Thiên Mã Hành Không

Chương 123: Tái ngộ dương qua






Gã thiếu niên nói xong, co giò chạy ra ngoài.



A Tử quá sức kỳ lạ, cô quay sang bảo Tiêu Phong:



- Tỉ phu, tụi mình cũng đi xem trò nhiệt náo này đi, chuyện lạ đời kiểu này có khi trăm năm mới xảy ra một lần!



Dứt lời, cô đi thẳng ra cửa, Du Thản Chi cấp tốc bám theo sau, như bóng bám theo hình. Cũng thấy lạ, vả chăng hôm nay coi như cũng chẳng sang sông được, sao bằng tới xem trò kỳ quái này, Tiêu Phong bèn cùng Liễu như Lãng ra ngoài, theo đuôi đoàn người đang rồng rắn đi sau một gã gõ thanh la ầm ĩ.



Khi đến trước một căn nhà dân dã, tuy không phải vào hàng đại phú, họ thấy nó cũng thuộc loại nhà giàu có. Đám đông xúm đen xúm đỏ truớc sân nhà, quan huyện ngồi tại giữa phòng mé trước nhà, có một người trung niên ăn mặc tề chỉnh đứng kèm bên cạnh. Tiêu Phong nghe thiên hạ xầm xì, chỉ chỏ, bảo:



- Đấy ắt hẳn Lưu lão gia, cô con gái lão chắc đang bị nhốt ở phòng kế bên"



Lại có kẻ nói:



- Ngươi bảo thử xem, sao lại có người cha ác độc đến thế chứ, đứa con gái đang sởn sơ ngon lành lại bắt nhịn đói cho chết!



Tiêu Phong rùng mình, ông hỏi người đứng kế bên:



- Xin chào huynh đài, làm ơn cho hỏi, chuyện này là gì vậy? Tại sao bắt con gái ruột nhịn đói chết? Chẳng phải là làm chuyện tàn ác không thể dung thứ hay sao?



Người nọ nhìn dọ dẫm vào ông, trả lời:



- Huynh đài ắt hẳn người đến từ nơi khác? Chuyện này, cư dân đều hay biết cả, quan huyện rồi sẽ truy tặng Lưu tiểu thư hiệu bài "trinh tiết" đấy.



Lại nghe một kẻ khác tiếp lời:



- Cái cô Lưu tiểu thư này nửa bước không ra khỏi nhà, đâu có chuyện gì gọi là tàn ác bất dung thứ được! Chỉ tội nghiệp cô, hồi nhỏ hứa hôn về một gã họ Ngô, đâu dè, hai mươi ngày trước đây, gã họ Ngô đó lăn đùng ra chết, Lưu lão gia vì muốn con gái mình được vang danh liệt nữ, làm rạng rỡ tổ tông, nên đã nghĩ ra cách thức ấy!



Kẻ đó nói chưa hết câu, đã nghe từ căn phòng mé bên rộ lên tiếng khóc nức nở, đám đông bên ngoài sân đang ồn ào bỗng im bặt, cùng giỏng tai lên nghe ngóng.



Chỉ thấy quan huyện đứng lên, khoát tay áo, bảo:




- Sao hãy còn chưa chết? Chờ khi nào nó chết hẳn hòi xong xuôi, hãy đến báo ta hay, đỡ mất công ta đi tới đi lui!



Rồi lão quan huyện ngoe ngoảy đi ra, đám đông vội vội vàng vàng tách ra nhường lối.



Lưu lão gia đó co cẳng chạy theo, đầu gật lia lịa:



- Lão gia bớt giận, bữa nay nhịn đói là đã được bốn bữa rồi, chừng hai, ba hôm nữa, là xong thôi!



Quan huyện gục gặc cái đầu:



- Hừm ... tự cổ lai đến giờ, đâu có nhiều trinh phụ liệt nữ lưu danh muôn thưở đâu, huyện nhà ta có được một liệt nữ như thế, toàn huyện đều được thơm lây, vậy đến lúc đó, ta nhất định sẽ đến thắp nhang, tế bái.



Lão dứt lời, truyền lệnh bọn sai dịch mở đường, chúng gióng trống, gõ chiêng, cả đoàn kéo nhau trở về nha môn.



Tiếng khóc mỗi lúc một thảm thiết, Lưu lão gia lò dò đến trước cửa, la lớn:



- A Mao, nín đi, hai bữa nữa thôi, là sẽ chẳng còn đau đớn gì nữa đâu!



Từ trong phòng, tiếng nữ tử vừa thút thít, vừa van xin:



- Cha ... Con đói quá ... Cha cho con ăn uống chút đỉnh gì đi!



