Thiên Hạ Kiêu Hùng

Chương 695: Nơi đóng thuyền ở Bắc Bình




Nguồn: Mê truyện

Dương Nguyên Khánh dưới sự hộ vệ của một ngàn kỵ binh, một đường chạy về hướng tây, vứt bỏ hoàng hôn và cầu phao ra xa dần ở phía sau. Khi chào đón ánh sáng mặt trời thứ hai, hắn đã đến huyện Lô Long. Nhìn ra xa mấy dặm, ánh bình minh đã nhuộm đỏ cả thị trấn, khiến khu thị trấn cũ xưa này được đắm mình trong vầng sáng tuyệt đẹp.

Đốc quân Bắc Bình là Đổng Hi ra khỏi thành năm dặm nghênh đón. Ông ta không nén nổi xúc động trong lòng, xoay người xuống ngựa, quỳ xuống trước mặt Dương Nguyên Khánh, khóc nói:

- Giáp Thất tham kiến Thiếu chủ nhân!

Giáp Thất là số hiệu năm đó Dương Tố cấp cho ông ta, nhoáng cái đã hai mươi năm trôi qua. Ông ta đã từ một gia tướng trẻ tuổi dần dần trở thành một đại tướng trấn giữ quân một phương. Tấm trung thành đã qua sự khảo nghiệm của năm tháng này đã khiến Dương Nguyên Khánh rất cảm động. Hắn xoay người xuống ngựa đỡ ông ta đứng dậy:

- Mỗi người các vị đều có một kết quả tốt, đây chính là chuyện tổ phụ thấy yên vui nhất.

Đổng Hi lau nước mắt, nhìn Dương Nguyên Khánh. Thấy hắn tướng mạo thành thục, trong ánh mắt chứa đầy sự tự tin và lãnh đạm, toàn thân có một loại khí chất không cần tức giận cũng lộ ra vẻ uy nghiêm. Ông ta nhịn không nổi, cảm khái nói:

- Năm đó khi ty chức rời khỏi công tử, công tử chỉ mới sáu tuổi. Bây giờ công tử đã là hào kiệt thực sự trong muôn người, lão chủ nhân nếu còn sống, không biết sẽ vui mừng cỡ nào.

Dương Nguyên Khánh mỉm cười, vỗ vỗ vai ông ta:

- Không nói cái này nữa, nói tình hình của Cao Khai Đạo đi.

- Công tử muốn động thủ với Cao Khai Đạo sao?

- Cái đó cũng chưa chắc, chỉ là muốn tìm hiểu một chút tình hình của y.

Dương Nguyên Khánh một đường tiến vào thị trấn. So với U Châu, nội thành huyện Lô Long có vẻ cũ nát và nghèo khổ, thành trì nhỏ hẹp, phỏng chừng nhân khẩu không đến nghìn hộ. Đường phố vắng vẻ, nơi nơi đều là những căn nhà thấp bé, con đường nhấp nhô, từng đám trẻ nhỏ mặt mày xanh xao vây lấy bọn họ.

- Khi Cao Khai Đạo rút quân đã mang theo gần một nửa nhân khẩu của huyện, quan viên cũng đưa đi toàn bộ, chỉ còn lại mấy ngàn lão già ốm yếu, trẻ con và phụ nữ. Lương thực đã cạn kiệt, may mà chúng ta đến đúng lúc, không thì hậu quả khó mà lường được.

Đổng Hi thở dài, trong lòng chất đầy hận với Cao Khai Đạo. Vợ của ông chính là người huyện Lô Long, em vợ bị Cao Khai Đạo cưỡng ép tòng quân, đã bị đưa đi Liêu Đông. Ông ta mong muốn ngày mai sẽ phát động chiến dịch đối với Cao Khai Đạo, nhưng ông ta cũng biết, Thiếu chủ nhân trong lòng sớm đã có kế hoạch.

Dương Nguyên Khánh gật đầu, quay đầu lại nói với Ký thất Tham quân Bùi Thanh Tùng:

- Lập tức đưa thư tới thành Thái Nguyên, mệnh Tử Vi các lập tức phái tân Huyện lệnh Lô Long, Thái thú quận Bắc Bình có thể điều Trưởng sử quận Nhạn Môn Lưu Tử Quý đảm nhiệm, Nhạc Bình lệnh Cao Trứ Văn ra đảm nhiệm Trưởng sử, Vĩnh Yên do Triệu Quỳnh ra đảm nhiệm Tư mã. Ngoài ra tiếp tục mệnh Ôn Ngạn Bác nhanh chóng điều năm mươi ngàn thạch lương thực đến quận Bắc Bình.

