Thợ Sửa Giày

Chương 107: 107: Về Nhà Thôi




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.


Tháng ngày cứ nhàn tản trôi đi như thế, chẳng mấy mà đã tới ngày cuối năm.
Trên con phố ở khu tập thể cũ, về cơ bản một tuần trước Tết các hàng quán đã lần lượt đóng cửa về quê.

Còn những chủ tiệm có quê ngay gần đây như nhà Lão Chu, chị Tôn, gia đình họ Phan, và cả Nhiếp Chấn Hoành, thì vẫn mở tiệm tới tận trước Giao Thừa.
Nhưng dù vậy, nhiều cửa hàng cũng chỉ mở nửa bữa đóng cửa hôm.

Những lúc chủ quán phải đi sắm Tết hoặc ra ngoài đánh bài dạo phố, là họ kéo cửa cuốn xuống, từ chối tiếp khách, cực kỳ phù hợp với tính nết thoải mái tùy ý của người dân ở Dung Thành.
Nhiếp Chấn Hoành đóng cửa hàng vào hôm Giao Thừa.
Tối hôm trước anh đưa Lâm Tri đi sắm tết ở siêu thị lớn cách đó mấy cây số, quà Tết họ mua chất đầy cả một xe đẩy hàng.

Nào là đồ ăn vặt của hai đứa cháu trai, mỹ phẩm dưỡng da cho chị gái, và cả thực phẩm chức năng anh mua cho cha mẹ nữa.

Đương nhiên, những món mà em bé Tri Tri nhà họ thích ăn, Nhiếp Chấn Hoành cũng mua khá nhiều.
Thật ra Lâm Tri chẳng hề đề đạt ý muốn của mình tẹo nào.

Nhưng một khi Nhiếp Chấn Hoành đã phát hiện ánh mắt em người yêu dừng lại ở món hàng nào quá 5 giây, thì anh lập tức lấy nó bỏ vào xe hàng ngay.
Cuối cùng Lâm Tri lại phải ngăn không cho anh lấy nữa.
“Đang giảm giá, mua lãi đấy.” Nhiếp Chấn Hoành phẩy tay, “Không cần tiết kiệm tiền cho anh đâu.”
“Đủ rồi ạ.” Lâm Tri nhìn hộp quả hạch còn to hơn cả cánh tay cậu trong xe đẩy hàng, hơi lo lắng, “Ăn không hết đâu.”
Nhiếp Chấn Hoành bật cười trước biểu cảm hài hước của cậu, bấy giờ mới đổi qua loại bé hơn, “Vậy mua loại này nhé, ăn hết anh lại mua tiếp.”
“Vâng ạ.”
Buổi chiều hôm Giao Thừa, cơm nước rồi đánh một giấc trưa xong, Nhiếp Chấn Hoành mới từ tốn đưa Lâm Tri về nhà bà chị mình.
Hôm nay trời rất lạnh, dự báo thời tiết nói có lẽ năm nay Dung Thành sẽ đón chào mùa Tết Âm tuyết trắng đầu tiên.

Vì thế Nhiếp Chấn Hoành lục hết quần áo dày dặn và khăn quàng trong nhà ra, bọc bé con dày cui.
Cạnh tủ giày kế cửa, là hai đôi bốt mùa Đông, một đôi đen một đôi nâu.
Một đôi là loại bốt cổ thấp tràn ngập dấu vết đã qua sử dụng, lót một lớp nhung mỏng bên trong.


Còn đôi kia thì size nhỏ hơn, kiểu bốt cổ lỡ đi tuyết mới tinh.

Lông tơ màu trắng sữa bao một vòng trên cổ đôi bốt đi tuyết, nhìn thôi đã thấy vô cùng ấm áp.
Lúc hai người ra ngoài thay giày, ta còn có thể thấy hai đôi tất giống nhau của họ nằm ở một bên.

Hai đôi tất này là do Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri cùng chọn trên mạng, làm bằng vải nhung san hô, in hình những chú hamster màu nâu sữa, còn có hai cái tai nhỏ tròn xoe thò ra ở đầu tất.
Lâm Tri có thói quen ngọ nguậy ngón cái khi xỏ giày.

Lần này, đôi tất mới tinh không có lỗ rách, chỉ có lớp đệm mềm mại ở đầu ngón chân, đáng yêu vô cùng.

Nhiếp Chấn Hoành kéo ghế ngồi xuống, đeo giày cho mình trước, rồi lại cầm chân bé hamster nhét vào đôi ủng đi tuyết.
Khu tập thể cũ ít dân sinh sống, vào những dịp người thân bạn bè hay đến thăm nhau thế này, nhiều người còn lười chẳng thèm đóng cửa.
Sáng dậy, họ mở cửa nhà tênh hênh, người thì ngồi cắn hạt dưa trong phòng khách, kẻ lại bật TV tán dóc với nhau.

