Thiền Của Tôi

Chương 19




Vợ cũ trong bếp Maria vừa cởi tạp dề, tôi đã ngửi thấy một mùi thơm trên người cô. Tôi liên tưởng ngay tới các món cô vừa làm: trà sữa, bít tết, khoai tây nghiền, bánh pudding dâu tây, cháo mạch. Lúc đó, tôi nghĩ muốn biến Maria thành một món ngon nhất.

– Gunter Grass, theo “The Tin Drum” –

Đột nhiên một tập đoàn sản xuất ở Tây Ban Nha và Argentina mời tôi sang Madrid, Barcelona và Buenos Aires tuyên truyền cho bản dịch tiếng Tây Ban Nha của cuốn Búp bê Thượng Hải.

Tôi định từ chối, song người quản lý của tôi gây áp lực, nói rằng tiếng Tây Ban Nha là một ngôn ngữ lớn, thông dụng. Nhưng nguyên nhân cuối cùng khiến tôi quyết định nhận lời mời lại bởi tôi đã có phần chán ngán Manhattan – một đảo nhỏ dài và hẹp như được xây dựng trên một ngọn lửa bất ổn. Sự kiện “9.11” từng biến nó tốt đẹp được hai tháng, rồi sau đó mọi thứ rác rưởi, cặn bã, độc tố lại lộn về. Con người lại thuần thục đùa giỡn với đủ loại trò chơi thành phố mặc cho nội tâm gào thét cự tuyệt.

Để tỏ rõ thành ý, nhà xuất bản còn rộng rãi cho phép tôi được mang theo một người bạn hoặc người thân. Tôi lập tức nghĩ tới Muju.

Nhưng khi tôi nói chuyện với anh, nom anh có vẻ không chút hứng thú. Anh nói phải kiếm tra lại thời gian biểu của anh trước rồi tính sau.

Tâm trạng của anh gần đây không vui. Sau sự kiện “9.11”, kinh tế nước Mỹ tiếp tục thụt lùi và kinh tế Nhật cũng không khả quan. Công ty của anh liên tục mất đi bốn, năm khách hàng lớn trong ngành thương mại quảng cáo. Rủi thay, đó là những viên đá chắc chắn mà Muju từng sử dụng để nâng đỡ những bộ phim tài liệu có giá trị cao nhưng khó bán và những lớp học về sức khỏe cộng đồng ở trung tâm sức khỏe. Nhưng dường như anh vẫn chưa có ý định từ bỏ dự định làm những công việc không thu được lợi nhuận. Anh chỉ có nghị lực phi thường và cảm giác về một sứ mệnh đặc biệt trộn lẫn trong người anh, tạo nên một trực giác và trí tuệ khác thường.

Muju muốn làm nốt phần hậu kỳ của bộ phim tài liệu về ca sĩ Mỹ Latinh Julio và muốn mở thêm một số lớp yoga và lớp thiền định ở một số cơ quan khác nhau tại New York, anh chỉ có thể dành được nhiều lắm là ba ngày cuối trong chặng hành trình của tôi. Chúng tôi sẽ gặp nhau tại Buenos Aires.

Trước tiên tôi cần phải lấy visa của hai nước. Muju quá bận nên nhờ Peter – anh trợ lý đồng tính rất ngọt ngào và lanh lợi của anh – giúp tôi thu thập một loạt tài liệu: địa chỉ của lãnh sự quán, thời gian làm việc, tài liệu cần phải chuẩn bị khi xin visa, thời gian cần lấy visa, chi phí làm visa… Anh ta còn giúp tôi liên hệ với nhà xuất bản của cả hai nước để xin thư mời, đặt khách sạn và vé máy bay.

Cũng may có Peter, tôi mới kiên nhẫn làm hết từng việc và lấy được visa. Vào buổi tối cuối cùng lấy được visa, tôi mời Muju, Peter và biên tập viên Carrie tới ăn ở nhà hàng Thượng Hải “Lão Chính Hưng” ở khu Chinatown.

Tối đó, không rõ vì nguyên cớ gì, người ta đốt pháo ở ngoài đường. Mùi pháo nồng như mùi thuốc súng, cay sặc mũi nhưng cũng rất dễ chịu đã xộc thẳng vào nhà hàng. “Trung Quốc”, hai từ đó đột ngột nhảy ra khỏi đầu tôi. Âm thanh đó, mùi vị đó, và xác pháo đỏ tả tơi đều liên quan tới những hồi ức xa xôi. Khi trẻ, bạn có thể thịnh hành chơi game điện tử, nghe nhạc hip-hop, uống nước Cocacola, mặc đồ Adidas. Nhưng một khi tiếng pháo xa xưa vừa nổ, bạn lập tức mê nó, vì nó đã hòa vào máu thịt của người Trung Quốc từ lâu rồi.

