(Phong vũ đồng chu = cùng thuyền trong cơn mưa bão)
Mặt không đổi sắc, Hoàng Dung cất tiếng hỏi:
- Đang ở đâu?.
Liễu Như Lãng một bụng đầy rượu, mặt mày đỏ ửng, lưỡi líu lại, gã đưa tay chỉ, miệng nói:
- Phía đó có một hòn đảo nhỏ, đi thuyền hướng đông nam chừng nửa giờ, sẽ thấy.
Hoàng Dung mừng rơn, bà đứng dậy, bảo:
- Ngươi bây giờ tỉnh ngộ, xem ra cũng chưa trễ, đây là chuyện giúp phục vụ cho dân, cho nước của một hảo hán tử!
- Hảo hán với chẳng hảo hán ... làm quái gì! Ta cóc cần! - Liễu Như Lãng lè nhè, khoa tay nói - Ta chỉ cần Lâm muội muội của ta trở về với ta!
Gã chợt đập bàn, đưa tay chỉ vào Hoàng Dung, bảo:
- Bà chớ có làm khó dễ Lâm muội cuả ta, nếu không, ta đem hết tánh mạng ra đối chọi bà liền!
- Tiểu tử, ăn nói lăng nhăng, thái thậm vô lễ! - thanh bào khách ngồi bên Hoàng Dung bỗng vung tay, chiếc đũa bay vù ra, nhắm vào Liễu Như Lãng kích tới. Là đại hành gia nghề ám khí, Liễu Như Lãng nghe tiếng gió nhận ra đường bay của vật, y bất giác giật mình, né nhanh người sang một bên, nghe vù một tiếng, chiếc đũa bay sượt ngang người, xuyên qua vạt áo, bay đến găm phập một tiếng vào ngay giữa hai mắt của mỹ nhân vẽ trong tấm tranh treo trên tường phia bên kia, chỉ còn thấy ló ra phần cuối của chiếc đũa. Thanh bào khách dường như chỉ có ý muốn doạ dẫm y, chứ dựa vào lực đạo cùng chuẩn xác của ông, Liễu Như Lãng giỏi lắm là tránh không bị phạm vào yếu huyệt, chớ dễ gì thoát khỏi bị kích trúng!.
- Ông là Đông Tà Hoàng Dược Sư! - Liễu Như Lãng buột miệng kêu lên, lập tức ra khỏi cơn say. Y từng nghe sư phụ bảo, ngón Đạn Chỉ thần công của Đông Tà là môn ám khí đạt cảnh giới tối cao trong nghề, khi nhận ra thủ pháp, y biết ngay đã chạm trán Đào Hoa đảo chủ Hoàng Dược Sư .
Thanh bào khách nhè nhẹ gật đầu, nói:
- Tiểu tử thân thủ khá lắm, nhãn lực cũng không tồi, cái trò phóng lãng bất cần đời cũng hạp nhãn ta không ít, sư thừa ngươi đang ở đâu?
Liễu Như Lãng chắp tay vái Hoàng Dược Sư, đáp:
- Xin tha lỗi, vãn bối chẳng thể nói ra, gia sư từng buộc đệ tử lập trọng thệ, không tiết lộ thân phận sư tôn!.
Hoàng Dung cười cười:
- Cha, cha đã bắt đầu để ý ghé mắt đến người thiên hạ rồi à? Liễu công tử vốn giòng dõi thế gia Giang Nam, tổ tông làm quan, sau bỏ quan trường xoay ra đi buôn, trở thành một nhà cự phú đất Giang Nam, gã đúng con nhà thư hương, một phong lưu nhân vật. Chỉ tiếc ngoại tôn nữ của cha còn bé quá, lão nhân gia khó lòng tuyển gã làm tôn nữ tế.
Liễu Như Lãng chụp chén rượu, cười ha hả,
- Bé nhỏ cũng không sao, vãn bối sẵn lòng chờ cô ấy lớn lên thêm chút nữa, năm nay vãn bối cũng chưa già lắm!
- Liễu công tử đúng là con nhà phong lưu, tiếc rằng gốc gác nhà họ Liễu ở Giang Nam, bọn ta sợ với không tới!
