Thập Niên 80: Nữ Phụ Đáng Thương Nhận Nhầm Nam Chính

Chương 33: Đồng hồ




Có những chuyện, không nghĩ đến thì không sao, nhưng một khi nghĩ đến thì không thể ngừng băn khoăn.

Trước giờ, Lâm Kiều luôn nghĩ Quý Đạc là một người cuồng công việc, mê sự nghiệp. Nghe Từ Lệ kể, anh thường bận rộn đến nỗi mười ngày nửa tháng cũng không về nhà, trong tiểu thuyết thì anh sống trong quân khu suốt, để nguyên chủ phải một mình cô đơn trong nhà.

Nhưng ngoài lần ra nhiệm vụ đó, anh vẫn đều đặn về nhà mỗi ngày, không xem quân khu là nhà, cũng không xem công việc là vợ.

Vậy có lẽ anh không có thời gian chuẩn bị kinh doanh chăng...

Không phải chứ, anh cưới cô chẳng phải là để làm điều đó sao? Vậy sao bây giờ lại không vội vàng chút nào?

Chẳng lẽ có lý do nào đó khiến anh phải tạm hoãn, hay anh giấu kỹ quá đến mức cô không phát hiện ra?

Lâm Kiều chỉ trách bản thân lúc đầu không để ý kỹ. Nếu cô đã đọc qua tiểu thuyết, thì đâu đến nỗi phải đoán mò như bây giờ.

Thế là tối hôm đó, khi Quý Đạc vừa bước vào nhà, anh liền thấy Lâm Kiều ngồi trên ghế sô pha với vẻ mặt trầm ngâm.

Thấy anh về, cô quay đầu nhìn anh từ trên xuống dưới một lượt, trong ánh mắt vừa có vẻ dò xét lại vừa có chút nghi hoặc.

Quý Đạc khựng lại một chút, nhưng vẫn theo thói quen treo chiếc mũ quân đội lên giá áo bên cửa, "Có chuyện gì à?"

"Không có gì." Lâm Kiều khẽ cười, nhưng ánh mắt vẫn dừng lại trên người anh, "Anh không có gì muốn nói với em sao?"

Ai mà chịu nổi câu hỏi này? Bất kỳ người đàn ông nào cũng phải tự hỏi mình đã làm gì.

Mà Quý Đạc chắc chắn là một người đàn ông thực thụ, nên khi nghe câu hỏi của cô, anh cũng nghĩ ra được một hai chuyện có thể dính dáng tới mình.

Chuyện đầu tiên chính là việc hoán đổi hôn ước. Nhưng nếu Lâm Kiều đã biết, cô chắc chắn sẽ không phản ứng bình thản như vậy. Vậy khả năng còn lại là chuyện bức ảnh.

Sáng nay, lúc cô nhờ anh mang đồ cho Tiểu Trạch, anh đã tiện tay nhét bức ảnh vào tờ báo cô dùng để gói đồ, còn viết thêm một tờ giấy bảo Tiểu Trạch cất kỹ, đừng để cô nhìn thấy. Dù sao cũng đã hơn một tháng rồi, kể từ khi đặt bức ảnh, cô không hề động đến quyển album lần nào.

Lại đúng lúc anh vừa lấy bức ảnh ra, cô liền muốn xem?

Cô đã phát hiện ra điều gì sao? Hay chỉ đơn thuần là thấy bức ảnh định hôn ước không còn và nghi ngờ có liên quan đến anh?

Quý Đạc ngồi xuống ghế sô pha, điềm tĩnh cầm ly nước lên uống.

Người đàn ông này rất bình tĩnh, trên mặt không để lộ chút cảm xúc gì. Cũng chính vì điều đó mà Lâm Kiều quyết định thăm dò, xem có thể khai thác được gì không.

Dù hai người đã là đối tác, nhưng đối tác này đã hợp tác tới tận giường. Nếu anh có dự định gì ảnh hưởng đến tương lai hai người, thì anh cũng nên cho cô chút gợi ý chứ. (Trước giờ có mình chị tự hiểu lầm à, chứ anh Đạc nhà em trước sau như một không thay đổi nhé 😂)

Thế nên khi anh không nói, cô cũng không vội nói. Cô chỉ nhìn anh chăm chú, đôi mắt sắc sảo như đang chờ đợi điều gì.

Điều này càng làm Quý Đạc thêm chắc chắn rằng cô đã phát hiện ra điều gì đó.

Nhưng có lẽ cô chưa biết hết, anh gần như ngay lập tức nghĩ ra một lời giải thích, "Buổi trưa em bận, anh quên chưa nói với em."

Thật sự có chuyện sao? Lâm Kiều lập tức ngồi thẳng lưng.

