Tang Vi Sương dùng mu bàn tay xoa mắt:
- Dung Trinh, kỳ thực huynh sớm đã biết ta sẽ không trở thành hầu trà của huynh, có phải không?
Giọng của nàng khôi phục sự trấn định trước đây, nhưng trong đôi mắt như nước mùa thu mát lạnh kia mang theo chút nghi hoặc.
Dung Trinh trầm mặc chốc lát rồi chậm rãi cúi đầu, thân thể hơi khom xuống, nhìn thẳng vào mắt Tang Vi Sương, nụ cười mê người vẫn nở trên khóe môi:
- Đôi mắt này mang theo bất an và trói buộc, trong đó có trời xanh, biển lớn, có cả yêu và tự do…………cho nên lần đầu tiên nhìn thấy ta đã biết muội sẽ không thành hầu trà của ta, nhưng muội muốn cùng ta làm bằng hữu………..
Tang Vi Sương không hề lúng túng khi bị hắn nói trúng tim đen mà cười rất thản nhiên. Tình bằng hữu này lúc bắt đầu hẳn là nàng lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử.
Dung Trinh liếc nhìn xung quanh, rồi ghé tai Vi Sương nói:
- Vi Sương, có lời gì chúng ta lên xe ngựa nói.
Tang Vi Sương theo bản năng nhìn quanh, đón lấy ánh mắt của rất nhiều người, trong lòng hơi lúng túng, bèn dẫn Dương Yên theo Dung Trinh rời khỏi Họa Thánh trà lâu.
***
Vừa về tới khách điếm, Tang Vi Sương tự nhốt mình trong phòng, đến giờ Thân ban đêm, Dương Yên bưng thức ăn tới gõ cửa mới có thể gặp được nàng.
- Đương gia, chúng ta vẫn ở lại Thiệu Châu sao?
Dương Yên bất an mở miệng hỏi, hắn không dám nhắc lại Tuyết Đào trước mặt Tang Vi Sương mà hỏi khi nào trở về.
- Ở lại thêm vài ngày.
Tang Vi Sương trả lời, chiếc bút trong tay chậm rãi đặt xuống.
Nàng đưa thư đã viết xong cho Dương Yên:
- Mang cái này đến Họa Thánh trà lâu cho Dung công tử.
Dương Yên nhận lấy phong thư, thần sắc trên gương mặt thanh tú hơi thay đổi, lời nhịn thật lâu mới thốt ra khỏi miệng:
- Đương gia, Dung công tử kia thân phận và lai lịch chúng ta đều không biết, công tử đó……….công tử đó thật đáng để người tin tưởng sao?
Lời Dương Yên nói không phải Tang Vi Sương chưa từng nghĩ đến, nhưng nàng không có lựa chọn khác ngoài tin tưởng Dung Trinh, tin tưởng vào dung mạo rất giống thái phó này.
- Tin.
Nàng chỉ nói một chữ rồi bưng thức ăn lên, mải miết ăn.
Nàng tin hắn, hơn nữa, trừ hắn ra, nàng bây giờ không còn lựa chọn nào khác.
Dung Trinh và nàng có liên hệ lợi ích gì? Thành hay bại đều là nàng hiện nay khốn quẫn chiếm hời của hắn, tiền cược duy nhất của nàng chỉ là một phần thưởng thức lẫn nhau “kẻ sĩ chết vì người tri kỷ”, hắn là người tiếc duyên, người như thế không nhiều lắm.
Giúp đỡ nhau khi khốn khó mới là bằng hữu, nàng còn thời gian dài qua lại để báo đáp tình bằng hữu này. Chỉ là không thể qua lại quá thân thiết, nếu như có ngày thất thủ, nàng không muốn liên lụy hắn. Nhưng, nàng hôm nay ngay cả cơ hội buông tay đánh cược một lần cũng không có thì sao có sức trù tính đủ loại khả năng sau này.
Vài ngày sau, Tang Vi Sương và Dương Yên lên đường về huyện An. Nàng để lại cho Dung Trinh, để lại phủ Thiệu Châu nhóm thành phẩm Tuyết Đào đầu tiên nàng dùng cả tâm huyết trồng ra, tổng cộng là năm mươi cân và một phong thư thật dày.
Cứ thế, thời gian thấm thoắt trôi, rất nhanh đến tháng chín năm Vĩnh An thứ ba.
Quyển thứ ba bộ hạ “Thần quỷ dị văn lục” của Tang Vi Sương ra đời, Tĩnh Sơ được tú nữ phường ở huyện An chọn làm tiểu tú nương, sinh nhật bảy tuổi của Cẩm Văn cũng trôi qua.
Tiểu tuyển lần đầu năm thứ ba Diêu đế tại vị (đại tuyển ba năm một lần, tiểu tuyển hai năm một lần, đại tuyển từ dân gian, tiểu tuyển từ quan lại quý tộc) (tiểu tuyển: tuyển tú quy mô nhỏ, đại tuyển: tuyển tú quy mô lớn), hai mươi tiểu thư quý tộc được triệu vào cung, hai vị phong phi, ba vị phong chiêu nghi, vị trí hoàng hậu đến nay vẫn để trống.
Thành Thiệu Châu phồn hoa náo nhiệt, cúc trắng mùa thu nở rộ, xa xa đã có thể ngửi được hương thơm thanh nhã.
Trong các xóm làng chơi ở thành Thiệu Châu nổi lên một trào lưu liên quan đến một danh kỹ trăm năm về trước.
Chuyện xưa về danh kỹ này truyền bá trong thành Thiệu Châu càng lúc càng mãnh liệt, các danh kỹ ở thành Thiệu Châu hơi có chút tài hoa và dung mạo cũng bắt đầu tranh noi theo.
