[Thập Niên 70] Tiểu Thợ May Xinh Đẹp

Chương 26




Cô nhìn ông thợ may nháy mắt mấy cái, ánh mắt bất giác trợn to: "Thầy nói gì vậy?”

Ông thợ may ra vẻ không kiên nhẫn, tức giận nói: "Không muốn thì về đi!”

Nguyễn Khê chưa bao giờ so đo với tính cách xấu của ông ấy, vội vàng cười rộ lên nói: "Muốn muốn, đương nhiên là muốn rồi.”

Ở lại ăn cơm, cô không chỉ tiết kiệm được lương thực cho gia đình, mà còn có thể ăn được vài thứ tốt, sao lại không muốn cơ chứ? Cuộc sống của ông thợ may trôi qua thoải mái đến mức nào, cô cực kì hiểu rõ.

Đương nhiên, ông thợ may có thể sống thoải mái như vậy, ngoài nguyên nhân do ông ấy là thợ may duy nhất ở núi Phượng Minh này, còn có một nguyên nhân quan trọng khác là nhà ông ấy chỉ có một mình ông ấy nên không cần phải nuôi gia đình.

Trong nhà ít người, ăn không hết được bao nhiêu, cuộc sống cũng thoải mái hơn người khác không ít.

Nguyễn Khê cũng biết, ông thợ may để cô ở lại ăn cơm, đương nhiên không thể tự mình bắc nồi nấu cơm cho cô ăn được, có lẽ ông ấy muốn cô ở lại nấu cơm. Ông ấy được thoải mái, mà cô có thể ăn được một bữa cơm, không ai cảm thấy thiệt thòi hết.

Vì thế Nguyễn Khê không đeo cặp sách màu vàng nữa mà xoay người vào bếp vo gạo.

Cho dù không có trí nhớ của nguyên thân, nhưng việc nấu cơm cũng không làm khó được Nguyễn Khê. Bình thường ngoại trừ công việc, cô rất thích tự mình suy nghĩ món ăn. Nấu ăn được xem là một sở thích của cô, thậm chí cô còn nghiên cứu đủ loại từ điển món ăn.

Có kinh nghiệm sống của nguyên thân mười mấy năm, cộng với vài lần cô tự làm trước đó, Nguyễn Khê coi như là biết cách sử dụng bếp củi. Cô vo gạo xong bèn đốt lửa nấu cơm, Đại Mễ sượt qua khung cửa tiến vào, đi đến bên cạnh cô.

Nguyễn Khê vừa chơi mèo vừa nấu cơm.

Cuối cùng cơm cũng cạn nước, cô đứng dậy ra vườn hái rau.

Hái được bốn trái ớt xanh, một quả mướp, còn thuận tay hái thêm hai cây hành lá.

Quay lại phòng bếp, cô rửa và thái rau, bỏ cuống ớt xanh, gọt vỏ mướp, thái hành lá thành từng miếng nhỏ, lại đập vài tép tỏi rồi băm nhỏ, sau đó dùng nguyên liệu để pha nước sốt, còn cho thêm hai quả trứng gà vào bát.

Tuy sắc mặt của lão thợ may khó chịu quanh năm, nói chuyện vừa thô lỗ vừa chướng tai, không bao giờ chung sống hòa bình được với người khác, nhưng cũng không phải hoàn toàn không hiểu lý lẽ. Trong lúc Nguyễn Khê chuẩn bị đồ ăn, ông ấy đi vào bếp nhóm lửa.

Nguyễn Khê duỗi đầu nhìn ông ấy, nhếch miệng cười một cái nhưng không nói gì.

Cô sợ nói ra ông ấy sẽ không nhịn được mà ném gậy nhóm lửa xuống tại chỗ, không nhóm lửa cho cô nữa.

Đương nhiên tự cô cũng có thể vừa đốt lửa vừa xào rau, nhưng có hơi phiền phức, có người giúp đỡ là tốt nhất.

Chảo sắt nóng, Nguyễn Khê bỏ ớt xanh vào chảo, xào đến khi lớp vỏ bên ngoài của ớt xanh nhăn lại thì cho thêm một ít dầu vào chảo. Sau khi lớp vỏ ớt xanh nhăn hơn, cô lại thêm tỏi vào để xào thơm hơn, sau đó đổ nước sốt pha sẵn vào, thu được nước trong chảo.

Bởi vì không có máy hút khói, mùi thức ăn bay khắp phòng khiến ông thợ may phải nuốt nước miếng.

Nguyễn Khê làm món ớt xanh da hổ xong, lại xào mướp với trứng.

Bản thân cô ngửi thấy mùi cũng có hơi thèm ăn, dù sao sau khi xuyên qua, cô chưa từng ăn được một miếng thức ăn nóng nào. Bây giờ có hai món ăn thơm ngon ở trước mặt, nước miếng không ngừng tiết ra, cô cảm giác mình có thể ăn được hai bát cơm lớn.

Đương nhiên, cũng không có nhiều cơm như vậy cho cô ăn.

Đặt hai món ăn nóng lên bàn, Nguyễn Khê xới cơm, lấy đũa rồi cùng ông thợ may ngồi xuống bàn. Sau khi ông thợ may nếm thử một miếng trứng xào mướp, cô nhìn ông thợ may hỏi: "Thầy, thế nào ạ?"

Ông thợ may nuốt miếng mướp xào trứng, vẫn nói câu kia: "Cũng không tệ lắm.”

Thật ra ánh mắt và biểu cảm nhỏ của ông ấy đã bán đứng ông ấy từ lâu rồi.