Thư Gửi Người

Chương 3: Em phiêu du trong ống kính




Buổi chiều ngày thứ hai, cuối cùng Kỷ Ly cũng có thời gian rảnh đến khu Côn Luân một chuyến. Ngô Tiễn từ nhỏ đã sang phương Tây du học, chọn phòng ở đương nhiên cũng chọn căn ở tòa phía Tây. Mười lăm tầng, đủ để nhìn thấy cánh rừng xanh ngắt xanh phía xa và hình cắt yểu điệu của những căn nhà mang kiến trúc tây phương nằm rải rác xung quanh.

Kỷ Ly có thể coi là người nổi tiếng, cho dù đã che đậy kín mít, bảo vệ ở cổng cũng không ngăn anh lại, mãi cho đến khi đứng trước cửa nhà Ngô Thiển, mọi chuyện vẫn khá thuận lợi.

Hít sâu một hơi, đề phòng lưu lại dấu vân tay gây phiền toái cho việc phá án sau này nếu có, Kỷ Ly đeo găng tay vào rồi lấy ra chiếc chìa khóa nọ, rón rén đưa vào ổ khóa.

Tách một tiếng, cửa dễ dàng bị mở ra.

Kỷ Ly bao giày, do dự bước vào.

Phong cách trang trí không có gì khác với những căn hộ đi kèm chế độ phục vụ khách sạn, xa hoa tiện nghi, song hoàn toàn không có cảm giác “nhà”. Kỷ Ly không hề cảm thấy đố kỵ chút nào với căn hộ hào nhoáng này, mà trái ngược anh lại nhớ da diết bao điều tốt đẹp trong cái tổ ấm thư thái của mình.

Chắc lúc còn sống Ngô Thiển cũng rất hiếm khi ở đây, cho dù là mùi hương hay bụi bặm đều thể hiện dấu tích bị xa lánh. Kỷ Ly thoáng bồn chồn nhìn quanh một vòng, căn phòng hơn 400 mét vuông, nói lớn không lớn, song nếu Ngô Thiển thật sự có để lại manh mối gì đó cho anh, muốn tìm ra e cũng không dễ dàng.

Vầng tịch dương trốn sau mây đen, nhuộm lên tầng mây u ám một lớp viền vàng, thỉnh thoảng lại có những con chim bồ câu hoặc xám hoặc trắng kết thành đàn bay qua, cảnh tượng đẹp tựa như một bức tranh.

Anh hoang mang đến tột độ đứng nguyên ở chỗ cũ, một khoảng lặng thinh giữa ngàn vạn thế giới, chỉ còn lại tiếng máu chạy rần rần qua vành tai.

Đột nhiên, anh quay người mở toang từng cánh từng cánh cửa phòng.

Anh chợt nhớ ra năm ấy khi quay phim có một lần nói chuyện phiếm, dường như cũng trong khung cảnh như thế này, nơi cuối vòm trời có ánh tà dương vô tận.

Ở một quán cà phê nho nhỏ, nhân vật nam chính mà anh đóng vai lẳng lặng ngồi bên cửa sổ, chờ hung thủ tự sa đầu vào lưới.

Trợ lý trường quay còn chưa chuẩn bị xong phối cảnh, anh liền ngồi đó suy tưởng tâm lý nhân vật, Ngô Thiển dường như cũng mệt rồi, ngồi trước mặt anh uống cà phê. Những đường nét sắc bén vốn có của anh ta dưới ánh chiều tà chợt dịu hẳn lại, đọng thành chút nhu hòa hiếm có.

“Tôi đang nghĩ,” Anh ta đột nhiên lên tiếng, “nhà tôi nếu như có một căn phòng, bên trong không bày biện gì, chỉ cần một đôi ghế một cái bàn, những ngày không mưa, có lẽ có thể nhìn thấy mặt trời lặn.”

Lời anh đáp lại khi ấy, nay đã sớm không còn nhớ được nữa, chỉ còn khắc ghi hình ảnh phản chiếu của mình trong con ngươi người kia.

Rõ ràng như vậy.

Anh thoáng kích động mở toang căn phòng hướng nam, quả nhiên cả gian phòng trống trải mênh mông, chỉ đặt bên cửa sổ một chiếc bàn thấp bằng gỗ, và một đôi ghế gỗ. Trên chiếc bàn thấp là một chiếc hộp kim loại lớn, nếu đoán không sai, e rằng nó chứa đựng toàn bộ bí mật đằng sau con người Ngô Thiển.

Dè dặt, anh chậm rãi ngồi xuống bên chiếc bàn, nhẹ nhàng mở nắp hộp.

Cả chiếc hộp to như vậy bên trong lại chỉ có hai quyển tập, bìa dập kim loại một đen một trắng, hiển nhiên rất quý trọng.

Kỷ Ly mở tập màu đen ra trước, ngập ngừng một thoáng, rồi chợt nhanh chóng lật xem từng trang.

Ống kính lúc xa lúc gần, bóng dáng trong ảnh lúc ẩn lúc hiện.

Hút thuốc, uống nước, nhíu mày, đờ người…

Bóng lưng, mặt nghiêng, lúm đồng tiền, lúc ngủ…

Trong một chốc Kỷ Ly không biết tim mình đang có cảm xúc gì, lật đến trang cuối cùng, ngay cả đầu ngón tay cũng khe khẽ run. Đến tầm tuổi như anh, mắt lại đã thấy không biết bao nhiêu chuyện xấu xa không chịu nổi nhuốm đầy ham muốn vật chất trong giới, giờ phút này dẫu ngu ngốc đến đâu cũng có thể nhận ra chút tâm tư ấy của Ngô Thiển.