Lưu lão gia xoa xoa hai tay vào nhau, giậm chân, bảo:



- A Mao, sao mi lại hồ đồ làm vậy? Từ khi ta hay tin đứa con trai nhà họ Ngô đó chết đi, ta đã quyết định mi tuẫn tiết chết theo. Ta đã bảo mẹ mi hết lời khuyên răn, mi làm vậy, được danh thơm liệt nữ đến muôn đời sau. Nay đã nhịn đói được dến nước ấy, sao mi còn van nài đòi ăn, muốn đem bỏ phí biết bao công trình mi đã làm được tới giờ?



Trong phòng vọng ra thanh âm yếu ớt của cô gái:



- Nhưng ... con đói quá mà cha ... Con không muốn chết đâu!



Lưu lão gia đứng ì trước cửa, nghiến răng, bảo:



- A Mao, mi biết tại sao ta đã phải dùng đến cách này cho mi tuẫn tiết không? Tại vì uống thuốc độc hay nhảy giếng, mi đều chẳng tự mình làm nổi, đưá nhỏ như mi mới có mười lăm tuổi, làm sao tự mình tìm chết kiểu đó cho được? Ta thấy khó quá sức, cứ ngần ngừ mãi, sau ông cậu mi tới, chỉ ta cái cách thức đó, nhốt mi trong phòng, cho mi tuyệt thực mà chết. Tuẫn tiết kiểu đó, xưa nay nay là cách làm nở mày nở mặt số một, thơm lây đế tổ tiên, cha mẹ mày nhờ đó cũng được rạng rỡ. Ta làm vậy không phải ép uổng gì đâu, thực ra chỉ thành toàn cho mi thôi, mi đã không hiểu hảo ý của ta, còn oán trách ngược, cái đó mới là sự tối ngu dốt!



Cùng lúc ấy, một thiếu phụ đi đến, bà ta vừa khóc lóc, vừa van vỉ lão họ Lưu:



- Lão gia, thôi thì ông ban cho nó một liều độc dược, rồi cho nó ăn uống một bữa no say, là đã chóng vánh thành toàn cho nó đấy, tránh cho nó biết bao cực khổ thảm thiết như thế!



Lưu lão gia nguýt dài bà ta, bảo:



- Đàn bà trong nhà thì biết cái quái gì? Phàm sự tuẫn tiết, trước hết phải báo quan, Do tuyệt thực là cách thức rất khó tìm chết, đi ngược với ham muốn thông thường của con người, nó chết đi rồi, quan huyện sẽ đích thân đến thắp ba nén nhang, rót ba chén rượu để vái nó ba vái, phong tặng nó làm người liệt nữ nêu gương tốt cho đàn bà, con gái khác noi theo. Nếu giờ mình lại cho nó uống thuốc độc, mà mấy cái xác chết vì ngộ độc thì mặt mày sẽ xám xì xám xịt, thất khiếu rỉ máu đen thui, khi quan huyện đến làm lễ tế bái, làm sao ông ta không nhìn ra cho được? Lão ta quen khám nghiệm tử thi, làm vụ đánh độc vậy, có phải mình muốn lừa bịp, coi quan như con nít chăng? Làm sao ta dám cả gan như thế chớ?



Hai người Tiêu Phong cùng Liễu như Lãng nghe lão nói, máu nóng bốc hừng hực lên đầu, họ đang định nhào vô cứu cô gái đó ra, bỗng thấy vụt loang loáng qua một nhân ảnh, rồi thấy một người đứng sừng sững ngay cửa phòng, day lưng về phía đám đông bên ngoài, tả cước gã vung lên, nghe "bộp" một tiếng, ổ khoá lớn cỡ ngón tay cái đã gãy rời, nhưng cánh cửa dày cộm chỉ mở tạt sang một bên, không bị đạp đổ tung xuống sàn nhà, ý hẳn gã muốn tránh gây đổ vỡ đồ vật trong phòng. Xuát thủ đến mức tính toán chu đáo được nặng nhẹ như vậy, lực đạo thu phát tuỳ tâm, công lực đó khiến người ta trông thấy mà kinh hãi.



Liễu như Lãng không ngăn nổi tiếng trầm trồ:



- Hảo công phu! Người này đích thực cũng là một đại cao thủ trong đời đây!



Thấy người đó hình dung khôi vĩ tuấn tú, một ống tay áo buông thõng phất phơ bên mình, Tiêu Phong mừng rộ, ông nhảy vù tới, vượt qua khỏi đám đông, miệng kêu lớn:



- Dương huynh!



