Cơ thể đàn ông trẻ tuổi nóng bỏng mà rắn chắc, Phùng Thiếu Mị sờ cơ bắp phồng lên trên cánh tay hắn, lưu luyến quên lối về. Đàn ông mê mẩn ngực to mông mẩy, đàn bà trời sinh sùng bái đàn ông cường tráng hùng dũng, như cá vào nước, nước được cá, tất nhiên cá nước cùng vui.
Đã rất lâu rồi Phùng Thiếu Mị không hoan hảo cùng cơ thể trẻ khỏe như vậy, có hơi lực bất tòng tâm.
Thật ra nàng còn rất trẻ, nhỏ hơn Tiết A Ất bốn, năm tuổi, đang thì đôi mươi đào mận đua thắm. Giang Đô vương phủ vốn là tòa nhà cũ ba mươi năm không có người ở, sực nức hơi thở mục nát, làm chân chạy vặt ở đó lâu quá rồi, Phùng Thiếu Mị như có cảm tưởng mình cũng gỉ sét theo.
Mây tan mưa tạnh, nàng trần truồng cuộn tròng tron chăn gấm đỏ lựu thêu uyên ương nghịch nước.
Trong phòng bắc chậu lửa, than cục nung đỏ nổ lép bép, chăn mềm ấm áp, khiến người ta mơ màng muốn ngủ.
Phùng Thiếu Mị không cưỡng được, nhắm mắt ngủ chốc lát, khi tỉnh lại, chỉ nghe đồng hồ nước nhỏ giọt vang “tí tách”, thân mình hãy còn đang duy trì tư thế tựa lưng vào gối dựa. Nến đỏ trên bàn cháy quá nửa, sáp nóng chảy xuống theo thân nến, chất đống trên giá cắm.
Người đàn ông bên cạnh đã ngủ say.
Phùng Thiếu Mị ngồi dậy, hoạt động cánh tay tê cứng, hai chân trần trụi lộ ra khỏi chăn gấm, thả xuống bên giường.
Cửa sổ khắc hoa không đóng chặt, gió nhẹ cuốn heo may mùa xuân luồn vào qua cửa sổ, thổi màn trướng hồng đào buông nửa kêu xào xạc. Cách lớp màn bông mỏng manh, nàng nhìn ra ngoài nhà, trong mắt như ngậm sương mù buổi tinh mơ.
Mưa vẫn đang rơi, như kinh nguyệt của gái già, rả rích không ngừng.
Phùng Thiếu Mị nhặt quần áo vung vãi trên đất lên mặc từng cái vào, đốt mê hương đặt lên bàn dài, khép áo đẩy cửa xuống lầu.
Trước quán trọ có hai phu canh xách đèn lồng đi tuần, một người cầm thanh la, một người cầm mõ, thanh la đồng vang một tiếng, mõ trúc gõ hai tiếng: “Choang… Cốc! Cốc!”
Đánh còn rất có nhịp, một chậm hai mau, đã là canh ba. Phu canh bên phải cúi gương mặt mệt nhọc gõ mõ trúc tiếng được tiếng mất, kéo dài giọng hô: “Đêm khuya người vắng, đóng kĩ cửa nhà…”
Phủ thái thú chiếm cứ trung tâm thành trì, Giang Đô vương phủ tọa lạc ở góc tây bắc, chung quanh vắng lặng tĩnh mịch.
Đã nhiều năm không có vị hoàng tử nào được phân đất phong đến đây, tới nơi này rồi Giang Đô vương mới biết vương phủ xây dựng trăm năm trước đã sớm dùng vào việc khác. Giang Đô trù phú, đại đa số các dinh thự trung tâm đều đã thành nơi ở của phú thương và sĩ tộc, mới đến đương nhiên không thể làm chuyện đoạt phủ đệ người ta, nhất thời lại chẳng tìm được chỗ nào xây vương phủ.