Hoàng Dung nói xong, bà đứng lên, đến trước Hoàng Dược Sư, thưa:
- Cha à, tên đại tướng quân Mông Cổ đó đang ở gần đây, mình đến bắt quách nó đi cho rồi, để lâu, đêm dài lắm mộng!
- Ờ!
Hoàng Dược Sư đứng dậy, theo Hoàng Dung ra ngoài, khi đi ngang qua bàn Liễu Như Lãng, tay trái ông chợt nhắm vào lưng gã vỗ ra một chưởng. Một chiêu "Lạc Anh thần chưởng" đó tự tay Hoàng Dược Sư đánh ra, những nhân vật tầm thường võ lâm căn bản vô phương né tránh. Chỉ thấy Liễu Như Lãng nhẹ nhàng vặn người, hữu chưởng xoay xuống dưới, dụng ý tiếp chưởng của Hoàng Dược Sư. Hoàng Dược Sư hốt nhiên rụt tay lại, cười ha hả, nói:
- Giỏi! Gan dạ và nhạy bén!
Nói đến đấy, hai cha con bước chân đã phơi phới ra đến ngoài cửa tửu lâu, ông ngoảnh lại, bảo:
- Cho ta gửi lời hỏi thăm đến sư phụ ngươi, xa nhau đã mười năm rồi, không dè bà ấy có đồ đệ lớn và tài giỏi như vậy!
- Xin tiền bối dừng bước !
Liễu Như Lãng câu nói chưa dứt, đã thấy thanh bào khách phe phẩy tay áo rộng, đi ra xa ngoài trăm trượng!.
Lại nói Lâm Yên Bích mất nửa ngày vào bếp nấu món cháo thuốc, cô lấy một nửa bảo nha hoàn đem đến cho Đan Quế, nửa kia tự tay cô bưng vào phòng Tiêu Phong. Bầu đoàn Liễu Như Lãng đã đi khỏi từ lâu, khi đi ngang cửa phòng Liễu Như Lãng, thấy phòng trống rỗng, cô đoán gã trong lòng bực bội, chắc đã sớm tìm một chỗ yên tĩnh nào đó ẩn mình rồi. Bỗng cô thấy Tiêu Phong lò dò đi đến, chừng như ông đến kiếm Liễu Như Lãng tại phòng của gã, Lâm Yên Bích dừng bước, nói:
- Không cần đến đấy nữa, Liễu đại ca không có nhà.
Nhìn Tiêu Phong, cô nhận thấy mấy hôm nay, sắc mặt ông nhuận hơn nhiều; hôm kia ông đi đứng còn khó khăn, hôm nay đã đi được một mình như người bình thường, do độc tố chưa trục ra hết, nội lực chưa vận động, nên dáng đi đứng của ông thiếu nét uy vũ trầm hùng trước kia.
- Không có trong phòng?
Tiêu Phong dừng bước, ông ngước nhìn trời, mảnh trăng đang treo lơ lửng đầu ngọn cây đàng đông, bất giác ông hỏi:
- Khuya rồi mà còn chưa về! Mấy hôm nay ta không gặp, đang định tìm hỏi xem sao!
Lâm Yên Bích hé miệng cười tủm tỉm:
- Đừng quên, tại đây sẵn có năm vị cô nương tuyệt thế mỹ nhân, có khi sẽ còn có thêm vài cô khác nữa tới kiếm không chừng!
Cô chợt ửng hồng gò má sau câu nói.
Tiêu Phong gật gù:
- Hừm ... Ta quên khuấy đi mất! Cô nương chắc đem cháo đến, phải không? Ngày nào cũng làm nhọc sức cô nương, ta áy náy quá.
Lâm Yên Bích đặt liễn cháo xuống mặt bàn đá trong vườn, cô đáp:
- Không sao đâu, người đang trọng thương, được người khác lo cho cũng hợp lý thôi.
Cô vừa nói, vừa múc cháo ra hai bát, rồi tiếp:
- Tối nay, mình ngồi đây ăn cháo cũng tốt, trời lặng gió, ăn trong phòng có hơi ngột ngạt.
Tiêu Phong ngồi xuống bên bàn đá, ông hỏi:
- Đan Quế thì sao? Cô ấy đã ăn tối chưa?.
Ông biết thương thế Đan Quế không nhẹ, tới giờ, chuyện ẩm thực cả nhà đều do Lâm Yên Bích phụ giúp.
