10
Hôm nay, khi Nhiếp Chấn Hoành đưa bé con đến dưới nhà, anh tình cờ gặp Hứa Như tan làm về.
Đây là lần đầu tiên Nhiếp Chấn Hoành được gặp tận mặt người phụ nữ quan trọng nhất trong cuộc đời Lâm Tri này, mà không phải chỉ nhìn qua ảnh.
“Cháu chào cô.”
Nhiếp Chấn Hoành lịch sự chào hỏi Hứa Như.
Hứa Như hơi kinh ngạc, “Cháu là…?”
Thấy con trai mình ngồi trên vai thiếu niên, ngập tràn vẻ tin cậy, Hứa Như bỗng nhiên nhớ tới một người mà con mình thường xuyên nhắc tới dạo gần đây, “À, cháu chính là anh chân dài mà Tiểu Tri hay nhắc đến đấy à?”
Cái mặt già của Nhiếp Chấn Hoành đỏ lên vì cách xưng hô này.
Nhưng may thay anh vẫn đương là thiếu niên trai trẻ, gương mặt ngay thẳng tươi sáng chỉ ưng ửng, thoạt trông lại càng giống một đứa trẻ ngoan ngoãn thật thà hơn.
“Khụ, cháu chào cô, cháu tên là Nhiếp Chấn Hoành.
Dạo này cháu đang đi thực tế tìm hiểu xã hội, tiện thể đưa Lâm Tri về nhà luôn ạ.”
(Thực tế xã hội: hoạt động thực tiễn xã hội (social practice) là một trò của các trường bên Tàu.
Trường lên kế hoạch cho học sinh sinh viên ra khỏi khuôn viên trường, tìm hiểu xã hội, là một phương thức giáo dục phục vụ xã hội.
Học sinh sẽ giúp đỡ mọi người để rèn luyện thêm nền nếp, đạo đức)
Dù bây giờ Nhiếp Chấn Hoành còn rất trẻ, nhưng trong thâm tâm anh vẫn là người trưởng thành.
Anh đã tìm được những lý do hợp lý để giải thích cho hành vi của mình từ trước.
Vừa quay ngược thời gian là anh lập tức gia nhập clb Tâm Lý ở trường, cũng đăng ký vào tổ chức tình nguyện trực thuộc hội Chữ Thập Đỏ.
Chuyện thứ hai thì anh cũng đã tham gia với Lâm Tri hồi còn chưa sống lại kiếp này.
Khai thông các tuyến phố, tuyên truyền chống lừa đảo, giáo dục an toàn, phục vụ y tế cộng đồng… Nhiếp Chấn Hoành đã đưa Lâm Tri đi góp sức vào khá nhiều hoạt động công ích trong thời gian rảnh rỗi.
Vốn anh chỉ định cho em người yêu tiếp xúc với những thứ tích cực ngoài vẽ tranh, nào ngờ trong quá trình họ giúp đỡ những người khác, hình như bé con cũng đang tự cứu rỗi bản thân.
Nay quay ngược thời gian, Nhiếp Chấn Hoành sẽ không để lỡ chuyện này.
Ngoài những lúc bận rộn với các công việc thiết yếu hằng ngày, thi thoảng người ta cũng cần một ít thời gian không chỉ để kiếm tiền.
Có thế cuộc đời mới càng thú vị hơn.
Nhiếp Chấn Hoành cũng chỉ mới hiểu được đạo lý ấy sau khi sống chung với Lâm Tri.
11
Trước lời mời nhiệt tình của Hứa Như, Nhiếp Chấn Hoành cùng lên lầu với hai mẹ con, mặt dày ăn chùa một bữa tối.
Lâm Kiến bố Lâm Tri dường như đang bận chuyện làm ăn, không ở nhà.
Có vẻ hai mẹ con cũng quen lâu rồi.
Hứa Như dặn con trai mình tiếp anh tử tế, rồi xách đồ ăn vào bếp, bắt đầu bận rộn.
Nhiếp Chấn Hoành ngồi trong phòng khách, cũng chẳng thấy ngượng nghịu là bao.
Dù gì anh đã từng tới căn nhà này nhiều lần rồi.
