Thử thách cuối cùng mà Eurysthée giao cho Héraclès là phải đoạt được những quả táo vàng của những tiên nữ Hespérides đem về. Chuyện xưa kể rằng, cây táo vàng có quả vàng này vốn là của nữ thần Đất-Gaia vĩ đại, mẹ của muôn loài. Gaia đã đem cây táo vàng này tặng cho nữ thần Héra làm quà mừng ngày nữ thần Héra kết hôn với đấng phụ vương Zeus. Héra vô cùng sung sướng trước tặng vật quý. Nàng đem cây táo về trồng ở một khu vườn của mình, một khu vườn rất thâm nghiêm cách không xa nơi thần Atlas giơ vai chống đội bầu trời. Để ngăn ngừa những người lạ, nhất là những người con gái của Atlas hay lui tới chơi ở khu vườn này, thấy chùm táo đẹp hái đi mất, nữ thần Héra giao khu vườn cho một con rồng tên là Ladon canh giữ, một con rồng có tới một trăm cái đầu. Có người kể không phải là Ladon có một trăm đầu mà chỉ có một thôi, nhưng đặc biệt là nó không lúc nào ngủ cả. Mắt lúc nào cũng mở trừng trừng. Cẩn thận hơn, Héra còn giao cho ba chị em tiên nữ Nymphe có một cái tên gọi chung là Hespérides hoặc những tiên nữ Chiều hôm, trông coi.
Nhưng vườn táo này ở đâu? Ở biển Đông hay biển Mặt trời lặn? Ở trong vùng sa mạc cát nóng hay dưới chân những ngọn núi tuyết phủ quanh năm. Người kể thì nhiều nhưng người đi thì xem ra chưa thấy có một ai. Héraclès lặn lội từ châu Âu sang châu Á để hỏi đường. Chẳng một ai biết cả. Chàng phải đi ngược lên đến tận miền cực bắc nơi có con sông Éridan quanh năm nước réo sóng gào. Tại đây chàng được các nàng Nymphe nói cho biết: phải tìm được lão thần Biển-Nérée mới có thể hỏi được đường. Trên đường đi xảy ra không ít chuyện lôi thôi phiền toái. Một hôm Héraclès đang đi thì gặp một gã cực kỳ to lớn khỏe mạnh. Chàng cất tiếng chào và hỏi đường, thì quái thay, gã chẳng chào lai Héraclès mà lại giở giọng xấc xược bắt khai báo lai lịch và thách chàng giao đấu. Bực mình, Héraclès giáng cho hắn một chùy, hắn không đỡ nổi, về chầu thần Hadès tức thời. Nhưng chưa hết, thần Chiến tranh-Arès, cha đẻ ra gã hiếu chiến đó xông tới trả thù cho con, đứa con mang tên là Cycnos, Arès nhằm cổ Héraclès phóng một ngọn lao. Nữ thần Athéna lái cho ngọn lao đó phóng trả. Ngọn lao bay vút đi cắm vào đùi thần Chiến tranh-Arès. Vị thần này giật bắn mình lên, gào rống vang động cả trời xanh rồi ba chân bốn cẳng chạy thẳng một mạch về đỉnh Olympe không còn tơ tưởng gì đến chuyện rửa hờn cho thằng con ngỗ ngược của mình nữa.
Héraclès đi tìm thần Biển-Nérée, tìm mãi, tìm mãi mới thấy ông già đầu bạc này đang ngồi trầm ngâm ở bờ biển. Héraclès liền xông tới túm chặt lấy ông già. Nhưng đâu có phải bắt được Nérée là xong việc. Ông già của biển cả này biến hóa thần hình vạn trạng. Nhưng dù có biến hóa thành các con vật gì gì đi nữa, Héraclès cũng không nản chí.
Chàng cứ bám chặt lấy ông già cho đến phút cuối cùng ông già không còn biến hóa thành một giống vật gì nữa, đành phải chấp nhận chỉ đường cho Héraclès. Và chỉ đến lúc ấy đôi bàn tay sắt của Héraclès mới nhả ông già Nérée con của vị thần Lay chuyển Mặt đất-Poséidon vĩ đại ra.
