Thê Tử Của Chàng Câm

Chương 67: Bắt dế




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Tang Vi Sương cũng giống như Dương Yên đều không hiểu vì sao Thần nhị gia lại đưa cả nhà họ đến ở tại Thần gia biệt phủ?

Nàng còn đặc biệt bảo phu xe dừng xe ngựa để đi tìm Thần nhị gia nói chuyện nhưng còn chưa xuống xe thì đã bị Chử Quy cản lại.

- Tang đương gia, nhị gia nói khi đương gia lần đầu tới Hoài Châu, nhị gia không thể dẫn đương gia đi tham quan thành Hoài Châu nên bây giờ nói thế nào cũng phải giữ đương gia ở lại mấy tháng để từ từ tham quan.

Tham quan gì chứ? Nơi này không chừng ngày nào đó sẽ rơi vào dưới gót sắt người Tần, hiện giờ cả vùng Thiệu Châu đều là khói lửa chiến tranh nhưng trong thành Hoài Châu vẫn ngắm hoa, ngắm trăng, hương rượu ngon vẫn lững lờ như cũ.

- Xin Chử đại phu chuyển lời giúp: thứ lỗi cho Vi Sương khó nhận ý tốt của nhị gia, cả nhà chúng tôi theo nhị gia đến Hoài Châu là vì cảm kích ân cứu mạng của nhị gia, xem như là hộ tống nhị gia dọc đường, đương nhiên càng là vì thương thế của Quá Tuyết cần Chử đại phu chữa trịtính ra chúng tôi đã quấy rầy nhị gia một thời gian dài rồi, thứ lỗi cho Vi Sương không thể lại theo nhị gia vào ở trong biệt phủ.

Chử Quy cười cười:

- Lời này của Tang đương gia vẫn nên tự mình nói với nhị gia đi, Chử mỗ không thể làm chủ được.

Ông chắp tay rồi cưỡi ngựa đi tới trước đoàn xe.

Tang Vi Sương đỡ trán, người của Thần gia đều rất khôn khéo, Chử Quy cũng là người khó nói chuyện.

Các nàng chỉ có thể ngoan ngoãn vào ở trong Thần gia biệt phủ ư?

Lâu Kiêm Gia thấy Tang Vi Sương mặt ủ mày chau thì vươn tay kéo mặt nàng, bàn tay ngọc ấm áp dán lên mặt nàng, nàng kinh ngạc nhìn hắn, không hiểu tại sao hắn đột nhiên lại làm vậy với nàng.

Hắn nâng mặt nàng lên, nhe răng cười với nàng, đã lâu rồi hắn không thấy nàng cười, kể từ khi đi chạy nạn đến nay hắn chưa từng thấy nàng cười. Cả nam nhân đáng ghét Thần gia kia nữa, dường như lúc nào cũng ép Vi Sương làm những việc nàng không thích, tại sao Vi Sương không đưa họ rời khỏi đây? Chỉ vì Quá Tuyết ư? Hay vì Vi Sương sợ dọc đường lại gặp phải chuyện khó khăn gì?

***

Xe ngựa xuyên qua thành Hoài Châu, từ cổng thành đi thẳng đến Thần gia biệt phủ. Thần nhị gia đưa nhóm người bọn họ đến Thần gia biệt phủ, ở trước cổng nhìn Tang Vi Sương, không nói câu nào liền xoay người rời đi.

Tang Vi Sương vô cùng kinh ngạc, nhíu chặt chân mày:

- Thần nhị gia!

Người kia hơi dừng lại, không quay đầu:

- Nếu muốn rời đi thì không cần nói nữa.

Nói rồi hắn dẫn theo các thuộc hạ rời đi.

- ...

Nhìn bóng lưng của hắn, Tang Vi Sương thực chán nản, nam nhân này làm việc rất mạnh mẽ khiến người ta ghét, cha hắn có biết không?

