Chiều hôm nay, hương hoa sơn chi thơm ngọt luôn vương vấn trong tiệm sửa giày.
Có lẽ vì buổi sáng họ không mở cửa, nên các đơn hàng đã tích thành đống.
Cả chiều Nhiếp Chấn Hoành chẳng được thảnh thơi chút nào, cứ phải lọ mọ sửa giày suốt.
Lâm Tri vẫn ngồi trước bảng vẽ của cậu, cầm cọ bôi trát.
Tới gần giờ ăn tối, người đi ngoài đường đông hơn ngày thường nhiều, nhất là mấy quán bán quả khô, thuốc lá, rượu và quà tặng, đám đông càng nối dài không dứt.
“Sắp Trung Thu rồi.” Trương Thúy Phương nhà bên cũng mang hai cái ghế ra ngoài quán ngồi, dựng một sạp tạm, bày mấy hộp bánh Trung Thu lẻ mà thím đi nhập về.
Bên cạnh mỗi hộp bánh là một miếng bìa cứng cũ, ghi giá theo cân.
“Tiểu Nhiếp, lấy mấy cái mà ăn này.” Những món hàng theo mùa như bánh Trung Thu, quanh năm suốt tháng chỉ bán tầm chục ngày bọ, nên mỗi lần nhập hàng Trương Thúy Phương cũng chẳng dám lấy lắm, dù gì bán không hết thì nhà mình cũng phải giải quyết thôi.
Giờ sắp tết Trung Thu đến nơi rồi, mà hàng vẫn còn nhiều, thím ta cũng hào phóng tặng nó cho mọi người cho thơm thảo.
“Không cần đâu, chị Trương,” Nhiếp Chấn Hoành xua tay, “Em không khoái món này ạ.”
“Bảo chú cầm thì cứ cầm đi!” Trương Thúy Phương lấy mấy chiếc nhét vào túi da của anh bằng được, “Chú không ăn thì cho Tiểu Lâm ăn cũng được mà!”
Lần này thì Nhiếp Chấn Hoành không từ chối nữa, cười cảm ơn thím.
Trương Thúy Phương lại tiếp tục quay về bày sạp.
Chỉ một lát sau đã có kha khá phụ huynh đến đón con tan học đi ngang qua tiệm tạp hóa.
Mấy đứa trẻ ồn ào đòi ăn bánh Trung Thu, hầu như cha mẹ nào cũng chiều chúng, số hộp bánh của bà chủ tiệm lại vơi đi khá nhiều.
Nhiếp Chấn Hoành ngồi ngoài rìa xem cảnh ấy, nghĩ bụng liệu Tết Trung Thu năm nay mình có nên sang thăm nhà chị gái không.
Tiện thể… đưa bé con qua ra mắt luôn?
Nhớ tới cuộc điện thoại mình nhờ bà chị chuẩn bị tâm lý trước cho gia đình hồi hôm, thật ra đến giờ Nhiếp Chấn Hoành cũng chưa chắc lắm, không biết chị anh đã ướm trước đúng vấn đề hộ anh chưa.
Thật ra bố mẹ anh đều là kiểu dễ tính, nếu không ngày xưa họ đã chẳng đồng ý gả con gái cho một đứa đầu bếp thoạt trông chẳng có tiền đồ tương lai gì.
Nhưng bản thân Nhiếp Chấn Hoành chưa giúp gì được cho gia đình suốt mấy năm nay, ngược lại còn khiến hai cụ phải nhọc lòng rõ nhiều.
Chính anh cũng tự cảm thấy mình yếu thế, nên mới ở rịt chỗ này một mình một bóng mãi, hiếm khi về thăm gia đình.
Giữa lúc đang nghĩ ngợi thơ thẩn, Nhiếp Chấn Hoành chợt cảm thấy ánh sáng trên đầu mình tối hẳn đi, lại có ai đó bước vào cửa hàng.
