Thám Tử Sài Gòn

Chương 34: Lí do của căn phòng kín - Chương thử trí 3




Giống như hầu hết fan cuồng trinh thám, thượng úy Hàn Lương đặc biệt yêu thích các vụ án.

Từ ngày còn là học sinh cấp hai, cậu nhỏ Hàn Lương đã bị cuốn hút bởi các tiểu thuyết trinh thám. Các nhân vật thám tử, điệp viên, hình cảnh tài trí trong các tiểu thuyết trinh thám trở thành thần tượng, hình mẫu để cậu theo đuổi thay vì các ca sĩ, diễn viên, vận động viên thể thao như bạn bè đồng trang lứa.

Cậu nhỏ thường hay tập các thói quen quan sát, giải thích hiện tượng; nghiên cứu, sáng tác các loại mật mã; suy đoán tính cách, hành động của mọi người xung quanh. Cậu thích phức tạp hoá những vấn đề đơn giản, vì theo cậu “như vậy mới ngầu”.

Nằm mơ cũng thấy vụ án. Cậu nhỏ với niềm ham thích thái quá quyết tâm lớn lên sẽ trở thành một cảnh sát hình sự, để có nhiều cơ hội tiếp xúc với các vụ án hóc búa. Cậu tin rằng với trí tuệ hơn người của bản thân về lĩnh vực trinh thám, nhất định cậu sẽ trở thành một hình cảnh tài ba, tương tự như Harry Hole vậy.

Nỗ lực không ngừng vì đam mê, sau 3 năm thi lại đại học, cuối cùng Hàn Lương cũng trở thành học viên của học viện cảnh sát nhân dân. Trầy trật 4 năm cũng đến lúc tốt nghiệp, chàng thiếu uý trẻ vui mừng khôn xiết khi nhận được quyết định phân công công tác tại phòng cảnh sát hình sự thành phố. Ông trời quả nhiên không phụ người có lòng. Rốt cuộc ước mơ bao ngày của cậu trai trẻ đã thành hiện thực. “Hình cảnh số một Việt Nam, Hàn Lương! Ta đến đây!” Cậu đã hét lên như thế trong đêm đầu tiên khi ngủ tại đơn vị.

Trải qua 5 năm công tác, quân hàm đều đặn đã thăng đến cấp bậc thượng uý. Số vụ án tại Sài Gòn mỗi năm cậu tiếp xúc chỉ có nhiều lên. Có điều, chưa một lần nào Hàn Lương thể hiện được khả năng hơn người về phá án như ngày nhỏ anh hằng tưởng tượng.

Giải thích cho điều này, viên cảnh sát vừa bước qua tuổi 30 thường biện hộ rằng “do toàn gặp các vụ quá đơn giản, các đồng nghiệp khác đều giải quyết được” hay “chưa kịp điều tra thì hung thủ đã đầu thú” hoặc thậm chí là “công nghệ khoa học quá tiên tiến, bộ phận giám định đã làm thay hết mọi việc”.

Xem ra, việc trở thành một hình cảnh tài ba như Harry Hole không đơn giản như Hàn Lương nghĩ. Thời gian ngày một lâu nhưng ước mơ vẫn chưa đi đến đâu. Khi những hoài bão của tuổi trẻ bắt đầu bị lu mờ bởi nỗi lo của tuổi già, là lúc những suy nghĩ tiêu cực bắt đầu len lỏi vào đầu anh.

Người cảnh sát từng rất nhiệt huyết với nghề đã phân vân “không hiểu mình có đang lãng phí tuổi trẻ và tài năng cho công việc này?”, khi nhìn thấy những người bạn đồng trang lứa bây giờ đều đã trở nên thành đạt trong những công việc kinh doanh, nghệ thuật mà họ theo đuổi. Anh bắt đầu nhớ ra mình từng cũng rất thích viết lách. Sẽ ra sao nếu anh đi theo con đường văn sĩ nhỉ? Anh không thể biết được, cũng đã lâu rồi anh không nghĩ về việc sáng tác. Anh hình như đã bớt sự yêu thích dành cho nó, cũng như dành cho các vụ án. Dù vậy anh vẫn giữ vững sự tự tin rằng mình là một cảnh sát hình sự tài ba.

“Nếu mà gặp một vụ hóc búa, chắc chắn mình sẽ giải quyết được.”

