Thất Lão Kiếm

Chương 39: Ma Tâm Nhãn




Ngã xuống rồi, Nhuế Vĩ không đứng lên nổi!
Lão nhân đưa tay đỡ chàng.
Nhuế Vĩ thốt :
- Dược Vương Gia! Vãn bối yêu cầu tiên sanh một việc.
Dược Vương Gia đáp :
- Ngươi khỏi phải nói! Lão phu sẽ cầm chất độc lại trong một tháng, cho người có đủ thời gian đi tìm người chữa trị.
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Không cần tiên sanh lo cho vãn bối. Chỉ mong tiên sanh cứu Thất Tâm Nữ kia.
Dược Vương Gia cau mày :
- Một nàng điên, cứu làm gì?
Nhuế Vĩ nghiêm giọng :
- Xin tiên sinh nể mặt đại sư bá, hãy cứu nàng! Còn về phần vãn bối, có bề gì vãn bối không trách tiên sinh đâu!
Dược Vương Gia hỏi :
- Nàng ấy là chi của ngươi?
Nhuế Vĩ đáp :
- Tiểu muội!
Dược Vương Gia trố mắt rồi gọi gia nhân dìu Nhuế Vĩ vào, còn lão chạy theo Thất Tâm Nữ bắt nàng về.
Theo Nhuế Vĩ vào trong, lão trở ra ngoài, giải huyệt cho Lâm Quỳnh Cúc, đoạn dẫn nàng vào luôn hậu thất.
Lão gọi gia nhân khiêng một chiếc thùng bằng sắt, cao bằng đầu người, rộng lớn cùng gạch làm chân lò, và củi đun, ba vò đựng giấm.
Lão sắp chân táo, bắt thùng lên, gia nhân xách nước đổ vào được nửa thùng, nổi lửa lên đun, đồng thời đổ vào đó một lọ giấm. Đoạn lão bỏ Nhuế Vĩ vào thùng đặt chàng ngồi, mặt nước ngang cổ, Nhuế Vĩ bị cởi trần truồng như nhộng.
Xong xuôi lão dặn Lâm Quỳnh Cúc :
- Cô nương canh chừng lửa, đừng cho tắt, khi nào nước bắt đầu sôi, lập tức vớt hắn ra!
Lão trao hai bình thuốc nước cho nàng rồi dặn tiếp :
- Vớt y ra rồi, cô nương lấy bình thuốc nước màu đen, cho y uống hai muỗng, còn bình trắng kia, cô nương thoa khắp người y. Sau đó đổi nước khác, giấm khác, rồi nấu nước sôi, vớt y ra thoa thuốc, cho uống thuốc, làm như vậy mỗi ngày ba lần. Liên tiếp ba ngày. Nước, giấm cứ gọi gia nhân mang đến. Cơm nước đã có người cung cấp, còn việc đun, vớt cho thuốc là phần việc của cô nương, cái đó không ai làm thay được. Nên nhớ, nước gần sôi là phải vớt y ra, nếu quên là y bị chín rục thịt xương đấy nhé!
Lâm Quỳnh Cúc cho rằng cách trị bệnh rất lạ kỳ, song không hỏi. Nàng chỉ hỏi :
- Còn tiên sanh?
Dược Vương Gia đáp :
- Lão phu vắng mặt ba hôm. Lão phu ở phòng bên cạnh, chữa trị cho Thất Tâm Nữ!
Lão bước đi liền.
Nhuế Vĩ trần truồng, Lâm Quỳnh Cúc quá thẹn, mỗi lần tiếp xúc lại còn phải ngậm thuốc mới cho chàng, thổi đưa hơi, chứ chàng không nuốt nổi.
Qua ngày thứ hai, sau lượt ngâm nước nóng, cho uống thuốc, xoa thuốc, Nhuế Vĩ tỉnh lại nói năng được.
Lâm Quỳnh Cúc hỏi chàng :
- Nữ nhân nào đó, đại ca?