Trong tiếng pháo nổ, tôi nhìn ba người cùng bàn, đột nhiên cảm thấy thật buồn đến kỳ lạ. Như thể ăn xong bữa này sẽ phải vĩnh biệt họ mãi mãi. Nhưng đó chỉ là một cảm giác nhất thời.

Tính tiền xong, tôi lặng lẽ đi theo Muju vào phòng vệ sinh, khiến anh giật mình. Tôi chột cửa phòng, đi về phía anh, ôm lấy mặt anh, hôn một trận cuồng nhiệt, rồi mở cửa đi ra. Nghe từ phía sau tiếng cười của anh vẳng tới. Bất giác, tôi cũng bật cười.

Mọi người đứng chờ ngoài cửa tiệm. “Cám ơn bữa tối cô đã nấu”, trước khi từ giã, ai nấy đều nói đùa như vậy, rồi người nào người nấy lên tắc xi về nhà.

Trước khi đi Tây Ban Nha, một loạt sự kiện bất ngờ đã xảy ra. Một hôm, cô vợ cũ người Do Thái của Muju từ Atlanta tới, mang theo cả một đứa con trai và một đứa con gái đến thăm ông bố đang lâm bệnh nặng. Cô ta liên tục gọi điện tới căn hộ của Muju.

Khi tôi đang đắp mặt nạ bằng thứ bùn biển chết màu đen từ phòng tắm lao ra nghe điện thoại, rõ ràng cả hai người phụ nữ ở hai đầu dây đều giật mình.

“Xin chào, tôi là Kitty”, một giọng nói trẻ con đến quái lạ, có phần run rẩy vang lên.

“Xin chào, tôi là Coco”, sau lớp mặt nạ bùn cứng đơ, tôi hầu như cất tiếng rất khó nhọc.

“Chà, để tôi tự giới thiệu vậy. Tôi là vợ cũ của Muju Miyanaga… Tôi vừa tới New York, muốn đến thăm anh ấy”.

“Được, tôi sẽ chuyển lời”. Tự nhiên không cần tôi giới thiệu, cô ta cũng biết tôi là bạn gái hiện nay của chồng cũ cô ta.

“Cám ơn”.

“Không có gì”.

Hai tay tôi ôm khuôn mặt nặng trĩu và đen sì, ra sức ngẫm nghĩ. Tại sao cô vợ cũ Kitty này với chất giọng trẻ con lại gọi điện tới làm gì? Nhưng rất nhanh chóng, tôi quyết định mặc xác cô ta. Khi bạn không quan tâm tới một ai hoặc một sự việc gì đó, cô ta (hoặc anh ta) sẽ không còn tồn tại nữa. Trái lại, càng để tâm, cô ta (hoặc anh ta) càng chiếm được sức mạnh trong nỗi khiếp sợ và lo lắng của bạn. Như vậy bạn chỉ tổ phải lo lắng thực sự.

Tôi quyết định tự quên lãng chuyện này và Muju sẽ không biết được “màn chào hỏi” của cô vợ cũ. Nhưng khi anh vừa tan sở về nhà, tôi lại không nhịn nổi, kể tuột ra và quan sát phản ứng của anh.

Anh nhướn lông mày đầy kinh ngạc, mở tròn mắt hỏi, “Kitty ở New York sao?”. Khi anh gọi tên cô ta, tôi thấy lưỡi mình chua chát lạ.

“Cô ấy có để lại điện thoại không?”

“Anh tự tra xem sao”, tôi vừa nói vừa đi vào bếp. Sau lưng vọng lại tiếng bấm phím điện thoại.

“Tìm được rồi, có lẽ là số này…”, giọng anh đầy phấn khởi. Anh chưa bao giờ biết giấu diếm. Có lúc tôi thực sự mong muốn người đàn ông của tôi không cần chân thành quá. Tôi hy vọng anh ta là người biết ăn nói, thậm chí biết tán tỉnh, nói dối rất giỏi.

Sang xuân, bệnh tình của bố Kitty có phần đỡ hơn. Một buổi chiều ấm áp, theo lời hẹn qua điện thoại giữa Muju và Kitty, cả ba chúng tôi sẽ gặp nhau ở tiệm cà phê Starbucks. Tôi biết kiểu gặp tay ba như thế này sẽ rất bất tiện, nhưng Muju vẫn cương quyết mang tôi theo. Tuy anh mời tôi nhưng cũng nghĩ tới tính nhạy cảm và dễ ghen của tôi nên mấy ngày qua, anh cũng không khỏi lo lắng.