Dạo trước, sau khi Lâm Tri có chút tiếng tăm trong giới hội họa, Lâm Kiến lại vô liêm sỉ tới tận nhà họ duỗi tay đòi tiền.
Nhiếp Chấn Hoành tính luôn cả nợ cũ lẫn nợ mới, tống cổ cả gia đình lão ra khỏi Dung Thành.
Về sau, căn hộ cũ của nhà họ Lâm trở thành studio vẽ của bé con.
Đôi lúc nó cũng được dùng để dạy vẽ cho học sinh, còn bình thường thì là nơi để cất tranh.
Nhưng lần này, lội ngược về mười mấy năm trước, Nhiếp Chấn Hoành quan sát căn nhà ba phòng ngủ không lớn lắm này lần nữa, lại cảm nhận được hơi ấm thuộc về gia đình mà mình chưa từng cảm nhận được trước kia.
Dù đồ đạc trong nhà không mới lắm, nhưng lại được bà chủ nhà giữ gìn rất cẩn thận.
Sàn nhà bóng loáng, sofa bàn nước sạch bong, chiếc khăn trải bàn bằng lụa có diềm hoa trắng tinh tươm tất, mấy đĩa rau trộn để qua đêm được che lại bằng lồng bàn, càng tô đậm thêm hương vị ấm áp của một gia đình bình thường.
“Anh ơi, qua đây ạ.”
Nhiếp Chấn Hoành đang quan sát xung quanh, thì đột nhiên bị bé Lâm Tri kéo vạt áo.
Anh để mặc cho bé con kéo mình vào gian phòng ngủ nhỏ, sau đó nhìn Lâm Tri lấy một chiếc hộp sắt be bé ra từ dưới giường.
Hộp sắt chỉ lớn bằng bàn tay, thoạt trông hơi giống ống tiết kiệm, nhưng được chia ra làm hai nắp, một trái một phải.
Lách cách.
Lâm Tri mở nắp bên trái trước.
Tia nắng cuối cùng còn vương lại của buổi hoàng hôn xuyên qua ô cửa sổ, rọi lên chiếc hộp, phản chiếu những sắc màu sặc sỡ lên bức tường.
“Ý, lộn rồi.”
Lâm Tri vội vàng đóng nắp kim loại lại, mở nắp bên phải ra.
“Nè.”
Em xòe bàn tay, đưa món bảo bối của mình đến trước mặt Nhiếp Chấn Hoành như đang hiến vật quý.
“Anh Hoành ăn kẹo đi ạ!”
Không như những tờ giấy trong suốt màu sắc sặc sỡ được ép phẳng ở hộp bên trái, bên phải là những chiếc kẹo bé con trữ từ chỗ nào chẳng biết mà em không nỡ ăn.
Màu cam của quýt, màu tím của nho, hồng của đào mật, xanh lục của táo, màu vàng của dứa…
Những mùi hương thơm ngọt tỏa ra từ chiếc hộp sắt nhỏ, vị ngọt chui thẳng vào trái tim Nhiếp Chấn Hoành.
“Ừ.”
Nhiếp Chấn Hoành chọn chiếc kẹo vị quýt, xé giấy gói kẹo ngậm trong miệng.
Bản thân Lâm Tri cũng thấy thèm, em chọn viên kẹo vị nho bỏ vào miệng, quý trọng nhấm nháp.
Em vừa nếm vị ngọt, vừa cúi đầu cẩn thận trải phẳng giấy gói kẹo ra.
Lâm Tri hơi ngượng một tẹo, em sợ anh trai trước mặt sẽ chê cười sở thích giấu giấy gói kẹo của em.
Nhưng em không ngờ được rằng, khi em trải phẳng xong giấy gói kẹo của mình, một bàn tay to lớn bỗng xòe ra trước mặt em, trên đó là giấy gói màu cam đã được trải phẳng phiu.
“Anh cũng thích giấy gói kẹo ạ?”
Lâm Tri ngoẹo đầu, mắt lấp lánh niềm vui.
Bố bảo, em là con trai, không được thích mấy thứ đồ con gái như thế.
Lâm Tri không hiểu tại sao, nhưng chỉ dám lén giấu đi.
