Tiên đế băng hà, cả nước ai nấy đều bi thương. Nhưng một nước không thể một ngày không vua, ngay sau khi hạ táng tiên hoàng lập tức tấn phong hoàng thái tử lên ngôi hoàng đế, xưng hiệu Tỳ Ung đế. Một đời vua một đời thần, sau khi thái tử lên ngôi triều đình cũng được tổ chức lại. Tầng lớp trên bấp bênh, nào có ai bận tâm đến một con tôm nhỏ như Tiết Minh Hiên. Nhân cơ hội mọi sự năm nay đều miễn, Tiết Minh Hiên được giữ chức huyện lệnh thêm một năm, sang năm mới phải hồi kinh thuật chức.
Thái tử đã giám quốc một năm, hơn nữa sau vụ án Lệ vương, trong triều đình cũng đã qua một lần thanh trừng, thế nên hành động lần này cũng không có gì quá đặc biệt. Tỷ như Diêu thái phó vẫn ngồi vững ở thượng vị như trước, là một đệ nhất văn thần đương triều. Trương Thụy Dương vẫn nắm quyền bính như trước, người có thể đối đầu với Trương Thụy Dương có lẽ là quốc trượng đại nhân vừa nhậm chức, người này cũng nắm quân quyền trong tay. Ngoài ra một số quan viên trẻ tuổi cũng được đề bạt, khiến triều đình như có thêm luồng sinh khí.
Song, trong nội cung, tân hoàng nói đã chán người cũ, vì thế trong bên trong cung vua có một sự thay đổi lớn. Từ thái giám hầu hạ bên cạnh cho đến gánh hát, ngự trù, thái y, về cơ bản là đổi hết. Hậu cung cũng như một triều đình khác, tân hoàng đăng cơ đương nhiên phải tiến hành sắc phong cho hậu cung, an bài chốn ở cho các phi tử, lúc này đây sự sủng ái mới phát huy hết tác dụng, việc này ngay đến thái tử phi cũng không dám tùy tiện chen vào.
Mọi việc đều đang được khẩn trương tiến hành. Tân hoàng ngồi một mình trong điện Diệu Linh, trên tay cầm ly trà xanh, mắt nhìn danh sách những phi tử đã được sắc phong. Thái tử phi đương nhiên giữ vị trí hoàng hậu, trước khi thái tử phi vào phủ còn có hai vị trắc phi có gia thế, có con cái, phong làm quý phi; những người còn lại lần lượt được sắc phong. Tân hoàng nhìn bản đồ cung điện, một lát sau bèn viết lên trên vài câu.
Vốn dĩ thái tử ở trong cung, nãy chỉ chuyển đến cung khác mà thôi, đám nô tài y theo ý chỉ của tân hoàng sửa sang lại cung điện. Sau đó, tân hoàng hạ khẩu dụ tu sửa lại một cung điện gần tẩm điện của mình nhất, đổi tên là Vị Ương cung, đích thân bài trí bên trong, trong viện trồng đầy những cây hoa đào, mọi người đều nhốn nháo dò đoán xem rốt cuộc vị nào sẽ được ở đây. Có lẽ là dành cho hoàng hậu hoặc một trong hai vị quý phi, cũng có thể là không.
Sau khi qua trăm ngày của tiên hoàng, tân hoàng tiến hành sắc phong hậu cung, hoàng hậu ở tại Trường An cung - nơi hoàng hậu tiền triều từng sinh sống, còn Vị Ương cung mà mọi người chú ý kia lại bỏ trống. Chỉ có riêng hoàng đế thường lui tới, hơn nữa còn hạ lệnh không cho bất kì ai bước vào, cho nên có lời đồn thổi rằng đây là nơi để hoàng thượng thư giãn. Hoàng hậu đã từng tìm cách vào trong, hồ nghi bên trong là kim ốc tàng kiều, kẻ ẩn nấp kia có thể là một mỹ nhân tuyệt sắc cũng có khi chỉ là một ả cung nữ ti tiện.
