Thập Thế Đợi Quân An

Chương 41




Thương Âm của hiện tại có còn coi trọng những thứ này nữa hay không?

Trước khi đi ta thu xếp phòng mình một phen, bảo gia đinh dọn hết những thứ không dùng đi, lúc ra cửa thì gặp Tiểu Hắc, ta ngẩn ra: “Thật đúng lúc, ta có đồ muốn đưa cho huynh đây.”

Cũng chẳng phải thứ gì đẹp lắm. Từ trong chiếc rương lớn làm bằng gỗ đàn hương, ta lấy ra một chếc áo bào nam giới được gấp gọn gàng, là một chiếc áo kiểu rộng, màu xanh đậm.

Huynh ấy im lặng một lúc: “Muội làm?”

Ta gật đầu một cái, chẳng hiểu sao lại thấy hơi lúng túng: “Ừm.”

Cái này vốn định đưa cho huynh ấy từ trước rồi, nhưng lại bị chuyện Thương Âm chuyển thế hạ phàm làm loạn hết cả lên, thế nên ta vẫn chưa làm xong. Giờ quay về làm nốt phần còn lại, dùng kim chỉ sửa lại một chút cho vừa người, tự cảm thấy ổn thỏa rồi mới dám đưa tặng. Tiểu Hắc chẳng thiếu thốn cái gì, nhưng ta vẫn muốn biểu đạt chút tâm ý, dù sao suốt tám trăm năm qua huynh ấy vẫn luôn giúp đỡ ta.

Huynh ấy nhìn ta một lúc, những ngón tay thon dài mơn trớn bề mặt chiếc áo, lúc ngẩng đầu lên còn có ý cười, khó khăn lắm huynh ấy mới cười một lần, ta ngẩn người. Huynh ấy nhận lấy, nói: “Còn biết làm cái này nữa ư, Hoa Nhi gia?” ba chữ cuối nói rất chậm.

Ta trừng mắt: “Huynh suốt ngày mặc đồ đen thùi lùi, lại còn bày cái bộ mặt than ra nữa, ngày càng có nhiều các cô nương ở phố Tây Phong Đô thích huynh nhưng lại không dám nói. Màu sắc chiếc áo này nhìn chung là sẽ nhu hòa hơn một chút, ta làm có thể không được đẹp lắm, cũng có thể không được khéo tay như các nàng ấy, huynh thấy hợp thì mặc thôi. Đợi đến lúc cô gái huynh thích kia trở lại thì bảo nàng ấy may thêm cho huynh bộ khác….”

“Không cần.”

Huynh ấy ngắt lười, nhìn ta, “Cái này cũng đẹp lắm rồi.”

Tai ta nóng bừng lên, nghiêng đầu sang một bên: “Ta đi đây.”

Hôm ấy ta đi qua cầu Nại Hà cũng coi như là sáng sớm ở Phong Đô, sương mù trên dòng sông Vong Xuyên lại dày đặc hơn bình thường, những đóa hoa mạn châu sa đỏ như gấm, trên cầu Nại Hà vắng tanh. Ta chỉ cho Tiểu Hắc đưa ta tới đầu đường Hoàng Tuyền, để ta tự mình đi hết quãng đường còn lại, xách đèn lồng mẫu đơn bước trên con đường thuộc về người phàm trần.

Ta vẫn luôn đứng bên cạnh cầu Nại Hà mà nhìn những người phàm với những mối yêu hận tình cừu chốn hồng trần, cứ từng người từng kiếp, mãi luân hồi. Cuối cùng hôm nay ta cũng bước lên nó, những tấm gỗ dưới chân cầu ẩm ướt, kêu vang cọt kẹt, ta bước tới giữa cầu lúc Mạnh bà bà đang cúi người, bên cạnh là nồi canh Mạnh bà, mà trong tay bà bưng một bát nữa, chiếc muôi gỗ còn khuấy nhẹ trong nồi.

Ta nhận lấy bát canh, hành lễ với bà: “Mạnh bà bà.”

Bà khẽ cười, những nếp nhăn co lại một chỗ: “Cuối cùng con cũng vẫn qua cầu nhỉ.”

Ta nhìn nửa đoạn cuối cầu Nại Hà, vẫn chưa bước vào, ở phía cuối cầu sương mù giăng mờ mịt tựa như ảo mộng, lại tựa như vực sâu, cũng giống như kiếp sau khó biết trước của ta vậy. Ta ngẩng đầu nhìn khoảng không trống rỗng.

Ta ở Phong Đô tính ra cũng đến hai, ba ngày, mà chàng…cũng không có tới.

Nếu như chàng còn chút nhớ nhung nào, thì sẽ tới tìm ta mới phải.

Quả nhiên, chàng chỉ là muốn tìm lại người phụ nữ trước khi chàng bị mất trí mà thôi, giờ đây cả trí nhớ và tình cảm đều đã mất, những ký ức và nhớ nhung đều là phiền phức cả. Cũng có thể việc ta đợi chàng cho đến giờ chẳng qua chỉ là để lấy Cửu Long tỳ ra mà thôi, lấy được rồi thì lập tức chẳng còn tác dụng gì nữa.

Vậy còn những lời chàng nói đêm ấy thì sao, cũng đều là giả dối hết sao.

Ta bất giác cười khẩy một tiếng, thì ra chẳng qua là có cũng được, mà không có cũng chẳng sao, trên đời này liệu có người phụ nữ nào ngu ngốc hơn ta không.

Ta uống một hơi cạn sạch bát canh, hơi mặn, thì ra canh Mạnh bà có mùi vị của nước mắt.

Ta đưa một người con trai mà ta đã từng rất rất yêu cho vào quên lãng, như vậy thật là tốt, sau này ta sẽ không còn đau đớn, không còn chua xót đến không chịu nổi nữa. Trước kia ta cảm thấy, chỉ cần chàng được hưởng những hạnh phúc tốt đẹp, thì dù có lấy cả tính mạng ta cũng được.

Như thế này tình cảm sẽ không còn nữa, thật tốt quá rồi.

Ta đặt lại chiếc bát, chầm chậm bước vào trong làn sương trắng trên cầu. Bước xuống cầu, con đường mòn trước mặt lại càng khó nhìn hơn, ven đường có một khối đá cao tầm ngang người, trên mặt khối đá hiện lên ánh sáng, đó chắc hẳn là đá Tam Sinh rồi. Ta đang định nhìn, nhưng phía sau lại vang lên tiếng gọi non nớt khiến ta đứng im tại chỗ.

Đó là giọng của một bé trai.

Ta cứng đờ quay người lại, máu huyết toàn thân như ầm ầm trỗi dậy. Trong làn sương mù mờ ảo, xa xa bên cầu có một thằng bé mặc đồ trắng thở hổn hển vịn vào lan can cầu, vóc dáng vào khoảng sáu, bảy tuổi, mái tóc đen vấn lên, làm tôn lên khuôn mặt nhỏ nhắn thanh tú.

Dung mạo mà ta quen, đã từng nhìn thấy vào đời Thương Âm thứ hai, khuôn mặt của chàng lúc còn nhỏ.

Cách xa như vậy, nhưng ta lại có thể nhìn thấy đôi đồng tử đen láy của thằng bé ngấn nước, thằng bé cất tiếng, khuôn mặt nhỏ nhắn đỏ bừng lên, gọi ta một lần nữa.

“Mẫu thân….!”