Thời Hoàng Kim

Chương 22: Con lợn đi một mình một đường




Khi phải về nông thôn lao động, tôi có nuôi lợn và chăn bò. Nếu không có ai trông coi thì hai giống này vẫn biết cách sống. Chúng sẽ tự do lang thang, đói thì ăn, khát thì uống, xuân đến còn yêu đương nữa. Như thế chúng ở một tầng lớp sống rất thấp, rất bản năng. Con người đến sắp xếp cuộc sống cho chúng: Mỗi con bò con lợn đều có việc. Phần đông chúng sống rất bi thảm. Việc của bò là làm lụng, việc của lợn là béo lên. Tôi không cho rằng có điều gì phải oán thán cả, bởi vì cuộc sống của tôi lúc đó cũng chẳng phong phú gì hơn, ngoài vài kịch bản mẫu, chẳng có gì giải trí. Có rất ít bò và lợn được sống đặc biệt. Thí dụ lợn giống và lợn nái, ngoài ăn ra còn có việc khác để làm. Theo những gì tôi thấy, được sắp xếp như vậy chúng cũng không thích lắm. Nhiệm vụ của lợn giống là giao phối. Nói cách khác, chính sách của chúng ta là cho phép chúng sống kiểu phong lưu công tử. Nhưng những con lợn giống mệt mỏi thì thường tỏ ra mình là lợn thịt (lợn thịt là lợn đã thiến), ra điều chính nhân quân tử, thà chết không chịu nhảy lên lưng lợn nái. Nhiệm vụ của lợn nái là đẻ, nhưng có lợn mẹ chén luôn con mình. Tóm lại sự sắp xếp của con người làm cho chúng rất cơ cực. Nhưng chúng vẫn phải chịu. Lợn vẫn là lợn thôi mà. 

Sắp xếp mọi thứ trong cuộc sống là phẩm chất đặc biệt của con người. Không chỉ sắp xếp cho súc vật mà sắp xếp cho chính mình nữa. Chúng ta biết Hy Lạp cổ có Sparte, cuộc sống ở đó được sắp xếp một cách không có vui thú gì hết, mục đích là để cho đàn ông trở thành những chiến binh xả thân, đàn bà thành cái máy đẻ, nghĩa là như gà chọi và lợn nái. Hai giống này rất đặc biệt, nhưng tôi cho rằng chúng không hề thích cuộc sống của chúng. Nhưng không thích thì làm sao? Người thế, súc vật cũng thế, rất khó thay đổi số phận của mình. 

Dưới đây kể câu chuyện con lợn khác thường. Khi tôi nuôi, nó đã được bốn năm tuổi, về danh phận, nó là lợn thịt nhưng nó vừa đen vừa gầy, hai mắt sáng long lanh. Con ranh này nhanh nhẹn như sơn dương, rào chắn cao một mét, phắt một cái nó nhảy qua như bỡn, nó leo lên cả nóc chuồng, về điểm này nó lại giống mèo – vì thế nó đi lang thang khắp nơi, chẳng bao giờ ở trong chuồng. Những thanh niên trí thức trông nom nó coi nó như thú cưng, tôi cũng quý nó – bởi vì nó chỉ ưa thanh niên trí thức, nó cho phép họ gần trong phạm vi ba mét, với người khác nó chạy từ lâu rồi. Nhưng bạn cứ thử mà xem, bạn có giấu dao sau lưng nó cũng ngửi thấy, nó sẽ trợn trừng mắt nhìn bạn, kêu lên hồng hộc. Tôi toàn nuôi nó bằng cám tinh, chờ nó ăn no mới đổ xuống cỏ cho con khác ăn. Các con khác ghen tị tru tréo lên. Lúc đó cả trại lợn ầm ĩ tiếng gào rú đinh tai nhức óc nhưng tôi và nó mặc kệ. Ăn no nê rồi, nó nhảy lên nóc chuồng nằm sưởi nắng, hoặc bắt chước các âm thanh. Nó bắt chước tiếng ô tô, máy kéo khá giống. Có lần nó biến đi đâu cả ngày, tôi đoán nó sang làng bên tìm lợn cái. Trại chúng tôi có lợn nái nhốt trong chuồng, hoạt động sinh dục quá độ làm cho thân hình méo xẹo, vừa bẩn vừa hôi, nó không ưa, lợn cái trong làng dễ coi hơn. Nó có rất nhiều sự tích hiển hách nhưng tôi không kể nữa. Tóm lại các thanh niên trí thức đã nuôi nó đều thích nó, thích cái độc đáo của nó, còn bảo nó sống rất phóng khoáng. Nhưng dân làng không lãng mạn thế, họ bảo cọn lợn này mất nết. Lãnh đạo rất ghét nó, chuyện này nói sau. Tôi không những thích nó còn coi trọng nó nữa, thường gọi nó là “ông anh” cho dù tôi hơn nó mười mấy tuổi. Trên đây tôi đã nói nó đã bắt chước được các thứ tiếng, tôi nghĩ nó đã học cả tiếng nói của người nhưng không được – nếu học được thì chúng tôi có thể trút bầu tâm sự được. Nhưng không trách nó được. Âm sắc của người và lợn khác nhau quá xa. 

