Thiếp Định Chàng Rồi Quyết Chẳng Buông

Chương 116: Ngoại truyện 2: Kiếp trước – Lục Thời Khanh (2)




Lòng y căng thẳng nhưng ngoài mặt ngụy trang rất tốt, bị phát hiện cố ý đi theo người ta thì không giấu giếm nữa, thấy đường này vắng vẻ, chỉ có mỗi hai tỳ nữ thân cận của nàng bèn nói:

– Lục mỗ tới tạ ơn huyện chúa về chuyện nhẫn ngọc.

Nhưng Nguyên Tứ Nhàn có vẻ như quên mất mình đã làm gì, nghe y nói tới “nhẫn ngọc” mới sực nhớ ra:

– Ngài đang thay bá tánh biên quan tạ ơn ta à?

Y á khẩu.

Trịnh Trạc và y trui rèn trong chốn triều đường đã quen, lúc nào cũng cân nhắc từng li từng tí, thấy người ta giúp là bắt đầu suy tính đủ thứ bên trong. Kỳ thực nào có nguyên nhân gì phức tạp, y đàm phán thuận lợi thì bá tánh biên quan đỡ khổ, làm chuyện tốt cho bá tánh mà cần lý do sao? Dù không phải y đi đàm phán thì nàng cũng giúp như vậy thôi.

Chỉ tại thân phận nhạy cảm, Nguyên gia quan tâm bá tánh chẳng khác nào cướp bát cơm của lão hoàng đế, bởi vậy nàng không tỏ nỗi lòng lo nước lo dân với người hoàng gia như Thiều Hòa, thay vào đó là mượn cớ “vì Lục thị lang từng giải vây giúp tôi ở Đại Minh cung nên tôi muốn mượn nhẫn ngọc để báo đáp”.

Lúc đó Lục Thời Khanh nghĩ, tuy cuộc hôn nhân này là Trịnh Trạc bị phụ hoàng ép nhưng Lan Thương huyện chúa vừa thông minh nhạy bén vừa biết lo cho bá tánh dân sinh, đúng là có vài phần phong thái mẫu nghi thiên hạ.

Y cảm thấy Trịnh Trạc hời.

Ánh mắt Nguyên Tứ Nhàn càng chân thành, y càng thấy những suy đoán trước đây của mình hẹp hòi thiển cận, lòng lúng túng áy náy, đương nhiên không nói lời đa tạ cá nhân nữa mà chỉ nhẹ nhàng đáp “phải”.

Nguyên Tứ Nhàn nói tiếp:

– Ta lớn lên ở Điền Nam, làm chuyện này là lẽ đương nhiên, ngài không cần đa tạ ta, nếu có thể thì hãy đa tạ công chúa. Hôm ấy, biết nhẫn ngọc có ích cho ngài, công chúa đã tự tay lật tung cả nhà kho lên đấy.

Lục Thời Khanh đã đa tạ Thiều Hòa từ lâu, có điều chỉ nhờ người nhắn lại. Chịu ân mà không bày tỏ thì kỳ cục, nhưng y không có tâm tư về phương diện đó với Thiều Hòa, trong khi Thiều Hòa lại vô cùng cố chấp với y. Nếu y đích thân đến, e nàng ấy sẽ nuôi thêm hi vọng hão huyền, bởi vậy lời đa tạ của y có chút cẩu thả qua loa.

Y tạ ơn Nguyên Tứ Nhàn xong thì thấy nàng hơi tỏ vẻ tiếc nuối:

– Nghe nói công chúa sắp đi Đôn Hoàng.

Y đoán biết nàng đang nghĩ gì. Lần này Thiều Hòa đi, có lẽ sau này không về Trường An nữa, đại khái nàng đang tiếc cho Thiều Hòa không chịu làm một công chúa lá ngọc cành vàng mà đi xa chịu gió chịu cát bởi đau lòng vì một nam nhân.

Lúc đó y và Nguyên Tứ Nhàn chưa thân thiết, lẽ ra không nên nói với nàng những chuyện riêng tư, nhưng y không muốn bất kỳ ai hiểu lầm mối quan hệ giữa mình và Thiều Hòa khiến kinh thành xuất hiện các lời đồn đãi, bèn nói “mỗi người mỗi chí”, ngầm tỏ ý không muốn giữ Thiều Hòa lại, đồng thời phủi sạch cho bản thân.

