[Thập Niên 80] Thời Niên Thiếu Của Yến Yến

Chương 43: Hai Trăm Sáu Mươi Sáu (2)




Yến Thần đau lòng nhức óc: “Cậu bảo mình đừng đến gây ảnh hưởng đến việc học của cậu cơ mà? Sao lại ngày càng học kém đi thế? Rốt cuộc cậu có còn ý định thi vào Bắc Thành nữa hai không?”

Lý Chu Kiều ngoác miệng cười ha hả: “Cậu ấy giống tôi, không phải mẫu người học hành. Đã bảo từ đầu là lấy tạm cái bằng tốt nghiệp cấp ba rồi đi nghĩa vụ có hơn bao nhiêu không? Thi đại học làm gì cho rước nhục vào thân.”

Năm lớp mười chưa chia ban xã hội và ban tự nhiên, tổng các môn được chín trăm linh một điểm, tổng điểm các môn tự nhiên là bảy trăm linh một. Điểm số của Chung Oánh thực sự khiến người ta không được vui vẻ gì cho cam. Cô không sợ ông Chung giận, chỉ sợ gây trở ngại cho điểm trung bình của lớp, sẽ bị giáo viên chủ nhiệm lắm lời lôi cổ ra làm tấm gương.

Thông thường, giáo viên không mấy để tâm đến học sinh rất kém, chỉ mê hành đám học sinh trung bình khá, có thể vơ vét được cảm giác thành công lớn.

Không biết đây là ông trời thực hiện lời hứa hay bị nghiệp quật. Lần trước ở nhà bà ngoại nói bừa một câu thế mà điểm thi đứng thứ hai trăm sáu mươi sáu thật. Nếu như Tết nhất họ hàng hỏi về thành tích, kiểu gì Chung Tĩnh cũng lại đòi cắt đứt quan hệ với cô lần nữa.

Nhìn gương mặt cô biến sắc liên hồi, Yến Thần vội nói: “Lớp mười không nắm vững căn bản thì lên lớp mười một càng mệt hơn. Hay là nghỉ đông, mình phụ đạo cho cậu nhé?”

“Khỏi cần. Mình tính cả rồi.”

“Cậu thì tính toán gì? Cậu…”

Chung Oánh sập cửa sổ đánh “rầm”, hai người bên ngoài quay ra nhìn nhau.

“Giờ thì tâm trạng tồi tệ thật rồi. Liệu chú Chung có đánh cậu ấy không?” Yến Thần hỏi.

“Không đâu. Chú Chung hiền lắm, chẳng đánh con bao giờ. Nếu cô Trương còn sống thì chưa biết chừng.” Lý Chu Kiều đáp.

“Cậu có cảm thấy Oánh Oánh đã thay đổi rất nhiều không?”

“Thay đổi rồi. Trở nên đỏng đảnh rồi. Rủ rát lưỡi không chịu đi chơi. Mình đoán chắc vẫn do cú ngã lần trước để lại di chứng…”

Hai người vừa đi vừa trò chuyện. Chung Oánh ngồi ngây ra nhìn bài tập nghỉ đông. Vừa rồi mau miệng từ chối lời đề nghị dạy bù của Yến Thần là vì cô hoàn toàn không coi chương trình lớp mười ra gì. Còn về ba môn không đạt yêu cầu, cô cũng biết là chính trị, địa lý, lịch sử, chưa bao giờ chú tâm học thuộc thì điểm thi dĩ nhiên là không tốt.

Chung Oánh biết trình độ thực sự của bản thân. Dù gì cô cũng là người từng thi vào trường trọng điểm bằng chính thực lực của mình. Không dám nói là có thể thi đỗ những trường đỉnh như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh, chứ trường thấp hơn một chút ở tuyến đầu như Bắc Thành thì không vấn đề gì.

Phải biết rằng thời điểm ấy chưa có nguyện vọng song song, không đỗ nguyện vọng một thì đủ điểm nguyện vọng hai cũng có khả năng không được nhận. Hơn nữa, áp dụng phương pháp điền vào điểm dự tính, đâu đâu cũng có người tính sai hoặc đánh giá quá cao.

Trường top đầu tỷ lệ chọi căng thẳng, thi tuyển phải hết sức cẩn thận, mức độ lựa chọn hoàn toàn không lỏng lẻo như các thế hệ sau. Chỉ sơ sẩy một chút mà đã có quá nhiều người khốn khổ khi biến từ khóa này thành khóa trước. Cho nên mô tả kỳ thi tuyển sinh đại học thập niên tám mươi, chín mươi như thiên quân vạn mã vượt qua cây cầu độc mộc là hoàn toàn phù hợp.

Có thể học cùng thành phố với Yến Vũ là đủ. Cô không cần phải học đến mức hói đầu để chen chân vào đại học Thanh Hoa, có chen cũng chưa chắc đã chen vào được.

Ba mươi năm sau, Học viện Ngoại ngữ Bắc Kinh, Học viện Lâm nghiệp Bắc kinh, Đại học Địa chất, Đại học Nông nghiệp đều nằm gần đại học Thanh Hoa, muốn học thì đến trường là được, việc gì phải đặt mình vào môi trường học tập căng thẳng, chịu thêm một lần khổ sở vì lo học lại như thế nữa.

Mục tiêu của cô là Yến Vũ, học hành chỉ là một trong những thủ đoạn để hiện thực hóa mục tiêu.