Gã chưởng cự tay nhận đĩnh bạc, lòng hồi hộp, thầm nghĩ:
- Tối nay mấy người đã đi rồi, đưa ta tới mười hai lượng bạc, chẳng phải ném tiền qua cửa sổ?
Lâm Yên Bích dường như hiểu gã đang nghĩ gì, cô xua tay nói:
- Ông hãy đi mua ngay cho ta một cỗ xe ngựa, chỗ tiền ta đưa còn thừa, xin biếu ông làm thù lao.
Gã chưởng cự mừng rơn, gật đầu lia lịa, đáp:
- Sẽ đi mua xe ngay cho cô nương, nhưng trước hết mời quý khách nghỉ ngơi một chút.
Chờ cho gã chưởng cự đi khỏi, Lâm Yên Bích nhanh chóng bảo Thanh Huyền đóng cửa, cài then, cô lắng tai nghe ngóng động tĩnh bên ngoài, chỉ thấy tiếng vó ngựa trên đường mỗi lúc một xa dần về phương bắc, cô đoán có kẻ mách thấy cỗ kiệu di chuyển hướng đó. Cô hít nhẹ một hơi ngắn, đến xem thương thế Tiêu Phong, xong rồi, vừa định đứng lên, từ bắp chân nổi lên một cơn đau dữ dội, cô lập tức cảm nhận từ lúc giội nước sôi vào chân đến giờ, vì tâm trí bị ám ảnh nỗi lo sợ người ta phát hiện Tiêu Phong, lại nữa, vừa rồi cô cùng Thanh Huyền giúp ông lên lầu, đã quên bẵng đi những nỗi đau vết thương ở chân. Cô nhanh chóng sai Thanh Huyền lấy từ rương thuốc món thuốc cao, đem bôi vào chỗ phỏng. Thanh Huyền mang lọ cao đến, cô nhè nhẹ lắc đầu, nói:
- Thuốc cao đó chậm có tác dụng quá, hãy lấy thứ thuốc phối chế hồi tháng trước, thuốc cao màu bích ngọc.
Thanh Huyền y lời, đem thuốc cao màu xanh đến nhẹ nhàng, thận trọng bôi vào vết thương.
Vốn người ít câu nệ, Tiêu Phong thắc mắc, ông không rõ vết thương chân cô tình trạng ra sao, lúc nhìn vào chỗ phỏng, thấy trên làn da trắng muốt, hiện rõ một mảng mọng nước khá lớn, đôi ba chỗ đã tróc da, ứa nước, da thịt bị phỏng bèo nhèo. Tiêu Phong nghĩ cô vì mình đã không quản ngại mọi đau đớn, trong lòng ông hết sức cảm động, khẽ nói:
- Tiêu Phong ta có tài đức gì để được cô nương hết lòng lo toan như vậy, Tiêu Phong mỗ lấy làm ngượng quá!
Lâm Yên Bích ngẩng đầu, mỉm cười, đáp:
- Không có gì, chút thương tích nho nhỏ này mà cứu được đại anh hùng, thấy cũng đáng lắm!
Tiêu Phong không nhịn được cười, ông nói:
- Ta mà anh hùng nỗi gì? Hồi trước, mỗi lần gặp cô nương, cũng đều đem phiền toái đến cho cô nương! Lần này, lại còn làm cô nương bị đau đớn da thịt.
Vừa qua, Lâm Yên Bích kề cận ông một quãng thời gian dài, có lúc lại khoả thân trên cùng giường! Mới đây, cô còn vén váy bôi thuốc lên chân!. Cô nhăn tít vầng trán, bảo Thanh Huyền lấy vải băng bóp chỗ vết thương, rồi nói:
- Chẳng cần nói khách khí! Sau này khi người khoẻ mạnh, cứ tính sổ mà hoàn lại gấp đôi là được!
Làm Tiêu Phong nghĩ ngợi "Ơn cứu mạng to tát quá, muốn trả laị, ngoài xả thân, xả tính mạng, xem ra không cách nào khác!". Ông đang định nói, bỗng thấy ngứa cổ, rồi khạc một vựng máu.
