Tháng Ngày Giành Ảnh Đế Với Thái Tử

Chương 39: 39: Chương 38






38.
Trí tuệ.
(*) Trí tuệ: Thực ra bản gốc là "linh tính" (灵性).

Từ này khá...!vi diệu, nên mình muốn chú thích định nghĩa theo Baidu ở đây trước − (1) Chỉ trí tuệ bẩm sinh, khéo léo và tài tình của con người; (2) Chỉ sự thông minh và khôn ngoan của động vật sau khi đã thuần hóa; (3) Đề cập đến tôn giáo.

Nhưng từ "linh tính" thường thể hiện dưới dạng hai nghĩa theo tiếng Việt: (1) Năng khiếu biết trước, cảm thấy trước những việc liên quan mật thiết tới bản thân; (2) Phật giảng "Vạn vật hữu linh", động vật cũng có linh tính; hầu như không biểu đạt "linh tính" dưới nghĩa "trí tuệ".

Nhưng theo ngữ cảnh của truyện, mình xin phép dùng từ "trí tuệ" nhé.
*
Người tìm Lý Tùng Nhất là Triệu Thi Ảnh – một nữ nghệ sĩ khác dưới trướng Khang Kiều.

Bởi hạn chế về hình thể gợi cảm nên cô vẫn luôn giậm chân tại chỗ ở vai phụ, không mấy được yêu thích như Châu Gia Mậu.
Cô cũng lọt vào danh sách vòng hai của tuyển chọn "Sơn Hải Kinh: Nam Sơn", thử vai cho nhân vật nữ thủ lĩnh bộ lạc Yên La.

Nhân vật này mang hơi thở ngang tàng và quyến rũ, còn đọng lại một nét gì đó từ hình ảnh người phụ nữ của xã hội mẫu hệ*.
[1] Xã hội mẫu hệ: là dòng dõi từ tổ tiên nữ đến hậu duệ (thuộc giới tính), trong đó các cá nhân trong tất cả các thế hệ can thiệp đều là mẹ, nói cách khác là "dòng mẹ".

Trong một hệ thống dòng dõi mẫu hệ, một cá nhân được coi là thuộc cùng một nhóm gốc với mẹ của họ.
Chính Lý Tùng Nhất là người đã đề cử Triệu Thi Ảnh với Khang Kiều cho cuộc thử vai.
Ngay khi cậu nhìn thấy phần giới thiệu về Yên La trên tư liệu đã nghĩ ngay đến Triệu Thi Ảnh – "chị đại" chỉ vừa gặp mặt một lần.
Khang Kiều lúc đó đã do dự mãi: "Thi Ảnh đúng là sexy thật, nhưng thiên về thời thượng hơn.

Nó không liên quan gì tới thời nguyên thủy hết."
Lý Tùng Nhất cười: "Tôi lại thấy khuôn mặt cổ rất có tính linh hoạt, nếu tẩy lớp makeup đậm chắc còn cá tính hơn nữa."
Khang Kiều ngẫm nghĩ một lúc, cuối cùng quyết định đưa Triệu Thi Ảnh đi thử vận may, thế mà không ngờ lại lọt vào vòng trong.
Triệu Thi Ảnh đặt khá nhiều kỳ vọng vào cơ hội lần này.

Cô đã phát ngán với việc luôn tranh giành tình cảm cùng nữ chính ngoan hiền trong kịch bản "chủ tịch bá đạo yêu tôi", còn trăm phần trăm rơi vào thế thua cuộc.

Nhưng đến thôn đã hơn một ngày, đôi mắt cũng đã hiện quầng thâm mà vẫn chưa thấy thông tin gì cả.

Triệu Thi Ảnh sốt ruột, bèn gọi điện than thở với người đại diện.
Khang Kiều dặn cô đi tìm Lý Tùng Nhất.
Đôi khi Khang Kiều thấy Lý Tùng Nhất thật đáng lo ngại, song đôi khi hắn lại cảm nhận được nét "thần thánh" nào đó ẩn giấu dưới vỏ bọc đáng lo ngại kia.
Lý Tùng Nhất mời Triệu Thi Ảnh vào phòng.
Triệu Thi Ảnh thoáng nhìn Hà Gia, đoạn bảo: "Anh Khang nói nếu tôi có vấn đề gì thì tìm anh.


