Tô Châu vào tiết thanh minh, dọc Thủy Kính Hồ liễu rũ cúi đầu,
mặt hồ nước xanh biếc được tô điểm bằng sắc sen hồng đua nở, rực rỡ cả khung trời,
nhìn từ xa như một bức tranh thủy mặc hữu tình động lòng người. Trên bờ hồ, một
văn nhân thư sinh áo xanh trầm mặc ngước mắt nhìn về phía xa xa, đôi mắt ước ẩn
ba phần buồn rầu. Bên tay trái là một cậu bé chỉ tầm mười mấy tuổi đầu, khuôn mặt
rạng rỡ, miệng mỉm cười, đôi mắt sáng bừng liên láo ngó xung quanh. Một lúc
sau, văn nhân áo xanh khẽ thở dài, đoạn cất tiếng ngâm:
Liên hoa phù thủy thượng,
Kính Hồ khắc tịch dương.
Trung lưu quang sầu ảnh
Thi nhân tích diện sương.
(Tạm dịch:
Mặt nước nổi nhẹ hoa sen,
Kính Hồ như cũng say men bóng chiều,
Giữa dòng in nỗi cô liêu,
Khách thơ gương mặt phủ nhiều phong sương. )
Cậu bé nghe được mấy câu thơ đó gương mặt lém lỉnh khẽ nhăn
nhăn lại vẻ đáng yêu vô cùng. Giật tay áo văn nhân, khẽ cất tiếng: “Có chuyện
gì khiến cho cha buồn đến vậy?”
Người cha nhìn con trai, sau đó cất tiếng: “Phong nhi! Có một
chuyện về Tư Mã Tương Như, con có muốn nghe không?”
Cậu bé cười mỉm: “Có chuyện gì cha kể mà con lại không muốn
nghe đâu!” Sau đó lại khẽ mỉm cười tinh quái: “Cha kiến thức sâu rộng như trời
biển, chuyện gì người kể mà chẳng hay cơ chứ.”
Văn nhân áo xanh nghe vậy bất chợt phì cười : “Cái thằng tiểu
quỉ này! Chỉ giỏi hồ ngôn loạn ngữ, nói toàn điều nhảm nhí.” Nói đoạn ông ngước
mắt về phía xa xa, đoạn âm trầm cất tiếng : “Con có biết Tư Mã Tương Như là người
như thế nào không?”
Cậu bé đáp: “Chẳng phải cha đã kể cho Phong nhi nghe về người
này rồi sao. Ông ta là một tài tử đời Hán nổi tiếng tài hoa đa tình, vì say mê
nhan sắc của Trác Văn Quân mà viết nên khúc Phượng Cầu Hoàng nổi tiếng ngàn năm
mà?” – Nói xong, lại nhìn người cha mỉm cười: “Hi hi, nhi tử có nghe Lưu thúc
thúc nói cha là Tư Mã Tương Như đời thứ hai đó?”
Người cha nghe xong chỉ lắc đầu, đoạn chầm chậm cất tiếng
nói khẽ: “Tương Như cái gì chứ! Chẳng qua Lưu thúc của con hết việc nên mới nói
lung tung thế thôi. Để cha kể cho con nghe chuyện này.”
Triệu Vũ từ từ nói: “Tư Mã Tương Như tài tử nước Thục đến
Trường An lần thứ hai. Không lâu sau vận đạt quan thông, được Hán Vũ Đế tin
dùng bổ nhiệm làm Trung lang tướng. Vừa vào cửa rồng tiền tài của cải tăng lên
gấp trăm ngàn lần, từ đó ông đam mê tửu sắc, lao vào cuộc sống vàng son hưởng lạc.
Còn cho rằng vợ mình là Trác Văn Quân không còn tương xứng, thế là trăm phương
ngàn kế nhằm bỏ vợ để lấy một thiên kim tiểu thư khác.”
Cậu bé nghe đến đây lắc đầu cười: “Như vậy thì cha làm sao
giống Tư Mã Tương Như ở điểm này.” – Đoạn cười tinh nghịch ra vẻ: “Chẳng phải cả
cuộc đời cha chỉ có thương mẹ nhất mà!”