Lâm Yên Bích đáp:
- Đã có nha hoàn bưng đến tận phòng cho cô ấy rồi. Vết thương của cô không còn đáng lo, dăm ba hôm nữa có thể ra khỏi giường.
Tiêu Phong nâng bát cháo lên ăn, ông cười cười:
- Cháo thuốc ăn ngon miệng thế này, e rằng dưới trời, chỉ duy nhất cô nương nấu được!
Lâm Yên Bích nghe khen, trong lòng hớn hở, cô cười, đáp:
- Ngon miệng thì hãy ăn thêm dăm chén nữa nhé?
Bỗng Tiêu Phong đặt bát đũa xuống, ông nói:
- Có gì hơi khác thường! Tối nay sao yên tĩnh quá? Thường ngày, ta nghe tiếng nói cười ríu rít của năm cô, sao bây giờ vắng lặng như tờ?.
Lâm Yên Bích dỏng tai nghe ngóng một hồi, quả nhiên cách tường tịnh không một tiếng động, bình nhật bọn họ bẻo lẻo suốt ngày, tối nay, giả thử Liễu Như Lãng đến chơi phòng một cô, người khác cũng không hoàn toàn im lặng như vậy, còn nếu Liễu Như Lãng đi tìm một xó xỉnh yên tĩnh nào đó cho riêng gã, họ cũng vẫn cứ ồn ào như thường! Cớ gì bây giờ lại im ắng thế?. Lâm Yên Bích trầm ngâm, rồi bảo:
- Chắc các cô theo Liễu đại ca rời đảo đi chơi rồi, bọn họ ở đây quá lâu, có thể đã thấy cuồng chân cuồng cẳng.
- Sống trên đảo này sướng quá trời, cuồng chân sao được? Nếu không bị nhiều chuyện khác ràng buộc, ta được sống suốt đời nơi đây là không muốn gì hơn!
Tiêu Phong ngước nhìn trời, trông vầng trăng lơ lửng, ông nghĩ về số phận trăm ngàn dân đen Lâm Hoàng thành, nghĩ đến sống còn của công chúa Tân Nguyệt, ông lại không rõ A Tử giờ lạc lõng nơi nao, rồi ông nghĩ về hai mẹ con nhà Giang xuân Lam, toàn những thứ không sao buông bỏ được, ông không thể khoanh tay đứng nhìn. Chợt mặt biến sắc, ông nói:
- Từ ngoài, có tiếng bước chân! - Nghe ngóng một lúc, ông nói - Hai người, khinh công rất cao! Năm cô nương đó, không ai khinh công giỏi như vậy!
Lâm Yên Bích đặt đũa xuống, cô nắm tay Tiêu Phong, bảo:
- lai giả bất thiện , bọn mình chạy ra đàng cửa sau đi!.
Tiêu Phong cương quyết nói:
- Lai giả bất thiện, ta cũng không sợ! Công lực ta đã phục hồi được hơn sáu, bảy phần rồi!
Lâm Yên Bích giậm chân, cô gắt:
- Độc tố chưa lọc hết, người chưa thể đề tức, chỉ còn cách chạy cho nhanh thôi.
Thấy cô nổi giận, Tiêu Phong không nói gì nữa, ông nhanh chóng theo cô ra lối sau, hướng ra biển, Lâm Yên Bích bảo:
- Ta nhớ hình như có neo sẵn một chiếc thuyền gần đây, là gia nhân thường dùng để ra khơi đánh cá, bọn mình hãy đáp thuyền đó.
Tiêu Phong không dám vận sức, ông dựa vào Lâm Yên Bích nâng đỡ mà chạy, cũng may, bờ biển không xa lắm, chạy một chốc đã đến nơi. Quả nhiên họ thấy một tiểu thuyền đang neo cạnh bờ.
Lâm Yên Bích vội đến bên, cô mở dây buộc thuyền, đỡ Tiêu Phong lên thuyền, rồi dùng cả hai tay huy động mái chèo đưa thuyền ra khơi.
Đúng lúc đó, một thân ảnh phóng vùn vụt từ xa đến, một chớp mắt, đã tới gần bờ nước.