Quý Đạc không phải kiểu người thích để người khác nắm quyền chủ động, không đợi cô hỏi tiếp, anh đã nói tiếp: "Anh mang bức ảnh lên văn phòng rồi."

Nếu nói là để ở nhà thì không hợp lý, vì nhà không có ai ra vào, nhất là ở tầng trên. Lâm Kiều chắc chắn sẽ lôi anh ra lục tung mọi thứ lên.

Còn văn phòng thì khác, người ra vào nhiều, không có ảnh cũng chẳng sao.

Nhưng khi nghe vậy, Lâm Kiều ngớ người, "Ảnh gì cơ?"

Nhìn biểu cảm "chỉ có thế thôi" của cô, Quý Đạc cũng ngớ người, rồi đột nhiên nhận ra, cô và anh đang nói về hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Vậy là cuối cùng Lâm Kiều vẫn chưa nhận ra chính cô là người chủ động dẫn dụ chuyện này? Hơn nữa, nhìn phản ứng của cô, dường như cô cũng chẳng mấy quan tâm đến bức ảnh, mà lại hỏi anh đã lấy tấm nào...

Quý Đạc lần đầu tiên gặp tình huống này trong đời, nhưng vẻ mặt không hề lộ ra chút gì, nhanh chóng giành lại thế chủ động: "Không phải là ảnh, vậy em hỏi cái gì?"

Lâm Kiều bị hỏi bất ngờ, chẳng lẽ lại nói rằng "Em tính toán thấy anh sắp chuyển về quê để kinh doanh à?" Việc xuyên sách là bí mật lớn nhất của cô, không thể nói ra mà cũng chẳng có cách nào giải thích rõ ràng. Dĩ nhiên, cô cũng không thể để bị một câu của đàn ông đẩy vào thế bị động. Mắt cô không chớp, đã có đối sách: "Em muốn hỏi về cái hộp nhỏ chị Nghiên gửi cho chúng ta. Lúc nãy em dọn đồ, không thấy nó đâu cả."

Lần này đến lượt Quý Đạc im lặng, động tác đặt cốc nước xuống bàn cũng chững lại. Lâm Kiều đoán chắc anh đã xé tờ giấy, biểu cảm cũng chẳng tốt lành gì, rõ ràng trong đó có chuyện. Thật tiếc là vật không còn ở chỗ cô, lúc trước cô chỉ nhìn lướt qua mà không hiểu rõ.

Cô giả vờ vô tình hỏi: "Bên trong có gì vậy? Em thấy nó giống một cái hộp thuốc." Chẳng lẽ người đàn ông này có bệnh kín nào sao?

Nhìn thì không giống, sức khỏe của anh đã được cô kiểm chứng thực tế rồi, cô hoàn toàn không có ý kiến. Người đàn ông này kín như hến, chắc chắn sẽ không khai ra. Lâm Kiều thắng một ván, định tạm gác chuyện này lại: "Đi ăn thôi, đến muộn sẽ hết món ngon."

Dù gì, nếu anh thực sự không định tiếp tục ở trong quân đội, sớm muộn cũng phải nói với cô. Thay vì đoán già đoán non, chi bằng suy nghĩ xem có nên làm thêm một thùng xà phòng lỏng hay không. Buổi sáng nay vài cô giáo dạy lớp mười đã mua hết, buổi chiều số người đặt hàng giảm hẳn, chẳng biết sau này còn bán được bao nhiêu nữa.

Cô vừa đứng dậy thì nghe thấy giọng của người đàn ông bên cạnh: "Em thực sự muốn biết à?"

Quý Đạc đặt cốc nước trở lại bàn trà, ngước mắt nhìn cô. Dù vẻ mặt anh bình thản nhưng lại khiến người ta cảm thấy áp lực lạ kỳ. Lâm Kiều đột nhiên nhớ lại cảnh đêm qua ở căn nhà cũ, khi anh ép cô xuống bàn làm việc, cũng với vẻ mặt bình thản ẩn chứa nguy hiểm như vậy, thái độ thay đổi vô cùng mượt mà: "Không muốn biết."

Truyện được post cả hai nơi tại https://truyen2u.vip/tac-gia/frenalis và facebook Frenalis.

Tuy nhiên, đến tối khi đèn đã tắt, Quý Đạc vẫn kéo cô tái hiện lại cảnh tối qua. Hơi thở của anh bỏng rát, bàn tay lớn liên tục ôm chặt eo cô, không hiểu sao giữa chừng anh còn bóp lấy cổ chân cô.