Có ba thiếu nữ từ trong phủ đi ra. Thiếu nữ dẫn đầu khoảng mười tám tuổi, y phục toàn thân màu ngọc bích, khuôn mặt hình trứng ngỗng, mặt mũi đoan trang, búi tóc hơi uốn, cắm nghiêng trên đó là một cây trâm đồng ngọc đơn giản, thoạt nhìn chính là nhân vật thuộc hàng quản lý trong Thần gia biệt phủ.

- Tang đương gia, nô gia Vấn Ngọc, sau này phụ trách ăn uống sinh hoạt của mọi người Tang phủ, hai nha hoàn phía sau nô gia một người tên Thục Điệp, một người tên Niệp Hiệp. Hai người này do Tang đương gia và các thiếu gia tùy ý sai bảo.

Giọng thiếu nữ trầm ổn, nghe có vẻ là người làm việc đáng tin cậy.

Tang Vi Sương không thể không bội phục Thần nhị gia, ngay cả nha hoàn thuộc hạ bình thường cũng giỏi như vậy, đủ thấy hắn tâm tư tỉ mỉ, làm việc kín kẽ, chắc hẳn mọi việc lớn nhỏ trong phủ đều là tự mình làm lấy.

Trong mắt Tang Vi Sương, Thần nhị gia và Phó Họa Khánh đều cùng một loại người, chính là loại đáng sợ vừa có thể cầu vừa không thể cầu. Có thể cầu chính là, nếu loại người đó có lòng muốn giúp bạn thì nhất định sẽ đầu xuôi đuôi lọt, họ có thể giúp bạn làm việc rất hoàn hảo; không thể cầu là vì họ tuyệt đối sẽ không làm việc cho người khác. Loại người này bây giờ ở trong mắt Tang Vi Sương chính là, khi bạn nhìn rõ sở thích của hắn thì có thể lợi dụng nhưng khi bạn nhìn không thấu tâm tình của hắn thì hắn không thể nghi ngờ là sự tồn tại nguy hiểm nhất.

Nàng đã chết trên tay loại người này một lần và không muốn chết thêm lần thứ hai nữa.

Hôm đó, Chử Quy tới hai lần, một lần để bắt mạch cho Quá Tuyết, một lần để sắc thuốc cho Quá Tuyết.

Theo lời Chử Quy thì phổi của Quá Tuyết e là còn để lại tụ máu, tuyệt đối không thể chịu được việc đi tàu xe vất vả.

Điều Chử Quy nói Tang Vi Sương hiểu, ông đang nhắc nhở nàng đừng nhất thời nóng vội mà dẫn cả nhà đi kinh thành, nhưng nàng không nóng vội sao được, việc chuyển Tuyết Đào đến trồng ở kinh thành đã đủ khiến nàng nóng vội rồi, liệu nó có chờ một ngày nào đó nàng đến kinh thành rồi chết héo toàn bộ cho hả giận không?

Tang Cẩm Văn sau khi đút thuốc cho Quá Tuyết thì về phòng ôn bài, Lâu Kiêm Gia ở chung với hắn trong một trạch viện.

Tang Cẩm Văn ở trong phòng đọc sách mở cửa sổ, Lâu Kiêm Gia ngoài sân lúc ẩn lúc hiện, khi Cẩm Văn đọc tới “Bác hỏi tôi sao biết được niềm vui của cá, thế là bác đã biết tôi biết mà hỏi tôi. Tôi thì biết điều đó ở trên sông Hào nầy”(trích “An chi ngư lạc”, một tác phẩm của Trang Tử, nói về cuộc tranh luận giữa hai nhà tư tưởng Trang Tử và Huệ Thi, chủ đề tranh luận là cá du có vui vẻ hay không và hai bên làm thế nào để biết được điều đó)thì Lâu Kiêm Gia đang chui loạn trong bụi cỏ dưới xích đu. Khi mặt trời lặn về hướng Tây, Cẩm Văn đọc tới “nhìn [thần biển là] Nhược, bảo: “Tục ngữ có câu: “Người nào được nghe trăm điều về đạo thì tự cho là không ai bằng mình”. Đó chính là trường hợp của tôi. Tôi đã nghe người ta chê kiến văn của Trọng Ni không được bao nhiêu, khinh nghĩa khí của Bá Di là tầm thường, mới đầu tôi không tin; bây giờ tôi mới thấy chỗ vô biên của Ngài, nếu tôi không đến cửa của Ngài [mà thụ giáo] thì nguy cho tôi, tôi sẽ vĩnh viễn bị bậc thức giả chê cười mất.”………” (**)(trích “Bắc Hải Nhược và Hà Bá” của Trang Tử)thì Lâu Kiêm Gia đang ngồi trước bàn đá, không biết đang chơi thứ gì, nhưng Tang Cẩm Văn cuối cùng cũng không kiềm chế nổi nữa! Bởi thứ trong tay Lâu Kiêm Gia là một sinh vật sống có tiếng kêu nghe rất hay.