Lâm Yên Bích chẳng kể chân đang đau đớn, cô đứng bật dậy, chạy đến quan sát bãi máu, rồi đưa tay thăm mạch ông, hai ngón tay chầm chậm dò tìm mạch, đôi hàng chân mày nhíu lại một chút.
Tiêu Phong nhìn thần sắc cô, ông cười cười:
- Cô nương bất tất rầu rĩ, ta chưa chịu chết đâu!
Lâm Yên Bích gắt nhẹ:
- Gì mà chết với chẳng chết! Từ giờ, người bớt nói nhảm đi! - rồi cô chuyển sang giọng nhu mì, hỏi - Trong mình người hiện thấy sao? Có còn tức ngực nữa không?
Tiêu Phong cười đáp:
- Khá lắm rồi! Cô nương đừng lo!
Lâm Yên Bích chau mày, trầm ngâm, không đáp lại.
Một lúc sau, gã chưởng cự lên báo đã mua được xe, chuẩn bị đâu đó sẵn sàng.
Lâm Yên Bích cùng Thanh Huyền đỡ Tiêu Phong xuống tầng dưới, nhìn chiếc xe thắng sẵn ngựa, cô nổi giận, trợn mắt rầy gã chưởng cự:
- Ta đưa ngươi thật nhiều ngân lượng, sao đi mua cỗ xe, con ngựa kéo ngó bộ sắp chết đến nơi. Ngươi coi thường ta quá!
Gã chưởng cự lắc đầu lia lịa, đáp nhanh:
- Không phải đâu! Cô nương cần gấp, tiểu trấn nhỏ này của tiểu nhân không có ngựa tốt, tiểu nhân tìm kiếm mãi, không thấy cái nào khá hơn, lại sợ cô nương chờ lâu, đành mua về cho cô nương!
Lâm Yên Bích càng giận hơn nữa:
- Cỗ xe này nhỏ quá, lấy đâu đủ chỗ cho đoàn ta ngồi? Coi con ngựa kìa, nó thở hồng hộc vậy, ta dám chắc, chỉ kéo xe đi chừng vài bước, thể nào cũng té ngã lăn đùng thôi!
Tiêu Phong xua tay, ông nhìn gã chưởng cự, hỏi:
- Chưởng cự nè, đôi ngựa hồng mã còn đó không? Ông đem một con thắng vào cỗ xe này, thế chỗ con kia là xong.
Gã chưởng cự gật đầu, nói:
- Dạ còn, ngựa của khách quan và của cô nương áo tím vẫn còn ở trong chuồng, tiểu nhân lập tức sai người đem thắng nó vào xe.
Rất nhanh chóng, hỏa kế cuả quán trọ dẫn hai con ngựa đến, đem một con đổi vào chỗ ngựa già đang kéo xe. Xong rồi, Lâm Yên Bích cùng Thanh Huyền giúp đỡ Tiêu Phong lên xe.
Lâm Yên Bích ngồi trước đầu xe, cô cầm roi ngựa, nhỏ giọng bảo Thanh Huyền:
- Ngươi cưỡi con ngựa kia đuổi theo Lưu Nhất, bảo bọn chúng cứ đi thẳng về Thiên Sơn. Ta đang bị Hoàng Dung theo đuổi gắt, sẽ không về Hạnh Hoa cốc, chỉ còn cách đi xuống miền nam, đến Chiết Quế ở Giang Nam, Hoàng Dung có thông minh mấy đi nữa, chưa chắc đã tính đến khả năng mình trốn chạy về nam, dám mạo hiểm vượt Tương Dương.
Cô liếc Tiêu Phong, rồi tiếp:
- Ngươi hãy thông tri đến người của Cung vùng Hồ Bắc, bảo họ dọ hỏi tông tích cuả A Tử cô nương. Có tin tức gì, lập tức phi cáp truyền thư đến Chiết Quế, để Tiêu đại hiệp được yên tâm.
Nghe cô sắp đặt, Tiêu Phong từ trong xe nói vọng ra:
- Thật cực nhọc Thanh Huyền cô nương quá.
Thanh Huyền đáp:
- Tiêu đại hiệp đừng quá khách khí, đại hiệp cứ yên tâm, nơi nào đặt căn cứ của bổn Cung, môn hạ chỗ đó sẽ hết sức truy tìm hạ lạc A Tử cô nương.
