Thời Gian Trôi Mãi

Chương 10




Nhâm Nhiễm không hề có ý định dò hỏi về các tình tiết. Cô ngày một bình phục hơn, nhưng người lúc nào cũng tiêu cực, thẫn thờ, không hề phối hợp với công tác điều trị của bác sĩ phục hồi chức năng.

Bác sĩ cho rằng vết thương bên ngoài của cô đã khỏi hẳn, những biểu hiện bất thường của cô là rối loạn stress sau chấn thương, tốt nhất là mời bác sĩ tâm lý đến để điều trị.

Trần Hoa liền mời ngay bác sĩ tâm lý nổi tiếng nhất Bắc Kinh Bạch Thụy Lễ, tuy nhiên bất kể ông nói gì, Nhâm Nhiễm chỉ đờ đẫn nhìn lên trần nhà, không trả lời bất cứ câu hỏi gì. Đợi đến khi bác sĩ Bạch Thụy Lễ chán nản ra về, cô liền tự mình đi làm thủ tục ra viện ngay lập tức.

Lúc Trần Hoa đến bệnh viện, phát hiện thấy giường trống. Anh vội tìm đến căn hộ của Nhâm Nhiễm thuê, cô đứng bên trong cửa chống trộm không chịu mở cho anh vào, chỉ bảo anh đừng đến nữa.

"Anh sẽ tìm cho em một người giúp việc".

"Không cần, em muốn ở một mình".

Sau đó, Nhâm Nhiễm gửi email cho ngân hàng xin thôi việc, cô cũng không đến làm thủ tục.

Ba cô lại một lần nữa đề nghị đón cô về thành phố Z để an dưỡng, cô liền từ chối ngay; Công ty bảo hiểm gọi điện thoại đến, bảo cô đi ký tên để hoàn thành các thủ tục bồi thường, cô chỉ ậm ờ cho qua và không để ý gì đến.

Cô ở lì trong nhà không chịu ra khỏi cửa, mỗi ngày chỉ ăn rất ít đồ ăn. Cách mấy ngày mới xuống tầng, mua ít thực phẩm và đồ nhu yếu phẩm tại một siêu thị nhỏ gần đó.

Mỗi khi gặp Trần Hoa hoặc anh Bang đứng canh chừng ở dưới, cô đều nhìn họ như nhìn những người xa lạ, không hỏi han gì.

Sau đó, ngay cả điện thoại di động cô cũng không mở nữa.

Sau khi sống như thế hơn nửa tháng, về cơ bản Nhâm Nhiễm đã mất đi khái niệm về thời gian.

Khu ký túc xá cũ không yên tĩnh lắm, cô có thể nghe thấy mọi âm thanh từ bên ngoài lọt vào. Có lúc chuông cửa sẽ réo, có lúc tiếng ti vi nhà hàng xóm bật to quá, sau khi tan học, đám trẻ đeo cặp về nhà, trên đường đi để lại những tiếng nói cười giòn tan, tiếng hàn huyên của mọi người sau khi tan sở...

Chỉ có điều dường như những âm thanh này tồn tại ở một thế giới khác song song với cô, không liên quan gì đến cô.

Một hôm, vào lúc đêm khuya, cô nằm trên ghế sofa ngủ gật, đột nhiên tỉnh giấc, cô ý thức ra được rằng trong phòng có một đôi mắt đang nhìn cô chằm chằm, cô từ từ quay đầu, quả nhiên, cách chỗ cô không xa, có một con chuột đang thu mình trong góc tường nhìn cô.

Trước đây cô rất thích sạch sẽ, nhưng sau khi ra viện, lại để mặc nhà cửa bừa bộn, không dọn dẹp gì, cách mấy ngày mới đi đổ rác một lần. Mấy hôm trước cô nhìn thấy rãnh nước trong bếp có gián, cũng đã nghĩ đến việc mua thuốc diệt gián, nhưng nghĩ xong lại quên ngay.

Ánh trăng bàng bạc hắt xuống gian phòng, yên tĩnh đến mức có điều gì đó bất thường.

Đứng trước con vật trước đây sẽ khiến cô phải bật dậy vì sợ hãi, nhưng nay cô lại không hề có cảm giác sợ hoặc kinh tởm gì. Cô và con vật đen xì này lặng lẽ nhìn nhau, phát hiện thấy rõ ràng là con chuột tỏ ra sợ trước, rụt người lại rồi chạy ngay vào bếp.