Tang Cẩm Văn gấp sách lại, vừa chạy vừa nhảy ra khỏi phòng.

- Lâu Kiêm Gia, cho đệ xem thứ trong tay huynh với!

Tang Cẩm Văn “vụt” phóng đến trước bàn đá.

Lâu Kiêm Gia thấy Tang Cẩm Văn đột nhiên xuất hiện thì hơi nhíu mày đem con “côn trùng” vất vả lắm mới bắt được bỏ vào lòng bàn tay, tiện thể quay lưng về phía Cẩm Văn.

- ……….

Tang Cẩm Văn đâu chịu nghe theo, hắn nhảy đến trước mặt Lâu Kiêm Gia:

- Đệ không ngờ Kiêm Gia ca ca lại hẹp hòi như vậy. Hứ!

Hẹp hòi? Là nói xấu hắn sao? Lâu Kiêm Gia không vui cau mày, ngẩng đầu nhìn Tang Cẩm Văn, hơi hé tay phơi bày con vật trong tay mình ra cho Tang Cẩm Văn xem.

- Woa, con này đệ biết! Ông chủ Hùng Sư Lâu có một con to cũng cỡ này, nghe nói có thể bán được một lượng bạc đấy!

Tang Cẩm Văn sau khi nhìn rõ liền kêu to lên.

Không phải chứ, một con côn trùng bán được một lượng bạc? Khóe môi Lâu Kiêm Gia run run.

- Kiêm Gia ca ca đợi chút, đệ đi lấy lọ tới! Lúc nãy đệ thấy trong phòng có một cái lọ vừa hợp để nuôi con này!

Nói rồi Tang Cẩm Văn lại vọt vào trong nhà, đó đâu phải lọ mà là lư hương, bởi vì có những lỗ nhỏ nên Tang Cẩm Văn cảm thấy con côn trùng kia có thể ở trong đấy mà không bay mất, cũng sẽ không bị bí chết.

- Tiếng nó kêu giống như tiểu cô nương vậy, đệ ôm nó đi hỏi đại tỷ xem con côn trùng này tên gì.

Tang Cẩm Văn ôm lư hương nói.

Lâu Kiêm Gia vừa nghe đi gặp Tang Vi Sương là hai mắt sáng lên, rốt cục cũng tìm được lý do khác lý do ăn cơm để gặp nàng rồi.

Phải biết rằng hiện tại hắn không ở chung viện với nàng, muốn gặp nàng một lần cũng khó..

***

- Hóa ra con này gọi là dế à.

Tang Cẩm Văn nhận được đáp án cười thỏa mãn.

Tang Vi Sương nhìn hắn và Lâu Kiêm Gia, hai người mang tâm tính trẻ con này, bắt được một con dế cũng xem như bảo bối, đáng yêu chết đi được.

- Có điều, ít chơi dế thì tốt hơn, con này chết thì thôi, hai người đừng ham quá mà bắt thêm con khác.

- Tại sao?

Tang Cẩm Văn không hiểu lời của đại tỷ.

Tang Vi Sương ném túi trái cây trong tay:

- Dế này á, mấy người có tiền thích chơi nhưng không biết tiếp xúc thứ côn trùng này có hại.

- Có hại?