Hay mình ra ngoài đi dạo chút?"
Lý Tùng Nhất vừa nghe đã hiểu: "Không sao, cứ ở đây nói chuyện đi."
Hà Gia gãi đầu: "Thôi, để em ra ngoài hóng gió."
"Không cần, cậu cứ đóng cửa lại." Lý Tùng Nhất hất cằm về phía cánh cửa đang mở.

Cậu kéo ghế cho Triệu Thi Ảnh, ra hiệu cho cô ngồi xuống.

"Vụ casting à?"
Triệu Thi Ảnh cảm ơn cậu lần nữa, thái độ khiêm tốn lễ phép, khác hẳn với phong cách "chị đại" khi Lý Tùng Nhất lần đầu tiên gặp cô.
Hà Gia xoắn xuýt, đáng lý ra cậu nên tránh mặt thì hơn; nhưng thái độ thản nhiên của Lý Tùng Nhất lại khiến cậu ta xúc động.
Triệu Thi Ảnh bức bối trong lòng: "Bên đạo diễn chả nói năng gì hết, tôi không biết phải làm sao nữa."
Lý Tùng Nhất mỉm cười: "Cô cho rằng đạo diễn tính làm gì?"
Triệu Thi Ảnh đáp: "Tôi có nói chuyện với mấy người thử vai khác.

Tụi tôi đều thấy đạo diễn đang kiểm tra bí mật, ngặt nỗi lại không tìm thấy manh mối nào cả."
Lý Tùng Nhất đột nhiên hỏi: "Cô đọc "Sơn Hải Kinh" chưa?"
"Tôi đọc rồi." Triệu Thi Ảnh dở khóc dở cười.

"Hồi Tết, tôi còn mời giáo viên phụ đạo nữa."
Lý Tùng Nhất hỏi: "Vậy cô nghĩ "Sơn Hải Kinh" là cuốn sách như thế nào?"
Triệu Thi Ảnh nghiêng đầu suy nghĩ chốc lát, "Thầy nói nguyên bản là một quyển sách về sinh vật kỳ dị.

Nhưng trải qua nhiều niên đại, không phải toàn bộ trong đó đều là quái vật nữa.

Sở dĩ miêu tả man rợ vì người cổ đại thiếu vốn từ, chỉ có thể ghi lại từ những tri thức hiện có, do đó không có cách nào miêu tả chính xác những sinh vật thường thấy.

Chẳng hạn như "dưới nước nhiều cá nghệ*; nó có mình cá đầu chó, phát ra âm thanh như đứa trẻ và còn háu ăn vô độ".

Thoạt nghe thì đáng sợ, nhưng đó chỉ là con hải cẩu mà thôi."
[2] Cá nghệ (鮨鱼): một con quái vật có thân cá, đuôi cá và đầu chó; phát ra âm thanh như đứa trẻ.

Ăn thịt nó có thể chữa bệnh điên.

Nhưng Hác Y Hành tin rằng "cá nghệ" là hải cẩu ngày nay.

Dưới đây là bức tranh trích từ "Bộ sưu tập sách cổ và hiện đại – Khoa tổng hợp – quyển thứ 149".
Lý Tùng Nhất cười mỉm, có thể thấy Triệu Thi Ảnh thực sự đã nỗ lực rất nhiều cho vai diễn trong "Sơn Hải Kinh".

"Ngoài ra trong sách còn nói "thường có hai đầu, một đầu ở Bắc và đầu còn lại ở nước quân tử*", có lẽ là chỉ cầu vồng.

Thành ra nhiều học giả hiện nay tin rằng, "Sơn Hải Kinh" là một công trình địa lý có giá trị lớn trong những ngày đầu." Triệu Thi Ảnh nói.
[3] Nước quân tử (君子国): là nơi mọi người đều có đạo đức tốt, trong truyền thuyết xưa.
Lý Tùng Nhất búng tay: "Ừ, đúng rồi.