Người cha lần này co co nét mặt ra vẻ bực tức nhưng lại vẫn
mỉm cười: “Chỉ được cái mồm năm miệng mười. Có để cho ta kể nốt không?”
Cậu bé nghe đến đây túm lấy tay cha mình, cổ rút lại ra vẻ sợ
hãi: “Vâng, lần này Phong nhi không nói gì nữa là được chứ gì.” – Nói đoạn cái
miệng nhỏ dễ thương thoáng lên nét cười, nhìn vẻ mặt đáng yêu vô cùng.
Văn nhân áo xanh nói tiếp: “Tương Như thì vậy, Trác Văn Quân
ở cách xa ngàn dặm, đâu có biết là chồng đã thay lòng đổi dạ nên ngày đêm vẫn
mong chờ. Năm năm sau, Trác Văn Quân đang khóc thầm bỗng có một viên quan từ
Kinh thành được phái đến, đưa cho bà một phong thư có đóng dấu niêm phong to tướng
và truyền đạt lời Tư Mã Tương Như dặn là phải trả lời thư.
Văn Quân vừa mừng vừa lo, bóc thư ra xem, thì ra là một tờ
giấy trắng chỉ viết mấy hàng đại tự “nhất- nhị - tam – tứ - ngũ – lục – thất –
bát – cửu – thập – bách – thiên - vạn”, ngay lập tức hiểu ngay ra chồng đang muốn
gây chuyện. Một phút đau khổ, liền viết thư trả lời ngay. Đưa cho viên quan
mang về.
Họ Tư Mã kia đang tự mãn vì gây khó dễ được cho vợ, nào ngờ
đâu rằng thư trả lời lại chóng vánh đến vậy nên vội vàng bóc thư ra xem. Xem
xong mắt mờ đi. Thì ra Văn Quân đã tài tình dùng những con số trong thư của
ông, viết thành một bức thư đẫm lệ có nội dung như sau: “Một là sau khi chia
tay, hai là chỉ có nhớ nhung lưu luyến, chàng chỉ nói có ba bốn tháng nào ngờ
đã năm sáu năm. Gảy đàn bảy dây như người không hồn, tám dãy sách đều không thiết,
đứt chín khúc ruột, mười dặm trường đình mỏi mắt muốn qua. Trăm tư tưởng, ngàn
quan niệm, vạn điều chỉ oán lang quân. Ôi lang quân, hỡi lang quân! Thôi để kiếp
sau chàng là nữ để thiếp làm nam vậy.”
Nói xong, ông cúi đầu nhìn con trai mỉm cười: “Phong Nhi,
con đoán xem là đọc xong bức thư đẫm lệ kia họ Tư Mã sẽ phản ứng thế nào?”
Cậu bé cười tinh nghịch: “Chắc là bực mình quá nên xé bức
thư, cười một lúc vài chục bà vợ cho đỡ cơn xấu hổ.”
Nghe đến đây người cha phì cười, gắt yêu: "Đừng nói nhảm
nhí linh tinh nữa, cha không có hứng thú đùa nữa đâu.”
Nói đoạn, ông tiếp lời: “Tương Như đọc xong bức thư vô cùng
xấu hổ, càng nghĩ càng thấy thương và có lỗi với người vợ tình nghĩa của mình.
Cuối cùng đã tự đánh xe tứ mã trở về đón Văn Quân lên kinh thành.”
Nói đến đây ông thở dài: “Ôi! Một tài tử nặng tình như Tương
Như có ngờ đâu khi tiền tài giầu sang quá mà cũng có ý tưởng manh nha thay lòng
đổi dạ. Lòng người thật đa đoan! Trời xanh có thấu được chăng!”
Cậu bé lại cười tinh nghịch: “Không phải là cha cũng sợ sau
này quá vinh hiển nên mới từ quan để hết lòng chăm sóc cho mẹ sao.” - Sau đó
cũng chắp tay, cố bắt chước dáng vẻ người cha, điệu bộ nhìn rất hoạt kê: “Ôi!
Thế gian lòng người đa đoan, hỏi trời xanh có thấu được chăng?”