Cẩm Văn lại càng không hiểu nhưng nghe đại tỷ nói vậy thì vội đặt lư hương xuống.

Nhìn bộ dạng sợ hãi đó, Tang Vi Sương phì cười:

- Tỷ cũng là nghe thái……..sư phụ nói, năm xưa ông ấy ở thành Lạc Dương làm gia sư cho người ta, khi đó có mấy đứa con cháu thế gia nghịch ngợm phá phách cả ngày ham chơi cái này, sư phụ tỷ nói với họ là côn trùng này tiếp xúc thời gian dài sẽ nhiễm bệnh cho người, đặc biệt là chạm vào nó sẽ bị thương……….

Tang Cẩm Văn bị dọa sợ, ném lư hương rồi ngồi một bên bóc trái cây cho Vi Sương và Lâu Kiêm Gia ăn.

- Lâu Kiêm Gia, con đó do huynh bắt được, huynh ôm về đi.

Nói xong hắn vẫn còn sợ hãi, vỗ vỗ ngực.

- Tang đương gia có trong đó không?

Giọng của tiểu nha hoàn bên ngoài thánh thót như tiếng ngọc thạch chạm nhau, khiến lòng người rung động, trong biệt phủ này ngay cả một tiểu nha hoàn cũng giỏi như thế, giọng nói cũng nghe hay như thế.

========
(*)“An tri ngư lạc” (Trần Văn Chánh dịch)

"An tri ngư lạc" - "Sao biết niềm vui của cá" là câu chuyện kinh điển của phương Đông, hàm ý chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ ràng, người ngoài cuộc chỉ phỏng đoán thôi.

Trang Tử cùng Huệ Tử dạo chơi trên cầu sông Hào.

Trang Tử nói: “Cá du ra chơi thong thả, đó là niềm vui của cá”

Huệ Tử đáp: “Bác không phải cá, sao biết được niềm vui của cá?”

Trang Tử nói: “Bác không phải tôi, sao biết tôi không biết niềm vui của cá?”

Huệ Tử nói: “Tôi không phải bác, không biết bác đã đành. Nhưng bác vốn không phải cá, thì hẳn là bác không biết được niềm vui của cá”.

Trang Tử nói: “Xin nói lại từ gốc. Bác hỏi tôi sao biết được niềm vui của cá, thế là bác đã biết tôi biết mà hỏi tôi. Tôi thì biết điều đó ở trên sông Hào nầy”.


(**) Bắc Hải Nhược và Hà Bá (Nguyễn Hiến Lê dịch)
Mùa thu khi nước dâng, cả trăm con sông đổ dồn ra Hoàng Hà, dòng nước mênh mông, tới nỗi đứng bờ bên đây nhìn qua bờ bên kia không phân biệt được con bò với con ngựa.

Hà Bá (thần sông Hoàng Hà) hoan hỉ, cho mình làm chủ được hết những cái đẹp trong thiên hạ. Nhưng khi xuôi dòng qua phía Đông, tới Bắc Hải [1] thấy làn nước vô biên trải ra trước mặt, mới quay lại, ngửng đầu lên nhìn [thần biển là] Nhược, bảo:

- Tục ngữ có câu: “Người nào được nghe trăm điều về đạo [2] thì tự cho là không ai bằng mình”. Đó chính là trường hợp của tôi. Tôi đã nghe người ta chê kiến văn của Trọng Ni không được bao nhiêu, khinh nghĩa khí của Bá Di là tầm thường, mới đầu tôi không tin; bây giờ tôi mới thấy chỗ vô biên của Ngài, nếu tôi không đến cửa của Ngài [mà thụ giáo] thì nguy cho tôi, tôi sẽ vĩnh viễn bị bậc thức giả chê cười mất.

Thần Bắc Hải đáp:

- Không thể nói về biển cho một con ếch ở đáy giếng nghe được, vì nó chỉ thấy một khoảng không gian hẹp quá. Không thể nói về băng tuyết cho một con trùng chỉ sống một mùa hè nghe được vì nó sống một khoảng thời gian ngắn quá. Không thể luận về đạo giáo cho một kẻ sĩ quê mùa [3] nghe được vì họ bị trói buộc trong điều lễ giáo.