Cô nằm im không nhúc nhích, trong giây phút đó, lần đầu tiên cô ý thức được một cách tình táo rằng, cô đã không còn lưu luyến gì với cuộc sống, cũng không còn sợ hãi trước cái chết.

Thực ra chết cũng không có gì là đáng sợ, nếu có thể, cô đã muốn được chết trong vụ tai nạn đó, tai nạn giáng xuống đầu trong tích tắc, nếu đã không có điềm gì báo trước thì cũng không có gì gọi là sợ hãi. Xuất phát từ nguyên nhân mà cô không biết, vụ tai nạn khiến chiếc xe của cô phải đưa vào bãi phế thải này lại tha cho thân xác bằng xương bằng thịt của cô, nhưng cô không muốn buông tha cho mình.

Chàng trai đã lớn lên cùng cô đó, dưới vẻ bề ngoài thích ồn ào, lại rất sợ nỗi cô đơn, thời gian đầu mới sang Australia du học, thậm chí anh còn kêu rằng ban đêm quá yên tĩnh không tài nào ngủ được. Anh đã ra đi bất ngờ như vậy, chỉ suýt nữa thôi là cô đã có thể đi cùng với anh rồi.

Có lẽ cô còn có thể đuổi kịp được anh.

Ý nghĩ này đột nhiên nảy ra trong đầu, liền bám chặt lấy cô. Sau đó, cô không hề bất ngờ khi phát hiện ra rằng, cô không cảm thấy đói, dĩ nhiên là ngay cả tinh thần nấu mì ăn liền cũng không còn nữa.

Nhâm Nhiễm nằm trên ghế sofa, lật đọc cuốn Xa rời đám đông bát nháo mà mẹ cô để lại. Sau khi tai nạn xảy ra, đối với cô, những cuốn sách khác chỉ là tổ hợp câu chữ, chỉ có cuốn sách này, vẫn giữ được ý nghĩa. Cô nắm rõ chiều hướng phát triển của câu chuyện, hiểu được hàm nghĩa của mỗi đoạn văn. Có lúc bất giác cô lại đọc lên thành tiếng, những câu chữ đã thuộc lòng đó được thốt ra từ miệng cô, âm thanh khô khốc, cảm thấy lạ lẫm và xa vời. Cô đắm mình trong đó, đột nhiên hiểu ra được rằng, khi nằm trên giường bệnh mẹ cũng đã từng đọc như vậy. Nghĩ đến mẹ, cô không còn cảm thấy buồn lòng nữa. Cô nghĩ, bao nhiêu năm qua, cuối cùng cô đã đến được gần mẹ cô hơn.

Sau khi đọc đã thấm mệt, cô liền chợp mắt nghỉ một lát, tỉnh dậy lại đọc tiếp, cùng lắm chỉ đứng dậy uống ngụm nước.

Không biết sau khi nằm như thế bao nhiêu ngày, cánh cửa khóa trái bên trong đã bị Trần Hoa đạp tung. Theo sau anh là anh Bang và bà chủ nhà nhìn rất thấp thỏm.

Cô nhìn họ bằng ánh mắt sửng sốt, bất chợt nhớ đến lần chuyển giao thế kỷ trước, cô cũng đã từng giam mình trong một căn hộ, đợi một người có thể sẽ không bao giờ quay trở lại, đợi đến khi gần như đã tuyệt vọng thì anh đã xuất hiện.

Tại sao cô lại giam mình hết lần này đến lần khác? Và tại sao anh lại một lần nữa xuất hiện trước mặt cô? Giữa lúc mơ màng, hình ảnh người đó dường như trùng khớp với người đàn ông mang vẻ mặt đằng đằng sát khí này, cô liền cười: "Sao lại là anh? Lần này em có đợi anh đâu?"

Bà chủ nhà nói bằng giọng đặc sệt giọng Bắc Kinh: "Cô ạ, tôi không dám cho cô thuê căn hộ này nữa đâu, chẳng may cô có mệnh hệ gì bên trong thì tôi có mà rắc rối to".