Lòng bàn tay anh quá nóng, ngón tay còn đầy những vết chai do cầm súng, khi anh nắm lấy cổ chân, cô liền căng cứng mũi chân, chỉ cần xoa nhẹ vài lần là cô đã run rẩy không còn chút sức lực.

Sau đó anh bế cô trở lại giường, mang nước đến lau rửa cho cô, rồi dựa vào bàn làm việc còn vương vết nước, nhịp tay gạt tàn thuốc trong chiếc gạt tàn: "Em vẫn muốn biết không?"

Cô đã nói là không muốn rồi, vậy mà anh vẫn lôi cô ra làm một bữa no nê đấy thôi?

Lâm Kiều vừa định phản bác thì phát hiện ánh mắt anh liếc qua ngăn kéo dưới tủ quần áo, nơi cô cất đồ lót. Cô liền ngừng lại, trước giờ sao cô không nhận ra người đàn ông này lại nhỏ nhen như vậy nhỉ?

Hơn nữa, ai mà ngờ các cán bộ lớn tuổi lại chơi nhiều trò như thế? Nói là "giải mã bàn làm việc", cứ như là anh đã lén lút xem gì đó sau lưng cô vậy...

Lâm Kiều ném khăn vào chậu nước, nhắm mắt lại: "Ngủ đi, ngày mai em còn phải dậy sớm làm xà phòng lỏng."

Người đàn ông đứng yên một lát, dập thuốc và vào phòng tắm rửa mặt, không rõ có cảm thấy tiếc nuối hay không.

*****

Vì thứ sáu vừa rồi họ mới về nhà, nên mẹ chồng Từ Lệ không bắt hai vợ chồng trẻ phải vất vả thêm, cả ngày chủ nhật là thời gian tự do của Lâm Kiều.

Sáng thứ hai, cô mang số xà phòng lỏng người khác đặt đến trường, tổng cộng chỉ có hai cân, trong đó một cân là hai người góp tiền mua chung, rõ ràng họ vẫn chưa chắc chắn xà phòng này có tốt không.

Đó là điều không thể tránh khỏi. Bất cứ sản phẩm mới nào xuất hiện trên thị trường đều khiến người tiêu dùng dè dặt. Đó là lý do tại sao các nhà bán hàng thường không ngại lỗ, tung ra hàng mẫu và khuyến mãi mạnh, nhằm thu hút khách hàng tiềm năng, để có được khách hàng quen sau này.

Nhưng Lâm Kiều không định làm khuyến mãi, vì cô có ít nguyên liệu, và chưa có kế hoạch mở rộng. Ở trường, số giáo viên cũng chẳng đủ để cô làm lớn.

Không ngờ, buổi sáng chưa kết thúc, số người tìm đến đặt hàng bất ngờ tăng lên. Có vài người từng hỏi mà không mua tuần trước, giờ cũng đặt mua một cân.

Những người hỏi mà không mua thường là vì thấy giá không hợp lý, hoặc sản phẩm không cần thiết lắm. Đột nhiên họ thay đổi ý định, hẳn là có lý do nào đó.

Lâm Kiều hỏi thăm thì biết được rằng, ngày chủ nhật hôm qua có người đã dùng xà phòng lỏng của cô để gội đầu.

Phụ nữ tóc dài, dù dùng xà phòng nước hay xà phòng cục cũng mất khá nhiều thời gian, còn nước giặt thì hiệu quả không cao. Nhưng khi dùng xà phòng lỏng của Lâm Kiều, ít nhất có thể tiết kiệm được một phần ba thời gian, vì trong đó có dầu béo, gội xong cũng không bị khô như khi dùng nước giặt.

Một khi sản phẩm có đặc tính đặc biệt mà các loại khác không có, người mua tự nhiên sẽ nhiều lên. Trưa chưa tan học, Lâm Kiều đã nhận thêm đơn hàng bảy cân.

Xem ra hôm qua cô làm thêm một thùng xà phòng mới là quyết định đúng đắn. Xà phòng lỏng cần hai tuần để hoàn thành quá trình xà phòng hóa. Khi lô trước bán hết, lô mới này cũng vừa kịp sử dụng.

"Cô làm xà phòng này tốn đâu có bao nhiêu chi phí chứ gì?" Cô giáo từng kỳ kèo giá cả với cô lại xuất hiện: "Nghe nói các sản phẩm hóa chất đều lãi cao."

Người này là thầy Tất nói thế nào nhỉ, dù là đàn ông nhưng so với các bà các mẹ, về chuyện tọc mạch hay tám chuyện có khi nhiều phụ nữ còn thua xa ông ta, nên người ta hay gọi ông ta bằng biệt danh "Nương nương."