Héraclès tiếp tục cuộc hành trình. Chàng phải băng qua vùng sa mạc nóng như thiêu như đất của xứ Libye. Lại một vụ xung đột nữa xảy ra. Antée vị thần khổng lồ có sức mạnh ghê gớm là con của thần Poséidon có cây đinh ba gây bão tố và của nữ thần Đất-Gaia vĩ đại, mẹ của muôn loài, đã chặn đường đi của chàng. Antée có sức mạnh bạt núi ngăn sông, dời non lấp biển. Sở dĩ có sức mạnh như thế là vì Antée không ăn bánh mì như những người trần thế. Nhưng Antée cũng không uống rượu thánh và ăn những thức ăn thần như các bậc thần linh. Antée sống bằng thịt sư tử. Antée có thói ỷ sức mạnh chặn đường khách bộ hành thách giao đấu. Gặp ai qua lại trên vùng sa mạc Libye y đều chặn lại và thách đấu, đúng hơn là giết chết.
Y giết người để thực hiện một lời hứa với cha mình: dựng cho thần Poséidon một ngôi đền làm toàn bằng sọ người. Chưa từng một người nào gặp Antée mà thoát chết. Sọ của những người bị giết chất đống lại chờ ngày xây đền.
Cuộc giao đấu giữa Héraclès với Antée diễn ra vô cùng quyết liệt. Ba lần Héraclès quật Antée ngã xuống đất, bóp cổ, nện chùy tưởng Antée chết hẳn thế mà chỉ thoáng một cái Antée lại bật dậy tiếp tục giao đấu với Héraclès. Thì ra Antée có một điều bí mật như một lá bùa hộ mệnh. Đó là nhờ thần Đất mẹ-Gaia. Sở dĩ không ai chiến thắng được Antée là vì y gắn bó với thần Đất mẹ. Chính vị nữ thần này đã luôn luôn tiếp sức cho đứa con trai của mình, gắn bó với con trai của mình không rời một bước, làm cho nó hồi sinh khi bị tử thương. Tìm ra được điểm mạnh đó của Antée, Héraclès quyết loại trừ nó. Lừa một miếng sơ hở, Héraclès gồng bổng Antée lên cho chân lìa khỏi mặt đất rồi chàng xoay ngược đầu Antée xuống cho gối lên đùi chàng, và cứ thế chàng bóp cổ. Lần này thì Antée chết thật, chết không cách gì cứu vãn được. Nữ thần Đất mẹ-Gaia không tiếp sức được cho đứa con trai ghê gớm của mình đành chịu để nó thiệt phận trong đôi tay rắn như sắt của Héraclès.
Ngày nay trong văn học thế giới, Antée trở thành một biểu tượng chỉ sự gắn bó với cội nguồn thân thiết, với quê hương, với tổ quốc, với những giá trị thiêng liêng tạo ra sức sống của một con người, của một lực lượng xã hội.