Anh ngẩng lên, định cất lời chào hỏi, nào ngờ lại cảm thấy bóng người đang đi tới quen thuộc lạ thường—— hóa ra đấy là người mẹ mà anh đang suy nghĩ tới tức thời!
Chỉ một thoáng ngẩn ngơ vậy thôi, mà bà Nhiếp mặc bộ váy lụa màu lục đậm đã đi xẹt qua Nhiếp Chấn Hoành, bước vào tiệm sửa giày ngay.
Bà còn chẳng thèm liếc thằng con rẻ mạt của mình lấy một cái, từ khi vào cửa đã chú mục vào một người khác ở trong phòng.
Tim Nhiếp Chấn Hoành giật thon thót, nhưng anh còn chưa kịp phản ứng, hai thứ nằng nặng đã đè lên người anh.
“Cậu ơi!”
“Ê a!”
Hai đứa nhóc còn vương mùi sữa bổ nhào vào người anh.
Nhiếp Chấn Hoành vội đưa tay ra đỡ, thấy cả bà chị Nhiếp Triển Hà bước vào tiệm ở đằng sau.
“…”
“…”
Hai chị em liếc nhau, tuy chưa thốt lên câu nào, nhưng sự ăn ý giữa những người chung huyết thống đã được trui rèn qua bao năm không phải chỉ để đó cho vui.
Liếc qua liếc lại một hồi, họ đã truyền đạt xong nội dung đối thoại qua ánh mắt.
Nhiếp Chấn Hoành hỏi chị mình sao không đánh tiếng trước cho anh để anh chuẩn bị từ sớm.
Chị Nhiếp lia mắt về di động của anh, ý là bà mày nhắn từ sớm rồi tại mày không xem đấy chứ.
Nhiếp Chấn Hoành lại hỏi giờ tình hình mẹ sao rốt cuộc biết đến đâu rồi thế, chị Nhiếp nháy mắt nhìn vào phòng, ý bảo mình đã cố hết sức chuẩn bị tâm lý cho mẹ rồi.
Nhưng mà… hình như không ăn thua lắm, nếu không, thì bà bô đã chẳng tới tận nơi gặp tận mặt thế này.
Lần này Nhiếp Chấn Hoành thực sự hơi căng thẳng rồi đây.
Anh tính đứng dậy để làm mẹ xao nhãng, nhưng khổ nỗi hai đứa cháu đang víu trên người anh lâu lắm rồi không gặp cậu chúng nó, bấy giờ chúng đang hưng phấn quấn anh quậy phá.
Nhiếp Chấn Hoành đành nhờ chị mình giúp đỡ, nhưng Nhiếp Triển Hà chỉ nở nụ cười sung sướng khi kẻ khác gặp họa với anh, xòe tay nhún vai, nói rõ luôn là không đỡ với đần gì hết.
Có trời mới biết chị bị hai đứa oắt này tra tấn vật lộn muốn phát khùng cỡ nào.
Lần này tạm thời quẳng được gánh lo cho thằng em nhà mình, Nhiếp Triển Hà chẳng hề thấy áy náy tí tẹo nào.
Ngược lại, giờ chị chỉ đang tò mò hóng hớt, cũng rướn cổ như ông em trai, nhìn vào trong phòng.
*
Lúc vẽ tranh, Lâm Tri rất hiếm khi bị quấy rầy bởi những chuyện bên ngoài.
Suy nghĩ của cậu đơn giản, đã làm gì là sẽ làm hết sức chuyên chú, cho nên mãi đến khi cậu tô xong màu lót cho cả tờ giấy vẽ, thì mới phát hiện có một người đang đứng cạnh bảng vẽ.
Đấy là một dì mà cậu không biết, cũng tầm tuổi mẹ cậu, mặt tròn tròn, người cũng tròn tròn, đang nghiêng đầu ngắm tranh của cậu.
“A.” Lâm Tri tưởng đấy là khách đến tiệm, “Sửa giày, thì ở bên kia ạ.” Cậu chỉ về hướng Nhiếp Chấn Hoành.