Những âm thanh ngập tràn hương vị năm mới từ các gia đình lửng lơ ngoài hành lang, nên hai người vừa ra khỏi cửa là nghe thấy liền.
Nhiếp Chấn Hoành nở nụ cười ấm áp.
Anh cúi đầu thắt chặt chiếc khăn quàng đỏ rực trên cổ bé con, một tay xách túi, tay kia dắt người yêu đi xuống lầu.
“Đi nào, về nhà ăn Tết thôi!”
*
Anh rể Vương Hạo của Nhiếp Chấn Hoành rất biết phấn đấu.

Hai năm trước, anh ấy đã tự tích cóp mua được hai căn nhà ở khu đô thị ven hồ phía Nam.

Gia đình anh sống trong căn nhà trệt kiểu Tây có sân vườn, còn căn hộ cao tầng chung tòa đấy thì anh mua cho bố mẹ vợ.

Chẳng qua hai đứa nhà anh còn bé quá, nên bình thường đôi vợ chồng già toàn ở nhà dưới chăm cháu hộ.


Vì thế tất cả các dịp lễ lạt hội hè trong năm, cả nhà đều lên kế hoạch ăn chung tại nhà dưới.
Nhiếp Chấn Hoành và Lâm Tri vừa đến cổng ngoài, hương thịt đậm đà đã chui vào khoang mũi.
“Chắc là anh rể đang nấu ăn đây.” Nhiếp Chấn Hoành chun mũi, đoán đại khái, “Ừm… hẳn là món Phật Trèo Tường rồi.” Mùi hải sản lẫn với thịt trộn cùng nấm măng thơm nức len qua kẽ cửa sổ bay ra khỏi nhà, tràn ngập khắp khoảng sân, khiến người ta phải chảy nước miếng thòm thèm.

Lâm Tri liếm môi, “Thơm.”
Nhiếp Chấn Hoành bật cười, bẹo má cậu, “Vậy lát nữa em ăn nhiều vào nhé.

Nếu không đủ anh sẽ bảo anh rể hầm thêm nồi nữa.”
“Được lắm, cái thằng nhãi này! Còn chưa vào nhà mà đã sai bảo người ta rồi!” Phòng bếp của căn nhà trệt gần phòng khách, đồng thời cũng ở chỗ hướng nắng, nhìn ra sân vườn.

Vậy nên câu nói này của Nhiếp Chấn Hoành đã bị Vương Hạo đang nấu ăn trong phòng bếp nghe bằng sạch.

Ông anh rể mở cửa sổ ra, giơ muôi làm bộ như muốn đánh cậu em rể.
“Ấy ấy, đừng lãng phí canh mà!” Người nhà với nhau thì chẳng biết hai chữ “khách khí” là gì, Nhiếp Chấn Hoành không rén chút nào, cười hì hì chào hỏi anh rể, “Chị em đâu ạ?”
Vương Hạo bĩu môi ra hiệu ở phòng khách, đồng thời thì thào mật báo với Nhiếp Chấn Hoành, “Chú vào nhanh lên! Mẹ với chị chú làu bàu lâu lắm rồi đấy, chú còn không về là mấy bả xông tới tận nhà đòi đó.”
Nói đoạn, Vương Hạo liếc mắt về phía Lâm Tri ở bên cạnh Nhiếp Chấn Hoành, nở nụ cười thân thiện với cậu.
Lâm Tri hơi căng thẳng, nhưng cũng mím môi cười với Vương Hạo.

Cho tới tận khi đã vào nhà, thấy gia đình họ Nhiếp đang cãi cọ ồn ào láo nháo, cậu vẫn dính sát cạnh Nhiếp Chấn Hoành.
Thật ra họ hàng nhà Nhiếp Chấn Hoành đơn giản lắm.

Bố anh có mấy anh em, mẹ anh cũng có hai chị em.

Nhưng hầu hết họ hàng hang hốc đều ở phố huyện tận quê, bình thường thi thoảng cũng qua đây.

Nhưng ngày tư ngày Tết thì ai nấy đều đoàn tụ với gia đình nhỏ của mình, không tập hợp cả dòng cả tộc.

Vậy nên thật ra Lâm Tri đã gặp hầu hết những người trong phòng.

Dù là Liêu Hạnh Mai mẹ Nhiếp Chấn Hoành, bà chị Nhiếp Triển Hà, hay là hai thằng cháu Bé Lớn Bé Út, bấy giờ họ đều hoan nghênh hai người.

Chị Nhiếp đứng dậy nhận những món quà Tết Nhiếp Chấn Hoành đang xách.

Bà Nhiếp giúp họ cởi áo khoác treo lên giá.

Còn hai đứa nhỏ thì nhìn túi quà vặt to đùng Lâm Tri đang cầm với đôi mắt sáng quắc.

Bé Lớn còn nhào lên tính khui ngay tại trận.
Chỉ mình người đàn ông trung niên ngồi ở một góc sofa là không động đậy, im lìm hút thuốc lá.
Ông Nhiếp rất buồn bực.
Ông là người cuối cùng trong gia đình biết tin thằng con mình kiếm một đứa con trai về làm vợ.

