Thất Lão Kiếm

Chương 33: Ông Áo Đỏ




Lâm Quỳnh Cúc tiếp :
- Tôi không thể quên được đại ca, thì làm sao ăn nằm với hắn?
Nhuế Vĩ thở dài :
- Thực ra, ngu huynh đối xử với Cúc muội cũng chẳng tốt đẹp gì! Thì có xứng đáng chi mà Cúc muội nhớ mãi!
Lâm Quỳnh Cúc cúi đầu :
- Mạng vận của tiểu muội như thế đó, đại ca ơi! Tiểu muội lắm lúc cũng muốn quên, song không tài nào quên được! Đêm trước, đại ca thân mật với tôi, điều đó lại càng khiến cho tôi thêm khắc ghi hình bóng đại ca trong lòng, suốt đời nhớ mãi không quên!
Nhuế Vĩ giật mình, thầm nghĩ :
- "Cái đêm đó, mình vắng mặt tại Ma Tiêu Phong, mình say rượu tại thị trấn mà làm sao có sự thân mật với nàng, như nàng vừa nói!"
Chàng cho rằng nàng nhớ lầm sao đó, nên hỏi :
- Ngu huynh đối xửa thân mật với Cúc muội trong đêm đó như thế nào?
Lâm Quỳnh Cúc thẹn đỏ mặt. Nàng làm sao nhắc lại sự tình trong đêm đó?
Nhuế Vĩ lại hỏi dồn :
- Việc gì đâu, Cúc muội hãy nói ra cho ngu huynh nghe đi!
Lâm Quỳnh Cúc bắt buộc phải kể lại :
- Đêm đó, tiểu muội hiến dâng trọn vẹn cho đại ca! Đại ca còn vờ ngây ngô nữa à?
Thốt xong, nàng đỏ mặt, cúi đầu không dám nhìn chàng.
Nhuế Vĩ tưởng chừng trời sập xuống trước mặt, tai nổ lùng bùng, cao giọng hỏi :
- Hiến dâng trọn vẹn cho ngu huynh? Cúc muội nói cái gì? Hả? Nói cái gì?
Hiến dâng cho ngu huynh?
Chàng sực nhớ, sáng sớm hôm đó, khi về đến chân núi, chàng thấy lờ mờ một bóng người, chừng như từ trên đỉnh đi xuống. Người đó vận áo đen ra vẻ một công tử. Chàng tỉnh ngộ ngay! Người đó là Giản Thiệu Vũ!
Nhưng, Giản Thiệu Vũ ở tận Kim Lăng, làm gì có mặt tại đây? Chàng cho rằng mình thấy lầm, nên không lưu ý. Bây giờ thì chàng có thể xác định đúng là Giản Thiệu Vũ rồi. Chỉ có y mới mạo nhận chàng được! Và Lâm Quỳnh Cúc phải lầm y là chàng. Dù cho đêm hôm, lòng động tối tăm, song hai người gần kề nhau quá, làm sao nàng không thấy được mặt mày! Nếu là một khuôn mặt khác, thì Lâm Quỳnh Cúc phải phát hiện ra ngay! Chàng nhớ lại cử chỉ lúng túng của Lâm Quỳnh Cúc lúc cuốn tấm bố mang đi giặt! Trên tấm bố, có dấu đỏ! Dấu máu!
Hay là... Hay là...
Nhuế Vĩ đã biết, Giản Thiệu Vũ là tay hiếu dâm, gặp gái đẹp, khi nào y lờ đi!
Bất giác, chàng kêu lên :
- Đêm đó, Cúc muội nhận rõ chính là ngu huynh?
Lâm Quỳnh Cúc chưa nhìn lên, nên không thấy thần sắc của chàng. Nàng từ từ đáp :
- Không đại ca thì ai nữa? Chẳng lẽ có người giống đại ca như khuôn đúc?
Nhuế Vĩ toan biện minh, cho nàng biết là đêm đó, chàng say rượu tại thị trấn, gần sáng mới trở về. Chàng cũng muốn nói, cái người trong đêm đó, chính là Giản Thiệu Vũ, đại công tử tại Thiên Trì Phủ, có khuôn mặt giống chàng.
