Thất Lão Kiếm

Chương 55: Người Vô Danh




Nhuế Vĩ đưa tay chỉ lên bên trên. Chàng tưởng là nhãn lực của Diệp Thanh cũng khá như nhãn lực của chàng.
Nhưng nàng chẳng thấy gì hết qua bóng tối trường kỳ trong lòng động.
Diệp Thanh thở dài :
- Còn ai quan tâm đến chúng ta nữa, đại ca! Lâu quá rồi, chúng ta không trở lên, ở trên đó người ta tưởng rằng chúng ta đã chết hết rồi! Chứ có ai sống được dưới đáy biển suốt tháng trời!
Nhuế Vĩ không đáp làm sao cả, chỉ thốt :
- Chúng ta đi thôi, Thanh nhi.
Chàng đứng lên đi trước, Diệp Thanh quờ quạng lẽo đẽo theo sau.
Chàng thấy đường, đi nhanh, dễ dàng, nàng kém mắt, dò từng bước.
Đi hơn mười bước, bỗng nàng ngã xuống.
Nhuế Vĩ quay lại, hỏi :
- Có sao không, Thanh muội?
Diệp Thanh đáp :
- Đau quá! Đá lởm chởm, khó đi quá, đại ca ơi!
Nhuế Vĩ bảo :
- Thế thì Thanh nhi để ngu huynh cõng cho.

Diệp Thanh quàng tay qua cổ chàng, đeo nơi lưng.
Mười mấy hôm nay, họ không kề cận nhau, bây giờ, da chạm da, bất giác Diệp Thanh rợn mình, rồi con tim hồi hộp, lửa dục bừng lên.
Nàng ghì mạnh tay quanh cổ chàng, áp sát ngực vào lưng chàng, kêu khẽ :
- Đại ca! Đại ca! Tôi...
Nhuế Vĩ lờ đi, cứ bước.
Họ đi quanh quanh co co một lúc, bỗng thấy có ánh sáng mờ mờ chiếu phía trước.
Nhuế Vĩ mừng lớn, bước nhanh.
Diệp Thanh còn nhắm mắt, áp mặt vào lưng chàng nên chưa thấy gì.
Ánh sáng càng lúc càng chiếu rõ hơn, Nhuế Vĩ thấy dòng nước đến đó thì chảy nghiêng nghiêng xuống.
Nước nghiêng xuống, có khác nào một cái thác, sức nước đổ kinh hồn. Sức nước đổ đã mạnh, mà lại đổ theo thế xoáy, lại càng mạnh hơn. Nước xoáy từ lòng động xuống đáy biển.
Chỉ nội cái sức nước xoáy của nước cũng đủ chết người, đừng nói chi là bị va chạm vào những chướng ngại vật.
Một dòng nước chậm chảy ngược, đổ về xoáy nước, Nhuế Vĩ biết dòng nước đó phát xuất từ bụng chiếc hồ lô.
Thì ra, chiếc hồ lô đó không đáy. Nước xuyên đáy, tạo thành dòng. Ánh sáng do dòng nước đó mang đến.
Như vậy, là chỗ gần mặt biển. Từ nơi đó mà đi lên mặt biển, cũng chẳng khó khăn gì cho lắm, Nhuế Vĩ mỉm cười, kêu lên :
- Thanh nhi! Chúng ta hết nguy rồi!
Diệp Thanh mở mắt ra, thấy ánh sáng, chói mắt, nàng nheo nheo mắt mấy cái cho quen rồi nhìn xuống, cả hai cùng trần truồng, bất giác nàng e thẹn đỏ mặt, tụt khỏi lưng chàng ngay, rồi quay mình như để giấu thân thể, không cho Nhuế Vĩ nhìn thấy.
Nhuế Vĩ bảo :
- Thanh nhi ở đây chờ, ngu huynh đi lấy y phục.
Chàng lộn lại chỗ cũ, gặp lúc cá lại nhảy lên, chàng bắt luôn mười mấy con dùng y phục gói lại, đoạn quay mình đi.
Đến nơi, chàng thấy Diệp Thanh sờ soạng tay, như mò vật gì. Chàng hỏi :
- Mò cái chi đó, Thanh nhi?
Diệp Thanh giật mình, thu mình cố giấu các nơi quá hở hang.
Nhuế Vĩ quăng y phục cho nàng.
Y phục của cả hai bất quá chỉ còn là giẻ rách tơi tả, che tạm một vài nơi trên cơ thể thì được chứ mặc vào thì cũng như trần truồng.
Rồi Nhuế Vĩ gọi nàng :
- Lại đây mà ăn!

Họ chia cá cùng ăn với nhau.
Ăn cá, họ nhớ lại những ngày qua, Diệp Thanh lại thẹn, Nhuế Vĩ trấn an nàng, bảo đảm là bây giờ có ăn cá, sự việc của ngày trước cũng chẳng tái diễn lại nữa đâu.
Ăn xong, Nhuế Vĩ bảo :
- Bây giờ chúng ta nghĩ cách lên bên trên.
Diệp Thanh cúi đầu :
- Để như vầy mà lên được sao?
Nhuế Vĩ cười, đáp :
- Không như vầy thì phải như thế nào? Làm gì hơn được, Thanh nhi! Bên trên chẳng có ai đâu mà sợ!
Diệp Thanh hỏi :
- Giả như có người?
Nhuế Vĩ đáp :
- Đành là khó coi đó, song gặp trường hợp bất khả kháng, thì chúng ta phải chịu vậy.
Diệp Thanh bảo :
- Để tôi vá víu lại được phần nào hay phần ấy.
Chính nàng cởi y phục cho chàng, vá víu xong, lại mặc vào cho chàng, tránh khó khăn cho chàng vì đôi tay còn bị trói.
Dù sao thì Diệp Thanh cũng còn e thẹn.
Nhuế Vĩ hỏi :
- Thẹn cái nỗi gì nữa, Thanh nhi?

Cả hai cùng cười.
Nhuế Vĩ hỏi :
- Vừa rồi, Thanh nhi mò mò cái chi đó?
Diệp Thanh đáp :
- Trên mặt đá có chữ.
Nhuế Vĩ "ạ" lên một tiếng.
Lập tức, chàng khom mình sát mặt đất, thấy cạnh dòng nước, có mấy cái chữ to bằng cái chén.
Hai chữ bên trên nước, là "Tọa" và "Hóa".
Ba chữ dưới nước, là "Thị", "Danh" và "Vô".
Chàng ghép lại đọc lên :
- Vô Danh thị Tọa Hóa!
Chàng reo lớn luôn :
- Quả nhiên, lão nhân vô danh có ở đây!