Mấu chốt là ở đây, công trình địa lý.

"Sơn Hải Kinh" đại diện cho sự nhận thức và khám phá thiên nhiên đầu tiên của con người.

Dù có vài nội dung cực kỳ hoang đường và kỳ cục, nhưng những thần thoại này đã phản ánh tư duy đơn giản và thô sơ ở mức độ nào đó.

Họ sợ thiên tai và chết chóc, nên đã xây dựng các mẩu chuyện thần thoại.

Họ chầm chậm tìm tòi và khám phá thế giới xung quanh với mong muốn lý giải tự nhiên.

Họ dùng vốn từ hạn hẹp của mình để ghi lại quá trình thay đổi bản chất trong lúc thích nghi với chúng.

Đây, là ý nghĩa nhân văn của Sơn Hải Kinh."
Hà Gia mê mẩn lắng nghe.
Triệu Thi Ảnh chớp mắt: "Nhưng việc này liên quan gì đến buổi casting chứ?"
"Tôi đã nghiên cứu các tác phẩm trước đây của tổng đạo diễn.

Và từ chúng, tôi nhận ra ảnh là một người theo đuổi trí thức." Lý Tùng Nhất chẳng hề giấu giếm ánh mắt thưởng thức trước tài năng của Vương Thủy Hoán.

"Tôi nghĩ nếu đã nhận lời quay "Sơn Hải Kinh", vậy chắc chắn đạo diễn không mù quáng theo đuổi hiệu ứng hình ảnh.

Thay vào đó là hết sức chú trọng vào nội hàm."
"Nội hàm?" Hà Gia vô thức nói chen vào.
Đôi mắt của Lý Tùng Nhất như thể sáng lên dưới ngọn đèn leo lắt, dường như có điều gì đó huyền ảo thoảng qua nơi ấy: "Nội hàm, chính là trí tuệ.

Vạn vật như con người, dã thú cũng có trí tuệ.

Nó biết cỏ nào ăn được, nấm nào có độc và thực vật nào có thể chữa lành vết thương.

Nó khắc sâu nhận thức nông cạn này vào máu thịt, rồi truyền từ đời này sang đời khác.


Sự khác biệt lớn nhất giữa con người với dã thú là trí tuệ này phức tạp hơn, sâu sắc hơn, chủ động hơn và mở rộng hơn; do đó cũng vững chắc và lâu đời hơn.

"Sơn Hải Kinh" là một bức tranh miêu tả trong thời đại khi dân trí còn mông muội, nhưng trí tuệ đang dần nảy nở."
"Trí tuệ nảy nở?" Triệu Thi Ảnh cái hiểu cái không.

"Thế là muốn chúng ta biểu hiện "trí tuệ nảy nở"? Khái niệm này mơ hồ quá, làm sao thể hiện trí tuệ đây?"
"Hôm nay tôi cũng mới được truyền cảm hứng.

Trí tuệ tuy khó nắm bắt, nhưng nó ở khắp mọi nơi." Lý Tùng Nhất nói cách thản nhiên.

"Nói về thứ gần gũi nhất đi.

Cô không thấy biến cây gai thành sợi, dệt thành quần áo là một việc rất trí tuệ sao? Một cây gai xanh tốt bị tuốt vỏ, đập dập, luộc nước, tước nhỏ, phơi khô...!Trải qua nhiều quy trình phức tạp mới trở thành chiếc áo trên người chúng ta, đây chính là dòng chảy của trí tuệ đấy."
Triệu Thi Ảnh và Hà Gia ngớ ra.
"Tôi không biết chính xác trí tuệ là gì.

Có lẽ đạo diễn cũng không biết giải thích cảm giác mà ảnh muốn như thế nào, nên mới có buổi casting hài hước này." Lý Tùng Nhất lắc đầu cười.

