“… Án mạng xảy ra ở ngõ Trường Xuân, hiện trường có dấu vết giãy giụa, tiền bạc trên người Đôn Tử bị lấy sạch, kẻ cướp đã bị bắt ngay trong đêm, bị dẫn đến Kinh Triệu Phủ thẩm vấn.”
Tại Huyền Ưng Ti, thấy Thanh Duy muốn hỏi chi tiết về cái chết của Đôn Tử, Tạ Dung Dữ vừa nhớ lại vụ án vừa lật hồ sơ.
Nội dung ghi trong hồ sơ không nhiều, Tạ Dung Dữ đọc lướt qua, không khỏi nhíu mày.
Thanh Duy mới hỏi: “Quan nhân, có phải vào ngày bách tính tụ tập trước cửa cung, trong kinh chỉ có một mình Đôn Tử gặp nạn thôi không?”
Tạ Dung Dữ nhìn nàng, không trả lời mà ra lệnh cho Kỳ Minh, “Ngươi hãy tức tốc đến Kinh Triệu Phủ hỏi xem vụ án của Đôn Tử đã xong chưa, đem lời khai của tên cướp về đây cho ta.”
Kỳ Minh đáp vâng, cưỡi ngựa lao nhanh ra khỏi cung, chưa tới một canh giờ đã quay trở lại.
“Bẩm Ngu hầu, phía Kinh Triệu Phủ nói vào ngày sĩ tử tụ tập ở cửa cung, tuy trong kinh có không ít người gặp cướp bị thương nhưng đúng là chỉ có một mình Đôn Tử chết. Kinh Triệu Phủ đã thẩm vấn tên cướp nhiều lần nhưng hắn ta nhất quyết phủ nhận, hắn nói lúc gặp Đôn Tử thì Đôn Tử đã thoi thóp, hắn chỉ lấy tiền chứ không giết Đôn Tử, do đó mà Kinh Triệu Phủ vẫn chưa nộp công văn kết án.” Kỳ Minh nói, đoạn chắp tay xin lệnh, “Thuộc hạ đã dẫn tên cướp kia đến đây, Ngu hầu và thiếu phu nhân có muốn thẩm vấn không?”
Tên cướp bị dẫn vào, vừa thấy Tạ Dung Dữ thì như bắt được cọng rơm cứu mạng, quỳ thụp xuống đất, “Quan gia, xin quan gia điều tra kỹ, đúng là tiểu nhân có cướp bóc không ít, nhưng tuyệt đối chưa bao giờ làm hại tính mạng ai.”
“Ngươi nói ngươi chưa từng làm hại tính mạng ai, vậy giải thích thế nào về hung khí ngươi để lại cạnh thi thể?” Thanh Duy hỏi.
“Hung khí…” Tên cướp sửng sốt, lại như nhớ ra chuyện gì đó, hắn nói, “Đúng là hôm ấy tiểu nhân có đem theo một con dao găm, nhưng chỉ dùng để hù dọa thôi, thực sự không dám hại ai. Sau đó tiểu nhân gặp vị công tử áo lụa kia, chính là công công gì đó đã chết, ban đầu dự tính dọa để hắn tự nộp tiền ra, nhưng đến gần mới phát hiện trên cổ hắn có vết máu, sắp tắt thở tới nơi rồi, tiểu nhân bèn lục lọi lấy tiền của hắn… Còn con dao găm, vì lúc đó có vị quan đi ngang qua đầu ngõ, tiểu nhân sợ quá, lúc chạy trốn vô tình làm rơi dao găm.”
Kỳ Minh giải thích, “Thuộc hạ đã hỏi Kinh Triệu Phủ rồi, trên thi thể của Đôn Tử có hai vết thương, một đúng như tên cướp vừa nói, là vết bầm ở cổ, vết còn lại là vết đâm trên bụng, ngỗ tác đã nghiệm thi, đó chính là vết đâm chí mạng.”
Nói đoạn, hắn quay sang chất vấn tên cướp, “Ngươi còn không mau khai thật? Đôn Tử công công đã bị chính ngươi dùng dao găm đâm chết. Ngươi nói có quan viên đi ngang đầu ngõ nên ngươi mới làm rơi dao, nhưng đáng tiếc, hôm ấy các sĩ tử lại tập trung ở cửa cung, triều đình dừng buổi chầu, hầu hết quan viên các bộ đều ở trong phủ, ngoại trừ cấm vệ quân của Điện Tiền Ti đang tuần tra. Cấm vệ quân truy lùng Đôn Tử, nếu bọn họ thấy ngươi và Đôn Tử thì đã bắt ngươi ngay lúc đó rồi, làm gì có chuyện tha cho ngươi trốn tới tận đêm?”