Trên đường tới tiệm cà phê, anh nhắc đi nhắc lại: “Những chuyện này đã thực sự qua rồi, em biết đấy”.

Kitty tới muộn nửa tiếng, mang theo cả con tới mà không hề báo trước. Khi cô ta xuất hiện trước mặt tôi trong bộ váy áo màu lá cây sẫm, đầu choàng một cái khăn lụa thêu hoa, đeo một cặp kính râm nhạt màu, nom cô rất xinh đẹp, y hệt một cây xanh mơn mởn đầy nhựa sống. Nhưng nom thần sắc cô ta lại hơi căng thẳng.

Cô ôm Muju, nhưng chỉ bắt tay tôi. “Trời… nom anh tuyệt quá!”, cô ta ngồi xuống đối diện với Muju, cởi chiếc khăn lụa, nhưng lại quên mất tháo kính râm.

“Em cũng vậy mà”, Muju mỉm cười nhưng cũng lúng túng không kém, suýt nữa hất đổ ly cà phê trên bàn.

Đương nhiên sự có mặt của tôi càng tăng thêm cảm giác bất an cho họ. Tình cảnh đó nom như thể những chiếc ghế họ đang ngồi đã mọc lên một cái gai sắc nhọn.

Thực ra, sắc đẹp của người đàn bà có tên Kitty kia cũng khiến tôi thấy bất an vô cùng. Tôi không hề biết vợ cũ của Muju lại có gương mặt như ngôi sao điện ảnh, có bộ ngực lớn hơn tôi tới mấy số. Chắc chắn cô ta phải dùng áo lót cỡ D.

Họ bắt đầu hàn huyên những chuyện xưa cũ. Để tránh cho tôi cảm giác khỏi bị lẻ loi, Muju luôn nói: “Coco, em biết không, Kitty từng đoạt giải nhất cuộc thi Hula toàn nước Mỹ. Lúc đó eo của cô ấy nhỏ tới mức chỉ cần bóp bằng hai tay cũng gẫy ngay”. Hoặc anh lại kể: “Chà, Coco này, chắc em không thể tin nổi trong một lần viết thư cho con gái, mẹ của Kitty đã dặn dò ở cuối thư rằng, Con đừng quên nhắc với Muju sau này khi đến gia đình người Mỹ nào ăn cơm, tốt nhất không nên hỉ mũi ra khăn bàn, mà phải dùng khăn giấy”.

Tôi bắt đầu tin rằng quả thực Muju đã từng có một cuộc hôn nhân không tệ.

Vì cuộc hôn nhân với người đàn bà Do Thái này, thậm chí anh đã chọc giận cả bố mình vốn rất gia trưởng. Anh bị đuổi ra khỏi nhà, và tới nay vẫn không được phép nhúng tay vào việc kinh doanh của gia tộc.

Tôi ngồi bên cạnh, càng nghe họ nói chuyện, càng cảm thấy mình thật vô duyên, giống người ngoài. Muju như bất giác rời khỏi tay tôi, quay về ký ức một thời kỳ hôn nhân êm đềm với Kitty. Tình yêu và hôn nhân khác biệt thật lớn. Ngay cả người vợ cũ đã ly hôn xem ra còn tự tin và mạnh mẽ hơn cô bạn gái hiện nay. Cô ta ngồi đó, như một tấm bia tưởng niệm to lớn.

Không biết mọi thứ đã xảy ra như thế nào, nhưng trước lúc chia tay trong một bầu không khí đầy ấn tượng, Kitty hứa sẽ mang hai đứa con đến căn hộ của Muju nấu một bữa cơm gia đình ấm cúng trước khi cô quay về Atlanta.

Trong mấy ngày còn lại, đầu óc tôi đập ình ịch. Vợ cũ của Muju sẽ xuất hiện trong căn bếp rộng rãi của chúng tôi, và vô tình lại đẩy tôi vào cảnh ngại ngùng thêm một lần nữa.

Tôi thật không chịu được cảnh diễn trò trong bếp. Cái thời dùng đồ ăn để khống chế trái tim đàn ông đã qua từ lâu rồi, nhưng có thể giờ đây nó quay lại. Cứ nghĩ, tôi lại muốn đổi nghề, chuyển sang viết sách dạy nấu ăn cho xong, có khi còn bán chạy hơn cả các tiểu thuyết tình dục.

Tôi gọi điện cho Jimmy Wong và giục giã Muju mời Richard và bà vợ W cùng đến.