Người cha không nhịn được, ông phì cười lần nữa : “Thằng tiểu
quỉ này! Không biết có phải tại sống cạnh Lưu thúc nhiều quá nên đâm ra gan
càng ngày càng to không? Dám hỗn cả với ta à! Không sợ một chưởng đánh nát cái
mông ngựa sao.” – Nói vậy song lại cười ha ha xem ra rất vui vì lời vừa rồi của
cậu bé.
Cậu bé lém lỉnh: “Ái chà! Xem ra Tư Mã Tương Như cũng là người
hạnh phúc vì có được người vợ tài năng tình nghĩa như vậy. Nhưng xem ra ông ta
cũng chỉ được xếp hạng đệ nhị thôi. Đệ nhất chắc phải là phụ thân đại nhân rồi!”
Người cha mỉm cười, sau đó trầm gương mặt, nghiêm khắc nhìn
cậu con trai: “Phong nhi, nghe xong câu truyện này con rút ra được điều gì ?”
Cậu bé nhìn gương mặt nghiêm khắc của người cha, không dám
đùa nghịch nữa, khẽ giọng trả lời: “Chẳng phải là người ta sống trên đời phải
tình nghĩa thủy chung trước sau như một sao.” – Vừa nói vừa quay sang nhìn phụ
thân mình.
Người cha nghe được câu này gương mặt giãn ra có vẻ rất hài
lòng. Sau đó ông nói nhẹ: “Ngẫm ra mà nói thì Tư Mã Tương Như là một tài tử hiếm
thấy. Khúc Phượng Cầu Hoàng của ông ta thật đáng là một nhạc phẩm thần tiên
thoát tục mà vẫn đầy vẻ phong tình. Nửa quyến luyến si mê, nửa lại nho nhã tiêu
sái. Thật đáng để người ta hâm mộ.”
Nói đoạn văn nhân áo xanh khẽ lẩm bẩm: “Một, hai, ba, bốn,
năm, sáu, bẩy, tám, chín, mười, trăm, ngàn, vạn. Ấy dà: Vạn, ngàn, trăm, mười,
chín, tám, bẩy, sáu, năm, bốn, ba, hai, một.” – Ngẫm một lúc, ông buột miệng:
“Vạn lời nghìn chữ không nói hết, trăm nỗi cô liêu biết tỏ cùng ai. Lên chín tầng
trời cao nhìn con nhạn lẻ. Tháng tám trung thu trăng tròn mà lòng người không
tròn, tháng bẩy thắp hương hỏi trời xanh, tháng sáu oi nồng người người cầm quạt
mà lòng mình giá lạnh, tháng năm thạch lựu như lửa bị từng trận mưa lửa dội xuống.
Tháng tư sơn trà chưa vàng mà soi gương thấy tâm ý loạn vội vội vàng vàng.
Tháng ba hoa đào theo nước trôi lênh đênh, tháng hai dây diều bị đứt. Tháng một
lòng thắt cơn đau bao nỗi xa cách mà tê tê tái tái.”
Nghe những lời nói đầy vẻ bi thương ấy trong một phút bất chợt
của văn nhân áo xanh mà làm người ta kinh ngạc về sự tài hoa của ông ta. Thảo
nào có người ví ông ta với Tư Mã Tương Như thật chẳng ngoa. Vị văn nhân áo xanh
này tên gọi là Triệu Vũ, đậu tiến sĩ làm quan dưới triều Gia Tĩnh. Ban đầu định
tận lực ra sức vì dân vì nước nào ngờ vào chốn quan trường mới biết lòng người
hiểm ác, triều đình hủ bại, lương dân lầm than. Ông đâm ra chán ghét, bèn cáo
quan mặc dù tuổi đời còn trẻ, dẫn nhi tử ngao du sơn thủy tiêu dao đó đây. Thật
khiến người ta ngưỡng mộ phẩm cách đó.
Còn cậu bé được gọi là Phong nhi - đó chính là nhi tử độc nhất
của Triệu Vũ, tên gọi Triệu Giang Phong. Bấy giờ cậu bé nghe người cha buột miệng
nói một tràng về Vạn- ngàn- trăm thì cảm giác rất mới mẻ, tự nhiên cũng cất tiếng
ngâm, giọng điệu rất đáng yêu và hồn nhiên :
Kim cổ vô cùng giang mạc mạc,
Anh hùng hữu hạn diệp tiêu tiêu.