Có lần Lâm Kiều đi mua trái cây ở chợ, tình cờ gặp ông ta đang mặc cả, chỉ mua hai quả cà tím mà còn muốn người bán bỏ bớt mấy đồng lẻ và tặng kèm một quả dưa chuột. Chắc người bán hàng bị làm phiền quá nên không thèm để ý, ông ta kỳ kèo đủ kiểu nhưng cuối cùng chỉ xách cà tím về.  Edit: FB Frenalis

Với loại người này, không thể để họ nghĩ rằng có bất kỳ kẽ hở nào. Lâm Kiều thu dọn đồ đạc chuẩn bị đi: "Tôi đâu có biết, bạn tôi cũng chẳng thể nào nói điều này với tôi được."

Ý cô là: tôi giúp bạn tôi bán hàng, bạn tôi còn không nói gì, ông hỏi để làm gì?

Chủ nhiệm lớp 10/3 nghe thế không nhịn được mà bật cười.

Thầy Tất bị đáp trả, mặt mũi có chút không vui, định nói gì đó thì bên ngoài có người bước vào: "Cô giáo Lâm, học sinh lớp cô đang đánh nhau với người khác đấy."

Thời đại này, học sinh hay đánh nhau là nỗi đau đầu lớn của giáo viên.

Chỉ một chuyện nhỏ cũng có thể gọi anh em bạn bè đến đánh nhau vài ba ngày.

Tất cả cũng chỉ vì rảnh rỗi, bọn chúng chỉ mới mười mấy tuổi, sức lực tràn đầy nhưng lại chẳng chịu học hành, khi năng lượng không được tiêu hao đúng cách, dễ sinh ra nóng giận. Thời Lâm Kiều ở trước khi xuyên không, học sinh học hành điên cuồng, chỉ việc học thôi cũng đã mệt mỏi đến nỗi nghi ngờ cuộc sống của mình. Ai có thời gian để đánh nhau?

Lâm Kiều không còn thời gian quan tâm đến đối phương, liền để đồ xuống và bước ra ngoài. Quả nhiên hành lang đã loạn như nồi cám lợn. Giữa cửa trước của lớp 10/4 và cửa sau của lớp 10/5 là một đám đông vây quanh, thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng chửi mắng.

Lâm Kiều nhanh chóng tiến lại gần, quát lớn: "Dừng tay! Tất cả dừng lại cho cô!" Cô chen qua đám đông, ngay lập tức nhìn thấy Quân Tử đang đánh nhau với một nam sinh khác lớp.

Nghe thấy giọng của Lâm Kiều, Quân Tử có vẻ tỉnh táo hơn, nhưng đối phương lại tranh thủ cơ hội này để tung một cú đấm vào mặt cậu. Quân Tử vốn quen bị lữ trưởng Lương đánh đuổi, làm sao có thể chịu thua? Cậu liền túm lấy cổ áo đối phương rồi đập mạnh vào tường, vang lên một tiếng nổ lớn.

Thấy thế, Lâm Kiều biết rằng việc hô dừng tay cũng không ích gì, liền đảo mắt nhìn quanh đám đông: "Còn đứng đó làm gì, không kéo họ ra đi!"

Là giáo viên, Lâm Kiều có uy nghiêm nhất định. Thêm nữa, cô lại sở hữu nhan sắc sắc sảo và có chút vẻ hung hãn. Chỉ cần liếc mắt, lập tức có người xông vào can ngăn.

Hai người bị kéo ra, nhưng vẫn còn hậm hực nhìn nhau, rõ ràng là vẫn chưa hả giận. Lâm Kiều lập tức chỉ vào lớp trưởng lớp 10/4, "Chuyện gì xảy ra vậy?"

Thì ra, nam sinh lớp 10/5 sau khi tan học thể dục phát hiện chiếc đồng hồ điện tử mà cậu ta sợ hỏng nên để trong ngăn bàn đã biến mất. Cả lớp đều đã tìm nhưng không thấy, mà cậu ta lại ngồi ngay cạnh cửa sau, nên nghi ngờ học sinh lớp khác đã lấy. Tình cờ lúc tan học, cậu ta thấy Lý Tiểu Thu nhặt một chiếc đồng hồ rơi xuống đất, trông giống hệt chiếc cậu ta bị mất, lại có vẻ vội vàng giấu đi, nên cậu ta lập tức cho rằng cô bé đã trộm nó.

Còn về Quân Tử, cậu đến tìm Lý Tiểu Thu để trả lại vở ghi, đúng lúc chứng kiến cảnh nam sinh kia đến bắt trộm, thế là hai bên lời qua tiếng lại rồi lao vào đánh nhau.