Chàng vốn không tin Lâm Quỳnh Cúc lấy chồng rồi mà vẫn còn trinh. Bây giờ, hiển nhiên là nàng không hề ăn nằm với Hồ Thiên Tinh. Sở dĩ nàng giữ mình băng tuyết, là vì nàng rất mực yêu chàng, thủy chung với chàng, tuy chàng không bao giờ tỏ tình, ước hẹn cho với nàng. Chàng thương cảm vô cùng, thở dài thốt :
- Cúc muội! Ngu huynh có lỗi với Cúc muội quá.
Chàng tự quy trách nhiệm về việc phá trinh này cho chàng, nếu đêm đó, chàng đừng vì giận dỗi mà bỏ đi, thì làm gì sự tình xảy ra?
Nhưng, Lâm Quỳnh Cúc thì tưởng chàng hối hận về việc đã làm nên lắc đầu, đáp :
- Đại ca không có lỗi chi cả, tôi không trách đại ca đâu! Từ lúc nhỏ, tôi đã nhận định trong tương lai tôi sẽ là người của đại ca, dù đại ca muốn cách nào, tôi cũng cúi đầu tuân phục. Có điều xin đại ca đừng bỏ rơi tôi! Đại ca đâu có thể bỏ rơi tôi, phải không đại ca?
Nhuế Vĩ thở dài lượt nữa. Lòng chàng rối như tơ vò.
Lâm Quỳnh Cúc tiếp :
- Tôi biết, trong tâm của đại ca, còn có hình bóng của Cao cô nương, cái đó không quan hệ gì. Khi nào sum hợp với Cao cô nương đại ca đừng quên tôi là đủ!
Tôi mãn nguyện lắm đó!
Nhuế Vĩ còn biết nói sao nữa? Chàng thầm nghĩ :
- "Cúc muội tốt quá, ta không nên làm cho nàng buồn, ta sẽ mang tiếng bất nghĩa, quyết không cho nàng biết sự thật của mình".
Chàng biết, đây là sự nhầm lẫn lớn, có hậu quả! Có thể làm cho chàng thân bại danh liệt, song vì Lâm Quỳnh Cúc ngậm oán hờn, và cầu mong trời cao an bài cho nàng.
Lâm Quỳnh Cúc lại tiếp :

- Tôi không muốn trở về Hắc bảo. Tôi đã có chồng thì cầm như ngoại nhân đối với gia đình? Tôi về Hắc bảo được cái chi hay...
Dừng lại, nàng do dự một chút rồi tiếp :
- Đại ca muốn đi Điểm Thương sơn, cũng muốn gặp Cao cô nương, giao tình bằng không thích tôi, tôi cũng không hề oán hận nàng.
Nàng chung quy vẫn xem chàng là trên hết, chàng còn ngăn chận nàng đi theo sao được chứ! Cản trở nàng, là gây thương tâm nặng cho nàng vậy! Chàng thốt :
- Hiện tại, chúng ta khởi hành là vừa.
Lâm Quỳnh Cúc cười tươi :
- Đại ca cho tôi đi theo với, phải không?
Một ý nghĩ chợt hiện trong tâm tư, Nhuế Vĩ tưởng nên tìm xúc tiến cho cả hai thành đôi với nhau, dù Giản Thiếu Vũ không tốt đó, song y cũng là con người có gia giáo, có thể chàng khuyên được y đừng học thói phụ phàng. Chàng đáp :
- Tự nhiên ngu huynh phải cho Cúc muội đi theo, chứ chẳng cô đơn nơi quê xa xứ lạ? Sau này, khi nào ngu huynh lo cho muội có một cuộc sống tốt đẹp rồi, lúc đó ngu huynh mới...
Nàng thầm nghĩ :
- "Phải ta được sống chung với đại ca đến bạc đầu..."
* * * * *
Đại Lý khí hậu ấm áp như xuân cả bốn mùa, có núi đẹp có hồ xinh, người bản xứ có câu: "Thượng Quan Hoa, Hạ Quang Phong, Thương Sơn Tuyết, Nhĩ Hải Nguyệt", đó là bốn cảnh Phong Hoa Tuyết Nguyệt của huyện Đại Lý.
Điểm Thương sơn sừng sững vút tận mây xanh, hình thể cực kỳ hiểm tuấn, muốn du ngoạn trên đỉnh núi, không phải bất cứ ai cũng lên được dễ dàng.