Thế nhưng không, bên trong chỉ có những quyển sách rất bình thường, hoàng hậu cũng dần tin nơi đây hoàng đế dùng để thư giãn. Bốn mặt tường trắng như tuyết, phía sau nơi nghỉ ngơi có treo một bức tranh nằm ngang họa thập lý đào hoa, đây là tác phẩm của một danh họa đương triều, bên trên có đề bút của tân hoàng. Chữ viết được thiếp bạc, câu chữ đượm vẻ u sầu: Dạ như hà kỳ, dạ vị ương, ám hương doanh tụ mộng nhất tràng. Cuối cùng còn đề danh hào của hoàng thượng.
Truyện xảy ra trên triều chẳng liên quan gì đến Tiết gia, Nhược Thủy khi hay tin chỉ thở dài chứ không cảm thấy gì khác. Sau đó nàng nhận được thư nhà báo rằng mọi việc vẫn yên ổn, gia tộc thịnh vượng trăm năm không vì triều đại đổi quân chủ mà tổn thương khí lực vốn có. Phụ mẫu vẫn an khang, Nhược Thủy chỉ cần biết vậy là đủ rồi.
Cuối năm, khi Tiết Minh Viễn nhận lại sổ sách mới phát hiện tiệm con do Hoàng chưởng quỹ quản lý đạt lợi nhuận cao gấp đôi nhưng tiệm khác, hơn nữa còn mở rộng mặt tiền cửa hàng. Tiết Minh Viễn đương nhiên hiểu rằng Hoàng chưởng quỹ có tài là quan trọng nhất, nhưng khi đã chia phần cho chưởng quỹ tuyệt không thể sao nhãng những mặt khác. Hoàng chưởng quỹ cũng rất hứng khởi khi đạt được thành tích này, hắn vừa cười ha hả vừa nhận lấy sự tán dương của Tiết Minh Viễn.
Tiết Minh Viễn trích ra một khoản giao tận tay Hoàng chưởng quỹ, y vừa cười vừa nói: "Năm sau mong Hoàng chưởng quỹ cố gắng nhiều hơn, năm nay làm tốt lắm."
Hoàng chưởng quỹ vui vẻ nhận lấy số ngân lượng, cung kính đáp: "Năm sau cũng mong Đông gia chiếu cố nhiều hơn."
Đã có một tiệm làm hình mẫu, Tiết Minh Viễn cảm thấy những tiệm khác cũng nên quản lý theo cách này, nhưng người tinh anh không nhiều, sáu cửa hàng ở Đài Châu có thể tìm được sáu người tài ba giúp y quản lý sao? Cho nên Tiết Minh Viễn quyết định rằng, sang năm sẽ bán bớt ba tiệm, tập trung sức lực củng cố mong lớn mạnh. Nếu dư ra khoản nào, Tiết Minh Viễn còn muốn mở thêm cửa hàng ở Hàng Châu, dù sao nơi ấy cũng là trọng điểm thương nghiệp lẫn văn hóa của vùng Giang Chiết.
Sang năm mới, bọn trẻ cũng thêm một tuổi, Tiết Hạo và Tiết Uyên năm nay đã lên chín. Bọn chúng đã trải qua một năm không an bình, cuộc sống thường ngày cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Chỉ riêng Tiết Đinh, do được Thẩm Mộ Yên bảo vệ kín kẽ đến gió cũng chẳng lọt, nên cuộc sống vẫn bình thường như trước khi xảy ra biến cố nọ. Mùng một đi chúc tết nhà chính, Nhị thúc nhà họ Tiết lại cho một tràng răn dạy, trọng điểm năm nay là tại sao lại giao cửa hàng của mình cho người ngoài.
Tai Tiết Minh Viễn nghe Nhị thúc giáo huấn, trong lòng lại đắn đo xem nên chọn người nào làm chưởng quỹ, không thể lần nào cũng tìm Lý lão gia giúp đỡ. Mùng ba năm nay, Hoàng chưởng quỹ đến chúc tết Tiết gia, Tiết Minh Viễn nhân dịp này ngỏ ý muốn Hoàng chưởng quỹ giới thiệu thêm vài người, quả nhiên người trong nghề có khác, tin tức nắm được cũng nhanh hơn hẳn. Sau khi tìm được người ưng ý, Tiết Minh Viễn lập tức triển khai kế hoạch, chỉ mở ba cửa hàng lớn rồi giao toàn bộ cho đại chưởng quỹ quản lý, còn bản thân chỉ đợi thu tiền vào cuối năm.