Trong mấy ngày sau này, Nhuế Vĩ thường đem việc của Thiên Trì Phủ nói với nàng, cho nàng quen dần gia thi của Giản Thiệu Vũ. Chàng dọn đường cho cuộc tác hợp nàng với Giản Thiệu Vũ trong tương lai! Cho nên Lâm Quỳnh Cúc biết tên hầu hết các nhân vật trong gia đình đó.
Chàng đáp :
- Nàng là Giản Hoài Quyên, tiểu thơ trong Thiên Trì Phủ!
Lâm Quỳnh Cúc kêu lên :
- Một vị thiên kim tiểu thư sao ra nông nỗi đó?
Nhuế Vĩ thở dài :
- Hẳn cũng có nguyên nhân!
Lâm Quỳnh Cúc lại hỏi :
- Đại ca gọi nàng là tiểu muội?
Nhuế Vĩ cười khổ :
- Quen gọi như thế lúc ngu huynh đóng vai đại công tử giả hiệu!

Lâm Quỳnh Cúc cau mày :
- Đại ca nói gì, mình giống đại công tử họ Giản đến nỗi đổi người trong nhà không ai phát hiện sự giả mạo?
Nhuế Vĩ gật đầu :
- Phải! Như hai giọt nước!
Lâm Quỳnh Cúc trầm ngâm một chút :
- Biết đâu đại ca cùng Giản đại công tử không là huynh đệ đồng bào song sinh?
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Làm gì có việc đó! Giản công tử lớn hơn ngu huynh ba tuổi kia mà!
Lâm Quỳnh Cúc tiếp :
- Hay là anh em cùng cha khác mẹ? Chứ không thì làm sao có việc người giống người đến độ thân nhân không nhận ra?
Nhuế Vĩ lại lắc đầu :
- Tổ quân của ngu huynh ở tại Sơn Tây, còn gia quyến của Giản công tử thì ở tại Kim Lăng, mẫu thân của Giản công tử lại là mạng phụ phu nhân, chồng là Tể Tướng tại triều, đâu có việc cẩn hợp với tiên phụ?
Tuy nhiên giả thuyết của Lâm Quỳnh Cúc cũng làm cho chàng suy nghĩ!
Phụ thân chàng ngày trước vốn là tay phong lưu tài tuấn. Và trên đời, có ai học được chữ ngờ! Một lý do khác làm chàng suy nghĩ nghiêm chỉnh hơn, là nữ nhân bí mật mà chàng gặp tại phần mộ nhà họ Giản, bà ấy rất giống chàng!
Bà ấy là ai? Một thân nhân của chàng? Nếu là thân nhân thì sự liên hệ như thế nào? Bà ấy đã cứu chàng hai lượt, một nơi tay Thể Y Giáo, một nơi tay Sử Bất Cựu! Chàng rất có cảm tình với bà sau hai lần được cứu!
Thấy chàng miên man nghĩ ngợi, Lâm Quỳnh Cúc vội đánh trống lảng :
- Đại ca... đại ca... trong thiên hạ thiếu chi những điều xảo hợp!
Suy tư mãi, chàng nghe mệt mỏi, rồi ngủ vùi.
Đến tối, Lâm Quỳnh Cúc gọi chàng tỉnh dậy dùng cơm. Chàng nghe đói, song chưa tự mình ngồi dậy nổi, Lâm Quỳnh Cúc phải đút cho chàng ăn.
Trong khi ăn chàng hỏi :
- Dược Vương Gia chưa ra khỏi phòng?
Lâm Quỳnh Cúc lắc đầu :
- Chưa! Cũng không nghe tiên sanh nói năng gì cả!
Nhuế Vĩ cau mày :
- Lạ quá! Chữa trị gì đến hai ngày mà chưa xong?
Lâm Quỳnh Cúc đáp :
- Có thể bịnh tình phức tạp sao đó? Chúng ta không nên làm kinh động đến tiên sinh!
Nhuế Vĩ thở dài :
- Tại sao ngu huynh mất hết khí lực, không làm được một cử động nhỏ?