Lúc này, Lâm Kiều mới nhận ra Lý Tiểu Thu cũng đứng bên cạnh, khuôn mặt đỏ bừng, đôi mắt cũng đỏ hoe. Thấy Lâm Kiều nhìn sang, cô bé vội lắc đầu: "Không phải, em không có!"

"Không có? Vậy chiếc đồng hồ này từ đâu ra?" Nam sinh lớp 10/5 vẫn giữ chặt chiếc đồng hồ trong tay, thậm chí còn nhổ nước bọt xuống đất, "Ai mà không biết mẹ cậu bỏ đi rồi, bố cậu chỉ có mỗi chút tiền lương kia thôi mà?"

Sau lần tình cờ bắt gặp Tề Hoài Văn và Lý Tiểu Thu có dấu hiệu hẹn hò, Lâm Kiều đã tìm hiểu qua về hoàn cảnh của nữ sinh này. Phải nói thật, cô bé và Tề Hoài Văn có nhiều điểm tương đồng, đều là con của giáo viên, không có mẹ, chỉ sống cùng bố. Chỉ khác là mẹ của Tề Hoài Văn đã qua đời, còn bố mẹ Lý Tiểu Thu thì ly hôn vào thời điểm xấu nhất, mẹ cô bé đã bỏ lại hai bố con để ra đi.

Mấy năm sau, tình hình của giáo viên vẫn khó khăn, lương lại thấp, bố của Lý Tiểu Thu không tái hôn, chuyện này dường như đã trở thành vết thương lòng.

Nam sinh kia ngay lập tức xỉa xói vào nỗi đau của cô bé. Ban đầu, mắt Lý Tiểu Thu chỉ hơi đỏ lên, nhưng hiện tại thì thật sự đã khóc.

Lâm Kiều thấy vậy, giọng liền lạnh đi vài phần, "Chúng tôi làm giáo viên, lương không cao, nhưng dạy học và giáo dục con người, tiền này kiếm không hề nhục nhã."

Nam sinh kia lúc này mới nhớ đến sự hiện diện của Lâm Kiều, sắc mặt liền thay đổi.

"Hơn nữa, công an điều tra còn cần bằng chứng, em cứ khẳng định như vậy chẳng phải là quá vội vàng sao?"

Đúng lúc đó, chủ nhiệm lớp 10/5 - Tất Nương Nương cũng đã đến, nghe thấy vậy liền thêm vào, "Chưa điều tra rõ ràng, mọi người đừng quá kích động." Ông ta không hề lập tức đứng về phía học sinh của mình để chất vấn Lý Tiểu Thu, điều này khiến Lâm Kiều có chút thay đổi quan điểm về ông ta.

Cô liền quay sang lớp trưởng lớp 10/4: "Em dẫn các bạn về lớp tự học đi, hôm nay tan học muộn một chút."

Tất Nương Nương cũng nhanh chóng sắp xếp cho học sinh của mình trở về, định đưa những người có liên quan về văn phòng để thẩm vấn kỹ hơn, nhưng lúc này lại thấy Tề Hoài Văn vẫn đứng nguyên không nhúc nhích.

Cậu bình tĩnh nhìn Lâm Kiều, "Em có thể làm chứng chiếc đồng hồ này là của Lý Tiểu Thu. Tuần trước thứ bảy em đã thấy cậu ấy đeo rồi."

Vừa nghe đến "thứ bảy tuần trước," Lâm Kiều liền nhớ ngay đến lần cô bắt gặp hai người đứng nói chuyện bên bờ tường. Nhưng có đeo đồng hồ hay không thì cô không rõ, vì khi đó tay của Lý Tiểu Thu đút trong túi áo.

Nam sinh lớp năm lại không tin, "Cậu nói có thì có à? Cậu cùng lớp với cậu ấy, đương nhiên là bênh vực rồi." Cậu ta liền quay sang hỏi Lý Tiểu Thu: "Vậy cậu nói xem chiếc đồng hồ này từ đâu mà ra? Một chiếc đồng hồ điện tử giá hơn trăm tệ, bố cậu mua cho cậu à, hay cậu biến ra nó?"

Đến lúc này, Tất Nương Nương cũng có chút phân vân, ông ta hỏi Lý Tiểu Thu: "Chiếc đồng hồ này bố em mua cho em phải không?"

Lý Tiểu Thu vừa định trả lời, thì một cái tát vang dội giáng xuống mặt cô bé.

Trên khuôn mặt đẫm nước mắt của cô bé lập tức hằn rõ năm ngón tay. Người đến còn định đánh thêm, nhưng Lâm Kiều đã nhanh chóng bước tới che chở, "Có gì thì nói, sao lại đánh cô bé?"

