Thiết Huyết Đại Minh

Chương 248-2: Phiền to rồi (2)




Giữa trưa hôm sau, Hoàng Cực điện.

Lý Tự Thành bước nhanh lên bậc thang vàng, sờ sờ lên long ỷ của Sùng Trinh Đế, rồi sau đó xoay người đặt mông ngồi xuống. Ngưu Kim Tinh đi theo Lý Tự Thành tiền vào điện lập tức khẩn trương quỳ rạp xuống trên thềm son, liên tiếp khấu đầu ba cái, hô to vài câu nịnh bợ:

- Thần Ngưu Kim Tinh, khấu kiến Hoàng Thượng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế

- Ha ha ha.

Lý Tự Thành ngửa mặt lên trời cười dài ba tiếng, đắc ý khoát tay, nói:

- Đứng dậy.

Dù sao Lý Tự Thành cũng xuất thân là dịch tốt, không có văn hóa gì, càng không hiểu những lễ nghi mà đám nho sinh hay làm, đương nhiên sẽ không nhớ được Hoàng Đề bảo đại thần đứng dậy là phải hô bình thân. Ngưu Kim Tinh cười trộm trong lòng không ngừng, nhưng trên mặt lại không đám biểu lộ ra, thuận thế đứng dậy tránh sang một bên.

- Con mẹ nó.

Lý Tự Thành sờ sờ vào long ỷ, rồi lại ngẩng đầu ngắm nhìn những họa tiết chạm trổ ở trên đầu:

- Điện Kim Loan này quả thật là lớn.

- Vạn Tuế Gia.

Ngưu Kim Tinh, giọng siểm nịnh, nói:

- Từ nay về sau ngài chính là khai quốc Hoàng Đế của triều Đại Thuận, là quân phụ của vạn dân trong thiên hạ, sau này mỗi ngày đều phải tiếp chầu của bá quan ở Điện kim loan. Tuy nhiên, thần cho rằng việc cấp bách là phải cử hành một buổi lễ đăng cơ long trọng.

- Cái này chưa vội.

Lý Tự Thành lắc đầu nói:

- Tìm được Sùng Trinh chưa?

Ngưu Kim Tinh nói:

- Đã tìm được rồi, đã treo cổ ở trên Môi sơn.

Lý Tự Thành nói:

- Đã chết rồi à?

Ngưu Kim Tinh nói:

-Đã chết ạ!

Chân mày của Lý Tự Thành thoáng chốc cau lại, tuy rằng nói y là người thô tục, không có văn hóa gì, nhưng bất kể là nói như thế nào thì Lý Tự Thành cũng từng là dịch tốt của Đại Minh triều, đã nhận hoàng ân mấy năm. Giờ tuy nói là phải thay đổi triều đại, nhưng Sùng Trinh chết như thế nào cũng không nên chết trong tay Lý Tự Thành y.

Lý Tự Thành vô cùng không tình nguyện gánh lấy cái ô danh hành thích vua này.

Ngẫm nghĩ một hồi, chỉ có một biện pháp có thể vãn hồi sự ảnh hưởng, liền nói với Ngưu Kim Tinh:

- Ngươi phái người mang thi thể của Sùng Trinh và Chu hoàng hậu liệm cùng với nhau, sau đó mang ra ngoài Đông Hoa môn, để các quan lại cũ của cố Minh đến viếng đi, rồi lại căn dặn, đừng làm khó những quan lại cũ đến phúng viếng này.

- Vâng.

Ngưu Kim Tinh cung kính đáp:

- Vạn Tuế thánh minh.

Lý Tự Thành lại nói:

- Ba đứa con trai và hai đứa con gái của Sùng Trinh đã tìm được chưa?

Ngưu Kim Tinh nói:

- Chỉ tìm được con gái nhỏ của Sùng Trinh ở điện Chiêu Hòa, ba người con trai và người con gái lớn còn lại thì không rõ tung tích.

- Tìm, đào sâu ba thước cũng phải tìm cho ra!

Lý Tự Thành nhíu mày trầm giọng nói:

- Đặc biệt là Thái tử Chu Từ Lãng!

