Triệu Ngọc đang chuẩn bị gật đầu đồng ý thì Âu Dương lại lắc đầu nguầy nguậy:
"Không được, người này trong đợt võ cử đã hào phóng mà trao quyền chỉ huy của mình cho người khác, rất nhiều người, trong đó có vi thần đều cho rằng người này có khí phách, nhưng sau đó theo lời Lý Dật Phong nói thần mới biết. Lưu tướng quân tuy là tướng tài nhưng lại sợ phiền phức. Hắn nói Lưu tướng quân không phải là hào phóng mà là trốn tránh trách nhiệm. Cho dù có đánh thua cũng là cho sai lầm trong chỉ huy của người khác. Cho nên thần cảm thấy người này không thích hợp."
Trương Huyền Minh trầm tư một lúc rồi hỏi lại:
"Lẽ nào điều cả hai vị tướng quân Lưu - Hàn sao?"
Hai người này đều tài giỏi ngang nhau a.
Âu Dương đề nghị:
"Con đường tơ lụa là vô cùng quan trọng, hay là thế này. Năm sau không phải lại mở tiếp khoa thi tiến sĩ sao? Dù sao bây giờ cứ tạm thời để cho thủy quân tự ý phân thuyền, cuối cùng sẽ chọn ra một vị tướng đến thống lĩnh."
"Trẫm cũng cảm thấy Lưu Quang Thế có chút không thích hợp. Đồng Quán có nói với trẫm rằng, trong bốn người năm đó, Lưu Quang Thế thích hợp để dùng khi trận chiến đang trên đà thắng lợi nhất, Trương Tuấn thích hợp để dùng trong tình thế quân binh đại bại nhất, Hàn Thế Trung thích hợp để công thành trong tình hình chiến đấu gian khổ nhất, và Lưu Hạo thích hợp trong đánh vận động nhất. Mà trong bốn người này, duy chỉ có Lưu Quang Thế chẳng những không có tài làm việc độc lập, mà còn có điểm sợ chết."
Triệu Ngọc nói:
"Thế này đi, quốc khố cũng có chút dư giả, việc đặt mua chiến thuyền do Xu Mật Viện đảm trách. Nhưng không cần làm cho trẫm mấy cái chiến thuyền đánh cá gì gì đấy. Khuôn mẫu thiết kế của những chiến thuyền lần này cũng không cần phải cho trẫm xem, mà sẽ do Âu Dương khanh phê duyệt."
Triệu Ngọc hiểu rất rõ, việc này ngoài Âu Dương ra thì chẳng còn ai thích hợp hơn. Thủ hạ của Âu Dương là người có tài, bản thân hắn cũng là kẻ có năng lực, vừa bắt tay vào nghiên cứu thì đã biết là tốt hay xấu. Hơn nữa hắn không hề có cảm giác với tiền, cũng sẽ không bị người ta mua chuộc. Hắn chỉ có một khuyết điểm duy nhất là không có cảm giác với tiền, nhất là tiền của người khác. Triệu Ngọc vừa mở lời đã có chút hối hận, hình ảnh tên tiểu tử này vì lụn bại mà khóc ở Tần Phượng là hiện thực hết sức tàn khốc, hắn tuyệt đối sẽ không vì mình mà để lại dù chỉ một đồng.
Âu Dương chắp tay nói:
"Xin Bệ hạ yên tâm, thuộc hạ của vi thần có một viện thiết kế, nghiên cứu rất kỹ về việc đo vẽ bản đồ. Đến lúc đó sẽ đưa ra hàng loạt các số liệu, ví dụ như lưu lượng và tải trọng, chiều cao nhất, chiều thấp nhất của thuyền, độ kiên cố ..v..v đều sẽ có một tiêu chuẩn thống nhất. Trương đại nhân, tiền không phải là vấn đề, chỉ cần có tiền là được."
Quả không ngoài dự đoán mà. Triệu Ngọc đang cân nhắc xem có nên cử thêm một người của Hộ Bộ đến Dương Bình để phụ trách việc trông coi tiền dân không. Sổ sách về tiền dân của Dương Bình bị tố cáo là mơ hồ không rõ không phải chỉ là chuyện một hai lần mà đã không dưới mười lần rồi. Nhưng bên trong lại quá phức tạp, không có một quan viên nào nguyện ý đến điều tra rõ ràng cả. Đến cả Tông Trạch mà cũng phải bó tay chịu trói, bại trận trở về, huống hồ là người khác chứ. Vả lại bản thân Âu Dương cũng chẳng tiêu pha gì quá xa xỉ, việc này tiếng sấm không lớn, hạt mưa cũng không lớn, chưa đầy mấy ngày người ta sẽ quên sạch. Triệu Ngọc ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
"Âu Dương, cũng gần tới tết rồi, khanh cũng gần một năm nay chưa trở lại Dương Bình, trẫm nghĩ thôi thì việc ứng phó với sứ giả Kim - Liêu cứ để cho Trương Huyền Minh và Lễ Bộ phụ trách, mai khanh có thể rời kinh được rồi."
"Tạ ơn Bệ hạ!"
Âu Dương vô cùng mừng rỡ, cuối cùng cũng được tự do rồi.
"Không còn chuyện gì nữa, hai khanh lui xuống đi."
"Vâng!"
.....
Ngày hôm sau Âu Dương cùng với tám tên nha dịch trở về Dương Bình, tám tên này đều là người do Triển Minh cử đến để bảo vệ cho hắn. Bảo vệ người khác là oai phong, còn Âu Dương thì lại là chuyện bắt buộc phải làm. Đến cả Triệu Ngọc cũng cho rằng người Kim quốc có khả năng sẽ ám sát Âu Dương thêm một lần nữa. Cho nên Âu Dương và Hoàn Nhan Lan chưa gặp mặt dù chỉ một lần thì đã xa cách rồi.