Tiết Minh Viễn dự định khi gom đủ hai vạn lượng sẽ mở ngay một cửa tiệm ở Hàng Châu, nhưng tiền phải kiếm từ từ, không thể gấp gáp được. Cuộc sống sinh hoạt của Tiết Minh Viễn đã dần thoải mái hơn, ban ngày y đến tiệm chính học y thuật với lão đại phu, nhưng bản thân y cũng thấy kỳ lạ, y đã đọc đi đọc lại sách viết những mạch chứng mà phụ thân để lại, nhưng lại không thể hiểu được tình trạng của Nhược Thủy. Trước nay chỉ từng nghe đại phu không thể tự xem mạch cho mình, chứ chưa từng nghe không thể xem mạch cho nương tử. Cho nên Tiết Minh Viễn thấm thía được rằng y học uyên thâm đến nhường nào!
Dạo này Tiết Minh Viễn đã có thể đều đặn về nhà ăn cơm mỗi ngày, trò chuyện với đám nhỏ. Nhược Thủy và Tiết Minh Viễn sống cùng nhau đã lâu, ngày càng cởi mở, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Trước đây đôi vợ chồng trẻ gặp nhau thường đỏ mặt, bây giờ đã thành tự nhiên làm trò trên giường, biến thành đôi vợ chồng mặt dày. Đấy chư vị xem, cuộc sống vốn chẳng phải chuyện tao nhã gì.
Đến đầu tháng năm, Nhược Thủy cảm thấy trong người khó ở, lúc nào cũng buồn ngủ. Người ta thường bảo xuân buồn ngủ thu mỏi mệt, bây giờ đã là đầu hạ, bóng dáng tiết xuân đã qua rồi. Nàng nói với Tiết Minh Viễn, Tiết Minh Viễn hỏi: "Trên người nương tử có chỗ nào không ổn không?"
Nhược Thủy cảm nhận từng bộ phận trên người mình, nàng lắc đầu: "Không có, thiếp chỉ thấy mệt mỏi thôi. Có phải thiếp sắp biến thành phụ nhân làm biếng không?"
Bàn tay to lớn của Tiết Minh Viễn nhẹ nhàng vuốt chân mày Nhược Thủy, y nói: "Không sao đâu, mệt thì nàng cứ ngủ. Chưa kể đến mấy hôm trước chúng ta đưa bọn trẻ ra ngoài thả diều có hơi quá sức, nàng cũng chưa được nghỉ ngơi nhiều." Nhược Thủy cảm thấy mình cũng không hề gì nên chẳng để ý nhiều.
Qua vài ngày, Nhược Thủy bỗng thấy không bình thường, kinh nguyệt của nàng trước nay không đều nhưng nay đã gần hai tháng chưa thấy. Hơn nữa dạo này nàng càng ngủ càng mệt, không hoạt động mà ăn ngày càng nhiều. Chẳng lẽ nàng bị chứng tiêu khát[1]? Nhược Thủy tự dọa mình, khi Tiết Minh Viễn trở về thì bắt gặp nương tử ngồi trên giường ủ ê chẳng nói một câu. Cảnh này khiến y phát hoảng, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?
Tiết Minh Viễn vội vàng bước lại gần hỏi han: "Nương tử, nàng mau nói xem đã xảy ra chuyện gì rồi chúng ta cùng nghĩ cách. Nàng đừng khóc." Nhược Thủy chẳng nói một lời, nàng đặt tay Tiết Minh Viễn lên cổ tay mình, rồi khóc nức nở. Tiết Minh Viễn nắm tay nàng, sau đó chẩn mạch cho nàng. Ô kìa? Mạch tượng này là thế nào? Bắt lại lần nữa. Không thể nào, đổi tay thử xem sao.
Mạch đập đều, trơn thu dưới ngón tay, chẳng khác nào viên ngọc tròn lăn qua lăn lại. Chủ thể có đờm loãng, ăn uống không ngon, trong người có nhiệt hỏa, hơn nữa chủ thể còn có thai, người không có bệnh mà mạch trơn tru như người có thai. Tiết Minh Viễn bối rối, vậy là có thai hay không có thai, rốt cuộc y cũng hiểu vì sao người học thuốc lại không thể chẩn bệnh cho người thân, vì quá quan tâm nên không giữ được bình tĩnh! Y lập tức sai người đến tiệm chính mời lão đại phu kiêm thầy dạy của mình đến.
