Thanh Vân Đài

Chương 37




Hà Hồng Vân lĩnh mệnh, việc đầu tiên làm là điều tra các hộ buôn thuốc.

“Không phải lúc nãy nói, quan phủ Ninh Châu không chờ kịp nên đã thu mua Dạ Giao Đằng với giá cao à?”

Ninh Châu nằm kế kinh thành, vì vậy quá nửa số thuốc mà Ninh châu mua được là đến từ các châu phủ lân cận, Hà Hồng Vân điều tra từ hiệu thuốc, một phát nhổ sạch gốc rễ, phát hiện nguồn hàng của các tiểu thương rao bán Dạ Giao Đằng đến từ một hiệu thuốc lớn ở kinh thành.

Chủ hiệu thuốc ấy họ Lâm, tên là Lâm Khấu Xuân, tại sao ở thị trường kinh thành rất khó mua được Dạ Giao Đằng? Ví cớ gì chỉ một đêm mà giá Dạ Giao Đằng đã tăng vọt? Là do ông ta ngừng cung cấp nguồn hàng.

Từ lâu ông ta đã nhận được tin ôn dịch Ninh Châu, lập tức tích trữ thuốc, định bán ra với giá cao hòng kiếm lời.

Hà Hồng Vân tức tốc bẩm tấu chuyện này lên triều.

Theo luật pháp Đại Chu, mọi thương gia không được phép tăng giá trong chiến tranh, dịch bệnh, đói kém, lũ lụt, vân vân, trục lợi khi đất nước lâm nguy. Lâm Khấu Xuân làm như thế, rõ mười mươi đã vi phạm luật pháp. Còn ở Ninh Châu, vì chậm trễ nguồn thuốc nên ôn dịch đã bùng phát lớn, các trấn huyện lân cận đã có người nhiễm, thậm chí là tử vong.

Chiêu Hóa đế nổi giận, hạ lệnh tróc nã Lâm Khấu Xuân. Có lẽ Lâm Khấu Xuân biết mình khó thoát tội chết, ngay trong đêm ấy đã đốt nhà kho tự thiêu.

“Mà nhà kho đó lại là nơi Lâm Khấu Xuân trữ Dạ Giao Đằng. Ông ta phóng hỏa đốt nhà, tự thiêu đã đành, nhưng nếu đốt sạch Dạ Giao Đằng thì mới đáng sợ.”

“May thay Hà Hồng Vân vẫn luôn phái người theo dõi ông ta, lửa vừa cháy, Hà Hồng Vân lập tức chạy tới, dẫn người xông vào trong lửa, không những lấy được Dạ Giao Đằng mà còn đích thân chở thuốc đến Ninh Châu, cùng quan phủ Ninh Châu dập dịch.”

“Lại về sau, triều đình tìm được hai cuốn sổ trong trạch viện của Lâm Khấu Xuân, số lượng thu mua Dạ Giao Đằng ghi trong đó cũng khớp với những gì Hà Hồng Vân điều tra. Trước khi Ninh Châu có ôn dịch, tổng cộng có năm hộ buôn thuốc đã bán Dạ Giao Đằng cho lâm Khấu Xuân, trong năm hộ này, trừ một hộ đã tự sát vì sợ thì bốn hộ còn lại đều ra tự thú. Dịch bệnh ở Ninh Châu vốn không nặng, nhưng do thiếu Dạ Giao Đằng mà có không ít người chết, bên dưới kêu than trách móc, để trấn an bách tính Ninh Châu, triều đình đã cách chức vị lang quan ở bộ Hộ.”

“Còn Hà Hồng Vân, nhờ lập được công mà một bước lên mây, chưa tới nửa năm đã được điều sang bộ Công, trở thành Lang trung Thủy Bộ ti ở bộ Công.”

Đức Vinh nói: “Thiếu phu nhân nghe tới đây, có phải cảm thấy bản án này rất kín kẽ không?”

Thanh Duy không đáp.

Ban đầu nàng cảm thấy chuyện Lâm Khấu Xuân trữ thuốc trước triều đình là vô lý. Nhưng ngẫm lại, Lâm Khấu Xuân là ông chủ của một hiệu thuốc lớn, ắt hẳn có nguồn tin. Mà ôn dịch thì luôn được dân gian rủ tai đồn thổi trước, quan phủ làm việc lại nghiêm túc, muốn báo cáo lên triều cũng phải đợi xác định rõ ràng.

Đức Vinh nói: “Không những thiếu phu nhân cảm thấy bản án quá kín kẽ, mà khi khép án, triều đình chúc mừng Hà Hồng Vân thăng quan xong thì không còn ai nhớ tới chuyện này nữa.”