Hổ xuống đồng bằng bị chó khinh, chỉ đành lấy lùi làm tiến, tìm được tòa nhà đã nhiều năm không bán nổi vì có người chết này, tu sửa lại chút ít, treo bức hoành lên, thế là ở liền ba năm. Mỹ nhân hậu viện ầm ĩ không dám ở, Giang Đô vương lại chẳng để ý chuyện này, có lẽ là tin chắc mình sẽ không ở lâu.
Đêm nay, Giang Đô Vương phủ hơi khang khác, nửa đêm mà đèn đuốc sáng trưng, xa xa còn vọng tới tiếng ê a hát kịch.
Sư tử đá trước cổng vương phủ nhe nanh múa vuốt, tướng mạo dữ tợn. Trước tường bình phong đã có đứa đầy tớ đứng chờ, nhận lấy áo tơi ướt đẫm, đưa tới một chiếc ô giấy dầu, khom người hành lễ: “Phùng cô nương, vương gia đang tiếp khách quý, xin cô chờ một lát.”
Trên mặt ô vẽ khóm đỗ quyên, Phùng Thiếu Mị vuốt ve nhụy hoa đỏ thắm, mở chiếc ô ra: “Ai nghe hí khúc vậy?”
Đứa đầy tớ cúi đầu: “Tâm trạng vương phi không tốt.”
Vòng qua tường bình phong đi vào cửa thùy hoa, trong sân dựng một đài diễn tạm, trên đầu lợp lớp vải bông xơ tẩm dầu trẩu trơn, chung quanh đặt một vòng chậu lửa, ánh lửa soi sân đình sáng sủa.
Để thu hút nhân tài, Giang Đô vương thu nhận rất nhiều môn khách, ra tay rộng rãi, tuy rằng thực tế hà bao eo hẹp. Vương phủ không thừa tiền nuôi gánh hát, vương phi xưa nay vẫn luôn phu xướng phụ tùy, thế nhưng hôm nay lại mời con hát của phường trò bên ngoài đến ca diễn giữa đêm.
Lúc Phùng Thiếu Mị đi vào, vở kịch mới vừa mở màn, đang hát “Đào hoa phiến”.
Thanh la đồng đánh “cheng”, hoa đán vung cao thủy tụ múa.1
1 Đán là danh từ gọi chung các vai nữ trong hí kịch, hoa đán chỉ vai nữ trẻ hoặc trung niên tính tình tươi sáng, hoạt bát; thủy tụ là loại ống tay áo dài sử dụng trong múa diễn truyền thống của Trung Quốc.
Phùng Thiếu Mị biết đầu bài1 của gánh hát này, tên là Triệu Nga Anh, được người đời gọi danh “Triệu đại gia”. Vị Triệu đại gia này khá có tiếng ở Giang Đô, nghe nói được nuôi trong gánh hát từ nhỏ, thiên phú dị bẩm, chưa đến mười sáu đã trở thành đầu bài.
1 Ở các phường hí kịch xưa, tên đào kép diễn chính sẽ được viết lên tấm bảng treo trước cửa khi có buổi diễn, giống như là ngày nay trên poster phim ảnh sẽ đề to tên diễn viên chính vậy, mà người diễn chính trong một buổi hí kịch thì đều là đào kép đầu bảng nên đầu bài cũng dùng để chỉ con hát nổi danh.
Trước đây Phùng Thiếu Mị từng hầu hạ một hoàng thương1 trung niên làm ăn phát đạt, người này yêu kịch đến mê muội, thế nên nàng cũng may mắn được đi theo chiêm ngưỡng chân diện mục của Triệu đại gia. Dung mạo Triệu đại gia thế mà xuất chúng không ngờ, xinh đẹp tuyệt trần, so với phi tần hậu cung chỉ có hơn chứ không có kém, may mà giấu dưới lớp hóa trang, bằng không khó tránh khỏi bạc mệnh.