Bước vào Dương Bình, không khí vẫn náo nhiệt như trước, bách tính vừa thấy Âu Dương thì vội cả kinh, sau đó mới chắp tay nói lời mừng rỡ, cái gì mà quý nhân tự có trời bảo vệ v..v.. Âu Dương cũng xuống ngựa và khách sáo bước vào. Nhưng mới đi được mười mét, sắc mặt Âu Dương bỗng trầm xuống hẳn, hắn đến trước mặt của một hiệu buôn đang bày la liệt các loại vật phẩm, nhấc một đôi giày lên và xem thử, lại nhìn dưới đáy của nó, quả nhiên là có con dấu của nhà máy giày - dép trứ danh, nổi tiếng thứ hai ở Dương Bình. Tiểu nhị vừa thấy Âu Dương tự ý xông vào tiệm của mình, sớm đã thông báo cho ông chủ. Ông chủ vội chạy ra đón tiếp và không ngừng giải thích:
"Âu.... Âu đại nhân, đây chỉ là hàng mẫu mà thôi."
"Phạt năm trăm quan tiền, có chịu hay không?"
Âu Dương hỏi.
Chủ hiệu vội đáp:
"Chịu, tất nhiên là chịu."
Âu Dương xoay người nói với tám tên nha dịch:
"Là lá gan của họ quá lớn, hay là do gan của các ngươi quá nhỏ hả?"
Một nha dịch khá lớn tuổi nói:
"Đại nhân, việc này không thể trách đám huynh đệ được, cũng không thể trách chủ hiệu. Đây là nhà máy giày - dép làm ra theo thủ dụ của Thái Thượng Hoàng. Các chủ chợ vốn không đồng ý nhận hàng, nhưng Thái Thượng Hoàng là ai kia chứ, nên cuối cùng chỉ còn cách nhận lời. Sau đó có nhiều người thấy những đôi giày này có mẫu mã khá đẹp, nên đã đặt cho các chợ giày, giá cả xuất xưởng cũng rất cao. Ở các chợ giày người ta cũng có cổ phần, có tiền mà không chịu kiếm thì khác nào kẻ ngốc chứ. Vả lại, chỉ cần mặt hàng này được đưa đến Đông Kinh thì sẽ được tiêu thụ ngay."
"Uhm".
Âu Dương gật đầu, đôi giày này gọi là giày nhỏ, làm bằng da, có màu đỏ, khá tinh xảo và đẹp đẽ, thích hợp cho những đứa trẻ chừng mười tuổi trở lại và những người muốn bó chân.* Lúc trước Âu Dương đã ra lệnh rất rõ ràng là cấm sản xuất loại giày này, đồng thời còn yêu cầu hiệp hội thương nghiệp Dương Bình cho các gia đình thương nhân ghi tên đồng ý cấm sản xuất và tiêu thụ loại giày trên. Do sự lũng đoạn hàng hóa, dẫn đến những người phụ nữ có chân nhỏ không có giày nhỏ để đi, chỉ có thể đi giày của trẻ con, hoặc là nhét bông vào giày, hoặc là tự mình tạo ra giày cho mình đi. Pháp lệnh này của Âu Dương cũng dẫn đến việc rất nhiều phụ nữ phải bỏ chân bó. Âu Dương nói:
"Ngươi dẫn theo người đến các chợ giày - dép, đem toàn bộ loại giày này thiêu hủy hết cho ta. Ghi tên các chủ chợ đang tiêu thụ mặt hàng này vào danh sách đen của ngân hàng tư nhân Dương Bình, nội trong hai năm không được phép vay bất kì khoản tiền nào, các cổ đông không được tham gia bất kỳ cuộc cạnh tranh nào, với những thương nhân không thuộc Dương Bình sẽ tăng thêm năm phần thuế. Chủ hiệu thì chỉ cần phạt một khoản tiền là xong, còn ngươi, ngươi phụ trách bảo các hiệu giày giao nộp toàn bộ loại giày nhỏ này."
*Bó chân: tục phụ nữ bó chân từ thời bé của người Hán thời xưa, làm cho chân người phụ nữ biến dạng, bé lại.
Chủ hiệu lau mồ hôi và nói không ngớt:
"Vâng, vâng."
Hắn không hiểu vì sao lại không thể bán những loại giày này, nhưng nếu Âu Dương đã nói như vậy thì chỉ có thể không bán nữa mà thôi. Chính sách này còn có mấy điều kiện đi kèm, ví dụ như vì những nữ tử bó chân không thể tham gia lao động bình thường được, về nguyên tắc không ưu tiên tuyển dụng. Nữ tử bó chân cũng không được hưởng các khoản trợ cấp sinh sản, không được hưởng các phúc lợi khuyết tật, không được hưởng các bảo đảm bậc thấp, v..v.... Hiệu quả của các điều lệnh này rất tốt, nữ tử của thời đại mới hiện nay đều đã từ bỏ việc bó chân. Cũng có không ít quan địa phương cho rằng, sức lao động của các nữ tử bó chân gặp rất nhiều hạn chế, cũng học pháp lệnh công khai hoạt động của Dương Bình. Vì chuyện này mà Âu Dương lại bị hạch tội. Nhưng tấu chưa kịp dâng lên thì đã bị phủ Nội Các phủ định rồi. Quan địa phương có quyền hạn nhất định trong việc công bố pháp lệnh ở địa phương, chỉ cần qua cửa xét duyệt của châu lị là xong. Dù sao họ cũng thấy rất rõ, Triệu Ngọc Hoàng Đế cũng không bó chân.