"Cháu đã trả tiền phòng rồi, hình như chưa hết hạn chứ nhỉ". Không ngờ cô lại vẫn còn có thể tranh luận rất rành mạch.

"Tôi sẽ trả lại tiền cho cô, tóm lại là tôi không cho cô thuê nữa".

Trần Hoa nhìn cô với vẻ mặt sầm sì, "Em chuyển đi đâu? Nhìn em như thế này, ai dám cho thuê nhà?"

Cô cố gắng tập trung tinh thần, nghĩ một lát, "Ở khách sạn cũng được".

Đột nhiên anh bước đến, đưa tay ra kéo cô, cô không có sức để chống cự, chỉ nắm chặt cuốn sách trong lòng bàn tay, để mặc anh lôi đến trước gương.

"Hãy nhìn bộ dạng của em mà xem".

Trong gương là một cô gái người gầy như que củi, khô khốc. Nhưng cô không hề tỏ ra bất ngờ, đối với cô hình ảnh này không có gì là xa lạ - gần như là phiên bản của mẹ cô khi ốm liệt giường. Cô nhìn chăm chú mình trong gương, đột nhiên bật cười.

Cô lẩm bẩm: "Em đã nhìn thấy mẹ em rồi".

Anh đã bị câu nói này của cô đâm đau nhói, sau đó lạnh lùng nói: "Anh dám chắc rằng mẹ em sẽ không muốn nhìn thấy em trong tình trạng như bây giờ".

Cô không biết phải đáp lại như thế nào, chỉ thẫn thờ nhìn vào gương.

"Em muốn chết ư, Nhâm Nhiễm? Thế thì em phải hỏi một câu rằng anh có muốn để em chết hay không". Dường như Trần Hoa biết hết cô đang nghĩ gì, anh ghé vào tai cô, nói từng chữ một.

Không đợi cô trả lời, anh liền bế thốc cô lên, vừa đi ra ngoài, vừa nói với anh Bang: "Thu dọn hết đồ đạc của cô ấy, đền cánh cửa hỏng cho chủ nhà, trả lại nhà".

Nhâm Nhiễm bị đưa thẳng đến bệnh viện, sau khi kiểm tra một lượt cho cô, bác sĩ chẩn đoán cô đã mắc bệnh trầm cảm và suy dinh dưỡng.

Cô vừa không có thể lực để chống cự, càng không có tâm trạng để chống cự, đành phải chấp nhận điều trị một cách bị động, hàng ngày truyền dịch, uống rất nhiều thuốc theo giờ. Sau một thời gian, tình trạng của cô đã có những chuyển biến rõ rệt.

Cô phát hiện ra mình không còn nhốt mình trong một không gian vô hình, không còn hứng thú với bất kỳ điều gì nữa.

Dần dần cô đã tập trung chú ý được hơn, từ đọc những bản tin ngắn trên báo chuyển sang đọc sách; Đối với cô giấc ngủ ban đêm vẫn có những trở ngại, nhưng không còn dày vò như trước nữa.

Khả năng cảm thụ nhận biết vốn có ở người bình thường đã dần dần quay trở về với cô, gió vờn nhẹ trên đôi má, tiếng chim hót buổi sớm lảnh lót vui tai, người khác nói chuyện với cô, không còn là hành động đôi môi mở ra khép vào vô nghĩa như trước đây nữa...

Cảm giác tê dại đã tiêu tan như thuốc, cô dần dần tìm lại được cảm nhận với môi trường xung quanh, cô vẫn lầm lì ít nói, không thể vui vẻ trở lại, nhưng cái chết một thời bám riết lấy cô dường như đã rời xa.

Hóa ra sinh mệnh không dễ dàng từ bỏ, nỗi buồn nặng nề một thời quật ngã cô cũng chỉ là một hiện tượng bệnh lý mà thôi, có thể dùng thuốc men để kiểm soát trong phạm vi thể xác có thể chịu đựng được.

Ý thức được điều này, cô không hề cảm thấy vui, chỉ cảm thấy là một sự nhạo báng.

Bác sĩ tâm lý lại một lần nữa đến phòng bệnh của cô, tự giới thiệu mình: “Cô Nhâm, chào cô, chúng ta đã từng nói chuyện một lần, tôi là bác sĩ Bạch Thụy Lễ”.

