Thanh Triều Ngoại Sử 2

Chương 81: Thích sát (trung)




Tiêu Phong nhìn quanh thấy ba phía nhung nhúc địch nhân, phía thứ tư lửa bốc cuồn cuộn, binh sĩ của chàng kẻ la người hét, kinh hoàng khi bị dồn vào biển lửa, người người bỏng toàn thân, ôm mặt gục xuống đất lăn lộn trong đau đớn.  Lại nữa từ trên đỉnh núi, một cô gái mặc y phục màu trắng cũng phi thân xuống giao chiến.

Nàng vừa đáp xuống đất liền tuốt thanh kiếm đang đeo sau lưng ra cao giọng quát:

- Kẻ nào dám cản ta giết tên tiểu tử Khang Hi sẽ như cái cây này!

Nói xong vung kiếm lên xả xuống cây bách tùng bên cạnh nàng.  Ầm! Cây bách tùng cao lớn là thế, vậy mà gặp một kiếm của cô gái cũng vụt đứt ngang, đổ gập xuống đất, truyền thêm tiếng động rầm rầm nâng cao sĩ khí của những tên thích khách, đồng thời làm cho binh lính Chính Bạch Kỳ kinh hồn táng đởm như gặp phải ác quỷ.

Sách Ngạch Đồ và Mã Tề trợn mắt nhìn cô gái, rồi nhìn nhau.  Song phương cũng chưa từng thấy kiếm thuật và thần lực nào mạnh mẽ như của nàng vừa rồi, cho nên dưới ánh lửa chiếu rọi khắp vùng sơn dã, mọi cặp mắt đều đổ dồn vào uy vũ của cô gái áo trắng.  Cho dù là dùng lợi phủ, thì cũng phải cần một lực sĩ ra tay mới có thể đạt tới thành quả ấy, huống hồ đây chỉ là một cô gái mà thoạt nhìn trông có vẻ vô cùng yếu ớt và mảnh mai, mà chỉ một kiếm có thể chém gãy cây bách tùng cao gần sáu trượng.

Long Khoa Đa cũng khiếp đảm nhủ bụng, một là cô gái này phải sở hữu võ công cái thế vượt xa những gì người giang hồ hay đồn thổi về nàng, hai là thanh sắt trên tay nàng là tuyệt thế bảo kiếm, uy lực mới lớn đến mức đó.

Tuy nhiên bất luận là do khả năng nào, lúc này sĩ khí của bọn thích khách cũng được nàng khích lệ không ít. Trong lòng bọn chúng dâng cao một niềm hi vọng, rằng qua trưa hôm nay lịch sử sẽ đổi sang một trang mới. Ngược lại phía binh lính Chính Bạch Kỳ thì tim gan lạnh buốt, ý chí sinh tồn đã bị làm cho tiêu tan hết.

Cô gái không hổ danh là một cao thủ, vừa đến đã như mãnh hổ sổng chuồng, phối hợp với khí thế bừng bừng của bọn thích khách, vun vút lao tới đánh át vào giữa trận.  Nàng chẳng màng bọn lính thiếc giáp có y phục bất khả xâm phạm, không ngừng tiến tới xa giá để lấy thủ cấp người ngồi trong đó.

Theo chỉ định từ sớm, Sách Ngạch Đồ, Sách Ni, Khang Nạp, Mã Tề, Long Khoa Đa cùng đoàn quân cầm trường mâu giao thủ với đám thích khách. Còn Tiêu Phong cùng đoàn quân thiếc giáp bảo vệ con trai Khang Nạp.

Sách Ngạch Đồ ngồi trên yên ngựa tung ra hai chưởng đánh ngã hai tên thích khách, bỗng một tên thích khách khác cầm đao nhảy đến chém một nhát vào chân con ngựa của Sách Ngạch Đồ, làm con ngựa tội nghiệp hí lồng lên, tưởng chừng như đang lên cơn động kinh. Sách Ngạch Đồ vừa hận vừa tức đến đổ đom đóm mắt, liền ngay lúc đó nhảy phóc xuống đất giao đấu với tên thích khách.