1 Chỉ thương nhân chuyên cung cấp hàng hóa cho hoàng thất.
Lão gia hoàng thương bình phẩm hí kịch cả đời, nửa đời trước co ro ngoài chân tường phường trò hòng nghe chút dư âm, nửa đời sau thản nhiên ngồi ở vị trị hàng đầu tốt nhất, thỏa thuê nghe hí kịch. Ông ta chỉ dùng bốn chữ để đánh giá Triệu Nga Anh: toàn vẹn tự thành.
Lão gia hoàng thương là một người rất tốt, đối xử với Phùng Thiếu Mị cũng không tệ, đáng tiếc là Giang Đô vương không thích.
Đêm nay, Triệu đại gia sắm vai Lý Hương Quân, kĩ nữ tuyệt sắc sông Tần Hoài, lúc Phùng Thiếu Mị tới, mới thấy được bóng lưng, người đã xuống đài. Trên đài đang hát bắc khúc1 “Ai Giang Nam” trong hồi kết “Dư âm”, sau khi triều Nam Minh diệt vong, sư phụ dạy hát Tô Côn Sinh quay trở lại thăm đất Nam Kinh, chỉ thấy trước mắt tiêu điều, lòng dạ thảng thốt.
1 Chỉ làn điệu hí khúc phương Bắc, Trung Quốc.
Lão sinh1 trên đài đeo râu đen ba chỏm, ngâm dài câu bi ai:
“Ta từng thấy lăng vàng điện ngọc oanh gáy sáng, thủy tạ Tần Hoài hoa sớm bung, nào hay tan hoang dễ dàng? Trông người xây cất lầu son, trông người thết tiệc đãi khách, trông người lầu đổ tiệc tàn! Này đây ngói xanh rêu biếc, ta từng ngủ giấc phong lưu, xem thịnh vong năm mươi năm trọn vòng.”
Âm cuối vống lên cực cao, hàm chứa âm rung như chim non giũ cánh.
1 Trong hí kịch, sinh là danh từ chỉ chung các vai nam, lão sinh là vai nam trung – lão niên, từng trải, già đời.
Ngồi chính giữa trước đài là vương phi Trương thị, sau lưng có hai tỳ nữ che ô hầu hạ. Tư thế Trương thị ngay ngắn, trong lòng ôm lò sưởi hoa tùng, lưng thẳng tắp như trúc xanh, bận bào gấm đỏ thẫm hoa văn chìm, bộ diêu1 trên tóc mai không đong đưa mảy may.
1 Tên gọi loại trâm có tua rủ toòng teng.
Phùng Thiếu Mị, bước lên hành lễ: “Vương phi.”
Trương thị gật đầu, giọng trầm tĩnh vững vàng: “Đỗ Quyên tới đấy à.”
Phùng Thiếu Mị vốn không phải kẻ ở, nàng xuất thân phố chợ, là con gái một gia đình bán cá ở Lạc Dương, ra đời giữa mùa đỗ quyên dại sau núi nở rộ, bèn đặt tên Đỗ Quyên. Cha nàng mê đánh bạc, năm mười tuổi nhà túng thiếu bần cùng, buộc phải bán nàng cho mối lái đổi tiền. Nàng tốt số, nhờ xinh xẻo lanh lợi nên được mụ vú của vương phủ chọn trúng ngay từ cái nhìn đầu tiên, làm giúp việc sau bếp.
Sau đó, vương phủ phát sinh biến cố, nàng giết cá từ nhỏ nên vừa can đảm lại vừa cẩn trọng, tình cờ lọt vào mắt vương gia, từ đấy dao mổ cá biến thành dao giết người. Vương gia chê tên nàng thô tục, lại đúng lúc một vị ái thiếp khó sinh mà chết, vương gia nhìn tên nhớ người, gắn tên ái thiếp lên đầu nàng. Cô ái thiếp tên Thiếu Mị ấy xinh đẹp kiều diễm, là một nữ nhân khác hẳn Phùng Đỗ Quyên.
Được ban cho tên mới rồi, phục sức từ đầu đến chân của Phùng Thiếu Mị luôn có một góc xó nào đó thêu vài ba cành đỗ quyên, nhìn lần nào tự cảnh tỉnh lần đấy, nhắc nhở mình chớ quên bổn phận.
