Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 161: Mật Chiếu Trừ Cựu Đảng






Thấy Khang Hữu Vy được Quang Tự hoàng đế tin dùng, giao cho việc thực hiện tân chính, bọn cựu thần như Hứa Ứng Quỳ, Từ Hội Phong, Hoài Tháp Bố, Cương Nghị căm tức vô cùng.
Hằng ngày bọn quan cũ thường tìm những chỗ sai sót của bọn mới để khai thác, rồi tìm cách ton hót, gièm chê họ trước mặt Tây thái hậu.
Có điều là hồi đó, sau khi sống chung một cách vô cùng bí mật với Lý Liên Anh trong Di Hoà viên, Tây thái hậu ném hết mọi việc triều chính ra sau lưng, không thèm để ý tới một việc nhỏ nào nữa, ngoại trừ một vài việc muôn phần khẩn cấp.

Cũng có đôi lúc, hoàng đế gặp phải đôi việc cần hỏi ý kiến thì bà chỉ kêu Lý Liên Anh truyền lời ra cho ngài mà thôi.

Hoàng đế và Thái hậu vốn có tình mẫu tử, thế mà còn không được gặp, thử hỏi bọn thần tử làm sao mà gặp được?
Khi Hiếu Trinh hoàng hậu còn tại thế, Vinh Lộc tuy đã bị cách chức nhưng lúc này đã được phục chức và giữ việc Bộ quân thống lãnh.

Lộc thấy ghế tổng đốc Trực Lệ khuyết, liền xin Tây thái hậu cho mình sung vào.
Rồi nhân dịp Quang Tự hoàng đế vào vấn an trong ngày sóc, vọng (sóc: ngày mồng một; vọng: ngày rằm), Tây thái hậu đích thân triệu Vinh Lộc vào bệ kiến để bổ nhiệm chức tổng đốc Trực Lệ.
Lại nói bọn Hứa Ứng Quỳ, Hoài Tháp Bố, hằng ngày rình rập nhóm tân chính xem có gì sơ hở không để kỳ trung thủ lợi.
Thật là may cho bọn họ, dịp đó đã tới.
Số là một hôm, chủ sự bộ Lê Vương Chiêu dâng lên một tờ sớ, sơ hở thế nào không biết, khiến Hoài Tháp Bố nhìn thấy trong quân cơ xứ, vội đánh cắp dấu vào ống tay áo, tính đem sang trình Tây thái hậu.

Không ngờ việc gian xảo của Bố bị ngự sử Dương Thâm Tú biết được, vội chạy vào cung tâu ngay cho Quang Tự hoàng đế hay.
Quang Tự hoàng đế cả giận, lập tức hạ lệnh truy cứu tờ sớ của Vương Chiêu.

Bố bất đắc dĩ phải trình lên.

Quang Tự hoàng đế tức thì lột chức Hoài Tháp Bố, định cho tội danh không dùng vĩnh viễn.
Nội dung tờ sớ của Vương Chiêu khuyên Quang Tự hoàng đế hớt tóc, đổi y phục.

Hoàng đế xem xong, mỉm cười, và ban cho Vương Chiêu mũ hàng tam phẩm.
Bọn thần công (quan lại) Mãn cũng như Hán, trong cũng như ngoài, tất cả nghe nói hoàng đế dám dung nạp cả đề nghị nhà vua hớt bím tóc, điều mà triều Thanh vô cùng kiêng cữ, liền khùng lên như một đàn thú dữ.


Họ không hiểu tại sao hoàng đế lại có thể nghe theo những đề nghị kỳ dị như vậy.
Thế là cả bọn cựu thần, cựu đảng họp nhau lại, hết tốp này đến nhóm nọ, truyền đi mãi tới tai thái hậu.
Tây thái hậu vừa nghe mấy tiếng "hớt tóc đổi y phục", bỗng thất kinh, đùng đùng nổi trận lôi đình, gầm lên:
- Thằng bé hỗn láo thật! Cơ nghiệp của tổ tông có lẽ hắn muốn phá cho bằng hết đi chăng?
Lời nói vừa ra khỏi miệng Tây thái hậu, thì đã có bọn thủ cựu như Hứa Ứng Quỳ, Cương Nghị chạy vào tâu hót tới tấp.
Bọn này tố cáo nào là hoàng đế lầm lẫn, nào là nghe lời khùng dại của Khang Hữu Vy, cải biến tất cả chế độ tốt đẹp của các đấng tiên hoàng, không còn ra cái thể thống gì nữa.
Tây thái hậu nghe xong càng thêm tức giận.