Hôm trước khi Tề Hoài Văn bị bắt quả tang chép sách trong giờ học, hiệu phó Tề tức giận đến mấy cũng không đánh con trước mặt mọi người, vậy mà bố của Lý Tiểu Thu lại chẳng hỏi rõ nguyên do đã động tay đánh con gái. Bị Lâm Kiều cản lại, ông ta vẫn chỉ thẳng vào cô bé phía sau Lâm Kiều, "Tôi đánh nó thì sao? Tôi đánh đứa con gái không biết xấu hổ này đấy!"

Người đàn ông trung niên vẫn chưa nguôi giận, mắt ông ta như muốn bật ra khỏi hốc, "Tao thiếu ăn thiếu mặc gì cho mày chưa? Vậy mà mày dám đi trộm đồ của người ta? Nếu biết mày là thứ này, hồi đó tao đã chẳng giữ mày lại, cho mày đi theo mẹ mày cho rồi, đỡ phải đến trường làm mất mặt tao!"

Nhìn phản ứng này, rõ ràng chiếc đồng hồ không phải là do ông ta mua.

Điều này khiến Tất Nương Nương trở nên khó xử. Nếu không yêu cầu xử lý nghiêm, thì đồng hồ là của học sinh lớp ông ta bị mất. Nhưng nếu yêu cầu xử lý nghiêm, thì người trộm lại là con gái của thầy Lý.

Lâm Kiều cũng nhíu mày, định hỏi thêm tình hình, thì cô bé phía sau bất chợt nức nở: "Đồng hồ là của mẹ mua cho con."

Cô bé cúi đầu, khi nói những lời này cũng không dám nhìn thẳng vào bố mình. Rõ ràng thầy Lý không tin, "Mẹ mày? Bà ta còn nhớ có đứa con gái là mày à??"

Câu hỏi này khiến Lý Tiểu Thu im bặt.

Hai bố con này thật là, một người thì nóng tính không chịu nghe người khác giải thích, còn một người thì cứ bị quát là im re, không cách nào giao tiếp được. Lâm Kiều cũng cảm thấy nhức đầu, dịu giọng hỏi cô bé, "Em có thể liên lạc với mẹ để bà ấy tới giúp em làm chứng không?"

Hiện tại đây là cách tốt nhất, vì thời buổi này chưa có camera giám sát, chỉ cần điều tra một chút là có thể biết rõ chiếc đồng hồ đi đâu.

Lý Tiểu Thu rõ ràng ngập ngừng, rồi rụt rè lắc đầu, "Sau khi mẹ gặp em xong đã đi rồi, em... em cũng không biết giờ mẹ ở đâu nữa..."

"Vậy mà mày còn bảo không nói dối!" Thầy Lý nổi giận, muốn phớt lờ Lâm Kiều, tiếp tục đánh đứa nhỏ.

Lâm Kiều một lần nữa ngăn lại: "Vẫn nên tìm kỹ lại một lần nữa, có khi đồng hồ bị rơi đâu đó mà chúng ta chưa thấy. Còn về phía mẹ của Lý Tiểu Thu, có thể thử liên lạc, biết đâu tìm được bà ấy. Nếu có khả năng này thì đừng vội kết luận, kẻo lại oan uổng đứa trẻ."

Bị ngăn cản liên tiếp, thầy Lý nổi cáu: "Cô lo được thì cô lo đi!" Nói xong, ông ta quay lưng rời đi, bỏ mặc mọi người.

Thấy Lâm Kiều kiên quyết, thầy Tất cũng không còn cách nào khác: "Tôi sẽ đưa học sinh đi tìm lại, lật tung cả bàn và thùng rác lên cũng được."

Nam sinh kia rõ ràng vẫn không phục, khi đi theo thầy về lớp còn cố ý lườm Lý Tiểu Thu một cái thật sắc.

Lý Tiểu Thu cắn chặt môi nhưng không né tránh, còn nhìn Lâm Kiều đầy cảm kích. Bỏ qua ánh mắt đầy thù hận của người kia, cô bé cũng đi theo lớp 10/5 đi tìm.

Việc tìm kiếm kéo dài đến tận giữa trưa.

Mùa hè mặc quần áo mỏng, trên người không giấu được cái đồng hồ điện tử lớn như thế. Sau khi hỏi hết học sinh hai lớp, tất cả đều về nhà ăn trưa. Thầy Tất tìm thêm một lúc nữa nhưng vẫn không thấy, đành phải rời đi: "Cô nên giải quyết việc này sớm đi, thằng bé Phùng Tân tính khí bướng bỉnh, không chừng lại báo công an."

Câu nói này làm sắc mặt Lý Tiểu Thu tái mét, cô bé lí nhí: "Xin lỗi cô Lâm, đã làm phiền cô quá."