Những nữ nhân chốn phong trần vấn kiểu tóc danh kỹ nọ thường vấn, lại càng dùng giấy viết thư màu đỏ danh kỹ nọ thường dùng để đưa tình tỏ ý…………mọi người thân thiết dùng tên của danh kỹ nọ để gọi giấy viết thư màu đỏ là “giấy Tiết Đào”.
Rồi dần dần trong hồng lâu di viện, trong các xóm làng chơi, nước trà mà những hoa khôi danh kỹ dùng chiêu đãi khách quý cũng đưa tới sự chú ý của quan viên và văn nhân Thiệu Châu.
Những nữ tử phong trần cực tài hoa kia đã đặt tên trà ấy theo tên một tài nữ chốn phong trần: Tiết Đào.
Loại trà này thanh có thể so với Hàn Tiêu, nhã càng có thể sánh với Ngọc Họa, mà giá cả chỉ bằng một phần mười Hàn Tiêu, Ngọc Họa. Điều này khiến người ta rất nhanh nghĩ tới từ “vật tốt giá rẻ” nên yêu thích không rời.
Trà thượng hạng như vậy, khởi nguồn từ nơi gió trăng, qua tay các danh kỹ dần dần tiếp cận gia đình quan lại.
Nghe nói cửa hàng duy nhất bán loại trà này ở thành Thiệu Châu, hàng hóa tháng nào cũng bị tranh mua hết sạch.
Sau đó trà Tiết Đào này chưa tới nửa năm đã truyền đến Hoài Châu, thậm chí là quốc đô Lạc Dương của Đại Diêu.
***
Sau bức mành trân châu, một bóng dáng màu tím đậm lay động theo ánh đèn dầu, bàn tay to lớn của người nọ đem tấm thảm mỏng khoác trên vai lấy xuống.
Đôi môi mỏng như lưỡi dao nhếch lên độ cong đẹp mắt:
- Tuyết Đào, Tiết Đào………..
Không cần suy nghĩ nhiều cũng biết là chuyện như thế nào.
Nếu nói năm tháng trước, hắn hoàn toàn không để tiểu nhân vật miệng còn hôi sữa này vào mắt thì bây giờ không thể phủ nhận, hắn đã sinh ra một chút hứng thú nhỏ bé với thiếu niên kia.
Phải biết rằng hắn đường đường là Thần gia gia chủ, là nhân vật dưới một người trên vạn người, trước nay chưa từng để những con kiến hôi kia vào mắt.
Có thể khiến hắn ghi nhớ thì ắt phải thể hiện được chút năng lực. Mà lần này hài tử chưa dứt sữa kia khiến hắn thấy được chút năng lực.
- Chương thúc, với một người có thể trong vòng năm tháng cứu sống một loại trà sắp chết, còn có thể từ nó kiếm được lợi nhuận vô cùng lớn, ông đối đãi thế nào?
Nam nhân đung đưa ban chỉ trên tay trái, nụ cười nhàn nhạt dưới ánh đèn mang theo cái lạnh của tuyết rơi đầu cành.
Người được gọi là Chương thúc suy nghĩ một chút mới lên tiếng:
- Nô tài cho rằng người này thông minh, chính là kỳ tài thương nhân.
Ánh mắt nhạy bén của ông sao lại không nhìn ra chủ tử hứng thú với tiểu thiếu niên kia, nhưng vì ông khôn khéo nên chỉ trả lời câu hỏi của chủ tử, chưa bao giờ nhiều lời ngoài vấn đề của chủ tử.
Ý cười nơi khóe môi tử y nam nhân càng đậm:
- Không chỉ như thế, người này còn có dũng có mưu.
Biết rõ mình khi đó cố ý khiến hắn thấy khó mà lui, nhưng hắn lại dũng cảm tiến tới, quả thật đã cho mình một màn kịch hay.
- Chương thúc, giúp ta điều tra lai lịch người này.
Hắn nói xong thì xoay người, quạt giấy trong tay khẽ quơ, ra hiệu người nọ lui ra.
***
- Đương gia, trà của chúng ta bán tốt như vậy, có cần mở trà lâu ở Thiệu Châu không?
Dương Yên cười hỏi:
- Hay là đương gia, chúng ta dọn đến thành Thiệu Châu đi?
Tang Vi Sương đung đưa ngón tay:
- Không, chúng ta không đi Thiệu Châu.
- Thứ nhất, những cây Tuyết Đào này cần tưới bằng nước giếng huyện An, thứ hai, trà Tiết Đào hiện nay nổi tiếng ở Thiệu Châu như vậy, không biết có bao nhiêu người đang âm thầm điều tra lai lịch của ta……….nếu bây giờ ta đi Thiệu Châu khó tránh sẽ bị người khác lôi kéo lợi dụng………..
Tang Vi Sương nói rất trực tiếp, Dương Yên nghe thì chợt cảm thấy mình lỡ lời.
- Chúng ta phải cố thủ huyện An lấy tĩnh chế động, nếu không ngoài dự đoán của ta thì không quá mấy ngày nữa sẽ có người đến huyện phủ huyện An tìm huyện lệnh gia hỏi thăm lai lịch của ta………….
Tang Vi Sương cười nhạt với Dương Yên:
- Không quá nửa tháng huyện lệnh ắt sẽ mời ta tới cửa.
Có lẽ nàng vẫn mang trong mình một ít bản tính “không tranh giành” của công chúa nhưng tiếc là có những thứ nàng không thể không tranh.
Quả nhiên không quá nửa tháng, ngày mười lăm tháng mười là sinh nhật huyện lệnh phu nhân huyện An, thiếp mời được gửi tới Tang gia trà trang.