"Khi tận mắt chứng kiến những quy trình đó, cô ắt tự hỏi —— Rốt cuộc môi trường nào mới khiến con người tìm thấy sự tồn tại của sợi gai từ một loài thực vật nhỏ bé? Rốt cuộc áp lực sinh tồn và khát vọng sống lớn thế nào mới bức bách con người phải thuần hóa gia súc và lúa gạo.

Để rồi, khi họ phát hiện những điều kỳ diệu này lại có tâm trạng gì...!Có lẽ trong quá trình tự hỏi, cô sẽ nhận ra sự tồn tại của trí tuệ."
Lý Tùng Nhất cảm thấy mình nói quá nhiều song chẳng được bao nhiêu, mọi thứ vẫn cứ mông lung lắm.
Triệu Thi Ảnh còn chóng mặt hơn lúc vừa đến, trong đầu như có một lớp sương mù bao phủ.

Nhưng cô có cảm giác chắc chắn rằng, mình sẽ tìm thấy một món quà bất ngờ sau khi vượt qua hàng rào sương mù kia.
Triệu Thi Ảnh tạm biệt Lý Tùng Nhất rồi trở về phòng, chìm vào dòng suy nghĩ miên man.
Hà Gia cũng giống cô, đại khái là trầm tư bên mép giường; đến khi cậu ta muốn lên tiếng mới phát hiện giường đối diện chẳng có ai.
Hà Gia giật mình, sau đó nghe thấy tiếng nước chảy ào ào trong phòng tắm.
Không biết Lý Tùng Nhất tự khi nào đã vào đó, cậu ta thậm chí chẳng nhận ra tiếng bước chân.
Lý Tùng Nhất khoác áo ngủ màu xám bước ra ngoài, mái tóc hãy còn đẫm nước.

Cậu lấy khăn xoa đầu vài lần, đoạn ngồi xổm sấy tóc.
Hà Gia nghe loáng thoáng Lý Tùng Nhất thổn thức trong tiếng gió u u: "Đây cũng là trị tuệ nè, chế tạo hẳn một cái máy đặc biệt chuyên sấy khô tóc."
Hà Gia xấu hổ, thấy mình chẳng có ý thức giác ngộ trí tuệ mọi lúc mọi nơi như Lý Tùng Nhất.
Lý Tùng Nhất vuốt thẳng mái tóc đen dày trước gương, rồi lại cảm thán: "Trí tuệ đỉnh cao nhất vẫn là định nghĩa của con người về đẹp và xấu.

Chẳng hạn, khuôn mặt này của tôi được xếp vào hàng mỹ nhân ngàn năm có một."
Hà Gia sững người, song cuối cùng đã tìm được cơ hội trò chuyện với Lý Tùng Nhất: "Hôm nay nói trước mặt em mấy thứ này, không sợ em cướp văn của anh ạ?"
"Hửm?" Lý Tùng Nhất quay đầu.

"Không sợ, tôi cố tình tạo điều kiện cho cậu học hỏi đấy."
"Tại sao ạ?" Hà Gia khó hiểu.


"Anh nói chúng ta là đối thủ mà?"
"Vì tôi cố tình đánh lừa cậu.

Cô gái ban nãy là diễn viên quần chúng, giá hai trăm à." Lý Tùng Nhất nói, giọng điệu đứng đắn.
"Nữ thần Triệu Thi Ảnh của biết bao thằng đàn ông chỉ được thuê với giá hai trăm?" Hà Gia sửng sốt, đại não không kịp nhảy số theo chân Lý Tùng Nhất.
Lý Tùng Nhất bật cười đi tới, chẳng biết sao lại vỗ vai Hà Gia.

Đoạn cậu trở về giường, bước vào thói quen ngủ sớm dậy sớm của người già.
Hà Gia tự hỏi, sao vẻ mặt kia của anh Tùng Nhất hệt như khi trông thấy đứa trẻ bị khuyết tật trí tuệ vậy?
*
Hôm sau trời vừa rạng sáng, bên ngoài nhà kính trồng cây gai đã chật ních các nghệ sĩ.
Nhân viên bối rối gãi ót, nhưng vẫn mừng rơn vì có người tước sợi gai giúp mình.