"Bây giờ không phải lúc để nói xin lỗi." Trong khi tình hình càng căng thẳng, Lâm Kiều lại tỏ ra càng bình tĩnh, cô hỏi: "Về phía mẹ của em, em thật sự không thể liên lạc được à?"

Lý Tiểu Thu suy nghĩ một lát, rồi đáp: "Em còn nhớ nhà bà ngoại em ở đâu, nhưng họ có biết mẹ em ở đâu không, em cũng không chắc." Nói xong, cô bé cúi đầu, giọng trở nên chua chát: "Em nghe nói mẹ lại lấy chồng lần nữa, nhưng cuộc sống cũng không tốt đẹp gì. Năm nay bà ấy đi theo người ta làm ăn xa rồi."

"Vậy em cho cô địa chỉ nhà bà ngoại đi, cô sẽ gửi điện báo thử xem."

Lâm Kiều vừa định quay về văn phòng lấy bút, vừa ngẩng lên đã thấy một bóng dáng quen thuộc đứng không xa.

Cô theo bản năng nhìn đồng hồ: "Sao anh lại đến đây?"

Trời mùa hè nóng bức, nhưng Quý Đạc vẫn mặc sơ mi cài khuy áo gọn gàng, như thể chỉ cần cởi một cúc thôi cũng sẽ làm mất đi sự nghiêm túc. Anh giơ giơ hộp cơm trong tay: "Em chưa ăn trưa."

"Em bận quá nên quên mất."

Đúng là không có điện thoại bất tiện, nếu có thì chỉ cần gọi một cuộc là xong, đâu cần anh phải đến tận trường tìm cô?

Lâm Kiều vội vàng nhận lấy hộp cơm, rồi nhìn qua Lý Tiểu Thu đang đứng bên cạnh, cả người đầy lúng túng: "Đã muộn thế này rồi, em cũng ăn cùng đi."

Lý Tiểu Thu ngạc nhiên, rồi vội vàng lắc đầu: "Em, em không cần đâu..."

"Cùng ăn đi, ở văn phòng cô còn ít bánh quy, chắc đủ cho cả ba." Lâm Kiều không cho cô bé cơ hội từ chối, bước nhanh về phía văn phòng, vừa đi vừa quay sang hỏi Quý Đạc: "Anh ăn rồi chứ?"

"Ăn rồi." Đây là lần đầu tiên Quý Đạc vào văn phòng của Lâm Kiều, vừa nhìn một cái là anh nhận ra ngay bàn làm việc của cô.

Bàn của cô không quá gọn gàng, nhưng khi rảnh rỗi hay muốn thư giãn, cô thường gấp giấy thành các hình như hoa huệ, hoa hồng... Chiếc lọ đựng bút trên bàn cũng được cô trang trí bằng hoa giấy. Rõ ràng là bàn của cô.

Quả nhiên, Lâm Kiều kéo ghế ngồi vào bàn làm việc của mình, rồi hỏi: "Anh sẽ về ngay hay ngồi đợi một lát?"

Quý Đạc đi thẳng đến bên cửa sổ, đứng im lặng nhìn ra bên ngoài: "Em cứ ăn đi, lát nữa anh sẽ lấy hộp cơm về."

Lâm Kiều nghĩ, nếu giờ anh về thì cũng phải ngồi nhà đợi, vì Tiểu Phương sẽ đón anh đúng giờ ở cổng trường, nên cô cũng không nói gì thêm. Cô mở hộp cơm ra đặt lên bàn.

Lý Tiểu Thu lần đầu tiên ngồi ăn chung với giáo viên của mình, nên ăn rất lặng lẽ. Nhưng khi cô bé ăn được một lúc, đột nhiên một giọt nước mắt rơi xuống tay.

Cô bé vội vàng quay đầu tránh đi, nhưng lại thấy một chiếc khăn tay kẻ ô xanh nhạt chìa ra trước mặt.

Lâm Kiều không nói gì, không hỏi cũng không an ủi, chỉ lặng lẽ để cô bé tự giải tỏa cảm xúc.

Lý Tiểu Thu cầm lấy khăn lau nước mắt, ngập ngừng nói: "Cô ơi, em không cố ý khóc đâu, em chỉ... chỉ muốn cảm ơn cô." Những đứa trẻ sống nội tâm thường không giỏi biểu đạt cảm xúc, cô bé bắt đầu nói năng lộn xộn: "Cô đối xử với em rất tốt, cô tin tưởng em, còn... còn giống như mẹ em vậy."

Cô chỉ lớn hơn học sinh mình hai tuổi, sao lại có thể làm mẹ của một đứa con lớn như thế...