(Dịch:
Xưa nay thời gian không cùng như dòng sông bát ngát.
Đời anh hùng có hạn như chiếc lá bay vèo vèo)
Đôi mắt ngước lên, Triệu Vũ động dung nhìn con trai mỉm cười:
“Tiểu tử. Câu này có phải là lời của Lưu thúc không?”
Cậu bé tự nhiên ưỡn ngực, mặt vênh lên ra vẻ tự hào: “Đương
nhiên là không. Cha không tin là hai câu thơ này là khẩu khí của Phong nhi sao!”
– Nói xong đoạn cười hi hi ra chiều đắc ý: “Con trai của cha tuổi trẻ tài cao
mà.”
Nghe được câu này, ông cười phì đưa tay xoa đầu con trai.
Cha con với nhau tự khắc biết thằng bé này tính tình tinh nghịch, hay đùa nhưng
tuyệt nhiên không phải là kẻ tự cao tự đại. Bất chợt nghĩ ra được điều gì, ông
cất tiếng với Giang Phong: “Phong nhi nếu tài cao như thế, hãy lấy mười con số
đó làm một bài thơ cho ta nghe xem nào!”
Cậu bé mím môi ra chiều nghĩ ngợi đoạn cất tiếng trong veo:
Một nàng Đại Kiều, hai nàng Tiểu Kiều
Ba tấc gót vàng, bốn tấc lưng eo
Đã mua năm, sáu, bảy hộp phấn,
Trang điểm được tám chín, mười phần đáng yêu.
Triệu Vũ nghe được câu này không nhịn được cười to: “Thằng
nhỏ này, mới tý tuổi đầu lại dám đi bắt chước cái vẻ đa tình này ở đâu thế!”
Giong điệu có phần trách mắng nhưng đa phần tiếng cười rất đỗi tự hào về con
trai mình.
Giang Phong chúm miệng: “Tự khắc là bắt chước cha mà. Cái
này là cha nào con nấy cùng một vẻ phong lưu đa tình, sao lại có thể trách mắng
con được chứ.”
Triệu Vũ cười ha hả: “Nói tầm bậy! Ta có bao giờ thế đâu. Thằng
tiểu quỉ này chỉ được cái mồm mép là không ai bằng. Có điều mới chút tuổi mà
thơ thơ thẩn thẩn thế thật làm người ta chết cười đi mà!”
Hai cha con vừa cười cười nói nói, nào ngờ đâu phút chốc mây
đen ùn ùn kéo đến, bầu trời chuyển sang màu u tối xám xịt. Xa xa ẩn ước tiếng sấm
nhì nhằng liên hồi. những vạch sáng chớp nháy liên tục như xé ngang bầu trời. Rồi
phút chốc một trận mưa tầm tã kéo đến. Khéo thay tiết trời bất chợt đổ cơn mưa
rào không báo trước một điều gì.
Trước tình huống hiện tại, gương mặt Triệu Vũ khẽ nhăn nhăn,
trái lại Giang Phong tươi cười: “Cha à! Tốt quá trời lại nổi cơn mưa.” – Nói rồi
không đợi ý kiến của cha mình chạy một vòng, hai cánh tay giang ra, mở toác miệng
ra vẻ thích thú vô cùng.
Triệu Vũ thấy thế giật giọng :”Phong Nhi! Đi theo ta lại tiểu
đình kia trú mưa.”
Nói xong ông nghiêng người túm lấy tay Giang Phong kéo về
phía mái đình ở phía xa xa. Chỉ thấy cậu bé phụng phịu: “Cha à! Người có thể
cho con nghịch mưa một chút được không?”
Triệu Vũ nhíu mày quát: “Có biết nghịch mưa sẽ ốm lăn ra
không! Sức khỏe con không được tốt lỡ mà lăn ra đấy ta biếtlàm sao cho phải
đâu.” Ông nói xong lại tiếp tục kéo tay Giang Phong chạy lại phía mái đình ở
phía xa xa.