Bạch Thụy Lễ là một người đàn ông trung niên người hơi mập, nét mặt hòa nhã từ tốn, đôi mắt bên trong cặp kính gọng vàng nhìn rất thông minh, ông mặc bộ com lê màu xám rất chỉnh tề, màu áo sơ mi và caravat đi với nhau rất hợp. Ông du học ở Đức về, hiện nay là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn tâm lý trong nước, cũng là một trong số những bác sĩ tâm lý được ưa chuộng nhất làm việc ở khoa tâm lý thuộc bệnh viện có mức viện phí đắt đỏ nhất Bắc Kinh.

Viện trưởng đích thân giới thiệu Trần Hoa với ông, muốn ông tiếp nhận bệnh án của Nhâm Nhiễm, ông đồng ý tiến hành một buổi đánh giá tâm lý trước rồi tính sau. Tuy nhiên lần đầu tiên gặp mặt, Nhâm Nhiễm không chịu nói chuyện với ông.

Sau đó một tháng, Trần Hoa lại đến tìm ông, mời ông chữa bệnh cho Nhâm Nhiễm. Lần này, những biểu hiện của Nhâm Nhiễm gần như đã trở lại bình thường, mặc dù cô vẫn rất ít nói, nhưng hành động lịch sự, không còn từ chối nói chuyện. Nói đến việc chuẩn bị trị liệu tâm lí cho cô, cô chỉ "vâng" một tiếng.

"Cô Nhâm, anh Trần Hoa bạn cô đã đến tìm tôi và giới thiệu sơ qua tình hình của cô, không phải bệnh nhân nào tôi cũng nhận, nguyên tắc điều trị của tôi là: tôi chỉ tiếp nhận những bệnh nhân không chống đối công tác tư vấn tâm lý, tự nguyện điều trị, hơn nữa tôi sẽ không thông báo với người thứ ba các chi tiết và tiến trình điều trị".

Nhâm Nhiễm liền cười, nụ cười đó chỉ hiện thoáng qua trên khóe mép, "Em không lo điều này, anh Trần Hoa sẽ không hỏi bác sĩ về tình hình điều trị của em vì anh ấy không có thời gian để làm những việc đó đâu. Bác sĩ Bạch, em không nghi ngờ về lòng tốt của anh ấy, cũng không nghi ngờ đạo đức nghề nghiệp của bác sĩ, em chỉ nghi ngờ việc điều trị có cần thiết đối với em hay không. Nhưng nếu đã sắp xếp ổn thỏa rồi thì em sẽ điều trị".

Trước khi đến phòng bệnh của Nhâm Nhiễm, Bạch Thụy Lễ cũng đã trao đổi nguyên tắc điều trị đối với Trần Hoa.

"Tổng giám đốc Trần, tôi không quan tầm đến việc ai sẽ trả tiền. Tôi mong anh hiểu giúp cho, bác sĩ tâm lý buộc phải để người bệnh có một niềm tin cơ bản, tin rằng mọi điều bí mật của họ khi nói ra với bác sĩ đều được đảm bảo an toàn, như thế công việc điều trị mới có thể tiến hành".

Phản ứng của Trần Hoa lúc đó gần như cũng giống như Nhâm Nhiễm, anh bình thản nói: "Lúc đầu viện trưởng Giáp giới thiệu với tôi ba vị bác sĩ tâm lý, tôi đã xem tài liệu về các anh. Một vị đồng nghiệp của anh chuyên về liệu pháp [1], chủ yếu trị các chứng bệnh liên quan đến rối loạn thần kinh chức năng, đối với Nhâm Nhiễm, rõ ràng là ông ấy không phù hợp; Một bác sĩ khác có tiếng tăm hơn anh, nhưng thích lên các chương trình truyền hình, viết các bài viết tư vấn tâm lý cho các chuyên mục thời thượng, tôi không muốn nhìn thấy Nhâm Nhiễm biến thành ví dụ để ông ta viết ra cho bàn dân thiên hạ đọc".

[1] Liệu pháp Morita là liệu pháp điều trị của giáo sư tâm thần người Nhật Bản Shoma Morita. Liệu pháp này phát triển kế hoạch điều trị dựa vào cơn chấn động tâm lý của người bệnh.

