Thiên Hạ Kiêu Hùng

Chương 1014: Cha con họ Bùi




Tiết trời mùa xuân, mưa xuân hai trận liền ở huyện Văn Hỉ. Những giọt mưa xuân ấm áp ly ti dày đặc rơi xuống mảnh đất Tấn Trung phì nhiêu, lại càng khiến cho không khí xuân thêm đậm đà.

Hai bên đường lớn dưới đám lá cây khô ở mặt đất lại mọc ra những ngọn cỏ xanh nhạt. Những nhánh cây trong rừng cũng bắt đầu xuất hiện những mầm non xanh mịn như nhung. Những lá cây nhỏ dài cũng bắt đầu trồi ra trên cây hạnh nhân và cây dương, còn những cành liễu cạnh bờ hồ cũng đã treo đầy những mầm non nhỏ nhắn.

Giữa sông một bầy vịt vui vẻ nô đùa kiếm ăn, những chú trâu nước chở trên lưng những chú bé mục đồng cũng chậm rãi khoan thai nghỉ ngơi trong hồ nước, thanh thản mà hưởng thụ không khí ấm áp của mùa xuân. Đấy chính là bức tranh mang đầy sức sống đầu xuân.

Trên đường mưa bụi mênh mang, từng đoàn người cười ngựa trên đường từ phương xa tới. Đi cùng với họ là một vài chiếc xe bò, cũng chậm rãi khoan thai hướng về phía gia thôn họ Bùi ở bên ngoài cách đó vài dặm.

Trong một lớp học mới được xây dựng lên ở Bùi gia thôn, ba mươi mấy đứa trẻ khoảng sáu tuổi đang lớn tiếng đọc thuộc lòng “luận ngữ”:

- Tử viết, học nhi thời tập chi...

Dưới gốc cây hòe già như tán che trong sân trường, một ông già gầy yếu híp mắt chăm chú trông bọn trẻ đọc sách. Ông lão già nua mà có ánh mắt đầy hi vọng đó dường như là một lão làm vườn đang chờ đợi những mần non mới nảy lên.

Ông lão đó chính là Bùi Củ, y trở về quê đã được một thời gian khá lâu rồi, lòng dạ y đã hoàn toàn yên tĩnh lại, tạm thời quên đi những chuyện tranh quyền đoạt lợi của triều đình.

Y đem tất cả tâm tư của mình đặt lên trên việc dạy học cho con cháu họ Bùi. Bất kể là những đứa trẻ chỉ mới năm tuổi hay là những thanh thiếu niên đã mười mấy tuổi, hay là những con cháu trẻ tuổi hăng hái, y đều muốn quan tâm tới. Bất luận là thứ lẽ, đều đối xử bình đẳng và đều đem tới cho bọn họ những điều kiện học tốt nhất. Y cũng mời những nhà Nho tốt nhất, dù phải bỏ ra bao nhiêu tiền thì y cũng cam tâm tình nguyện.

Chỉ có điều sau Tết, cơ thể Bùi Củ đột nhiên trở nên già yếu. Y cũng tự cảm thấy sinh mạng mình đang từng ngày trôi qua, những ngày mà y có thể lưu lại nhân gian này cũng không còn nhiều nữa.

Bùi Củ đến lúc này thì cũng không còn điều gì có thể lưu luyến, chỉ cần nhân tài họ Bùi xuất hiện lớp lớp như vậy thì triều đình mới sớm muộn gì cũng có một vị trí nho nhỏ cho họ Bùi. Cũng chỉ cần hoàng hậu và thái tử không ngã thì ngày đó sớm muộn rồi cũng sẽ tới. Mặc dù y không thể trông thấy ngày đó nhưng y biết được xu thế và tình hình như vậy.

Ngồi dưới gốc cây một lát, Bùi Củ có chút mệt mỏi, liền chống gậy đứng dậy đi ra ngoài lớp học, vừa đi tới cửa thì có một thanh niên khoảng hai ba mươi tuổi hăng hái chạy tới, suýt nữa thì đụng phải Bùi Củ.

Người thanh niên đó sợ tới mức quỳ sụp xuống:

- Trọng tôn vô lễ, đụng phải tằng tổ phụ (cụ)!

Gã thanh niên này tên là Bùi Chiêu là con thứ của trưởng tôn Bùi Tấn, cũng là một người chắt trai mà Bùi Củ quý nhất, thông minh hơn người. Mới mười hai, mười ba tuổi nhưng tài học xuất chúng, do tuổi của y với Dương Ninh xấp xỉ nhau, Bùi Củ đặt hi vọng rất lớn của Bùi gia lên người y.