Tình cảm kinh thế hãi tục này, một người coi rẻ lề lối như Ngô Thiển, không ngờ lại không dám nói ra khi còn sống.

Kỷ Ly thoáng buồn cười, không biết nên cười cho sự ngu ngốc của bản thân mình, hay cười cho sự hèn nhát của Ngô Thiển.

Chờ lòng lắng xuống, Kỷ Ly mới mở ra tập sách màu trắng, có kinh nghiệm từ quyển trước, lúc này anh trấn tĩnh hơn hẳn.

Đây là một quyển nhật ký, trang nào trang đấy đều dày đặc nét bút, nét nào đường nào cũng cong cong vẹo vẹo, rất giống cái người tên Ngô Thiển này.

“Ngày 5 tháng 6, quay một bộ phim trinh thám, kịch bản vẫn chưa chọn xong, nhưng nhân vật chính đã có dự định rồi. Trước xem “Xuân ấm hoa nở”, cái người tên Kỷ Ly này, có vẻ thú vị.”

“Ngày 19 tháng 12, tiền đầu tư đến, bắt đầu khởi công, hẹn diễn viên. Kỷ Ly là người đầu tiên tôi muốn gặp, có điều cậu ta bận quá, đành chờ đến tuần sau vậy.”

“Ngày 21 tháng 12, hẹn gặp Kỷ Ly ở một trà quán, cậu ta còn hướng nội hơn tôi tưởng, khiến tôi rất có hứng thú.”

“Ngày 6 tháng 2, ba mươi Tết, Kỷ Ly xin phép về nhà đón năm mới, tôi ở lại phim trường cắt nối cuộn phim. Em trong ống kính chẳng thể nào sinh động bằng em ngoài ống kính, nhưng nếu muốn giữ em lại, ngoài dùng những thước phim quy chuẩn này, thì còn cách nào khác đây?”



“Ngày 18 tháng 9, ngày kỉ niệm nơi nơi đều có cảnh báo, trong tim tôi cũng vậy. Còn hai ngày nữa là phải đóng máy rồi, phần của Kỷ Ly đã hoàn toàn kết thúc, không thể danh chính ngôn thuận tiếp cận em nữa, không thể tranh cãi với em nữa, không thể lấy cớ lưu lại em trong những thước phim nữa. Thật không công bằng.”

18/09/1931: Ngày phát xít Nhật phát động tấn công Trung Quốc. Lễ kỉ niệm hàng năm ở Thẩm Dương thường có màn diễn tập phát cảnh báo.

“Ngày 12 tháng 11, sinh nhật tôi, không ngờ Kỷ Ly lại gửi tin nhắn chúc mừng, hoàn toàn không ngờ được. Mời em cùng qua sinh nhật, hai người vừa ăn vừa nói chuyện, em kể cho tôi những chuyện vui lúc nhỏ, tôi chợt phát hiện, em và tôi từ trước đến nay vẫn luôn thuộc hai thế giới khác nhau. Lúc nhỏ ngoan ngoãn lớn lên, chăm chỉ học tập, trưởng thành rồi lại cần cù lao động, khiêm tốn kín đáo. Người như vậy, nếu như biết những ý đồ xấu xa tôi dành cho em, hẳn sẽ tránh như tránh tà, e rằng thậm chí còn kiên quyết từ chối nhỉ? Tôi trước giờ không sợ thử thách, song nhìn vào mắt em, tôi quyết định làm kẻ hèn nhát một lần.”

“Ngày 24 tháng 12, buổi tối đêm Giáng sinh, tôi ngồi một mình ở nhà, vừa sắp xếp lại tập ảnh, vừa nghe nhạc. Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ cảm thấy thỏa mãn đến thế, nhìn đôi mắt của người ấy, như nhìn thấy muôn ngàn bụi sao lắng đọng lại. Nếu như có ngày tôi phải đi xa, tôi nghĩ tôi sẽ để lại tập ảnh này cho em, dẫu sao vẻ đẹp vụt qua trong ánh sáng nhạt ấy đều thuộc về em, mà không phải tôi.”

Nguyên văn “浮光掠影”nghĩa đen là hình ảnh vụt qua trong chốc lát như bóng chim lướt qua mặt nước phản chiếu ánh sáng, tuy nhiên ở đây còn có ý chỉ quá trình Ngô Thiển chụp và rửa ảnh của Kỷ Ly.

Kỷ Ly đặt cuốn nhật kí về chỗ cũ, mở lại tập ảnh khi nãy, lật đến một trang – ngày hè đổ lửa nọ, là anh đứng dưới bóng cây, một lần hiếm hoi nhìn về nơi nào đó tự do cười lớn.

Khâu Minh nói không sai, hóa ra thứ người ấy để lại quả đúng là thư tình, chỉ có điều bức thư tình này từng câu từng chữ đều nặng tựa nghìn cân, nặng đến nỗi khiến hai đầu gối anh mềm nhũn, không thể đứng lên.

“Bị người như vậy yêu, đúng là xui xẻo.” Kỷ Ly tự lẩm bẩm một mình, lấy tay che mắt.

Tim gan đau nhói, không biết là vì nỗi xót xa khi bạn bè qua đời, hay vì tiếc nuối cho một mối tình chưa từng có thể hồi báo.

Bi ai ập đến đột ngột, Kỷ Ly thậm chí không buồn tìm hiểu xem thứ ấm nóng trong lòng bàn tay mình rốt cuộc là gì nữa.