Ngưu Kim Tinh nói:

- Bẩm Vạn Tuế, thần sớm đã phái người đi rồi ạ. Sống phái thấy người, chết phải thấy xác.

- Ừm.

Lý Tự Thành gật gật đầu, lại nói:

- Thừa tướng, quốc khố của Hộ bộ Đại Minh và kho nội phủ ti của Tử Cấm Thành đều đã niêm phong rồi à?

Đây mới là chuyện mà Lý Tự Thành quan tâm nhất vào lúc này. Đại quân của y đã mở rộng ra đến gần trăm vạn, lương hưởng mỗi ngày tiêu hao chẳng phải là con số nhỏ. Y vẫn trông cậy vào quốc khố Đại Minh và nhà kho nội phủ ti của Sùng Trinh có thể cung cấp cho y một số lượng tiền lớn. Chiếu theo suy đoán của Lý Tự Thành, kiểu gì cũng có thể lên đến bốn năm trăm vạn lượng bạc.

Ngưu Kim Tinh cúi đầu, thấp giọng đáp:

- Đêm qua đã niêm phong rồi ạ.

Lý Tự Thành từ trên long ỷ đứng dậy, hỏi:

- Có khoảng bao nhiêu bạc?

- Hồi Vạn Tuế.

Ngưu Kim Tinh không dám nhìn thẳng vào ánh mắt của Lý Tự Thành, thấp giọng đáp:

- Không không đến một vạn lượng.

- Ngươi nói cái gì?

Lý Tự Thành quả thật không thể tin vào tai mình, giận dữ nói:

- Không đến một vạn lượng!?

Ngưu Kim Tinh ngẩng đầu cười khổ nói:

- Lúc đầu thần cũng không tin, nhưng sự thật đích xác là như thế.

Lý Tự Thành cau mày nói:

- Sao lại có thể như vậy? Sau lại có thể là như vậy!

Ngưu Kim Tinh thấp giọng nói:

- Bẩm Vạn Tuế, thần có một chủ ý, có thể hỏa giải nỗi lo thiếu thống lương hưởng.

Lý Tự Thành nói:

- Chủ ý gì? Mau nói.

Ngưu Kim Tinh nói:

- Truy gian trợ quân lương! Thần nghe bọn Thái giám cố Minh Vương Đức Hóa nói, quốc khố và nhà kho nội phủ ti của Sùng Trinh đã sớm trống rỗng. Tuy nhiên, hoàng thân quốc thích và các đại quan trong kinh thành người nào người nấy cũng giàu nứt đố đổ vách, sao Vạn Tuế không phái binh bắt đám người đó lại, hỏi bạc của bọn chúng?

- Hay, việc này giao cho Lưu Tông Mẫn đi làm.

Lý Tự Thành không cần nghĩ ngợi đã gật đầu đáp ứng rồi, cướp bóc vẫn mãi là truyền thống "tốt đẹp" của lưu tặc. Áp bức hoàng thân quốc thích và quan lớn huân tước trong kinh, trên tâm lý thì Lý Tự Thành không có chút chướng ngại nào. Đối với những con sâu mọt hút cạn mồ hôi nước mắt của nhân dân, Lý Tự Thành không có cảm tình gì!

Rốt cuộc thì Lý Tự Thành vẫn chỉ là thảo khấu, không có ánh mắt chiến lược, y chỉ nhìn thấy bát canh của mấy con sâu mọt này, nhưng lại không biết những con sâu mọt này quả thật cũng rất là lợi hại. Bởi vì bọn chúng không phải là mấy con, mà là một đại đoàn, y khai đao với sâu mọt ở kinh sư, những con sâu mọt ở ngoài kinh sẽ ai nấy cũng sẽ cảm thấy nguy hiểm, xem Lý Tự Thành là kẻ thù lớn nhất, điều này rất là bất lợi đối với đại nghiệp của Lý Tự Thành!

Lúc đầu ở Giang Nam, Vương Phác không sai nhân mã thủ hạ giả trang thành quân giặc để đi cướp bóc, cái băn khoăn chính là chỗ này!