Thượng uý Lương đã tin tưởng như vậy.

Tuy nhiên các vụ án hóc búa không phải là một chuyện cứ muốn là gặp được. Mà cho dù có gặp được, nếu người cảnh sát không đủ năng lực để giải quyết, chẳng khác nào trở thành trò cười cho những kẻ tay ngang.

Dù vậy nếu chỉ vì sợ không đủ năng lực mà né tránh các vụ án, thì làm sao có thể chứng tỏ được bản thân, làm sao tìm ra được đáp án cho câu hỏi về lý tưởng sống của cuộc đời. Rốt cuộc đó cũng chỉ là một trong những nỗi sợ trên đời này. Không thể không đối mặt, không thể nào né tránh.

Hôm nay là một ngày như thế. Hiện trường bên trong căn phòng 505 lúc mà thượng uý Lương và người đồng nghiệp lần đầu nhìn thấy trông khá đáng sợ. Mọi thứ bên trong căn phòng 2 giường ngủ thật lộn xộn. Có lẽ đã xảy ra xô xát. Rèm cửa sổ bị kéo hỏng nhẹ một bên. Bút, cặp táp nằm vương vãi dưới thảm. Tuy nhiên điều gây hoảng sợ nhất cho thượng uý Lương cùng những người nhìn thấy khác chính là xác một người đàn ông nằm đè trên chiếc bàn làm việc bị lật ngã, cạnh bên là hai chiếc ghế một ngã một dựng sát vách tường.

Dựa vào các nhân chứng có mặt trước cửa căn phòng, phía cảnh sát xác định được danh tính của nạn nhân. Nạn nhân là ông Bùi Minh Mạnh, 50 tuổi, đang hành nghề luật sư. Do yêu cầu công việc, nạn nhân cùng với 3 nhân chứng đầu tiên phát hiện ra hiện trường, tạm thời đến lưu trú tại khách sạn từ 12 giờ trưa nay. Để tiết kiệm các chi phí không cần thiết, nạn nhân và chú Kiệt được sắp xếp ở dãy phòng 2 giường, trong khi vợ chồng chị Kim anh Dũng sẽ ở riêng mỗi người một phòng đơn phía đối diện. Thời điểm tử vong của nạn nhân được phía pháp y dự đoán rơi vào từ trước đến sau 3 giờ chiều cùng ngày 15 phút. Nạn nhân chết do chấn thương não bộ, hung khí là chiếc gạt tàn thuốc được tìm thấy trong nhà tắm. Phía cảnh sát tạm thời chỉ cung cấp chút ít thông tin như vậy cho các nhân chứng, để tiện cho việc lấy lời khai.

Về quan hệ giữa nạn nhân và các nhân chứng, phía cảnh sát cũng đã tiến hành làm rõ.

Nhân chứng đầu tiên là chị Nguyễn Thị Kim, 33 tuổi, nghề nghiệp kinh doanh tự do. Nạn nhân là luật sư tư vấn cho chị và chồng mình trong việc giải quyết các tranh chấp tài sản khi ly hôn. Trả lời cho câu hỏi hơi tế nhị về lý do muốn ly hôn với chồng, chị Kim thẳng thắn chia sẻ “không thể sống cùng người chồng cờ bạc, nghiện hút thêm một phút giây nào nữa”.

Nhân chứng thứ hai là anh Bùi Anh Dũng, 35 tuổi, đang thất nghiệp, chồng hiện tại của chị Kim. Nói về lý do của cuộc hẹn bất thành lúc 3 giờ 30 chiều với nạn nhân, anh này cho biết “muốn đề nghị riêng với luật sư một số yêu cầu có lợi cho bản thân trong việc phân chia tài sản trước toà”. Anh này không nói rõ đó là những yêu cầu gì, tuy nhiên vợ của anh ta đã phản đối kịch liệt khi cho rằng chồng mình đang tìm cách lôi kéo vị luật sư quá cố về phe anh.

Nhân chứng thứ ba là ông Tạ Khắc Kiệt, 45 tuổi, nghề nghiệp thám tử tự do, người ở cùng phòng với nạn nhân. Nói về sự có mặt của bản thân, ông này cho biết mình “là thám tử riêng của cô Kim thuê để điều tra một số mối quan hệ bên ngoài của chồng mình, về cơ bản không có quan hệ gì đặc biệt với nạn nhân”.

