Thê Tử Của Chàng Câm

Chương 10: Dọn đến huyện thành




Mấy mẫu ruộng kia cũng không bằng phẳng, đều là đất ở sườn núi chưa khai hoang hết, Tống gia giữ mấy năm nay cũng không biết nên trồng gì cho tốt bèn đem toàn bộ đất trồng khoai lang để đến mùa đông thì có thể tiết kiệm ít lương thực.

Tang Vi Sương nói chuyện với đương gia Tống gia rất thuận lợi (đương gia: người làm chủ gia đình), họ thương lượng tốt là nàng dùng số tiền ban đầu Tang mẫu bán ra để mua về, dù sao đất này Tống gia dùng đã năm năm, cho nên khoai lang trong đất năm nay sẽ chia đôi cho hai nhà Tống, Tang.

Trước khi rời Tống gia, Tang Vi Sương có hỏi thăm Tống đại tẩu thì đương gia Tống gia cho biết mẹ Tống đại tẩu bị bệnh nên trong thời gian ngắn, tẩu ấy sẽ không trở về.

***

- Đại tỷ, đất này tỷ định trồng gì?

Tĩnh Sơ nghiêng đầu nói:

- Gói đậu đỏ chúng ta bán tốt như thế, hay là cứ trồng đậu đỏ đi.

Tang Vi Sương trầm tư, tay nhỏ bé chống cằm:

- Đậu đỏ sống ở phương nam, còn huyện An phủ Thiệu Châu của chúng ta ở phương bắc, bởi không trồng ra đậu đỏ tốt nên đậu đỏ mới đắt như thế……….Trồng đậu đỏ thì cũng được, nhưng bây giờ sắp vào đông rồi, mảnh đất kia e là vẫn phải bỏ không………

Tĩnh Sơ nhìn Tang Vi Sương, nghi hoặc hỏi:

- Tỷ, vậy tỷ nói sau này nên trồng gì đây?

- Tỷ trước đây đã nghĩ muốn trồng một ít trà.

Tang Vi Sương nhẹ nhàng nói.

- Nhưng huyện An chúng ta cũng không trồng được trà, trước kia muội nghe Tống đại tẩu nói trà ở chỗ chúng ta đắt cũng vì chúng ta không trồng được trà, lá trà phải chở từ rất xa tới.

Tĩnh Sơ bĩu môi phản bác.

Tang Vi Sương tán thưởng nhìn Tĩnh Sơ, không ngờ tiểu nha đầu này ngay cả lời người khác nói cũng nhớ kỹ như vậy.

- Đúng là phần lớn trà chỉ có thể trồng ở vùng đồi núi phương nam.

Vi Sương khẽ cười giải thích, rồi thở dài một hơi, lỗ tai ửng đỏ:

- Đất này nếu không thể trồng trà thì giữ lại tiếp tục trồng khoai lang vậy.

Tĩnh Sơ nghe vậy không còn gì để nói, còn Tang Vi Sương chỉ cười cười vào trong nhà.

Người ta luôn cho rằng phía bắc sông Hoài khó trồng ra cây trà thường gặp nhưng điều này không có nghĩa là phương bắc không thể trồng. Trước kia ở Hoa Dương cung, dưới sự hướng dẫn của nữ quan, nàng từng trồng được cây trà của phương nam, hơn nữa còn trồng rất thành công. Không biết bây giờ nàng có thể thử lại hay không, nếu thành công thì đây là phương pháp kiếm tiền nhanh nhất mà nàng có thể nghĩ đến.

Nhưng Tang Vi Sương cần bạc rất gấp, nàng không đợi được, càng không muốn phí ba năm năm năm ở cái nơi cách Lạc Dương hơn ngàn dặm này!

Nghĩ đến đây, vẻ hờ hững trên mặt Tang Vi Sương biến mất, thay vào đó là nghiêm túc và lạnh lẽo.

Hôm sau, ở phố Đông huyện An, Tang Vi Sương ngồi trước quầy sách, sách chất đống ở trước mặt, bút trong tay nàng không ngừng sao chép.

Tĩnh Sơ đã biết mang Cẩm Văn đi bán gói đậu đỏ cho các đại tửu lâu, khách điếm, cũng có thể tùy cơ ứng biến xử lý vài tình huống đột phát. Cho nên Tang Vi Sương mới có thể an tâm trông coi quầy sách, tính nàng thích yên tĩnh, sao chép sách cũng không cảm thấy quá mệt mỏi.

- Sách này bán thế nào?

- Năm văn tiền.

Nàng không hề ngẩng đầu, ngữ điệu hờ hững nói.

