Nguyên Tứ Nhàn nghe tiếng động, nghiêng đầu qua, thấy y liền cười:
- Tiên sinh đến rồi!
Lục Thời Khanh tránh nhìn thẳng vào nàng, cúi đầu cụp mắt như thường:
- Từ mỗ tham kiến huyện chúa.
Nàng khoát tay ra hiệu không cần đa lễ, xách cái lồng chim gỗ tử đàn viền tơ vàng cho y xem:
- Tiên sinh thấy đẹp không?
Y nhìn, hỏi:
- Huyện chúa hỏi chim hay lồng chim?
Nguyên Tứ Nhàn cười xinh đẹp:
- Xem ra tiên sinh cảm thấy giữa chim và lồng chim có một thứ đẹp và một thứ không đẹp.
- Phải. Từ mỗ cho rằng, lồng chim đẹp, nhưng chim không đẹp.
- Vì sao?
- Vì chim ở trong lồng.
- Tiên sinh quả là người cảm tính. Chim nhốt trong lồng mất đi sức sống, đương nhiên không bằng bên ngoài.
Nguyên Tứ Nhàn mở cửa lồng, nhìn chim họa mi vẫn ngoan ngoãn đứng bên trong:
- Ngài nhìn xem, ở lâu trong lồng, dù ta đồng ý thả, nó cũng không chịu đi.
Lục Thời Khanh nói:
- Phải.
Nàng đưa lồng chim cho tỳ nữ, bảo đem xuống rồi đưa tay ra hiệu y ngồi đối diện bàn cờ:
- Ta không thích nuôi chim, bảo a huynh mua cho một con là muốn xem xem họa mi thông thường có dễ nuôi không.
Lục Thời Khanh như hiểu:
- Huyện chúa đang lấy làm lạ vì sao chim họa mi lần trước lục điện hạ tặng lệnh huynh lại chưa được mấy ngày là chết.
Nàng cười:
- Không gì qua mắt được tiên sinh.
Y giải thích:
- Con chim họa mi kia được huấn luyện đặc thù, có thể dùng tiếng hót để truyền tin. Trước đây lục điện hạ không hoàn toàn tin tưởng lệnh huynh, dù đưa tin tới nhưng cũng hạ độc cho chim, tránh để lại nhược điểm.
Nguyên Tứ Nhàn dường như rất hài lòng với sự thẳng thắn của y, gật đầu:
- Dùng tiếng họa mi truyền tin an toàn hơn vẹt rất nhiều. Sau đó, tiên sinh lại bảo a huynh ta nhắc tới chim này trong thư gửi Điền Nam, cố ý cho thám tử của thánh nhân nhìn thấy, từ đó ngược lại bỏ đi nghi ngờ. Đúng là diệu.
Lục Thời Khanh thoáng im lặng, bắt chước câu trước đó của nàng:
- Không gì qua mắt được huyện chúa.
Nàng cười nhạt, vẫy gọi hai tỳ nữ hầu cờ tới:
- Không nói những thứ này nữa, ta mời tiên sinh tới là muốn xem cờ.
- Huyện chúa muốn xem loại ván cờ nào?
Nàng trầm ngâm một lát, nói:
- Tiên sinh còn nhớ ván cờ năm xưa ở Tầm Dương khiến Hứa lão tiên sinh đại bại chứ? Gia phụ si mê kỳ đạo, từng bỏ nhiều tiền để có được kỳ phổ của trận đó nhưng chỉ toàn gặp bọn bịp bợm giang hồ.
Lục Thời Khanh nói, mang theo ý cười:
- Là chuyện cũ 20 năm trước rồi. Hôm đó, Từ mỗ và Hứa lão tiên sinh tình cờ gặp ở sông Tầm Dương, nhất thời hứng khởi, muốn đấu một trận, nhưng tay không có cờ, đành đấu miệng quyết phân thắng bại. Đương nhiên sẽ không có kỳ phổ lưu lại.
Nguyên Tứ Nhàn chợt hiểu ra:
- Hèn gì.
- Nếu huyện chúa muốn xem, Từ mỗ lại đọc lại một lần là được, nếu lệnh tôn cần, huyện chúa cũng có thể chép lại cho ngài ấy.
- Như vậy sẽ không phá hỏng nguyên tắc của tiên sinh chứ?
Y cười nhạt:
- Từ mỗ không có nguyên tắc gì cả.
Hai tỳ nữ hầu cờ bước lên trước, mỗi người cầm một lọ cờ, hạ một quân đen rồi một quân trắng theo lời đọc của Lục Thời Khanh.
- Lên đông 5 nam 9, đông 5 nam 12, lên tây 8 nam 10, tây 9 nam 10...
