Thiên Hạ Kiêu Hùng

Chương 867: Đưa con đi thị sát




Bùi Mẫn Thu lắc đầu cười, tình thơ ý họa vậy sao? Nàng đặt hộp đồ ăn lên bàn, đốt sáng ngọn đèn. Ánh sáng dịu dàng lập tức tràn ngập căn phòng.

Nàng thấy trong phòng có mấy con muỗi liền vội vàng tiến vào buông màn lụa mỏng che cửa sổ, quay đầu lại cười:

- Chàng muốn tìm linh cảm ngâm thơ hay xả thân nuôi muỗi vậy?

Dương Nguyên Khánh vỗ hai con muỗi, cười khổ một tiếng:

- Đưa cơm tới cho ta sao?

- Chàng cứ nói đi!

Bùi Mẫn Thu hờn dỗi hỏi lại trượng phu một câu rồi mở hộp đồ ăn, đặt vài mâm đồ ăn và chén cơm đến trước mặt hắn, lại lấy ra từ trong hộp một bình rượu nho và một cái ly.

- Đang nóng, tranh thủ ăn đi!

Quả thực Duyên Nguyên Khánh thấy hơi đói bụng, cầm đũa bưng bát cơm bắt đầu. Bỗng hắn dừng đũa, hỏi:

- Bây giờ một đấu gạo bao nhiêu tiền?

- Đại khái khoảng bốn mươi tiền! Lúa mạch rẻ hơn chút, thiếp nghe nói là ba mươi lăm tiền.

- Giá tiền này cũng không rẻ lắm!

Dương Nguyên Khánh nhíu mày. Hắn nhớ trước lúc đại chiến Trung Nguyên là hai mươi lăm tiền một đấu, qua mấy tháng không ngờ lại tăng thêm mười lăm tiền.

Đúng như bây giờ thì giá thịt heo là chỉ tiêu quan trọng để nhận định giá hàng. Trong một khoảng thời gian rất dài ở Tùy Đường, thậm chí giá lương cao hay thấp đều là tiêu chuẩn trực tiếp định ra giá hàng. Dân lấy thực làm gốc, không có cơm ăn sẽ tạo phản. Bởi vậy những người thống trị thay đổi triều đại đều đặt giá lương thực lên hàng đầu.

Dương Nguyên Khánh trầm ngâm chút rồi hỏi thê tử:

- Nàng thấy năm nay quả thực là năm thiên tai sao?

Hắn biết thê tử cũng không phải là kiểu người sống an nhàn sung sướng trong nhà cao cửa rộng. Nàng thường xuyên giao tiếp với tôi tớ, hiểu rất rõ tình huống bên ngoài.

Giờ Bùi Mẫn Thu mới hiểu được vì sao trượng phu không ăn được cơm chiều, hóa ra là lo lắng năm thiên tai. Nàng cũng ngồi xuống, cầm bình rượu rót cho trượng phu một chén, dịu dàng khuyên nhủ:

- Năm thiên tai là bình thường mà, không phải ư? Làm gì có chuyện năm nào cũng thu hoạch tốt. Lương thực bị mất mùa, cuộc sống sẽ khó khăn hơn chút. Lương thực thu hoạch tốt, nhà nhà sẽ dư dả hơn chút. Trăm ngàn năm qua đều như vậy? Phu quân cần gì phải lo lắng thế.

- Nhưng năm nay khác, Đại Tùy phải gánh thêm Hà Bắc và Trung Nguyên, còn nạn đói có khả năng bùng nổ ở Thanh Châu, xử lí không tốt dễ gây tạo phản.

- Thật ra chỉ cần dân chúng có thể sống được thì không ai muốn tạo phản. Mấu chốt là quan phủ phải hết sức giúp nạn thiên tai, đừng giống thời Tùy mạt. Rõ ràng trong nhà kho quan có lương thực mà không chịu nhả ra, làm cho dân không thể không tạo phản. Ông nội nói với thiếp như vậy đó.

Một câu thức tỉnh Dương Nguyên Khánh, có thời gian hắn cũng nên đi thăm hỏi Bùi Củ một chút để nghe ý kiến.

Nghĩ vậy, hắn nâng chén uống cạn một hơi, nói với Bùi Mẫn Thu:

- Sáng mai ta muốn đi ra ngoài thị sát nông điền chống hạn, ta chuẩn bị mang Ninh nhi theo đi thị sát…

Thành phía nam Thái Nguyên, đi qua một mảnh thôn trang là những cánh đồng mênh mông bạt ngàn. Dựa theo “quân điền chế” của triều Tùy, ngoại trừ nông dân bình thường thì quan viên triều Tùy cũng chia làm ruộng Vĩnh Nghiệp và ruộng Chức Phận, dựa theo phẩm giai quan viên chia thành chín đẳng mười tám cấp.