“Quan gia, tiểu nhân xin thề là mình nói thật, tuyệt không dối gạt nửa câu.” Hai mắt tên cướp đầy vẻ sợ hãi, xem ra hắn thực sự không nói dối.
Tạ Dung Dữ bỗng nghĩ đến một chuyện, hỏi: “Ngươi nói vì thấy một vị quan ở đầu ngõ Trường Xuân nên mới làm rơi dao găm. Vị quan mà ngươi đã gặp trông như thế nào?”
Tên cướp vắt óc nhớ lại, “Không, không rõ ạ. Tiểu nhân không thấy mặt của người đó, chỉ nhớ y mặc quan bào, có vài người đi theo, tiểu nhân sợ quá nên không nhìn kĩ mà chạy luôn.”
“Quan bào thế nào?”
Tên cướp run run ngẩng đầu lên, nhìn Tạ Dung Dữ thưa, “Hơi, hơi giống đồ đại nhân ngài đang mặc.”
Hôm nay Tạ Dung Dữ không mặc trang phục Ngu hầu của Huyền Ưng Ti, chỉ mặc thường phục màu đen.
Bào phục của quan văn Đại Chu từ tứ phẩm trở lên cũng màu đen.
Nếu tên cướp không nói dối, thì có nghĩa rằng, vị quan hắn gặp ở đầu ngõ ngày hôm đó không phải cấm vệ quân đang đi tuần, mà là một văn thần từ tứ phẩm trở lên.
Chắc chắn người này có nhìn thấy Đôn Tử, nhưng thứ nhất hắn không ra tay cứu giúp, thứ hai cũng không bẩm báo với triều đình, để mặc thi thể của Đôn Tử bị cấm vệ quân của Điện Tiền Ti đưa đi, để mặc tên cướp bị Kinh Triệu Phủ bắt, tới nay vẫn không hé một lời.
Rốt cuộc văn thần này là ai?
Thanh Duy chợt nhớ tới lời của Tào Côn Đức, “Đôn Tử đã tính sai một nước cờ.”
Hôm đó Đôn Tử đến cửa cung là muốn đứng ra làm chứng, tuyên đọc huyết thư đã ép Cố Phùng Âm viết, vạch trần nỗi khổ của cô nhi Cật Bắc. Một khi bức huyết thư này được công khai, ắt sẽ khiến dân chúng phẫn nộ, dù triều đình có tìm ra chân tướng bố cáo thiên hạ, cũng rất khó khiến bách tính tin tưởng, đó cũng là nguyên nhân Điện Tiền Ti dốc toàn lực lùng bắt Đôn Tử.
Nhưng trùng hợp thay, Đôn Tử đã chết, bức huyết thư hắn đem theo đã được Điện Tiền Ti lục soát lấy đi.
Nay ngẫm lại, thật sự có chuyện trùng hợp như vậy ư?
Một khi bức huyết thư bị công khai, hậu quả là dân chúng càng thêm căm phẫn Tiển Khâm Đài, chắc chắn tòa Tiển Khâm Đài mới xây trên núi Bách Dương sau này sẽ không thể sừng sững mãi, và một khi bị chỉ trích phàn nàn quá lớn, triều đình buộc phải tháo dỡ Tiển Khâm Đài. Vậy ai là người không muốn thấy kết quả đó nhất?
Trương Viễn Tụ và Tào Côn Đức là đồng mưu với nhau, cho tới khi sĩ tử tụ tập ở cửa cung thì mục đích của họ vẫn còn thống nhất, nhưng sau đó, tiếng nói mà bọn họ muốn sĩ tử nghe được lại hoàn toàn trái nhau. Một người hi vọng Thương Lãng Tiển Khâm có thể mãi mãi tồn tại trong lòng thế nhân, còn người khác lại hi vọng nỗi oán hận của cô nhi Cật Bắc có thể khiến tòa tháp ấy sụp đổ lần nữa, khác biệt ở chỗ ai đánh cờ cao tay hơn.
Ai muốn Tiển Khâm Đài được hoàn thành nhất?
Ai biết rõ hướng đi của Tào Côn Đức và Đôn Tử nhất?
Ai có thể tìm được Đôn Tử trước Điện Tiền Ti?