Lâm Quỳnh Cúc giải thích :
- Dược Vương Gia bảo, phải ngâm nước như vậy đúng ba ngày đại ca mới khôi phục được khí lực.
Hai hôm đầu, Nhuế Vĩ mê man, Lâm Quỳnh Cúc còn miễn cưỡng ôm chàng bỏ vào thùng, vớt chàng ra thoa thuốc, trong khi chàng trần truồng. Nhưng bây giờ chàng tỉnh lại rồi, nàng thấy khó ôm ẵm chàng như vậy! Tuy nhiên nàng không làm thì ai làm?
Trong khi Lâm Quỳnh Cúc cắn răng bế chàng, chợt có tiếng than thở bên ngoài cửa sổ.
Nhuế Vĩ giật mình hỏi lớn :
- Ai?
Phần Lâm Quỳnh Cúc vì cả thẹn, nóng mặt lỗ tai lùng bùng nên không nghe gì cả. Nàng thốt :
- Ở đây, trừ mấy người phục dịch quen mặt ra, không có ai lạ mặt dám bén mảng đến đâu. Bọn đó không việc gì mà thở dài.
Nhuế Vĩ tiếp :
- Ngu huynh nghe rõ ràng có tiếng thở dài của nữ nhân!
Lâm Quỳnh Cúc mỉm cười :
- Tại tâm tư đại ca rối loạn nên nghe mơ hồ như vậy, chứ làm gì có nữ nhân quanh đây?
Nhuế Vĩ cương quyết đáp :
- Nhất định là có! Âm thinh lại rất quen!
- Nhuế ca nhớ mãi Cao cô nương, ảo giác phát sanh, chớ không có ai đâu.

Nhuế Vĩ không cãi nữa. Chàng nghĩ :
- "Âm thinh đó không thể là của Cao Mạt Dã! Nhưng là của ai?"
Một ngày đó cũng qua.
Công cuộc chữa trị Nhuế Vĩ theo lời dặn dò của Dược Vương Gia chấm dứt!
Hai bàn tay Nhuế Vĩ biến trắng trở lại như thường, chất độc tản mác vào cơ thể bị nước nóng và thuốc hút ra ngoài nửa phần, phần còn lại quá yếu, không thể phát tác mãnh liệt nữa. Tạm thời, Nhuế Vĩ cầm như qua cơn nguy! Chàng có thể cử động, đi đứng, có điều chưa vững lắm.
Mãi đến ngày thứ bảy, chàng mới khỏi nhờ Lâm Quỳnh Cúc dìu dắt!
Hôm đó Nhuế Vĩ hỏi :
- Tại sao Dược Vương Gia chưa rời phòng?
Lâm Quỳnh Cúc đáp :
- Tôi có hỏi viên quản lý, y nói bảy hôm nay tiên sanh chỉ ngồi lỳ một chỗ, chứ có chữa trị gì đâu!
Nhuế Vĩ lấy làm lạ :
- Giản Hoài Huyên còn ở trong phòng?
Lâm Quỳnh Cúc chưa kịp đáp, một tiếng giằng hắng vang lên, Dược Vương Gia từ từ bước ra.
Nhuế Vĩ bước tới đón liền :
- Tiền bối vất vả quá!
Dược Vương Gia lắc đầu :
- Bảy hôm nay lão phu nghĩ mãi, không ra phương pháp điều trị cho tiểu muội của ngươi!
Nhuế Vĩ thấy mặt mày lão hốc hác, chàng thương cảm vô cùng biết là lão thật sự dụng tâm cực độ. Chàng hỏi :
- Bệnh điên đó không thể chữa sao?
Dược Vương Gia lắc đầu :
- Hiện tại nàng không điên!
Nhuế Vĩ cả mừng :
- Thế là nàng hết bịnh?
Dược Vương Gia thở dài :
- Ngươi đi theo lão phu mà xem!