Bùi Thanh Tùng từ trên lưng ngựa khom người nói:

- Ti chức lập tức đi viết!

Đoàn người đi tới huyện nha. Dương Nguyên Khánh ngồi ở nội đường huyện nha, hai binh sĩ mang một tấm bản đồ đến, treo trên giá gỗ. Đây là bản đồ của quận Bắc Bình và Liêu Đông. Đổng Hi nhặt cây gỗ lên, chỉ vào Lâm Du Quan và nói với Dương Nguyên Khánh:

- Đây chính là Lâm Du Quan. Một thuộc hạ của ti chức cải trang làm người hái thuốc, vượt qua Yên Sơn đã đến phía sau Lâm Du Quan. Phát hiện Cao Khai Đạo ở phía sau quan ải có mười ngàn người đóng quân, hơn nữa triệu tập trên chục ngàn thợ thủ công, đang tạc đá sửa thành

Lâm Du Quan cũng không phải là Sơn Hải Quan sau này. Về phía nam một chút, vì gần sát với Du Thủy mà có tiếng, phía bắc chính là một nhanh núi Yên Sơn. Lâm Du Quan trấn giữ cửa ải qua núi, cũng là một nơi có địa thế hiểm yếu. Vào năm Đại Nghiệp thứ chín, Dương Nguyên Khánh cũng đã từng đóng quân gần một tháng ở Lâm Du Quan, nên vô cùng hiểu rõ về địa hình nơi này.

Nhưng lần này hắn đến quận Bắc Bình cũng không phải vì Lâm Du Quan, cũng không phải tấn công Cao Khai Đạo. Bây giờ hắn tạm thời vẫn chưa suy xét đến Liêu Đông. Hắn muốn tập trung tinh lực chiếm lấy Hà Bắc, đối phó với Đậu Kiến Đức, đây mới là kẻ địch chính của hắn.

Dương Nguyên Khánh đi tới trước bản đồ, tỉ mỉ nhìn trong chốc lát rồi hỏi:

- Nơi mà năm đó Nguyên Hoằng Tự đóng thuyền, trên bản đồ có không?

Đổng Hi gãi gãi đầu nói:

- Công tử, nơi Nguyên Hoằng Tự đóng thuyền ở cửa sông Nhu.

Huyện Lô Long nằm sát với sông Nhu. Dương Nguyên Khánh men theo sông Nhu trên bản đồ hướng về phía nam, rất nhanh đã tìm thấy cửa sông Nhu. Nhìn từ trên bản đồ, cách huyện Lô Long khoảng chừng trăm dặm.

- Có đường đi tới đó không?

- Năm đó đặc biệt thi công một quan đạo, nhưng nhiều năm không có ai đi, phỏng chừng đã bỏ hoang rồi.

Dương Nguyên Khánh lập tức nói với mọi người:

- Bây giờ chúng ta sẽ xuất phát!

Ra khỏi huyện Lô Long, men theo sông Nhu đi về hướng đông nam, có một quan đạo năm đó tổng quản U Châu Nguyên Hoằng Tự đã thi công. Quan đạo được đầm rất chắc và bằng phẳng, tuy nhiều năm không sử dụng, nhưng trên mặt đường vẫn không có một ngọn cỏ nào mọc lên. Hơn ngàn kỵ binh đã ra khỏi thành, dọc theo quan đạo này lao nhanh về hướng đông nam.

Buổi chiều, Dương Nguyên Khánh đã suất lĩnh thân binh đến cửa sông Nhu. Từ xa hắn đã thấy mười mấy cái kho rất lớn, giống như mười mấy người khổng lồ đứng sừng sững, hiên ngang đứng trên bờ đón gió biển.

Phần cuối quan đạo là một khu đất trống trải được vây quanh bởi tường cao, những cái kho kia chính là nằm ở bên trong bức tường vây này. Bởi vùng lân cận trong vòng mấy chục dặm hoang tàn vắng vẻ, tường vây cũng không bị phá hỏng, cánh sửa sắt lớn đã bị rỉ sét loang lổ ngăn lối đi của bọn họ.

Mười mấy thân binh tiến lên phá cửa sắt, mọi người xông vào nơi hoang tàn đã bị bao quanh bởi tường cao. Cảnh tượng trước mắt khiến tất cả mọi người đều sợ hãi. Xa xa là biển rộng mênh mông, mà bên bờ dài tít tắp là mấy trăm chiếc thuyền cỡ lớn đang bỏ neo, đều là thuyền đi biển loại năm nghìn thạch, nhưng phần lớn đều không nhìn thấy cột buồm. Điều đó nói lên những chiếc thuyền này vẫn chưa được làm xong.