Nàng hiểu y không có ý gì với Thiều Hòa, bèn xoa dịu:

– Ngài nói phải.

Rồi nói tiếp:

– Nếu ngài không có việc gì khác, vậy tôi đi đây.

Y gật đầu, bình thản từ biệt nàng, vừa quay đầu liền thấy Trịnh Trạc sải bước lướt qua vai đuổi theo Nguyên Tứ Nhàn:

– Ta xong việc rồi, để ta đưa nàng về.

Ban nãy nhằm tạo cho y cơ hội trực tiếp tạ ơn, có lẽ Trịnh Trạc đã nói với Nguyên Tứ Nhàn là mình “bận việc nên không thể đưa nàng về”, chờ y tạ ơn xong, hắn mới cố ý quay lại.

Y hơi bất ngờ. So với y, tính tình Trịnh Trạc cởi mở hơn, đối đãi với người khác cũng ôn hòa hơn, trong tiệc lưu thương, hắn trò chuyện với Nguyên Tứ Nhàn bằng phong độ quân tử lịch thiệp phải phép giống như khi trò chuyện với bằng hữu thông thường, bởi vậy y không thấy có gì đặc biệt. Nhưng bây giờ thì khác.

Để tâm đến mức này không phải là phong độ quân tử bình thường, cũng không phải đơn thuần vì củng cố quan hệ với Nguyên gia.

Nguyên Tứ Nhàn cũng hơi kinh ngạc hỏi Trịnh Trạc:

– Nhanh vậy? Ngài cứ bận việc của ngài tiếp đi, tự ta về được mà.

Trịnh Trạc đáp không sao, vừa hay hắn đi ra ngoài cho thông thoáng tí, thế rồi hắn và nàng cùng sánh bước, khoảng cách giữa hai người là một cánh tay.

Sở dĩ Lục Thời Khanh ấn tượng mạnh cảnh này vì lúc đó y cười nghĩ đen tối rằng tiểu tử Trịnh Trạc cẩn thận đến thế, xem ra vẫn trong trạng thái bị vợ bơ.

Kể từ sau lần đó, cứ bàn xong chính sự với Trịnh Trạc là y sẽ hỏi tình hình giữa hắn và Nguyên Tứ Nhàn, đơn thuần vì muốn cười trên nỗi đau người khác khi thấy huynh đệ thân thiết phải ngậm đắng nuốt cay trên hành trình cua vợ.

Lần nào Trịnh Trạc cũng mắng y lo chuyện bao đồng, mãi đến một lần nọ sau yến tiệc trong cung, hắn chủ động tìm y bàn luận chuyện này.

Hắn nói, ngay từ đầu Nguyên Tứ Nhàn đã biết hắn không phải thật lòng cầu hôn, bởi vậy từ đầu đến cuối nàng luôn giữ khoảng cách, dù sau này thân thiết, nàng thường xuyên tán gẫu cười đùa với hắn, thậm chí còn phát hiện hai người có chung sở thích chơi ngũ mộc, thế nhưng chút khoảng cách ấy chưa bao giờ biến mất.

Hắn cau mày hỏi:

– Tử Chú, ngươi nói xem ta phải làm sao mới tốt đây?

Thấy Trịnh Trạc rầu rĩ thật, Lục Thời Khanh không cà khịa nữa mà nghiêm mặt hỏi:

– Ngươi thật lòng?

Trịnh Trạc không say, đáp phải, hắn nói ban đầu hắn nghĩ tuy cưới nàng vì mục đích chính trị nhưng chắc chắn hắn sẽ không phụ bạc nàng, sẽ đối đãi tốt để bù đắp cho nàng, sẽ tôn trọng nàng hết mực. Song, khi hắn nhận ra mình bị một tiểu nha đầu nhìn thấu, hắn luôn có cảm giác bị khinh thường. Sau đó nữa, hắn khó chịu khi nhìn nàng tuy cười nói dịu dàng nhưng lúc nào cũng giữ khoảng cách với hắn.