Nay anh ra khỏi lòng sông, thấy biển cả mà nhận rằng mình tầm thường thì ta có thể giảng cái chân lí lớn [4] cho anh nghe được. Nước trong thiên hạ, không đâu rộng bằng biển. Vạn con sông đổ hoài vào đó, không bao giờ ngừng mà nó cũng không hề vơi. Mùa xuân, mùa thu nó vẫn vậy, không biết nắng hạn (xuân) hay lụt lội (thu). Lưu lượng nó hơn hẳn Trường Giang và Hoàng Hà [5] không biết bao nhiêu mà kể.

Vậy mà ta không lấy thế mà tự đắc, vì so với trời đất, với tất cả những vật thụ khí âm dương, thì ta có khác gì một hòn cuội, một cây nhỏ trong núi lớn. Biết rằng mình nhỏ rồi, đâu còn tự đắc nữa?

So với trời đất, bốn biển khác gì cái hang nhỏ trong cái chằm lớn? So với bốn biển, Trung Quốc khác gì một hạt lúa trong cái kho lớn? Sinh vật có cả vạn loài mà loài người chỉ là một. Trong số những người sống ở chín châu (tức Trung Quốc), ăn lúa để sống, đi lại với nhau bằng thuyền và xe, thì cá nhân chỉ là một phần tử. Vậy người so với vạn vật có khác gì đầu sợi lông trên mình con ngựa? Cái mà ngũ đế kế thừa, cái mà tam vương tranh giành nhau, cái mà hạng người có nhân lấy làm lo lắng, hạng người có tài năng phải lao khổ, rốt cục chỉ có vậy thôi ư! Bá Di từ nhượng mà được cái danh thơm, Khổng tử bàn luận mà được coi là bác học. Họ tự hào về đức về tài của họ, có khác gì lúc nãy anh khoe nước của anh nhiều không?

Hà Bá nói:

- Vậy tôi có thể cho trời đất là lớn mà đầu sợi lông là nhỏ được không?

- Không. Vì cái lượng của vạn vật thì vô cùng mà thời gian thì không ngừng, nó biến đổi hoài [6] , không biết đâu là thuỷ đâu là chung [7] . Cho nên bậc đại trí nhìn xa rồi nhìn gần, thấy nhỏ không cho là ít, thấy lớn không cho là nhiều, vì biết rằng cái lượng của vật vô cùng; hiểu lẽ xưa cũng như nay, không tiếc thời xưa mà cũng không cầu gì ở thời nay, vì biết rằng thời gian không ngừng; xét luật đầy vơi ở trên đời, khi được đã không mừng mà khi mất cũng không lo, vì biết rằng số phận bất thường. Theo con đường bằng phẳng [8] rồi không cho sống là vui, chết là hoạ, vì biết rằng sống chết không có gì là vĩnh cửu. Cái ta biết ít hơn cái ta không biết, cuộc đời ta sống không dài bằng thời gian trước khi ta sinh ra. Lấy cái cực nhỏ [tức trí tuệ và đời sống của ta] mà muốn hiểu đến cùng cái cực lớn [tức tất cả cái ta không biết và cả thới gian trước khi ta sinh ra], như vậy là mê loạn, không bao giờ thoả mãn được. Đã vậy rồi thì làm sao có thể biết được đầu cái lông làm tiêu chuẩn cho cái cực nhỏ, mà trời đất làm tiêu chuẩn cho cái cực lớn?

Hà Bá hỏi:

- Bọn nghị luận ngày nay bảo cái cực nhỏ không có hình thể, cái cực lớn không có giới hạn, có thực vậy không?