Dung túng binh cướp đoạt nhà giàu tuy có tiền nhanh, có thể khiến cho Vương Phác gom góp đủ bạc để chiêu mộ tân quân trong quãng thời gian ngắn, nhưng như vậy hậu hoạn cũng rất là nghiêm trọng. Cứ làm như thế, Vương Phác sẽ đối đầu với toàn bộ giai cấp sỹ lâm quan chức. Đương thời, sỹ lâm quan chức chiếm địa vị thống trị, đối nghịch với bọn họ tuyệt đối sẽ không có kết cục tốt.

Cho nên, Vương Phác áp dụng phương pháp mở Ngu Nhạc thành để giải quyết vấn đề thiếu bạc, tận lực tránh để không xung đột trực tiếp với sỹ lâm quan chức.

- Bẩm Vạn Tuế, còn có chuyện không thể không thận trọng.

Ngưu Kim Tinh nói:

- Ngô Tam Quế thủ ở Ninh Viễn, là lá chắn ngăn cản Kiến Nô ở quan ngoại, phải lập tức phái người đi chiêu hàng!

- Ừm.

Lý Tự Thành gật đầu nói:

- Phái người đi chiêu hàng vẫn chưa đủ, còn phải đổi phòng ngự! Sơn Hải Quan và Ninh Viễn vị trí quan trọng, nhất định phải do người của mình nắm trong tay mới được! Như vầy, bảo Lý Quá và Lý Nham không cần phải đến Bắc Kinh nữa, lập tức dẫn binh đi Ninh Viễn thay quân, bảo Ngô Tam Quế suất quân đến Bắc Kinh, tiếp nhận việc thu biên.

Ngưu Kim Tinh nịnh hót:

- Vạn Tuế thánh minh.

Ngoài Triều Dương môn, đại doanh lưu tặc.

Dưới sự vây quanh của mười mấy thân binh, một viên tướng lĩnh của lưu tặc dương dương tự đắc tiến vào đại trướng trung quân của Lý Hổ. Lý Hổ và Kinh Mậu Thành đang nghị sự trong trướng khẩn trương đứng dậy, ôm quyền nói:

- Vị này là

Tướng lĩnh lưu tặc kia chỉ chỉ vào mình, lớn tiếng nói:

- Lão tử Lý Bảo Quốc, Thiên tướng trước trướng của Long Khảm Thượng Tướng Quân!

Lý Hổ và Kinh Mậu Thành bỗng trở nên kính cẩn, Long Khảm Thượng Tướng Quân Lý Song Hỷ là cháu ruột của Lý Tự Thành, luận thân phận luận địa vị cách xa Lý Quá, còn Lý Nham thì càng không tài nào so sánh với y nổi. Thiên tướng trước trướng của Lý Song Hỷ cũng lên mặt với tướng lĩnh nghĩa quân của các doanh khác. Lý Hổ, Kinh Mậu Thành chỉ có thể dùng lễ tham kiến của thuộc hạ.

Lý Bảo Quốc nói:

- Đại vương có lệnh, quân đội của Lý Quá, Lý Nham lập tức xuất phát đi tiếp quản Ninh Viễn, đại doanh ngoại ô Triều Dương Môn hiện tại đã do lão tử tiếp quản.

Nói xong, Lý Bảo Quốc ném tấm lệnh bài cho Lý Hổ.

Lý Hổ tiếp nhận tấm lệnh bài, kín kẽ hỏi:

- Lý tướng quân, trong đại doanh ngoại ô có nhốt mấy phạm nhân quan trọng, chúng ta có thể dẫn theo không?

- Phạm nhân?

Lý Bảo Quốc đảo tròng mắt, còn cho rằng là đám nhà giàu Bắc Kinh Lý Hổ bắt giữ một mình, lập tức dùng giọng điệu đường hoàng:

- Phạm nhân thì để lại! Nào có việc mang theo phạm nhân xuất chinh chứ?

Lý Hổ không còn cách nào đành giận dữ đi ra khỏi trướng, cùng Kinh Mậu Thành điểm nhân mã bản bộ xuất phát về phía Thông Châu hội họp với đại đội nhân mã của Lý Quá, Lý Nham.

