Thời Hoàng Kim

Chương 24: Trại chăn nuôi hà lan và bà con quê tôi




Tôi đi du lịch đến Hà Lan, thấy trên kênh đào có máy bơm nước chạy bằng sức gió, bên dưới có một trại chăn nuôi bèn đứng lại xem, tôi kinh ngạc quá. Bãi chăn nuôi ở địa thế rất thấp, thấp hơn nhiều so với mặt nước trong kênh đào, mấy con bò sữa đang ăn trên bãi cỏ xanh mướt. Nhìn thoáng qua đó là một khung cảnh thôn quê, nhìn kỹ thấy có nhiều cái khác: Bãi cỏ cao lên ở giữa, bao bọc xung quanh là rãnh nước, mặt đất nhấp nhô như tấm lợp, phần thấp tiếp vào rãnh nước, rãnh nông thông với rãnh sâu, rãnh sâu thông với mương. Tất cả các mương đều dẫn máy bơm. Như thế mưa to cũng không úng, nước dồn về, máy bơm sẽ rút nước ra sông đào. Nếu không có một hệ thống hoàn hảo như thế, ở đây không thể có bãi chăn nuôi, chỉ có đầm lầy. Đứng trên sông đào nhìn hút tầm mắt đều là bãi chăn nuôi. Tất nhiên vùng đất này không phải tự nhiên nó thế, đó là kết quả cải tạo rất dày công. Nếu đây là do những cán bộ kỹ thuật các công trình hiện đại xây dựng nên thì chẳng nói làm gì. Nhưng sông đào, động cơ sức gió, bãi chăn nuôi đều là tác phẩm của người Hà Lan thế kỷ 17. Tôi về nông thôn lao động từ mười bảy tuổi, nam bắc đều đi cả chưa bao giờ thấy vùng đất như thế. 

Tôi lao động ở Sơn Đông quê tôi hai năm, làm đủ thứ việc. Xuân hè năm 1974, mới mờ đất tôi đã bị loa truyền thanh gào lên đánh thức dậy, lúc đó đã là thời kỹ thuật điện tử, tôi thắt chặt dây lưng, lấy xe cút kít chở phân ra đồng. Xe cút kít thật khó nhắc tôi đây là thời điện tử. Ngày xưa người ta nói, trồng không phân tro như làm mò làm bậy, ông cha ta cứ theo cái lý ấy. Xe cút kít có cái hay là đi được trên mọi đường đất, tránh qua hang hố đá cục, cái dở là rất khó sử dụng, xe dễ bị lật. Người quê tôi đẩy xe không mất nhiều sức, đạt đến trình độ làm xiếc, có người đẩy được qua bậu cửa, có người đẩy lên bậc thang. Nhưng tài nghệ đến đâu cũng không tránh khỏi ngã, mặt mũi sưng tím. Tôi nghĩ thà sửa đường cho tốt còn hơn bỏ công ra luyện kỹ năng đẩy xe – tôi đi chơi ở châu Âu thấy đường đi giữa các làng rất phẳng phiu. Ở chỗ chúng tôi đây chẳng ai làm. Đường ngoài ruộng, đường trong làng thật tồi tệ, chẳng biết là đường hay là hố. 

Quê tôi toàn đường núi. Mỗi khi xuống núi tôi đem theo mấy đôi giày đã dùng hỏng khi chở phân. Những đôi giày gần như mới, chỉ có gót là rách nát. Cổ chân tôi luôn luôn bị chuột rút, bây giờ nằm mơ đẩy xe phân lên núi cũng bị chuột rút. Mà cái thứ phân ấy gọi thế cho hay thôi, toàn là đất rải chuồng lợn, học Đại Trại   (   [1]  )   phải tâu con số lên báo, thường là đất vừa rải để lót chuồng lại đào lên chở đi, lợn chưa kịp ỉa đái gì… tôi đến mở chuồng, bọn lợn giương mắt nhìn. Nếu chúng biết nói, chắc hẳn sẽ bảo: trúng gió à? Lúc đó tôi cũng thấy xấu hổ bèn quật chúng một trận. Bị lợn coi là đồ ngu thì ai mà chịu được. 