Cả 4 người họ chỉ tạm thời lưu trú ở Sài Gòn một hôm để làm các giấy tờ cần thiết phục vụ cho vụ án ly hôn của chị Kim và chồng. Trưa ngày mai cả 4 sẽ đi Tây Nguyên để tiếp tục những công việc khác liên quan đến tài sản chung của đôi vợ chồng trẻ.

Ngoài các nhân chứng trên, cả Thiên Nhẫn và Hữu Minh cũng được triệu tập để xác thực lại các lời khai liên quan đến việc giao chìa khoá dự phòng cho chú Kiệt. Về phần quản lý trực tiếp ngày hôm đó của khách sạn và nhân viên phục vụ phòng, do không có liên quan nên phía cảnh sát đã miễn cho không lấy lời khai. Tuy nhiên thượng uý Lương cũng đã có nhắc nhở với họ “rất có thể sẽ phải đến trực tiếp sở cảnh sát để khai báo nếu nhận được yêu cầu”.

Tại một phòng trống của khách sạn được phía cảnh sát trưng dụng làm phòng hỏi cung bước đầu, các nhân chứng đều cho rằng mình vô can khi thượng uý Lương tỏ vẻ nghi ngờ về động cơ gây án của họ. Thế nhưng tất cả đều không ai có bằng chứng ngoại phạm trong thời gian nạn nhân bị mưu sát. Anh Dũng thì ở suốt trong phòng đến tận 3 giờ 30, chú Kiệt thì bắt đầu đi bơi từ 2 giờ, còn chị Kim thì ngủ đến gần 4 giờ mới dậy, sau đó thì đi xuống hồ bơi và gặp chú Kiệt.

- Tức là không ai có thể làm chứng cho ai, không ai có bằng chứng ngoại phạm. - Thượng uý Lương kết luận sau khi các nhân chứng khai báo.

- Anh đang nghi ngờ chúng tôi sao, anh cảnh sát? - Các nhân chứng mỗi người một câu, đại ý chính là như thế.

- Dễ hiểu mà, nạn nhân bị giết ngay tại phòng riêng nên khả năng hung thủ quen biết với ông Mạnh là rất cao. Các anh chị là những người có mối quan hệ tiếp xúc gần nhất với nạn nhân trong khoảng thời gian này. - Thượng uý Lương trả lời.

- Nếu thế chắc chắn không liên quan đến tôi! - Chị Kim tự biện hộ cho mình. - Nhìn căn phòng bừa bộn là đủ biết, hung thủ chắc là sau khi hẹn gặp riêng anh Mạnh đã xảy ra cãi vả, cả hai xô xát nhau rồi hung thủ dùng gạt tàn thuốc đánh anh Mạnh đến chết. Anh Mạnh thì không hút thuốc rồi, nên chắc chắn hung thủ phải là người hút thuốc. Tôi thì không hút thuốc nên tôi chắc chắn không phải là hung thủ.

- Có thể chị đã nói đúng ở chỗ diễn biến của vụ án. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào hung khí là gạt tàn thuốc để khẳng định hung thủ là người có thói quen hút thuốc, như vậy có lẽ hơi nóng vội. Chúng ta đều biết trong khách sạn, gạt tàn thuốc luôn được đặt sẵn ở mỗi phòng dù cho người khách thuê có phải là người hút thuốc hay không. Về phía tổ giám định và thu thập vật chứng của chúng tôi, không có báo cáo về việc tìm thấy vụn tàn thuốc trong hiện trường cũng như trên vết thương của nạn nhân. Chưa hết, nếu hung thủ biết rõ nạn nhân là người không hút thuốc, có thể sẽ khiến hắn tạm ngưng thói quen hút thuốc của mình nếu có trong thời gian gặp nạn nhân. Và một điều quan trọng nữa là trong khách sạn ngoài gạt tàn thuốc, tôi không nghĩ còn có thứ gì có thể sử dụng để làm hung khí trong trường hợp xảy ra xô xát này. Cuối cùng việc hung thủ tẩy rửa gạt tàn thuốc theo tôi chỉ nhằm duy nhất một mục đích là xoá dấu vân tay trên đấy. - Thượng uý Lương phản bác lại những lập luận của nữ nhân chứng.