Nhưng dì ấy lại không đi, chỉ đứng tại chỗ hỏi cậu, “Anh bạn trẻ đang vẽ gì đấy? Nói cho dì nghe với được không?”
“Là hoa ạ.” Vậy là Lâm Tri lại chuyển hướng chú ý qua chỗ khác theo ý người phụ nữ.
Mạch suy nghĩ của cậu thẳng căng, ai hỏi gì thì cậu đáp nấy.
Cậu cầm cọ lượn một vòng quanh bản phác mình vừa hoàn thành, giải thích với dì, “Hoa cụ ông lầu trên trồng ạ.”
“Ô, trồng nhiều thế cơ à?”
Trên tờ giấy vẽ, tuy chỉ có một lớp màu gouache nhàn nhạt, nhưng người ta vẫn có thể thấy cảnh tượng được phác thảo bằng bút chì—— đó là rất nhiều ban công lộ thiên, với những dàn dây thường xuân bò tầng tầng lớp lớp trên bức tường của tòa nhà xưa cũ.
Trong số ấy, căn nhà ở tầng ba là bắt mắt nhất, vì ô cửa sổ gần như không thể thấy lan can và kẽ hở đã bị bao phủ hoàn toàn bởi những tầng hoa lá sum suê.
Tựa như trời cao đã gieo một nắm hạt giống xuống, chúng mọc thành một mảnh rừng nhỏ giữa đám gạch đá và xi măng.
(Màu Gouache: hay còn gọi là màu bột.
Là một loại màu gốc nước, nhưng đặc hơn màu nước, vẫn phản ứng với nước, và ít keo hơn màu Acrylic.)
Khu rừng này tươi tốt vô cùng, không gian bé xíu ấy dường như không đủ để chúng sinh trưởng bừa bãi.
Vì thế rất nhiều đóa hoa rực rỡ sắc màu tràn xuống theo lan can, rủ tới tận ban công của căn nhà ở tầng dưới.
Nhìn từ xa, trông nó y hệt một thác hoa vậy.
“Ông Trịnh giỏi lắm ạ!”
Ban nãy Lâm Tri vừa tô xong lớp nền màu xanh lá cho đám cỏ cây.
Giờ màu khô rồi, cậu chậm gam màu đỏ diễm lệ hơn, bắt đầu điểm xuyết chúng lên thác hoa.
Mỗi một nét cọ, là một đóa hoa nhỏ lại nở rộ trên trang giấy.
Chỉ vài phút ngắn ngủi, một con thác hoa nguyệt quế đã chảy trôi trên bức họa.
Cậu lại nhúng cọ vào màu trắng, gọt giũa đoạn ban công đầy hoa và lá.
Từ một bóng tóc hoa râm mơ hồ bên ban công, đến cành cây màu trắng quấn quýt khắp lan can.
Rồi tới cơn gió vô hình trên không trung, thổi từng cánh hoa trắng muốt bay xuống sàn sân phơi nhà dưới.
Ở rìa một chiếc bảng vẽ nhỏ khác trên trang giấy, là bản phác mấy đóa hoa sơn chi be bé.
Dùng xong màu trắng, Lâm Tri mới nhớ ra bên cạnh vẫn còn một người đang nói chuyện với mình.
Mẹ từng dạy cậu rằng, làm thế là rất bất lịch sự, nên cậu vội vàng buông cọ, hơi gượng gạo nhìn ngó xung quanh.
Anh Hoành của cậu đã bị thân thể mập mạp của dì kia chặn hết, không thấy đâu nữa.
Lâm Tri không cầu cứu nổi, đành tự làm theo ý mình.
Cậu rút một đóa hoa sơn chi ra từ bình thủy tinh đặt trên bàn, duỗi thẳng tay đưa tới trước mặt dì ấy.
“Tặng dì ạ.” Cậu vụng về biểu đạt lời xin lỗi, “Ông Trịnh trồng đấy ạ.