Một cơn ớn lạnh dâng lên trong lòng Thanh Duy.
Không phải Đôn Tử bị cướp giết, hắn bị Trương Viễn Tụ giết.
Thanh Duy nhớ lại đêm thẩm vấn nọ, Trương Chính Thanh xuất hiện trên điện Tuyên Thất đã đẩy Trương Viễn Tụ rơi vào hố tuyệt vọng; nhớ lại khi lão thái phó và Trương Chính Thanh khuyên y còn có thể quay đầu, y liên tục nói đã quá trễ; nhớ lại khi Trương Viễn Tụ nhắm mắt, đau đớn nghiến răng nói với Trương Chính Thanh, rằng chi bằng huynh chết đi còn hơn.
Chi bằng chết dưới Tiển Khâm Đài.
Thanh Duy khàn giọng hỏi: “Quan nhân, Trương Nhị công tử… có phải đã đến Lăng Xuyên rồi không?”
Tạ Dung Dữ cũng kịp thời phản ứng, hạ giọng ra lệnh: “Kỳ Minh, lập tức cử người đến Lăng Xuyên, không, đến Tiển Khâm Đài ở núi Bách Dương!”
Chân trời trăng sáng sao thưa, một khắc sau, ba con khoái mã lao ra từ cửa thành Tử Tiêu, phi về hướng nam.
Nhưng cho dù không ngủ không nghỉ chạy xa ngàn dặm, phải ba ngày sau bọn họ mới đến được Lăng Xuyên. Còn Trương Viễn Tụ đã lên đường từ nửa tháng trước, hiện giờ, y đã đứng dưới Tiển Khâm Đài.
Tiển Khâm Đài sừng sững trong gió đêm, sao trời thưa thớt, dưới Tiển Khâm Đài chỉ có hai người lính một già một trẻ canh gác. Cũng đúng thôi, một tòa tháp có gì để gác chứ, huống hồ bên ngoài còn có quân đội trú đóng.
Hai người lính gác cũng chẳng mặn mà tập trung, vốn dĩ việc canh gác Tiển Khâm Đài có thể làm rạng rỡ tổ tông, nhưng khi tòa tháp sắp sửa xây xong thì trong kinh lan truyền vụ án mua bán danh sách, rồi còn kháo nhau gì mà ngày xưa Tiển Khâm Đài sập có liên quan đến lão thái phó, sĩ tử địa phương còn đồng loạt dâng thư, yêu cầu dừng việc xây dựng Tiển Khâm Đài, thậm chí có người còn nói chỉ khi nào không còn tòa tháp xây dựng sau này nữa thì mới răn đe được thế nhân.
Quân lính bọn họ nào lo được nhiều như thế, triều đình muốn làm gì thì làm, dù sao cũng không ảnh hưởng đến họ, hai người gác dưới tháp, thấy sắp đến năm mới, lại nghĩ không biết nên sắm sửa những gì.
Không lâu sau, có tiếng bánh xe lọc cọc vang lên, tiểu binh cảnh giác, thấy một cỗ xe ngựa dừng lại bên đường thì đứng dậy hỏi: “Kẻ nào?”
Hai người bước xuống xe ngựa. Một người đeo hộp đựng sách, nhìn cách ăn mặc có vẻ là người hầu. Người còn lại mặc áo xanh, khí chất tựa mây trắng, nhưng ánh mắt lại lạnh lẽo như thể đã trải qua gió sương.
Có lẽ vì người tới không mặc quan bào, nên phải đến gần thì người lính già mới nhận ra là ai, ngạc nhiên hô lên: “Trương đại nhân?”
“Trương đại nhân, sao ngài lại đến đây?”
Đại án đã kết, triều đình liên tục xử phạt rất nhiều người, người lính già không biết Trương Viễn Tụ có bị dính líu hay không, thấy y bình an vô sự đến đây thì cho rằng y vô tội, cung kính hỏi, “Triều đình cử ngài đến tiếp tục đốc công à?”
Trương Viễn Tụ không trả lời, một lúc lâu sau mới nói: “Ta đến xem thôi.”
Y đưa mắt nhìn Tiển Khâm Đài, “Đã xây xong chưa?”
“Sắp rồi ạ, có điều tấm bia dưới đài vẫn chưa được khắc chữ, bàn thờ cúng trên đài cũng chưa được lau chùi.” Người lính già đáp, “Sĩ tử biểu tình ghê quá, bên này đã đình công mấy hôm rồi, cũng không biết phải làm gì, đang chờ triều đình hạ lệnh ạ.”