Lục Thời Khanh nghĩ, được lắm, tiểu tử này đầu gỗ khai thông rồi. Nhưng y là kẻ độc thân, ngay cả vị hôn thê còn chưa có, hoàn toàn không có kinh nghiệm, nhất thời cũng không đưa ra được đề xuất nào cụ thể.

Nhưng điểm mấu chốt thì y vẫn nhìn rõ, bèn nói với Trịnh Trạc:

– Từ giờ trở đi, ngươi thật lòng đối đãi với nàng cũng không muộn. Còn về biện pháp đắc nhân tâm thì trăm khoanh vẫn quanh một đốm là chiều theo sở thích thôi, ngươi hiểu không?

Suy nghĩ của y lúc đó rất đơn giản, mấy lời kiểu “kẻ làm việc lớn phải tuyệt tình, từ bỏ yêu đương” chỉ là thứ trong thoại bản chứ chưa hẳn đúng ngoài đời, Trịnh Trạc không có xung đột lợi ích với Nguyên gia, ngại gì không yêu đương chứ?

Đời đâu chỉ mỗi chuyện tranh đoạt ngai vàng, chỉ cần biết chừng biết mực là được.

Trịnh Trạc được y ủng hộ liền mạnh tay thực hiện, từ đó thám tử dưới trướng có thêm nhiệm vụ: nghe ngóng xem Lan Thương huyện chúa thích ăn gì, thích xem gì, thậm chí còn moi thùng nước cặn của Nguyên gia để theo dõi sự thay đổi thực đơn hàng ngày trong phủ.

Lục Thời Khanh đùa nói hắn làm quá, dùng thuộc hạ như dao mổ trâu giết gà. Do y là cấp trên trực tiếp của các thám tử nên tin tức luôn đến chỗ y trước, y muốn giúp một tay, thế là cũng xem lướt qua rồi dựa vào đó mà mưu tính cho Trịnh Trạc.

Tuy y không hiểu chuyện yêu đương nam nữ nhưng điều đó không trở ngại đến trí thông minh của y, y chỉ cần nhìn đông là có thể đoán được nam tây bắc, điều thám tử không nghe ngóng được, y có thể từ một suy ba, chờ chỉnh lý xong thì kết quả đưa đến tay Trịnh Trạc chính là Quỳ Hoa Bảo Điển sống.

Trịnh Trạc cũng không bày đặt đa tạ, phụ tá của hắn mà, huynh đệ kết bái mà, dùng như thế chẳng có gì sai, hắn cứ xem bảo điển, dắt Nguyên Tứ Nhàn đi du sơn ngoạn thủy, ăn ngon mặc đẹp là được.

Mấy tháng sau, Lục Thời Khanh hỏi thăm tiến triển thế nào.

Trịnh Trạc đáp tốt lắm, dù sao hắn phơi hết ruột gan cho nàng xem, khúc mắc coi như được giải, hai người có thể thành tâm đối đãi với nhau, ngẫu hứng sẽ cười đùa, rảnh rỗi sẽ chơi bài bạc, nghiêm túc sẽ bàn chuyện triều đình, tán gẫu chuyện trên trời dưới đất hoặc bá tánh muôn dân.

Nghĩa là, bất kể Nguyên Tứ Nhàn có rung động hay không, dù sao cũng đủ để nàng xem Trịnh Trạc là bằng hữu.

Nghe xong, y hỏi Trịnh Trạc:

– Nói vậy, mấy mớ lộn xộn trong triều ngươi cũng kể nàng nghe ráo trọi?

Trịnh Trạc đáp phải, còn bổ sung:

– Nàng thông minh được việc lắm, ngươi nhớ vụ án Hình bộ mấy ngày trước không, vốn dĩ hôm đó ta đã định tấu lên nhưng bị nàng ngăn cản.

Lục Thời Khanh buồn cười:

– Làm ta cứ tưởng ngươi thông minh đột xuất.

Trịnh Trạc thở dài như cảm khái đầu óc mình thua xa y và Nguyên Tứ Nhàn, cuối cùng nói:

– Kỳ thực, chúng ta có thể cho nàng cùng tham gia bàn luận, suy nghĩ của nàng hợp với ngươi lắm đấy.

Lục Thời Khanh bảo khỏi, y không bàn quốc sự với một tiểu nha đầu.