Nhân vật đó quay mình lại, đích thực Dương Qua!



Dương Qua nhận ra Tiêu Phong, gã cũng mừng húm, nhảy tới nắm vào tay Tiêu Phong:



- Tiêu huynh! Mạnh giỏi?



Tiêu Phong chưa kịp trả lời, đã thấy lão họ Lưu xông ra, chỉ chỏ vào Dương Qua, giọng tức giận mù trời đất:




- Mi là đứa nào? Dám đến đây phá hoại cuộc tuẫn tiết hùng tráng cuả một liệt nữ bản huyện, mi ... mi biết tội mi nặng đến đâu không?



Mắt chẳng dòm qua lão lấy một giây, Dương Qua quài tay túm lấy cổ áo lão, nhấc bổng thân mình lão lên, quay sang hớn hở hỏi Tiêu Phong:



- Tiêu huynh, hai ta chơi trò tung hứng đá cầu, huynh thấy sao?



Tiêu Phong vừa vén xếp tay áo, ống quần, vừa cười, đáp:



- Được đấy, chỉ hiềm nỗi sân trước đây có hơi chật hẹp, chẳng đủ chỗ chơi!



Dương Qua xách lão họ Lưu lên, tung mình nhẩy lên cao, cười rộ:



- Để chờ đệ ra hẳn bên ngoài, mình sẽ cách tường tung hứng chơi!



Tiếng còn chưa dứt, đã thấy gã ở bên ngoài bức tường bao sân. Tất cả chợt thấy xảy ra chuyện to, số đông họ còn chưa kịp hoàn hồn, đã nghe "vù" một tiếng, một vật gì to lớn đã bay lừng lững bên trên đầu tường bay vào, kèm theo một tiếng rú khủng khiếp, mọi người nghe giọng, đều biết đấy là tiếng của lão Lưu, ông ta chân ngược lên trên, đầu chổng xuống dưới, đang sầm sập rơi vùn vụt xuống, mặt mày lão thất thần như gà mắc toi, ai nấy đều sợ, lão mà chạm mạnh xuống đất, sẽ thành một đống thịt băm vụn.



Mắt thấy chỏm đầu lão ta sắp đụng đất, Tiêu Phong đã thò một chân ra, đá tung ngang eo lưng lão, làm thân mình lão lộn ngược lại, bay vù lên cao, hướng ra bên ngoài tường.



Tập 18: Bình định bạn loạn



Hồi 123: Tái ngộ Dương Qua (II)



Hai người lấy lão Lưu làm trái cầu, họ cách tường đá qua đá lại, làm người đương trường nhìn mà chóng mặt.



Lão Lưu lúc đầu vốn đã như gà mắc toi, sau đó không biết lão đã xỉu đi từ hồi nào, đã cạn kiệt hết hơi hết sức, đến một tiếng rên cũng không thoát nổi ra khỏi miệng.



Cô gái bị nhốt trong phòng đã được A Tử cùng Tân Nguyệt dìu ra ngoài, khi cô thấy hình dạng ông bố tiêu điều như vậy, cô cố sức quỳ ngay ngắn trên sân đất, miệng rán yếu ớt rên rỉ, van xin:



- Hai vị đại hiệp, làm ơn dung tha cho cha tôi!



Cô bị bỏ đói đã bốn ngày nay, đầu gối hai chân không sao cáng đáng nổi sức nặng toàn thân, van lơn được mấy tiếng ấy xong, cô té lăn ra sân đất, không gượng dậy nổi nữa. Người bàng quan tuy đông, nhưng chẳng ai nghĩ đến cho cô ăn uống. Chỉ mỗi mình Liễu như Lãng đã mau mắn chạy ra đầu phố mua về cho cô mấy cái bánh bao cùng một bát canh nóng, đem đến đưa cho cô. Thấy thức ăn, mắt cô sáng rực, rồi không biết đã cóp nhặt được sức lực từ đâu, cô chụp lấy bánh bao, nghiến ngấu nhai nuốt, vội vã ăn đến mắc nghẹn nơi cổ họng.



Liễu Như Lãng nhỏ nhẻ bảo cô:



- Ăn từng chút một thôi, húp nước canh trước đi đã.



Cô gái này dung mạo không đẹp, nhưng từ nhỏ, Liễu Như Lãng quen chiều chuộng, chăm sóc nữ nhân, bất kể người đẹp hay xấu.



