương nhân lâu quá, khi thấy trân châu bảo ngọc, mới động lòng tham, từ giờ về sau xin chừa! Mình còn phải gấp rút rượt theo Vạn Quy Tàng!.

Lục Tiệm gật đầu đồng ý. Cốc Chẩn đem viên ngọc ngậm nơi miệng, cùng Lục Tiệm tuột vách, đi xuống bờ nước, bỗng họ ngửi phải một mùi cực kỳ tanh hôi, mức độ thối tha chưa từng gặp qua!

Cốc Chẩn cầm viên ngọc vào tay, chiếu ra phiá trước, vừng sáng rộng được chừng hơn trượng, bỗng nghe Lục Tiệm thất thanh hô hoán:

- Cái đó là gì vậy?

Cốc Chẩn định thần, quan sát kỹ, nơi bờ nước mường tượng có một quái vật, đầu to, thân mảnh, coi mềm mại tựa một đống bông gòn to, thân mình đã bị sẻ làm hai, hãy còn thoi thóp, một nửa trải dài trên bờ vũng, nửa kia chìm sâu nước, một loại dịch trấp đang ứa ra, chập chờn phát lân tinh trong bóng tối, tựa như ma trơi.

- Là một con sứa biển có độc khổng lồ! - Nhìn qua một chặp, Cốc Chẩn đã nhận ra được nó.

Lục Tiệm sinh trưởng ven biển, cũng đã từng thấy sứa nhiều lần, nhưng to khổng lồ như con này, gã chưa hề gặp! Không biết nó đã ăn gì mà to lớn nhường ấy! Gã ngẩn ngơ một vài phút, rồi nói:

- Xem chừng đấy là con quái vật đã làm khó bọn mình hồi nãy!

Cốc Chẩn gật đầu, đáp:

- Tiếc là nó không có con mắt tinh đời, quấy rầy bọn mình xong, lại còn đi chọc vào Vạn Quy Tàng! Vạn Quy Tàng là hạng người nào, dễ gì lão để nó sống sót được!

Lục Tiệm tưởng tượng cảnh con thủy quái rầm rộ giao chiến Vạn Quy Tàng, gã chợt thấy thót bụng: "Không hiểu Vạn Quy Tàng đã giết nó như thế nào, mình ở trong mộ không hề nghe lấy nột tiếng động, kết quả bị lão tập kích, đoạt mất cái hộp!"

Gã không khỏi không cảm thấy áo não, nhìn con quái vật lần nữa, trong lòng gã thắc mắc: "Con vật này sống đã được bao nhiêu năm rồi? Có khi nó do Kính Thiên giam giữ trong vũng nước này, làm kẻ canh cửa mộ cho ông? Chốn này không một sinh vật lai vãng, nó đã ăn gì mà sống?" Mà bây giờ quái vật đã chết, Kính Thiên cũng đã ra người thiên cổ, những nghi vấn đó vĩnh viễn trở thành bất giải, không có câu trả lời!

Né tránh xác con thủy quái đầy uế khí, hai người dựa vào ánh sáng hòn minh châu tìm đường trở về lỗ Phong Huyệt. Bên ngoài cửa hang, tình thế khác hẳn, gió đẩy người ta ra ngoài, ở ngay miệng hang, một cỗ đại lực hút mạnh, rút hết hơi ẩm của không khí trong hang ra, suốt bao nhiêu năm trời, tạo nên nhiều hang hốc lỗ chỗ đó đây.

Vừa đụng cửa hang, hai người bị một hấp lực to lớn cuốn đi, tựa hồ đồng lúc bị cả trăm cánh tay to lớn túm lấy lôi mạnh ra. Cốc Chẩn khí lực còn chưa khoẻ, gã sơ ý, thân mình bị hút bay vút lên, đâm sầm thẳng vào lòng lỗ huyệt. Còn may Lục Tiệm đã nhanh chóng, kịp thời thò tay kéo gã lại,

Cốc Chẩn điếng người, lúc gã tỉnh hồn xong, hai người bàn nhau làm giống như lúc đi xuống, ràng chặt hai thân mình vào nhau. Lần này thì đưa Cốc Chẩn ra trước, Lục Tiệm đàng sau, cùng hợp lực, giữ cho ổn định cước bộ, rồi sẽ chọn cơn gió nhẹ, thuận theo luồng gió bay lên trên.

Chuẩn bị đâu đấy xong xuôi, hai người vừa tung mình vào lỗ huyệt, bỗng thấy ra ngoài ý liệu! Lúc này, đi lên thuận chiều gió, so với lúc trước ngược gió đáp xuống, dễ hơn gấp trăm lần.

Khi Cốc Chẩn thông tỏ phương pháp ngự phong, mượn lực của gió, hai người giữ không để chân chạm vào vách huyệt, cứ đi lên tựa hồ đang đằng vân giá vụ, thế bay lên cực nhanh, so với lúc đi xuống mất gần nưả ngày, lần đi lên này độ một tuần nhang đã thấy ánh sáng bên ngoài Phong Huyệt. Họ rú lên một tiếng thanh thoát, cùng lúc bay ào ra khoảng không bên ngoài huyệt.