Nghe thấy thế, Trương Viễn Tụ nhìn sang tấm bia chưa khắc chữ bên tay trái.
Trên tấm bia ấy, từng có Chiêu Hóa đế muốn khắc lên niên hiệu của mình, còn y lại muốn xóa đi hai chữ “Chiêu Hóa”, chỉ để lại tên của sĩ tử trầm mình dưới sông.
“Ta… lên xem thế nào.” Trương Viễn Tụ nói.
Tiển Khâm Đài được xây lại theo bản vẽ cũ, cổ kính uy nghiêm, 108 bậc đá uốn lượn, mỗi tầng có 36 bậc, nó không được xây trên sườn núi như Tiển Khâm Đài cũ mà nằm ở nơi kín gió giữa hai ngọn núi, phải tới khi lên đến đỉnh tháp, mới cảm thấy gió lạnh giữa đêm đông.
Tiển Khâm Đài cũ đã sập trước khi Trương Viễn Tụ có thể nhìn thấy, về phần tòa tháp mới, lúc y ở đây đốc công thì vẫn chưa xây xong.
Nên Trương Viễn Tụ chưa bao giờ leo lê.n đỉnh Tiển Khâm Đài này.
Bây giờ đứng nơi đây mới cảm nhận được sự bao la của hai ngọn núi, sự rộng lớn của đất trời, còn tòa tháp mới nhỏ bé làm sao.
Trương Viễn Tụ nhớ Trương Chính Thanh từng nói “người thời nay kế thừa ý chí của người đi trước”, nhớ đến hi vọng “thấy đài cao chạm mây giữa núi rừng Bách Dương”.
Ha, hóa ra đây là tòa tháp mà hai anh em họ mong mỏi được xây dựng đấy sao?
Không phải đã biết mây trắng trên trời xa thế nào ư, dù đứng trên tháp duỗi tay ra, vẫn còn cách tận muôn nghìn trùng.
Trương Viễn Tụ cảm thấy lạc lõng, hơn năm năm trước, tình cảm sâu nặng dành cho anh trai lấn át mọi nỗi buồn nhân gian, che mắt y không thấy cảnh lầm than.
Còn bây giờ khi đến đây, bao la trước mắt là cảnh núi sông lặng lẽ, cảm giác kinh hoàng khi có vô số người đã chết mới từ từ ùa đến, y nghĩ, thì ra ngoài Trương Chính Thanh, còn có rất nhiều người khác đã mất mạng dưới tòa tháp này.
Tàn tích xưa ẩn ở nơi ánh trăng không soi thấu đã bị lửa thiêu sạch, rồi về sau bọn họ lại xây một tòa tháp khác ở bên cạnh.
“Bạch Tuyền, chuẩn bị bút mực.”
Người đeo hộp đựng sách khẽ đáp, kê hộp thành bàn, trải giấy ra, hai người lính đi tới giơ đuốc chiếu sáng. Bọn họ không biết chữ, không biết Trương Viễn Tụ đang viết gì, chỉ thấp thoáng thấy sườn mặt trầm tĩnh của Trương Viễn Tụ khi chấp bút, khiến người ta không khỏi nhớ đến một cái tên khác của y – Vong Trần công tử.
Chẳng mấy chốc đã viết xong bức thư, Trương Viễn Tụ bỏ thư vào bao, lại lấy ra một túi gấm từ trong tay áo, giao hết cho hai người lính nọ, “Các ngươi hãy đến Đông An tìm Chương Lan Nhược đại nhân, nhờ ngài ấy phái ngựa chiến lên kinh, giao túi gấm này cho Tiểu Chiêu vương, trình phong thư lên ngự tiền, dâng cho Quan gia.”
Hai người lính cung kính nhận lấy.
Trương Viễn Tụ nói: “Được rồi, các ngươi lui xuống đi.”
“Công tử?” Bạch Tuyền bước lên một bước.
Trương Viễn Tụ mỉm cười, mang theo vẻ nhẹ nhõm chẳng mấy khi, “Xuống đi, ta muốn ở đây một mình một lúc.”