Giản Hoài Huyên vẫn với bộ y phục lam lũ, ngồi nơi mép giường, mặt hướng ra ngoài. Nàng có vẻ an tường quá, trạng thái điên loạn của bảy hôm trước đã tan biến mất.
Chàng hân hoan bước tới cất tiếng hỏi :
- Hoài Huyên nhận ra ai đây chăng?
Nàng đang mở to mắt ánh mắt khẽ chớp động, nhưng không có một phản ứng nào sau câu hỏi của Nhuế Vĩ!
Nhuế Vĩ nhích tới một bước, lập lại câu hỏi giọng thê lương hơn!
Giản Hoài Huyên vẫn không phản ứng. Rồi đột nhiên nàng đứng lên bước đi, lách qua ngang người Nhuế Vĩ thẳng ra ngoài, núp vào một góc!
Nhuế Vĩ lại hỏi :
- Đại ca của tiểu thơ mạnh chứ?
Giản Hoài Huyên lại trở về ngồi trên giường như cũ.
Nhuế Vĩ lại hỏi luôn mấy lượt nữa, nàng vẫn không phản ứng, chỉ đứng lên, đi ra, trở vào, như vậy hơn mười lần. Nàng như cái xác chết biết cử động!
Dược Vương Gia thốt :
- Trong ngày đầu, lão phu chữa trị, nàng hết điên. Nhưng sáu hôm nay, nàng không nói đến một tiếng! Lão phu kết luận là... nàng không nói được!
Nhuế Vĩ trố mắt :
- Không nói được?
Dược Vương Gia tiếp :
- Tâm đã mất rồi, đương nhiên không thể nói năng!
Nhuế Vĩ lắc đầu :

- Tâm mất, thì người đâu còn sống được? Tiền bối nói đùa đấy!
Dược Vương Gia nghiêm giọng :
- Tâm mất, không thể vãn hồi! Y thuật đành đầu hàng trước loại bệnh đó!
Nhuế Vĩ còn hoài nghi :
- Tâm mất, là bệnh gì? Mất tâm là khuyết một trong ngũ tạng, mất là chết đi, chứ bịnh gì mà chữa?
Nhưng nàng còn sống kia, sao lại nói là mất con tim?
Dược Vương Gia tiếp :
- Y thuật thì đầu hàng, nhưng tà thuật có thể chữa! Có một người chữa lành chứng bịnh quái dị này! Người đó am tường thuật "Ma Tâm Nhãn"! Tuy nhiên lão ẩn tích từ lâu nay. Ít ai biết đến lão. Người còn nhớ đám người bao quanh xem nàng hôm đó chứ?
Nhuế Vĩ gật đầu :
- Nàng cứ gọi mãi! Tâm của ta! Tâm của ta! Ở đâu?
Dược Vương Gia hỏi :
- Người biết tại sao nàng gọi như vậy không?
Nhuế Vĩ trầm tư gương mặt suy tư. Dược Vương Gia tiếp :
- Nàng bị người sành sỏi thuật "Ma Tâm Nhãn" nhìn qua, nên cứ tưởng là tâm mất. Lúc dùng thuật, hẳn là người đó bảo: "Cái tâm của người đi mất rồi!"
Nhuế Vĩ nhớ ngay đến anh em họ Nguyên là Nguyên Tư Thông, Nguyên Tư mẫn. Họ bảo gì, là người bị tà thuật chi phối, phải làm theo! Chàng hỏi :
- "Ma Tâm Nhãn" cũng như "Thôi Miên Thuật" chứ gì? Và người dụng thuật là một đôi huynh đệ, họ Nguyên phải không?
Dược Vương Gia lắc đầu :
- "Ma Tâm Nhãn" có hiệu năng trên "Thôi Miên Thuật" mấy bậc. Nếu là "Thôi Miên Thuật" thì lão phu trị dứt cho nàng từ lâu rồi.
Nhuế Vĩ lo lắng :
- Không trị được thì làm sao? Nàng phải chịu mất tâm suốt đời?