Hai tên thích khách nữa cũng kịp thời xông tới phối hợp với tên chém gãy chân con ngựa vây Sách Ngạch Đồ vào giữa. Tên đầu tiên tung mấy quyền không trúng Sách Ngạch Đồ, lại bị Sách Ni đột nhiên xuất hiện từ đằng sau âm thầm phát ra một quyền đánh gãy cánh tay của hắn. Sách Ngạch Đồ thừa cơ hội đó lừa được thế bẻ gãy xương cổ tên đó.  Đòn quyền mà cha con họ Sách đánh ra cực gọn và nhanh, vừa hết lại nối sang chiêu thức khác ngay, cả thảy các ngón đòn đều chuyên về tấn công thượng bàn.  Hai cha con tác hợp ăn ý, không bao lâu là diệt được ba tên thích khách.

Cách đó hai chục thước, các chiêu thức của Khang Nạp thoạt nhìn có vẻ nhẹ nhàng chậm rãi nhưng khi cần lại vô cùng nhanh gọn dứt khoát.  Khang Nạp giết được bảy tên sát thủ, nhưng tên thứ tám võ công giỏi hơn đồng bọn, cầm cự rất lâu.  Cục diện cứ thế giằng co sang tới chiêu thứ hai mươi, ngay khi Khang Nạp sắp hạ được tên sát thủ, tên thứ chín âm thầm tiến lại gần Khang Nạp, nhắm vào ngực Khang Nạp hữu quyền phóng vụt ra.  Khang Nạp đảo mình nhanh như chớp né về phía bên trái, thì bị tên sát thủ thứ tám chụp lấy bả vai.

Tên thứ tám mừng húm, nhưng hắn mới vừa hít vào một hơi, chưa kịp vận lực vào tay để quật Khang Nạp xuống đất thì Khang Nạp xoay người, tung một cú đá sấm sét trúng vào cánh tay tên sát thủ làm hắn kêu hự một tiếng, không sao tránh kịp.  Tên sát thủ lãnh trọn cước hiểm của Khang Nạp, loạng choạng suýt ngã, tay này ôm lấy tay kia đau đớn bước lui.

Khang Nạp quyết không để kẻ địch thoát khỏi vòng chiến.  Vả lại, Khang Nạp cũng vừa mới đắc thủ, nào chịu cho kẻ địch có thời gian nghỉ ngơi điều tức, bèn lập tức tung thêm một cú đá. Trong võ thuật thì bất kể là quyền hay cước gì, nếu muốn biến chiêu thì thường phải thu hồi chiêu trước rồi mới phát ra chiêu sau. Nhưng thủ thuật của Khang Nạp kỳ diệu ở chỗ bất luận đối phương ra sức chống đỡ, hoặc né tránh chiêu trước như thế nào chiêu sau vẫn có thể thuận thế xuất ra, như nước chảy mây trôi, từng chiêu nối tiếp liên miên không bao giờ dứt.  Cú đá trước vừa chạm đích, Khang Nạp liền nhanh nhẹn thu chân, sau đó chẳng cần lấy thêm đà tung tiếp một cú đá xoáy bằng cạnh bàn chân vào cổ đối thủ.

Rắc! Cổ tên sát thủ thứ tám bị gãy, té xuống đất chết không kịp ngáp.

Tên sát thủ thứ chín thấy đồng bọn bỏ mạng mất hết dũng khí giao chiến, lập tức bước lùi lại.  Sau khi hắn thoát khỏi tầm chân của Khang Nạp, hắn toan mở miệng nhờ một trong ba tên sát thủ đang giao đấu với ba binh sĩ Chính Bạch Kỳ gần đó đến tiếp cứu thì thấy Khang Nạp không nói không rằng, lừ lừ tiến tới.

Tên sát thủ thứ chín biết không thể nào “hoãn binh” được với Khang Nạp, không chờ tiếp viện nữa, mà mím môi mím lợi vung tay đánh thẳng.  Cú đấm vừa tung ra, chưa đi hết đà hắn bỗng trợn mắt khi không thấy bóng dáng Khang Nạp đâu nữa. Vội vã xoay người ra sau thì thấy Khang Nạp đã vòng ra sau lưng hắn tự khi nào, hắn bèn vung tay chụp cổ tay Khang Nạp để đấu sức.

Tên thích khách thứ chín đó trẻ hơn Khang Nạp gần chục tuổi, nên tự nhủ bản thân hắn khỏe hơn, có thể đối phó ngạnh công của Khang Nạp, không như tên thích khách thứ tám nào ngờ hắn đã lầm, Khang Nạp né tả tránh hữu hai lần, không những khiến hắn không nắm được cổ tay Khang Nạp mà cả y phục cũng không sao chạm được.