Hai cha con Triệu Vũ vừa chạy đến mái đình thì cả người toàn
thân đã ướt như chuột lột. Giang Phong còn đang co mình lại xuýt xoa, song
gương mặt vẫn an nhiên nở nụ cười nhìn những bông nước lòa xòa nở ra trên mặt
nước, dường như rất thích thú. Bất chợt có một chuyện làm Triệu Vũ ngẩn người
ra, chỉ thấy phía trước mặt có một bóng trắng nhấp nhô. Rồi nhanh chóng định thần
lại, hóa ra đó là thân ảnh một trung niên thư sinh áo trắng đội mưa bước đi như
một bóng ma mờ ảo thoắt ẩn thoắt hiện, đang tiến về phía mái đình hai cha con
Triệu Vũ.
Lúc này Giang Phong cũng tròn mắt nhìn chuyện lạ đang xảy ra
trước mặt. Phút chốc nghe “xoạt” một tiếng. Trong tiểu đình xuất hiện thêm một
người tuổi trạc tứ tuần vận bạch y trắng toát, sống mũi cao và thẳng, hai đôi
mày chéo lên nằm trên đôi mắt sáng bừng song thân thiện, hiện ra vẻ vô cùng anh
tuấn tiêu sái. Điều đáng ngạc nhiên là dưới cơn mưa nặng hạt như trút ấy mà bạch
y người này chỉ lấm tấm đọng nước. Đồng thời bằng vào cách di chuyển vừa rồi
làm hai cha con Triệu Vũ lúc này vẫn đang ngẩn ngơ không kịp hiểu người vừa xuất
hiện là người hay là ma. Quan sát biểu tình của hai người khách đến trước mình,
bạch y thư sinh khẽ mỉm cười lên tiếng: “Tiểu đệ tên gọi Trần Mạnh Phi. Dám hỏi
cao danh vị huynh đài này là gì?”
Triệu Vũ nghe âm thanh nhẹ nhàng kia vang lên bên tai bất chợt
sực tỉnh, cong tay làm điệu bộ vái chào: “Không dám. Tại hạ tên là Triệu Vũ.”
Ông nói xong bất giác chỉ tay vào Giang Phong đoạn thốt:
“Còn đây là nhi tử của tại hạ, tên gọi Giang Phong”. – Nói xong đưa mắt nhìn vị
khách mới tới, trong ánh mắt dường như vẫn ẩn ước nhiều điều hiếu kì mà đến
chính ông cũng không hiểu nổi tại sao mình lại có thái độ như vậy.
Về phần Giang Phong, cậu đang tròn mắt nhìn vị khách mới đến
mắt không hề chớp. Thư sinh họ Trần tự nhiên ngước mắt nhìn về phía Giang Phong
với vẻ hiếu kì. Triệu Vũ dường như nhớ ra điều gì vột giật giọng: “Phong nhi!
Còn không mau đến bái kiến Mạnh Phi tiên sinh đi!”
Cậu bé có tên là Giang Phong nghe vậy đột nhiên nhíu mày lại
rồi sau đó mỉm cười: “Ái dà! Cũng thật là khó cho Phong nhi quá. Đột nhiên
không biết xưng hô là gì cho phải đạo nữa.” – Nói đoạn lại mỉm cười láu lỉnh:
“Không nhẽ bắt chước phụ thân đại nhân gọi là Trần tiên sinh?”
Nghe cậu bé thay đổi điệu bộ gương mặt nhanh chóng, còn ăn
nói rất hoạt bát nhanh nhẹn, Mạnh Phi sảng khoái phá lên cười. Triệu Vũ hơi trầm
gương mặt nhưng thấy biểu tình thoải mái như thế của vị khách mới đến nên cũng
không tiện trách nhi tử. Ông chỉ khẽ nhẹ giọng: “Nghịch tử quen được nuông chiều
nên hay nói càn. Mong Trần tiên sinh lượng thứ.”
Trần Mạnh Phi nghe câu này chỉ cười xòa: “Hài tử hiếu động
hoạt bát thế làm sao gọi là càn được.” – Rồi thong thả nhìn Hải Phong mỉm cười:
“Cứ gọi ta là Trần thúc thúc. Năm nay ta mới ba chín . Xem ra niêm kỉ của ta
còn kém phụ thân cháu vài tuổi.” Nói xong cung tay hướng về phía Triệu Vũ: “Tha
cho tiểu đệ nhiễu sự. Dám hỏi niên kỉ của Triệu huynh năm nay bao nhiêu rồi?”