“Ừ.”
Nhiếp Chấn Hoành xoa đầu Lâm Tri, nói, “Màu nào cũng đẹp.”
“Nhỉ anh nhỉ!”
Đôi mắt Lâm Tri tỏa sáng như sao vì một câu nói của Nhiếp Chấn Hoành, “Đẹp lắm luôn á!”
12
Buổi tối, Hứa Như xào một đĩa thịt rang cháy cạnh, rồi nấu một nồi canh cá trích.
“Ăn tạm vậy nhé,” chị hơi ngượng ngùng xoa tạp dề, “Không ngờ hôm nay lại có khách tới nhà, cô mua ít thức ăn quá.”
“Vậy là đủ rồi cô ơi,” Nhiếp Chấn Hoành nhấc đũa lên, không mấy khách khí, “Toàn món cháu thích cả ạ.”
“Ồ, cháu thích là tốt rồi!” Hứa Như thấy Nhiếp Chấn Hoành quen thuộc tự nhiên như thế thì cũng thoải mái hơn.
Chị nghiêng đầu sai con trai, “Tiểu Tri, đi xới cơm đi.”
“Vâng ạ.”
Lâm Tri vốn đã đưa đũa tới gần đĩa thịt, nhưng nghe mẹ bảo thế, em vẫn nghe lời nhảy xuống khỏi bàn, lon ton vào bếp xới cơm ra từ nồi cơm điện.
Nhiếp Chấn Hoành định đứng dậy qua giúp, nhưng lại bị Hứa Như ngăn lại.
“Để kệ thằng bé làm.” Hứa Như nhìn theo bóng lưng bé nhỏ của con trai ở trong bếp, cười nói, “Trẻ con tự lập sớm cũng tốt cho sau này.”
Nhiếp Chấn Hoành nghe vậy mà bỗng thấy chua xót, vội cúi đầu giả bộ ăn.
Không biết mẹ Lâm đã phải chứng kiến bệnh tình của con nghiêm trọng đến mức nào, thì mới bỏ cách giáo dục này, chuyển qua tự làm tất cả mọi thứ, chỉ mong nuôi nấng Lâm Tri trong yên bình.
13
Cơm nước xong, Lâm Tri về phòng ngủ của mình làm bài tập.
Nhiếp Chấn Hoành thì ở lại phòng khách, thì thầm giải thích bệnh tình của Lâm Tri cho Hứa Như nghe.
Anh đã phải trăn trở sắp xếp câu chữ rất nhiều lần trong đầu thì mới nói ra được.
Trong quá trình làm thân với bé con, anh cũng đã tìm hiểu hòm hòm được nguyên lý và nguồn cơn dẫn tới chứng bệnh của Lâm Tri.
Sau khi quay ngược thời gian, Nhiếp Chấn Hoành bèn hạ quyết tâm, anh muốn bà Lâm biết về bệnh của Lâm Tri sớm hơn.
Có một số vết thương, một khi đã phải chịu rồi thì dù có bù đắp cỡ nào cũng không thể chữa khỏi được.
Huống chi, là một người mẹ thương con vô cùng, nỗi khổ sở và đau đớn mà Hứa Như phải chịu đựng sau khi Lâm Tri mắc bệnh chắc hẳn cũng chẳng kém con trai mình là bao.
Nhiếp Chấn Hoành hy vọng trong kiếp này, bé con của anh có thể có một thời thơ ấu hạnh phúc.
Bất kể là người yêu thương cậu, hai người được cậu yêu thương, thì đều sẽ ở cạnh Lâm Tri mãi mãi.
14
Trải qua một cuộc đối thoại dài khiến bầu không khí cũng trở nên nhuốm màu chua xót, Hứa Như hơi hoảng hốt, nhưng về cơ bản cũng tin phán đoán của Nhiếp Chấn Hoành ——
Đứa con trai yêu quý của chị mắc một loại rối loạn phát triển bẩm sinh, dẫn tới gặp khó khăn trong việc đọc.
Người làm mẹ như chị thì lại thất trách, không biết con mình còn bị bắt nạt trên trường, phải chịu áp lực tâm lý mà chị không thể tưởng tượng nổi.