Héraclès đặt chân đến một xứ sở mới: đất nước Ai Cập. Sau một chặng đường dài mệt mỏi, Héraclès tìm một bụi cây chui vào ngủ. Và chàng đã ngủ thiếp đi một giấc đài ngay trên bờ sông Nile. Vua Ai Cập tên là Busiris trong lúc dạo chơi đã trông thấy Héraclès, một người lạ mặt xem ra vừa mới đặt chân tới đất nước này. Thật là một dịp may hiếm có. Nhà vua ra lệnh cho quân lính bắt trói ngay Héraclès lại. Tại sao lại có chuyện đối xử kỳ quặc như thế đối với người khách lạ? Nguyên do như sau: Vua Busiris vốn là con của thần Biển-Poséidon và nữ thần Lysianassa. Có người nói, nhà vua không phải là con của Poséidon mà là con của Égyptos. Còn nữ thần Lysianassa là con của thần Épaphos. Hai vợ chồng nhà vua đang sống với nhau rất êm ấm hạnh phúc, lại cai quản một đất nước rộng lớn và giàu có được các nước láng giềng xung quanh rất vì nể, bỗng đâu sinh chuyện. Duyên do là bữa kia nhà vua nảy ra một ý định táo bạo gớm ghê, bắt ba chị em tiên nữ Hespérides về làm vợ. Sở dĩ các nàng có một cái tên chung như vậy là vì mẹ nàng là Hespéris. Busiris cho một đoàn quân gồm toàn những tên cướp biển sừng sỏ đến vây bắt ba chị em Hespérides. Nhưng hành động phạm thượng của nhà vua đã bị các thần trừng phạt. Lũ cướp biển không thể đặt chân tới được khu vườn cấm thiêng liêng. Tai họa xảy ra liên tiếp trên dọc đường đi đến nỗi đoàn quân tan rã. Chưa hết, thần Zeus còn giáng một tai họa nặng nề gấp bội: nạn hạn hán xảy ra và xảy ra liên tiếp, kéo dài suốt chín năm liền. Con dân đất nước Ai Cập rên xiết trong cảnh đói khổ. Vua Busiris chỉ còn biết mỗi cách là cho mời một nhà tiên tri danh tiếng đến để xem xét và phán truyền. Phrasios từ đảo Chypre được mời đến. Theo Phrasios, muốn làm thần Zeus nguôi giận, giải trừ mọi tai họa thì từ nay trở đi mỗi năm nhà vua phải bắt một người nước ngoài làm lễ hiến tế. Tuân theo lời phán truyền nghiêm ngặt của Phrasios, nhà vua Busiris ra lệnh cho quân lính bắt ngay nhà tiên tri và làm lễ hiến tế thần Zeus mở đầu cho các lễ hiến tế sau này. Và bây giờ đến lượt Héraclès.
Héraclès bị giải đến trước bàn thờ. Chàng cựa mình, giật đứt tung những dây rợ trói chàng rồi xông tới giáng cho Busiris một trái đấm. Busiris ngã lăn ra chết. Con trai của nhà vua tên là Amphidamas chạy tới trả thù cho cha cũng bị Héraclès kết liễu gọn số phận.
Có người kể chuyện này hơi khác. Héraclès đến khu vườn của chị em Hespérides thì gặp lúc bọn cướp của Busiris bao vây. Tình cảnh hết sức nguy ngập. Héraclès không thể chần chừ. Chàng xông vào bọn cướp và đánh tan chúng. Các tiên nữ Hespérides cảm kích trước hành động hào hiệp của chàng, sau khi nghe chàng bày tỏ nguyện vọng, đã tự tay hái những quả táo vàng trao cho chàng.
Thoát khỏi lễ hiến tế của nhà vua Busiris, Héraclès lại tiếp tục cuộc hành trình. Nhiều nỗi gian nguy, nhiều cuộc xung đột mà Héraclès đã phải đương đầu. Cuối cùng chàng tới được vùng núi Caucase. Tại đây, chàng lập được một chiến công hiển hách lưu danh hậu thế. Chúng ta chắc chưa ai quên chuyện Prométhée bị Zeus trừng phạt. Trên đỉnh cao chót vót của một ngọn núi trong dãy Caucase, thần Zeus đã cho lũ tay sai đao phủ đóng đanh xiềng Prométhée vào núi đá, thần Zeus còn ngày ngày sai một con ác điểu, một con đại bàng mỏ quắm móng nhọn tới mổ bụng ăn gan Prométhée. Nhưng buồng gan của Prométhée là bất tử. Nó bất tử như Titan Prométhée. Vì thế ban ngày buồng gan bị con ác điểu ăn đi thì ban đêm nó lại mọc lại nguyên vẹn, tươi mới như chưa hề bị thương tổn. Prométhée đã dũng cảm chịu đựng cực hình như thế hàng bao thế kỷ. Hàng bao thế kỷ trôi qua nhưng Prométhée vẫn không hề khuất phục Zeus.
