Thiên Hạ Hữu Địch [Luận Anh Hùng]

Chương 26: Kháng long hữu hối (rồng cao hối hận)




“Thiên Hạ Đệ Thất” Văn Tuyết Ngạn không phải là một người dễ dàng thừa nhận thất bại.

Hắn hiểu rõ thành công không phải một bước lên trời, mà phải dựa vào tích lũy, thành công thật sự phải tích lũy từ thất bại.

Ngay từ đầu hắn đã không đi theo đường chính đạo. Mặc dù phụ thân hắn Văn Trương làm quan trong cung, nhưng hắn lại thất bại trong thi cử, đường quan văn đã đi không thông, hắn đành phải đi đường công danh khác.

Người khác càng xem thường, nhưng phàm là thứ có sức ảnh hưởng và uy lực thật sự, hắn đều cảm thấy rất hứng thú, rất dụng tâm học hỏi.

Phụ thân hắn có nhiều thê thiếp, mà mẫu thân hắn chỉ là thiếp thứ sáu của Văn Trương. Hắn vừa sinh ra đã chịu đủ sự khi dễ và đấu tranh của các phe phái trong nhà, hắn không thể nào chịu được loại sỉ nhục này. Bởi vì mẫu thân hắn là Ma thị xuất thân bần hàn, chỉ là một cô gái nông thôn, cho nên càng chịu hết ủy khuất, cuối cùng sầu não mà chết. Hắn thì thường xuyên bị huynh đệ tỷ muội cùng cha khác mẹ ức hiếp, hắn không phục, cho nên rời nhà ra đi, ngay cả một tiểu muội còn ở lại Văn gia hắn cũng mặc kệ.

Mỉa mai là con cái các hệ của Văn gia, nam thì dáng vẻ tuấn tú, nữ thì dáng vẻ xinh đẹp, cho dù không tuấn tú, không xinh đẹp thì cũng có một vẻ ngoài đường đường, phong độ tiêu sái, chỉ có hai mẹ con Văn Tuyết Ngạn là hình dáng khiến người không dám khen ngợi.

Nguyên lai, Văn Trương muốn kết hôn với người thiếp thứ sáu Ma thị này, là do được tướng sĩ chỉ điểm. Thầy tướng kia rất nổi danh, người giang hồ xưng là “Thảm đại sư”, y cho rằng Văn Trương đã hưởng hết diễm phúc nhân gian, e rằng không thọ, cho nên nhắc nhở Văn Trương, nếu khống thể khống chế được thì phải lấy thêm vợ, nên lấy một người xấu xí thấp hèn để bổ sung âm vụ.

Văn Trương nghe lời y, vì vậy đã cưới Ma thị.

Ma thị không xinh đẹp, cho nên sinh con trai cũng không tuấn tú, cộng thêm thiên tính u sầu, cử chỉ lời nói càng khiến người ta không rét mà kinh, mọi người đều rất không thích hắn.

Nhất là sau khi xảy ra hai chuyện, Văn gia trên dưới càng khinh bỉ căm ghét hắn.

Một chuyện là hắn muốn tranh giành với bào muội Tuyết Ngưng do tam nương sinh ra, bị con trưởng Văn gia là Văn Tùy Hán đánh đập một trận. Chuyện thứ hai là hắn lại đi rình xem con gái một của nhị nương dáng vẻ đoan chính xinh đẹp là Tuyết Sương tắm rửa, lần này hắn bị phụ thân Văn Trương phát hiện, đánh cho một trận, đuổi ra khỏi nhà.

Từ đó hắn cũng không trở về nữa.

Ngược lại muội muội của hắn tướng mạo lại giống cha không giống mẹ, thuần khiết xinh đẹp, rất được người trong nhà yêu thích, vẫn ở lại Văn gia, cho đến khi Văn Trương qua đời, cũng không biết đi đâu.

Sau khi Văn Tuyết Ngạn rời nhà, hắn quyết chí phải vượt trội xuất sắc hơn tất cả người của Văn gia, tự gây dựng một phen sự nghiệp.

Chuyện này cũng không dễ dàng.

Hắn biết ở trên giang hồ, nếu như không có núi lớn để dựa, cũng chỉ có cách tu luyện một thân công phu hơn người, mới có thể đặt chân trong võ lâm.

Cho nên hắn hạ quyết tâm khổ luyện.

Hắn từng lên Thiếu Lâm bái sư, bền bền vững vững bắt đầu luyện từ gánh nước gánh bùn.

Hắn từng luyện kiếm pháp của Thanh Thành phái, khinh công của Nhạn Đãng phái, lại luyện thủ pháp điểm huyệt của Điểm Thương phái, ngay cả đao pháp của năm nhà Bành, Tập, Triệu, Miêu, Vương, hắn đều từng xem qua.

Nhưng không được.

Hắn biết không thể tự thành một trường phái riêng.

Không thể tự thành một phái, vậy thì không thể riêng một ngọn cờ, dương danh lập hiệu.

Thế là, hắn quyết chí cũng thề phải tu luyện một số tà môn kỳ pháp, võ công ngoại đạo tương đối hiếm thấy, ít người luyện, thậm chí bị người ta xem thường, nhưng lại rất thực dụng, rất có sức chiến đấu.

Hắn muốn trước tiên luyện thành một hai loại võ công chuyên môn.

Hắn muốn thành công thì phải khổ công.

Hắn tiến hành quy nạp tất cả kiếm pháp và võ công, phát hiện đây chẳng qua là hình thức, kỹ xảo đẹp mắt, còn muốn đối phó với người khác, muốn đánh bại đối thủ cực kỳ lợi hại, nhất định trước tiên phải giành được ưu thế.

Nên biết chiến đấu giữa cao thủ, giành được một phần ưu thế, thông thường sẽ có thể xoay chuyển càn khôn. Cao thủ đánh nhau, chỉ cần một sai lầm nhỏ là có thể phân thắng bại.

Nếu như cao thủ gặp phải thấp thủ, có thể dễ dàng đánh bại. Nhưng càng là cao thủ, kẻ địch của hắn nhất định cũng là cao thủ, vậy thì một chút khác biệt này đủ để định sinh tử, phân thắng bại.

Do đó, Thiên Hạ Đệ Thất nắm bắt mấu chốt giao chiến, đó là trước tiên phải đoạt được tiên cơ, giành được ưu thế, chiếm được thượng phong, sau đó mới ra tay.

Hắn quy nạp võ công sở học thành một loại kiếm pháp, đường kiếm pháp này trước tiên phải giành được ưu thế, sau đó mới rút kiếm, khí thế của kiếm thắng lợi, tên của nó là “Thế kiếm”.

Kiếm chỉ là hình thức, thế mới là chủ thể.

Một khi đã chiếm được đại thế, đối phương sớm muộn gì cũng trở thành vong hồn dưới kiếm của hắn.

Hắn đã luyện thành “Thế kiếm”.

Không, là hắn sáng tạo ra “Thế kiếm”, phát minh ra một loại kiếm thuật “dùng thế làm đầu”.

Hắn từng dùng loại kiếm pháp này giết chết Thiên Y Hữu Phùng.

Hắn cũng dùng kiếm pháp này chiếm được sự coi trọng của đệ nhất cao thủ bên cạnh Thái Kinh khi đó, cũng là tổng giáo đầu Nguyên Thập Tam Hạn, đặc biệt truyền cho hắn một loại tuyệt kỹ.

Nhưng tuyệt kỹ chỉ có một loại.

Trong Tự Tại môn, bất kỳ đồ đệ nào cũng chỉ có thể học một loại tuyệt kỹ, còn lại đều phải tự mình tu hành. Mà sau khi sư phụ truyền tuyệt học này cho môn sinh, cả đời cũng không được dùng lại, nếu không chính là làm trái với quy định của sư môn, sẽ bị báo ứng.

Thiên Hạ Đệ Thất có một dạo từng làm môn hạ của Nguyên Thập Tam Hạn, nhưng rất nhanh hắn đã không thõa mãn với chỉ một loại tuyệt kỹ.

Hắn muốn cả người đầy tuyệt kỹ.

Mặc dù Nguyên Thập Tam Hạn từng khuyên bảo hắn:
- Tuyệt kỹ chân chính chỉ cần một loại, luyện đến tốt, luyện đến tinh, luyện đến xảo, luyện đến thiên hạ vô song, vậy cũng đủ thành đại danh, lập đại nghiệp. Không nhất định phải mọi đường đều thông, mọi thứ đều tinh. Tham nhiều sẽ không tốt, chỉ cần học tốt một loại đã đủ xưng hùng võ lâm rồi.

Nhưng Thiên Hạ Đệ Thất lại không nghe lọt những lời này.

Hắn có chí lớn, hắn không cam lòng.

Hắn là loại người cho dù làm chính phái hay tà phái, cũng phải làm nhân vật hạng nhất trong đó. Cho dù làm kẻ xấu, cũng phải làm đại gian đại ác.

Cho nên sau khi hắn học xong bí pháp độc môn “Ngàn mặt trời trong tay” của Nguyên Thập Tam Hạn, lại đi gặp dư nghiệt của Quyền Lực bang, dùng bí kỹ này đổi một loại ám khí tuyệt độc có thể khiến cho quỷ khóc thần gào, người trúng chắc chắn sẽ chết, ngay cả Thục Trung Đường môn cũng không thể nghiên cứu chế tạo ra được. Sau đó hắn lại dâng ám khí này cho Lôi môn, được “Kiến Long Tại Điền” Lôi Úc khen ngợi, đổi cho một loại hỏa khí gọi là “Hỏa Hổ”.

Thoáng cái, Thiên Hạ Đệ Thất đã sở hữu nhiều loại “quân bài sát thủ”. Hắn vốn đã là nhân vật nổi bật xuất chúng trong tà đạo, hiện giờ lại càng không gì cản nổi.

Hắn dùng tuyệt kỹ bí truyền của Tự Tại môn đổi lấy võ công, binh khí khác, dĩ nhiên biết Nguyên Thập Tam Hạn sẽ không bỏ qua cho hắn. Do đó hắn đã hành động trước, hiệp trợ Thái Kinh, lại ám sát “những kẻ nhó nhằn” tại kinh sư và mấy thành trấn lớn khác, nhất là hảo thủ trong Lục Phiến Môn có “ăn khớp” với Tứ Đại Danh Bổ và Gia Cát tiên sinh. Năm đó trong con hẻm gần Hoàng Hạc lâu, Vương Tiểu Thạch từng thấy hơn mười hảo thủ công môn trong chốc lát đều chết ở góc đường, chính là một trong những “chuyện tốt” mà Thiên Hạ Đệ Thất đã làm.

Văn Trương vừa chết, hắn lại nương nhờ Thái Kinh.

Hắn giúp Thái Kinh tiêu diệt một vài kẻ “không nghe lời” mà lại không tiện “công khai xử lý”.

Đúng như hắn lý giải, thành công không thể dựa vào một bước lên trời, trước tiên phải bồi dưỡng mình có bản lĩnh và tài năng hơn người.

Nhưng đó chỉ là bước đầu tiên.

Nếu như muốn có thành tựu phi phàm, còn phải có bối cảnh và chỗ dựa.

Về điểm này, “Thiên Hạ Đệ Thất” Văn Tuyết Ngạn và Bạch Sầu Phi lại rất tương tự.

Bạch Sầu Phi có chí lớn, có dã tâm, vùng vẫy bò lên, nhưng bởi vì số mệnh trắc trở, tuy có tài năng hơn người, nhưng mỗi lần phấn đấu đi lên cuối cùng đều xảy ra bất trắc, sắp thành lại bại. Cho nên, hắn muốn đạt được thành tựu to lớn thì phải ác độc, tàn nhẫn, không chừa thủ đoạn.

Hắn không có lựa chọn, bởi vì hắn đã lựa chọn.

Người sống trên đời, nhất định phải có thành tựu, tất cả những thứ khác đều có thể hi sinh, đều có thể bỏ sang một bên.

Ai ngăn cản, hắn sẽ hủy diệt người đó.

Cách làm thẳng tiến không lùi, một mất một còn này của hắn, rất dễ khiến người ta khó chịu và nghi ngờ.

Do đó hắn từng mấy độ “rồng bay lên trời”, nhưng cách làm tự đại, tự thân và tự tư (ích kỷ) lại khiến cho hắn trở thành “rồng cao hối hận”, đến cuối cùng người bị hủy diệt lại là chính hắn.

So với Bạch Sầu Phi, Thiên Hạ Đệ Thất càng thâm trầm, càng không chừa thủ đoạn.

Bạch Sầu Phi còn nguyện ý chọn con đường sáng, ít nhất hắn muốn hô mưa gọi gió dưới mặt trời, nhìn thấy được người, cũng ứng phó được việc, trấn áp được trường diện.

Thiên Hạ Đệ Thất lại không phải.

Hắn đã chết tư tưởng này.

Bởi vì hắn xuất thân “hèn mọn”, cho nên đã sớm tự nhận là “nhân vật trong bóng tối”, cũng tình nguyện trở thành “thế lực trong bóng tối”. Khi hắn dùng ánh sáng cực kỳ chói mắt hiện ra trên thế gian, kẻ địch nhất định sẽ chết trong tay hắn.

Thứ hắn muốn là “thế”, chứ không phải “danh tiếng”.

Cho nên tuy hắn không “phong quang” như Bạch Sầu Phi, nhưng cũng không lên nhanh xuống nhanh. Từ khi quật khởi, hắn vẫn luôn giống như một âm hồn, quỷ hồn, ai cũng sợ hắn, không ai có thể hiểu được hắn, cũng không ai có cách trừng trị hắn.

