Thịnh Thế Diên Ninh

Chương 61: Kế hoạch trồng chè





Nông Mạnh nghe bá tước nói như vậy thì vui mừng quá đỗi, 200 mẫu ruộng thế nghiệp của bá tước luôn là nỗi lo canh cánh trong lòng của hắn, bây giờ nghe Nguyễn Vô Niệm nói như vậy hắn không khỏi vui mừng. Dù rằng bá tước nói yêu cầu muốn bọn hắn phải khai hoang canh tác, thế nhưng cũng không phải là làm không công mà được trả lương bằng muối, phải biết ở trên vùng cao này muối quý giá như gạo vậy. Nông Mạnh không khỏi xúc động, vị bá tước này thực sự nhân từ. Hắn nói

- Tạ ơn bá tước, thảo dân tin chắc rằng dân trong xã sẽ đồng ý với mệnh lệnh của ngài. Ngay ngày mai thảo dân sẽ triệu tập người trong xã đi chọn đất khai hoang.

Nguyễn Vô Niệm lắc đầu nói.

- Không cần vội, ngày mai ta sẽ đích thân đi chọn đất, hơn nữa đây là một công trình lớn, với các nông cụ của các ngươi hiện tại thì khai phá bao giờ mới xong. Chờ một thời gian ta sẽ cho người chuyển lương thực, muối và nông cụ lên đây, khi đó các ngươi tổ chức dân khai hoang vào lúc nông nhàn, cũng không thể để cho bọn hắn nhịn đói mà đi khai hoang được.

Đã quyết định chồng chè thì phải trồng cho lớn, Vô Niệm dự định chọn một vài quả đồi địa thế tương đối tốt ở La Hiên, phá rừng làm đồi chè. Với cách canh tác nương rẫy của người đồng bào ở đây có lẽ bọn hắn sẽ trực tiếp đốt, sau đó canh tác một vài vụ rồi bỏ hoang hoá, đất đai bạt màu không thể phục hồi được. Nguyễn Vô Niệm trong đầu đã bắt đầu chế định một kế hoạch để xây dựng nên những đồi chè có thể canh tác lâu dài. Từ đó hắn sẽ chuyển dần nền kinh tế của La Hiên sang sản xuất hàng hoá, lương thực có thể chuyển từ dưới miền xuôi lên, trả bằng chính tiền thu được từ việc chuyên canh chè, chỉ có như thế thì tình hình mới khả quan được.

- Hiện tại tổng số người trong xã là bao nhiêu, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em?

Nguyễn Vô Niệm quan tâm nhất chính là dân số tại đây, những thứ này đều không ghi bên trong sổ đinh, mãi đến thời kỳ Hồng Đức thì việc kiểm kê lão ấu mới được tính đến. Còn lúc này chỉ có xã quan là người hiểu rõ nhất trong xã có bao nhiêu người. Nông Mạnh liền đáp.


- Dạ bẩm, cả xã hiện tại có 241 người trai gái, già trẻ, trong đó có 56 trai tráng trong độ tuổi lao động.

Thường thì vài năm mới thống kê sổ đinh một lần, vì vậy mà trong báo cáo và tình hình thực tế luôn có sự chênh lệch nhất định, chưa kể việc ở các thôn xóm sẽ có hiện tượng "giấu đinh", không khai báo để có thể giảm thuế và binh dịch, điều này phổ biến ở những hộ nhà giàu, gia tộc sẽ thường xuyên giấu đinh, bọn hắn sẽ kết nạp rất nhiều tá điền vào bên trong nhà mình, từ đó sẽ không được tính là một đinh.

- Hiện tại tình hình canh tác của người dân trong xã như thế nào, ta cũng cần biết một chút.