Gương mặt tên sát thủ thứ chín lộ nét lo lắng rõ rệt, hắn không biết phải làm sao để chế ngự Khang Nạp bèn đổi quyền thành cầm nã thủ, hai tay gấp rút chộp bắt yết hầu Khang Nạp.

Hai người đấu thêm mấy chiêu nữa, Khang Nạp lại vụt biến mất.  Tên sát thủ thầm than khổ, còn đang tìm kiếm Khang Nạp thì cánh tay hắn đã bị Khang Nạp túm gọn, hắn còn chưa kịp nghĩ ra cách phản đòn quyền, thân hình đã bị Khang Nạp quật mạnh xuống đất gãy cổ chết ngay.

Lối ra đòn hiểm hóc của Khang Nạp khiến bốn tên sát thủ đứng gần đó hồn vía lên mây, mặt mày nhớn nhác như quạ vào chuồng lợn, hết ham tham chiến. Tuy bốn tên hè nhau kéo đến vây lấy Khang Nạp nhưng chúng chỉ dám đứng lườm lườm Khang Nạp, chẳng tên nào muốn vào giao thủ.

Lại nói tới Mã Tề và Long Khoa Đa vừa hạ được hai tên sát thủ, thì thấy có thêm hai tên nữa phóng tới nhanh như gió, Long Khoa Đa bèn thi triển quyền cước, tay đấm chân đá.

Về phần Mã Tề thì hoàn toàn không vội đỡ đòn như Long Khoa Đa, Mã Tề chờ đòn quyền của tên thích khách đến trước cổ một gang tay, mới đưa tay chộp cổ tay tên sát thủ.  Mã Tề kéo ghị cổ tay tên sát thủ hướng xuống đất một chút, đồng thời đạp vào đầu gối đối phương, làm tên sát thủ quỳ phịch xuống đất.  Sau đó Mã Tề dùng bàn tay còn lại chặt vào yết hầu.  Một loạt động tác ấy nói ra thì chậm, thực tế lại nhanh như cực kỳ.

Nói tiếp chuyện Long Khoa Đa đang giao chiến gần Mã Tề, Long Khoa Đa vừa là Bộ quân Thống lĩnh vừa là Cửu môn Đề đốc thành Bắc Kinh, địa vị cực kỳ trọng yếu trong triều, nên võ công lợi hại hơn Mã Tề bội phần.

Tên sát thủ đối đầu Long Khoa Đa cũng thừa biết Long Khoa Đa sở hữu võ công vô cùng tinh diệu, hiển lộ thân pháp cực nhanh, hơn hắn vài bậc nên càng không dám khinh suất. Hắn thận trọng thi triển đòn tay nhằm vào ngực Long Khoa Đa.

Long Khoa Đa phản đòn bằng một chiêu thượng thừa trong quyền thuật nội gia. Trước hết, Long Khoa Đa thu nắm đấm đấm thẳng vào bàn tay kẻ địch, đẩy kẻ địch lùi lại một bước, không cho kẻ địch gượng người trụ lại, Long Khoa Đa nương theo thế đánh mà tung một cú đá tạt ngang vào be sườn tên sát thủ.  Rụp!  Thân hình tên sát thủ gãy đôi, hắn chưa kịp kêu la, ngã xuống đất chết tươi.

Cứ như thế từng tên thích khách bị Sách Ngạch Đồ, Sách Ni, Mã Tề và Long Khoa Đa lừa thế đánh bại.  

Thái Hành sơn đầy rẫy máu me và khói lửa, quân sĩ triều đình và bọn huyết trích tử rối làm một đám, cùng loạn đả.  Đường vô hẻm núi thường ngày vốn dĩ yên tịnh, nhất thời trưa nay trở thành một bãi chiến trường thảm liệt. Từ tiền trận lan ra hậu trận, phút chốc rồi cả khu rừng, núi đồi, và trời đất cả thảy chìm trong tiếng la hét thất thanh cùng tiếng ngựa hí hoảng sợ vì biển lửa cuồn cuộn.

Trong bầu không khí quỷ dị khó tả đó, cô gái áo trắng vừa giao chiến với đoàn quân thiếc giáp vừa mường tượng đến thảm cảnh đổ máu của gia đình nàng trên Yên Sơn, nơi đáy lòng nàng sát khí nổi bừng lên. 