Đó là vào năm nào? Là năm thứ mười hai khi Chiêu Hóa đế còn tại vị.

Sự kiện trọng đại nhất trong triều là khởi công Tiển Khâm đài, mọi ánh mắt trong ngoài cung đều đổ dồn vào Lăng Xuyên, ngoại trừ vụ án lưu đày năm ngoái được Hàn Lâm viện nhắc lại, xối ít nước, thì những bản án khác, dù là dàn xếp hay đệ đơn, cũng không khác gì ném đá xuống biển, không một ai nhắc tới.

Cho tới hơn một năm về sau.

“Sau một năm mới có người viết thư lên triều.”

“Thư gì?” Thanh Duy hỏi.

“Một bức thư cầu cứu.” Đức Vinh nói, “Trong thư viết, Lâm Khấu Xuân đã chết chỉ là kẻ thế tội. Kẻ thực sự ra lệnh thu mua Dạ Giao Đằng, nâng giá khống chính là Hà Hồng Vân. Chính Hà Hồng Vân biết tin về ôn dịch trước, sai Lâm Khấu Xuân ra mặt lo liệu chuyện này giúp mình. Về sau hắn chủ động xin đi điều tra là do thấy sự việc đã gần bại lộ, nên mới chơi trò ném đá giấu tay.”

“Còn có một điểm rất quan trọng,” Đức Vinh dừng lại, đoạn nói tiếp, “Bức thư tố giác Hà Hồng Vân ấy… được gửi cho Tiểu Chiêu vương.”

Thanh Duy ngạc nhiên: “Tiểu Chiêu vương?”

Đức Vinh gật đầu: “Nhưng lúc ấy Tiểu Chiêu vương không nhận được bức thư này.”

Khi đó là mùa đông năm Chiêu Hóa thứ mười ba.

Mồng chín tháng Bảy năm Chiêu Hóa thứ mười ba, Tiển Khâm đài sập, triều cục tức khắc rối ren. Chiêu Hóa đế vốn đã không khỏe, sau khi hay tin, trong lòng quặn thắt, đêm miên man khó ngủ. Ba hôm sau, ngài ngự giá đến núi Bách Dương, nhìn thảm cảnh địa ngục hoang tàn trước mắt, bệnh tình càng thêm nặng.

“Tiên đế là vị quân vương anh minh, ngài biết một khi mình đổ bệnh, hoàng quyền thay đổi tất sẽ gây ra sóng gió, cho nên đã âm thầm bố trí thêm người ở cách dịch trạm tại kinh thành, miễn là ngôn lộ* không gián đoạn, thì ngài ấy vẫn sẽ chấp chính một cách rõ ràng.”

(*Ngôn lộ: là con đường để bách tính dân lành kiến nghị hoặc phê bình lên triều đình.)

“May nhờ tiên đế sáng suốt nên phong thư gửi Tiểu Chiêu vương mới không bị kẻ xấu cướp đoạt, được yên ổn đưa vào cung.”

Ngặt một nỗi, lúc ấy Tiểu Chiêu vương đã bị thương nặng, không thể đọc được thư. Sau khi trưởng công chúa xem qua bức thư, bà mới đưa tới trước giường bệnh của tiên đế.

Có vài chuyện Đức Vinh không kể, dẫu kể ra cũng vô dụng.

Án ôn dịch trái ngược hẳn với Tiển Khâm đài, ai mà đoán được giữa chúng lại có liên quan?

Nhưng đọc thư xong, tiên đế đã tường tận rõ ràng.

Lúc bấy giờ là nửa năm sau khi Tiển Khâm đài sập, tiên đế bệnh nặng, lay lắt như ngọn nến trước gió.

Quân vương thập tử nhất sinh, trữ quân còn trẻ lực yếu, dưới thâm cung luôn chôn giấu quyền thế ngút ngàn, chực chờ gió lớn thổi, sóng cả dâng, tất sẽ ào ào thôn tính tất thảy.

Phe phái trong triều đấu đá liên tục, nhất là những tướng quân tay nắm trọng binh đã chia bè kết phái, tiên đế e sợ bọn họ sẽ nâng tiểu hoàng tử đang nằm trong tã lên ngôi, lợi dụng thiên tử để sai khiến chư hầu, cho nên, dù biết rõ Hà gia bỉ ổi xấu xa, nhưng ngài vẫn tấn thăng Hà phi lên phân vị Quý phi, viết vào ngọc điệp là sinh mẫu của Gia Ninh đế, còn đích thân hạ lệnh Gia Ninh đế cưới con gái Chương thị làm vợ, hy vọng tập hợp nhân lực hai phe Chương Hà, dằn lại triều cục đang rung chuyển.