Bùi Củ tủm tỉm cười nói:

- Chắt tên tiểu hầu tử này (con khỉ nhỏ này), vội vàng hấp tấp, lửa cháy tới đằng sau hay sao?

- Không phải, hổi bẩm tằng tổ phụ, là tam tổ phụ đã về, con đặc biệt chạy tới đây bẩm báo.

Tam tổ phụ là đứa con trai thứ ba Bùi Văn Cử của Bùi Củ. Y một mực ở lại Giang Nam làm ăn. Cuối cùng thì y cũng đã trở về sao?

Bùi Củ vui mừng, vội vàng nói:

- Mau mau đỡ ta đi coi xem sao.

Bùi Chiêu vội vàng đứng dậy đỡ tằng tổ phụ, chậm rãi đi ra khỏi lớp học.

Mấy cỗ xe ngựa dừng lại trước cửa lớn của lớp học. Bùi Văn Cử và đám tùy tùng phong trần trở về từ Giang Nam vẫn ngồi trên lưng ngựa. Giang Nam là mảnh đất buôn bán phồn thịnh của đại Tùy, Bùi gia cũng có rất nhiều sản nghiệp ở Giang Nam, mấy chục cửa hàng, mấy ngàn khoảnh vườn trà, mỗi năm cũng thu được một món lời tương đối cho Bùi gia.

Một sản nghiệp lớn như vậy thì đương nhiên cũng cần phải có một nhân vật trọng yếu đến để giữ gìn cho nên do người con trai thứ ba của Bùi Củ là Bùi Văn Cử tới đảm nhiệm quản lý.

Bùi Văn Cử năm nay đã ngoài năm mươi, dáng người bậc trung, dáng người gầy gò mảnh khảnh. Y không có cơ hội nào làm quan hết nhưng y lại rất có đầu óc buôn bán, khôn khéo tài năng, năng lực siêu quần, quản lý việc buôn bán của Bùi gia rất ngăn nắp.

Đúng lúc này, lão quản gia nói với bọn họ:

- Tam lão gia mời xuống ngựa, lão thái gia đã ra quy định, bất cứ là ai đều phải xuống ngựa trước cửa lớp học, để thể hiện sự kính trọng đối với tiên sinh.

Bùi Văn Cử cuống quýt xuống ngựa, mười mấy thủ hạ của y cũng theo đó xuống ngựa. Trong lớp học đột nhiên có tiếng bước chân người truyền tới, Bùi Cử được chắt trai Bùi Chiêu đỡ đi ra. Bùi Văn Cử liếc nhìn phụ thân, thấy thân thể y suy yếu khác thường, đã như ngọn đèn trước gió, trong lòng y thấy rất buồn, liền vội vàng tiến lên trước quỳ xuống:

- Văn Cử thỉnh an phụ thân!

Những thủ hạ phía sau cũng lần lượt quỳ xuống:

- Tham kiến gia chủ!

- Tất cả đứng lên đi.

Bùi Củ để cho mọi người đứng dậy, y lại đưa mắt nhìn người con trai, trong lòng vui mừng, vội khoát tay cười nói:

- Tam lang cũng đứng dậy đi!

Bùi Văn Cử đứng lên đỡ lấy phụ thân. Bùi Củ cười nói:

- Chúng ta về phủ nói chuyện.

- Dạ!

Bùi Văn Cử, Bùi Chiêu người trái người phải, đỡ lấy Bùi Củ chậm rãi đi vào trong phủ....

Trở về phòng, Bùi Củ ngồi xuống. Sự trở về của người con trai khiến ông rất vui, tình thần cũng vì thế mà phấn chấn khác thường. Y nói với Bùi Chiêu:

- Con đi học đi! ở đây không cần phiền tới con nữa.

- Chắt cáo từ!

Bùi Chiêu thi lễ, lại khom người nói với Bùi Văn Cử:

- Tam tổ phụ, cháu cáo từ.

- Ừ, đi đi!

Bùi Văn Cử nhìn theo y đi xa, rồi vuốt râu nói với phụ thân nói:

- Đứa trẻ này khá lắm, biết lễ ung dung, rất có tiềm năng.