Bá tước đã hỏi đến Nông Mạnh cũng không hề dấu diếm mà nói, đa phần người dân ở đây canh tác bằng nương rẫy bởi những giống lúa cạn, khoai sắn, bình thường người vợ chồng cùng đi làm nương, làm rẫy, còn lúc việc nông giảm bớt người vợ đi chăm sóc nương rẫy, còn chồng sẽ vào các loại củ cũng như săn bắn để cải thiện bữa ăn hoặc đem những đặc sản của rừng núi đó đem xuống miền xuôi để mua gạo, mua muối. Ngoài ra trong xã cũng có một số nhà làm nghề dệt, nghề gốm, thế nhưng cũng chỉ là phụ trợ bên cạnh nghề nông mà thôi, những sản phẩm làm ra chủ yếu là để dùng làm vật đổi vật trong thôn xóm chứ không phải là hàng hoá bán ra, La Hiên cơ hồ tự cung tự cấp còn không nổi chứ đừng nói đến là có đồ dư thừa để buôn bán.

Nguyễn Vô Niệm còn có dự định sẽ khai thác phốt phát tại La Hiên, thế nhưng với trình độ bây giờ hắn không thể nào điều chế ra các loại phốt pho để ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, thứ hắn có thể làm được chỉ là điều chế phân lân nung bằng cách nung quặng với thạch anh cùng chất phụ gia hoá lỏng, làm lạnh nhanh bằng nước có áp lực cao. Nhưng để làm được thứ này cũng đòi hỏi trình độ luyện kim nhất định để tạo ra được những dụng cụ, máy móc đơn giản nhất để có thể sử dụng trong công nghiệp. Hiện giờ Vô Niệm còn chưa làm được đến mức đó. Cái gì cũng phải có một quá trình.

Vô Niệm cũng còn một cách đơn giản hơn chính là nhờ hai tên đầu trâu mặt ngựa giúp đỡ, thế nhưng muốn gặp bọn hắn cũng phải mất ba năm mới được. Vì vậy Vô Niệm phải đi từng bước, trước tiên sử dụng phân bón hữu cơ từ xích phân của con người, động vật trước để cải tạo đất.

Vô Niệm còn chưa hề quên một cái kèo mà hắn đã lập với Lê Khang, trong vòng ba năm phải làm cho La Hiên có thể đóng thuế được cho triều đình, do đó hiện tại hắn phải tiến hành chuẩn bị ngay từ đầu, đặc biệt là phải thu hút dân cư. Vô Niệm hỏi.


- Hiện tại gần đây còn có cộng đồng người nào nữa không?

Nông Mạnh nghĩ một chút liền lắc đầu đáp.

- Bẩm bá tước, đã rất lâu rồi không thấy ai di cư đến, xung quanh cũng không có người nào di cư đến.

Được rồi, Vô Niệm cạn lời, La Hiên quả thực quá khó khăn, đất thì nghèo, dân thì ít, có mỏ tài nguyên thế nhưng bây giờ chưa xài được. Nguyễn Vô Niệm dự kiến sau khi trở về mới bắt đầu chế định một kế hoạch phát triển nơi đây.

Chiều ngày hôm đó Vô Niệm dẫn theo sáu người bắt đầu đi tuần du phía bên ngoài khu vực dân cư của xã, dù đã từng có kiếp làm trong ngành địa chất học, đã từng đi khắp vùng núi phía Bắc cũng như miền Trung, miền Nam đất nước, thế nhưng cảnh vật bây giờ làm sao có thể so sánh với thời kỳ hiện đại, về cơ bản là khác nhau một trời một vực, khắp nơi toàn là rừng núi, Nguyễn Vô Niệm cũng không có ngu đến mức chui vào núi để tìm các mỏ, quá nguy hiểm, hắn lúc này đang tìm khu vực thích hợp để trồng chè.

Khu vực thích hợp để trồng chè không gì khác ngoại trừ các quả đồi thấp có độ dốc từ 0 - 25 độ, để vừa thuận tiện cho canh tác, vừa chống xói mòn. Thái Sung ở sau thì tiến hành vẽ lại bản đồ của La Hiên, đó là nhiệm vụ mà Nguyễn Vô Niệm giao cho hắn. Trong đám người Lê Hốt, Thái Sung có năng lực vẽ bản đồ nhất, không phải là kiểu vẽ bản đồ theo kiểu phóng hoạ trừu tượng bấy giờ mà là vẽ bản đồ chi tiết từ các lính trinh sát, vì vậy bản đồ của Thái Sung vẽ cực kỳ chi tiết, chú thích rõ ràng.

- Nơi đây có thể trồng được đấy.