Nhìn tác phong lịch thiệp và ung dung ấy của Trần Mạnh Phi,
Triệu Vũ bất giác có cảm giác gần gũi. Tính ông xưa nay phóng khoáng thoải mái
nên không khách khí mà đáp: “Triệu Vũ ta năm nay bốn nhăm tuổi. Nếu Trần huynh
đài không chê thì cứ gọi ta một tiếng Triệu huynh là được rồi!”
Trần Mạnh Phi nghe vậy mỉm cười: “Tiểu đệ cầu còn chẳng được
nữa là. Hơn nữa vốn đây là tác phong của dân giang hồ bọn đệ.” Anh ta nói xong
chợt cảm khái: “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách (Mưa không có dây buộc nhưng có
thể lưu được khách nhân). Tiểu đệ lang thang dọc bờ hồ Thủy Kính này tưởng rằng
mình độc khứ độc hành nào ngờ có cơn mưa nên tao ngộ gặp được Triệu huynh. Cái
này gọi là hữu duyên mà.”
Triệu Vũ nghe được vậy bất chợt hỏi: “Không biết Trần đệ là
người vùng nào mà khẩu âm nghe ra giống người Giang Nam vậy?”
Không chờ cho Mạnh Phi trả lời, Triệu Vũ buột miệng hỏi tiếp:
“Thứ cho tiểu huynh lắm lời, nhưng quả thực vừa rồi thấy cách di chuyển của Trần
đệ có phần rất kì lạ! “
Giang Phong nghe cha mình nói đến đây không nén được nữa. Quả
thực đây là vấn đề mà làm cho cậu bé tò mò nãy giờ nên cũng chen giọng : “Dường
như không phải là kì lạ mà là vô cùng cao minh kì ảo, vừa chỗ này đã thoắt chỗ
kia. Hơn nữa mưa to như vậy mà chỉ làm áo Trần thúc ướt chút đỉnh. Không biết
là thúc thúc học món ảo thuật này ở đâu vậy?”
Mạnh Phi nghe thấy vậy sảng khoái mỉm cười: “Chỉ là chút
công phu vặt đâu đáng kể gì để cha con huynh bận tâm.” – Nói đến đây liền cất
tiếng: “Đệ vốn là người giang hồ nên có nhiều chuyện mà nhất thời khó có thể giải
thích được cho cha con huynh rõ. Có điều tiểu đệ đúng là quê gốc Giang Nam
nhưng đã quen kiếp sống lang thang nay đây mai đó, ái dà... cho nên giờ không
thể tính là người vùng nào được.”
Nói đến đây gương mặt Mạnh Phi khẽ trầm ngâm, đoạn cất tiếng
hỏi: “Không biết cha con huynh là người ở đâu. Sao có nhã hứng đi dạo Thủy Kính
hồ vào thời gian này?”
Triệu Vũ nghe bèn trả lời: “Không dấu gì Trần đệ. Ta vốn có
chút thời gian phụng sự triều đình. Ban đầu ngỡ mong có thể tận lực vì nước vì
dân. Nào ngờ gần đây thánh thượng vô tâm, hoạn quan lộng hành, triều đình đảo
điên. Chán cảnh thế sự rối ren và thủ đoạn chốn quan trường nên đã xin cáo quan
về quê. Tranh thủ chút thời gian rảnh rỗi dẫn nhi tử đi đó đi đây cho mở mang
kiến thức.”
Mạnh Phi nghe đến đây bỗng giật mình: “Không ngờ huynh lại
là quan ở kinh thành.” Rồi chợt nghĩ ra điều gì, Mạnh Phi ngẩn người: “Thứ cho
tiểu đệ mạo phạm, tiểu đệ cũng biết chút ít chuyện chốn kinh thành. Không biết
Triệu Vũ huynh có phải là ngự sử đại nhân - người ba lần dâng sớ xin hoàng thượng
giảm thuế cho dân hai tỉnh: Hồ Nam - Vũ Hán hay không?”