Bà truyền dụ triệu kiến hoàng thượng lập tức.

Quang Tự hoàng đế nghe lệnh triệu biết chắc đã có chuyện xấu rồi, vừa đi lòng ngài vừa nơm nớp lo ngại.
Bước vào cung hành lễ xong, Quang Tự hoàng đế chưa kịp mở miệng vấn an thì Tây thái hậu đã đập bàn quát:
- Ta thấy mi hồi này tuổi đã lớn hơn trước, hiểu biết cung đã khá hơn xưa, nên mới phó thác việc triều chính cho.

Ai ngờ mi vẫn một mực ngu xuẩn làm bậy.

Mi có biết tổ tiên xưa gây dựng cơ nghiệp khó nhọc bao nhiêu không? Hình như hồi này mi đâm khùng thì phải? Mi muốn dâng hết cả thiên hạ của bọn ta cho kẻ khác phải không?
Quang Tự hoàng đế vội vàng thỉnh an xong rồi nói:
- Mẫu hậu đừng nghe lời gièm báng của người ngoài mà oan cho con.

Con tuy có bất tài nhưng quyết không tự ý làm bậy.

Hiện nay con đang tìm đủ cách để sửa sang, xếp đặt lại mọi việc, quyết thế nào quốc gia cũng phải được cường thịnh, cho toàn dân cùng hưởng thái bình, hạnh phúc.

Lẽ nào lại có chuyện dâng giang san cho kẻ khác.

Cầu xin Thánh mẫu xét rõ cho…
Tây thái hậu không để cho Quang Tự hoàng đế nói hết câu, quát:
- Mi còn chối cãi nữa phái không? Thế cái sớ của thằng Vương Chiêu xúi giục mi làm gì, hả? Mi tưởng tao đui điếc đấy à?
Nói đoạn, Tây thái hậu cầm cả một tập sớ dày cộm ném xuống trước mặt hoàng đế rồi quát tiếp:
- Mi hãy xem kỹ cái này đi!
Một tên thái giám lượm tập sớ dâng lên.

Quang Tự hoàng đế đón lấy xem một lượt, lúc đó mới biết đó là tập sớ đàn hặc những chỗ sai lầm của bọn biến chính Khang Hữu Vy, đồng thời kể vạch hết những lầm lẫn của chính mình.
Xem xong, Quang Tự hoàng đế lặng thinh, không nói nên lời nào chỉ cất giữ lấy tập sớ.

Tây thái hậu cười nhạt bảo:
- Bây giờ thì mi rõ cả rồi chứ? Thôi! Đi về đi! Ta cho biết mà coi chừng.

Từ nay về sau, cẩn thận một chút nghe!
Quang Tự hoàng đế nghe thái hậu nói, dạ dạ luôn mồm rồi lảo đảo lui ra.

Khi về tới cung Kiền Thanh, hoàng đế đem tập sớ, xem xét lại một lượt nữa, mới biết bọn đàn hặc mình đông có tới hơn hai mươi tên.

Bất giác, ngài nổi giận xé nát tập sớ ra từng mảnh vụn, dậm chân uất giận, miệng gằn lên từng tiếng.
- Cái lũ thủ cựu láo xược này, nếu không trừ tuyệt chắc không thể yên giấc!
Hoàng đế càng nghĩ càng tức tối.
Qua ngày hôm sau, lúc sắp bãi chầu hoàng đế thấy có Viên Thế Khải xin vào triều kiến, thỉnh huấn để xuất binh.

Khải được cử nhiệm chức Tiểu Trạm huyện binh tổng biện do Tổng đốc Trực Lệ bảo tiến.
Quang Tự hoàng đế khuyến khích họ Viên vài câu rồi cho Viên lui ra.


Nhưng sau đó, ngài sực nhớ ra rằng mình hiện thiếu mất một tay chấp chưởng binh quyền.