Tên mới dùng được năm, sáu năm, chỉ mình Trương thị còn nhớ tên Phùng Thiếu Mị khi trước. Chủ nhân cũ của cái tên này đã đem đến không ít phiền toái cho y thị, đọc lên mà khó chịu khôn kể.
Trên đài, võ sinh1 làm thế đứng tấn, trường kiếm trong tay khua một đường, tua dài đỏ thắm vạch trên không trung.
1 Chỉ vai nam tinh thông võ nghệ.
“Võ sinh này công phu hạng mấy?” Trương thị chợt hỏi.
“Hạng bét ạ.” Phùng Thiếu Mị đáp.
“Nhìn cũng ra tấm ra món mà.”
“Võ sinh chưa từng giết người đều chỉ là cọp giấy.”
“Cũng phải,” Trương thị vươn ngón tay được chăm sóc kĩ càng ra, hộ giáp1 đồi mồi đẹp đẽ mơn trớn nếp nhăn trên bào gấm, bộ diêu vàng thoáng lay động, như đá ném vào giếng cổ, “Cọp giấy chung quy cũng chỉ là cọp giấy.”
1 Phụ nữ quý tộc thời xưa thường để móng tay dài, bởi vậy mà sử dụng bọc kim loại bảo vệ ngón tay, dần dà món đồ trở thành một loại trang sức, rất thường thấy trong phim ảnh thời Thanh nhưng thực chất đã xuất hiện từ thời Minh.
Ngọn lửa bập bùng chiếu lên khuôn mặt trang điểm tỉ mẩn của người phụ nữ, khi mờ khi tỏ.
Thư đồng bên cạnh Giang Đô vương đi tới, hành lễ với Trương thị. Đã tiễn khách quý đi, mời Phùng Thiếu Mị đến thư phòng.
Trên đài đã ngưng hát, Triệu đại gia cúi người cảm tạ kết đài.
Trương thị mỉm cười: “Ngươi đi đi.”
Mưa bỗng nặng hạt, tựa như chuỗi ngọc đứt dây lăn xuống theo mái hiên. Phùng Thiếu Mị thu ô giấy dầu, men theo hành lang gấp khúc đi vào nội viện.
Lúc nàng đến thư phòng, Giang Đô vương đang đánh cờ cùng Thôi tiên sinh.
Văn nhân không tập võ, họ coi bàn cờ là chiến trường đánh trận, dưới vỏ bọc dịu dàng như ngọc cất chứa trái tim sôi nổi nhiệt huyết, phung phí tất thảy vào ván cờ. Quân cờ đen trắng là binh lính của họ, hũ cờ là quân kỳ của họ, họ là đại tướng quân bàn việc nước non, thắng bại nằm gọn giữa những ngón tay.
Quân cờ trắng cuối cùng hạ xuống.
“Cạch.”
Thôi tiên sinh thu tay, mỉm cười: “Vương gia, Thôi mỗ thắng rồi.”
Thôi Thanh Giang là phụ tá đắc lực nhất của Giang Đô vương, không có chút công danh nào, song ai nấy trong vương phủ đều phải gọi một tiếng “Thôi tiên sinh”.
Hắn thành danh từ thuở thiếu thời, tài hoa hơn người, nhưng bởi không cẩn thận bị cuốn vào tranh đấu đảng phái nên đi thi nhiều lần mà không đỗ. Lúc nản lòng thoái chí rời khỏi Lạc Dương thì được Giang Đô vương sai người cản lại, trù trừ mấy phen, cuối cùng vẫn vào Giang Đô vương phủ. Về quê làm gã nông dân lực điền luống gánh thi thư, suốt ngày chỉ loanh quanh trong củi gạo dầu muối, chẳng bằng phò tá Giang Đô vương, bất kể thành bại ra sao, đời này cũng coi như đạt được thành tựu.
Khổ học mười năm bất quá chỉ vì bốn loại tham vọng công, danh, lợi, lộc, thế nào cũng phải giành được một hạng, chưa bao giờ có văn nhân thanh cao chân chính.
Thôi Thanh Giang rất càn rỡ, hắn chưa từng giấu giếm tài hoa của mình, dù cho điều ấy có thể khiến Giang Đô vương phật lòng. Giang Đô vương cũng mặc kệ hắn, Thôi Thanh Giang mà cũng cẩn thận dè dặt như những phụ tá khác thì y đã chẳng việc gì phải coi trọng đến vậy.
Giang Đô vương thích người khác biệt, họ có dũng khí ruồng bỏ trần thế, có tấm lòng hào sảng thoát tục, cũng có gan dạ quyết đánh đến cùng; Giang Đô vương càng thích kẻ thức thời hơn, người như vậy y mới sử dụng được, đại phu cao nhã trong mắt y chỉ là cặn bã. Vừa hay, Thôi Thanh Giang vẹn toàn cả đôi đàng, Phùng Thiếu Mị cũng vậy.
Thôi Thanh Giang là cây bút liều lĩnh nhất của y, Phùng Thiếu Mị là thanh đao sắc bén nhất của y, họ có năng lực, lại trung thành, quan trọng nhất là chưa từng sinh lòng hiếu kì không nên có. Y đã dùng cặp bút đao này vài năm, mặt mày hãy còn nguyên như thuở ban đầu, cực kì thuận tay.
Đầy tớ dọn bàn cờ đi.
Giang Đô vương đứng dậy đi tới trước cửa sổ, cổn phục đỏ tía phủ trên ủng đen thêu vàng: “Nhà họ Tiết thế nào rồi?”
Phùng Thiếu Mị quỳ xuống trước bàn, cụp mắt nhìn vạt váy căng thẳng tắp: “Tiết Côn Ngọc say mê thuật rèn đao, quả thật là một người si dại. Anh em nhà họ Tiết đều là người trọng tình trọng nghĩa, Tiết A Ất hành sự gàn dở, Tiết Thúy hãy còn mang tâm tính trẻ con, không đáng lo ngại.”
“Cậu cả nhà họ Tiết…” Giang Đô vương trầm ngâm, “Trước đó ngươi có nói công phu của hắn ở trên ngươi?”
Phùng Thiếu Mị cúi thấp đầu: “Vâng.”
Giang Đô vương nhìn màn mưa như rèm châu rủ xuống dưới mái hiên, ngón tay gõ gõ khung cửa sổ.
Lần đầu thấy Tiết A Ất, y cũng biết người này không phải kẻ tầm thường. Tiếc thay, một nhân vật có năng lực trổ tài nhường ấy mà lại phải nhọc nhằn vì thân nhân, chỉ e sẽ không để mặc y muốn dùng sao thì dùng.
Mưa xuân nện lên khung cửa sổ, giọt mưa lạnh lẽo bắn tung.
Giang Đô vương cũng từng là ngũ hoàng tử được người người chạy theo như vịt, thuở nhỏ văn võ song tài, đa mưu túc trí, sau khi cập quán1 thì cậy được đế hậu yêu chiều mà ở lại Lạc Dương, sống trong vương phủ còn xa hoa hơn Đông cung mấy phần. Nào ngờ một bước sơ sẩy đoạt đích thất bại, phe cánh bị thái tử trừ sạch, thế là bị ép rời khỏi Lạc Dương như chó nhà có tang. May sao được đế vương yêu thương sâu nặng từ tấm bé nên được phong cho đất Giang Đô trù phú này, bằng không chỉ e chẳng có ngày ngóc dậy.
1 Giống như con gái thời xưa có lễ cập kê (cài trâm) để đánh dấu cột mốc trưởng thành, có thể lấy chồng thì con trai có lễ cập quán (đội mũ). Tuổi cập quán, hay nhược quán, là năm người con trai tròn hai mươi tuổi.
Loạn lạc mới hay kẻ trung thần, nhân tài dị sĩ lung lạc từ trước đã tán loạn chim muông toàn bộ, người theo y rời Lạc Dương lơ thơ chẳng mấy ai. Làm đại sự không thiếu được nhân tài, phương pháp dẫn họ vào tròng vô cùng đơn giản: Ai cũng có nhược điểm, gãi đúng chỗ ngứa ắt chẳng phí bao công mà nắm được trong tay.
Mãi không nghe thấy hồi âm, Phùng Thiếu Mị cả gan ngước mắt, lại nhìn thấy một tờ giấy to đè dưới nghiên mực trên bàn dài, hình dạng trông hơi quen mắt. Cẩn thận nhìn kĩ, gương mặt giống mình đến sáu, bảy phần mà nhà họ Hoài dán khắp nơi trong thành thông cáo treo giải bắt thích khách được vẽ ngay bên trên.
Bức họa như thế này đã dán đầy ba đường sáu ngõ từ mấy ngày trước, không lí nào đến giờ vương gia mới cầm ra xem kĩ, tám thành là khách quý vừa gặp mang tới.
Trong thành Giang Đô, người có mặt mũi khiến vương gia và Thôi tiên sinh cùng nhau tiếp kiến đếm trên đầu ngón tay cũng ngại nhiều, trong tay lại cầm bức họa này, thân phận khách quý đoán cái là ra, mười phần có đến tám chín là người chấp chưởng nhà họ Hoài hiện nay, đại đệ tử của Hoài Vô Nhai, Tô Ngạo.
Tô Ngạo đến cửa tìm vương gia làm gì?
Bất đồ nghe thấy Giang Đô vương hỏi: “Nhà họ Trần thật sự không có mật thư thái tử gửi?”
Lúc trở về từ trấn Bạch Thủy, vương gia đã hỏi câu hỏi này rồi, Phùng Thiếu Mị cúi đầu, không ngại phiền phức trả lời lần nữa: “Lúc nô tì đến nhà họ Trần, cả nhà họ đã bị thổ phỉ địa phương tàn sát, phóng hỏa đốt nhà, trong nhà không còn sót lại vật gì.”
“Thổ phỉ thật sự do Hoài Vô Nhai phái đi?”
“Vâng, Hoài Vô Nhai có thù riêng với lão gia nhà họ Trần, mượn tay thổ phỉ diệt cả nhà y.”
“Nhà họ Hoài cũng không tìm được mật thư?”
“Vâng, sau khi nhận được lệnh của vương gia, nô tì đã lập tức đi tra hỏi Hoài Vô Nhai, lão nói không biết chuyện. Sau khi Hoài Vô Nhai chết, nô tì đã lục soát phòng lão ta mấy lượt, không hề tìm được mật thư.”
“Cũng không tìm được tuyệt học của nhà họ Hoài?”
Phùng Thiếu Mị vô thức ngẩng lên.
Giang Đô vương đang chắp tay sau lưng đứng trước cửa sổ, nhìn nàng chăm chú, nếu có tuyệt học của nhà họ Hoài trong tay, đàm phán với Tô Ngạo sẽ có thêm tiền cược để đặt.
Nàng cúi đầu phủ phục dưới đất, kính cẩn đáp: “Vâng.”
“Thôi.” Giang Đô vương im lặng hồi lâu, đổi đề tài, “Ngươi đã lập được công lớn trong việc ám sát Hoài Vô Nhai, theo dõi sát sao người nhà họ Tiết, sau khi sự thành, cô sẽ cùng trọng thưởng.”
Tư thế quỳ mọp của Phùng Thiếu Mị như một con chó hoang ăn mày xương thịt: “Tạ vương gia ban thưởng.”
Lúc nàng trở lại quán trọ, trời đã tờ mờ sáng, mê hương đốt trước khi đi vừa vặn cháy hết. Đổ tàn hương vào chậu sành trồng tùng ngũ kim, nằm vào chăn gấm mới phát hiện ra gương mặt người đàn ông bên cạnh đỏ lừ, trán nóng bỏng, thế mà đã phát sốt hồi lâu.