Triệu Vũ chắp tay, giọng nói có vẻ buồn rầu: “Không ngờ tệ
danh của ta mà tiểu đệ cũng lưu tâm. Có điều ba lần dâng sớ là ba lần thánh thượng
gạt phăng. Hồ Nam - Vũ Hán mấy năm liền mất mùa, trộm cướp hoành hoành, nhân
dân lầm than cơ cực, ấy vậy mà Thánh thượng vẫn không chịu phê chuẩn. Thật khiến
người ta đau lòng!”
Mạnh Phi nghe đến đây đôi mắt rưng rưng: “Nghĩ đến cảnh cả vạn
nạn dân chết đói chuyện này có thể là nhỏ được sao. Một vị quan lúc nào cũng
nghĩ đến dân chúng như ngự sử đại nhân đây thật là thế gian hiếm thấy.”
Anh ta nói đến đây cung kính :” Chuyện ngự sử đại nhân không
sợ chết một mực khăng khăng xin hoàng thượng giảm thuế cho muôn dân, dâng sớ
xin chém tên hoạn quan Hồ Lăng tiếng đã sớm vang khắp nước rồi. Tiểu đệ xưa nay
ít phục người khác song trước huynh thật vô cùng ngưỡng mộ.” – Nói xong chắp
tay xá dài một cái.
Nghe đến đây dường như có người trút bầu tâm sự, Triệu Vũ bất
chợt cảm khái : “Các bậc thánh hiền thường nói: muôn dân là cái gốc của thiên hạ,
nếu gốc có vững thì ngọn mới phát triển được. Nào ngờ gần đây hoàng thượng chỉ
biết tôn thờ những giáo điều của đạo pháp mà quên đi cái đạo của trời đất, cái
đạo của muôn dân. Chỉ trọng những tên hoạn quan bất nhân bất nghĩa mà xa lánh
các bậc hiền sĩ. Nghe những lời giả dối xu nịnh mà bỏ ngoài tai những lời can
gián chính trực. Than ôi! Triều chính lung lay, nạn giặc giã cướp bóc nổi lên
liên miên. Quanh đi quẩn lại mọi đau khổ, tai ương đều đổ lên đầu dân chúng. Ta
chỉ biết cố gắng tận lực tri thiên mệnh, nào ngờ thánh thượng không nghe những
lời từ tâm can phế phủ này thì biết làm sao được chứ!”
Mạnh Phi chăm chú lắng nghe. Khi Triệu Vũ vừa dứt lời thì đã
cung kính: “Đệ đã từng mắt thấy tai nghe bao nhiêu chuyện đau lòng. Thuế khóa nặng
nề, phu sơ lao dịch, bọn quan lại nhũng nhiều trục lợi trên xương máu của bách
tính trăm họ. Ôi! Đau lòng thay. Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu (Trời
đất bất nhân xem vạn vật chỉ là cỏ rác)”. Đôi mắt bất chợt rưng rưng cơ hồ như
muốn khóc: “Có cái nào hơn nỗi khổ cả thôn gần trăm hộ dân cùng chết đói, có gì
bất bình đau đớn bằng chuyện nhân dân sợ quan binh hơn sợ giặc cướp. Ôi! Bây giờ
còn có vị quan nào biết quan tâm đến dân như ngự sử đại nhân. Nào ngờ... đáng
tiếc thay...”
Triệu Vũ thấy biểu tình gương mặt của Mạnh Phi như thế bất
chợt đem lòng khâm phục. Phàm xưa nay người biết nghĩ đến dân chúng tuyệt nhiên
đều là những bậc đại sĩ, đại đức. Ông trầm giọng, xua tay: "Ngự sử đại
nhân gì chứ! Ta đã từ quan về quê rồi sao đệ vẫn cứ gọi ta như vậy, huống hồ ta
và đệ mới gặp gỡ mà tựa đã thân thiết từ lâu, thiết nghĩ đâu cần khách khí như
vậy. Nếu đệ không chê chi bằng chúng ta kết nghĩa kim bằng, khi nào rảnh có thể
cùng đàm luận chuyện thế gian.”