Ngài tự nhủ: Khải hiện làm Luyện binh tổng biện, phải chăng là người có thể…
Nghĩ vậy, Hoàng đế vội truyền ngay dụ ra ngoài bảo Viên Thế Khải tạm hoãn việc xuất binh, vào cung Kiền Thanh kiến giá.
Viên Thế Khải nhận được chỉ dụ này, vò đầu bứt tóc mãi vẫn chẳng tìm ra manh mối, đành lại quay vào cung Kiền Thanh, có một tên thái giám đưa đường.
Chờ y ấn hành lễ xong, nhà vua nói:
- Lần này xuất kinh luyện binh, ngươi có thể dốc lòng trung với nước không?
Bị hỏi đột ngột một câu như vậy, Khải giật nẩy mình, mồ hôi toát ra như tắm, vội vã cất mũ, dập đầu tâu:
- Tiểu thần đâu dám không hết lòng trung với nước? Tiểu thần nghĩ rằng bao đời chịu hậu ân của hoàng gia, thì dù thây có nát, hồn có tan cũng không đủ để báo đáp, chứ đâu dám có dị tâm này nọ.
Quang Tự hoàng đế mỉm cười, gật đầu nói:
- Tốt lắm! Tốt lắm! Nếu ngươi có lòng vì nước trẫm sẽ giao cho ngươi một mật trát mà hành sự cẩn thận.

Về sau sự thành, tất nhiên ngươi được trọng thưởng.
Nghe đến đây, Viên Thế Khải chợt biết rằng hoàng thượng tin cậy mình, còn có một việc ký thác, mới thấy thư tâm, tiếp đón mật trát và dập đầu tạ ơn lui ra.
Khi Viên Thế Khải nhận mật trát lui ra khỏi cung Kiền Thành thì bị một tên nội giám chạy ngược chiều húc một cái mạnh vào ngay giữa ngực Khải, chút xíu nữa ngã kềnh ra đất.
Tên nội giám sợ bị tội, vội vã chạy như bay để trốn tránh.
Khải định thần trong chốc lát, nhìn theo thì đã không thấy hắn đâu nữa.
Khải đâm nghi, tự lấy làm việc lạ.

Khi về đến tư dinh, Khải đem mật trát ra đọc.

Thì ra đó là mật lệnh của Quang Tự hoàng đế sai Khải đem quân giết Tổng đốc Trực Lệ là Vinh Lộc.

Sau đó, kéo binh về kinh để quét hết cựu đảng của thái hậu.
Viên Thế Khải xem xong mật trát, lòng do dự không quyết.
Khải tự nhủ:
- Việc này đâu phải chuyện trẻ con.

Vạn nhất sự cơ không mật, quyết chịu tội diệt tộc!
Khải trằn trọc suốt đêm chẳng ngủ được, chỉ tại cái mật trát.

Khải nhớ lại cái người xô mình lúc ban ngày, khi ra khỏi cung Kiền Thanh.

Cuối cùng, Khải đặt nghi vấn, cái người quái gở đó phải chăng là tên mật thám của thái hậu?
Viên Thế Khải suy đi tính lại mãi mà vẫn chưa dám quyết bề nào.

Khải so sánh hai thế lực của thái hậu và của hoàng đế thấy rằng thế lực của hoàng đế thua tới hàng ngàn vạn lần và như thế, việc này nhất định hỏng.

Chi bằng đi đầu thú là hơn.

Chủ ý đã định, Khải lên đường ngay đêm đó ra khỏi kinh thành.
Gốc gác của Viên Thế Khải như sau: trước đấy, đã có lần làm Triều Tiên uỷ viên, rồi đến khi Vinh Lộc lên nhận chức Tổng đốc Trực Lệ, Lộc liền bảo tiến Khải làm Luyện binh tổng biện.
Khải có ba tay em út trợ lực: đó là Đoàn Kỳ Thuỵ, Phùng Quốc Chương và Vương Sĩ Trân.

Ba tay này, người đương thời đặt hiệu cho là "Lục quân tam kiệt".
Viên Thế Khải vội vã xuất kinh chạy một lèo tới Thiên Tân, đưa mật chỉ của Quang Tự hoàng đế cho Vinh Lộc xem.
Lộc xem xong cả kinh nói với Khải:
- May quá! May quá!
Nói đoạn, Lộc bảo Khải giữ ấn tín Tổng đốc Trực Lệ giùm mình, rồi ngày đêm chạy vội về kinh xin vào cung yết kiến Tây thái hậu.
Tên nội giám chạy vào thông báo.


Nhưng Lão Phật gia có chỉ ngày mai kiến giá.