Nhuế Vĩ không ngại cho chàng, mà lo cho Lâm Quỳnh Cúc vì công lực của nàng chưa được khôi phục nguyên vẹn. Chàng vốn ý muốn để nàng lại thành Đại Lý cho nàng tịnh dưỡng, lấy lại sức khỏe tiêu hao trên dặm dài, song nàng khấn đòi theo, chàng đành chiều ý nàng.
Đi một lúc, Lâm Quỳnh Cúc mệt lả, thở hổn hển.
Nhuế Vĩ bắt buộc phải bế nàng, giở thuật khinh công lướt theo sơn đạo.
Không lâu lắm, chàng thấy xa xa có bức tường đỏ. Chàng mừng rỡ, thốt :
- Có lẽ đây rồi!
Chàng tiến nhanh về phía đó.
Tường đỏ, là tường một ngôi nhà màu hồng, không lớn nhà không giống ni am, như vậy chắc gì Nhất Đăng thần ni trong đó? Tuy nhiên chàng cũng gọi tên :
- Vãn bối cầu kiến Thần ni!
Bên trong nhà, có người hỏi vọng ra :
- Ai đó vậy?
Âm thanh của nam nhân.
Nhuế Vĩ lấy làm kỳ quái, chưa kịp đáp, cánh cửa đỏ mở ra, người tác vóc trung nhân mặt mày thanh tú, vận chiếc áo đỏ xuất hiện trước tầm mắt Nhuế Vĩ.
Dĩ nhiên, không phải là Nhất Đăng thần ni. Chàng vòng tay tạ lỗi :
- Tại hạ lầm nhà, xin các hạ thứ cho!
Lúc đó, chàng đã buông Lâm Quỳnh Cúc xuống rồi. Tạ lỗi xong, chàng nắm tay nàng lôi đi.
Người áo đỏ hỏi :
- Ý! Các hạ họ Nhuế phải không?
Nhuế Vĩ giật mình quay đầu lại, đáp :
- Vãn bối là Nhuế Vĩ.
Người áo đỏ mỉm cười :
- Học đủ tám chiêu kiếm chứ?
Nhuế Vĩ kinh hãi, quay luôn mình vòng tay thi lễ hỏi :
- Làm sao tiền bối biết được họ của vãn bối? Lại còn biết...
Người áo đỏ khoát tay :
- Đừng nói! Đừng! Hãy đáp lời của lão phu! Cái đó mới là quan trọng.
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Trong tám chiêu, vãn bối học được sáu, còn thiếu hai.

Người áo đỏ lắc đầu :
- Vậy là không được! Không được rồi!
Nhuế Vĩ cau mày, quay đầu nhìn Lâm Quỳnh Cúc.
Người áo đỏ tiếp :
- Ngươi mang nàng đó theo, lại càng không được!
Lâm Quỳnh Cúc chợt động linh cơ, cười hỏi :
- Tôi là tiểu muội, đi theo đại ca không được sao?
Người áo đỏ gắt :
- Nói dối! Lão phu biết, ngươi không phải là tiểu muội của hắn! Ta đoán thì phải đúng! Ngươi chỉ là...
Lâm Quỳnh Cúc đỏ mặt, cúi đầu :
- Ông đừng nói oan! Chúng tôi chưa thành hôn!
Người áo đỏ bật cười ha hả :
- Tiểu cô nương có ý tứ quá!
Nhuế Vĩ nóng gặp Thần ni, vội vòng tay :
- Tiền bối! Vãn bối xin cáo từ!
Rồi chàng nắm tay Lâm Quỳnh Cúc, quay mình dợm bước đi.
Người áo đỏ thở dài :
- Hai ngươi xem cũng được lắm, hà tất tìm Trương cô nương làm gì?
Nhất Đăng thần ni có tên tộc là Trương Ngọc Trâm, người áo đỏ gọi bà là Trương cô nương, hắn là họ quen thân với nhau, có thể Thần ni đã cho lão ta biết việc của chàng, cho nên lão hiểu chàng mang họ Nhuế.
Thần ni có dọa, nếu chàng không học đủ tám chiêu kiếm, mà dám tìm đến đây, là bà sẽ đánh cho thành người tàn phế. Suy qua khẩu khí của người áo đỏ, chàng cảm thấy mường tượng lão quan tâm đến chàng. Chàng quay đầu lại, tạ tình :
- Thừa mong tiền bối quan hoài, vãn bối cảm kích vô cùng. Nhưng vãn bối đã quyết tâm hội kiến với Thần ni, dù gặp nguy hiểm vãn bối cũng không từ bỏ ý định.