Sau đó có lần Bình vương gây bất lợi cho Nguyên gia, Trịnh Trạc vẫn đưa Nguyên Tứ Nhàn đến Từ trạch cùng thương nghị.

Lục Thời Khanh phải phí công cải trang thành lão sư. Dù sao thân phận của y là chuyện cơ mật, Trịnh Trạc có thể kể về bản thân cho Nguyên Tứ Nhàn nghe nhưng không dám tự ý tiết lộ chuyện của y, bởi vậy nàng chưa biết.

Hôm đó gặp Nguyên Tứ Nhàn, Lục Thời Khanh buột miệng chào:

– Tôi thường nghe điện hạ kể về huyện chúa.

Không ngờ nàng cười hỏi:

– Huynh ấy kể gì về ta?

Y á khẩu, ủa đó chỉ là câu khách sáo mà, nàng tích cực chi vậy, thế là y đành đâm lao theo lao, bịa một từ:

– Thông minh sắc sảo.

Nàng thốt lên kinh ngạc rồi nghiêng đầu nói với Trịnh Trạc:

– Huynh khen ta thế à?

Lục Thời Khanh cảm thấy rất tốt, mấy tháng trước còn gọi Trịnh Trạc là “ngài” mà giờ đổi thành “huynh” rồi, quả nhiên quan hệ thân thiết hơn nhiều, không uổng công y. Kế đó, Nguyên Tứ Nhàn lại nhìn sang:

– Điện hạ cũng thường kể với ta về tiên sinh.

Y nhìn Trịnh Trạc, cố ý hỏi:

– Ngài ấy kể gì về tôi?

Nàng cười gian xảo, đáp không rõ thật giả:

– Thông minh sắc sảo.

Rồi cũng nhìn Trịnh Trạc, bộ dạng cà khịa giữa bằng hữu với nhau:

– Ồ, nói vậy là huynh chỉ biết mỗi từ này à?

Trịnh Trạc không phục:

– Ai bảo chứ?

Nói xong mới thấy hình như mình giải thích sai trọng điểm, bèn bổ sung:

– Đợi đã, ta khen y hồi nào?

Ba người tán gẫu xong thì bàn tới quốc sự, liên quan tới chuyện này mà quãng thời gian sau đó họ phải qua lại mấy lần, cũng vào lúc ấy, Lục Thời Khanh mới hơi quen thân với Nguyên Tứ Nhàn qua thân phận lão sư, và nhận thấy đúng như Trịnh Trạc nói, suy nghĩ của y và nàng luôn rất hợp nhau. Nhưng y vốn không phải người chủ động nên chưa bao giờ thể hiện điều đó, dù quan niệm hợp rơ.

Y đoán Nguyên Tứ Nhàn cũng có cảm giác tương tự, và nàng cũng không thể hiện, có lẽ vì vị hôn phu Trịnh Trạc sờ sờ ra đấy nên không tiện nói quá nhiều với y.

Lúc đó Trịnh Trạc còn hỏi y, như vậy có phải là tiểu nương tử người ta rất để tâm đến cảm nhận của hắn không.

Y đáp có lẽ thế, hoặc chỉ đơn thuần là nàng tuân thủ đúng lễ nghi quy củ mà thôi, rồi y nói:

– Ta đâu phải nàng, ngươi hỏi thẳng nàng phứt đi.

Sau khi chuyện này được giải quyết, có một dạo y không gặp Nguyên Tứ Nhàn nữa, lần gặp nhau kế tiếp không liên quan đến quốc gia đại sự nghiêm túc gì mà là nàng nhờ Trịnh Trạc hỏi y, rằng nàng ngưỡng mộ đại danh y đã lâu, rất muốn xem y chơi một ván cờ.

Trịnh Trạc dại gái, nàng nói gì đều nghe nấy.

Nhưng y thầm nhủ chuyện này ắt có gian trá, e là do y luôn đeo mặt nạ nên khiến nàng nghi ngờ thân phận, hoặc do Trịnh Trạc bị mỹ sắc làm u mê, vô tình để lộ chân tướng khiến nàng muốn xác nhận lại.