Mà ông biết còn là vì hồi hôm vợ ông bâng quơ kể lại lúc ông đang chuếnh choáng chuẩn bị đi ngủ.

Ông nghe thế sợ quá gần như tỉnh rượu ngay.
Ông Nhiếp phản đối rất dữ.
Sao lại thế được, vậy chẳng phải sẽ bị người đời gièm pha sao?!
Ông vừa thốt ra câu đấy, là lập tức bị phái đẹp có địa vị cao nhất trong gia đình nghiêm khắc khiển trách ngay.
Bà Liêu chê ông chỉ biết sĩ diện hão, chuyện nhà mình đóng cửa ở với nhau, nam với nữ thì có liên quan đếch gì đến người khác.

Chị Nhiếp trách ông là đồ cổ lỗ sĩ, suốt ngày chỉ biết chơi mạt chược câu cá, chẳng ngước mắt lên mà nhìn thế giới bên ngoài.
Ông Nhiếp ăn nói vụng về, vốn đã kiệm lời sẵn, giờ bị oanh tạc như thế thì lại càng không mở miệng nổi.

Vợ với con gái đều vặn mình, ông Nhiếp vốn định nhờ con rể chi viện, ai dè Vương Hạo lại lủi vào bếp luôn, tỏ vẻ phục tùng ý vợ tuyệt đối, không tham dự vào những quyết sách to nhớn của gia đình.
Thế là, ông Nhiếp bơ vơ lạc lõng giữa chính ngôi nhà của mình, lại chẳng có mặt mũi nào kể chuyện này với người ngoài, đành phải một mình ngẫm ngợi.

Năm ngoái con trai đã mua cho ông một chiếc smart phone, ông dứt khoát đeo kính viễn lên, tra thử trên mạng coi sao.

Ngẫm ngợi một thời gian, dần dà ông cũng thủng ra.

Thời đại đổi thay nhanh quá.
Ông chẳng hiểu đồng tính luyến ái với đam mỹ là cái chi chi, cũng không lý giải nổi tại sao mấy đứa con gái trên mạng lại gào thét chụp ảnh tới tấp khi thấy hai thằng con trai ôm nhau như thế.

Nhưng chỉ cần nó không phải bệnh, không bị bắt vào tù ngồi thì tốt rồi.
Còn hơn thế nữa, thì người làm cha mẹ như họ cũng chẳng quản được.
Dù vậy, ông Nhiếp hẵng còn tức cái lồng ngực lắm.
Ông muốn xem thử thằng yêu tinh đã bắt cóc Chấn Hoành nhà ông mặt ngang mũi dọc như nào, có gì mà hay ho thế!
Vì thế bữa Giao Thừa này, ông Nhiếp thức dậy từ sáng sớm tinh mơ, mặt đen sì sì ngồi trong phòng khách, tính ra oai phủ đầu với hai đứa ngay.

Nào ngờ chờ nửa ngày mà chẳng thấy bóng dáng hai thằng nhóc chết tiệt kia đâu, mặt ông đã chuyển từ màu đen qua màu đỏ vì đánh một giấc trưa.

Con chưa tới, cơn tức của bố đã xìu hết hơi.
Liêu Hạnh Mai đứng ngoài rìa trông vào, thầm thấy buồn cười, nhưng lại không cho ông xã mình cơ hội để biểu diễn.

Hai đứa về, bà kéo Lâm Tri hỏi han đủ chuyện ngay, quan tâm tới cuộc sống dạo này của hai người.

Còn Nhiếp Chấn Hoành thì chủ động biếu bố một hộp thuốc lá đắt tiền, hai bố con ngồi cạnh nhau tán dóc một hồi.
Lâm Tri ngoan ngoãn ngồi giữa bà Nhiếp và chị Nhiếp, dáng vẻ ngoan ngoãn hỏi gì đáp nấy của cậu thực sự giúp cậu ăn thêm nhiều điểm cộng.
Vả lại, hôm nay Nhiếp Chấn Hoành bọc cậu nhóc tròn ủng, khiến khuôn mặt cậu thêm phần trắng trẻo thanh tú, làm dịu đi cảm giác lạnh lùng, thoạt trông như bé ngoan nhà bên vậy.
Ông Nhiếp thậm chí còn lén kéo con trai lại gần hỏi, chả nhẽ mày kiếm đâu ra đứa con gái tóc ngắn nào về đây để giúp mày trốn lấy vợ hả?
Nhiếp Chấn Hoành quả thực dở khóc dở cười.
Anh phải đảm bảo đi đảm bảo lại là không phải mình không có ý muốn kết hôn.

Chỉ là đối tượng mà anh muốn kết hôn, từ nay về sau, chỉ có mình người trước mặt mà thôi.

Nha Đậu:
Ông Nhiếp (khuyên nhủ): Con à, bố không ép mày kết hôn.

Nhưng mà, mày vẫn phải tìm vợ đi chứ.
Chít Chít (giơ cao cả hai tay): Cháu cháu cháu, cháu là vợ anh Hoành ạ!.