Bốn bề yên tĩnh, tiếng người đọc trầm trầm thong thả, tiếng hạ cờ giòn van sảng khoái, Nguyên Tứ Nhàn nghe, cảm thấy lòng ngứa ngáy như bị cọng cỏ phẩy qua. Nàng trông như cụp mắt chống quai hàm, nhưng tâm trí không biết đã phiêu du tới phương nào.
Sông Tầm Dương hẳn là rất đẹp nhỉ, nàng nghĩ.
Có gió xuân phất phơ bờ dương liễu, có thiếu niên lang nhiệt huyết tràn trề, có cụ già râu tóc trắng bạc phơ, và có tuyệt thế kỳ phổ chưa truyền cho hậu thế, chỉ không có những lọc lừa dối trá chốn thành đô, hệt như nàng vô cùng lưu luyến Điền Nam vậy.
Lúc nàng đang thả hồn theo mây gió thì chợt nghe người đối diện gọi:
- Huyện chúa?
Nàng nháy mắt hoàn hồn, thấy ván cờ đã bị phủ kín chi chít, vội vã nói:
- Ta đây.
Lục Thời Khanh dường như không hiểu vẻ khát khao chợt lóe lên nơi đáy mắt nàng, y hỏi:
- Từ mỗ đã hạ cờ đến bước phân thắng bại, huyện chúa có muốn thử giải ván này không?
Nàng không đáp ngay, bảo tỳ nữ hầu cờ và tôi tớ xung quanh đều lui xuống, sau đó hỏi ngược lại:
- Tiên sinh, sơn thủy Tầm Dương có đẹp không?
Lục Thời Khanh thoáng sững sờ, đáp:
- Đẹp.
- Trước đây ngài ở đó, bình thường rảnh rỗi sẽ làm gì?
- Câu cá.
Nguyên Tứ Nhàn cười:
- Vậy vì sao ngài đến Trường An? Cá tôm nơi đây xảo quyệt hơn nơi khác, rất khó câu.
Lục Thời Khanh trầm mặc hồi lâu mới nói:
- Đời đục, thân khó trong. Huyện chúa cho rằng, nếu có một ngày, Trường An núi đổ sông cạn thì Tầm Dương sẽ thế nào?
- Tầm Dương sẽ không còn cá tôm nữa.
Y gật đầu:
- Đây chính là nguyên nhân ta tới.
- Ngài muốn cứu cá tôm Tầm Dương, vì sao lại chọn lục điện hạ?
- Lúc điện hạ tới tìm Từ mỗ, Từ mỗ từng có ba câu hỏi. Câu thứ nhất hỏi ngài vì sao mà tới. Ngài đáp: “Vì thiên hạ”. Câu thứ hai hỏi ngài thiên hạ trong tay thánh nhân, liên quan gì tới một hoàng tử thứ xuất không được sủng ái như ngài. Ngài nói: “Cha thích thuật cầm quyền, nhưng thuật cầm quyền trị được tâm bệnh của cha, không trị được thiên hạ của cha. Ta muốn khiến tứ hải mục nát trở nên rực rỡ, cỏ khô tái sinh, người chí sĩ có thể thi thố tài năng, lê dân bá tánh có thể hưởng phúc, các nước tám phương đều chúc Đại Chu ta phồn thịnh, không dám xâm lăng nửa bước.”
Ánh mắt Nguyên Tứ Nhàn lấp lóe, chớp mắt rất chậm:
- Còn câu thứ ba?
- Từ mỗ hỏi ngài, nếu có ngày có được thiên hạ, ngài lấy gì trị nó? Nếu không phải thuật cầm quyền, thì là loan cung tuấn mã, hay vàng bạc tiền tài lương thực?
- Điện hạ đáp thế nào?
- “Đức hóa dân, nghĩa đãi sĩ, lễ an bang, pháp trị quốc, võ trấn tứ vực, nhân tu thiên hạ.” (1)
(1) Dùng đức cảm hóa dân, dùng nghĩa đối đãi với kẻ sĩ, dùng lễ an định quốc gia, dùng pháp luật để trị quốc, dùng võ lực áp chế bốn phương, dùng nhân đức xây nên thiên hạ.
Nguyên Tứ Nhàn yên lặng một lát, mỉm cười:
- Làm sao tiên sinh biết lời điện hạ nói không phải là lời nói suông?
Lục Thời Khanh hình như cũng cười:
- Bản thân lời nói đã là suông. Từ mỗ dùng tai nghe lời suông, dùng mắt nhìn chuyện thực.
Nàng cong khóe môi, cúi đầu không nói.
Lục Thời Khanh thấy vậy, nhẹ nhàng rũ mắt, chuyển đề tài:
- Huyện chúa còn xem cờ không?
- Đương nhiên.