Cô thò tay vào bọc, lấy ra tấm lịnh bài Quách Tĩnh đã tặng, mau mắn đưa cho Lâm Yên Bích, nói:
- Cô nương giữ cái này, có khi cần đến lúc đi đường!
Lâm Yên Bích đón lấy, nói:
- Ngươi phải cẩn thận, nếu bị người của Hoàng Dung phát hiện, cứ nói ta đã cưỡi kiệu về bắc rồi. Dựa theo giao tình giữa Bích vân cung với Cái Bang, bọn chúng chắc không làm khó dễ gì ngươi lắm đâu!
Thanh Huyền nhìn cô, vẫy tay chào tiễn cô, đáp:
- Nô tỳ hiểu rồi, cô nương đi đường cũng khá cẩn thận.
Lâm Yên Bích gật đầu, rồi quơ roi, "hô" một tiếng, giục ngựa nhằm hướng nam trực chỉ.
Lúc đó trời đã về chiều, sắp sang giao thừa, nhà nhà chăng đèn kết hoa, nhiều trẻ nít đốt pháo trên đường, mùi thuốc pháo nồng nặc trên lộ. Cô quay sang bắt chuyện cùng Tiêu Phong:
- Tối nay là giao thừa, trên đường người đi lại khá náo nhiệt, thêm nhiều trẻ nhỏ đốt pháo.
Cô dừng lại một chặp, rồi hỏi:
- Hồi nhỏ, người có chơi trò đốt pháo tết không?
Tiêu Phong nhớ lại thời thơ ấu sống cùng bố mẹ nuôi, bất giác ông cười gượng, than nhỏ:
- Hồi nhỏ, nhà nghèo, ta không có tiền mua pháo đốt, chỉ biết đi mót pháo lép trong đống xác pháo, cũng chẳng được bao nhiêu, có khi cả buổi không mót được một viên nào!.
Lâm Yên Bích nghe ông nói chuyện, cô thấy trên đường chỗ mấy đứa bé đang chơi đùa huyên náo, loáng thoáng có một đứa bé đang lom khom mò tìm kiếm pháo lép trong đống giấy xác pháo tả tơi, tan tác, bất giác cô sinh lòng lân mẫn. Chợt nghe tiếng cãi cọ ầm ĩ từ chỗ ấy, thì ra một đứa lớn đang ẩy một đứa khác nhỏ thó, miệng hét:
- Đây là xác pháo nhà tao vừa đốt xong, viên pháo trong tay mày là pháo của nhà tao!.
Đứa bé nhỏ thó bị thằng kía túm chặt, cướp mất từ trong tay nó hai viên pháo, nó khóc, cãi:
- Pháo này tao sẵn có từ trước, không phải pháo nhà mày!
- Buông nó ra! Ỷ lớn hiếp nhỏ, không biết mắc cở!- Lâm Yên Bích giật mạnh cương, hãm cỗ xe lại, cô quát mắng thằng lớn, rồi đưa tay vẫy vẫy đứa nhỏ, bảo nó - "Bé con, lại đây, chị cho tiền mua pháo nè!
Đứa bé tay chùi nước mắt, chân rảo bước lại gần. Lâm Yên Bích lấy từ trong túi ra một xâu tiền, đặt vào tay nó, nói:
- Chị cho em tiền mua pháo, đừng lượm pháo lép ở nhà người ta nữa!
Đứa bé nhìn xâu tiền trong tay, trợn tròn mắt, nó chưa từng thấy nhiều tiền đến thế. Rồi nó lắc đầu, nhét trả lại tiền vào tay Lâm Yên Bích, nói:
- Mẹ dạy không được nhận tiền của người lạ!
Lâm Yên Bích nhìn mặt nó, cô cười cười, bảo:
- Cái này chị cho em mua pháo, không phải người lạ cho, em cầm lấy đi, không chị giận à!
Cô nhét xâu tiền vào trong túi áo đứa bé.
Vừa hay lúc đó, từ đàng trước, một tiểu đội quan quân đang rầm rập tiến đến, con hẻm thẳng băng, Lâm Yên Bích muốn né cũng không có chỗ tránh.