Dược Vương Gia hỏi :
- Nàng có phải là tiểu muội thực sự của ngươi chăng?
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Không! Nàng là Giản Hoài Quyên, thuộc họ Giản trong Thiên Trì Phủ.
Vãn bối xem nàng như một tiểu muội!
Dược Vương Gia thở dài :
- Lão phu không phải là tay vạn năng!
Bỗng chàng tiếp :
- Nàng là cháu nội của Giản Lạc Quan đó! Tiền bối quen nội tổ phụ của nàng, cũng nên vì tình quen biết đó mà cứu nàng!
Dược Vương Gia trầm gương mặt :
- Nếu trị được thì còn nói gì!
Đoạn lão tiếp :
- Độc chứng của ngươi, lão phu trị được, song vì lời thề nên lão phu từ khước. Còn chứng của nàng này lão phu đích xác không trị được!
Nhuế Vĩ xót xa cho Giản Hoài Quyên vô cùng.
Dược Vương Gia tiếp :
- Chỉ còn có cách! Người dùng thuật, tự giải thuật.
Nhuế Vĩ cương quyết :
- Vãn bối sẽ đi tìm Nguyên Tư Thông, Nguyên Tư Mẫn!
Dược Vương Gia lắc đầu :
- Anh em họ Nguyên không giải nổi thuật "Ma Tâm Nhãn". Ngươi tìm họ vô ích!
Nhuế Vĩ cau mày :
- Thế thì ai là người dụng thuật mà tìm để nhờ giải thuật?
Dược Vương Gia đáp :
- Một người không tên, chỉ có hiệu là Tam Nhãn Tú Sĩ, y có đồ đệ song sinh, có lẽ là anh em họ Nguyên, chỉ có y mới điều trị dứt được Thất tâm của nàng.
Nhuế Vĩ hỏi :
- Tam Nhãn Tú Sĩ có sẵn sàng chữa trị theo yêu cầu chăng?
Dược Vương Gia đáp :
- Có một cách làm cho y phải chịu cứu chữa. Y hiểu rõ thanh thanh, nếu ai truyền cho y một môn võ công là y đáp ứng chữa trị liền!
Nhuế Vĩ tiếp :
- Nếu vậy vãn bối đi tìm y ngay!
Chàng thở dài tiếp luôn :

- Nhưng có biết Tam Nhãn Tú Sĩ ở đâu mà tìm?
Dược Vương Gia đáp :
- Tìm được anh em họ Nguyên là hỏi ra Tam Nhãn Tú Sĩ!
Nhuế Vĩ nghiêm giọng hỏi :
- Thực sự, vãn bối còn sống được bao lâu nữa hở tiền bối?
Dược Vương Gia đáp :
- Ngươi sẽ được bình an trong vòng nửa năm.
Nhuế Vĩ tiếp :
- Ngoài thời hạn đó, nếu không tìm được giải dược?
Dược Vương Gia thở dài :
- Thì... vĩnh viên tạ từ cuộc thế!
Nhuế Vĩ trầm ngâm một chút :
- Trong nửa năm, nếu vãn bối không tìm được Tam Nhãn Tú Sĩ thì sẽ cho người đưa Giản Hoài Quyên về đây, nhờ tiền bối chiếu liệu! Tiền bối có ưng thuận không?
Dược Vương Gia gật đầu :
- Lão phu quen với nội tổ phụ của nàng, thì lẽ đương nhiên là phải đáp ứng!
Nhuế Vĩ dợm đi.
Dược Vương Gia bảo :
- Chậm một chút!
Lão lấy trong mình ra một bổn thơ, bằng loại da mỏng, màu vàng, trao cho Nhuế Vĩ bảo :
- Ngươi cầm lấy!
Bên ngoài quyển thơ, có mấy chữ: "Biển Thước Thần Thiên!" Bên dưới có mấy chữ: "Huỳnh Sơn Dã Tẩu gìn giữ như báu vật!"
Nhuế Vĩ cảm kích vô cùng :
- Đa tạ tiền bối!