Chàng lôi Lâm Quỳnh Cúc đi gấp.
Chàng đi được hơn mười bước, người áo đỏ gọi :
- Chờ một chút đi! Chờ một chút! Lão phu không muốn nhìn tận mắt vị cô nương này dấn thân vào cõi chết!
Nhuế Vĩ dừng chân lại. Chàng thầm nghĩ :
- "Nếu Nhất Đăng thần ni muốn làm hại ta, cái đó chẳng nói làm chi! Nhưng, nếu bà muốn gây sự, can cập đến Lâm Quỳnh Cúc, thì thật là không nên vậy. Ta phải tìm biện pháp ngăn ngừa điều ấy!"
Chàng quay mình lại.
Lâm Quỳnh Cúc cười, thốt :
- Ai nói rằng tôi dấn thân vào cõi chết. Làm gì có chuyện ghê gớm như thế!
Người áo đỏ chỉnh sắc mặt, đáp :
- Lão phu bình sanh đối với nữ nhân, có cái tâm rất mềm mại. Trương cô nương thì khi muốn giết người lại không cần phân biệt nam hay nữ. Tiểu cô nương tốt quá, lão phu muốn nghĩ cách cứu cô nương!
Lâm Quỳnh Cúc lại cười :
- Cách gì, hở tiền bối? Bảo tôi xuống núi, để một mình đại ca đến gặp bà ấy? Nói thật với tiền bối, cái đó chắc là không được rồi đấy!
Người áo đỏ thở dài :
- Tiểu tử diễm phúc lắm nhé! Vị tiểu cô nương này đối với ngươi tốt quá!
Dừng lại một chút, lão nghiến răng, rồi tiếp :
- Như thế này thì lão phu phải mang bản lĩnh truyền gia ra mà sử dụng rồi vậy.
Lâm Quỳnh Cúc cười nhẹ :
- Bản lĩnh truyền gia chi đó?

Người áo đỏ nhìn nàng một thoáng :
- Lão phu định truyền thọ cho ngươi, song căn cơ của ngươi chưa được vững lắm, vậy lão phu truyền cho trượng phu ngươi!
Lâm Quỳnh Cúc đỏ mặt :
- Tiền bối nói nhảm đó! Tôi xin cho tiền bối biết, chúng tôi chưa thành hôn!
Người áo đỏ cười ha hả :
- Có ý tứ quá! Có ý tứ thật!
Lão cười một lúc, đoạn quay qua Nhuế Vĩ, nghiêm giọng đáp :
- Nếu như Trương cô nương có làm điều chi bất lợi đối với tiểu cô nương này, thì ngươi nên dùng hộ pháp của ta sắp truyền cho, mang ngay nàng chạy đi, không nên do dự. Nếu không như vậy, thì tánh mạng của nàng khó bảo toàn!
Lão phu ân cần căn dặn ngươi điểm đó!
Nhuế Vĩ cau mày :
- "Lăng Ba Vi Bộ" của Thần ni, cầm như thiên hạ vô song, vãn bối làm sao chạy thoát?
Người áo đỏ hỏi :
- Ngươi đã thấy "Lăng Ba Vi Bộ"?
Nhuế Vĩ gật đầu :
- Có thấy!
Người áo đỏ mỉm cười :
- "Lăng Ba Vi Bộ" vô song, nhưng "Phi Long bộ" của lão phu lại là vô địch!
Theo câu nói đó, thì "Phi Long bộ" trên hẳn "Lăng Ba Vi Bộ" mấy bậc!
Nhuế Vĩ không tin thầm nghĩ :
- "Làm gì có bộ pháp trên hẳn Lăng Ba Vi Bộ"?
Người áo đỏ hỏi :
- Ngươi không tin?
Nhuế Vĩ không đáp. Không đáp là chàng mặc nhận.
Người áo đỏ chừng như bị chạm tự ái, cao giọng thốt :
- Hãy xem đây!
Lão giậm chân xuống, tung mình lên rồi tại không trung, lão tùy ý vận chuyển, chẳng khác nào rồng thiêng uốn khúc vẫy vùng.
Rồi lão đáp xuống, một chân co, một chân đạp, người lão lại rung lên, lại tự ý vận chuyển. Nhưng, cách vận chuyển lần sau không giống lần trước.