Người tới cầm một quyển sách, để lại năm văn tiền rồi rời đi.

Từ sáng sớm đến chiều tối, chồng sách trước mặt Tang Vi Sương đã hết, tiền đồng thu được tràn ra khỏi hộp.

Tang Vi Sương nhìn ánh tà dương phía tây, thở dài một tiếng, Tĩnh Sơ và Cẩm Văn cũng sắp tới rồi. Nàng đặt bút xuống, thu mực nước còn dư vào bình, dùng giấy bỏ gói kỹ bút mực, sau đó lặng lẽ dùng sợi dây xâu chuỗi các đồng tiền lại.

Liên tiếp sao chép hơn nửa tháng được khoảng trăm quyển sách, hôm nay buôn bán lời được gần một xâu tiền.

Đáng thương cho nàng vì chút tiền này mà viết đến nỗi tay không cầm được đũa.

Tang Vi Sương xoa khuỷu tay, khóe môi khẽ nhếch nói:

- Chỉ mong tháng sau sau khi ra quyển kế tiếp, sách này có thể dùng chữ in trong thư quán để in……..

Nàng không muốn lại chịu khổ nữa, việc này so với khi mới bắt đầu học luyện kiếm còn mệt mỏi hơn, nàng nhớ khi đó tiểu cô cô của nàng là Ninh Dương công chúa còn cười nói nàng là một cái gối thêu hoa.

***

Rất nhanh đã đến tháng chạp, sách của Tang Vi Sương ra đến quyển thứ tư rồi, hơn nữa đúng theo dự tính của nàng, quyển thứ tư rất thuận lợi bán với giá hai mươi văn tiền một quyển.

Thậm chí trong huyện An đã xuất hiện bản sao chép trộm ba quyển sách đầu của Tang Vi Sương, hơn nữa nàng còn phát hiện, vào ngày mười hai và hai mươi hai mỗi tháng, cũng chính là ngày nàng ra phố Đông huyện An bán sách, trước quầy sách của nàng đã có hơn mười người “mê sách” đứng đợi sẵn từ lâu.

Nàng hài lòng nhếch môi cười, tốt hơn nàng dự đoán, xem ra kế hoạch này có thể thực hiện được.

Ngày hai mươi hai tháng chạp, quyển sách thứ năm vừa đem ra, rất nhanh đã bán hết một trăm quyển.

Chờ khi hơi rảnh rỗi chút, Tang Vi Sương mở ống trúc, uống một ngụm nước, đúng lúc này thì có vài người vội vã đi về phía nàng.

Người dẫn đầu đi tới quầy sách, nhìn trái nhìn phải thật lâu mới nghi hoặc nhìn về phía Tang Vi Sương nói:

- Cô nương là chủ nhân quầy sách này?

- Là ta.

Tang Vi Sương bình tĩnh trả lời, khiến người nọ ngẩn người. Lập tức trong mắt ông hiện ra vẻ tán thưởng:

- Cô nương, tại hạ là chấp sự của Như Ý thư quán của Cổ gia ở An huyện, lão gia nhà tôi mời…………

Người nọ do dự một lát mới nói:

- Mời chủ nhân quầy sách này đi một chuyến.

Ông dù sao cũng không tin tiểu nha đầu mười mấy tuổi này là chủ nhân quầy sách, chẳng lẽ những chuyện xưa đặc sắc kia cũng là do tiểu nha đầu này viết? Chuyện này bảo ông làm sao tin tưởng, thực quá hoang đường mà.

- Không biết chủ nhân quý quán có tiết lộ chấp sự tìm ta vì việc gì không?

Tang Vi Sương lúc này mới đứng lên hành lễ gặp mặt, hỏi.

Thấy nàng nói chuyện văn vẻ, cử chỉ đúng mực, Trương quản gia của Cổ gia thư quán không khỏi nhìn nàng sâu xa, ông đột nhiên cảm thấy những chuyện xưa ly kỳ đặc sắc kia có lẽ thật sự do nàng viết………

- Lão gia nhà ta không nói, xin cô nương tự mình đi một chuyến.

Tang Vi Sương suy nghĩ, qua thật lâu mới nói:

- Phiền chấp sự dẫn đường.

Nàng cúi đầu theo sát phía sau, khóe môi hơi nhếch, nỗ lực ba tháng, phải chăng cá lớn đã mắc câu?