Cao nhất là thân vương, chỉ có duy nhất Dương Nguyên Khánh. Ruộng Vĩnh Nghiệp của hắn có mười ngàn mẫu. Tuy trước đó Dương Nguyên Khánh có hai điền trang, một ở huyện Yển Sư và một ở phía nam huyện Giang Ninh, nhưng cả hai điền trang này đều không nằm trong phần ruộng Vĩnh Nghiệp mới.

Phân chia ruộng mới và ruộng cũ vẫn là đề tài thảo luận kịch liệt trong triều, hầu hết quan viên cho rằng chia ruộng mới không thể tính ruộng cũ vào.

Đây cũng là sự thật. Bởi vì Dương Nguyên Khánh có địa vị đặc thù nên Vương Thế Sung của huyện Yển Sư và Lý Mật của huyện Giang Ninh không dám động đến điền trang của hắn.

Mà những quan viên khác thì không may mắn như vậy. Từ khi Tùy mạt chiến loạn thì hầu hết ruộng cũ của quan viên đều trở nên hoang vắng hoặc đổi chủ. Cuối cùng Dương Nguyên Khánh cũng đồng ý hầu hết ý kiến của quan viên, phân phối của ruộng Vĩnh Nghiệp mới sẽ không tính phần ruộng cũ vào.

Cho dù quan viên trong chế độ ruộng Vĩnh Nghiệp đã dời đi năm ngoái, các cấp quan viên có thể tới Hộ bộ nhận phần ruộng Vĩnh Nghiệp của mình, nhưng trên thực tế hầu hết quan viên vẫn không có động tĩnh gì. Đây cũng không phải thanh cao gì cho cam, mà là bọn họ biết không bao lâu nữa Thái Nguyên sẽ không còn là đô thành. Những quan viên đều muốn sau khi xác định đô thành chính thức thì mới đến lĩnh phần ruộng Vĩnh Nghiệp ở gần đó để lưu cho con cháu đời sau.

Hơn nữa nếu không lĩnh phần ruộng Vĩnh Nghiệp thì mỗi tháng còn được nhận ít lộc gạo. Nếu nhận ruộng Vĩnh Nghiệp thì lộc gạo sẽ giảm một nửa. Nếu lại nhận thêm ruộng Chức Phận thì chẳng còn tí lộc gạo nào. Cho dù bây giờ nhận ruộng cũng khó mà tìm tá điền, thành ra mất nhiều hơn được.

Chính vì thế nên quan viên triều Tùy không hào hứng lắm với việc lĩnh ruộng Vĩnh Nghiệp và ruộng Chức Phận. Một dải mênh mông bạt ngàn đất ở Thái Nguyên gần như đều là đất của nông hộ, chia đều mỗi hộ khoảng năm mươi mẫu.

Lúc này Thái Nguyên, Hà Đông thậm chí toàn bộ Trung Nguyên đều như nhau, đang gặp phải đợt hạn hán nghiêm trọng nhất từ năm Đại Nghiệp thứ sáu tới giờ.

Ở Hà Đông có một câu ngạn ngữ rằng: “Tiểu niên lai, tai nên chí, tịch nguyệt gia đương tề thượng thi”.

Ý nói là nếu vụ hè gặp năm thiếu thì vụ thu rất có thể gặp thiên tai. Bây giờ đúng thế thật, hạn hán đã kéo dài suốt ba tháng. Trong ba tháng này trời chỉ mưa nhỏ đúng hai lần.

Con sông sắp thấy đáy, đất đai khô cằn, mỗi cây lúa đều trông gầy gò uể oải. Khắp nơi đầu ruộng đều có nông dân đang bận rộn tưới nước, thỉnh thoảng còn thấy bóng quan viên cùng nhau gánh nước với nông dân.

Lúc này một đội mấy trăm kỵ binh đứng cách đó không xa, dẫn đầu đám quan viên chính là Sở vương Dương Nguyên Khánh. Hắn xoay người xuống ngựa, một gã thân binh ôm Dương Ninh con trưởng Dương Nguyên Khánh xuống theo.

Năm nay Dương Ninh mới bảy tuổi, theo học Lý Cương đã hơn hai năm, có kiến thức, hiểu lễ nghi, cử chỉ lễ độ, cảm giác như một ông cụ non vậy.