Tối đó, căn hộ của tôi rất đông khác, y hệt như gia đình liên hợp quốc. Bà W còn mang tới đồ điểm tâm và món sushi tự làm. Jimmy mang tới một chai rượu ngon.

Kitty bận rộn trong bếp, y hệt bà chủ nhà. Tôi đi dép thêu hoa, lười nhác trên ghế sa lông, giống như một người tình. Mọi thứ nom có phần đảo lộn trật tự, nhưng cũng rất trơn tru.

Kitty có hai đứa con rất nghịch. Những đồ chơi hình phụ nữ khỏa thân và các quả đào bầy quanh nhà của Muju khiến chúng cực kỳ hứng thú. Cuối cùng chúng làm hỏng cả con voi đồ chơi làm bằng gỗ do Muju mang từ Ấn Đọ về từ ba năm trước.

Kitty dường như cũng hiểu tõ tầm quan trọng của món đồ này đối với Muju. Cô ta chạy từ bếp ra, mắng mỏ lũ con, “Các con đã quên mẹ dặn dò thế nào rồi sao? Mau xin lỗi chú đi”.

“Không sao đâu”, Muju mỗi tay ôm một đứa đang khóc lóc, mặt mũi đỏ bừng, “Con voi đó đã già lắm rồi, cũng đến lúc phải hỏng rồi”.

Xem ra anh có duyên với trẻ con.

Nghe nói Kitty từng học một năm tại một trường dạy nấu ăn của Pháp, sau đó mới gặp và lấy Muju, trở thành bà nội trợ. Sau khi ly hôn với Muju, cô ta nhanh chóng lấy một đại gia ở Atlanta, sinh được một bé trai và một bé gái. Cùng với tính cách dịu dàng và vẻ đẹp đáng yêu, cô chiếm được vị trí rất ổn định trong gia đình chồng. Hầu như tất cả thành viên nhà chồng đều yêu thích cô ta.

Nhưng cô ta vẫn nhung nhớ cuộc sống đơn giản, rạng rỡ trước khi lấy chồng. Như “bầu trời trần trụi, không chút tạp bẩn”, cô ta đã tổng kết như vậy bằng một câu nói đầy ý thơ. Cô ta cũng nhung nhớ cái bếp của Muju. Và giờ đây dù đã có người làm, trong mắt cô ta, căn bếp của Muju vẫn là căn bếp giàu cảm xúc nhất trên thế giới. Đó là lý do hoài niệm chuyện xưa quan trọng nhất mà tối nay cô ta làm cơm cho chúng tôi.

Tôi vào bếp, chụp cho cô ta mấy tấm hình và phát hiện ra rằng mình đã dần dần yêu thích người phụ nữ này. Trong hương thơm của đồ ăn, sắc đẹp của cô ngày càng tỏa rõ. Đó là một dạng phản ứng hóa học thật kỳ lạ và chỉ xuất hiện trên người một vài phụ nữ nào đó. Trên người mẹ tôi cũng có kiểu phản ứng như vậy. Căn bếp đã biến họ càng nữ tính hơn.

Cô ta khe khẽ hát, chân dậm nhịp, bàn tay thoăn thoắt khéo léo, y hết một tay ảo thuật gia. Cô ta không ngừng thị phạm cho tôi cách phối hợp những hương vị mà theo tôi là rất phức tạp: cây húng tây, nguyệt quế, hạt nhục đậu khấu, cây rau é, lá chanh…

Tôi không tài nào nhớ nổi vốn từ vựng tiếng Anh về nấu nướng. Tên các món ăn bằng tiếng Anh trong các cửa tiệm cũng khiến người ta phải nhức đầu. Tôi không nhạy cảm lắm đối với những thứ này.

“Thực phẩm, đàn bà, trẻ con đều là những sự vật đẹp đẽ nhất trên đời… Tôi ngày càng nhận thức thấy mình hạnh phúc biết bao”, vừa nói cô ta vừa đổ đồ ăn ra một chiếc đĩa, “Phiền cô bưng hộ tôi chiếc đĩa này ra ngoài”.

Tôi đón lấy chiếc đĩa lớn, bưng ra khỏi nhà bếp. Ánh mắt của Muju bắt gặp đúng lúc tôi vừa bước ra, tôi chỉ khe khẽ nhún vai với anh. Không hiểu tại sao anh lại chia tay với Kitty. Triết học nhân sinh của cô ta và của anh hầu như giống hệt nhau tới mức đáng kinh ngạc.

Khi cả hai đứng trước chậu cây màu xanh mà cô từng tặng anh làm món quà ly hôn, vừa bưng đĩa vừa ăn, tôi không khỏi quan sát cảnh đó bằng con mắt hiếu kỳ và càng cảm nhận được sự phức tạp và ý nghĩa thâm sâu của đời người.