Hắn vẫn đáng sợ, thâm trầm.

Thậm chí ngay cả Thái Kinh cũng không hiểu rõ “nội tình” của hắn.

Nhưng Thái Kinh lại biết, Bạch Sầu Phi một khi lớn mạnh, ổn định vị trí minh chủ võ lâm kinh thành, nói không chừng sẽ vì danh vì quyền mà cả gan tạo phản, người đầu tiên có thể phản bội diệt trừ mình chính là hắn.

Thiên Hạ Đệ Thất lại rất khiêm tốn, cũng rất nghe lời.

Hơn nữa còn rất hữu dụng.

Hắn đã giết “Thiên Y Hữu Phùng” Hứa Thiên Y, giúp Thái Kinh trừ đi cái đinh số một trong mắt, lại giúp phe phái Thái Kinh đả kích thế lực của Lạc Dương Ôn Vãn xâm nhập kinh thành. Hơn nữa còn khiến Thiên Y Cư Sĩ đối đầu với Nguyên Thập Tam Hạn, tiêu vong lẫn nhau, giúp đám người Thái Kinh, Vương Phủ, Chu Lệ thuận lợi tiêu diệt những kẻ địch võ công cao cường như “Thiên Y Cư Sĩ” Hứa Tiếu Nhất, hoặc là giải quyết họa ngầm “công cao lấn chủ” như “Đại Ma Thân” Nguyên Thập Tam Hạn.

Thực ra, Nguyên Thập Tam Hạn vốn không hạ lệnh giết con trai của Thiên Y Cư Sĩ là Thiên Y Hữu Phùng, Thiên Hạ Đệ Thất là vâng lệnh Thái Kinh hạ độc thủ. Nhưng Nguyên Thập Tam Hạn nổi tiếng là che chở môn đồ, Thiên Hạ Đệ Thất lại có một dạo từng làm môn hạ của hắn, dĩ nhiên hắn phải gánh vác chuyện này. Một khi sư huynh đệ Nguyên Thập Tam Hạn và Thiên Y Cư Sĩ giao chiến, kết quả tất nhiên chỉ có mấy loại. 

Một là Nguyên Thập Tam Hạn chết. Thái Kinh đã sớm phát hiện, những năm gần đây Nguyên Thập Tam Hạn đã dần thu mũi nhọn, tính nóng, có ý giảng hòa với sư huynh Gia Cát tiên sinh. Hơn nữa võ công của hắn cao tuyệt, cánh chim đã lớn, Thái Kinh đã sớm có ý diệt trừ hắn.

Hai là Thiên Y Cư Sĩ chết. Hứa Tiếu Nhất vừa chết, sẽ cắt đứt “đường lui” của Vương Tiểu Thạch, bởi vì ân sư của Vương Tiểu Thạch là “Thiên Y Cư Sĩ” Hứa Tiếu Nhất. Khi đó phe phái Thái Kinh cho rằng, chỉ với một mình Vương Tiểu Thạch, do dự thiếu quyết đoán, làm việc không đủ ác, vậy thì không đáng sợ.

Ba là Nguyên Thập Tam Hạn và Thiên Y Cư Sĩ giao chiến, Gia Cát Tiểu Hoa nhất định không thể ngồi yên. Làm cho Gia Cát tiên sinh bận rộn đấu tranh, thuận tiện loại trừ tiêu diệt y cũng tốt. Nếu không thì để cho Lục Hợp Thanh Long của Nguyên Thập Tam Hạn đại chiến với Tứ Đại Danh Bổ của Gia Cát thần hầu, đấu đến ngươi chết ta vong, ngọc nát đá tan càng tốt.

Tóm lại, Nguyên Thập Tam Hạn và Thiên Y Cư Sĩ liều mạng, cho dù kết quả thế nào, đám người Thái Kinh vẫn có tay khoanh tay đứng nhìn, trăm lợi mà không một hại.

Người có thể khiến cho hai đại cao thủ nổi danh trong võ lâm giao chiến, thậm chí dẫn phát “Nguyên phái” và “Gia Cát môn hạ” tại kinh sư tranh đấu, chính là Thiên Hạ Đệ Thất.

Hắn chỉ cần giết chết Hứa Thiên Y, lập tức có thể gây ra trận long tranh hổ đấu này.

Bởi vì Thiên Y Cư Sĩ tu dưỡng có tốt, tu vi có cao, cũng không cách nào chịu được nỗi đau tuổi già mất con.