Héraclès đến. Chàng nhìn thấy vị thần ân nhân của loài người bị xiềng trên đỉnh núi cao chót vót và những cánh chim đang chấp chới, lượn lờ. Có lẽ giờ đây con đại bàng do Zeus phái đến đang moi khoét tấm gan của vị thần ân nhân của loài người. Héraclès leo lên đỉnh núi. Kia rồi cảnh tượng thương xót và tàn nhẫn ấy đang diễn ra như chọc vào mắt chàng. Không phải đắn đo suy nghĩ gì, Héraclès giương cung và buông dây. Tách một cái, con đại bàng ngã quay xuống đất. Chàng chạy lại chặt tung xiềng xích giải phóng cho Prométhée. Thế là hết, chấm hết vĩnh viễn từ đây cuộc đời khổ nhục bị xiềng xích vào ngọn núi đá cô quạnh này. Prométhée vươn vai sảng khoái đón chào cuộc sống mới tự do. Đền ơn người anh hùng đã giải phóng cho mình, Prométhée nói cho Héraclès biết, chàng không thể tự tay hái lấy những quả táo vàng được. Việc này phải nhờ tay thần Atlas mới xong.
Héraclès tới xứ sở của chị em Hespérides. Chàng gặp vị thần Atlas đang khom lưng giơ vai chống đội bầu trời, đầu cúi gục, nhọc nhằn, mệt mỏi. Đó là hình phạt của Zeus đối với Atlas vì vị thần này xưa kia can tội đứng về phía những Titan, những vị thần già chống lại thần Zeus. Héraclès cất tiếng nói:
- Hỡi thần Atlas, một Titan con của Ouranos bao la và của Gaia vĩ đại, đang phải chịu khổ hình! Ta là Héraclès con của đấng phụ vương Zeus đến đây để làm một việc không phải do trái tim ta muốn. Nhà vua Eurysthée, người được nữ thần Héra sùng ái, sai ta đi lấy những quả táo vàng ở khu vườn cấm do ba tiên nữ Hespérides trông coi. Xin Titan Atlas hãy giúp ta việc này vì ta chẳng thể trở về Mycènes khi trong tay không có những quả táo đó.
Thần Atlas đáp lại:
- Hỡi Héraclès, người con trai danh tiếng của thần Zeus, vị thần đã đầy đọa ta vào cảnh khổ nhục như thế này! Ta sẵn sàng giúp đỡ nhà ngươi. Nhưng ai sẽ thay thế ta chống đỡ bầu trời? Nhà ngươi liệu có thể thay ta làm việc đó khi ta đi lấy về cho nhà ngươi ba quả táo vàng do ba chị em nàng Hespérides trông coi không? Nếu được, ngươi hãy ghé vai vào đây thay ta đảm đương công việc trong chốc lát.
Héraclès nhận lời, ghé vai vào giơ lưng ra chống đỡ bầu trời. Một sức nặng gớm ghê, chưa từng thấy, đè lên vai và lưng người con trai của thần Zeus vĩ đại. Gân cốt trong người chàng như căng ra. Khỏe mạnh như chàng mà khi ghé vai vào chống đỡ cũng còn loạng choạng. Mồ hôi đổ ra như tắm. Nhưng nữ thần Athéna lúc nào cũng ở bên người con trai yêu quý của thần Zeus để truyền thêm sức lực cho chàng. Nhờ thế Héraclès đứng vững cho đến khi Atlas trở về. Atlas đi đến bên chàng và bảo:
- Hỡi Héraclès! Ta đã lấy được ba quả táo vàng đem về cho nhà ngươi đây! Thật là những quả táo quý vô ngần. Mà thôi, tiện đây ngươi hãy để ta mang luôn những quả táo này về Mycènes cho Eurysthée. Ngươi chịu khó chờ ta một lát vì ta đi rất nhanh. Đối với các vị thần bao giờ vượt núi băng rừng qua sông cũng nhanh chóng và dễ dàng hơn những người trần bấy yếu.
Héraclès đoán ngay được ý đồ đen tối của thần Atlas. Chàng tươi cười bảo Atlas:
- Hỡi vị thần Atlas! Thật là quý hóa! Ta không biết dùng những lời lẽ gì để tỏ lòng biết ơn vô hạn của ta đối với sự giúp đỡ tận tình của Người. Nhưng trước khi Người đi tới đô thành Mycènes đầy vàng bạc, xin Người hãy ghé vai đỡ cho ta một lát để ta kiếm tấm áo, tấm da lót vào vai cho đỡ đau, đỡ rát.