Về sau nó học được tiếng còi hơi, cái tài ấy gây phiền hà cho nó. Chỗ chúng tôi có nhà máy đường, buổi trưa có còi tầm đổi ca. Đội chúng tôi ra đồng làm việc nghe tiếng còi thì thu dọn để về. “Ông anh” tôi cứ mười giờ sáng là nhảy lên nóc chuồng bắt chước tiếng còi hơi, người làm đồng nghe tiếng kêu là về, sớm hơn còi nhà máy nửa giờ. Nói thực lòng không trách con lợn được, nó không phải nồi hơi, tiếng kêu có khác nhưng dân làng cứ bảo không phân biệt được. Vì chuyện này mà lãnh đạo phải họp một buổi, kết tội nó là phần tử xấu, phá hoại vụ xuân, phải có biện pháp chuyên chính – tinh thần hội nghị tôi đã rõ nhưng tôi không lo cho nó – nếu chuyên chính là thừng và dao thì chẳng ăn thua. Lãnh đạo trước kia đã thử rồi, một trăm người không bắt được nó, chó cũng là đồ bỏ: con lợn chạy như ngư lôi, có thể húc con chó bắn ra xa ngoài ba mét. Ai biết đâu lần này họ làm thật, chính trị viên đem hơn hai chục người, lăm lăm súng ngắn K54, chính trị viên phó dẫn hơn chục người mang súng kíp, chia hai đường để bắt nó trên bãi trống trước trại. Tôi rất khó xử: về tình nghĩa giữa tôi và nó, tôi phải cầm dao lao ra sát vai chiến đấu cùng với nó, nhưng thế thì kỳ quặc quá, nó chỉ là con lợn thôi mà. Còn một lý do nữa, tôi không dám chống lãnh đạo, đấy mới là vấn đề chủ yếu. Tóm lại tôi đành đứng nhìn. Con lợn trấn tĩnh đến mức tôi phải khâm phục: nó đứng nơi ranh giới giữa súng lục và súng kíp, mặc kệ cho họ thúc chó cắn, nó không rời đường ranh giới đó. Như thế bên này bắn sẽ trúng vào bên kia, hai bên cùng bắn thì cùng chết, còn nó, mục tiêu nhỏ chắc không sao. Quay mấy vòng thì tìm được chỗ hổng, nó lao vọt ra, chạy nhanh hết mức. Sau này tôi gặp nó một lần trong đám ruộng mía, nó đã mọc răng nanh, nó nhận ra tôi nhưng không cho tôi đến gần. Sự lạnh nhạt đó làm tôi đau lòng, nhưng tôi tán thành nó giữ khoảng cách với những kẻ lòng dạ khôn lường. 

Tôi đã bốn mươi tuổi, ngoài con lợn đó tôi chưa thấy ai dám coi thường sự sắp xếp cuộc sống như thế. Trái lại, tôi lại thấy rất nhiều người cứ muốn sắp xếp cuộc sống của người khác và những người ung dung sống một cuộc sống được sắp xếp. Do đó tôi cứ nhớ mãi con lợn đi một mình một đường ấy.