Nguyễn Vô Niệm nhìn trúng một ngọn đồi độc lập cao chừng hai mươi mét so với mặt đất xung quanh, khu vực này cách nơi dân chúng sinh sống chừng ba cây số về phía Bắc, rừng cây thưa thớt hơn xung quanh, có vẻ như đây là một ngọn đồi được kiến tạo đã lâu, qua thời gian bị bào mòn, nên sườn đồi của ngọn đổi thoai thoải, Vô Niệm nhìn qua ước tính nếu có thể khai phá trồng trọt thì ngọn đồi này có thể trồng được 10 ha, khởi đầu tại La Hiên như thế thì đã là rất tốt rồi.

Dù sao muốn bắt đầu trồng chè ở đây không phải đơn giản, đầu tiên là phải đi kiếm giống chè cái đã. Hiện tại chè tại Đại Việt cũng chỉ có chè tươi và chè khô phới nắng, không có nơi trồng quy mô lớn mà đến từ hai nguồn là của những người dân tộc thiểu số ở vùng Tây Bắc, Thanh Hoá hái đem xuống miền xuôi bán, một số người trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà mình và từ lái buôn của nhà Minh. Tại nhà Minh cũng có trồng chè với quy mô khá lớn, đặc biệt là sự phát triển của trà - mã cổ đạo nối liền Vân Nam - Tứ Xuyên - Tây Tạng, lái buôn người Minh đem trà từ vùng Vân Nam - Tứ Xuyên lên Tây Tạng để trao đổi ngựa với người ở vùng này. Nhờ nguồn lợi mà trà đem lại, người Minh thúc đầy việc sản xuất trà xuất sang các nước khác trong đó có Đại Việt để chiếm lĩnh thị trường, thu lại lợi cho mình. Phải nói rằng so về trình độ kinh thương người Hoa thực sự rất nhạy cảm so với người Việt nhiều lắm. Để bước vào thị trường này Vô Niệm tuyệt đối phải đánh nhau với người Hoa hoặc hắn phải tìm một thị trường khác.

Kết thúc buổi chiều hôm đó Vô Niệm lựa chọn được bốn quả đồi thích hợp để canh tác trên diện tích ước chừng 70 ha, thế nhưng một diện tích lớn như vậy e rằng với dân số La Hiên lại canh tác không nổi. Nguyễn Vô Niệm bắt đầu nghĩ đến việc phải gia tăng dân số nơi đây. Hoặc là phải di chuyển người Kinh từ dưới đồng bằng lên, việc này xem chừng khó bởi dân cư lúc này thưa thớt, ở dưới đồng bằng còn ruộng đất, người Kinh rất ngại đi lên phía trên này khai hoang, như vậy cũng chỉ còn một con đường khác chính là mua nô lệ.

Nô lệ ở Đại Việt cũng có buôn bán, chủ yếu là những người Chăm bị bắt trong các cuộc chiến tranh, điều này rất phổ biến từ thời Lý - Trần, cho đến thời Lê, bọn họ phải phục dịch trong các công trường của triều đình, số lượng nhiều đến mức triều đình phải lập những làng, phường để "an trí tù binh", dần dần bọn họ phát triển thành những cộng đồng Chăm bị Việt hoá. Nhưng hiện tại chiến tranh Việt - Chăm mới lùi xa còn chưa đến mười năm, Đại Việt vẫn còn giữ lại rất nhiều tù binh người Chăm, Vô Niệm dự tính sẽ mua một số tù binh để đưa lên trên này an trí.



Mười vạn năm trước, Kiếp tộc phủ xuống. Cổ Thiên Đình chỉ còn lưu lại di chỉ, Tây Phương Linh Sơn đã sớm đổ nát hoang tàn, Cổ Ma Uyên lùi về trong tĩnh mịch. Hoang Cổ Thánh Vực bị đánh vỡ tan tành, trở thành Tứ Hoang Nhất Hải.
Mười vạn năm sau, Đông Hoang Việt quốc, một gã Chân Nhân cao thủ tuổi già thọ cạn, bỗng nhiên tuyệt địa phùng sinh, quét ngang võ giới.
Mời đọc: