*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Có người bán rong gánh đòn gánh trúc đi tới, hai đầu nặng trĩu hàng hóa, đòn gánh uốn cong hình bán nguyệt. Người bán rong một tay đỡ quang gánh, một tay lắc trống bỏi, hạt gỗ tròn đập lên mặt trống “bùng bùng” vang dội, đi qua trước mặt Tiết A Ất.
Giọng vịt đực như được tiếng trống đánh thức, “ối chao” một tiếng vỗ đầu: “Suýt nữa quên mất chuyện chính!”
Tiết A Ất vẫn đang nhìn chằm chằm thanh đao chín khuyên.
“Tiết huynh có nghe tin…” Giọng vịt đực tặc lưỡi, “Năm ngày trước, Hoài lão gia tử bị thích khách giết chết ngay trong tiệc mừng thọ của mình, còn là đàn bà nữa.”
Tiết A Ất đang vuốt ve thanh đao, nghiêm túc y như vuốt ve cô vợ mới cưới vú to mông mẩy vào đêm động phòng hoa chúc, sờ một lượt từ đầu đến chân, lại chẳng thu hoạch được gì.
Đây quả thật là một thanh đao tuyệt đẹp, đáng tiếc, đẹp mà nguy hiểm.
Hắn thờ ơ đáp tiếng.
Giọng vịt đực nói: “Nhà họ Hoài mời họa sư, hôm qua bức tranh vẽ nữ tặc kia và lệnh truy sát đã được gửi xuống. Nhà họ Hoài ra một cái giá rất cao, bất kể thân phận địa vị, chỉ cần dâng đầu nữ tặc lên sẽ nhận được ba ngàn lượng vàng ròng, nếu bắt sống được nữ tặc thì lại thêm ba phần tuyệt học độc môn nhà họ Hoài nữa.”
Trọng thưởng ắt sẽ vời được kẻ gan dạ, trên đời không thiếu nhất là ngữ tham tiền, mà thứ trên giang hồ không thiếu nhất thì chính là hạng mê võ, người chết vì tiền, chim chết vì miếng ăn.
Vàng là thật, tuyệt học chỉ là cái danh nghĩa hờ, nhà họ Hoài bỗng dưng cho nhân sĩ võ lâm một cái bánh vẽ.
Trong lỗ tường đưa qua bức tranh vẽ nữ tặc, giọng vịt đực nhắc nhở: “Bên trên giục gấp lắm, nếu có tung tích nữ tặc, huynh chớ làm xằng làm ẩu, gắng báo cho tiểu đệ sớm nhất có thể đấy.”
Chẳng ai đi khoe tiền ra ngoài, kẻ nào dám công khai đớp tiền thưởng thì đến số là đáng lắm.
Tiết A Ất nhận lời.
***
Bến đò Qua Châu bốc lên khói bếp, đèn thuyền chài như quả đào chín muồi rơi xuống sông, lóng lánh trôi nổi trên mặt nước.
Lúc cập bờ, mưa đã tạnh, nước dâng lên chỉ còn cách mặt đất không tới ba thước. Tiết A Ất lau mặt, buộc thuyền vào cọc gỗ ven bờ, toàn thân ướt đẫm nom như ma nước bò từ dưới sông lên, bóp vạt áo, vắt ra một dòng nước.
Ba chiếc thuyền dưới bục có lớn có nhỏ, hai con thuyền nhỏ dùng để chở khách, con thuyền lớn hơn thì làm chỗ cho Tiết Côn Ngọc dưỡng bệnh. Tiết A Ất xách sào trúc nhảy lên thuyền ô bồng, Thúy Thúy và Cát Sinh như hai pho môn thần, đưa lưng về phía hắn, đứng trước mành nan trúc đen kịt.
Hắn tháo mũ vành xuống giũ giũ, hỏi: “Có khách à?”
Thúy Thúy giật mình, gọi một tiếng “Ca ca” mềm mại, con ngươi đen tròn như quả nho lấp lánh hưng phấn: “Khách quý tới nhờ cha rèn đao ạ.”
Cát Sinh nhận lấy mũ vành và sào trúc, tiếp lời: “Đến lần thứ hai rồi, lần trước lão tiên sinh không nhận lời.”
Tiết A Ất ngừng động tác: “Tại sao?”
Cát Sinh cúi đầu: “Không biết ạ.”
Đang định hỏi tiếp thì trong mành nan trúc vọng ra một giọng nam xa lạ: “Bên ngoài là nhi tử của Tiết lão tiên sinh phải không? Mời vào.”
Dầm mưa cả nửa ngày, đầu Tiết A Ất nhức như búa bổ, huyệt thái dương nảy thình thịch, lòng bức bối khó chịu. Hắn hít sâu một hơi, ngón cái day mạnh thái dương, vén mành vào khoang thuyền, trước mắt sáng bừng, ánh nến chọc vào mắt đau nhói.
Một chiếc bàn nhỏ đặt ngang giữa khoang, Tiết Côn Ngọc ngồi bên tay trái, bên tay phải là hai nam một nữ, người đàn ông dẫn đầu tuổi đã ngoài ba mươi, mặc bộ y phục xanh sẫm hoa văn mây cuộn nâng dơi, ngẩng đầu nhìn về phía hắn. Người này thoạt trông thì chẳng có vẻ gì là sắc sảo lợi hại, mặt mũi xem như cũng ôn hòa, song ánh mắt thì lại hệt một con sói dữ đơn độc kiếm ăn trong hoang dã.
Tiết Côn Ngọc giành trước mở lời: “A Ất, vị này là Giang Đô vương gia, chớ có vô lễ.”
Tiết A Ất ôm quyền thi lễ: “Tiểu tử bái kiến vương gia.”
“Tiết đại lang đa lễ.” Giang Đô vương mỉm cười, khóe miệng hiện nếp nhăn lờ mờ, nhiều thêm mấy phần hiền hòa của bậc trưởng bối nhìn vãn bối, chính là người lên tiếng mới rồi, “Cô cũng xem như có duyên với Tiết đại lang, nghe Thiểu Mị nói hai người từng gặp mặt một lần.”
Vừa nói vừa nghiêng người ra hiệu, sau lưng y có một nam một nữ ngồi quỳ.
Cô gái một mực cúi thấp đầu nãy giờ ngẩng mặt lên: “Phùng thị Thiếu Mị, bái kiến Tiết công tử. Ly biệt ở trấn Bạch Thủy đến giờ, công tử vẫn khỏe chứ?”
Lúc này Tiết A Ất mới chú ý tới nàng ta.
Nến đã đốt gần hết cây, ánh nến chập chờn lúc sáng lúc tối trên mặt cô ả. Nàng ta ngồi ngay ngắn bên cạnh Giang Đô vương, lưng thẳng tắp như thân lúa mạch.
Trong ngực áo còn cất thông cáo treo thưởng tróc não cô gái này, cần cổ thon dài láng mịn như cuống sen ấy mà vung đao chặt xuống là ba ngàn lượng vàng sáng bóng về tay ngay. Sắc đẹp hỏng việc, sớm biết có ngày hôm nay thì lúc trước đã giết nàng ta luôn cho rồi.
Tiết A Ất thu mắt, khoanh chân ngồi xuống: “Rất khỏe.”
“Thiếu Mị là cánh tay đắc lực của cô,” Giang Đô vương giải thích với Tiết Côn Ngọc, “Bận trước thay cô đi làm việc, vừa khéo gặp được lệnh lang.”
Lại hỏi: “Đôi trai gái nhà lão tiên sinh đã hứa hôn với nhà ai chưa?”
Thuyền ô bồng đã dùng được vài năm, mưa liên tiếp mấy ngày, chưa kịp tu sửa lại, kẽ hở trên lán nan trúc như lỗ trên đào huân1, gió luồn vào vẳng tiếng u u.
1 Một loại nhạc cụ thổi.
Tay bưng chén trà của Tiết Côn Ngọc run lên: “Hãy chưa, không lọt được vào mắt ai cả.”
Đào huân
“Lão tiên sinh khiêm tốn rồi, bữa nay cô đã gặp được cả, lệnh lang lệnh ái đều hình dung đường đường, tiên sinh thật có phúc.” Giang Đô vương liếc thấy lọ thuốc đựng bã thuốc lạnh trên bàn, đổi chủ đề, “Sức khỏe tiên sinh đã khá hơn chút nào chưa?”
Tiết Côn Ngọc lắc đầu: “Diêm Vương tới bắt, trốn chẳng thoát được.”
Người sống xem người sống dở chết dở, muốn sống hay muốn chết, nhìn là ra ngay.
Giang Đô vương chậm rãi nói: “Trời không tuyệt đường người.”
Y vỗ vai cô ả tên Phùng Thiếu Mị kia, đổi giọng: “Nghe nói phu nhân đã về trời mười mấy năm, lão tiên sinh tình sâu nghĩa nặng, cô bội phục. Có điều, tiên sinh triền miên trên giường bệnh, bên cạnh chẳng có ai trông nom, hẳn có nhiều điều bất tiện… Thiếu Mị ở lại chiếu cố cho lão tiên sinh đi, cần gì xin cứ việc sai bảo.”
Không đợi Tiết Côn Ngọc khước từ, Phùng Thiếu Mị đã vâng.
Giang Đô vương đứng dậy, thanh niên ăn bận kiểu thư sinh bên cạnh khoác thêm áo choàng cho y: “Đêm lạnh sương dày, cô còn có việc chưa xử lí xong, chuyện rèn đao mong tiên sinh suy nghĩ lại, mấy ngày nữa cô lại tới bái phỏng.”
Tiết Côn Ngọc mình mẩy bất tiện, Tiết A Ất bèn tiễn khách.
Vén mành ra khỏi khoang thuyền, mặt trời đã lặn già nửa, trên đầu như ụp chiếc bát mẻ màu xám tro, hé ra một góc đỏ ối.
Cát Sinh rao hàng kiếm khách, Thúy Thúy hãy còn đứng ở cửa, thấy họ đi ra, ánh mắt dính chặt vào thanh niên ăn bận kiểu thư sinh.
Cô hành lễ, giòn giã chào: “Vương gia, Thôi tiên sinh đi thong thả.”
Giang Đô vương cười đáp lại.
Thanh niên mở miệng, giọng hiền hòa: “Tiết cô nương đa lễ.”
Má Thúy Thúy hây hây như ráng chiều cuối trời.
Lên bờ đi chừng mười bước, Tiết A Ất ngoái lại, Thúy Thúy vẫn đang đứng trên mạn thuyền, vọng mắt mong mỏi.
Hắn lặng lẽ quan sát thanh niên thư sinh.
Vầng hào quang của Giang Đô vương quá chói loá, thanh niên và Phùng Thiểu Mị như cái bóng của Giang Đô vương. Đây là hai con chó trầm lặng mà trung thành, không để ý sẽ rất dễ bỏ quên. Chó mang ra cửa phải biết cắn người, bét nhất cũng phải tha được miếng thịt về, chủ nhân không bao giờ nuôi chó vô dụng.
Tiết A Ất cất lời: “Không biết vị này là…”
Giang Đô vương như mới nhớ ra: “Quên giới thiệu, vị này là phụ tá dưới trướng cô, họ Thôi.”
Tiết A Ất ôm quyền thi lễ: “Bái kiến Thôi tiên sinh.”
Thanh niên khom người đáp lễ.
Thôi tiên sinh rất trẻ, tuổi chừng hai mươi, thanh tú sáng sủa, khi cười khóe miệng có lúm đồng tiền không sâu không cạn.
Khác với giọng vịt đực, Thôi tiên sinh đã trút bỏ rốt ráo vẻ lông bông thiếu niên, song không mất nhuệ khí, tựa một quả hạnh xanh sắp chín, hái sớm quá thì chua mà muộn quá thì nhạt, hạnh phải hái vào đêm ngay trước hôm chín muồi mới là ngon nhất.
Trở lại thuyền, Phùng Thiếu Mị không có ở đây.
Tiết A Ất đi một vòng không thấy người đâu, Thúy Thúy chỉ ra bờ sông: “Đang nấu cơm với Cát Sinh ấy!”
Trời mưa khó nổi lửa, Cát Sinh mượn lò sưởi đã qua sử dụng của nhà khác làm bếp, đốm lửa còn chưa tắt, cậu cầm ống trúc dài chừng cánh tay, phồng má thổi lửa.
Phùng Thiếu Mị đang giết cá, ống tay áo xắn lên khuỷu tay, lộ ra hai cánh tay thon nhỏ. Cá diếc mới bắt buổi chiều đang giãy đành đạch trên đá tảng, đầu cá bị sống đao đập mạnh ngất đi, cạo vảy, mổ phanh phần bụng trắng nhờ, dao trắng vào dao đỏ ra, nhát nào ra nhát đấy, động tác thành thạo.
Tiết A Ất đứng đằng xa xem một chốc rồi đi tới: “Thúy Thúy đang tìm cậu đấy, chỗ này để tôi lo.”
Cát Sinh đáp lời, xách ống thổi lửa đi.
Vệt đỏ cuối cùng nơi chân trời còn chưa lặn hẳn, Giang Đô đã đèn đuốc sáng trưng, bến đò lại lần nữa náo nhiệt, không ai chú ý tới góc xó hoang vắng trên bờ sông.
Tiết A Ất chậm rãi đi tới sau lưng Phùng Thiếu Mị.
Có lọn tóc con rơi xuống cổ cô ả, hắn thò tay nhón lên.
Dao mổ cá trong tay Phùng Thiếu Mị xoay vòng, bỗng chốc đâm ra sau, Tiết A Ất buông lọn tóc, hai ngón tay kẹp lấy lưỡi dao.
Mũi dao ngừng trước mũi một tấc.
Tiết A Ất cúi đầu, ghé vào tai Phùng Thiếu Mị, giữ tư thế ấy từ tốn hỏi: “Rốt cuộc các người muốn làm gì?”
Phùng Thiếu Mị không quay đầu lại: “Tiết công tử…”
Tiết A Ất ngắt lời: “Gọi tôi Tiết A Ất.”
Cô ả bất động.
Hạ giọng xuống thật thấp, hơi thở ấm nóng phả vào vành tai cô gái: “Cô có thể nói tôi biết điều gì?”
Phùng Thiểu Mị nghiêng đầu nhìn hắn, chợt rút dao mổ cá về. Dao rất nhanh, ngón trỏ và ngón giữa kẹp dao bị cắt rách da, Tiết A Ất liếm vết thương, vị máu tanh hòa lẫn mùi cá.
Mũi dao xoay lại, moi ruột và bong bóng cá ra, Phùng Thiếu Mị nói: “Hoàng thượng già rồi, vương gia và thái tử không hợp nhau đã lâu, vương gia cần tạo thế.”
Đàn ông làm đại sự, đầu tiên cần phải tạo thế, thế Giang Đô vương muốn mượn chính là một thanh “đao tốt”. Tiết Côn Ngọc có tiếng thuở thiếu thời, gia cảnh sa sút, thân mắc trọng bệnh, lại đèo bòng con cái, là công cụ thích hợp nhất để bồi dưỡng thanh đao này.
Phùng Thiếu Mị xách cá lên thuyền ô bồng, guốc gỗ gõ sàn thuyền lộc cộc. Vạt váy tách ra giữa động tác nhấc chân, để lộ mắt cá chân và nửa bắp chuối trắng tựa ngó sen. Cô ả đứng lại trên thuyền chài, vạt váy khép lại, chỉ còn dư đôi bàn chân trần xỏ guốc mộc.
Trên bàn cơm thêm một người xa lạ, ăn mà gượng gạo.
Con cá đã moi sạch nội tạng nằm trong nồi, chặt thành năm khúc, tháng Ba là cao điểm cá diếc kiếm ăn, thịt săn, canh cá ngon nức nở.
Gió đêm thổi vào, đầu đau buốt óc, Tiết A Ất bỏ vào miệng mà chẳng nếm ra mùi vị gì.
Thúy Thúy thích ăn cá, khen không ngớt miệng: “Phùng tỷ nấu ngon quá, chẳng thua gì tửu lâu.”
Phùng Thiếu Mị lắc đầu: “Nhà tôi bán cá, tôi chỉ biết làm cá thôi.”
Thúy Thúy tò mò: “Chị quê ở đâu?”
“Lạc Dương.”
Mắt Thúy Thúy sáng bừng: “Nghe nói hoa mẫu đơn Lạc Dương rất đẹp, có thật không ạ?”
“Mẫu đơn rất đẹp.” Phùng Thiếu Mị cười, “Lạc Dương còn có nhiều loài hoa khác, cũng rất đẹp, không chỉ mỗi mẫu đơn, Tiết cô nương đi là biết thôi.”
Lúc dọn canh thừa thịt nguội xuống thì đã là cuối giờ Dậu, không ai đi thuyền, người một nhà đành trải đệm đi ngủ. Thúy Thúy lục rương lục tráp hồi lâu mới tìm ra một cái chăn cũ, sợi bông trắng xóa lòi ra ngoài, cô tìm kim chỉ vá lại.
Phùng Thiếu Mị cảm ơn, nhận lấy chăn, nghe Thúy Thúy hỏi nhỏ: “Phùng tỷ, Thôi tiên sinh đã có vợ chưa?”
Nàng ta ngẩn người.
Quay lại, bắt gặp một đôi mắt ngượng ngùng lại gan dạ.
“Năm ngoái từng đính hôn, cô nương kia chưa vào cửa đã bệnh nặng qua đời.” Phùng Thiếu Mị ngẫm nghĩ, đáp, “Thôi tiên sinh không có thiếp thất, cũng không hay ra sông Tiểu Tần Hoài.”
Hai bên bờ Tiểu Tần Hoài đa phần đều là hoa lâu.
Thúy Thúy đỏ mặt, lắp bắp cảm ơn, cúi đầu chạy ra ngoài như bỏ trốn.
Ban đêm trời lại mưa, hạt mưa nện lộp bộp trên lán nan trúc đen kịt, sấm xuân đì đùng, bên ngoài văng vẳng tiếng trẻ con khóc từng chặp.
Tiết A Ất nhức đầu muốn nứt, óc như bị găm kim, đang lim dim sắp ngủ thì vách thuyền bỗng bị gõ vang, bừng tỉnh lại.
“Thùng thùng thùng!”
Hắn vén rèm, bên ngoài là ba gã say rượu dìu đỡ lẫn nhau.
Bên hông gã đi đầu treo một thanh đại đao, mở miệng ra là sực mùi rượu, gào ầm lên: “Chủ thuyền, đi Tiểu Tần Hoài…”
Hai người khác say đỏ gay mặt, lèm bèm cười nhạo: “Đại ca, đi tìm Tiểu Đào cô nương thật à?”
“Lão tử phải hỏi con ả thối tha đó xem lấy đâu ra lá gan trộm lão tử tiếp khách!”
“Tiểu Đào không đáp thì sao?”
“Không đáp? Băm cả nhà nó ra!”
Giọng cao vống, át cả tiếng mưa rơi.
Tiết Côn Ngọc thính ngủ, một khi bị đánh thức cả đêm sẽ không ngủ lại được, Tiết A Ất lập tức nhận lời, vén rèm gọi Phùng Thiếu Mị dậy.
Nàng ta mở mắt, rất tỉnh táo: “Chuyện gì thế?”
Phùng Thiếu Mị là thanh đao Giang Đô vương treo trên đầu nhà họ Tiết, có thể chém xuống bất cứ lúc nào. Ba ngàn lượng vàng ròng là mồi câu, mỗi người tới yết bảng treo giải nhổ một bãi nước bọt là có thể dìm chết họ, Tiết A Ất sẽ không để cô ả rời khỏi tầm mắt.
Hắn kéo Phùng Thiếu Mị dậy: “Đi cùng tôi…”