- Từ lập trường nhỏ mà xem cái lớn thì không thấy khắp được, từ lập trường lớn mà xem cái nhỏ thì không thấy rõ được. Cái cực nhỏ là cái nhỏ nhất trong những cái nhỏ, cái cực lớn là cái lớn nhất trong những cái lớn. Hai cái đó đều có ưu điểm riêng, hiện tượng đó vốn có [9] . Phân biệt tinh với thô là xét những vật hữu hình; những vật vô hình thì không thể phân chia ra được; cái gì không có giới hạn thì không thể tính được. Cái có thể diễn bằng lời được là cái “thô” của của sự vật, cái mà ý có thể đạt được là cái “tinh” của sự vật. Cái gì mà lời không thể diễn, ý không thể đạt thì vượt lên trên cái tinh và cái thô.

Bậc đại nhân hành động không làm hại ai cũng không coi trọng lòng nhân và sự gia ân cho người. Họ hành động không vì lợi, không khinh người coi cửa, người đầy tớ, không tranh của cải, không coi trọng sự từ nhượng, làm việc thì không nhờ cậy ai, mà cũng không khoe rằng chỉ trông cậy ở sức mình, cũng không khinh bọn tham ô. Hạnh thì khác hẳn thế tục mà không tự hào rằng mình khác người; làm thì theo đám đông mà không khinh bọn siểm nịnh. Tước lộc không khuyến khích được họ, hình phạt không làm nhục họ được vì họ biết rằng không có gì định được phải trái, lớn và nhỏ. Ta nghe nói rằng: “Bậc đạt Đạo thì không có danh tiếng, bậc chí đức thì không cần được gì cả, còn bậc đại nhân thì không biết có mình”. Đó là tự thu giảm (từ nhượng) tới mức độ cực cao [10] .

Hà Bá hỏi:

- [Vật không có tinh và thô, nhưng có trong và ngoài], vậy lấy bề ngoài hay bề trong mà xét thì làm sao phân biệt được quí tiện, lớn nhỏ?

Thần Bắc Hải đáp:

- Theo lập trường Đạo mà xét thì vật không có quí tiện. Theo lập trường của vật mà xét thì vật nào cũng cho mình là quí mà vật khác là tiện. Theo thế tục mà xét thì quí tiện không tuỳ thuộc chính mình [mà tuỳ thuộc ý kiến của người khác về mình].

Lấy con mắt sai biệt mà xét, muốn nhấn vào chỗ lớn [11] thì không vật nào không lớn; muốn nhấn vào chỗ nhỏ thì không vật nào là không nhỏ. Biết trời đất chỉ nhỏ bằng hột kê mà đầu chiếc lông lớn bằng đồi, núi, tức là hiểu rõ cái độ số sai biệt rồi.

Xét về phương diện công hiệu, muốn nhấn vào sự công dụng thì không vật nào không có công dụng ; muốn nhấn vào sự vô dụng thì không vật nào có công dụng. Biết được đông và tây đối lập nhau, mà phải có phương này mới có phương kia, tức là phân định được công dụng mỗi vật rồi.

Xét về phương diện ý hướng, muốn nhấn vào chỗ phải của mỗi vật thì không vật nào là không phải; muốn nhấn vào vào chỗ không phải của mỗi vật thì vật nào cũng là không phải. Biết rằng Nghiêu và Kiệt đều tự cho mình là phải mà đối phương là quấy, tức là có ý niệm đúng về ý tưởng, hành vi của mọi người rồi.

Xưa kia Nghiêu và Thuấn vì nhường ngôi mà thành đế vương, vua Yên và Khoái vì nhường ngôi cho tể tướng là Tử Chi [12] mà thân chết, nước mất; Thang và Võ [vương] nhờ tranh đoạt mà lên ngôi vua, Bạch công [13] vì tranh đoạt mà bị giết. Do đó mà xét, việc tranh đoạt hay nhường ngôi, hành vi của Nghiêu và Kiệt, bên nào là cao quí, bên nào là đê tiện, đều là tuỳ thời, không có gì là nhất định.