Lâm Yên Bích giật mình, cô gắng sức chèo thật mạnh, đưa chiếc thuyền lướt như bay. Người kia chân chạm nước, chiếc thuyền đã ra xa ngoài hơn ba mươi trượng, ngay cả đại cao thủ, cũng chưa chắc đủ sức vượt sóng một khoảng cách như vậy!
Người đó vung tay, một hòn phi thạch xé gió bay đến, kích vào Tiêu Phong. Nghe lực đạo của ám khí, biết nó cực kỳ bá đạo, nhưng ông không dám tránh né, sợ nó chạm vào lưng Lâm Yên Bích. Lập tức, không kịp suy nghĩ, bỏ qua lời giặn dò không đề tức, ông đưa ngón cái bàn tay phải chập vào ngón giữa, nhắm hòn phi thạch búng ra một chỉ, nghe "soạt", ông đã đẩy lệch hướng phi thạch sang bên trái, đưa nó bay tuốt ra ngoài khơi.
- Hảo công phu! - người kia cất tiếng khen, đồng lúc thuyền đã ra xa hơn, dựa theo sức tay, gã vẫn có thể tiếp tục phát xạ vào thuyền, nhưng đã thôi không bắn ám khí, gã đồ rằng, có bắn thêm, cũng sẽ bị Tiêu Phong búng chỉ đánh lạc ra ngoài. Gã đâu dè, mỗi một chỉ phát xạ như vậy, Tiêu Phong đã làm độc tố trong nội thể nặng thêm mấy phần. Trong tình thế đó, Lâm Yên Bích hết sức khẩn trương, cô luôn miệng hỏi Tiêu Phong:
- Người thấy trong mình ra sao? Có tức ngực lắm không? Có buồn nôn không?
Tiêu Phong cười đáp:
- Không thấy gì cả, cô nương đừng lo - Ông bị đau tức ngực thật đấy, nhưng sợ Lâm Yên Bích lo âu, ông đã nói trớ đi .
Tiểu thuyền lướt sóng đi được một quãng, hốt nhiên mặt biển nổi sóng gió, mưa to trút nước xuống ào ào, chiếc thuyền bị sóng đánh, chao đảo trên đầu ngọn sóng, suýt lật mấy lần.
Lâm Yên Bích không sao lèo lái con thuyền, dõi mắt vào be thuyền, cô hỏi:
- Tiêu đại ca, người ở phương bắc, có biết bơi không?.
Cô ráng nói thật to, nhưng giữa cuồng phong, sóng gió, âm thanh tiếng nói hầu như chìm lấp, nghe không rõ.
Tiêu Phong lắc đầu, đáp:
- Ta không biết bơi, cô nương biết bơi không?
Lâm Yên Bích gật đầu đáp:
- Biết, nếu lật thuyền, người hãy cố bám be thuyền, chớ buông tay, ta sẽ tìm cách đẩy thuyền đi.
- Không! Cô nương đừng lo cho ta, cô phải giữ sức mà bơi vào bờ.
Tiêu Phong biết, trong sóng gió này, đừng tính chuyện giúp người khác, chỉ tự lo cho mình thôi, chưa chắc đã xong. Ông chỉ muốn Lâm Yên Bích toàn mạng, cô đừng chết uổng vì mình.
Lâm Yên Bích cố sức lắc đầu, cô nói to:
- Không! Người chết đi rồi, ta không sống một mình làm gì! Có phải chết, mình cùng chết với nhau một chỗ!
.
Nghe nói, Tiêu Phong rùng mình, ông nhớ lại, A Tử cũng đã từng nói y hệt vậy, trước ải Nhạn Môn, A Tử định chết theo ông nơi đáy vực, để rồi cô cùng ông trôi giạt về thế gian này! Đâu ngờ, trong thế gian ấy, lại có một nữ tử khác tận sức, tình thâm nghĩa trọng với ông. Nghĩ đến chỗ Lâm Yên Bích làm hoá thân kiếp sau của A Châu, kiếp trước, nàng ngộ tử, chết oan uổng dưới chưởng của ông, giờ đây, trong kiếp này, nàng lại nguyện cùng ông chôn thân nơi đáy biển, nhất thời, không sao ngăn được lệ rướm khoé mắt, cõi lòng ông tan nát!
---- Xem tiếp hồi 80 ----