Quả nhiên đúng như Tang Vi Sương đoán, Như Ý thư quán muốn giúp Tang Vi Sương in sách, lợi nhuận thu được sẽ chia năm năm. Tang Vi Sương không hài lòng chia năm năm, nàng đề nghị chia bốn sáu, nàng chiếm sáu còn Như Ý thư quán chiếm bốn. Hai người cò kè mặc cả hồi lâu, đương gia của Như Ý thư quán mới thổi râu trợn mắt nói:

- Ta cũng không so đo với tiểu nha đầu nhà ngươi cái gì, bốn sáu thì bốn sáu, lão tử nếu không phải thích chuyện xưa này thì đã không phí nhiều công sức như vậy! Có điều ta muốn mau thấy phần sau câu chuyện!

Tang Vi Sương cười cười:

- Chỉ cần ông chủ Cổ đồng ý mấy điều kiện đã nói lúc nãy, tôi đảm bảo trong vòng ba ngày sẽ để ông xem được kết cục của câu chuyện.

Tiết lập xuân năm sau, quyển “Thần quỷ dị văn lục” bộ thượng của Tang Vi Sương rốt cục cũng ra đời dưới hình thức sách in, Cổ đương gia càng xem càng thích thú, rất nhanh quyển sách đó cũng mang lại lợi nhuận làm phấn chấn lòng người.

Tang Vi Sương rất nhanh dùng số tiền kia mua nhà cửa ở huyện An, dự định vào sinh nhật cuối tháng hai thu dọn đồ đạc xong xuôi ở thôn Lão Miếu, nàng sẽ cùng đệ đệ, muội muội dọn vào nhà mới.

Trước sinh nhật Vi Sương một ngày, nàng thuê xe ngựa từ trong huyện đến thôn Lão Miếu dọn nhà, rất nhiều người tụ tập ở đầu thôn xem náo nhiệt, Vi Sương thấy đều là những khuôn mặt lạ.

Tang gia đột nhiên dọn nhà vào thành, thế là mọi người bắt đầu bàn tán Tang gia lấy đâu ra bạc để ba tỷ đệ có thể sống ở nhà tốt trong huyện An.

Tiếng trò chuyện của họ với nhau hoặc nhiều hoặc ít chui vào tai mấy tỷ đệ.

- Nghe đâu là có một lão đầu năm sáu mươi tuổi bao nuôi Đại Nha………

- Hèn gì đột nhiên có tiền như thế, hóa ra nhỏ như thế đã làm phòng ngoài của lão đầu rồi, đúng là đủ đê tiện mà!

- Các người nói xằng nói bậy gì đó?

Người nói là tam đệ Tang Cẩm Văn, khuôn mặt nhỏ của nó vì tức giận mà đỏ bừng, vành mắt cũng đỏ lên, mơ hồ còn có nước mắt long lanh.

- Đại tỷ của ta mỗi ngày viết chữ kiếm tiền vất vả cỡ nào các người có biết không? Các người chỉ biết nói xấu sau lưng người khác! Các người đều là người xấu! Hu hu………

Tang Cẩm Văn vừa nói vừa lớn tiếng khóc lên.

Nhị Nha Tĩnh Sơ nghe tam đệ khóc thì trong lòng càng bi phẫn, giận dữ mắng mỏ:

- Ban đầu cũng vì các người nói bậy mà bức……..bức tử mẹ ta, nhà chúng ta khó khăn lắm mới khá giả hơn một tí, các người lại nói tới tỷ ta! Sao hả, có phải đợi ta lớn hơn chút nữa thì cũng nói tới ta, nói tới đệ đệ ta? Các người……..là người xấu!

- Ê, ta nói Nhị Nha này, con nói cho rõ ràng, mọi người bức tử mẹ con khi nào? Mẹ con là tự mình bệnh chết! Liên quan gì tới mọi người! Còn nữa, đại tỷ con ban đầu ở quỷ môn quan cũng là được chúng ta kéo về, đồ vong ân phụ nghĩa!

Chu đại nương bưng bát cơm ra ngoài tham gia náo nhiệt. Bà rất sĩ diện, thích người khác a dua, là người thích khoe khoang nhất trong thôn. Bà nói những điều này càng là vì thấy Tang gia có tiền nên muốn kiếm chút lợi từ “ân cứu mạng”.

Bà vừa nói như vậy, mọi người cũng bắt đầu nói Đại Nha vong ân phụ nghĩa.

Tang Vi Sương híp mắt nhìn hết thảy, ánh mắt nàng quét qua một đám bà tám, xuyên qua đám đông dừng lại ở chiếc xe ngựa đậu ở đầu thôn.

Có hai người từ trên xe ngựa kia đi xuống, ánh mắt họ đều nhìn về phía Tang Vi Sương.

Tang Vi Sương và chủ nhân ánh mắt sắc bén kia giằng co giây lát………