Không có hai ngọn núi che chắn, gió đêm trên đỉnh tháp càng lạnh thấu xương, Trương Viễn Tụ nhớ lại cách đây không lâu khi y vào cung gặp Tào Côn Đức, hành lang chốn thâm cung cũng lộng gió thế này. Lão thái giám xảo quyệt cười nói, “Trong số những người thổ lộ thật lòng với ta, Trương Nhị công tử là người thú vị nhất đấy. Chân lội bùn lầy, hài lấm bẩn nhưng vạt áo vẫn sạch sẽ; hành động rõ quả quyết sát phạt nhưng vẫn nhớ không hại người vô tội, xem ra hai chữ ‘Vong Trần’ mà lão thái phó đặt cũng trói buộc ngài ghê nhỉ.”
Nên tới tận lúc sĩ tử tụ tập ở cửa cung, lão thái giám đó vẫn cảm thấy bản thân sẽ thắng.
Lão biết Trương Viễn Tụ muốn làm gì, nhưng thứ lão đánh cược chính là sự trong sạch của Vong Trần công tử.
Song lão chẳng ngờ Trương Viễn Tụ vẫn ra tay độc, bước một bước lão cho rằng y sẽ không dám.
Cuối cùng, hai chữ “Vong Trần” vẫn không thể níu kéo được y.
Ngày hôm đó, Đôn Tử cầm huyết thư chạy đến thành Tử Tiêu, Trương Viễn Tụ đã chặn hắn lại lúc đi qua ngõ Trường Xuân, xoay mặt sang nói với ám vệ, “Ra tay đi.”
Tiếng rê.n rỉ của Đôn Tử bị tắc trong cổ họng, đúng lúc này, một tên cướp lén lút đến gần, ám vệ buộc phải theo Trương Viễn Tụ ra đầu ngõ tránh.
Tên cướp đến vì tiền chứ không có ý cứu Đôn Tử, thấy bóng dáng quan viên, hắn vội vàng chạy trốn, vô tình làm rơi con dao găm.
Ám vệ đi tới, nhặt con dao lên xin phép Trương Viễn Tụ, “Đại nhân?”
Trương Viễn Tụ hiểu ý ám vệ, nếu dùng dao găm, một người chết càng rõ ràng thì càng dễ thoát tội.
Y đứng yên một lúc lâu, đoạn gật đầu.
Dao găm đâm vào bụng khiến Trương Viễn Tụ nhớ lại rất nhiều năm trước, khi y còn nhỏ, Trương Chính Thanh dẫn y đến bờ sông Thương Lãng, nói với y phụ thân đã tự vẫn ở nơi này.
Trương Viễn Tụ nhặt một hòn đá ở bên bờ, ném xuống nước rồi hỏi, “Phụ thân đã ra đi như thế ạ?”
Tiếng đá rơi xuống sông giống hệt tiếng giết người lúc này.
Sợ Trương Chính Thanh đau lòng nên Trương Viễn Tụ chưa bao giờ nói ra, kỳ thật từ lâu ấn tượng của y về phụ thân đã rất mờ nhạt, bằng không y đã chặt nhặt đá ném xuống sông, trong lòng y, người thân duy nhất trên đời này chính là Trương Chính Thanh.
Nên lúc huynh trưởng nói Thương Lãng rửa sạch vạt áo trắng, y liền nhớ đến hai chữ Tiển Khâm; khi huynh trưởng nói muốn xây tháp, y nghĩ ngay tới tháp cao sừng sững trong núi Bách Dương.
Nay tỉnh giấc mộng, y mới nhận ra những bước mình đã đi thật quá nực cười. Tiển Khâm Đài chỉ là Tiển Khâm Đài, leo lê.n đỉnh tháp mới thấy đâu có gì, trống trải hoang vu, nào mang nhiều ý nghĩa đến vậy.
Những ngày qua Trương Viễn Tụ lại năm mơ.
Giấc mơ lặp đi lặp lại khiến người ta sợ hãi, không phải là nỗi sợ hãi đã ám ảnh y nhiều năm khi không tìm thấy thi thể người thân dư.ới phế tích, cũng không phải là cảnh Trương Chính Thanh đã thỏa mãn nói ra lời hứa trước khi đến Lăng Xuyên, trong giấc mơ, y như biến thành Trương Chính Thanh, vào đêm mưa trước khi Tiển Khâm Đài sập, y đích thân xua đuổi những công nhân đã đào kênh cả đêm.
Nhưng sau khi đuổi người về, y không rời đi như Trương Chính Thanh mà đứng nơi đó suốt đêm, nhìn dòng kênh bị phù sa chặn lại, nhìn nước đọng thành bãi, nước không có chỗ thoát, chảy ngược về phía tòa tháp.