Cậu bé nói không nhiều, hơn nữa cũng biết phụ thân không phải dẫn mình đi chơi mà là thị sát dân tình. Thế nên cậu hoàn toàn không có vẻ bướng bỉnh nghịch ngợm như những đứa nhỏ khác, ngoan ngoãn theo sau phụ thân, môi mím chặt, vẻ mặt cực kì nghiêm túc.

Dương Nguyên Khánh liếc đứa con một cái, cậu nhỏ mặc một chiếc áo đay trắng, thắt lưng buộc dây vải, đầu đội mũ khăn. Cách ăn mặc quả thực mộc mạc không khác gì những đứa trẻ các gia đình bình thường.

Nhưng vẻ mặt của đứa nhỏ lại rất nghiêm túc, hoàn toàn không có vẻ nghịch ngợm vui cười của một đứa trẻ bảy tuổi. Ngẫu nhiên thấy một con cò trắng từ không trung bay qua, ánh mắt đen lúng liếng của nó cũng lơ đãng nhìn chằm chằm cò trắng, lộ ra tâm tính của một đứa trẻ.

Trong lòng Dương Nguyên Khánh dấy lên sự trìu mến. Đôi khi hắn thà muốn con của mình giống những đứa trẻ khác, bắt châu chấu, trèo cây đào tổ chim, có thể hưởng thụ đầy đủ thế giới vui vẻ của tuổi thơ.

Nhưng dù sao đứa nhỏ này cũng là con trưởng của Sở Vương, có quá nhiều gánh nặng trên vai. Dương Nguyên Khánh thầm thở dài, duỗi tay nắm lấy tay cậu bé.

Dương Ninh cầm bàn tay rộng lớn mà ấm áp của phụ thân, tự nhiên phát ra cảm giác không muốn xa rời.

- Phụ thân, con biết cưỡi ngựa rồi. Không phải ngựa con phụ thân tặng mà là ngựa lớn Tần bá bá tặng, nhỏ hơn ngựa của phụ thân một chút.

Dương Nguyên Khánh sờ sờ đầu đứa con non nớt, cười nói:

- Biết vì sao phụ thân không ngồi xe ngựa không?

- Biết ạ. Sư phụ nói bây giờ triều đình có quy tắc là người lớn tuổi mới được ngồi xe ngựa. Phụ thân cần làm gương tốt nên khi làm công vụ phải cưỡi ngựa.

Dương Nguyên Khánh vui mừng cười ha hả:

- Nói rất hay! Gây dựng sự nghiệp khó khăn, cần phải liên tục tu dưỡng và tiết kiệm, sư phụ con đã dạy như vậy chưa?

- Hôm qua sư phụ còn nói cho con rằng chỉ cần làm mạnh gốc, kiệm chi tiêu thì trời sẽ không để cho phải nghèo khổ. Đây là lời của Tuân Tử, sư phụ nhắc con phải ghi nhớ kĩ. Sư phụ rất tán dương cử chỉ kêu gọi tiết kiệm của phụ thân, ngài nói đây mới là cái gốc rễ để làm mạnh nước.

Cha con hai người vừa nói vừa đi tới bờ ruộng. Vài người nông dân và quan viên trẻ tuổi đã sớm nhìn thấy Dương Nguyên Khánh, tất cả đều tiến lên khom người thi lễ:

- Tham kiến điện hạ!

- Mọi người khổ cực, các ngươi là người của bộ phận nào vậy?

Dương Nguyên Khánh cười hỏi.

Đây là nghị quyết do Tử Vi Các đề ra. Quan viên dưới tứ phẩm mà chưa đến bốn mươi tuổi phải đến ruộng giúp đỡ nông dân chống hạn. Những quan viên còn lại thì xem tùy tình huống mà rút thời gian trợ nông.

Vài tên quan viên trẻ tuổi vội đáp:

- Chúng thần là quan của Đại Lý Tự.

Dương Nguyên Khánh gật đầu, đi đến một thùng nước. Thấy trong thùng nước đầy hơn nửa, còn hơi mát, nhưng mương tưới gần đó đã thấy đáy, chỉ còn chút bùn đục ngầu. Hiển nhiên nước trong thùng không phải lấy từ trong mương tưới.

- Nước này lấy từ đâu vậy?

Dương Nguyên Khánh chỉ thùng nước hỏi.

- Hồi bẩm điện hạ, chúng thần giúp nông dân gánh nước từ một cái giếng gần khu vực này. Bây giờ đang dùng nước giếng để tưới.

Một gã quan viên tuổi trẻ tiến lên làm mẫu, múc một bầu nước từ từ tưới vào gốc cây lúa:

- Một gốc cây chỉ cần tưới chút nước như vậy là được. Tuy rằng mệt muốn chết nhưng ít ra có thể cứu vớt bảo vệ lương thực.