Hứa Như không khỏi vùi khuôn mặt trong lòng bàn tay.
Bấy giờ chị đã mất hết dáng vẻ kiên cường ấm áp như trong những bức tranh của Lâm Tri, chỉ còn là một người phụ nữ bình thường, vai chùng, tóc rối.
Hứa Như hẵng còn hoang mang sợ hãi, khóc nức nở nói, “Tại sao… tại sao lại là con trai cô cơ chứ?
“Tiểu Tri, Tiểu Tri nó ngoan như thế, nghe lời như thế… Trước nay thằng bé chưa hề làm chuyện gì xấu, sao lại mắc phải căn bệnh thế này?
“Cô đúng là hồ đồ, bấy lâu nay hoàn toàn chẳng phát hiện ra! Cô đúng là một người mẹ tồi tệ…”
Nhiếp Chấn Hoành nhớ lại quá khứ của bé con, cũng không khỏi thấy cay cay sống mũi.
Anh nâng tay lên, nhẹ nhàng vỗ vai Hứa Như, “Cô ơi, cô đừng nghĩ vậy.
Đây không phải là lỗi của bất kỳ ai cả.
“Tiểu Tri còn nhỏ, tất cả vẫn còn kịp.
Giờ điều cô cần làm là xốc lại tinh thần, mình phải chữa những bệnh cần chữa, giải quyết những vấn đề nên giải quyết.
Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi ạ.”
Hứa Như nhớ tới trường hợp của các gia đình khác trong lời kể của Nhiếp Chấn Hoành, vội vàng gật đầu, lau khô nước mắt.
“Đúng đúng đúng, cô không thể suy sụp được,” chị lẩm bẩm, “Cô phải tích cóp thêm tiền, đưa Tiểu Tri đi chữa ở bệnh viện tốt nhất! Còn nữa, thằng bé không thể đi học tiếp trong cái trường khốn nạn ấy được, cô phải lựa hôm làm thủ tục chuyển trường…”
Nhiếp Chấn Hoành ngồi ngoài quan sát, âm thầm thở phào nhẹ nhõm.
Thân phận hiện tại của anh thực sự chẳng là gì với Lâm Tri, không thể lo toan nhiều chuyện cho bé con.
Chỉ có bản thân Hứa Như tự đứng ra, thì mới có thể giúp cuộc sống của Lâm Tri khá lên được.
“Mẹ ơi? Anh ơi?”
Lâm Tri đã làm xong bài tập trong phòng ngủ, đi ra ngoài uống nước.
Em hơi khiếp đảm, đứng cạnh cửa nhẹ nhàng gọi hai người.
Sự mẫn cảm của bé hamster khiến em cảm nhận được bầu không khí trong phòng khách hơi là lạ.
“Tri Tri, lại đây.”
Hứa Như vội vàng quay người đi lau nước mắt.
Nhiếp Chấn Hoành bè bế cậu nhóc lên, đưa em đi nghịch cặp sách của mình.
“Tìm coi trong đấy có món gì em thích không?”
Kiếp này, Nhiếp Chấn Hoành đã sửa được khá nhiều thói quen, nhưng vẫn không chữa nổi tật xấu ghét học hành.
Cặp anh có hợp đồng, có sách kế hoạch mở nhà máy, chứa đủ thứ hằm bà lằng, nhưng lại không có sách giáo khoa.
May mà có mấy anh em yểm trợ, nên dạo này anh mới có thể nhẹ nhàng trốn học đi làm đủ trò.
“Oa ~!”
Lâm Tri nhanh chóng bị Nhiếp Chấn Hoành chuyển sự chú ý qua hướng khác.
Em tò mò lục lọi cặp sách của anh, lôi ra được mấy cây cọ, một xấp giấy vẽ, và một hộp màu vẽ đủ các loại màu!
Nhiếp Chấn Hoành vuốt ve mái đầu mềm mại của Lâm Tri, cúi đầu nói nhỏ với cậu.
“Hôm nay Tri Tri mời anh ăn kẹo.
“Anh cũng có quà tặng Tri Tri.”
[HẾT NGOẠI TRUYỆN 3].