Lão lên xuống như vậy đủ tám lượt, gọi là bát bộ, không bộ nào giống bộ nào, huyền diệu vô cùng. Xong tám bộ, lão hỏi :
- Sao?
Nhuế Vĩ lắc đầu :
- Không bằng "Lăng Ba Vi Bộ".
Lão áo đỏ tức, trừng mắt :
- Phi lý! Phi lý! Ngươi chẳng biết gì cả!
Nhuế Vĩ điềm nhiên :
- Vãn bối đã thấy "Lăng Ba Vi Bộ". "Lăng Ba Vi Bộ" tuyệt hơn.
Người áo đỏ xì một tiếng :
- Chớ lão phu không thấy à?
Nhuế Vĩ tiếp :
- Tiền bối đã thấy, tại sao khinh thường, cho rằng "Lăng Ba Vi Bộ" không bằng "Phi Long bộ".
Người áo đỏ đáp :
- Lão phu dám nói, vì lão phu chắc như vậy! Năm xưa, lão thành danh nhờ "Lăng Ba Vi Bộ", lão so sánh hai cái hay, thấy rằng "Lăng Ba Vi Bộ" kém hơn "Phi Long bộ"! Chắc lão phu đã thực nghiệm hơn một lần, nắm vững chứng minh!
Nhuế Vĩ vẫn không tin, lắc đầu thốt :
- Tiền bối đừng khuất lấp! Vãn bối biết Nhất Đăng thần ni sở trường bộ pháp đó, xem như tuyệt học của bà. Làm sao tiền bối lại...
Người áo đỏ như hét lên :
- "Lăng Ba Vi Bộ" của Trương cô nương, chính lão phu truyền cho.
Nhuế Vĩ kinh ngạc trố mắt, há mồm, không nói được gì.
Người áo đỏ tiếp :

- Hai mươi năm trước, lão phu hao phí tâm cơ, sáng chế ra "Phi Long bộ", cốt chống lại "Lăng Ba Vi Bộ". Chính bộ pháp "Phi Long bộ" là khắc tinh của "Lăng Ba Vi Bộ". Ngươi học được "Phi Long bộ" rồi, thì không còn sợ Trương cô nương nữa.
Nhuế Vĩ cả mừng, thầm nghĩ :
- "Vậy là may cho ta lắm!"
Chàng chấp tay vái người áo đỏ, thốt :
- Van cầu tiền bối chỉ điểm!
Người áo đỏ tỏ thái độ đại phương, bảo :
- Tiểu cô nương có vẻ bại nhược quá, vậy hãy vào trong nghỉ đi, lão phu và ngươi ra ngoài kia, bắt đầu lão phu chỉ điểm cho!
Bên ngoài có gió lạnh, Nhuế Vĩ cũng muốn cho Lâm Quỳnh Cúc tránh cái lạnh một lúc, nên đồng ý ngay, quay đầu sang nàng, thốt :
- Tiểu muội vào nhà đi, khi nào khởi hành, ngu huynh gọi.
Lâm Quỳnh Cúc ngoan ngoãn đi ngay.
Người áo đỏ dần dạy đủ năm lượt. Nhuế Vĩ lãnh hội trọn bộ pháp Phi Long, chàng tập luyện mãi đến chiều, rồi sang đêm luôn để không ngừng.
Lâm Quỳnh Cúc mang thức ăn ra, người áo đỏ dùng, Nhuế Vĩ mê tập luyện, chưa ngó đến.
Vốn là tay giỏi thuật khinh công, bây giờ biết thêm "Phi Long bộ", Nhuế Vĩ trở thành một kẻ có thân pháp khinh linh hơn bóng ma. Cái kết quả đó mang lại cho chàng một niềm tin tưởng vô biên, và chàng nghĩ cuộc hội diện sắp tới với Nhất Đăng thần ni không còn đáng sợ cực độ như chàng nghĩ trước đó. Chàng luyện được một lúc nữa, lại ăn, ăn xong luyện đến sáng.
Đêm đó, người áo đỏ ngồi ngay trên tuyết dưỡng thần, nhường ngôi nhà cho Lâm Quỳnh Cúc ngơi nghỉ.
Nàng rất áy náy, người áo đỏ cho biết dù không có ai ngủ trong nhà, một mình lão, lão vẫn thích ngồi trên tuyết như vậy, và ngồi luôn cả tháng cũng chẳng sao.