Trước khi lâm chung, Chiêu Hóa đế gọi Gia Ninh đế tới trước giường, nắm tay chàng nói:

“Sơ nhi, để lại một mớ bòng bong như thế cho con, là một người cha, trẫm rất có lỗi với con.”

Lúc ấy Gia Ninh đế chỉ mới mười bảy tuổi, chàng khuỵu gối trước long sàng, nước mắt giàn giụa: “Phụ hoàng là người cha tốt nhất trên đời, cũng là hoàng đế tốt nhất đời này, nhi thần không thể phân ưu vì phụ hoàng, nhi thần vô năng.”

Chiêu Hóa đế nhìn chàng, chậm rãi mỉm cười: “Tuy là hoàng đế, nhưng vai con quá yếu, các hạ thần giúp đỡ con lại có tâm tư riêng, dù con có làm chủ giang sơn, thì thực chất cũng như ngồi ở lâu đài trên không, sau này phụ hoàng đi rồi, con nhớ phải biết giấu tài giấu nghề.”

Ông run run lấy ra hai bức thư dưới gối, trao nó cho Gia Ninh đế: “Hai bức thứ này, có một bức là người ngoài gửi cho Thanh Chấp, trong đó liệt kê tội trạng của Hà gia. Con xem xong hãy cất cho kỹ, thời cơ chưa chín muồi thì không được lấy ra.”

Gia Ninh đế cất bức thư: “Nhi thần xin ghi nhớ.”

“Nếu thời cơ đến…” Chiêu Hóa đế nhìn người con trai ông hết mực yêu thương, “Thì con phải nắm thật chặt. Con là thái tử trẫm gửi gắm nhiều kỳ vọng nhất, dầu hai vai có yếu tới đâu… cũng phải rèn sức gánh vác non sông này. Con phải biết phán đoán, kiên quyết, anh minh nhân đức, không được chùn chân sợ hãi, tới lúc ấy, hãy để Thanh Chấp hỗ trợ con.”

“Trẫm hy vọng con… và cả Thanh Chấp… sẽ có một ngày… để chân tướng bị chôn vùi được hé lộ…”

Đế vương của một triều đại đã băng hà, quân vương trẻ tuổi kế ngôi, bước lên bệ đài.

Nhưng khi chàng ngồi trên long ỷ trên cao, phía dưới trống rỗng như cõi hoang, chẳng có lấy một người đáng tin.

Nhưng chàng chưa vội, vẫn luôn ghi nhớ lời của Chiêu Hóa đế trước lúc lâm chung, chàng như một con thú ngủ đông, chịu đựng qua những ngày dài trong chốn thâm cung, mãi tới năm Gia Ninh thứ ba, Thượng thư Chương Hạc Thư dâng tấu đề nghị trùng kiến Tiển Khâm đài, vị quân vương trẻ tuổi lập tức nắm lấy thời cơ, hạ chỉ phục dụng Huyền Ưng ti.

Vào một đêm khuya của ba tháng sau, khi các đại quan trong triều đang sứt đầu mẻ trán vì một vụ án cướp ngục, thì Gia Ninh đế bỗng cho triệu công tử Giang gia vào cung, giao phong thư khẩn được tiên đế cất giữ cho Tiểu Chiêu vương bên dưới lớp mặt nạ.

***

Thanh Duy hỏi: “Nếu bức thư ấy đã tố giác vụ án ôn dịch ở Ninh Châu, vậy tại sao lại gửi cho Tiểu Chiêu vương? Lúc xảy ra ôn dịch, chẳng phải Tiểu Chiêu vương đang xây dựng Tiển Khâm đài à?”

“Thiếu phu nhân nói chí phải.” Đức Vinh tiếp lời, “Đúng lý ra người viết thư sẽ bị Hà Hồng Vân truy sát, đi đánh trống Đồng Văn vẫn tốt hơn là viết thư gửi Tiểu Chiêu vương. Nhưng trong thư có hai manh mối rất quan trọng mà triều đình không điều tra, hay nói cho đúng, là điều tra không được.”

“Dạ Giao Đằng đỏ rất quý, thiếu phu có biết, muốn mua hết tất cả Dạ Giao Đằng có trên thị trường lúc ấy thì cần bao nhiêu bạc không?”

“Bao nhiêu?”

“Năm trăm nghìn lượng.” Đức Vinh nói, “Tuy Lâm Khấu Xuân kinh doanh lớn, song bảo chi ngay năm trăm nghìn lượng thì cũng không dễ.”

Thanh Duy nói: “Về sau không điều tra được khoản tiền này à?”