Dương Nguyên Khánh híp mắt lại. Năm đó hắn đã từng nghe Thôi Hoằng Thăng nói qua, nơi đóng thuyền ở quận Bắc Bình, còn có mấy trăm chiếc thuyền biển lớn chưa hoàn thành, là tổng quản U Châu Nguyên Hoằng Tự năm đó phụng chỉ thi công, nhưng về sau Nguyên Hoằng Tự bị điều đi, việc đóng thuyền cũng đã dừng lại. Dương Nguyên Khánh không có thời gian qua đây thị sát, cứ thế cho đến hôm nay, thời gian đã gần sáu năm, hắn mới lần đầu tiên đến khu vực đóng thuyền thuộc U Châu này.

Tuy quân Tùy có trên chục nghìn chiếc thuyền lớn nhỏ, nhưng những chiếc thuyền đó chỉ có thể đi lại trên sông, chứ không thể ra biển. Muốn ra biển vượt sang Triều Tiên, cần phải đóng loại thuyền biển cỡ lớn, mới có thể chống chọi được sóng gió trên biển.

Dương Nguyên Khánh lại không khỏi nghĩ tới đại tướng Thủy quân Lai Hộ Nhi. Hồi đó khi Dương Quảng chết ở Dương Châu, y đang phụng chỉ đóng thuyền ở quận Đan Dương, về sau nghe nói đã đầu hàng Tiêu Tiển, trở thành Đại đô đốc Thủy quân của Tiêu Tiển. Điều này khiến hắn có chút tiếc nuối, hắn đang thiếu đại tướng thống lĩnh Thủy quân.

- Khởi bẩm tổng quản, chúng tôi đã tìm thấy không ít người sống ở nơi này.

Một tên thân binh chạy lên báo cáo, cắt ngang dòng suy nghĩ của Dương Nguyên Khánh.

Dương Nguyên Khánh thấy bọn binh lính dẫn tới hai mươi người, có nam có nữ, phía sau còn có một đám trẻ nhỏ. Tất cả mọi người đều sợ hãi rụt rè, trong đôi mắt chứa đầy sự hoảng hốt.

Điều này làm cho Dương Nguyên Khánh cảm thấy có chút kỳ quái. Nơi đóng thuyền đã bỏ hoang bao năm không ngờ vẫn còn có người sinh sống. Hắn tiến lên trước hỏi đám người này:

- Các ngươi là người thế nào?

Tất cả mọi người sợ đến mức quỳ xuống, lắp bắp giải thích. Phần lớn đều nói giọng quận Tề, nói cả nửa buổi, Dương Nguyên Khánh mới đại khái nghe hiểu được ý của bọn họ. Bọn họ đều là người quận Đông Lai, vốn là thợ đóng thuyền ở đây, sau khi việc đóng thuyền dừng lại và giải tán, bọn họ quay trở về quê nhà ở quận Đông Lai. Nhưng bên đó loạn phỉ hoành hành, bọn họ lại chạy quay lại nói đóng thuyền này, ở đây trồng lúa trồng rau, trong kho có vải may quần áo. Mấy chục người bọn họ đã coi nơi này là nhà và đã sống ở đây được năm sáu năm rồi.

Lúc này, Dương Nguyên Khánh lại nghĩ tới một chuyện, phân phó thân binh:

- Thả hết bọn họ đi, tìm hai người dẫn đầu nói chuyện với ta.

Bọn lính tìm được một gian nhà sạch sẽ, mang lên một chiếc ghế. Dương Nguyên Khánh ngồi xuống, thân binh dẫn hai người đàn ông trung niên lên. Hai người nơm nớp lo sợ quỳ trước mặt Dương Nguyên Khánh. Dương Nguyên Khánh thấy bọn họ thân thể cường tráng, thịt bắp rắn chắc, nhìn ra được là người làm lụng vất vả để sinh sống, bèn cười cười và nhẹ giọng nói:

- Các ngươi tên gì, cũng là người quận Đông Lai sao?

Một gã hơi lớn tuổi một chút nói:

- Hồi bẩm tướng quân, hai người tiểu dân chúng tôi là huynh đệ. Tiểu dân tên là Trương Long, đệ ấy là Trương Hổ, đều là người huyện Hoàng quận Đông Lai, tổ tiên sinh sống bằng nghề đóng thuyền.

Dương Nguyên Khánh lại chỉ tới mấy trăm chiếc thuyền lớn bên bờ biển, hỏi bọn họ:

- Những chiếc thuyền kia hình như đều chưa làm xong, còn có thể sửa chữa lại không?