Thơm lắm.”
Liêu Hạnh Mai tự dưng nhận được một đóa hoa, mặt bà có vẻ hơi kinh ngạc.
Bà chừng này tuổi, nhưng lâu lắm rồi không được tặng hoa nữa, huống chi còn là hoa sơn chi mà bà thích.
Liêu Hạnh Mai liếc mắt về đằng sau với vẻ hơi ngờ vực, nghĩ thầm chẳng lẽ thằng cu nhà mình lén tiết lộ sở thích của mẹ rồi.
Nhưng bằng con mắt của kẻ từng trải, bà vẫn có thể cảm nhận được, chàng trai trước mặt mình có lẽ vẫn còn chưa biết bà là ai.
Liêu Hạnh Mai lại quan sát Lâm Tri thật tỉ mỉ lần nữa bằng ánh mắt hơi bắt bẻ.
Thật ra lúc nãy cu cậu ngồi vẽ, bà đã quan sát và có đánh giá sơ lược rồi.
Nhưng lần này nhìn thẳng vào đôi mắt của chàng trai, suy nghĩ trong lòng Liêu Hạnh Mai lại thay đổi.
Thoạt trông… cũng là một đứa thành thật ngoan ngoãn đấy.
Không giống kiểu người lòng dạ gian manh, có thể lừa được thằng oắt con nhà bà.
Cảm giác giằng xé và oán trách cứ vấn vương trong lòng Liêu Hạnh Mai dạo gần đây chợt tan đi chút ít.
Bà cũng đưa tay nhận bông hoa mà Lâm Tri đưa.
Bà còn định hỏi bóng gió thêm mấy câu, nhưng không ngờ lại có người bước vào tiệm giày, vừa vào đã nói oang oang.
“Họa sĩ Lâm đại tài ới, đến nhận tiền nhuận bút này!”
Người đàn ông đeo kính cầm cặp táp đi vào cửa tiệm, chào hỏi Nhiếp Chấn Hoành, rồi rảo bước về phía Lâm Tri, đồng thời móc một chiếc phong bì ra từ cặp táp.
“Ô kìa, hôm nay đông khách quá nhỉ?”
Hà Khiêm đưa phong bì cho Lâm Tri, rồi mới cười khách khí với Liêu Hạnh Mai vừa bị anh ta chen chỗ, quay đầu lại bắt chuyện tiếp với Lâm Tri, “Cậu đếm thử xem, hôm nay được duyệt một cái là anh mang qua cho cậu liền đấy, đủ thành ý quá còn gì!”
Từ lần thuê Lâm Tri vẽ bìa dạo trước, Hà Khiêm coi như đã “khoắng” được một mỏ vàng tiện dụng.
Tháng rồi anh ta lại đặt Lâm Tri một bức cho tạp chí nhi đồng mà mình đang phụ trách.
Tuy lần này chỉ là tranh minh hoạ, không được nhiều tiền bằng lần trước, nhưng Hà Khiêm vẫn hồ hởi mang tiền tới.
Dù gì dân phiêu dạt giang hồ, đâu chả có lúc phải cậy nhờ người ta.
Giờ anh ta phụ trách lĩnh vực mình không rành rẽ, càng quen biết ít họa sĩ hơn.
Vả lại, Lâm Tri còn dễ nói chuyện sẵn lòng phối hợp, Hà Khiêm chỉ ước chi thiết lập được quan hệ hợp tác tốt đẹp lâu dài với cậu.
Thêm nữa, anh ta cũng sống ở con phố ngay gần đây thôi, tan làm bước thêm vài bước là tới, gửi tiền rất tiện.
“Dạ, cảm ơn ạ!”
Lâm Tri thấy phong bì đựng tiền nhuận bút, đôi mắt sáng ngời lên.
Cậu lập tức chuyển sự chú ý qua Hà Khiêm, không nhìn dì bên cạnh nữa, mà mở phong bì ra đếm liền luôn.