Soạt! Soạt!  Cô gái dốc toàn lực xuất hai kiếm chiêu vào hai tên lính thiếc giáp.  Hai bộ giáp bạc bị nàng cắt rơi trên đất, hai tên lính còn đang kinh hồn khiếp vía, cô gái thuận đà công thêm hai chiêu, kiếm phong rít nghe veo véo chém ngang ngực đối phương, hai tên lính không kịp tránh né, ngã ngửa mà chết. 

Hai tên lính thiếc giáp khác đổ mồ hôi hột, xem chừng ra áo giáp của bọn họ chẳng thể bảo vệ được họ trong tình thế này, tuy áo giáp được làm bằng chất liệu thiếc vừa cứng lại dày, nhưng ẩn chứa bên trong lưỡi kiếm của cô gái là một nguồn nội lực vô cùng thâm hậu, cho nên áo giáp dẫu có cứng vẫn không cản được nội lực xung kích qua đường kiếm.

Bịch, bịch!  Thêm hai tên lính thiếc giáp bị cô gái giết chết.

Tên lính thiếc giáp thứ năm võ nghệ cao hơn đồng bọn, nhảy lui ra phía sau tránh được một kiếm chiêu, nhưng khi hắn vừa trụ chân, cô gái lại dùng kiếm chém ra, may hắn là lúc đó có ba binh sĩ cầm trường mâu xông đến cùng hắn tác chiến.

Cô gái thấy ba binh sĩ cầm trường mâu cùng lúc dùng mâu đâm vào người nàng, bèn thu kiếm về, tên lính áo giáp được cô gái “tha bổng,” thở phào nhẹ nhõm, giương mắt nhìn nàng đang quay sang ba tên lính cầm trường mâu giáp công.  Cô gái dùng phương pháp tá lực đả lực, mượn thế tấn công của ba tên lính cầm trường mâu đánh trả lại cả ba người.  Lúc ba cây mâu sắp sửa đâm vào cổ nàng, cô gái hụp người xuống một chút, khiến các mũi mâu chạm vào nhau, bật ra ngoài ngay tức khắc.  Nàng thừa lúc ba tên lính té ngửa ra đất, vung kiếm giết chết tên lính thiếc giáp.

Từng tên lính thiếc giáp bị cô gái hạ gục, từng người một té nhào, đầu lìa khỏi cổ rơi trên đất trông vô cùng thảm hại.  Công phu của cô gái hết sức tuyệt diệu, thoạt trông thì nhẹ nhàng vô lực, nhưng thực thực hư hư, trong nhu có cương.  Nàng không ngừng vung kiếm vù vù, kiếm quang lấp loáng đi tới đâu vừa giết được binh sĩ triều đình tới đó vừa giúp nàng che kín toàn thân như hộ thuẫn, không có chỗ sơ hở.  Cô gái tiến sâu vào nơi Khang Nạp đang giao chiến với bọn huyết trích tử.

Tiêu Phong ngó thấy cô gái tiến gần Khang Nạp, trong lòng thầm than khổ, vì tự lúc chàng nhìn thấy cô gái này tuốt vũ khí, chàng đã tức khắc hiểu rằng trong bọn chàng có rất ít người có thể khắc chế được nàng.  Tiêu Phong biết kiếm là một thứ binh khí thuộc mười tám món binh khí chuẩn, nhưng vốn không thiên về cứng rắn mạnh mẽ mà cực kỳ âm hiểm lợi hại nên rất khó luyện. Song do công lực của nàng thâm hậu, nên thanh kiếm trong tay nàng dũng mãnh như sấm giật chớp rung, lại đẹp tựa rồng lượn gió bay.  Bằng chứng là chỉ bằng một đường kiếm nhanh gọn nàng đã có thể chém gãy cả thân cây cổ thụ to gần sáu trượng.

Quả đúng như Tiêu Phong lo ngại, Khang Nạp và cô gái giằng co qua lại chẳng bao lâu, Khang Nạp đã lâm vào hiểm cảnh không thể thoát ra được.  Tiêu Phong thấy cô gái ép Khang Nạp đến loạn cả tay chân, nhưng ngặt một nỗi chàng ở quá xa, lại phải đang bảo vệ xa giá nên không thể nào tiếp viện cho Khang Nạp được.  Quanh Tiêu Phong và xa giá lúc này có hơn ba mươi tên sát thủ, vây đánh một mình chàng để thích sát con trai Khang Nạp.  Mỗi tên sử một món vũ khí khác nhau, gồm đao, thương, gươm, côn, phủ, bổng… đủ cả, tấn công chàng và đứa trẻ.