Bùi Củ thở dài nói:

- Trong đám con cháu Bùi gia, chỉ có thế hệ các con là tương đối yếu, chỉ có một Bùi Thế Thanh, còn có một võ tướng Bùi Nhân Cơ không tồi. Trong khi trong thế hệ các cháu, lại xuất hiện không ít nhân tài. Mẫn Thu thì ta không nói, như Tấn Nhi, Thanh Tùng, Hành Nghiễm những người này cũng có thể coi là những con người tài ba. Nhưng cuối cùng thì không có lấy một tướng tài. Ta rút ra kinh nghiệm xương máu, phát hiện ra trong việc dạy học của Bùi gia ta xuất hiện sự lệch lạc, quá chú trọng tới Bùi học mà coi thường gia học, bồi dưỡng rất nhiều con cháu môn hạ nhưng con cháu Bùi gia liền trở nên rất bình thường, cho nên ta muốn thay đổi sự lệch lạc này. Mỗi năm Bùi gia thu tiền lương bốn thành (4/10) thì đều cần đầu tư vào việc học của con cháu Bùi gia. Ta tin rằng trải qua nỗ lực mười mấy năm thì Bùi gia ta sau này nhất định sẽ có nhiều người tài xuất hiện. Từ trên người Chiêu nhi, ta cũng đã nhìn thấy hi vọng rồi.

Bùi Văn Cử vẻ mặt hổ thẹn nói:

- Là hài nhi vô năng khiến phụ thân thất vọng.

- Ta không thất vọng về con, con rất có tài, vì nền giáo dục của Bùi gia sau này mà kiếm lấy số tiền đầy đủ, con chính là công thần của Bùi gia.

“Công thần của Bùi gia”, những chữ này khiến Bùi Văn Cử lặng lẽ cảm động trong lòng. Bùi Củ cười:

- Không nói chuyện này nữa, nói ta xem tình hình ở Giang Nam! Nghe nói bên đó đang có chiến tranh, Dương Nguyên Khánh tự mình đến Giang Nam, nói cho ta biết.

- Hồi bẩm phụ thân, khi hài nhi rời khỏi Giang Nam thì hắn vẫn chưa tới. Khi hài nhi tới quận Lương thì nghe được tin, Dương Nguyên Khánh đã diệt Lý Mật, nên bên Giang Nam hiện giờ hẳn là đã ổn định rồi.

- Ừ! Quả nhiên không nằm ngoài dự đoán của ta.

Bùi Củ gật gật đầu khen nói:

- Dương Nguyên Khánh quả thật rất quyết đoán, có đầu óc chiến lược, diệt kẻ yếu trước sau đó mới diệt kẻ mạnh. Nếu ta đoán không sai thì bước tiếp theo của hắn là đánh Kinh Tương, sau đó là Ba Thục, cuối cùng mới đánh tới Trường An, hạ thành Giang Nam. Thật ra thiên hạ đại cục đã định rồi.

Nói đến đây, Bùi Củ lại thở dài:

- Nói tới triều đình nhà Đường vốn rất có tiền đồ, có quý tộc Quan Lũng ủng hộ, lại chiếm được vùng đất Long Hưng Quan Lũng, lại còn cả vùng đất Ba Thục dồi dào. Tình thế này giống như triều Tần thời kỳ Chiến quốc. Nếu như tướng sĩ hết mình phục vụ, quân thần hợp ý nhau, tôn thất đoàn kết, như vậy thì hươu chết về tay ai, thật sự vẫn còn chưa biết được. Chỉ tiếc là, nội chiến trong triều đình đã hủy đi tiền đồ tốt đẹp đó, triều đình nhà Đường đã đi thì không thể trở lại rồi!

- Phụ thân cho rằng tại sao triều đình nhà Đường lại xuất hiện cục diện nội chiến này chứ?

- Đây thật ra thuộc về trách nhiệm của Lý Uyên. Ngay từ đầu y không nên phong cho Lý Thế Dân làm Tần Vương, có thể phong Lý Thế Dân làm Tấn vương, Yến vương, Ngụy vương đều được, duy không thể phong cho y làm Tần vương. Tần vương là người đứng đầu Quan Lũng, thông thường chỉ có thái tử trước khi nhập Đông cung mới có thể phong Tần vương hoặc là Ung vương. Ban đầu, Lý Uyên phong Lý Thế Dân là Tần Vương, tức là đã có suy nghĩ sửa lại lập y làm thái tử. Triều đình nhà Đường náo loạn cũng chính là từ giây phút đó.

- Có lẽ là bởi vì Lý Kiến Thành tuổi quá lớn, uy hiếp được ngôi vị hoàng đế của Lý Uyên, có phải như vậy không?