Lâm Kiều ngẩn ra, rồi chợt nhận ra người đàn ông đứng bên cửa sổ đã quay đầu, liếc nhìn cô một cái.

Lý Tiểu Thu rõ ràng không để ý, cô bé vẫn tiếp tục lẩm bẩm: "Thật ra hồi bé mẹ em đối xử với em rất tốt, bà ấy nấu đồ ăn ngon cho em, còn hát ru em ngủ nữa. Nhưng bà ấy cũng không còn cách nào khác, bà nội em cứ trách bà ấy không sinh được con trai, còn bố em thì khi đó gặp khó khăn, tính khí lại tệ..."

Khi đang nói đến đó, cô bé bỗng dừng lại, "Tất nhiên, bố em cũng không phải là người xấu, ông ấy cũng không dễ dàng gì. Bên ngoài ông ấy còn phải chịu nhiều áp lực, bao năm nay đã rất vất vả rồi."

Bố mẹ không phải là người xấu, họ đều có lý do riêng. Vậy còn cô bé thì sao?

Nguyên nhân ly hôn của các cặp vợ chồng rất nhiều. Ngoài những trường hợp ngoại tình hay bạo lực gia đình rõ ràng là có lỗi, còn lại nhiều khi cũng khó mà nói rõ ai đúng ai sai. Thường thì mỗi người đều có lý của mình, ai cũng cảm thấy mình bị đối phương làm tổn thương, ai cũng cho rằng mình oan ức.

Bất cứ ai cảm thấy oan ức cũng khó mà không chia sẻ nỗi niềm đó với con cái, hy vọng con sẽ đứng về phía mình.

Lý Tiểu Thu đã tìm lý do cho tất cả mọi người, vì vậy những oan ức còn lại chỉ có thể do cô bé tự gánh chịu. Không trách gì mà cô bé lại yên lặng, trầm lắng như vậy.

"Đàn ông gặp khó khăn thì về nhà phát cáu à?" Giữa không gian tĩnh lặng, giọng nói trầm thấp của Quý Đạc bất ngờ vang lên.

Anh không lên tiếng thì Lâm Kiều cũng quên mất là anh vẫn còn ở đó. Cô ngay lập tức ngẩng lên, lườm anh một cái, ý bảo đừng làm tổn thương đứa trẻ.

So với Lý Tiểu Thu - người chỉ đấu tranh nội tâm với chính mình, cái nhìn của Lâm Kiều đầy mạnh mẽ và sống động, trong mắt Quý Đạc, điều đó trông dễ chịu hơn nhiều. Anh giả vờ như không để ý đến, "Dù thế nào cũng nên đưa con đi chứ." Ít nhất nếu là Lâm Kiều, cô chắc chắn sẽ không để mình và con rơi vào tình cảnh như thế này.

Hai lần liên tiếp chạm đúng nỗi đau, Lâm Kiều không dám để anh tiếp tục ở lại văn phòng, liền kéo anh đứng dậy đẩy ra ngoài, "Anh về trước đi."

Bàn tay nhỏ mềm mại chạm vào lưng anh, Quý Đạc khẽ nhíu mày nhưng không né tránh, thuận theo lực đẩy của cô mà ra ngoài.

Vừa ra đến hành lang, cửa đóng lại, Lâm Kiều bất ngờ hạ giọng, "Chiếc đồng hồ như thế này trên thị trường chắc không nhiều đâu, đúng không?"

Lời tác giả:

Nói về cái đồng hồ điện tử này, ngày xưa giá chênh lệch cũng khá lớn, bên Hồng Kông chỉ vài đồng một cái, mang vào nội địa có thể bán hơn trăm đồng. Có một người đứng đầu nơi đó đã phát tài nhờ bán những cái này.

Còn về dây chuyền sản xuất đã đề cập trong chương trước, có bạn nói vài triệu là quá phóng đại, thì tôi sẽ nói một câu chuyện có thật còn phóng đại hơn.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, có một làng vì có mỏ đá nên khá giàu, vào dịp Tết đã mua một chiếc tivi để cả làng cùng xem. Chiếc tivi 24 inch màu, giá là một vạn.

Thời đó, đúng là lương của chúng ta chỉ vài chục đồng, nhưng ngay cả việc đủ ăn còn khó khăn, sức mua bên ngoài cũng không mạnh, vì đây chủ yếu là một nước nông nghiệp. Trong phần bình luận có bạn biết rằng, vào những năm 80, trong nước đã nhập về vài dây chuyền sản xuất tủ lạnh, cũng cần tới vài triệu.

Còn về việc ngân hàng lấy đâu ra nhiều tiền để cho vay, tiền của họ cũng không phải là tiền chúng ta gửi, mà là in ra...