Atlas liền làm theo lời Héraclès. Héraclès chuồi nhanh ra khỏi gánh nặng bầu trời. Chàng nhặt ba quả táo vàng cho vào đẫy rồi đeo ống tên và cây cung lên vai, thanh gươm vào bên sườn, đoạn cầm lấy cây chùy gỗ. Và chàng từ biệt Atlas:
- Hỡi Atlas! Xin kính chào Người. Héraclès này chẳng thể nào mắc lừa Người đâu. Xin Người đừng giận! Có lẽ nào ta lại giơ vai ra chống đỡ bầu trời để chịu đựng cái cực hình mà thần Zeus dành riêng cho Người.
Héraclès trở về Mycènes. Chàng dâng những quả táo vàng mà chàng phải lặn ngòi ngoi nước, vượt núi băng rừng trải qua bao gian nguy vất vả mới đem được về cho Eurysthée. Nhưng Eurysthée chẳng biết dùng những quả táo đó vào công việc gì. Y nghĩ đi nghĩ lại rồi cuối cùng cho phắt ngay Héraclès. Héraclès đem dâng cho nữ thần Athéna để bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với vị thần đã bảo hộ mình. Còn nữ thần Athéna, nàng lại đem trả ba quả táo vàng về khu vườn thiêng liêng do ba tiên nữ Hespérides trông coi vì báu vật của thần thánh không thể vương vãi vào tay người trần phàm tục.
Thế là chấm hết mười hai năm Héraclès phải làm đầy tớ cho Eurysthée. Nhưng mười hai năm cực nhục gian truân vất vả đó cũng là mười hai năm của chiến công vinh quang chói lọi khiến cho danh tiếng của Héraclès, người anh hùng vĩ đại, con của Zeus, khắc sâu vào trí nhớ của thế hệ này sang thế hệ khác.
Có một chuyện cần nói thêm cho rõ nếu không ắt hẳn người nghe thắc mắc. Ấy là truyện Persée, Atlas đã bị Persée dùng đầu ác quỷ Méduse biến thành đá mà sao ở chuyện này Atlas vẫn là một vị thần khỏe mạnh, tinh khôn đi lấy những quả táo vàng về cho Héraclès và toan lừa Héraclès chống đỡ bầu trời thay cho mình? Thật khó mà giải đáp cái “vô lý” đó được. Nhưng xét ra thì truyện thần thoại vốn dĩ đã có nhiều cái “vô lý”, lại mỗi người, mỗi nơi, mỗi thời kể mỗi khác cho nên cái “vô lý” đó trở thành cái “có lý” của truyện thần thoại. Và chúng ta khi thưởng thức thần thoại buộc phải chấp nhận cái “vô lý” đó.
Ngày nay, trong văn học thế giới có thành ngữ Khỏe như Hercules hoặc Héraclès (Robuste, fort, colossal comme Hercule, C’est un Hercule, force herculéenne). Cái tên riêng Hercules trở thành danh từ chung hoặc tính từ chỉ những người có thân hình cường tráng, khỏe mạnh, đẹp đẽ nở nang đồng nghĩa với lực sĩ, dũng sĩ. Còn Công việc của Hercules (Travaux d’Hercule), Kỳ công của Hercules hoặc Héraclès (Exploits d’Hercule) chuyển nghĩa chỉ một công việc gì đó đòi hỏi phải có sự cố gắng, nỗ lực phi thường thì mới có thể hoàn thành được. Từ đó mở rộng nghĩa ra chỉ những công việc gì hết sức khó khăn; gian khổ. Cây chùy của Hercules hoặc Héraclès (La massue d’Hercule)167 tượng trưng cho một vật gì gắn bó thân thiết với, một vật không thể tách rời được với; đồng thời nó cũng có một ý nghĩa tượng trưng chỉ một vũ khí ưu việt, một biện pháp tối ưu, hữu hiệu (trong quan hệ so sánh đối lập). Cột của Hercules (Arriver aux colonnes d’Hercule) chuyển nghĩa chỉ giới hạn cuối cùng, mức độ cuối cùng.