Tiêu Phong nghe cô gái van lơn cho cha, ông nghĩ trừng phạt lão vậy cũng đã tạm đủ, bèn nhảy vút lên cao, vung nhẹ tả cước, đón và đỡ cho lão Lưu gắn chặt vào đấy, rồi cười ha hả, nói:



- Dương huynh! Nghỉ chơi! Con gái hắn đã có lời xin tha cho hắn.



Trong tràng cười, thân mình ông nhẹ nhàng hạ xuống, thu gót chân về, ông đặt lão Lưu nằm thẳng cẳng trên sân.



Dương Qua cười rộ, gã nhảy qua tường vào, đưa mắt dòm vào lão Lưu, chỉ thấy hắn vội vã nhắm nghiền hai mắt, giả dạng ngất xỉu. Dương Qua thò một ngón tay miết vào nhân trung, mặt hắn lập tức hiện ra dáng vẻ gà chết toi.



Dương Qua hứ lạnh một tiếng, gằn giọng bảo:



- Có con gái mi van xin, ta hãy tạm tha cho mi, mi mà còn dám ép con gái mi làm trò tuẫn tiết, muốn làm cái trò kiếm chút nở mày nở mặt cho tổ tiên, ta sẽ sả mi ra trăm ngàn mảnh đấy, nghe không?



Lão họ Lưu nằm chết gí trên đất, thoi thóp, lão chỉ có thể gục gặc cái đầu.



Liễu như Lãng khinh thị liếc lão, bảo:



- Trong thiên hạ lại có người tâm địa độc ác làm vậy, nay ta mới thấy lần đầu!



Tiêu Phong giắt tay Liễu như Lãng, dẫn đến giới thiệu cùng Dương Qua:



- Dương huynh, đây là người anh em kết nghĩa đồng sanh cộng tử của tôi, tên là Liễu Như Lãng.



Dương Qua quan sát Liễu như Lãng, rồi cung tay, vui vẻ nói:




- Liễu huynh đệ người tài giỏi tuấn tú há! Tại hạ Dương Qua, xin chào ra mắt.



Liễu như Lãng vội vàng chắp tay thành quyền, vái dài, đáp:



- Đại danh Dương huynh đệ từng nghe như sấm động bên tai, bữa nay được gặp, đúng là tam sinh hữu hạnh.



Tiêu Phong cười vang:



- Thôi bớt khách sáo đi! Bọn mình đi kiếm chỗ uống một chầu thiệt đã đời nào!



Lúc ấy, bà vợ lão Lưu đã chạy sồng sộc đến, thấy ông chồng cùng cô con gái nằm lăn lóc ở đấy, bà ta chẳng dang tay ra đỡ dậy thì chớ, lại ngồi bệt xuống đấy, khóc bù lu bù loa, oán trời trách đất đã làm bà khốn khổ.



Tiêu Phong chẳng chịu nổi, ông quay sang bảo A Tử và Tân Nguyệt:



- Hai cô hãy về khách sạn trước, bọn ta kiếm chỗ uống rượu!



Túm lấy tay của Dương Qua và Liễu như Lãng, ông kéo cả hai cùng nhảy vượt tường, họ biến mất tăm vào đám đông bộ hành đang chen chúc đi lại trên đại lộ.



- Tỉ phu, chờ muội với ...!



A Tử cùng Tân Nguyệt vội rượt theo, nhưng hai cô nào còn thấy đâu bóng dáng cả ba!



A Tử hết sức phật ý, cô bĩu môi, nói:



- Uống rượu thì có quái gì mà phải vội vã thế! Công chúa, hai đứa mình cũng đi kiếm chỗ nhậu nhen!



Tân Nguyệt cười, đáp:



- Ờ được! Muội muốn nhậu, ta cũng sẵn lòng tiếp muội một tay!



Du Thản Chi cũng ghé sát vào A Tử, rụt rè nói:



- A Tử, tui cũng muốn nhậu nữa!



A Tử vung tay ẩy mạnh gã ra:



- Tránh ra ... Cái đồ ngốc nghếch nhà ngươi!



Du Thản Chi hoảng hốt ngó ngó cô, A Tử gí tay vào đầu mũi gã:



- Ta bảo cho mà biết, từ rày đừng có mà xấn xổ, mà ào ào a vào người người ta, hiểu chưa?



Du Thản Chi gật gật đầu lia lịa, nói:



- Dạ ... Hiểu rồi, thưa A Tử!



Mỗi câu nói nào của gã, đều có cái tên của A Tử bên trong, trên cõi đời hiện tại, gã chẳng còn nhớ, chẳng còn hiểu biết gì khác, ngoài cái tên A Tử đó!



---- Xem tiếp hồi 124 ----