Tiêu Phong vừa đánh bật được một tên sát thủ ra khỏi xa giá, tên sát thủ khác lập tức xông vào chàng, hại chàng không thể không ra chiêu chống đỡ và bảo vệ cỗ xe, Tiêu Phong không hề có một giây rảnh tay để tiếp ứng Khang Nạp.  

Khi Tiêu Phong đánh gục được ba mươi tên sát thủ, toan chạy đến chỗ Khang Nạp, thì thấy cô gái áo trắng hướng vào ngực Khang Nạp xuất ra một kiếm chiêu.  Tiêu Phong hô lên nói với Khang Nạp đó chỉ là hư chiêu, nhưng đã trễ, Khang Nạp trúng kế cô gái, ngã người ra phía sau tránh né, nên hạ bàn lộ ra một sơ hở lớn. 

Cô gái vận lực vào tay không cầm gươm đánh một chưởng xuống hai chân Khang Nạp.  Vù một tiếng vang lên, bàn tay cô gái chưa đến chân Khang Nạp chưởng phong đã đến trước.  Rắc!  Xương chân Khang Nạp gãy làm mấy đoạn, và Khang Nạp quỳ phịch xuống đất.  Sách Ni, Sách Ngạch Đồ, Mã Tề, Long Khoa Đa và Tiêu Phong không hẹn mà mặt mày cùng biến đổi, khi thấy cô gái cầm kiếm phạt ngang một đường.   

Mã Tề thấy Khang Nạp chết hết sức thảm thương tức tối thi triển khinh công đến giáp mặt cô gái.

Sách Ni không phản ứng được nhanh như họ Mã, Sách Ni cùng với Khang Nạp là bằng hữu lâu năm, hai người đã từng cùng nhau cầm quân dẹp trừ các thế lực nhà Nam Minh, cho nên, khi Sách Ni chính mắt thấy lão bằng hữu của mình chết thảm, sững sờ có đến một phút mới bừng tỉnh lại được, khi tỉnh lại rồi thì thấy Long Khoa Đa theo Mã Tề lao về phía cô gái.  

Nhưng Long Khoa Đa và Mã Tề chưa kịp xuất chiêu, cô gái đã xách đầu Khang Nạp, rùng gối xuống vọt lên cao một trượng, sau đó triển khai khinh công bay ra khỏi tầm đánh của Long Khoa Đa và Mã Tề.  Sau khi ra khỏi tầm đánh hai người kia rồi, cô gái đáp xuống đất, nhìn sang Tiêu Phong, nhếch môi cười nhạt với chàng một cái rồi cầm đầu Khang Nạp chạy vào một khu rừng tre.  Long Khoa Đa và Mã Tề tự biết khinh công hai người không thể nào bắt kịp cô gái, nên phóng đến bên xa giá, Sách Ni cũng chạy đến bên cỗ xe cùng Long Khoa Đa và Mã Tề bảo vệ con trai Khang Nạp, để Tiêu Phong đuổi theo cô gái vào rừng tre.

Thế là, Tiêu Phong đuổi theo cô gái áo trắng lấy lại đầu Khang Nạp.

Cô gái thấy Tiêu Phong bám theo nàng như hình với bóng, phất tay đang cầm thủ cấp Khang Nạp xuống một cái, động tác này giúp nàng đề khí tăng tốc độ, khua chân vùn vụt chạy đi.  Nàng đang chạy chợt nghe có tiếng gió lộng lên sau gáy, biết có ba thanh phi đao đang vù vù bay tới tập kích phía sau nàng.  Cô gái bèn đưa kiếm ra sau, vẫy kiếm sang hai bên gạt được hai thanh phi đao phía trên, hai chân đồng thời nhảy lên tránh mũi đao thứ ba nhắm vào hạ bàn, rồi phất tay tiếp tục chạy nữa. Thân hình của nàng chao đi như én liệng, khinh công vô cùng thần kỳ.

Tiêu Phong thấy cô gái né được ba thanh phi đao của chàng, trong lòng không khỏi khâm phục.

Cô gái làm theo lệnh Ngao Bái dẫn Tiêu Phong chạy đến bên kia bìa rừng, toan dẫn chàng xuống núi, thì bất chợt có một chiếc bóng to lớn nhảy qua đầu nàng, đáp xuống đất ngay trước mặt nàng buộc nàng phải dừng lại.

(còn tiếp)