Vinh Lộc vô cùng bối rối lo lắng, bảo tên nội giám:
- Việc này đâu có đợi được đến ngày mai?
Tên nội giám lại chạy vào lần nữa, Tây thái hậu thấy Lộc tử Thiên Tân về, bất chấp cả ngày đêm nài xin yết kiến, đoán biết phải có chuyện chi khẩn cấp.

Do đó, bà truyền cho Lộc vào tức khắc.
Vừa nhìn thấy thái hậu, Vinh Lộc phủ phục trên mặt đất, khóc rống lên.

Tây thái hậu cả kinh hỏi:
- Mi có chuyện chi mà khóc lóc đau khổ quá vậy?
Lộc vừa khóc vừa cất tiếng bi thiết tâu:
- Cái mạng của nô tài con chẳng kể làm chi? Có điều ngay cả Lão Phật gia tính mạng e cũng đáng ngại nữa!
Nói đoạn, Lộc cầm tờ mật trát trình lên.

Dưới ánh sáng của chiếc đèn bạch lạp, Tây thái hậu xem kỹ tờ mật trát.

Nội dung như sau:
"Trẫm đăng cơ từ lúc nhỏ tuổi, chính quyền đều do mẫu hậu nắm giữ, khiến một lũ nghịch đảng hoành hành không kiêng nể ai cả.
Đã hai mươi năm qua, Trẫm chịu hết mọi khổ cực.

Hoặc có khi chính kiến không hợp, bọn nghịch nó lại chế giễu Trẫm.
Bởi thế, Trẫm tuy có thiên hạ, nhưng thực ra chỉ có hư danh.
Nếu cứ như thế mãi, chẳng những Trẫm chỉ là trò cười cho thiên bạ mà còn mặt mũi nào nhìn thấy tiên hoàng nơi chín suối nữa? Rồi đây hậu thế cung chỉ cho Trẫm là một vì vua như nhược hèn yếu mà thôi! Càng nói Trẫm càng thấy đau lòng!
Nay Trẫm giao cho Viên Thế Khải cập kỳ xuất kinh, thống lĩnh bộ thuộc của mình, khắc kỳ khởi sự, tập sát Tổng đốc Trực Lệ Vinh Lộc, nhận ngay lấy chức khuyết, sau đó, tuỳ thời suất lĩnh quân hùng cường mạnh kéo thẳng về kinh, quét sạch nghịch đảng, bảo vệ hoàng thất, chấn chỉnh lại triều chính; chớ phụ ý Trẫm.
Khâm thử".
Tây thái hậu đọc xong, bất giác nghiến răng kèn kẹt, nói:
- Hừ! Cọp không ăn thịt người, người lại tính ăn thịt cọp.
Nói đoạn, bà bảo Vinh Lộc:
- Mi đi ngay, triệu bọn đại thần ngay đêm nay vào vườn bàn việc!
Lộc lãnh ý chỉ lật đật chạy vào Di Hoà viên, không biết còn có người vội vã hơn mình.
Số là khi Vinh Lộc chạy vào Di Hoà viên, tình cờ đã bị tên nội giám thân tín của Quang Tự hoàng đế là Khâu Liên Tài bắt gặp.

Thấy Lộc hốt hoảng, lật đật, Tài đã có lòng nghi, nhủ thầm:
- Cái thằng Vinh Lộc này hiện nay làm Tổng đốc Trực Lệ, tại sao nó lại có thể bỏ nhiệm sở tới đây một cách dễ dàng như vậy nhỉ? Việc này ý hẳn có biến cố quan trọng nào đây.
Nghĩ vậy rồi Tài liền nhẹ nhàng bám riết Lộc.

Tài nằm mép trên góc điện để nghe trộm, thấy Lộc khóc rống lên khi yết kiến thái hậu, sau đó dâng lên một tờ giấy viết nhìn gì không biết.

Chỉ vì khoảng cách quá xa, Tài không cách nào nghe nổi lời Lộc nhưng đến khi thái hậu gầm lên thì Tài nghe rõ ràng: "Mi đi ngay, triệu bọn chúng vào gấp…", và sau đó thì Lộc vội vã cà nhót chạy ra khỏi vườn.
Khấu Liên Tài được biết rõ tình hình như vậy, vội chạy về cáo cấp cho Quang Tự hoàng đế….