Nhuế Vĩ luyện đến lúc bình minh lên, cảm thấy mệt mỏi, bèn ngồi ngay trên tuyết nhắm mắt, điều tức. Lúc tập luyện, chàng vận động, bay nhảy nên không cảm thấy lạnh. Bây giờ ngồi một chỗ, khí huyết xuống nhiệt độ, chàng nghe lạnh.
Lúc đó chàng mới biết về đêm, tại Điểm Thương sơn cái lạnh hết sức hãi hùng.
Càng nghe lạnh, chàng càng khâm phục người áo đỏ, phải là tay có nội công siêu thượng mới ngồi được suốt đêm trên tuyết và có khi ngồi hàng tháng liên tục đêm nối đêm. Chàng bèn vận hành "Quy Tức Thần Công" vòng quanh cơ thể ba lượt, đuổi cái lạnh ra ngoài. Đoạn chàng nhập định luôn.
Khi chàng tỉnh lại phát hiện khắp mình có một lớp tuyết mỏng bao bọc. Thế mà chàng vẫn không nghe lạnh, đủ biết công hiệu của "Quy Tức Thần Công" ảo diệu vô tưởng.
Người áo đỏ đã tỉnh lại trước chàng hết sức tán thưởng công lực của chàng.
Người áo đỏ mỉm cười, hỏi :
- Lão phu nhường ngôi nhà cho hai ngươi nghỉ đêm, sao ngươi lại ở ngoài trời?
Mường tượng lão nhân đinh ninh chàng và Lâm Quỳnh Cúc đã là một đôi phu thê thực sự.
Chàng nghi ngờ, hay là lão phát hiện được cái gì ở Lâm Quỳnh Cúc khả nghi? Chàng đánh trống lảng :
- Đệ tử... đệ tử...
Chàng muốn nói, đệ tử không xứng đáng sao? Nhưng chàng ấp úng mãi, không nói thành lời được.
Người áo đỏ cao giọng tiếp :
- Ngươi ghi nhớ! Lão phu không phải là sư phụ của ngươi đâu nhé! Bất cứ đối với ai, ngươi cũng không được đề cập đến lão phu. Lão phu truyền "Phi Long bộ" cho ngươi, là vì tiểu cô nương kia chứ không vì ngươi!
Nhuế Vĩ xót xa vô cùng. Tại sao lão không chấp nhận sự thành tâm của chàng? Chàng rất khâm phục lão là con người thiện lương kia mà!
Nghe lão hét, Lâm Quỳnh Cúc từ trong nhà chạy ra, cười hỏi :
- Ai làm cho Hồng bá bá nổi giận đó?
Trong mấy ngày hôm nay, thấy tính tình của Lâm Quỳnh Cúc, lão áo đỏ rất mến, xem nàng như con ruột. Lão đang giấu tên họ, Lâm Quỳnh Cúc lại bịa cho lão một cái họ, họ Hồng. Lão bực gắt :
- Lâm cô nương không nên ăn nói nhảm nhí! Từ nay, cả hai không được nhắc nhở lão phu với bất kỳ ai, mà cũng không nên gọi lão phu là Hồng bá bá nữa! Thôi, hai người đi gấp đi!
Lão quay mình, trở vào nhà, đóng sập cửa lại, cài then cẩn thận. Rồi từ bên trong, lão quát vọng ra :
- Đi đi! Đi gấp!
Lâm Quỳnh Cúc thở dài :
- Tại sao Hồng bá bá nổi giận như vậy, đại ca?
Nhuế Vĩ đáp :
- Ngu huynh gọi người bằng hai tiếng sư phụ, người phẫn nộ liền.
Chàng giục :
- Thôi chúng ta đi!
Thực tình, Nhuế Vĩ chưa muốn đi, vì không lẽ đi ngang như vậy. Song nếu ở lại, chàng sợ lão nhân phát cáu.
Đi được mười trượng, chàng quay đầu lại, cao giọng thốt :
- Đa tạ tiền bối chỉ điểm! Ân trọng này, vĩnh viễn vãn bối khắc ghi trong tâm khảm.
Chàng và Lâm Quỳnh Cúc đi xa rồi, người áo đỏ mở cửa ra, nhìn theo hướng họ lên núi, cười tươi, tự thốt :
- Đẹp đôi lắm! Lão phu cầu chúc cho cả hai sang năm có oắt con mà bế, mà bồng, vui cửa vui nhà!