Một tờ, hai tờ, ba tờ…
Hà Khiêm lại bị hút mắt vào bức tranh trên bảng vẽ cạnh đó.
Anh ta bước đến gần ngắm kỹ, càng xem càng hài lòng, càng nhìn càng kích động.
Cậu Lâm Tri này là ngôi sao may mắn của anh ta đấy ư?
Hôm nay văn phòng họ còn đang tranh cãi về chủ đề của số báo tiếp theo.
Mọi người ỏm tỏi cả ngày mà chưa quyết được ý nào.
Có người bảo muốn để là chào mừng Quốc Khánh, có kẻ lại nói hay bàn trải nghiệm du lịch đi.
Nhưng thực ra Hà Khiêm đã có ý tưởng khác, đấy là lấy chủ đề những ngày hội truyền thống, như Tết Trùng Dương, kính trọng người già, kêu gọi các bé quan tâm tới người cao tuổi nhiều hơn.
(Tết Trùng Cửu, Tết Trùng Dương: tổ chức ngày 9/9 Âm Lịch hằng năm, còn gọi là Tết người già.
Con số 9 được coi là số dương, sự lặp lại hai lần số 9 nên gọi Trùng Cửu, Trùng Dương là vì vậy.
Link tìm hiểu.)
Nhưng mọi người lại chê đề nghị của anh ta hơi quê mùa, thậm chí còn là cố ý than nghèo kể khổ.
Hà Khiêm cũng sợ bán không đắt nên quyết định không nhắc lại luôn.
Nhưng khi nhìn thấy bức họa ban nãy của Lâm Tri, một nỗi niềm xúc động lại trào dâng trong lòng Hà Khiêm —— anh ta muốn tới khoảng ban công cỏ cây tươi tốt trong bức tranh này, làm quen với chủ nhân của nó, muốn xem dưới mái tóc hoa râm kia, là một cụ già đang hưởng thụ cuộc sống thế nào.
Hà Khiêm bỗng nhận ra rằng, nhóm người cao tuổi không chỉ có cô đơn và đau ốm.
Đúng là họ cần sự quan tâm thật, nhưng đồng thời bản thân họ cũng có cuộc sống riêng, cũng có đường hướng phấn đấu và những sở thích khuây khỏa riêng, thậm chí biết đâu còn thú vị hơn cả thế hệ trẻ.
Linh cảm bắt đầu bùng nổ trong đầu anh ta, anh ta kích động nắm lấy tay Lâm Tri lắc lên lắc xuống.
Anh ta bảo Lâm Tri rằng vẽ xong bức này thì nhất định phải để lại cho anh ta nhé, rồi xách cặp táp lên lao ra khỏi cửa hàng ngay mà chẳng thèm ngoái đầu, lại chạy về công ty lần nữa.
Chỉ để lại cả đám người chẳng hiểu đầu cua tai nheo thế nào trong tiệm, và một cậu chàng không thèm để tâm, tiếp tục vui vẻ đếm tiền.
“Anh Hoành!”
Đếm tiền xong, Lâm Tri hưng phấn chạy đến trước mặt Nhiếp Chấn Hoành, “Em lại có tiền rồi!”
Cậu khoe đôi má lúm, nhét phong bì vào lòng người đàn ông.
“Cho anh cả đó!”
Trong khoảnh khắc ấy, Nhiếp Chấn Hoành cảm giác được ánh mắt của mọi người trong phòng đều dồn hết về phía mình
Có hai đứa cháu, bà chị, và cả mẹ anh nữa.
Chẳng có ngoại lệ nào, ai nấy đều tỏ vẻ kinh ngạc và khiển trách.
—
Nha Đậu:
Chít Chít (vui vẻ thỏa mãn): Cho anh Hoành hết!
Bà Nhiếp/chị Nhiếp/cháu lớn cháu bé: Có 100 tệ bọ mà còn không để cho người ta nữa?! Không đáng làm người!.