Nói thật lòng, tôi không làm sao đẩy xe phân lên núi được – đường dốc quá, đi tay không còn thở không ra hơi. Thường có người đỡ cho, đẩy xe đến chỗ dốc có người buộc dây kéo giúp sức cho tôi mới lên được. Nhưng nhìn từ một góc độ khác lại thấy càng ngu hơn. Cái lý thế này: trên xe có chừng một tạ phân, tôi và cái xe thêm khoảng tạ nữa, bây giờ lại thêm người nữa, cộng hơn tạ rưỡi. Tạm bỏ qua công suất vô công, chỉ tính công suất hữu công để mang có từng ấy đất lên núi với chất liệu phân gần như bằng không! Nhưng cũng may, lợn nó không nhìn thấy. Nếu nó nhìn thấy không biết nó sẽ nghĩ thế nào: Trong đất chỉ có tí cứt đái tao thế mà cái thằng gọi là con người kia không tiếc sức mang lên núi cao – con lợn sẽ vênh mặt lên, thậm chí còn đặt vấn đề: vậy thì ai đáng ăn thịt ai đây… 

Cho dù nói thế nào đi nữa, việc chở phân như thế không thể có ích bằng việc đưa nước vùng đất thấp lên. Việc này có thể để cho gió làm, không cần phải dùng sức sinh vật quý giá là con người. Tôi nghĩ nếu quê tôi có những người Hà Lan thế kỷ thứ 17 sinh sống thì bây giờ trên núi đầy những tuyến vận tải cáp treo – họ là những kỹ sư, nhà kinh tế và thợ giỏi. Còn quê tôi là những người cần cù chất phác, ít biết tính toán làm ăn. Người bên đó họ sống dễ chịu, điều đó không thể tranh cãi được. 

Bây giờ nói chúng ta là loại người gì. Khi ở quê, so với dân làng, tôi còn cần cù chất phác hơn, ít biết tính toán hơn. Khi ấy tôi nghĩ: tôi phải tỏ ra chịu khó chịu khổ để cho bần nông trung nông lớp dưới thấy tôi là người tốt, giới thiệu tôi đi học đại học, thoát ra khỏi cái vũng bùn này… Nhân thể nói thêm rằng tôi đã không thực hiện được ý định ấy, cho dù là đê tiện. Tôi đã tự thi đỗ đại học, mặc dù họ không giới thiệu tôi. Tôi cũng có thể nói vài câu thành thực như thế, không phải gặp may rồi khoác lác. Những công việc ấy ở nông thôn làm người ta khi sụm lưng khi mỏi gối, ví như nhổ mạ, đau đớn từ tay đến tận tim, tại sao phải bắt thân xác chịu tội thế? Hồi đó tôi giả vờ rất chịu khó và nói rằng thân xác vất vả nhưng tư tưởng tốt lên, nói thế là trái với lương tâm. Nói đúng lương tâm là: Thân xác càng cơ cực thì tư tưởng càng xấu, càng nham hiểm, càng gian trá… Năm ấy tôi đi lao động với dân làng có hai cách để chọn: Một là nghĩ đơn giản thôi và tiếp tục chịu khổ, về sau sẽ trở thành một người dân làng và được nể trọng, cách thứ hai giảo hoạt hơn, là chuồn khỏi chỗ đó, không cần làm bà con dân làng gì cả, và quay lại ca ngợi bà con hết lời. Những lời ca ngợi thật xúc động nhưng rỗng tuếch… 

Khi đứng trước trại chăn nuôi Hà Lan tôi nghĩ ra cách thứ ba. Với cá nhân thì cách này không tồn tại, nhưng với cả một dân tộc thì nó tồn tại và là con đường đúng đắn. 

[1]  Lá cờ đầu nông nghiệp Trung Quốc (ND).