Lập tức, Cốc Chẩn sợ rơi tọt xuống vực sâu trước Phong Huyệt, gã hốt hoảng thét lớn: "Coi chừng!". Theo tiếng thét, có hơn một chục sợi dây bằng đồng cùng lúc vung ra, kềm giữ hai người lại.

Hai người mượn sức trì lại của dây, hoá giải lực đẩy của gió, khi họ xoay mặt, đã thấy hơn mười đệ tử Lôi bộ, trong tay là những dây cáp dẫn điện bằng đồng đã gỡ bỏ cán gỗ, được dùng làm dây cứu hộ.

Lục, Cốc vưà đứng vững, trông ra đám ngươì tụ tập trước Phong Huyệt, thấy tất cả an toàn, hai gã mới yên tâm.

Cốc Chẩn buột miệng hỏi:

- Vạn Quy Tàng đâu?

Chúng nhân đều có vẻ buồn rầu, Tiên Bích đưa tay chỉ ra khơi, nơi đó, Cốc Chẩn nhướng mắt dòm, thấy một con thuyền vải buồm màu vàng đang lướt sóng như bay, trong phút chốc, đã mất dạng.

Cốc Chẩn giậm chân, la lớn:

- Rõ ràng mua chẳng bằng bán, bán chẳng bằng lấy trộm, ăn trộm chẳng thể hơn được cướp giựt!

Ngu Chiếu hỏi:

- Lão đệ, đệ nói vậy nghĩa là sao?

Cốc Chẩn đáp:

- Đó là câu ngày xưa Vạn Quy Tàng đich thân truyền thụ cho đệ. Có nghĩa là, cùng một món hàng hoá, đi mua về chẳng thể bằng được đem bán nó ra, bán nó ra rồi chẳng bằng tìm cách trộm trở về, trộm cũng không hay bằng tính toán tìm cách ra tay giựt ngược về mình!

Ngu Chiếu bảo:

- Cái đó nào khác nào xui người ta làm cường đạo?

Cốc Chẩn đáp:

- Làm cường đạo chính là nghề không vốn, nếu thành công, cho sanh ý gấp trăm lần buôn bán bình thường. Phải đề phòng lão già dịch hùng tài trùm thiên hạ, quyết chẳng chịu bỏ một xu ra mua cái mà lão có thể giựt được, kiếm lời ngàn lần nhiều hơn. Nhất định lão sẽ làm cường đạo cướp giật thôi. Chỉ bực mình một nỗi, đệ lúc ấy mải kiếm chác, đệ lại hết sức ghét cái trò cướp giựt, nên đã không lưu tâm đề phòng, kết cục bị lão cướp mất, thua một vố nặng!

Rồi gã hỏi:

- Vạn Quy Tàng đến đây vào lúc nào vậy?

Tiên Bích đáp:

- Lục Tiệm ra đi chưa quá một khắc, lão đã mò tới. Bọn ta chẳng ngăn cản được lão, không ai có tài xuống dưới huyệt, đành trơ mắt ra nhìn lão xông vào. Ôi... lúc sau đó, cả nửa ngày không có động tĩnh gì, làm người ta lo sợ muốn chết, thời gian chờ đợi thấy lâu bằng cả một đời!

Cốc Chẩn nhăn mặt nhíu mày, tự nhủ: "Lão tặc này thiệt giảo hoạt, chờ hai đứa mình đi trước mở đường, rồi lão lén lút bám theo sau, bao nhiêu hiểm nguy, bọn mình đều lãnh trọn. Trong đó tối hù, gió gào điếc tai, hai đứa bận đối phó gió, làm sao biết được có người lẩn lút theo sau? Rồi lúc tột cùng, Lục Tiệm dốc hết cả khí huyết ra chống cuồng phong, lão tặc có khí lực sung mãn hơn, lão rình đàng sau, khi hộp ngọc xuất hiện, lão ra tay đoạt mất, vào lúc cả hai đứa đều tinh lực chưa phục hồi xong, đâu có phải đối thủ của lão!"

Gã càng nghĩ càng bực, đến lúc không chịu nổi, gã vung tay kích ra một chưởng, buột miệng chửi thề:

- Vạn Quy Tàng là cái đồ chó đẻ!

Thi Diệu Diệu nghe được, nàng cau mày, gắt:

- Cốc Chẩn!

Cốc Chẩn vừa hay biết mình vô ý nói bậy, gã vội vàng chữa:

- Diệu Diệu, muội đâu có biết chuyện đó làm người ta tức bực đến ngần nào!

Gã nói đến đấy, chợt thấy Lục Tiệm đang ôm Diêu Tình, đầu rủ thấp, trầm lặng, Cốc Chẩn trong lòng cực kỳ xót xa, bị mặc cảm tội lỗi đè nặng, gã bùi ngùi, nói:

- Đại ca, đại ca cứ la rầy ta đi!

Lục Tiệm khẽ lắc đầu, buồn bã nói:

- La ngươi làm chi? Cái đó có khi là ý trời!

Rồi gã cõng Diêu Tình lên lưng, lom khom đi xuống núi.