Ở trong mơ, y tuyệt vọng nhìn trời sáng, khàn giọng khuyên những người lên đài là đừng lên nữa, đài sẽ sập đấy, thậm chí còn tìm được Tạ Dung Dữ, xin y đừng tháo cột trụ chống đỡ.
Nhưng người trong mộng đều đã bị chôn vùi trong quá khứ, dẫu y thuyết phục ra sao cũng không thể quay về.
Đã quá muộn rồi.
Cũng như việc Trương Chính Thanh xuất hiện trên điện Tuyên Thất, lão thái phó khuyên y còn có thể quay đầu, muộn rồi. Ngày ông hi vọng Vong Trần có thể quên đi tất thảy, cũng sẽ chẳng đến.
Tiển Khâm Đài sập có liên quan của Trương Chính Thanh, còn y là người thân của anh ta, phải chăng cũng cần chịu trách nhiệm trước tính mạng của những người vô tội ấy?
Nếu chấp niệm của y không quá sâu, nếu trước đó không dẫn bách tính Ninh Châu lên kinh, có phải những thương nhân buôn thuốc đã chẳng chết?
Thậm chí trước khi Đôn Tử chết, ám vệ nhặt dao găm lên hỏi ý y, thật ra y cũng giao động. Khoảnh khắc đó, y đã thấy ánh mắt giãy giụa cầu sinh của Đôn Tử. Y nghĩ, hắn làm gì có lỗi, chỉ là một đứa trẻ Cật Bắc đáng thương. Nhưng cuối cùng, Trương Viễn Tụ vẫn không quay đầu. Lúc ở Phất Y Đài, y chỉ nhặt một nắm tuyết, lau sạch vết máu dính trên ủng, rồi bước vào điện Tuyên Thất.
Đã quá muộn rồi, đôi khi chỉ cần bước sai một bước, con người ta sẽ rơi vào vạn kiếp bất phục.
Ngày xưa y ngước mắt thấy mặt trời, cúi đầu thấy bụi bặm.
Còn giờ đây, y ngước nhìn màn đêm bao la, cúi đầu nhìn đôi bàn tay rỉ máu.
Sau khi rời khỏi đại lao, Trương Viễn Tụ không biết đi đâu, cứ theo trực giác tới Tiển Khâm Đài mới xây này. Khi l.ên đỉnh tháp, y mới phát hiện mình đã đi qua nhiều lối rẽ mà chẳng hề ngoảnh lại, để rồi cuối cùng ra nông nỗi này.
Trong gió đêm lồng lộng, Tiển Khâm Đài không khác gì nước sông Thương Lãng cuồn cuộn. Sông Thương Lãng có thể rửa sạch áo trắng, có phải cũng có thể cuốn trôi bụi trần trên người y?
Dầu gì cũng đã tới bước này, thế thì cứ tiến thêm một bước nữa vậy.
Bước thêm một bước nữa là hoàn toàn có thể buông bỏ tất thảy.
Trương Viễn Tụ lặng lẽ khép mắt lại.
…
Trên trời mơ hồ có tiếng sấm rền vang, gió lạnh quét qua nửa đêm. Mùa đông Lăng Xuyên tuyết rơi ít, mưa lại nhiều, hai người lính gác dưới đài cảm thấy trời sắp mưa, dợm gọi bạch Tuyền đi tìm chỗ tránh mưa, nhưng đúng lúc này, trong đêm tối truyền đến âm thanh nghe như bị bóp nghẹt.
Tiếng động đó rơi xuống theo gió, khiến người nghe chấn động.
Bạch Tuyền sửng sốt, ném hộp đựng sách xuống mà lao về phía Tiển Khâm Đài, hai người lính ngơ ngác rồi dần biến sắc, tựa hồ nghĩ đến điều gì đó, bọn họ loạng choạng chạy theo Bạch Tuyền.
Sấm đông rền vang trên nền trời, tiếng sấm dậy phủ trùm cả Lăng Xuyên.
Từ lúc tỉnh dậy, Chương Đình vẫn luôn nghỉ ngơi điều dưỡng đầy đủ, nhưng không hiểu sao tối nay lăn qua lộn lại hoài cũng không ngủ nổi, bị tiếng sét đánh làm giật mình bật dậy. Hắn xuống giường định khép cửa sổ, chợt nhác thấy một tên lính lao vào phủ, âm thanh hô hoán như rạch nát màn đêm, “Chương đại nhân, Khúc đại nhân, nguy to rồi!”