Thiên Chính Đạo Nhân

Chương 20: Dẫn hồn




Dịch: Trúc Tử

***

Giáo sư Hà sau khi dâng một nén nhang, đốt tiền giấy, liền giới thiệu hai người với mọi người trong nhà. Giáo sư nói Tra Nghiêm Vân là một vị đạo trưởng, muốn tới đây thăm quan một chút.

Giáo sư Hà có người cháu ngoại tên là Vương Hâm, Vương Hâm chính là cháu nội cả của cha Vương phu nhân, đương nhiên phải có trách nhiệm với việc tang sự của ông nội.

Vương Hâm nghe thấy đây là một vị đạo sĩ, nghĩ thầm: nhà đang chuẩn bị mời một vị đạo sĩ, không ngờ bác vợ lại mời tới một vị đạo sĩ khác, quả là trùng hợp.

Dĩ nhiên Vương Hâm đối với Tra Nghiêm Vân cũng khách khí, mời ông chè, thuốc lá. Sau đó cũng ngỏ lời muốn Tra Nghiêm Vân giúp đỡ việc tang sự cho ông nội mình, Tra Nghiêm Vân gật đầu đáp ứng. Sau đó ông được chỉ tới sương phòng (phòng bên cạnh phòng chính, thường dành cho khách tới nghỉ ngơi), sau khi thay quần áo liền đi ra.

Mọi người xung quanh chỉ thấy một vị đạo sĩ tuổi còn khá trẻ, nhưng dáng vẻ tiên phong đạo cốt, tự nhiên ánh mắt cũng đều chú ý tới Tra Nghiêm Vân, cũng có rất nhiều tiếng xì xào bàn tán. Ngày thường trong thôn có người mất, tất cả đạo sĩ được mời tới đều đã cao tuổi, không biết vị đạo sĩ trẻ tuổi như vậy có vấn đề gì không?

Tra Nghiêm Vân cũng không lên tiếng giải thích, chỉ hỏi người thân trong nhà bát tự của cha Vương phu nhân. Ông cũng nhắc nhở một số người có tuổi xung khắc với người chết nên tránh đi, kẻo sẽ gặp điều không may. Lại nhờ người trong nhà bày biện tiền giấy, nhang đèn để tổ chức tang sự theo đúng yêu cầu của ông.

Cao trào của một đám tang đương nhiên là lễ "Vượt tiên kiều", Tra Nghiêm Vân tổ chức dĩ nhiên là bình an vô sự, không có sự việc gì bất thường. Tra Nghiêm Vân lại nhìn qua phong thủy ngôi mộ Vương lão gia tự chuẩn bị cho mình, cảm thấy hết thảy cũng không có vấn đề gì, liền đưa một tờ giấy cho Vương Hâm.

Trong giấy này viết chính là giờ làm lễ cúng cho người đã mất. Sau khi chết cứ cách mỗi bảy ngày thì phải làm một lễ cúng, sớm muộn đều phải cúng bái đầy đủ. Cứ như vậy tới đủ bảy bảy bốn mươi chín ngày thì dừng lại. Bảy ngày này rất quan trọng, thường gọi là lễ “Thất Đầu”.

Hơn nữa những món được bày ra cúng hay dành cho khách tới dự tang lễ đều phải là số lẻ, bởi vì lẻ là dương, chẵn là âm. Vì khi cúng sẽ giúp người chết hưởng được chút dương khí của nhân gian, mà người sống cũng vì thế mà không bị âm khí của việc tang mà bị ảnh hưởng.

Tra Nghiêm Vân đã tính toán kỹ càng ngày giờ làm lễ Thất Đầu, đưa cho Vương Hâm. Còn dặn hắn phải dán lên vách tường trong nhà, chớ quên mất việc quan trọng này. Sau khi làm xong mọi chuyện, đến khi Vương lão gia được hạ táng, mọi người quay về trong tỉnh. Tra Nghiêm Vân cũng giao hẹn với Vương Hâm, tới bảy ngày sau sẽ quay trở lại.

Người ta sau khi chết tới ngày thứ bảy được gọi là Thất Đầu, còn có cách nói khác là ngày Hồn Hoàn. Vào tối ngày hôm đó, nếu người chết có chuyện gì khi sống chưa làm xong, hoặc có chuyện gì muốn dặn dò thì sẽ được quỷ sai áp giải trở lại dương gian gặp mặt cùng người thân; hoặc nếu phải thụ hình tại âm phủ thì sẽ được gửi lời qua một người khác. Tới ngày này thân nhân người chết sẽ bày một bàn rượu cho người chết, hoặc coi như là chiêu đãi người được nhờ. Nhưng có một việc phải chú ý: Tới ngày này phải cất hết những thứ màu vàng trong nhà đi, bởi vì màu vàng đại diện cho thần linh. Nếu như để ở những nơi dễ thấy, người chết dĩ nhiên không dám trở về.

Không ít người chắc hẳn đã xem qua một bộ phim của Châu Tinh Trì có tên 《Chuyên Gia Bắt Ma》, trong đó cũng có nói về việc hồn người chết trở về dương gian.

Còn trong dân gian thì các truyền thuyết liên quan tới ngày Thất Đầu tương đối đáng sợ, nhưng đối với Tra Nghiêm Vân cũng chỉ là một lễ cúng bình thường mà thôi, hắn tự nhiên không nghĩ tới ngày Thất Đầu này lại xảy ra chuyện lớn như vậy…

Bảy ngày sau, giáo sư Hà, Tra Nghiêm Vân cùng với Vương phu nhân cùng nhau về quê, dựa theo ước hẹn với Vương Hâm khi trước. Ở giữa nhà đã được bày biện chu đáo, di ảnh Vương lão gia và bài vị cũng đã được bày trên một cái bàn ở giữa gian chính.