"Và thế là tôi đã trúng tuyển, bởi nhìn tôi sẽ thấy tôi là người biết giữ bí mật. Xem ra tổng giám đốc Trần lựa chọn tôi không phải vì anh ngắm trúng năng lực chuyên môn của tôi, hơn nữa anh cũng tỏ thái độ nghi ngờ về hiệu quả mà công tác tư vấn tâm lý sẽ đạt được".

"Bác sĩ Bạch, tôi đã đọc cuốn sách mà bác sĩ viết về việc điều trị bệnh trầm cảm".

Bác sĩ Bạch Thụy Lễ tỏ ra rất bất ngờ, cuốn sách mà ông viết là cuốn sách mang tính chất học thuật, không phải là sách phổ biến kiến thức nhằm vào độc giả bình thường vẫn thường bán trên thị trường, người bình thường rất khó đọc hết.

"Tôi không có tư cách gì để đánh giá chuyên ngành của bác sĩ, nhưng tôi có tiêu chuẩn để đưa ra những phán đoán của mình. Cuốn sách của bác sĩ trình bày rất chặt chẽ, không quá đề cao vai trò trị liệu của công tác tư vấn tâm lý đối với việc điều trị bệnh trầm cảm, chủ trương kết hợp với thuốc, thông qua thời gian dài trao đổi, chuyện trò, giúp bệnh nhân lấy lại được sự lạc quan, tìm lại được sự cân bằng, thế là đủ rồi".

"Tôi phải nói rằng lời đánh giá này khiến tôi cảm thấy rất vinh hạnh, tuy nhiên có một điểm tôi phải nhấn mạnh lại một lần nữa, sau khi tiếp nhận điều trị, nếu không được cô Nhâm cho phép, tôi sẽ không thể trao đổi với anh về trạng thái tâm lý của cô ấy".

Nét mặt của Trần Hoa không có gì thay đổi, anh vẫn giữ nguyên vẻ lạnh lùng, "Nói thẳng ra là tôi chỉ quan tâm đến tiến trình và hiệu quả điều trị, nhưng tôi không muốn tìm hiểu các tình tiết điều trị. Hơn nữa tôi dám chắc rằng Nhâm Nhiễm sẽ không nói cho bác sĩ biết những thông tin mà đòi hỏi phải có bác sĩ truyền đạt tôi mới có thể tìm hiểu được. Cô ấy không phải là mẫu người dễ dàng bị những điều bí mật cần giấu kín đánh bại, buộc phải coi bác sĩ tâm lý là cha cố để thú tội mới có thể giải thoát".

"Và còn một điều nữa tôi buộc phải nói ra trước, như những gì mà tôi đã nói chuyện với cô Nhâm lần trước, cô ấy mắc bệnh trầm cảm sau một vụ chấn thương, vì một sự việc xảy ra bất ngờ mà mất đi hứng thú đối với cuộc sống, từ chối tiếp xúc với thế giới bên ngoài, e rằng trong thời gian ngắn sẽ không chủ động chấp nhận việc điều trị. Từ trước đến nay tôi không chủ trương bắt ép điều trị".

"Điều này bác sĩ cứ yên tâm, người mà cô ấy chống cự mạnh nhất là tôi. Tôi sẽ bảo trợ lý của tôi trao đổi với cô ấy, sau khi ra viện cô ấy có hai sự lựa chọn, hoặc là đến ở nhà tôi, chấp nhận sự giám sát cả ngày của tôi; Hoặc là ở một mình, nhưng phải tự nguyện chấp nhận sự điều trị của anh. Cô ấy đã lựa chọn phương án hai".

Sau đó, Trần Hoa đã giới thiệu rất khách quan tình hình của Nhâm Nhiễm, để bác sĩ Bạch Thụy Lễ hiểu được một cách toàn diện về cô. Giọng anh rất bình tính, không mang sắc thái tình cảm nào. Tuy nhiên nghề của bác sĩ Bạch là quan sát thế giới nội tâm của người khác ẩn sau từng hành động cử chỉ, ông đã rất nhạy bén khi phát hiện ra rằng, thực ra người đàn ông này không ngại bộc lộ những tình cảm của anh ta.

Chắc chắn anh ta yêu cô gái đó - Bác sĩ Bạch Thụy Lễ cũng đã thầm phán đoán trong lòng mà không mang sắc thái tình cảm nào cả.