Nháy mắt đã qua ba ngày.

Cuộc "vận động" truy gian trợ quân lương do Lưu Tông Mẫn phụ trách đã triển khai dữ dội. Kẻ đầu tiên bị bắt lại tra tấn là Nội các Thủ phụ Chu Diên Nho, Thành Quốc Công Chu Thuần Thần, Quốc trượng Chu Khuê cùng rất nhiều quan viên trong Nội các và các hoàng thân quốc thích. Lão súc sinh Chu Thuần Thần này không thể nào ngờ được, lúc trước y hiến cổng đầu hàng, nhưng bây giờ lại trở thành tù nhân của tặc binh!

Ngược lại đám người Vương Phác vô ý bị Lý Hổ bắt được, lại bị lưu tặc cho là nhà nghèo khó không kiếm chác được, bị ném ở trong phòng giam không ai đả động đến.

Giang Nam ở xa ngoài ngàn dặm rất nhanh sẽ biết tin tức Bắc Kinh đã thất thủ, Sùng Trinh Đế thắt cổ chết.

Trong một thời gian ngắn toàn bộ Nam Kinh đã trở nên hỗn loạn. Quan viên Nam Kinh, lấy nam Kinh Hộ bộ Thượng thư Cao Hoằng Đồ, Binh bộ Thị lang Lữ Đại Khí dẫn đầu, đồng loạt tiến vào hành dinh Nam Kinh Binh bộ, yêu cầu Binh bộ Thượng thư Sử Khả Pháp ra mặt chủ trì đại cục. Bởi vì Nam Kinh Lễ bộ Thượng Thư Hà Hùng đã lâm bệnh qua đời vào nửa năm trước, Sử Khả Pháp trở thành quan viên cao nhất trong quan trường Nam Kinh.

Bắc Kinh rơi vào tay giặc, lưu đô Nam Kinh liền thuận lý thành chương mà trở thành quốc đô của Đại Minh triều. Nam Kinh lục bộ cũng thuận lý thành chương trở thành cơ cấu chức quyền cao nhất của Đại Minh triều. Trên thực tế thì lúc này Sử Khả Pháp đã trở thành quan viên cao nhất của Đại Minh triều. Về phần Tổng đốc Chiết Trực Tôn Truyền Đình, tuy nắm trọng binh trong tay, nhưng xét về phẩm cấp y chẳng qua chỉ là tướng nơi biên cương, vẫn còn kém xa.

Đề tài thảo luận của các quan viên Nam Kinh chỉ có hai.

Thứ nhất là đề bạt một số lượng lớn các quan đã bãi chức tại gia, tỷ như Tiền Khiêm Ích danh sỹ Giang Tả của Nam Kinh, Tiền tả đô Ngự sử Lưu Tông Chu đã cáo lão hồi hương, cùng với nho sinh phục xã có tài hoa do Trương Phổ, Chu Tiểu dẫn đầu đến bổ sung cho Nam Kinh lục bộ cùng với nha môn Khoa đạo Ngự sử, nhanh chóng khiến lưu đô lục bộ và nha môn Khoa đạo Ngự sử sôi nổi.

Cuộc thảo luận không có gì nhiều để nói, ý kiến của quan viên Nam Kinh rất nhanh đã đi đến nhất trí.

Vấn đề thứ hai chính là vấn đề lập tân quân. Cao Hoằng Đồ cho rằng mặc dù Sùng Trinh Đế đã chết, nhưng Thái Tử thì sống chết chưa rõ, trước khi chưa có tin tức xác thực của Thái tử, không thể lập tân quân khác. Còn Lữ Đại Khí thì cho rằng nước không thể một ngày không có vua, phải chọn ra giữa Phúc Vương và Lộ Vương lưu vong Nam Kinh để có một người làm chức Giám quốc.

Ý kiến của hai phái cách biệt rất lớn, ai cũng có lý do của mình, ai cũng có người ủng hộ, cãi nhau tối mài tối mặt.