Ánh mắt nàng quét qua cả bàn cờ một lượt:
- Lúc nãy ngài hỏi ta có muốn thử giải bước phân thắng bại này không... nếu ta giải được thì có thưởng không?
Lục Thời Khanh lập tức sinh ra linh cảm chẳng lành. Nhưng y biết nàng không thể giải thế khó này, vì vậy yên tâm nói:
- Huyện chúa muốn thưởng gì?
- Ta đùa thôi, ngài cho ta xem ván cờ này là ta nên đa tạ ngài mới phải. Mấy ngày nữa, ta và a huynh tổ chức một buổi tiệc nhỏ, ngài có cho vinh hạnh được đón tiếp không?
Y lắc đầu từ chối khéo:
- Chỉ một ván cờ thôi, hà tất làm rùm beng.
- Vậy ta và ngài đánh cược. Nếu ta giải được bước kế tiếp, ngài phải đến dự.
Lục Thời Khanh khựng lại, vẫn không tin nàng có bản lĩnh thông thiên, đưa tay ra hiệu:
- Mời.
Nguyên Tứ Nhàn không nhìn ván cờ nữa, nàng đứng dậy sang bên cạnh cầm bút, chấm mực rồi quay lại bàn, con ngươi đảo một vòng, nàng tô một con cờ trắng thành đen, sau đó cười nhìn Lục Thời Khanh:
- Tiên sinh, ta giải rồi.
Lục Thời Khanh nhìn ván cờ, thoáng nghẹn. Nữ tử vô lại này đúng là...!
...
Nguyên Tứ Nhàn thuận lợi có thêm một cái hẹn với Từ Thiện, sau khi tiễn y đi, nàng gọi Giản Chi, cầm quyển kỳ phổ mới chép xong trong tay nói:
- Có chuyện quan trọng, ngươi thay ta xuôi nam chạy tới Tầm Dương một chuyến, cầm quyển kỳ phổ này ghé thăm Hứa lão tiên sinh, thăm dò ông ấy, nhớ là đừng để bị theo dõi.
Giản Chi vâng lời, hỏi:
- Tiểu nương tử muốn chứng thực thân phận Từ tiên sinh?
Nàng gật đầu, thở dài:
- Nghe nói Từ Tòng Hiền mất phụ mẫu từ nhỏ, không có người thân, nay đã đến tuổi thành niên mà vẫn luôn chưa lập thê thất, người biết nhiều về ông ta e chỉ có người Hứa gia thôi.
Giản Chi thấy sắc mặt nàng mệt mỏi thì quan tâm hỏi:
- Tâm trạng tiểu nương tử không tốt?
Nàng lắc đầu.
Nàng chỉ đang nghĩ những lời ban nãy Từ Thiện nói. Nếu Trịnh Trạc có chí hướng quang minh và lý tưởng trong sạch như vậy thì sao lại làm ra chuyện độc ác bẩn thỉu như qua cầu rút ván, được chim bẻ ná, được cá quên nơm?
Giản Chi thấy nàng không đáp thì khuyên nhủ:
- Nô tỳ không biết Từ tiên sinh nói gì với người, nhưng suy cho cùng, ông ấy trước đây là người nhàn nhã nơi sơn thủy, còn bây giờ là chính khách. Lời chính khách nói, từng chữ từng câu đều đánh vào tâm lý, ý đồ thuyết phục đối phương nhằm mưu lợi cho mình, người đừng bị tình cảm bình thường chi phối mà cả tin.
Nguyên Tứ Nhàn trầm mặc không tỏ ý kiến, lát sau nàng đổi đề tài, hỏi:
- Giản Chi, ta đã mấy ngày không ra ngoài rồi?
- Dạ khoảng 10 ngày ạ.
Nàng cười:
- Dạo này ta ở nhà, không đi quấy nhiễu Lục thị lang, một đúng là diễn cho thánh nhân xem, hai là vì phương pháp lạt mềm buột chặt mà a huynh dạy. Ngươi nói xem mấy ngày nay có đủ cho y nhớ ta không?
- Có câu “một ngày không gặp như cách ba thu”, nô tỳ cảm thấy, hễ tim Lục thị lang không phải làm từ sắt đá thì ít nhiều gì cũng sẽ nhớ người. Ngược lại, nếu người không đi quấy nhiễu ngài ấy nữa sẽ khiến ngài ấy hiểu lầm rằng người biết khó mà lui đấy ạ.
- Cũng đúng.
Nàng gõ gõ bàn, hỏi:
- Ngày mai có buổi triều không?
- Thưa, ngày mai không phải ngày vào triều, nhưng Lục thị lang có lẽ sẽ đi dạy thập tam hoàng tử học văn.
Nguyên Tứ Nhàn cong môi cười:
- Tốt.