Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ TuổI

Chương 9: Bức thư thứ chín




Furuborg, Jonsered, tại Thụy Điển,

Ngày 4 tháng 11, năm 1904.

Ông Kappus thân mến,

Trong suốt thời gian đã trôi qua mà không biên thư cho ông vì tôi một phần phải đi đây đi đó lang bạt kỳ hồ, một phần vì quá bận rộn đến nỗi không thể viết lách gì được và ngay cả ngày hôm nay tôi cũng khó viết lách gì được vì tôi đã phải viết quá nhiều thư từ đến nỗi tay tôi đã mệt lả. Nếu tôi có thể đọc cho người khác viết tôi sẽ nói nhiều với ông nhưng hiện tình thì không được thế. Vậy xin ông nhận đôi lời gọi là hồi âm cho bức thư dài của ông.

Ông Kappus thân mến, tôi thường nghĩ nhiều đến ông và thầm ước mãnh liệt nhiều điều cho ông để chúng thực sự khả dĩ giúp đỡ ông thế nào cũng được. Tôi thường hay ngờ vực không biết thực sự những bức thư của tôi có thể giúp được ông gì không. Xin ông đừng nói: vâng chúng đã giúp đỡ, xin ông chấp nhận chúng, đừng cảm tạ quá đỗi, chúng ta hãy chờ đợi coi sự việc đến đâu thì đến.

Có lẹ không cần thiết đi sâu vào những điểm đặc biệt của ông bây giờ vì những gì tôi có thể nói được về khuynh hướng ngờ vực của ông hay về sự bất lực của ông trong việc đưa đến sự nhất trí cho đời sống ngoại giới và nội tâm hay về tất cả những gì khác đang làm bận tâm ông –: những gì tôi nói là những gì luôn luôn tôi đã nói rồi: nghĩa là vẫn thầm ước rằng ông có thể tìm thấy được đầy đủ sự đơn giản để tin tưởng, thầm ước rằng ông có thể thu đạt thêm nhiều lòng tin cậy vào điều khó khăn và nỗi cô đơn của ông giữa những kẻ khác và mọi sự còn lại thì ông hãy để đời sống tự thể hiện cho ông. Ông hãy tin tưởng tôi, cuộc đời vẫn luôn luôn là đúng trong mọi trường hợp.

Bây giờ nói đến những cảm xúc: tất cả những cảm xúc trong sạch thuần khiết là những gì khiến cho ta cao cả và khiến cho toàn thể hồn xác mình tập trung vào đó; cảm xúc nào không trong sạch, không cần thiết chính là thứ cảm xúc chỉ vồ chụp lấy một khía cạnh của bản thể ông thôi và bóp méo đời ông. Tất cả những gì ông có thể suy nghĩ đối mặt với tuổi thơ của ông đều đúng, tất cả những gì làm tăng trưởng ông lên trên cả cảm thái của những giây phút êm đẹp nhất của ông thì tất cả cái ấy đều đúng (tất cả những gì nâng cao lên đều tốt), nếu nó nằm trong trọn vẹn dòng máu của ông nếu nó không là sự kích thích ngây ngây đờ đẫn mà lại là một niềm vui chan chứa mà mình có thể trông suốt đáy! Ông có hiểu điều tôi muốn nói?

Và nỗi ngờ vực của ông có thể trở nên một phẩm hạnh cao đẹp nếu ông huấn luyện nỗi ngờ vực ấy. Nỗi ngờ vực ấy phải trở thành kiến thức, nó phải trở thành phê phán, ông cứ hỏi nó, tra vấn nó mỗi khi nó muốn đánh mất phá hư một điều gì đó khỏi ông, ông phải cật vấn nó tại sao điều ấy lại xấu, đòi hỏi nó đưa chứng cớ thử thách nó rồi, ông sẽ thấy rằng nó lúng túng và có lẽ bối rối và có lẽ kháng cự. Nhưng ông đừng chịu thua, cứ nài nỉ những luận cứ và khi xử sự như vậy một cách thấu đáo và chặt chẽ trong mọi trường hợp thì một ngày nào đó sẽ đến khi mà nỗi ngờ vực không còn phá hoại và sẽ trở thành yếu tố cộng tác đắc lực nhất cho ông, có lẽ đó là yếu tố khéo léo nhất trong tất cả những yếu tố đang xây dựng đời sống của ông.

Ông Kappus thân mến, đó là tất cả những gì tôi có thể nói cho ông ngày hôm nay nhưng đồng thời tôi gởi cho ông bản in lại của một thi phẩm mỏng của tôi đã đăng trong tạp chí Deutsche Arbeit ở Prague, trong thi phẩm ấy tôi sẽ nói cho ông nghe nhiều hơn nữa về sự sống và sự chết, rằng cả hai đều vĩ đại và huy hoàng biết bao.

Thân ái,

RAINER MARIA RILKE