Một người có vẻ là chỉ huy, chăm chú nhìn cỗ xe, gã rảo bước đến, lớn giọng bảo:
- Ta được lệnh truy nã gian tế Mông Cổ, người trong xe là ai, mau xuống xe, bước ra đây cho đại gia tra xét.
Lâm Yên Bích thầm kêu khổ, cô không ngờ Hoàng Dung điều động đến cả người của quan phủ.
Cô ngẩng nhìn viên quan quân, đáp:
- Đó là ca ca ta, đang cảm gió, nằm nghỉ trong xe. Chúng ta đang trên đường đi thăm bà con, bị kẹt trận bão tuyết, nên chậm trễ ... Giờ phút này, chỉ mới đến được đây!
- Bà con của cô ngụ ở đâu?
Viên quan quân thấy cô đẹp đẽ, gã dịu giọng xuống.
Lâm Yên Bích lay động tròng mắt, cô níu áo đứa bé, nói:
- Mẹ đứa nhỏ này là chị em bà con với ta, hai anh em ta đến ăn tết cùng gia đình nó.
Nói xong, cô nháy mắt với đứa bé một cái.
Gã quan quân liếc qua đứa bé, cười, hỏi:
- Thì ra thằng nhỏ này! Cô ấy có bà con với mày không, hả nhỏ?
Qua giọng điiệu, dường như gã quen biết đứa bé.
Đứa nhỏ lớn tiếng trả lời
- Dĩ nhiên, cô bà con với cháu. Mẹ bảo cháu ra đây chờ cô. Trương thúc thúc,thúc thúc sao còn chưa về nhà đón giao thừa?.
- Ai da ... Thúc thúc tất nhiên muốn về nhà đón giao thừa lắm chứ - gã quan quân thở dài, ngừng một lúc, chợt trở giọng bực tức - Toàn bởi mụ Hoàng Dung, hổng biết cắc cớ chi mà đi nhờ tri phủ đại nhân truy nã cái đồ gian tế Mông Cổ nào đó, hại bọn ta chưa bước qua năm mới mà đã bị lắm chuyện bực mình rồi.
Lâm Yên Bích nghĩ thầm Hoàng Dung lợi hại thật, bà vừa phát giác bọn mình trốn khỏi trang, đã chẳng bỏ phí một giây phút nào, đến nhờ ngay quan phủ huy động quan quân! Cô lập tức vờ giật mình, cất tiếng hỏi:
- Có gian tế Mông Cổ thiệt hả? Tiểu nữ đi một mạch đến đây, trên đường, đã chẳng nghe thấy ai nói gì hết!
Gã quan quân "phì" một tiếng, đáp:
- Thì ta đã nói, bà Hoàng Dung đó chỉ đi làm trò rắc rối thôi! Cho dù có gian tế Mông Cổ, rồi sao nữa?Chuyện chẳng có gì, quân địch chưa thấy gần thành, một đứa gian tế ... làm được cái quái gì? Ta cho là bà chỉ muốn hại bọn ta không được ăn một cái tết ngon lành thôi!.
- Quân gia nói đúng lắm, một đứa thì làm được trò trống gì! - Lâm Yên Bích kéo thằng bé lên xe ngồi cạnh mình, cô nói với gã quan quân - Biểu tỷ tiểu nữ chắc đang sốt ruột, xin được phép đi ngay, quân gia cứ thong thả tra xét.
Gã quan quân là người địa phương, nghe đứa bé nói Lâm Yên Bích bà con với nó, gã tiêu tan mọi nghi ngờ, liền xua tay, bảo:
- Thôi đi đi, sắp giao thừa rồi, nhà nào cũng muốn đoàn tụ, ta đi tra xét một lúc nữa, rồi cũng chạy về nhà ăn tết, hơi đâu đi quản việc cho bà đó lâu dài được!.
Gã nói xong, giong ngựa sang một bên, tiểu đội quân lính đàng sau cũng tránh, nhường đường, cho phép cỗ xe đi qua.
Lâm Yên Bích cất tiếng cám ơn, rồi cô ra roi, giục ngựa đánh xe đi tới.
---- Xem tiếp hồi 67 ----