Quả nhiên, hôm đó mọi người cùng dùng bữa tối ở Từ trạch, Nguyên Tứ Nhàn uống một ly rượu liền giả say, chỉ một ngôi sao trên trời cho Trịnh Trạc xem rồi thuận thế huơ tay về phía mặt nạ Lục Thời Khanh, kế đó quay đầu lúng túng nhìn y.

Y nghĩ may mà mình có chuẩn bị trước, non nửa gương mặt bị lộ ra xấu đến mức chính y cũng chê bai ghét bỏ.

Gương mặt y dán một lớp da sẫm nom xa như giòi bám, vả lại chỉ lộ non nửa mặt nên không thể nhìn ra tướng mạo, ngay cả Trịnh Trạc cũng kinh hãi đơ người chứ đừng nói chi ai, Nguyên Tứ Nhàn bị dọa không thốt nên lời.

Y giải thích dối là trước đây bị Bình vương ám sát nên đã dùng nhiều thảo dược hiếm lạ để cứu mạng, kết quả để lại sẹo trên mặt như thế đấy.

Chắc Trịnh Trạc đã phục diễn xuất của y sát đất, nhưng Nguyên Tứ Nhàn áy náy, xin lỗi y rất nhiều, nói ban nãy mình không cố ý, đồng thời hỏi y có muốn tìm thuốc chữa không, nàng có thể giúp liên hệ vài danh gia y thuật ở Điền Nam.

Y đáp không cần, còn nháy mắt với Trịnh Trạc.

Trịnh Trạc nhìn trời, thấy đúng là đã muộn, bèn vội đưa nàng về phường Thắng Nghiệp.

Lúc đó Lục Thời Khanh cảm thấy mình hi sinh nhiều đến vậy, hẳn là đã khỏe thân, nào ngờ vào ngày hưu mộc mấy ngày sau, sau bữa trưa ở phủ, y đi tắm để khử mùi thịt dê bám lên người, còn chưa mặc y phục xong xuôi thì nghe gian ngoài truyền đến tiếng gõ cửa mật đạo ba dài hai ngắn đúng như giao hẹn giữa y và Trịnh Trạc.

Y nghĩ hẳn là có việc chi đó gấp nên mới mặc mỗi quần lót đã đi mở cơ quan, nào ngờ người bên kia cánh cửa là Nguyên Tứ Nhàn với vẻ mặt đang đi thám hiểm.

Hai bên cùng sững sờ.

Y bàng hoàng đến mức quên mất mình chưa mặc y phục.

Nguyên Tứ Nhàn cũng bàng hoàng đến mức quên mất y chưa mặc y phục.

Bốn mắt nhìn nhau, sét đánh giữa trời quang.

Y quay phắt đầu tìm y phục, lúc xoay người thì thấy nàng che mắt, nhanh chân nhảy xuống thềm đá định chạy về đầu kia mật đạo.

Đúng lúc đó, chuyện ngoài ý muốn xảy ra: một vật vừa to vừa đen phóng ra từ cửa mật đạo – con chó của Nguyên gia.

Y sợ đến mức cầm y phục run run không mặc được, chỉ có thể che bừa lên ngực.

Nguyên Tứ Nhàn thấy mình đi vào mà chó đi ra, bèn quay lại bắt chó.

Nhưng chuyện ngoài ý muốn lại xảy ra tiếp: có tiếng gõ cửa phòng từ bên ngoài, và giọng mẹ y vang lên:

– Con trai, mẹ mang mấy bộ y phục mùa thu đến cho con chọn đây.

Y kinh hãi vội nói:

– Mẹ đợi con một lát.

Rồi quay đầu nhìn Nguyên Tứ Nhàn đang bắt chó.

Con chó đen ấy vừa vào phòng là như thỏ điên, nàng nóng ruột không bắt được, đuổi theo nó đến chỗ giường y. Nó chui xuống gầm giường cứ như ở đó có đồ ăn, nàng rạp cả người xuống đất, thò tay vào bắt, nhưng làm sao cũng không bắt được.

Da đầu y tê rần nhưng vì sợ chó nên không dám giúp nàng, dường như mẹ bắt đầu nghi ngờ, ra sức thúc giục, y đành vào phòng chỉ xuống gầm giường, đưa mắt ra hiệu: không kịp giải thích, cô cũng vào luôn đi.