- Có phải hắn cũng đã xoá các dấu vết khác luôn rồi không? Ví dụ như dấu vân tay trên bàn, ghế... - Thiên Nhẫn hỏi.

- Quả thật là hiện trường có dấu hiệu đã được lau dọn, tuy khá sơ sài. Bằng chứng là cạnh bên thi thể và các đồ vật ngổn ngang dưới sàn có một chiếc ghế được dựng ngay ngắn, đã qua lau chùi ở phần dựa lưng, chỗ hay được cầm nắm khi cần di chuyển. Bên trong nhà tắm, cùng với chiếc gạt tàn hung khí có cả một ly uống nước, cả 2 thứ đều đã được rửa sạch. Có lẽ hung thủ muốn xoá các dấu vết về vân tay trên những đồ vật mà hắn đã đụng vào. Vấn đề này tổ thu thập hiện trường cũng đang cật lực tìm kiếm các dấu vết liên quan còn lại. Hy vọng sẽ tìm thấy gì đó giúp làm sáng tỏ nhân thân của hung thủ, bởi theo như thông tin cung cấp từ khách sạn, do có nhiều sự phàn nàn về các hình ảnh riêng tư của khách nghỉ nên khách sạn đã bỏ hết các camera an ninh bên trong khu vực khách sạn và hồ bơi, chỉ giữ lại những cái ở khu vực bãi giữ xe. Tức là hiện tại không có bất kì dữ liệu hình ảnh nào của người đã ra vào phòng nạn nhân trong thời gian xảy ra án mạng.

- Vậy còn bí ẩn về căn phòng kín? Làm sao có thể khoá được cửa phòng khi mà chìa vẫn móc ở giá treo bên trong? Phía cảnh sát các anh đã giải thích được chưa? - Chú Kiệt thắc mắc.

Cứ như bị chạm vào chỗ đau, thượng uý Lương đột nhiên giật bắn mình. Khi đã lấy lại đủ bình tĩnh, ông trả lời bằng vẻ mặt đầy tâm trạng.

- Đó cũng chính là điều khiến tôi đau đầu nhất. Làm sao có thể khoá cửa phòng khi không có chìa khoá chứ? Rõ là không thể rồi. Chắc hẳn hung thủ đã dùng một thủ thuật nào đó.

- Nhưng vì sao phải làm như vậy? Tại sao hung thủ không khoá cửa theo cách thông thường, rồi sau đó chỉ cần phi tang chiếc chìa khoá đi. Như thế chẳng phải đơn giản hơn sao? - Cậu nhân viên Hữu Minh lên tiếng.

- Tôi làm sao biết được? Tôi có phải là hắn đâu? - Thượng uý Lương càng tỏ vẻ khó chịu hơn sau khi nhận những câu hỏi khó từ phía các nhân chứng.

- Hay do hắn muốn thử tài của cảnh sát? - Anh Dũng nhân chứng cũng đã tham gia vào cuộc bàn luận không có lối thoát.

- Thử tài gì chứ? Hắn nghĩ đây là game show sao? Đó đâu phải là thử tài, là làm khó cảnh sát thì có. Thách đố cảnh sát sao? Nghĩ rằng tôi sẽ không nghĩ ra được cách hắn tạo ra căn phòng kín? Thách đố kiểu như vậy rõ ràng là muốn đối đầu với cảnh sát. Loại tội phạm này...

Bỗng ngập ngừng trong mấy giây, thượng uý Lương tự dưng nét mặt gay gắt chuyển đổi sang trạng thái vô cùng tươi tỉnh. Ánh nhìn từ đôi mắt ti hí đột nhiên rộng mở. Khoé miệng nở ra một nụ cười phấn khích, tựa như sắp thực hiện được một điều lâu nay hằng ấp ủ.

- Tôi hiểu ra rồi! Tôi đã biết ai là hung thủ, cũng như cách mà hắn tạo ra căn phòng kín! - Thượng uý Lương reo lên.

Trái ngược với vẻ kinh sốc của những người đang có mặt, Thiên Nhẫn sau khi nghe lời tuyên bố chắc nịch của vị cảnh sát, ánh nhìn lộ nét hoang mang. Cậu trai trẻ tự bấu chặt hai tay của mình trong khi chăm chú dõi theo người đàn ông râu tóc bồm xồm, một thời cậu thường thân thương gọi là “Chú Kiệt!”.