Cái đòn nóc hoặc cái rường nhà có thể dùng để tông cửa thành mà không thể dùng để lắp cái lỗ nhỏ, vì mỗi việc có một khí cụ riêng. Loài ngựa tốt kí, kì, và con Hoa lưu [14] một ngày đi ngàn dặm mà bắt chuột không bằng con li tinh [15] , vì mỗi loài có một tài riêng. Ban đêm con cú, con vọ bắt được con mạt, thấy được đầu chiếc lông, mà ban ngày mở mắt ra cũng không thấy được ngọn đồi, ngọn núi, đó là bản tính của mỗi loài vật.

Cho nên bảo chỉ muốn bắt chước cái phải mà bỏ cái trái, chỉ muốn có trị mà không có loạn là chưa hiểu cái lí của trời đất; cái bản thể của vạn vật. Như vậy không khác gì chỉ muốn bắt chước trời mà không biết có đất, bắt chước âm mà không biết có dương, điều đó hiển nhiên là không thể được. Nếu cứ cố chấp giữ ý đó thì không phải là ngu muội cũng là lừa gạt. Ngũ đế nhường ngôi mỗi vị mỗi khác, tam đại nhường ngôi mỗi nhà mỗi khác. Kẻ nào chiếm quyền, mà không hợp thời nghi, trái với lòng dân thì gọi là kẻ cướp ngôi; nếu hợp thời nghi, thuận với lòng dân thì gọi là hợp nghĩa. Thôi đừng nói nữa, Hà Bá! Anh làm sao phân biệt được quí tiện, lớn nhỏ.

Hà Bá hỏi:

- Vậy thì tôi nên làm gì? Không nên làm gì? Nên từ bỏ hay nên nhận cái gì? Nên tiến hay nên lui? Phải làm sao đây?

Thần Bắc Hải đáp:

- Theo lập trường Đạo mà xét thì có gì là quí, là tiện? Đó chỉ là tương đối trái nhau thôi [16] . Anh đừng nên câu chấp, như vậy trái với đạo. Cái gì là ít, là nhiều? Ít, nhiều chỉ là những nhận định nhất thời thôi. Anh đừng chấp nhất trong hành vi, như vậy là sai Đạo.

- Anh phải nghiêm như một ông vua, không có ân huệ thiên tư, phải tự tại [17] như thần Xã trong lúc tế lễ, không ban phúc cho riêng ai; lòng phải rộng rãi như bốn phương vô cùng, không có bờ cõi, ôm cả vạn vật, không che chở riêng cho vật nào. Như vậy là vô tư.

Vạn vật đều ngang nhau, có vật nào dài, vật nào ngắn đâu? Đạo không có đầu có cuối. Vật sinh rồi chết, đừng trông cậy nó thành tựu vì vật có lúc đầy lúc vơi, không có hình thể bất biến. Tuổi không lùi lại được, thời gian không thể ngừng lại được. Có tăng thì có giảm, có đầy có vơi, có chung thì có thuỷ. Có thể coi đó là xu hướng của Đạo, tình lí của vạn vật. Đời vạn vật qua mau như ngựa chạy, không có cái động nào mà không biến, không lúc nào là không chuyển. Anh hỏi nên làm gì, không nên làm gì ư? Thì cứ để cho bản thân anh tự nhiên biến hoá.

Hà Bá hỏi:

- Đạo có gì mà quí vậy?

Thần Bắc Hải đáp:

- Ai hiểu Đạo thì tất biết lí [18] , biết được lí thì rõ phép quyền biến, rõ phép quyền biến thì không bị ngoại vật làm tổn thương. Bậc chí đức thì vô lửa mà không nóng, xuống nước mà không chìm, nóng và lạnh không làm cho đau được, cầm thú không làm hại được. Không phải bậc chí đức khinh suất coi thường những cái đó; họ xét rõ an nguy, bình tĩnh trước hoạ và phúc, thận trọng tiến lui, cho nên không cái gì làm hại được.

Cho nên bảo: “Trời ở trong, người ở ngoài [19] , mà Đức ở trời. Biết được tác dụng của trời, của người thì lấy trời làm gốc mà đứng vững ở Đức [20] ; người như vậy có thể tiến lui, co duỗi, trở về cái cốt yếu mà bàn về cái cao nhất của Đạo”.