“Có điều tra rồi, nhưng thiếu phu nhân chớ quên, số tiền này là do Hà Hồng Vân điều tra, ngay cả sổ sách cũng do Hà Hồng Vân dâng nộp.” Đức Vinh nói, “Điểm thứ hai, cũng là điểm quan trọng nhất, người viết thư nói, lúc ấy Lâm Khấu Xuân không có nhiều tiền đến vậy, mà Hà Hồng Vân cũng không có, sở dĩ hắn ta xoay sở được năm trăm nghìn lượng trong thời gian ngắn, là vì không lâu trước đó hắn vừa nhận được một xe ngựa được tiêu cục chở đến từ Lăng Xuyên, trong hòm đựng đầy vàng bạc, vừa tròn năm trăm nghìn lượng.”

Từ Lăng Xuyên… Mà Tiển Khâm đài, được dựng ở Lăng Xuyên.

“Chắc hẳn nói đến đây thì thiếu phu nhân cũng đã đoán ra, rốt cuộc ai là người viết thư cho Tiểu Chiêu vương đúng không?”

Thanh Duy nói: “Phù Hạ à?”

“Đúng thế, chính là Phù Hạ cô nương.” Đức Vinh nói, “Phù Hạ là hoa khôi ở Chúc Ninh trang năm năm trước, còn Lâm Khấu Xuân lại là khách quen của Chúc Ninh trang khi ấy. Phù Hạ nói, lúc bệnh dịch vừa bùng phát, chính nàng ta đã giới thiệu Hà Hồng Vân với Lâm Khấu Xuân, nên mới thúc đẩy giao dịch Dạ Giao Đằng. Về sau Lâm Khấu Xuân chết, đến tám phần là bị Hà Hồng Vân diệt khẩu, còn năm hộ buôn bán Dạ Giao Đằng cho Lâm Khấu Xuân, có một hộ sợ tội đã tự sát, thực ra cũng bị Hà Hồng Vân giết.”

“Hiệu thuốc của hộ đó nằm gần Đông Lai Thuận, nói tới đây chắc hẳn thiếu phu nhân đã biết, chính là Chiết Chi cư sau này.”

“Tiển Khâm đài đã sập, Phù Hạ vì biết nội tình nên lo lắng mình bị diệt khẩu, lập tức bỏ trốn trong đêm, cuối thư nàng ta viết, vì để bảo toàn tính mệnh nên đã lén thó một quyển sổ sách của Hà Hồng Vân và Lâm Khấu Xuân, cho dù Hà Hồng Vân có bắt được nàng ta, chỉ cần bằng chứng còn thì tạm thời sẽ không dám giết nàng, mong Tiểu Chiêu vương nhanh chóng cứu nàng.”

Vì lý gì mà Phù Đông và Phù Hạ đều có tên gần tương tự?

Không phải trùng hợp, bởi vì Phù Hạ là hoa khôi ở Chúc Ninh trang năm năm trước, còn Phù Đông là năm năm sau.

Tại sao Phù Đông lại mở quán rượu ở Chiết Chi cư?

Cũng không phải trùng hợp, sau khi Hà Hồng Vân diệt khẩu hộ buôn thuốc, để xóa bỏ bằng chứng phạm tội nên đã mua lại Chiết Chi cư. Phù Đông lên kinh nhằm mục đích tiếp cận Hà Hồng Vân, cho nên nàng ấy đã chọn Chiết Chi cư từng xảy ra án mạng vào năm năm trước.

Cuối cùng hai manh mối Phù Đông Phù Hạ cũng đã khớp nhau, Thanh Duy nói: “Hay nói cách khác, lúc trước khi vừa khởi công Tiển Khâm đài, Hà Hồng Vân biết tin tức về ôn dịch, muốn ăn chặn số tiền bán khống Dạ Giao Đằng, song trên tay không đủ bạc nên đã dòm ngó đến số gỗ ở Tiển Khâm đài. Qua Hà Trung Lương và Ngụy Thăng, hắn liên lạc với Từ Đồ buôn gỗ, Từ Đồ tráo gỗ thứ phẩm, giao số bạc ăn lời cho Hà Hồng Vân, mượn đó để trèo lên Hà gia?”

Giang Từ Chu bảo: “Trước đó ta vẫn chưa dám chắc chắn, nhưng nay có bằng chứng xác thực của Phù Đông thì rất có khả năng là như vậy.”

Y im lặng một hồi, đoạn nói, “Con người Hà Hồng Vân không đơn giản, ắt cũng biết lý do Phù Đông tiếp cận hắn.”

Thanh Duy nhìn y, “Câu hỏi cuối cùng.”

“Nàng nói đi.”

“Phù Hạ viết thư gửi cho Tiểu Chiêu vương, theo lý thì đó là chuyện rất bí mật, tại sao ngài biết được nội dung trong bức thư của Tiểu Chiêu vương?”