Lão đại phu bắt mạch một lần, sau đó thu tay lại, đôn hậu hỏi thăm về kinh nguyệt. Kế đến ông ngắm sắc mặt của Nhược Thủy, thấy tưa lưỡi màu rêu, rồi mới cười tươi chúc mừng, phu nhân đã mang thai! Nhược Thủy và Tiết Minh Viễn nghe vậy bèn chết lặng, lão đại phu tạm coi đây là cách bày tỏ rằng hai người họ đang rất vui mừng, ông cười ghẹo Tiết Minh Viễn: "Tốt xấu gì Đông gia cũng đã học y thuật vài năm, ngay đến mạch tượng đơn giản cũng chẩn không ra, có thể thấy ngài rất mong có đứa trẻ này."
Thế nhưng Tiết Minh Viễn không cười, phản ứng đầu tiên của y là cau mày nói: "Không đúng, tiên sinh xem sai rồi. Nàng không có thai!"
Lão đại phu cứ nghĩ khi Tiết Minh Viễn nói vậy sẽ khiến Nhược Thủy tức giận, nào ngờ khi nhìn lại thì thấy vẻ mặt nàng cũng như ý muốn nói ông đã sai. Lão đại phu tức giận nói: "Lão phu không dám tự xưng là tiên y trị bách bệnh, thế nhưng lão đã hành nghề y nhiều năm, nếu chuyện mang thai còn xem nhầm thì lão phu không dám nhận chén cơm này của Đông gia nữa."
Nhược Thủy nhìn lão đại phu với vẻ kinh ngạc, nàng vô thức phản bác: "Thế nhưng hai vị danh y chẩn đoán cho ta trước đây đều kết luận là không thể mang thai, bọn họ không thể sai!" Lão tiên sinh từ tức giận chuyển sang mỉm cười, người bệnh đúng là kỳ quặc, vợ chồng son mong ngóng đứa con, ấy thế mà hai người này lại phản bác không nhận. Lão tiên sinh vừa cười vừa nói: "Không biết là người phương nào chẩn bệnh cho phu nhân, lão phu dám khẳng định bọn họ thông đồng dựng chuyện, việc này liên quan đến cuộc đời cả một người sao có thể hồ ngôn chứ! Không thể mang thai, vậy đứa trẻ trong bụng bây giờ ở đâu ra, là dùng hí pháp biến ra sao? Nếu để lão phu gặp được hai tên đại phu kia, lão phu nhất định sẽ đạp vào mặt bọn họ!"
Nỗi kinh hãi trong lòng Tiết Minh Viễn vơi dần, y cẩn thận hỏi lại: "Tiên sinh chắc chắn sao?" Lão đại phu gật đầu.
Y lại lí nhí hỏi: "Khẳng định là không sai?" Lão đại phu khẳng khái gật đầu.
"Không thể nào..." Tiết Minh Viễn lắc đầu.
Lão tiên sinh tức khí nói thẳng: "Đông gia cứ việc mời mười vị tọa đường đại phu đến xem mạch cho Nhị nãi nãi."
Lão đại phu chỉ nói lẫy, ấy thế mà lại có kẻ tưởng thật. Tiết Minh Viễn thật sự liều mạng cho mời tất cả đại phu trên dưới trong tiệm nhà đến, kết quả của họ đều giống nhau, đều khẳng định phu nhẫn đã mang thai! Cuối cùng hai người đang đắm chìm trong sự sợ hãi kia mới giật mình nhận ra đây là thật, niềm vui bất ngờ này thật sự không gì sánh bằng, trước là kinh hãi sau là vui mừng. Sau khi xuất giá bốn năm, Nhị nãi nãi nhà họ Tiết cuối cùng cũng có tin vui.
--- -------
Bệnh tiêu khát hay bệnh tiểu đường. Gọi là chứng tiêu khát bởi người xưa nhận xét bệnh nhân luôn có cảm giác khô miệng, khát nước uống nhiều, ăn khoẻ, ăn nhiều mau đói mà người vẫn gầy rộc đi nên thường xuyên mệt mỏi.