Trong gia tài thần thoại Hy Lạp có rất nhiều chuyện anh hùng, dũng sĩ nhưng không có một câu chuyện nào kể về một người anh hùng kiệt xuất như Héraclès, kiệt xuất ở chỗ: lập được nhiều chiến công, những chiến công đó lại to lớn và phi thường, hơn nữa lại có ý nghĩa sâu sắc. Héraclès, trước hết cũng như những người anh hùng khác, đã diệt trừ quái vật, ác thú đem lại cuộc sống yên lành cho nhân dân. Nếu có khác những vị anh hùng khác thì chỉ là ở chỗ, Héraclès đã diệt trừ nhiều quái vật, nhiều ác thú hơn. Nhưng Héraclès còn lập được những chiến công mà chưa từng có một người anh hùng nào lập được.
1 - Héraclès đã nắn lại dòng sông Alphée và Pénée để cho nước xối xả chảy vào dọn sạch băng chuồng bò của Augias. Héraclès đã dời non xẻ núi tạo ra eo biển Gibrantar, khai thông Địa Trung Hải với Đại Tây Dương. Nhưng chưa hết, táo bạo hơn cả là chiến công đoạt những quả táo vàng của cái tiên nữ Hespérides. Nhìn qua thì ta thấy dường như chiến công này chẳng có gì khác thường. Người anh hùng không phải đem sức mạnh ra để giao đấu với một gã khổng lồ hay một con quái vật nào. Héraclès chỉ ghé vai gánh đỡ, chống đội bầu trời hộ vị thần khổng lồ Titan Atlas một lát để thần đi lấy những quả táo vàng về cho chàng. Chỉ có thế thôi song quả thật là táo bạo và phi thường. Con người đã chinh phục thiên nhiên, cải tạo thiên nhiên bắt thiên nhiên phục vụ cho mục đích của mình. Nhưng cái thiên nhiên núi, sông, biển chỉ là cái thiên nhiên gần gụi với con người. Còn một cái thiên nhiên nữa, xa hơn với con người, là vũ trụ. Và cái thiên nhiên này là độc quyền của thần thánh: chỉ có thần khổng lồ Titan Atlas mới có đủ sức chống, đội bầu trời. Thế nhưng Héraclès, con người, dám cả gan, táo tợn đến mức dám thay hẳn thần thánh để chống đội bầu trời. Hành động đó của Héraclès rõ ràng là sự chấp nhận cuộc đọ sức với thiên nhiên-vũ trụ, chấp nhận sự thách thức của thiên nhiên-vũ trụ. Nhưng con người chỉ đủ sức chống, đội bầu trời được trong chốc lát thôi. Đúng, chỉ chốc lát thôi, nhưng dù sao con người đã dám làm và cũng đã làm được. Đúng, chỉ có chốc lát thôi song quả là một chiến công phi thường. Một chiến công tiên báo cho ngành khoa học vũ trụ của thế kỷ XX.
2 - Héraclès đã sang tận miền biển cực Tây là nơi chưa ai đặt chân tới, đã xuống âm phủ bắt chó ngao Cerbère. Héraclès đã đi rất nhiều nơi từ Đông sang Tây, có thể chưa từng có một vị anh hùng nào đi nhiều và đi xa như Héraclès. Tất cả những điều đó phản ánh khát vọng của con người muốn khám phá, chinh phục thế giới xung quanh, muốn vượt ra ngoài phạm vi sinh sống chật hẹp của chế độ công xã thị tộc.
3 - Héraclès đã giải phóng cho thần Prométhée, vị thần ân nhân của loài người, vì hạnh phúc của loài người mà bị xiềng xích, đày đọa tra tấn nhục hình. Như vậy là con người đã giải phóng cho thần thánh. Nhưng thần thánh đây chỉ là thần Prométhée. Con người phải giải phóng cho Prométhée chính là con người giải phóng cho con người. Sứ mạng giải phóng con người là chính của bản thân con người.