Hà Bá hỏi:

- Thế nào là trời? Thế nào là người?

- Bò và ngựa có bốn chân, đó là trời [thiên nhiên], cột đầu ngựa, xỏ mũi bò là người [làm ra]. Đừng đem cái người mà mà diệt cái thiên nhiên, đừng đem hành động mà diệt trật tự vũ trụ [mệnh] [21] , đừng đem cái bản tính của mình mà hi sinh có danh tiếng. Cẩn thận giữ đúng như vậy mà dừng quên, thì là trở về cái bản chất [phản kì chân] của mình.

Chú thích:

[1] Bắc hải đây là phía bắc Đông hải.

[2] Nghĩa là chưa được bao nhiêu mà tự cho là nhiều.

[3] Nguyên văn: khúc sĩ, kẻ sĩ ở chốn quê mùa, hẻo lánh; có sách giảng là kẻ tiểu nhân.

[4] Nguyên văn: đại lí. L.K.h. dịch là cái trật tự trong xã hội.

[5] Hai con sông lớn nhất Trung Hoa.

[6] Vật biến đổi hoài nên lượng của nó vô cùng.

[7] Thời gian trôi hoài nên không biết đâu là đầu là cuối.

[8] Câu này mỗi sách hiểu mỗi khác, tôi dịch theo ý riêng, không chắc đã đúng.

[9] Nguyên văn: Cố di tiện, thử thế chi hữu dã. Mỗi sách giảng mỗi khác. Có sách dịch là: …đều có tiện lợi riêng, do hình thể mà nói.

[10] Nguyên văn cũng rất tối nghĩa: ước phận chi chí dã. Có sách dịch là: từ bỏ tới cực độ. Sách khác dịch là hợp tất cả làm một.

[11] Nguyên văn: nhân kì sở đại nhi đại chi. Có sách dịch là: nhân cái lớn của mỗi vật. [Trong sách, những lời này dùng để chú giải câu “muốn nhấn vào chỗ lớn” và cả hai câu ở hai đoạn tiếp theo: “muốn nhấn mạnh vào sự công dụng” và “muốn nhấn mạnh vào chỗ phải của mỗi vật”; nhưng đối chiếu với bản Nguyễn Duy Cần và bản chữ Hán trên tranghttp://gx.kdd.cc/8/4O/, thì nguyên văn ba câu tương ứng lần lượt là: nhân kì sở đại nhi đại chi 因 其 所 大 而 大 之 ; nhân kì sở hữu nhi hữu chi 因其 所 有 而 有 之 ; nhân kỳ sở nhiên nhi nhiên chi 因其 所 然 而 然 之 - Goldfish].

[12] Việc này xảy ra vào thời Tề Tuyên vương (coi Chiến Quốc sách – VIII.9 – trang 626 – Lá Bối – 1972), vậy là xảy ra ở thời Trang tử. Nhưng người viết bài này sống sau Trang tử, nên mới sắp vào việc thời xưa (tích giả - xưa kia).

[13] Tên là Thắng, cháu nội của Sở Bình vương, dấy binh tranh ngôi, bị Diệp công giết.

[14] Hoa lưu: tên một con ngựa tốt trong số tám con ngựa tốt của Chu Mục vương. [Goldfish].

[15] Một loài chồn.

[16] Nguyên văn: phản diễn. Có sách dịch là “hợp nhất”, tức là tuy hai mà một. Có sách giảng là quí, tiện tuần hoàn nhau.

[17] Nguyên văn: diêu diêu là tươi tỉnh.

[18] Theo L.K.h., lí đây là trật tự của vũ trụ.

[19] Nghĩa là thiên cơ ở trong lòng, hành vi của người hiện ra ở ngoài.

[20] Theo L.K.h., chữ đắc (trong vị hồ đắc) phải sửa là chữ đức.

[21] Nguyên văn: vô dĩ cố diệt mệnh. H.C.H. dịch là đừng vì sự cố mà huỷ diệt tính mệnh. Tôi theo L.K.h.