Chàng hỏi :
- Vãn bối còn một việc này chưa rõ được lắm, tiền bối có thể giải thắc mắc cho chăng?
Dược Vương Gia gật đầu :
- Cứ nói nghe xem!
Nhuế Vĩ liền hỏi :
- Tiền bối có tâm từ bi, tại sao không chịu chữa trị cho vãn bối?
Dược Vương Gia đưa chàng vào thơ phòng bảo chàng ngồi xuống, một lúc sau lão từ từ thốt :
- Sự việc rất xa xưa! Ngày xưa lâu lắm có một bậc kỳ nhân lánh đời, quy ẩn. Trước khi đi, người có thu nhận hai đứa trẻ bị đời bỏ rơi làm đồ đệ... Hai mươi năm sau, hai đứa trẻ trưởng thành, cả hai cùng được vị kỳ nhân truyền cho bản lĩnh, cả hai cùng thương mến nhau, chẳng khác nào đôi đệ huynh đồng phụ mẫu.
Vị kỳ nhân đó cho hai đồ đệ xuống ngoại, hành hiệp! Họ phân nhau mỗi người một nẻo đường, họ đi khắp sông hồ, thắm thoắt được mười năm. Đến năm thứ mười một, họ trở lại sơn môn theo lời sư phụ dặn. Họ trở về để báo cáo công tác thực hiện trên đời trong khoảng mười năm qua, nhưng khi về đến sơn môn, họ mới biết là sư phụ đã tạ thế từ ba năm trước.
Dược vương gia thở dài.
Nhuế Vĩ hỏi :
- Trong hai người có một là Dược Vương Gia?
Dược Vương Gia không đáp ngay câu hỏi, tiếp tục thuật :
- Họ khóc than trước phần mộ sư tôn! Trong mười năm, sư huynh đã lập thành cơ nghiệp có thinh danh lớn trên giang hồ, còn sư đệ thì chưa mảy may thành tích! Tuy đồng môn, song không đồng học, hai người có một sở trường riêng! Tài năng của họ thì sư huynh tuấn tú hơn được hoan nghênh. Đó cũng chính là lý do của sự bất thành trên đường lập nghiệp.
Nhuế Vĩ hiểu người sư đệ xấu xí, hẳn là Dược Vương Gia rồi!
Dược Vương Gia tiếp :
- Cho nên khi lứa tuổi vượt ba mươi, người sư đệ vẫn chưa có vợ. Sư phụ có lưu lại hai quyển thơ, một dạy về võ thuật, một dạy về y thuật, với lời di chúc là đại đệ tử thay người chấn chỉnh sơn môn, phát huy Huỳnh Sơn Nhất Phái. Quyển y thuật đó mang tên là "Biển Thước Thần Thiên!" Người sư đệ thấy sư phụ dành tất cả cho sư huynh nên sanh tâm đố hận sư phụ bất công!
Nhuế vĩ cũng nhìn nhận bậc kỳ nhân đó không công bình chút nào.
Dược Vương Gia tiếp :
- Hai sư huynh đệ ở giữ mộ sư tôn, được một tháng. Lúc ra đi sư huynh bảo sư đệ đến nhà ở với y. Người sư đệ lúc đó vô gia cư, vẫn không muốn đến nương náu với sư huynh, nhưng nghĩ rằng dù sao thì cũng ít khổ hơn lê gót chân cô độc đi khắp bốn phương, sau cơn đắn đo, bèn chấp nhận. Người sư huynh có một vị hiền thê, đầy đủ đức tính lại nhan sắc tuyệt vời, người sư đệ vừa trông thấy là đam mê ngay!
Dược vương gia chợt nhìn sững Nhuế Vĩ!
Chàng lấy làm lạ hỏi :
- Tiền bối nhìn chi mà kỳ thế? Hay là vãn bối giống vị sư huynh...
Dược vương gia gật đầu.
Nhuế Vĩ thầm nghĩ :
- "Người sư đệ, chắc là tiền bối rồi!"