Anh ta thầm nghĩ, hóa ra cảm giác là trung tâm của vũ trụ ngộ nghĩnh vậy ư?
Triệu Thi Ảnh và Hà Gia đều nhớ kỹ những lời Lý Tùng Nhất đã nói.

Họ vừa nhìn anh nhân viên vừa tập tước sợi gai, nghiễm nhiên không thể trong một sớm một chiều cảm nhận được sự phi thường của trí tuệ.

Họ ra bờ sông nhìn dân làng thực hiện quy trình "tẩy trắng cây gai", nhìn dòng sông biếc cuốn trôi những mảnh vụn của diệp nhục; và nhìn đôi tay thoăn thoắt khi tước sợi gai thành từng mảnh, sau đó xoắn chúng thành những cuộn tròn.
Họ nhìn từ ngày này qua ngày khác đến mức nằm mơ vẫn thấy mình đang tước sợi gai.
Chỉ là có thứ gì đó đang dần lóe lên trong màn sương mù dày đặc.
Lý Tùng Nhất vừa nhận "tin chiến thắng" từ Thai Hành, doanh thu phòng vé của "Chết đi sống lại" lúc công chiếu chỉ đạt năm trăm vạn; nhưng đến ngày thứ năm, doanh thu lại đạt ba ngàn vạn.

Rạp chiếu phim toàn nước đã gia tăng suất chiếu, ước chừng tổng doanh thu phòng vé khoảng ba trăm triệu.

Và bây giờ, Douban đang ổn định ở mức 8,4.
Lý Tùng Nhất vừa lên mạng đã trông thấy những đánh giá tích cực về "Chết đi sống lại".

Nhiều nhà phê bình nổi tiếng đã nhận xét bộ phim này mô phỏng theo phong cách "thẩm mỹ trong bạo lực" của Quentin*, nhưng tuyệt nhiên chẳng phải là một tác phẩm ăn theo sáo rỗng.

Nó đã kết hợp với bối cảnh trong nước nhằm che giấu tính bạo lực hết mức có thể, đồng thời còn tôn lên nét thẩm mỹ một cách độc đáo.
[4] Quentin Jerome Tarantino: là nhà làm phim và nam diễn viên người Mỹ.

Các tác phẩm điện ảnh của ông nổi bật bởi cốt truyện phi tuyến tính, miêu tả nét thẩm mỹ trong yếu tố bạo lực, những phân cảnh đối thoại mở rộng, dàn diễn viên hùng hậu, những mối liên hệ đến văn hóa đại chúng và hàng loạt bộ phim khác.
Hơn nữa, khu vực Đông Nam Á hoang vu với địa hình phức tạp đã nhuộm sắc màu bí ẩn cho toàn bộ cảnh quay.

Và dưới ống kính của đạo diễn, nó đã tạo ra hiệu ứng hình ảnh tuyệt mỹ.
Dòng phim với khí chất điện ảnh độc nhất vô nhị này, nếu diễn viên không biết cách hold thì khó trở thành một tác phẩm nổi bật.

Thai Hành đã duy trì một cách hoàn hảo mạch cảm xúc toàn phim, thậm chí đạo diễn còn nói rằng —— Kỹ năng diễn xuất điêu luyện của Thai Hành đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho anh, và cũng khiến anh triển khai chúng tốt hơn những gì mình tưởng tượng.
Chính những nhận xét này đã thu hút nhiều bạn trẻ đến rạp cốt xem một bộ phim với đề tài vẫn còn lạ lẫm với người trong nước, để rồi có được những trải nghiệm mới lạ.
"Chết đi sống lại" đã trở thành phim yêu thích của một bộ phận nhỏ những người hâm mộ điện ảnh, khơi dậy tình yêu cuồng nghiệt của họ với nền giải trí nước nhà.
Cái tên Thai Hành, rốt cuộc đã có thể được người người ca ngợi mà không dính vầng sáng của ai..