Richard và Jimmy đang cao giọng tranh cãi. Họ cũng có sở thích như nhau, đều có thể thao thao bất tuyệt về nghệ thuật và cuộc đời, như thể bạn cờ gặp đối thủ, bạn rượu gặp kẻ tri kỷ vậy.

Tôi dẫn W tới thăm quan tủ quần áo của tôi. Trang phục bằng tơ lụa thêu hoa của Trung Quốc khiến bà cảm thấy cực kỳ hứng thú. Chúng tôi trao đổi số điện thoại cho nhau. Rõ ràng công may kimono ở Tokyo đắt hơn công may xường xám ở Thượng Hải. Nghe nói bà đang trong thời kỳ kinh tế khó khăn và cũng ngày càng hiếm người chịu chơi may những bộ kimono đắt tiền.

Đêm đã khuya, em gái Kitty lái xe tới đón mẹ con họ.

Trước khi đi, Kitty nắm tay tôi, nói vô số những lời ngợi khen, “Cô thật là tốt… cô thực sự tốt nhât đấy”. Tôi ôm cô rất chặt và ngửi thấy mùi rượu chua chua. Cô ta hơi say, nom có vẻ hơi buồn. Tôi rất vui mừng được nhìn thấy một phụ nữ xinh đẹp thực sự yêu thích nhà bếp và cũng rất thích thú được chứng kiến cô ta phải buồn rầu bỏ đi. “Tạm biệt, Kitty”, chúng tôi vẫy tay với cô.

Vào ngày bay từ New York tới Madrid, Muju quá bận, không đi tiễn tôi được. Anh cũng chưa bao giờ thích ra sân bay đưa đón ai. Thậm chí ngay cả mẹ anh là người vốn có vị trí quan trọng trong gia tộc tới New York, anh cũng không chịu ra sân bay đưa đón. Anh thấy như vậy thật là lãng phí thời gian. Về những chuyện này, tôi thấy anh là “một hợp thể những thứ xấu xa nhất của đàn ông Nhật Bản, đàn ông Mỹ và đàn ông La Tinh”, giống hệt một lần tôi to tiếng cãi nhau với anh.

Tôi mặc chiếc quần bò hiệu Marc Jacobs kiểu lính, leo lên chiếc xe tắc xi anh gọi hộ. Trên đường, tôi hơi bị say xe, mặt cứ trắng bệch, nom phát khiếp.

Vừa tới sân bay, kiểm tra hải quan tầng tầng lớp lớp càng khiến người ta phát thần kinh. Hành lý của một người Trung Đông mặc áo quấn rộng thùng thình và quấn khăn bịt đầu đang bị vứt đầy ra đất. Bên trong đều là rác rưởi nhặt trên phố. Một người đàn ông Mỹ dáng nhỏ thó đang tuyệt vọng ôm đầu khóc trước quầy đăng ký, miệng cứ lắp bắp giải thích điều gì đó với cô nhân viên hàng không.

Vận may của tôi cũng không đến nỗi tệ. Họ chỉ đảo lung tung trong va ly tôi và bỏ cái kéo tỉa lông mày vào một cái túi ni lông trong suốt. Được một phụ nữ da đen vạm vỡ mặc đồng phục dẫn đường, tôi được đưa tới trước quầy check in. Rồi chiếc va ly nhanh chóng biến mất trên băng chuyền gửi hành lý.

Chuyến bay bị trễ mất một tiếng rưỡi đồng hồ. Hành khách ngồi chờ đều bực bội. Đột nhiên tiếng loa phát thanh vang lên: “Xin hỏi có ai lạc con không? Trong toa lét có một đứa trẻ. Ai lạc con xin mời đến nhận?”. Thế là một bà mẹ trẻ vội vã cuống quýt chạy đi tìm con dưới mắt hiếu kỳ của tất cả mọi người. Ai nấy đều cười rộ.

Tôi và Muju cứ vài phút lại gọi di động cho nhau. “Em vẫn ở đây”, tôi than vãn.

“Em phải uống nhiều nước vào, sẽ dễ chịu hơn hoặc đọc tạp chí gì đi”, anh khuyên.

“Ngộ nhỡ máy bay có sự cố gì thì sao…? Lẽ ra anh phải tiễn em ra sân bay. Anh quá lạnh nhạt”, tôi buồn bã nói. “Đừng có nghĩ lung tung, sẽ không có chuyện gì đâu. Anh sẽ gặp em ở Argentina… Em là cục cưng của anh mà”.