Mạnh Phi bất chợt cười ha ha: “Chuyện này mong còn chẳng được
nữa là. Xem ra tiểu đệ phải lên tiếng cảm ơn cơn mưa này đã khiến cho Mạnh Phi
này có thêm một vị đại ca chính trực như vậy.”
Triệu Vũ cả mừng mà nói: “Tốt quá! Xem như cơn mưa vô tình
mà nhân duyên hữu ý. Đất trời bạc mà lòng người không bạc. Thiết nghĩ cũng
không cần hương khói hay rượu chè gì gì đó.”
Nói đến đây ông cao giọng: “Ta - Triệu Vũ bốn lăm tuổi, người
ở Nam Thành. Kể từ hôm nay nguyện cùng vị huynh đệ Trần Mạnh Phi kết nghĩa kim
bằng có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu.”
Trần Mạnh Phi gương mặt xúc động khe khẽ gọi hai tiếng: “Đại
ca!”
Nãy giờ vì không cùng bối phận, Giang Phong chỉ chăm chú đứng
sang một bên lắng nghe cha mình cùng Trần Mạnh Phi nói chuyện. Chỉ biết đến khi
Mạnh Phi vừa gọi hai tiếng “Đại ca” xong, Triệu Vũ bất chợt cất tiếng: “Phong
nhi! Còn không mau đến bái kiến Trần thúc thúc!”
Giang Phong bước đến trước mặt Mạnh Phi cúi đầu : “Phong nhi
thỉnh an Trần thúc thúc.”
Mạnh Phi mỉm cười: “Phong nhi không cần đa lễ đâu. Thật đúng
là một hảo hài tử!” – Nói đoạn nhìn trời, bất chợt như nhớ ra điều gì nhìn Triệu
Vũ: "Triệu huynh thứ lỗi cho tiểu đệ. Chỉ hiềm bây giờ có chút việc quan
trọng phải li khai nơi này tức khắc. Không biết huynh còn lưu lại ở Tô Châu lâu
không?”
Triệu Vũ trả lời: “Cũng dăm bữa nửa tháng nữa. Không biết đệ
lo công việc trong bao lâu?”
Mạnh Phi cung kính: “Không lâu đâu. Chỉ độ ngày mai là xong.
Không biết Triệu huynh có biết một nơi gọi là Thanh Minh Các ở Tô Châu không? Nếu
được đêm mai ta gặp nhau ở đấy là tuyệt nhất.”
Triệu Vũ cười nhẹ: “Thanh Minh Các nổi tiếng như thế tự khắc
là ta biết. Vậy cứ y như lời đệ đi. Chiều tối mai chúng ta hẹn nhau ở Thanh
Minh Các. Không say không về!” – Nói đến đây cất tiếng cười lớn rất lấy làm sảng
khoái.
Trần Mạnh Phi thấy thế không kìm được vui mừng : “Vậy cứ thế
đi. Tiểu đệ có việc gấp bây giờ phải đi. Xin hẹn huynh ngày mai. Triệu huynh -
Bảo trọng.” – Nói đoạn anh ta quay sang mỉm cười với Giang Phong: "Trần
thúc đi đây!”
Tiếng chưa dứt thì chỉ nghe vù một cái, thân ảnh của Mạnh
Phi đã cách xa một trượng, rồi cứ thế lấp loáng xa dần rồi mất dạng. Đằng xa chỉ
có ánh mắt đầy vẻ ngưỡng mộ của Giang Phong. Triệu Vũ nhìn bóng vị huynh đệ mới
kết giao khuất hẳn, gương mặt thoáng chút ngạc nhiên xong kéo tay Giang Phong
khe khẽ: “Phong nhi. Chúng ta đi thôi!”
Giang Phong bước thấp bước cao đi theo Triệu Vũ, gương mặt vừa
mang vẻ thẫn thờ kinh ngạc biểu tình lại có vẻ thích thú say mê, miệng lẩm bẩm:
“Không biết ta có thể học được màn ảo thuật như của Mạnh Phi thúc thúc không. Nếu
được nhất định sẽ làm cho Tiểu Yến trố mắt ra vì ngạc nhiên cho mà xem.” Nghĩ đến
đây, bất chợt gương mặt cậu bé giãn ra một nụ cười.