Mẹ của Vương phu nhân vẫn còn tại thế, cũng chính là vợ của Vương lão gia, mọi người trong nhà cũng thường gọi bà là Lý bà bà.

Buổi chiều hôm đó, mọi người ngồi chung bàn ăn cơm, hết thảy đều rất bình thường. Căn nhà của Vương lão gia có kiến trúc giống như một tòa lầu nhỏ hai tầng, trong gian nhà chính của tầng một có cầu thang thông thẳng tới tầng hai.

Lễ cúng sẽ được tổ chức vào giữa giờ Tý, cũng chính là 12h đêm. Ban đầu thì Tra Nghiêm Vân và Vương Hâm sẽ ở bên ngoài đưa hồn Vương lão gia vào nhà. Mọi người trong nhà cũng phải tránh lên lầu hai, tắt hết đèn điện, tới khi được Tra Nghiêm Vân cho phép mới được bật lên.

Gia đình Vương lão gia cũng là nhà gia thế, nhân số hưng vượng, con cháu cộng lại có chừng khoảng ba mươi người. Mặc dù người chết không thể sống lại, hơn nữa Vương lão gia cũng đã cao tuổi, nên mọi người đều cảm thấy bình tĩnh, duy chỉ có Lý bà bà thương cảm một chút mà thôi. Dẫu sao hai người cũng là vợ chồng đầu gối tay ấp hơn bảy mươi năm, làm sao nói bỏ là bỏ được.

Tra Nghiêm Vân dán lên cánh cửa trước nhà một lá phù dẫn hồn, đề phòng Vương lão gia khi trở lại không tìm được nhà, thì quỷ sai cũng có thể thông qua lá bùa mà dẫn hồn phách ông về.

Tới khoảng 11h tối thì đám con cháu trong nhà sẽ đốt tiền giấy, thắp hương trước linh vị của Vương lão gia, mọi việc cũng nhanh chóng được hoàn thành. Làm xong mọi chuyện, mọi người trong nhà tập chung nói chuyện phiếm, chờ tới giờ làm lễ để đi lên lầu.

Khi sắp tới 12h đêm, dựa theo ước định trước đó. Tra Nghiêm Vân và Vương Hâm xách đèn lồng đứng ở trước ngõ vào nhà Vương lão gia. Đây chính là nghi thức nghênh đón hồn người chết trở lại, đồng thời cũng phải ở giao lộ đốt chút tiền giấy, coi như là tiền lì xì cho quỷ sai.

Tới khi Tra Nghiêm Vân ra đứng ở đầu ngõ, những nhà hàng xóm xung quanh nhà của Vương lão gia cũng đều đã tắt đèn. Trước đó người trong thôn đều biết tối nay là ngày Thất Đầu của nhà họ Vương, cho nên mọi nhà trong thôn đều tắt đèn. Người thích săn thú hay đánh bài cũng đã đi nghỉ từ sớm, kể cả là trẻ con ham chơi, tối nay cũng không được chạy loạn. Vì người lớn trong nhà đều dặn dò, nếu chạy ra ngoài đêm nay chắc chắn sẽ bị ma bắt.

Trong đêm an tĩnh tới cả một tiếng chó sủa cũng không có, bóng đêm cũng đen kịt, tới độ đưa tay không nhìn thấy năm ngón. Toàn bộ thôn trang, trừ ánh nến trong cái đèn lồng Tra Nghiêm Vân đang cầm trên tay, cũng chỉ có hai cây nến trước linh vị Vương lão gia là nguồn sáng.

Tuy nói người chết là ông nội của Vương Hâm, nhưng trong trường hợp này Vương Hâm không khỏi cũng có chút sợ hãi. Hắn chỉ dám nấp sau Tra Nghiêm Vân, hé mắt như trẻ con nhìn về phía trong nhà.

Tra Nghiêm Vân cũng không nói chuyện, nhắm mắt lại cảm thụ xung quanh, dù sao đã tới nửa đêm, mở mắt ra cùng nhắm mắt lại khác nhau không lớn. Đột nhiên chuông Tị Hồn trên hắn vang lên hai tiếng “đinh đang " thanh thúy, đây chính là tín hiệu Vương lão gia đã trở về.

Tiếng chuông đột nhiên vang lên cũng dọa Vương Hâm giật mình, hắn đi không được, chạy cũng không được, đành bám chặt lấy vai Tra Nghiêm Vân. Đoán chừng từ nay về sau có cho thêm tiền bảo hắn làm chuyện này, hắn cũng không dám.

Tra Nghiêm Vân xoay người, mặt hướng về phía nhà của Vương lão gia, xách đèn lồng bước tới. Cứ cách mỗi mười thước thì hắn lắc chuông, miệng lẩm bẩm, dĩ nhiên chính là niệm thần chú dẫn quỷ sai và hồn phách, nói cho bọn họ nơi này chính là địa điểm cần tới.

Tới khi cách nhà Vương lão gia chỉ còn có năm mươi thước, Tra Nghiêm Vân và Vương Hâm cũng mơ hồ nghe thấy tiếng khóc nỉ non từ trong nhà vang ra. Mặc dù cách khá xa, nhưng vẫn là có thể nghe được tiếng khóc này chính là của Lý bà bà. Chẳng lẽ giá Lý bà bà không lên lầu, vẫn còn ở lại trong linh đường?

Tra Nghiêm Vân cau mày, tăng nhanh nhịp bước, chỉ muốn nhanh chóng nhắc bọn họ lên lầu. Nhưng hắn không thể ở chỗ này hô lớn, vạn nhất hô lên kinh động tới quỷ sai, dẫn hồn phách đi nhầm vào nhà người khác, vậy coi như xảy ra đại sự.